Chống lạm phát phải minh bạch

Gia Minh, biên tập viên RFA

VIETNAM-ECONOMY-BANKING-INFLATION  

AFP photo

Nhân viên một Ngân hàng Thương mại ở Hà Nội đang nhận tiền gửi của khách hàng hôm 23/2/2011

 

Chính phủ Việt Nam vừa họp trực tuyến với 63 tỉnh thành trong cả nước và đưa ra nhóm bảy biện pháp để chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Sau đó Ngân hàng Trung ương Việt Nam cũng có bảy nhóm biện pháp để ổn định thị trường tài chính trong nước.

Động thái này được thực hiện ngay sau khi chính phủ có quyết định điều chỉnh tỷ giá, và cho tăng giá xăng dầu lên một mức được nói là kỷ lục và vào đầu tháng Ba, giá điện cũng được tăng lên.

Liệu nhóm biện pháp của chính phủ và ngân hàng đưa ra sẽ có thể giúp giải quyết những bất ổn kinh tế hiện nay thế nào?

Gia Minh nêu vấn đề này ra với tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia Cục Thống Kê Liên Hiệp Quốc.

Hiện tượng tích trữ ngoại tệ

Trước hết ông Vũ Quang Việt nêu lại nguyên nhân của ‘căn bệnh’ mà nền kinh tế Việt Nam mắc phải lâu nay:

Tôi nghĩ tình trạng này do chính sách của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kéo dài suốt nhiệm kỳ năm năm nay rồi. Lúc nguy hiểm nhất là năm 2008 do quan điểm của ông là muốn đạt tốc độ phát triển kinh tế bằng mọi giá. Vì thế tạo ra lạm phát năm 2008, sau đó có cố gắng kéo xuống, đến thời gian thế giới bị khủng hoảng, ông Nguyễn Tấn Dũng lại đẩy thêm tiền muốn tăng trưởng thêm vượt bực nữa, cuối cùng lạm phát vẫn tiếp tục mà tốc độ phát triển vẫn thấp. Cho đến bây giờ tình trạng nguy ngập hơn.

Bây giờ không chỉ lạm phát mà là một cuộc khủng hoảng tương đối khá toàn diện. Lúc này người ta mua vàng, đô la để tích trữ, mà không chịu bán ra. Cả hệ thống kinh doanh của chính phủ là những tập đoàn Nhà Nước có tiền đô la cũng không bán cho Nhà Nước, do đó Ngân hàng Trung ương càng ngày càng thiếu ngoại tệ. Năm ngoái số ngoại tệ dự trữ chừng khoảng 25 tỷ đô la nhưng năm nay còn 10 tỷ, mà theo tôi còn xuống thấp hơn nữa. Mọi người phải giữ tiền để bảo vệ, không bán cho ngân hàng. Từ đó những nhà nhập khẩu không có tiền để nhập khẩu. Do đó bắt buộc phải có biện pháp thôi.

Người ta mua vàng, đô la để tích trữ. Cả những tập đoàn Nhà Nước có tiền đô la cũng không bán cho Nhà Nước, do đó Ngân hàng Trung ương càng ngày càng thiếu ngoại tệ.

TS Vũ Quang Việt

Gia Minh: Bảy nhóm giải pháp do chính phủ vừa chỉ đạo, theo ông mức độ có thể giải quyết vấn đề ra sao?

TS Vũ Quang Việt: Bảy nhóm giải pháp đó đều đúng rồi; đó là những điều cần phải làm. Vấn đề cần làm nữa là gây lại uy tín và điều nữa là cần giao quyền lại cho Ngân hàng Trung ương Việt Nam. Như bất cứ quốc gia nào khác khi xuất khẩu lấy ngoại tệ về cần phải bán cho Ngân hàng Trung ương chứ đâu được quyền giữ như kiểu ở Việt Nam bây giờ.

Ngoài ra, chính phủ lại lập ra những công ty đá quí- vàng bạc để tự do buôn bán về vàng, họ có thể nhập và xuất khẩu vàng một lúc trị giá vài tỷ đô la để kiếm lời. Các công ty vàng bạc- đá quý đó biến thành một dạng công ty kinh doanh tiền tệ, một dạng ngân hàng. Trong thời gian vừa rồi ngươì ta mua vàng về Việt Nam rất nhiều, cả hàng tỷ đô la như vậy lượng đô la cho hoạt động kinh tế không còn nữa.

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa rồi người ta cho rằng có tình trạng chính phủ để cho các đại gia tự do làm ăn, khuynh đảo kinh tế. Ngoài ra với chỉ tiêu kinh tế phát triển mạnh, đặt ra những mục tiêu như thế thì phải giảm đầu tư xuống, nhưng giảm ai? Trong khi tại Việt Nam đầu tư chủ yếu cho các tập đoàn quốc doanh, nhưng giảm đầu tư, giảm tín dụng thì ai phải bị giảm? Phải có kế hoạch cụ thể và người dân phải có thể theo dõi những việc như thế.

Cần phải minh bạch

Gia Minh: Ngân hàng cũng đưa ra những nhóm giải pháp, trong đó có việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, mà vẫn bảo đảm yêu cầu về vốn, vậy làm sao có thể thực hiện được?

VIETNAM-ECONOMY-INFLATION-GOLD

Vàng miếng SJC tại một tiệm kinh doanh vàng ở Hà Nội hôm 25/2/2011. AFP photo

TS Vũ Quang Việt:Không thể có hai mục tiêu được. Nếu muốn chống lạm phát, mà chắc chắc sẽ có lạm phát, thì không thể bảo đảm mục tiêu có tín dụng để phát triển được. Hai điều đó không đi với nhau, phải hy sinh một điều. Nếu muốn giảm tín dụng phải chọn đơn vị nào để cắt, có danh sách cụ thể; chứ nói chung chung vậy thôi thì sắp đến đây họ sẽ lên thủ tướng cho biết họ cần những gì đó, không thể kiểm soát được.

Gia Minh: Qua theo dõi nhiều nơi có thể so sánh thì ông thấy biện pháp chính nhất cần làm đối với Việt Nam là gì?

TS Vũ Quang Việt: Theo tôi chống lạm phát là đúng, chương trình bảy điểm là đúng, thế nhưng tôi cũng như nhiều người khác ở Việt Nam đều đặt câu hỏi là cụ thể làm gì, có thể theo dõi được không? Nhà Nước có cho biết công ty này lỗ, công ty kia lỗ nhưng sao không đưa thông tin cụ thể cho mọi người biết. Cụ thể như vấn đề Vinashin  báo lời nhưng thực sự bị lỗ, vậy đâu là sự thật?

Muốn tạo được niềm tin nơi quần chúng cần phải minh bạch hóa. Nếu có minh bạch, giới trí thức và những người có khả năng phân tích, ngay cả trong Quốc hội mới có thể góp ý được, đưa ra những điểm có lợi cho chính phủ. Người dân biết rõ tình hình kinh tế đất nước cũng là điểm có lợi.

Chính phủ phải sử dụng những người có khả năng phân tích. Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều người nói. Tại Việt Nam có Ủy ban Cố vấn Tài chính Quốc gia, những người trong ủy ban đó phải có trách nhiệm cố vấn cho thủ tướng, nói cho thủ tướng; nhưng lại cứ phát biểu để chứng tỏ họ là người có khả năng ảnh hưởng, có khả năng quyết định hơn ông Thống đốc Ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng chưa nói mà những người khác đã phát biểu ‘ầm ĩ’ lên, có những phát biểu sai về lý thuyết kinh tế.

Gia Minh: Như thế bài toán điều hành vĩ mô có quá khó đối với Việt Nam, và có bài học nào có thể giúp cho Việt Nam không?

Nếu có minh bạch, giới trí thức và những người có khả năng phân tích, ngay cả trong Quốc hội mới có thể góp ý được, đưa ra những điểm có lợi cho chính phủ.

TS Vũ Quang Việt

TS Vũ Quang Việt: Vào những năm 80, 90 lúc Việt Nam có lúc lạm phát đến cả ngàn phần trăm đã có những bài học. Nay chỉ lặp lại thời đó thôi. Ví dụ một điểm không rõ Việt Nam hiện có bao nhiêu ngoại tệ. Mới đây chính phủ yêu cầu các ngân hàng báo cáo, vậy từ xưa đến nay Ngân hàng Trung ương không nắm được sao?

Ngay trong hệ thống chính phủ đã không minh bạch rồi. Quyền hành của Ngân hàng Trung ương quá ít. Nếu Ngân hàng Trung ương biết chính xác số ngoại tệ thì có thể xử lý vấn đề cung- cầu, và có thể xử lý theo luật. Nếu không có đủ dự trữ, phải đến IMF vay mượn để giải quyết vấn đề. Một khi đến vay như thế người ta sẽ đưa ra những điều kiện như cắt giảm chi tiêu, cắt giảm đầu tư…

Tôi không nghĩ Việt Nam đã đến mức đó, nhưng Việt Nam có nhiều ngoại tệ nằm ngoài kiểm soát của Ngân hàng Trung ương. Hiện có quá nhiều người muốn có quyền tại Việt Nam, và theo tôi cho đến lúc này vai trò của Ngân hàng Trung ương chưa được đặt ra đúng mức. Nếu giải quyết tốt hơn có thể giải quyết vấn đề giá của đồng đô la tại Việt Nam.

Gia Minh: Cám ơn Ông.

G. M.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn