Nghĩ lan man về tình cảm yêu nước nhân chuyện giải cứu Cụ rùa ở Hồ Gươm

Phạm Anh Tuấn

Lý trí con người có lẽ tuân theo một quy luật tự nhiên, ấy là khởi đầu nó nhận biết bằng cảm tính sau đó mới “tin” rồi đi tới “tìm hiểu” để rồi thấy mình có quyền được “tin chắc” và cuối cùng thì nó “biết” hoặc may mắn thì nó “nhận thức”. Trong lĩnh vực tình cảm, khó lòng có quy trình ngược lại. Trai gái gặp nhau thì người nọ yêu người kia hoặc hai người yêu nhau rồi mới tìm hiểu lẫn nhau để biết nhau. Khi đã nói vanh vách về tình yêu, kể vanh vách về nhau thì có nghĩa là hai người đã hết muốn tìm hiểu nhau, thậm chí đã hết yêu nhau mất rồi.

Tình cảm cao quí nhất chắc chắn là tình cảm yêu nước. Lòng yêu nước có thể là một thái độ nhận thức sâu sắc và tồn tại lâu bền, nhưng sự phát sinh lòng yêu nước thì mang tính tự phát. Giác ngộ cũng là mang tính tự phát. Giảng giải cũng chẳng qua là người nọ lợi dụng tình cảm tự phát của người kia. Không thể đặt tình cảm vào trong óc người khác như nhét một cây bút vào trong túi quần. Muốn có tình cảm đẹp thì phải có một môi trường đẹp. Muốn có tình cảm sạch thì phải có một môi trường sạch. Muốn có tình cảm chân thật thì phải có môi trường chân thật. Muốn có tình cảm yêu nước chân thật thì phải có những điều kiện hoặc môi trường yêu nước chân thật.

Gia phong là môi trường quyết định đời sống tình cảm. Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại ví gia đình như cánh cung, hướng đi của mũi tên và mũi tên có đến được đích hay không phụ thuộc vào sức mạnh của cánh cung (Công nghệ học, tập 1, Hồ Ngọc Đại, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2010). Vì thế một cách tự nhiên, tình cảm yêu nước thường có điều kiện nảy sinh ở những con người sinh ra trong một môi trường gia đình yêu nước.

Nhưng tự do bày tỏ công khai là điều kiện đầu tiên và là điều kiện tiên quyết cho sự phát sinh tình cảm yêu nước. Hậu quả của việc không được phép bày tỏ tình cảm công khai một mặt là sự đau khổ (tình cảm càng mạnh mẽ thì nó càng thật và nỗi đau càng lớn khi không được bày tỏ công khai) và mặt khác là tình trạng vô cảm. Thử tưởng tượng trai gái đau khổ nhường nào nếu bị ngăn cấm nói “anh yêu em” hay “em yêu anh”. Nỗi đau khổ còn lớn gấp bội phần không thể ước nổi khi con người bị ngăn cấm bày tỏ công khai tình cảm yêu nước mạnh mẽ. Nhưng vô cảm dễ bị cải biến thành sự bộc lộ tự phát tình cảm “lởm”. Cung cấp những điều kiện hoặc môi trường lởm tức là tạo điều kiện cho sự phát sinh tình cảm lởm. Cụ Phan Bội Châu gọi là chứng bệnh “ái quốc giả”. Lúc ấy “tiếng chuông trống kêu hồn [nước], vẫn trong ngoài dóng dả, mà nghe cho tới nơi thời rặt là tiếng chuông trống trò bội” (Cao đẳng Quốc dân của Phan Bội Châu).

Sự phát sinh tình cảm, tình yêu, tình cảm yêu nước là mang tính tự phát, cho nên nghệ thuật vừa hay là công cụ par excellence để khuyến khích sự phát sinh những tình cảm đó. Khi còn là một cậu bé, tôi được đọc bản dịch viết tay của bố tôi một chương trong cuốn Thế giới ngày qua (Le Monde d’Hier) của nhà văn người Áo Stefan Zweig (chương đó có đầu đề là Paris, la Ville d’une éternelle jeunesse – Paris, thành phố mãi mãi trẻ trung) mà sau này lớn lên có biết chút ít ngoại ngữ nhưng tôi cũng không thích tìm đọc lại văn bản gốc hoặc bản dịch xuất bản của người khác chỉ vì mỗi lý do tình cảm. Dưới đây là một đoạn văn mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ (có lẽ là nguyên vẹn, nếu sai thì có lẽ là do có yếu tố lý trí nào đó can thiệp vào, yếu tố dịch thuật đúng sai xin không bàn tại đây). Đoạn văn đó là thế này: “Ở nơi đây [thành phố Paris] cũng như ở khắp nơi nơi trên thế giới, tôi bỗng hiểu ra bằng toàn bộ sức mạnh cảm thông, rằng một nền văn học lớn hướng tới sự chân thật đã đem lại biết bao điều có lợi cho một dân tộc, khiến cho một dân tộc trở thành bất tử”.

P. A.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn