Ngẫm nghĩ Chủ Nhật: Lẩm cẩm Thiên hạ sự hay là chuyện dài “Cụ Rùa Hồ Gươm”

Lẩm Cẩm Lão Gia

CỤ RÙA ĂN CÁ CHẾT

Xem đoạn băng cụ rùa ăn cá chết*

Tôi bàng hoàng tưởng chẳng phải Hồ Gươm

Nước váng quánh – cụ rùa sao chịu được

Hỡi thần dân, ai đang phá môi trường?

---

Rùa quý lâm nguy bao năm nay

Ai biết, biết không? Ai chưa hay?    

Nước váng quánh – làm sao sống nổi?

Rùa thần “trường thọ” Cũng bó tay!!!

---

Truyền thuyết vua Lê mượn gươm báu              

Mười năm ròng đánh tan giặc Minh               

Một lần vua dạo hồ Tả Vọng**   

Long Quân sai rùa đòi gươm thần

---

Dân tin linh thiêng  dù truyền thuyết         

Bao đời nay rùa vẫn ngự lòng hồ

Nước váng quánh – làm sao sống được

Biết kêu ai nữa? Hỡi cụ rùa…?!

---

Xem đoạn băng cụ rùa ăn cá chết

Váng mặt hồ quánh đặc cụ ngoi lên

Cụ bấn loạn vẫy vùng trong tuyệt vọng

Thương cụ, người xem xuýt xoa rên…!

                                   Mai Hương

 

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Ghi chú: *Cụ rùa ăn cá chết,

** Tả Vọng là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Người xưa nói “chín người mười ý”. Theo như câu nói này thì rõ ràng người Việt Nam vốn thích “nhiều chuyện”. Thế nhưng, chỉ những lớp người sống từ thời Vua Bảo Đại trở về trước mới “nhiều chuyện” – còn ngày nay thì không. Ngày nay, mọi chuyện lớn nhỏ đã có “Đảng no (lo)”. Nào “Khai thác bauxite là chủ trương nhớn của Đảng”. Nào “Bộ Chính trị chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin” và dĩ nhiên “5 năm nữa chúng ta sẽ có một Vinashin hoàn toàn mới” là điều đã rõ ràng như “đêm giữa ban ngày”.

Đến ngay việc trọng đại của Đất nước, của Cử tri là bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng Nhân dân mà theo lời phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 016 của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng như sau:

-“Cần làm tốt công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử, làm cho nhân dân, cử tri hiểu rõ yêu cầu, tính chất của cuộc bầu cử thật sự là ngày hội, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội”.

Thì rõ ràng chuyện bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp là hết sức quan trọng và ý nghĩa. Ngoài ra, Điều 54 Hiến pháp 1992 quy định như sau:

-“Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”.

Thêm nữa, Điều 1 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, qua những lần sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã ghi rõ ràng:

-“Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.”

Thế nhưng, khi trao đổi bên hành lang Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH và HĐND khóa mới hôm nay (10/2) tại Hà Nội, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cho biết “số lượng đại biểu là người ngoài Đảng ở Quốc hội khóa tới sẽ giao động từ 15 - 20%, so với 18% hiện tại” (1)!

Ngoài những lời “vàng ngọc” trên đây của ông Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên còn có lời của ông Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh như sau:

-“Về độ tuổi: Với cán bộ chuyên trách Trung ương, trên 50% những người được bầu phải đủ tuổi đảm nhận công việc cho hai nhiệm kỳ trở lên, số còn lại phải đủ tuổi tham gia 1 nhiệm kỳ (sinh từ tháng 5/1956 trở lại đây). Trường hợp khác thì báo cáo Bộ Chính trị”.

Những quốc gia đi theo con đường Nhà nước Pháp quyền đều coi trọng Hiến pháp. Bởi Hiến pháp là Luật cao nhất của một Quốc gia. Không ai có thể vi phạm Hiến pháp. Và như thế, vi phạm Hiến pháp là một điều cấm. Cho dù có là Tổng thống của một nước nhưng cũng không thể đưa ra những quyến định “VI HIẾN”.

Nhưng qua bài báo trên đây thì có thể thấy rằng, có thể khẳng định rằng “Bộ Chính trị còn đứng trên Hiến pháp bởi Đảng chỉ cho phép 15-20% đại biểu là người ngoài Đảng cũng như giới hạn độ tuổi của người ứng cử Quốc hội”! Bởi thế, người dân Việt Nam hôm nay không cần, không có nhu cầu “nhiều chuyện” là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, kể từ khi cái Nghị định 97 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành – mà bọn người xấu miệng vẫn thường gọi là “Nghị định Bịt mồm” – thì đám dân đen coi như “tịt” đường “phản biện” – hay cũng có thể gọi là “vô sinh, vô hậu, tiệt tử, tiệt tôn chuyện phản biện”.

Như vậy, có thể hiểu được vì sao hôm nay người Việt Nam đã mất cái tính “nhiều chuyện” vốn có từ thời xa xưa. Bởi thế, người dân Việt Nam hôm nay luôn “ngại” nhiều chuyện những chuyện mà có thể liên lụy, phiền toái đến bản thân và gia đình như “bầu cử, 10-20% ngoài Đảng, Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam…

Thế nhưng, “bản tính thì khó dời”. Một đất nước Việt Nam với hơn 80 triệu dân mà chả nhẽ không có chuyện gì để người ta nhiều chuyện? À, ha. Xin thưa là có đấy. Đó là chuyện “Cụ Rùa Hồ Gươm”. Mấy tuần lễ gần đây, nếu rảo qua các mạng “chính thống, lề phải” thì thiên hạ bá tánh tha hồ ngâm cứu chuyện “Cụ Rùa Hồ Gươm” – xin tạm được gọi như vậy. Cánh nhà blogger cũng đâu nào chịu thua kém gì đám người chỉ quen cắm đầu cắm cổ đi theo con đường “lề phải” đã vạch sẵn nên đề tài “Cụ Rùa Hồ Gươm” cũng được giới blogger bàn tán rất là sôi nổi. Với lại, chuyện “Cụ Rùa” là chuyện ngoài phạm vi của Đảng ta và cũng không dính dáng đến “nước lạ, người lạ”. Do đó, có mạnh miệng bàn tán cũng không phải sợ bị xộ khám.

Nghe đâu có ông Giáo sư Tiến sĩ gì đó bỏ cả hàng chục năm trời để nghiên cứu “Cụ Rùa Hồ Gươm” và sẵn sàng nổi nóng nếu có ai đó bỗ bã gọi con rùa, thay vì “Cụ Rùa”! Lẩm Cẩm Lão Gia tôi là một lão già quê mùa, hủ lậu nên đâu dám có lời bàn ra bàn vào chuyện “Cụ Rùa Hồ Gươm”. Với lại, người xưa có câu “Có kiêng thì có lành”. Bởi thế, có thể chấp nhận “Cụ Rùa Hồ Gươm” là một “linh vật” hay “ biểu tượng tâm linh” gì gì đó. Dù gì đi nữa thì “Cụ Rùa Hồ Gươm” cũng là một sinh vật đã gắn bó với Hồ Gươm, với Hà Nội ngần ấy năm trời nên cũng có thể xem “Cụ Rùa Hồ Gươm” là một người láng giềng tốt bụng. Hơn nữa, “Cụ Rùa Hồ Gươm” cũng chưa làm hại ai, hay mang tai họa đến cho người nào. Đến ngay như “ông Mác, ông Lê”, những người đã khiến máu nhân loại chảy thành sông, hàng triệu người mất mạng và cả hai ông này đã bị ruồng bỏ ngay ở xứ sở, ngay tại chính quốc của họ, ấy mà hiện nay đâu thiếu gì người sùng kính hai ông này như tổ tiên. Vậy thì đâu cần gì phải khó dễ với một “Cụ Rùa Hồ Gươm” già cả hiền lành?

Thế nhưng, qua những bài báo được đưa lên mạng cùng với những lời bàn của phe “ủng hộ Cụ Rùa là biểu tượng linh vật” và cả phe phản đối bởi vì “rùa Hồ Gươm chỉ là một con rùa già, hoặc tệ hơn là một con giải… chứ không phải là rùa” thì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thấy có mấy vấn đề bất cập.

imageCụ Rùa phải ăn xác mèo chết

Thứ nhất. Cứ tạm cho “Cụ Rùa Hồ Gươm” hiện nay là hậu duệ hoặc chính là “Rùa Vàng” đã đòi kiếm năm xưa thì “Cụ” đã sống trong môi trường ô nhiễm khủng khiếp này bao nhiêu năm rồi? Không ít lãnh đạo của thành phố Hà Nội cũng đã từng nói rằng “Cụ Rùa là biểu tượng tâm linh của Hà Nội”. Và không ít người Việt Nam hiện nay cũng có cùng quan điểm này. Vậy thì cái xã hội hiện nay là một xã hội đáng sợ bởi cái xã hội này đã tạo ra rất nhiều con người vô cảm đến cùng cực vì “Cụ Rùa phải sống trong ao tù hàng chục năm trời cũng như đói đến nỗi phải ăn mèo chết, ăn chó chết”! Linh vật mà phải sống trong môi trường hôi thối hay phải ăn những thức ăn dơ bẩn như vậy thì liệu có còn là “linh vật” được chăng?

Thứ hai. Sau khi “Hà Nội lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ Rùa” thì việc cứu “Cụ Rùa” đã diễn ra rất là khẩn trương. Thế nhưng, hôm nay “Cụ Rùa” đã thoát khỏi lưới vì lưới “hàng chợ” (2)! Ối giời ơi, một tấm lưới tốt để cứu “Cụ Rùa Linh Vật” thì tốn hết bao nhiêu tiền? Mà đâu phải những người thất học chỉ đạo chuyện này? Toàn là quan đầu ngành, Giáo sư, Tiến sĩ đấy chứ? Chả nhẽ các quan đầu ngành, Giáo sư, Tiến sĩ không thể nào biết được, kiểm tra được chất lượng của “lưới hàng chợ”? Hay Hà Nội thiếu kinh phí?

Chỉ một cậu quý tử con của ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã ngốn hết gần 40 triệu đồng cho tiền điện thoại cho một tháng mà nói Hà Nội không có kinh phí để mua lưới tốt để bắt “Cụ Rùa” thì quả là một điều nhục nhã, khó tin! Hay là bọn “rùa đỏ khốn nạn” đã cắn nát tấm lưới rồi? Ngay cái thân xác già nua của “Cụ Rùa Hồ Gươm – biểu tượng linh vật của Thủ đô” mà bọn “rùa đỏ khốn nạn” nó còn không tha thì bọn “rùa đỏ khốn nạn” này quả là ghê gớm và đáng sợ!

Thứ ba. Có không ít ý kiến cho rằng “Cụ Rùa Hồ Gươm” là “linh vật hay biểu tượng tâm linh” của Thủ đô, của người dân Hà Nội. Rồi lễ “khai ấn Đền Trần”, “yểm tim tượng Thánh Gióng và ngựa sắt”, hay “Mặc dù vào ngày đi làm (14/2), nhiều xe biển xanh, biển đỏ của Hà Nội và các tỉnh vẫn ùn ùn kéo về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) để cầu tài, cầu lộc” dù “Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có công điện gửi các cơ quan trực thuộc, yêu cầu xử lý nghiêm cá nhân, tập thể sử dụng xe công đi lễ hội và lễ chùa trong giờ làm việc. Chỉ đạo này nhằm chấn chỉnh tình trạng làm việc lơi lỏng tại một số cơ quan công quyền. Sau Tết, nhiều công chức nghỉ hoặc bớt thời gian làm việc để đi lễ hội và lễ chùa” (3)

image

Xe công đi đền Bà Chúa Kho

Những điều trên cho thấy vấn đề “tâm linh” là một chuyện rất cần thiết trong đời sống của mọi người. Từ thời nhà Lý, đạo Phật đã hưng thịnh ở Việt Nam. Trải qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể, đến nay đạo Phật vẫn tồn tại và phát triển. Những năm gần đây, các chùa lớn được xây dựng. Rồi những tượng Phật nằm dài nhất, lớn nhất cũng đã được đúc. Rồi những “đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình” đã được tổ chức nhiều nơi.

Chỉ có một điều khiến Lẩm Cẩm Lão Gia tôi nghĩ hoài không ra. Đó là khi vào đọc tiểu sử 14 vị Ủy viên Bộ Chính trị thì tất cả 14 vị đều theo chủ nghĩa vô thần! Thôi thì, “chín người mười ý”, nên Lẩm Cẩm Lão Gia tôi cũng chả bận tâm chuyện này mấy tí. Nhưng đến khi qua đọc tiểu sử của mấy trăm vị Đại biểu Quốc hội thì lại thấy phần đông cũng không có ai theo một Tôn giáo nào!

Thế thì tại sao người ta phải đi xe hơi, sắp hàng cả cây số để vào đến Bà Chúa Kho để xin lộc? Thế thì tại sao “khai ấn đền Trần” cũng có vài bóng quan cấp Bộ? Thế thì tại sao phải xem “Cụ Rùa Hồ Gươm” là một “biểu tượng linh vật” của Thủ đô, của người Hà Nội để rồi bàng quan vô cảm khi thấy “Cụ Rùa Hồ Gươm” sống trong một môi trường ô nhiễm trầm trọng trong thời gian cả hàng chục năm trời, cũng như nhìn “Cụ Rùa Hồ Gươm” đói đến nỗi phải ăn xác thối của mèo chó? Rõ ràng, cái xã hội này đã tạo ra nhiều con người “giả tạo”. Và tất nhiên cái xã hội này cũng là một cái xã hội “giả tạo”. Có phải chính vì cái xã hội “giả tạo” này mà đã khiến Nhà sử học Dương Trung Quốc đã chua chát thừa nhận “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn” (4)!

L. C. L. G.

Tác già gửi trực tiếp cho BVN.

(1) Vietnamnet.vn

(2) Vnexpress.net

(3) Vnexpress.net

(4) Vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn