Hướng về nước Nhật

Blogger Hiệu Minh

clip_image001  

Động đất và sóng thần tàn phá. Ảnh: Internet

 

Hai tháng trước, tôi thăm Tokyo va Yokohama. Ấn tượng với nước Nhật hiện đại, có kỷ luật và các cô gái đẹp như trong mộng. Rất có thể, vài người trong số họ đã không còn ở trên thế gian này. Số phận con người thật mỏng manh trước đất trời.

Trận động đất mạnh 8,4 độ Richter xảy ở vị trí khoảng 400 km về phía Đông Bắc Tokyo, kéo theo sóng thần và gây thiệt hại lớn, được sự quan tâm của toàn thế giới. Rất mong bạn đọc trong blog HM hướng về nước Nhật và chia sẻ tinh thần với họ, mong nước Nhật vượt qua những khó khăn rất lớn hiện nay.

Thảm họa động đất và sóng thần

Như thường lệ, sáng 11-3-2011, tôi, cu Luck chuyển kênh Thời tiết (Weather Channel), xem nhiệt độ bao nhiêu để mặc quần áo cho bọn trẻ đi học. Trên màn hình dòng chữ “Earthquake in Japan – Động đất ở Nhật Bản” to tướng. Phía sau là ảnh sóng thần dữ dội đổ vào bờ biển, người xem nhớ đến tsunami mùa Noel 2004, giết chết hơn 200 ngàn người.

Hàng ngàn ô tô, tàu bè, cầu đường bị cuốn trôi bởi sóng thần cao 10 mét. Sân bay chìm trong biển nước khổng lồ.  Điện, nước mất, nhiều vùng bị cô lập bởi nước biển dâng cao. Nhiệt độ phía vùng bị thiên tai dưới 0oC, không điện và sưởi.

Nhiều người đứng trên nóc nhà vẫy khăn, cầu cứu trong tuyệt vọng. Một làng ven biển với gần 10.000 người mà chưa có tin tức gì. Rất nhiều người Việt đang học và sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng chưa hiểu số phận ra sao.

Cơn thịnh nộ của đất trời tàn phá mạnh gấp nhiều lần những trái bom nguyên tử ném xuống nước Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Một vụ nổ đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Người ta đang sợ một thảm họa Chernobyl thứ hai. Thiên tai và nhân họa đang đe dọa đất nước mặt trời mọc.

Sự bình tĩnh của người Nhật

Mải suy tư, tôi chợt nhớ ra một phần trách nhiệm của mình về IT cho văn phòng Tokyo. Tới văn phòng mở email, thấy giáo sư Hồ Tú Bảo, đồng nghiệp cũ ở Viện Tin học, đang online liền hỏi thăm. Biết anh và gia đình vẫn an toàn vì ở xa tâm chấn. Mong biết bao những người Việt đang ở Nhật cũng ở xa như anh. Cầu chúc cho họ bình an.

clip_image002

Nổ lớn ở nhà máy Fukushima

Bỗng nhìn thấy Juls, IT của Tokyo, đang online. Online, nghĩa là anh vẫn an toàn. Hỏi vài câu biết là anh bị tắc ở văn phòng, tàu hỏa không làm việc nên không thể về nhà. Mừng vì biết hệ IT vẫn OK và lo vì làm sao anh về nhà được. Lúc đó là 11 giờ đêm.

Tokyo cách trung tâm địa chấn mấy trăm km nhưng vẫn bị rung chuyển rất mạnh. Tôi bảo Juls viết đôi lời về cảm giác trải qua động đất.

Qua email của anh, tôi biết được sự bình tĩnh của người Nhật đã giúp họ vượt qua thảm họa thiên tai với thiệt hại ít nhất.

Xem trên YouTube quay cảnh động đất trong một cửa hàng thực phẩm. Tòa nhà rung chuyển mạnh, đồ đạc đổ lung tung, rượu, bia đổ lên láng trên nền nhà. Thế mà nhân viên không kêu khóc, hoảng sợ. Họ vẫn đứng giữ cho hàng không đổ sập, thay vì chạy ra ngoài, tránh động đất.

Một ông chồng quay cảnh vợ chạy ra phố, không thấy biểu hiện của sự sợ hãi. Người Nhật đã quá quen với cảnh thiên tai này. Từ xa xưa đến bây giờ, nhà cửa, đường sá và con người đều tìm cách “sống chung với động đất và sóng thần”.

Người Việt ta làm gì để giúp các bạn Nhật

Có lẽ ai cũng nghĩ, Nhật giàu lắm, nền kinh tế thứ 3 thế giới, chẳng cần sự giúp đỡ của người nghèo VN. Nhưng xem tin tức, bạn sẽ biết, sự giúp đỡ to lớn đang đổ về nước Nhật từ khắp thế giới, từ vật chất đến tinh thần, từ nước giàu đến nước nghèo.

Nếu bạn đi trên những con đường cao tốc, những cây cầu hiện đại ở VN, thì hãy nghĩ, một phần trong đó được đồng bào phía Bắc Nhật Bản đóng thuế. Họ cho chúng ta vay để phát triển. Trước mất mát của họ, bạn cần phải làm gì.

Trung Đông nằm ở rốn các giếng dầu. Đó là đô la, vàng, nhưng cũng là mầm mống của xung đột. VN nằm ở rốn các cuộc chiến tranh. Nước Nhật nằm ở rốn của các trận động đất và sóng thần. Khó mà biết đất nước nào bất hạnh hơn.

Nhớ lại năm tháng chiến tranh, hàng triệu người Mỹ, người Âu và cả các bạn Nhật đã đổ ra đường biểu tình, lên án chiến tranh. Cuộc sống như ở thiên đường, nhưng họ vẫn nghĩ đến người Việt Nam trong cảnh đầu rơi, máu chảy. Đó chính là vì họ biết chia sẻ. Cả niềm vui lẫn nỗi đau.

Đóng góp tiền bạc, vật dụng quan trọng, hay tham gia cứu trợ là thiết thực nhất. Nếu có chỗ nào quyên góp thì bạn hãy dừng lại nghe ngóng. Không có điều kiện thì đừng nghĩ đó không phải là việc của mình. Sự thờ ơ sẽ giết cả tâm hồn chúng ta.

Có một việc làm rất dễ. Gửi email, gọi điện hỏi thăm bạn hay đồng nghiệp Nhật hay đồng bào Việt ta bên đó.

Nếu không có người quen, hãy xem tin tức về nước Nhật, hướng về những nơi đang chịu mất mát, cầu chúc cho họ vượt qua nỗi đau.

Thử tưởng tượng, một hôm nào đó, bạn ở trong tâm chấn, nhà cửa hoang tàn, sóng biển xô vào và cuốn đi tất cả. Có thể bạn còn sống, ở một nơi nào đó, cô độc và nhận ra, chẳng có ai nghĩ đến bạn cả. Tai họa đó còn khủng khiếp hơn nhiều.

Bạn hãy tin tôi đi. Xem tin tức về nước Nhật trong thảm họa hôm nay, bạn học được rất nhiều ở họ. Kiên nhẫn, kỷ luật, đoàn kết, bình tĩnh, biết chia sẻ, tập thể mạnh… kể ra rất nhiều. Những đức tính đó sẽ làm nước Nhật mạnh lên. Đọc về họ, chúng ta cũng mạnh thêm và biết sống trong thảm họa.

Cảm ơn các bạn đã đọc entry này, nghĩ về nước Nhật và chia sẻ với họ, với đồng bào ta bên Nhật.

12-03-2011

H. M.

clip_image003

Tokyo đổ ra đường. Ảnh: Reuter.

Email của  Julius Ornido Bagasbas (Juls)

Gửi từ Tokyo cho nhóm IT khu vực vùng Đông Á và Washington DC.

Staff in Tokyo office are all safe after the earthquake yesterday. Being calm is very important. Actually the bldg announcement saying that the bldg is safe helped us to remain calm. Tất cả mọi người đều an toàn sau trận động đất hôm qua. Bình tĩnh rất quan trọng. Quản lý tòa nhà thông báo là building vẫn an toàn giúp cho chúng tôi yên tâm.

After the almost 5mins the bldg stopped shaking. That’s when we’ve decided to evacuate the bldg and move to the park nearby. Sau 5 phút tòa nhà bị rung lắc, thì chúng tôi quyết định rời tòa nhà và ra công viên gần đó.

We made sure that everyone is accounted for and we were all safe gathered at the park. Kiểm tra lẫn nhau để đảm bảo tất cả đã ra và tụ tập trong công viên.

Some of us went back to the office to call our loved ones and making sure that other staffs on AWS and AL are safe as well. Một số bạn quay lại vp để gọi điện về nhà và xem cả những người nghỉ phép ở nhà có an toàn hay không.

NCR looked normal when I checked it. Phòng mạng máy tính có vẻ hoạt động bình thường vào lúc tôi kiểm tra.

Let pray for those who lost their lives and their loved ones. Hãy cầu nguyện cho những người đã chết và người thân của họ.

Important lessons that I’ve learned. Đây là những gì tôi học được sau động đất

  1. Stay calm and make sure you know what to do during emergency. Bình tĩnh và biết mình phải làm gì trong tình trạng khẩn cấp

  2. Always be alert and have presence of mind. Know where the emergency supplies are. Luôn tỉnh táo và suy nghĩ. Biết những vật dụng cần trong lúc khẩn cấp ở chỗ nào.

  3. Secure the room before leaving making sure that no one get’s left behind. (Ask everyone where other staffs might have gone).  Đóng cửa cẩn thận, không để ai bị kẹt lại.

  4. Inform your loved ones that you’re safe to avoid panic. Thông báo cho người thân là bạn an toàn để tránh lo lắng, hỗn loạn.

  5. Avoid making long phone calls to prevent wireless network congestion. Đừng nói chuyện dài trên điện thoại vì có thể làm mạng nghẽn.

  6. When communicating SMS is not reliable.  Always use email. Nếu gửi tin nhắn không an toàn, thì nên dùng email.

  7. Having a smartphone helps. For some reason, data communication was working while voice aren’t. Viber iPhone app worked while normal voice calls can’t. YM worked, Facebook and Skype worked during this time. Cellphone đời mới giúp rất nhiều. Đôi lúc, trao đổi tin ngắn, email lại hữu ích, trong khi gọi điện không thể được.

  8. Having all staff member’s contact details stored in your address book helps. Có địa chỉ liên lạc, điện thoại của tất cả đồng nghiệp trong cellphone rất hữu ích.

Nguồn: Hieuminh.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn