Tản mạn về lòng tự trọng

Blogger KL

Khó cắt nghĩa điều gì khiến tôi viết ra những dòng này. Pha trộn của nhiều suy nghĩ, kỷ niệm và quan sát. Dường như khởi nguồn là từ một số sự kiện các nhân vật lớn của nước nhà buông ra những lời to tát, như là không thèm chấp dư luận, hay hình như một chút là từ những bức xúc ngồn ngộn trên các phương tiện thông tin đại chúng, v.v. về nhiều thực trạng buồn nản, nợ nước ngoài dần tăng, cận kề mức đáng lo ngại, lạm phát ngất ngưởng, rồi tình trạng các bác vi phạm luật giao thông nhảy lên đánh cả cảnh sát khi bị chặn lại?

Chà, bắt đầu từ đâu đây? Tôi bắt đầu từ sự tận tụy, từ sự “chỉn chu” của một số con người tôi gặp trong đời. Một lần, trong một chuyến bay của hãng hàng không Sing-ga-po, cô chiêu đãi viên trẻ trong lúc đi dọc giữa hai hàng ghế để mời nước giải khát, đã vô tình hơi để khay nghiêng quá, hậu quả là một cốc nước trái cây sóng sánh đổ ra, và vì tôi ngồi ngay cạnh lối đi (đã thành thói quen) nên nước cam chảy một vệt ướt từ ngực áo xuống tận đầu gối… Trời đất, có thể thấy rõ là cô gái trẻ lúng túng và ân hận tới tột độ. Cô rối rít nói xin lỗi tôi tới mức làm tôi cũng thấy ngại như thể chính tôi có lỗi vậy! (Dù thực sự là cô ta phạm lỗi, dù không phải quá to tát). Thế rồi cô hối hả tìm cách lấy giấy, khăn ướt lau cho tôi. Mà khổ cái nước cam nó có không màu không vị như nước lọc được đâu… cô lau nhiệt tình, nhanh thoăn thoắt và tận tụy, miệng vẫn không ngớt xin lỗi, tới mức làm tôi đâm ngượng. Tôi giữ ý và cố tỏ thái độ rất nhẹ nhàng, rằng để tôi tự lau,v.v. đến lúc đó chắc cô ta nhận thấy tôi không cần phải phiền lụy gì, mới rời chỗ tôi. Nhưng ngay lập tức, tôi lại được chăm sóc đặc biệt bởi các đồng nghiệp khác của cô, và một anh đứng đứng hơn – đeo biển Tiếp viên trưởng chạy tới ngay. Anh ta lấy một bộ mặt hết sức chân thành và đầy chuyên nghiệp, xin thay mặt Tổ tiếp viên thành thực xin lỗi tôi một lần nữa, và xin tôi tha thứ cho sự bất cẩn của nhân viên. Ngay sau khi bữa ăn đã dọn dẹp xong, anh quay lại và rút bút, sổ và giấy tờ ghi ngay một phiếu thưởng đền bù dành cho tôi, trong đó hướng dẫn rõ ràng là một khoản đền bù khá là hậu hĩ (so với việc về nhà tôi chỉ cần thay quần áo và giặt sạch nước cam). Đương nhiên, không thanh toán tiền mặt (điều này cũng chuyên nghiệp quá) mà chỉ cho phép tôi đem tới một quầy mặt đất trong hệ thống phi trường của hàng không Sing-ga-po qui định và đổi lấy một hiện vật giá trị tương đương ghi trên phiếu. (Sau này về một phi trường của họ, tôi chả biết lấy gì hơn là một chai rượu mạnh loại sang trọng – vì tự dưng nghĩ tới một người thích loại rượu đó – và hiểu rằng mình đã gián tiếp “tiêu thụ” cho hàng hóa của họ!).

Một kỷ niệm khác làm tôi nhớ tới, lần này không phải là người Sing-ga-po mà là những người dân bình thường ở thủ đô Băng-kok. Dự một hội nghị lớn, chúng tôi được hàng ngày đưa đón bằng xe bus. Mà là xe cỡ lớn như xe đi du lịch đường trường. Chiếc xe to cộ và cồng kềnh, mỗi lần ra vào khách sạn thì thật là khó khăn… Thế mà lúc sẩm tối hôm đó (tầm năm 2004) chúng tôi lại được Ban tổ chức đưa ra một khu dịch vụ và quán ăn tối đặc biệt ở ngoài khu trung tâm đông đúc. Chiếc xe từ tốn đi ra khỏi khách sạn nơi tổ chức hội nghị và hòa vào dòng xe đông đúc trên đường phố Băng-kok đúng vào giờ cao điểm nhất lúc chiều tối. Vô vàn là nhiều ô tô các loại, xe gắn máy, v.v. từ xa ùn ùn kéo lại… Thôi, tôi thầm nghĩ trong đầu, kiểu này thì có mà còn lâu mới thoát ra khỏi khu vực này được để mà đến chỗ ăn tối. Chắc mẩm là như vậy, vì tôi đã quá quen với cái tình trạng giao thông ở Việt Nam rồi. Khi chiếc xe kềnh càng quay, nó choán hết phần đường của mình, lấn hết sang bờ bên kia, và nó phải tiến lùi một vài lần mới quay được trọn vẹn để tiến tiếp… Vô cùng sửng sốt, tôi quan sát thấy (từ trong xe, qua khung kính) trong lúc xe quay và chậm rãi lấy khoảng trống phù hợp không có một người đi xe máy nào rồ ga phóng tới, len lỏi qua mũi xe hay đuôi xe để cố lách qua. Lạ nhỉ, ô tô không len vào vừa thì đã đành, đông xe máy thế kia cơ mà, vậy mà tất cả những người đó lặng lẽ đợi. Họ còn ý tứ không tiến lên sát quá, để dành khoảng trống cho người lái xe của chúng tôi đánh lái đàng hoàng, không vướng víu. Họ đứng ngay ngắn, không lấn lướt, người sau không bấm còi inh ỏi thúc giục người trước… tất cả trật tự, cho tới khi chiếc xe thoát ra góc hẹp đó và đi thẳng thì những chiếc xe máy mới tiếp tục đi, trật tự và bình thản… (mà phải thêm rằng tuyệt nhiên không có một bóng cảnh sát giao thông ở đó).

Có dịp được tiếp xúc với một số bác lãnh đạo, thấy họ cùng sánh đôi với đồng cấp của một số nước lớn vào hàng siêu cường trên thế giới… tôi kín đáo quan sát cách ứng xử nơi văn võ bá quan nhìn vào… Tôi nhận thấy trong khi vị Bộ trưởng của nước siêu cường phương Tây nọ đang nói rất chân thành, giản dị (nhưng vô cùng thâm thúy) với thanh niên, sinh viên của chúng tôi, thì vị lãnh đạo ngang cấp của ta nhìn như là sắp ngủ gật (dù xét về “lệch múi giờ” và nhịp sinh lý thì phía bạn bay từ bên kia địa cầu vừa sang đến ta là hối hả vào lịch làm việc ngay ắt hẳn là đang mệt hơn ta mới phải). Lại một lần khác, tôi được kể rằng có vị dân biểu (nghị sĩ quốc hội) của ta sang một thủ đô Tây phương học hành công tác gì đó, đi cùng anh em lưu học sinh, khi xuống ga tàu điện ngầm của họ “chị” đã rất nhanh (cứ như là theo bản năng) đi nép vào ngay sau bạn Việt Nam dẫn đi để qua cửa soát vé tầu mà không phải đút vé vào khe kiểm soát… Còn nhớ, người bạn Việt Nam đó sau này kể rằng đã thất vọng thế nào về cái sự “lậu vé” của chị dân biểu (mà trong nước nghe đâu hình như cũng lẫy lừng lắm…).

Vậy nhưng điều gì ẩn sau tất cả những sự kiện, những ứng xử của các nhân vật tôi vừa kể lể con cà con kê ở trên?

Nói lại chuyện đi trên đường, khác với giao thông ở Băng-kok như trên đã kể, việc tôi được thường xuyên chứng kiến hàng ngày ở Hà thành của chúng ta là tình trạng người tham gia giao thông chen lấn nhau, cố gắng người sau lách lên người trước. Nhất là khi vào chỗ dừng đợi đèn xanh, đường dù to rộng cách mấy (và có sơn kẻ hai luồng đàng hoàng) kiểu gì thì họ cũng đứng choán hết cả sang phần đường bên đối diện, coi như là sự đương nhiên. Lắm khi, đi qua những đoạn đó, chúng tôi (người đi luồng ngược lại) không sao đi được vì họ đứng lấn hết – và vẻ mặt họ tảng lờ đi, không ai tỏ ra có ý dẹp vào nhường phần đường lý ra không phải của họ. Tôi chợt nảy ý nghĩ trong đầu rằng nếu lúc đó mình nhìn vào mặt họ và nói to lên rằng “Các bác, các anh các chị trông đều sáng sủa cả, mà sao đỗ dừng xe vô văn hóa thế!” thì không hiểu bao nhiêu người trong số họ sẽ còn biết ngượng mà đỏ mặt lên ?! Mà có lẽ, cũng chả cần phải “thử” như thế, gần đây báo mạng đưa nhiều tin về những vụ vi phạm luật giao thông rồi. Dù sai mười mươi, một số người khi bị cảnh sát chặn lại lập tức sửng cồ, tát cảnh sát, rồi có người còn vác gậy, vật cứng ra tấn công phủ đầu cảnh sát. Lái xe taxi có anh còn cố ý đâm và kéo cảnh sát đi một đoạn rồi kẹt đường mới chịu dừng lại!

Không cần biện luận nhiều, ai cũng thấy rằng nhân viên hàng không lỡ tay làm đổ nước cam, rồi thượng cấp của cô, tất cả họ ứng xử với một tinh thần trách nhiệm cao, mà phải nói thêm, rằng tôi chỉ là một hành khách bình thường, chưa phải là một thượng khách ngồi hạng nhất. Có thể thấy rõ chắc hẳn họ được đào tạo để làm việc chuyên nghiệp như thế. Còn nhớ, có người đã kể cho tôi rằng, ở ngay thủ đô Sing-ga-po, có một góc vườn hoa người ta làm hình tượng một người lớn rót nước xuống và một đứa trẻ đứng hứng nước phía dưới. Người ta giải thích rằng bức tượng đó (với hệ thống dẫn nước lắp đặt sao cho nước thành dòng chảy liên tục từ trên xuống dưới) nói lên quyết tâm của đất nước bé nhỏ đó, giữ được truyền thống trong sạch và ngay thẳng. Thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau thông qua hình tượng rót nước – dòng nước trong suốt, sạch sẽ… Tới Sing-ga-po vài lần, tôi vẫn chưa có dịp nào để ý tìm đến đúng chỗ đó để được tận mắt xem, có lẽ nhất định lần sau phải tìm bằng được.

Những người đi xe máy ở thủ đô Thái Lan như tôi mô tả, có phải họ kém bận rộn hơn nhiều so với người Hà Nội của chúng ta, nên sẵn sàng chờ đợi và bỏ phí quãng dăm ba phút? Có phải họ không thể rồ ga phóng tới, thi nhau lách qua đầu xe bus để mà thẳng tiến? (Và chắc ai cũng rồ ga thế thì chiếc xe to kềnh của chúng tôi sẽ kẹt cứng ở đó tới hàng giờ đồng hồ mất). Hay là trong ý thức, họ biết tự thấy có trách nhiệm, có bổn phận chờ đợi, nhường nhịn ít phút? Trong khi đó ở ta, đừng nói là dừng lại nhường cho xe quay, đứng lấn sang đường phía đối diện đã như thành thông lệ? (Chứ chẳng dám lạm bàn tới những vụ phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ hay các vi phạm nghiêm trọng khác…). Cắt nghĩa điều này thế nào? Ai đó sẽ bảo vì: “ý thức” dân ta kém. Nhưng ý thức kém đó từ đâu? Có thể họ lại bảo: “thì vì không được học luật giao thông”. Tôi nghi ngờ một chút, nhưng cũng có thể có lý. Xét cho cùng, đúng là để có được cái bằng lái xe ô tô con (chứ đừng nói bằng lái xe máy) có nhiều người chẳng đi học, chẳng có tý bài vở luật pháp nào thật. Bởi đến buổi thi, một bác nào đó được “phím” trước sẽ đứng đằng sau và khe khẽ nhắc cho mà làm bài đạt điểm tối đa… Nhưng kể cả không học luật, tôi thiết nghĩ điều tối thiểu cũng là biết đứng đúng phần đường của mình, không làm phiền tới người khác? Phải chăng điều đó khó dạy dỗ quá?

Phải chăng đằng sau ý thức công dân chính là lòng tự trọng cao? Có thế con người ta mới quyết tôn trọng pháp luật? Tôn trọng pháp luật và biết tự hổ thẹn thì người dân thường cũng không dám làm sai, dù là không có cảnh sát tới phạt. Cái kiểu làm gì cũng làm quấy quá cho xong, làm lấy lệ như đã ăn sâu bám rễ vào dân ta là do đâu? Phải chăng sâu xa cũng lại xuất phát từ lòng tự trọng thấp? (Bởi người có lòng tự trọng cao, thì làm gì cũng cố làm cho tới cùng, cho tốt nhất, không thì tự mình cũng thấy hổ thẹn với chính mình). Rồi cái tính đó lan ra xã hội, khiến cho nhiều sự (hay mọi sự?) trở thành dối giá cho xong. Bệnh hình thức, bệnh thành tích cũng gia tăng từ đó? Đặc biệt tai hại là nó chui sâu vào tầng lớp trí thức của đất nước. Nó khiến cho vàng thau lẫn lộn, mọi sự trở nên đại khái, tạo ra một tầng lớp trí thức cứ “nhàn nhạt”, không dám đấu tranh với cái xấu, cái bất hợp lý… co mình lại với việc thường nhật, kiếm sống, và xem nhẹ nghĩa vụ “bất thành văn” của giới trí thức – đó là tham gia một cách chủ động vào đời sống chính trị xã hội của đất nước…

Chúng ta trông mong được vào sự dần dần đi lên của nền dân trí, khi mà xã hội đang giàu lên được không? Trong khi bao nhiêu hiện tượng gần đây cho thấy một sự vô cảm len lỏi vào từng con người? Bao người thấy hành vi bạo hành trẻ em, vậy mà tảng lờ đi? Cho tới lúc những hình ảnh gây công phẫn tràn ngập báo đài? Bao bạn trẻ chứng kiến bạn bè mình bị đánh hội đồng? Và khi được hỏi thì nói rằng chuyện đó “xưa như… Diễm!” ?

Nhưng chúng ta vẫn đang cố giáo dục học sinh, thanh thiếu niên đấy thôi? Đến đây thì tôi nhớ tới một bài viết trên mạng của tôi, luận bàn về cái sự gian lận, “copy” trong thi cử của người Việt. Vậy mà chả hiểu sao sau khi tôi đăng lên mạng một thời gian ngắn, một “dị bản” của bài viết đó – bị cắt xén đi nhiều chỗ, khiến cho cấu trúc và ý tứ lộn xộn – lại được người ta đàng hoàng cho đăng lên một tờ báo lớn (tờ này có ấn phẩm báo giấy lẫn báo mạng, và có tên và nội dung rất “văn hóa” hẳn hoi!) – và đương nhiên, dưới bài viết là một tên tác giả (hoặc bút danh) ai đó, không phải tôi. Phát hiện ra trang web có bài “cắt dán” đó, một số bạn bè tôi bức xúc thay tôi. Một cô bạn thân thậm chí còn gửi phản hồi vào trang chính thức đó. Cô hỏi họ rằng các bạn đăng bài lên án tệ quay cóp, gian lận trong thi cử, thế nhưng chính các bạn lại copy bài của bạn mình đưa lên đây là thế nào?? Họ giấu biệt không cho phản hồi đó của bạn tôi được đăng lên mạng. Và ngay sau đó, tệ hơn, cô bạn tôi phát hiện ra tài khoản email của mình có dấu hiệu bị tấn công, đánh phá, khiến cô phải cầu viện quản trị mạng giúp đỡ. Đó, có những nhà báo – những trí thức của chúng ta đang làm việc và hành xử như thế đấy! Xét cho cùng, thì cái nhà anh gì đi xe máy không đội mũ bảo hiểm khi bị cảnh sát chặn lại bèn rút vật cứng ra tấn công cảnh sát cũng chả đến nỗi vô văn hóa lắm, nếu đem so với mấy nhà trí thức cắt dán bài người khác thành bài của mình, rồi tìm cách tấn công (qua mạng) tài khoản email của người phát hiện và lên án hành vi sai trái của họ…

clip_image001

"Văn hóa" lên án sao chép và gian lận

Tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của một nhân viên hàng không, một người dân đi xe máy trên phố, một nhà báo, hay thậm chí của một người đứng đầu quốc gia, về bản chất theo tôi không khác gì nhau cả. Tuy vậy, ảnh hưởng của việc làm tròn bổn phận, hay ngược lại – để lòng tự trọng của mình ngủ quên – của từng người trong những con người đó có khi rất khác nhau. Nhân viên hàng không tặc lưỡi lơ là một chút, chỉ một hành khách bị ảnh hưởng, và quá lắm thì một chút tiếng tăm không tốt cho bản hãng. Nhà báo không tự trọng thì có lúc cũng chả ai biết, có lúc biết thì chỉ bản báo bị ai đó chê bai một chút? Người đi đường không biết tự trọng thì trật tự giao thông đảo điên một chút… Nghị sĩ hay Thủ tướng không tự trọng thì có khi chỉ là một chiếc vé phạt (dù khá nhục nhã) vì đi lậu tàu điện ngầm, nhưng cũng có khi cả dân tộc phải trả giá… Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, có khi mọi thứ đều có mối liên hệ chặt chẽ. De Tocqueville từng nói: “In every democracy, the people get the government they deserve”. Điều tôi e sợ là gì?

Tôi e sợ khi chẳng may có học sinh trong phòng thi quay cóp bị bắt sẽ cãi giám thị, rằng ối thầy cô, nhà giáo có học hàm học vị đàng hoàng còn copy của người khác làm của mình đầy ra đấy…

Tôi e sợ là chẳng may có bác nào bị bắt vì phạm luật giao thông lại gân cổ lên cãi, rằng ối bác to hơn tôi nhiều, sai phạm đầy ra đấy, có xử không?

Lòng tự trọng của từng công dân gián tiếp vun đắp nền văn hóa cả xã hội? Và nó phải được hình thành từ lúc tấm bé, lớn dần lên, thành người trưởng thành, thành người có địa vị, rồi dần dần khi họ thành lãnh đạo tầm quốc gia?

KL

Nguồn: klfosb.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn