Cảnh báo nợ của doanh nghiệp nhà nước

Vũ Thành Tự Anh (*)

clip_image001

(TBKTSG) - Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến 31-12-2008, tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 287.000 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ nước ngoài thì đến cuối 2008, tổng nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xấp xỉ 23,9% GDP.

Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) là 813.435 tỉ đồng, tương đương với 49% GDP. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ, thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009 (không kể chín tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.

Rõ ràng là nợ của cả DNNN và Chính phủ đều tăng rất nhanh trong một thời gian rất ngắn, trong đó mức tăng nợ của khu vực DNNN thật sự đáng lo ngại.

Nếu nhìn vào con số tuyệt đối, sau khi trừ đi các khoản nợ nước ngoài và với những tính toán thận trọng nhất thì trong năm 2009, khu vực DNNN chiếm không dưới 60% trong tổng tín dụng nợ nội địa tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đây là bằng chứng cho thấy các DNNN là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình hỗ trợ lãi suất và kích cầu của Chính phủ năm 2009.

Việc nợ của DNNN và nợ của Chính phủ đang ở mức khá cao, đồng thời tăng rất nhanh đòi hỏi phải sớm có những biện pháp quản lý nợ công hiệu quả.

Nội dung quan trọng nhất trong quản lý nợ công là quản lý rủi ro. Đầu tiên là rủi ro thị trường – chủ yếu liên quan đến sự thăng giáng thất thường của thị trường. Với viễn cảnh phục hồi đầy bất trắc, cộng thêm sự lan tỏa khủng hoảng nợ trên thế giới, thị trường có thể không mặn mà với trái phiếu chính phủ, đặc biệt là đối với những quốc gia có mức tín nhiệm tín dụng thấp và triển vọng tiêu cực. Phương pháp chủ yếu để hạn chế rủi ro thị trường là đảm bảo sự linh hoạt về thời điểm, cấu trúc, và các điều khoản của việc phát hành nợ.

Thứ hai là rủi ro lãi suất. Rủi ro này chủ yếu xảy ra đối với các khoản nợ có lãi suất thả nổi hoặc không được phòng vệ. Vì tỷ lệ nợ chính phủ với lãi suất thả nổi của Việt Nam còn thấp nên rủi ro lãi suất không phải là điều lo ngại trước mắt. Tuy nhiên, vì Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình nên tỷ trọng các khoản vay thương mại sẽ tăng. Vì lãi suất thương mại thường cao và biến động mạnh hơn lãi suất ưu đãi nên trước khi phát hành nợ, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ ngày càng phải cân nhắc nhiều hơn tới rủi ro lãi suất.

Thứ ba là rủi ro về dòng tiền. Cho đến nay, nợ ngắn hạn chiếm chưa tới 15% trong tổng nợ chính phủ của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tỷ lệ nợ ngắn hạn trên dự trữ ngoại tệ đang tăng lên sẽ đòi hỏi Bộ Tài chính phải hết sức thận trọng trong hoạt động quản lý nợ của mình.

Thứ tư là rủi ro về tỷ giá. Hiện nay khoảng một phần ba nợ chính phủ của Việt Nam là bằng đồng yen, vì vậy nếu đồng yen vẫn tiếp tục xu thế lên giá như hiện nay thì gánh nặng nợ nần cũng gia tăng theo. Tương tự như vậy, với sức ép của Mỹ và EU, xu thế đồng nhân dân tệ tăng giá là khó tránh khỏi. Trong khi đó, tín dụng thương mại bằng nhân dân tệ, đặc biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng ở Việt Nam đang tăng lên một cách nhanh chóng. Chính phủ cũng như doanh nghiệp vì vậy cần rất thận trọng khi đi vay bằng nhân dân tệ.

Cuối cùng, rủi ro lớn nhất có lẽ nằm ở hoạt động... quản lý rủi ro nợ công! Cho đến nay, từ Bộ Tài chính cho đến các DNNN đều chưa coi trọng đúng mức việc phân tích, đánh giá, và có biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế rủi ro khi phát hành nợ.

Cần lưu ý rằng vì nợ của DNNN và nợ của Chính phủ có tính chất và cấu trúc khác nhau nên cần có những biện pháp quản lý rủi ro thích hợp. Tuy nhiên, dù nợ ở cấp độ nào thì cũng phải tuân thủ một số nguyên lý cơ bản: không nên chấp nhận rủi ro khi không có biện pháp hữu hiệu để thấu hiểu và quản lý nó; không nên chấp nhận một mức độ rủi ro vượt quá một ngưỡng an toàn; và không nên chấp nhận rủi ro nếu không có một sự đền bù thỏa đáng.

Khi bỏ qua những nguyên lý hết sức giản dị nhưng cơ bản này, một doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí mất khả năng trả nợ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác cũng như toàn bộ nền kinh tế. Trường hợp Vinashin mới đây là một ví dụ điển hình. Tương tự như vậy, một nền kinh tế cần có chiến lược quản lý rủi ro nợ tốt để tránh đưa đất nước rơi vào gánh nặng nợ nần.

V. T. T. A.

Nguồn: Thesaigontimes.vn

___________________________________

(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn