Đài Loan giành giật Trường Sa?

Việt-Long- RFA

image  
Hoả tiễn phòng không Thiên Cung III của Đài Loan. AFP photo  

Nhiều diễn biến sôi động tại Đông Nam Á đã tiếp nối những chuyến công du như thoi đưa của các nhà lãnh đạo Việt Nam sang Ấn Độ và Trung Quốc hôm thứ tư tuần trước. Đài Loan nhảy vào cuộc, với ý định gì?

 Đối đầu, lên gân

Trước hết phải nói đến cuộc đối đầu nhẹ nhàng trên biển vừa xảy ra giữa tàu chiến Philippines và tàu đánh cá của Trung Quốc.  Tóm tắt, tàu đánh cá của Trung Quốc đang kéo theo 25 chiếc xuồng nhỏ đi trong hải phận Bãi Cỏ Rong, vùng đảo san hô do Philippines chiếm giữ. Gặp tàu tuần Philippines tiến tới, tàu này bèn cắt dây chạy đi, bỏ lại những xuồng nhỏ.

Tàu tuần của hải quân Philippines kéo cả đám xuồng về bến, và nói sẽ giao trả hết. Philippines còn ngỏ lời xin lỗi qua toà đại sứ Trung Quốc ở Manila vì tàu Philippines đã chạm phải một cái xuồng. Tuy nhiên Manila cũng nói tàu Trung Quốc có đánh cá lậu trong lãnh hải của Phi.  

image Hàng không mẫu hạm Thi Lang của Trung Quốc. AFP photo

Đó là một hành động thăm dò của Trung Quốc, có thể coi như để “nắn gân” Manila sau khi xảy ra vụ tập trận đổ bộ của Mỹ với Philippines và sau khi Đài Loan nói sẽ trang bị hỏa tiễn phòng không Tiền Chiến I cho đơn vị đóng trên đảo Ba Bình. Đó là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa bị Đài Loan chiếm giữ năm 1946. Đài Loan rút về, rồi lại tái chiếm hôm 20 tháng 5 năm 1956. 

Và trong vụ “nắn gân” vừa qua, Philippines đã “lên gân” để tỏ ra cương quyết, trong khi tàu Trung Quốc được lệnh bỏ đi. Nhưng lập tức Manila tỏ thái độ mềm mỏng để  tránh gây căng thẳng, có nghĩa là Philippines chỉ nhắm bảo vệ lãnh hải quanh đảo Bãi Cỏ Rong,

Muốn gì?

Đài Loan hành động khá bất ngờ khi tỏ lập trường mà mới nhìn qua tưởng chừng như đứng về phía Trung Quốc để chống lại Việt Nam và Philippines trong vấn đề chủ quyền ở Trường Sa.

Tuy nhiên xét kỹ ở bên trong, thì ngược lại, Đài Loan dường như chỉ muốn xác định chủ quyền của họ trên đảo Ba Bình của Trường Sa. Đài Loan bố trí gần 150  thuỷ quân lục chiến trên đảo này, cách nay mấy tháng còn có phái đoàn ra viếng thăm ủy lạo. 

Ba Bình nằm trong nhóm đảo Ba Bình - Nam Yết ở phần tư đông bắc của quần đảo Trường Sa, rất gần đảo Nam Yết là căn cứ phòng thủ Trường Sa chính yếu của Việt Nam, nhưng Ba Bình cách xa Bãi Cỏ Rong của Philippines.   

image Hải quân Việt Nam tập trận bắn đạn thật ở Hòn Ông. AFP photo

Người đòi đưa hoả tiễn phòng không Tiền Chiến I ra Trường Sa là đại biểu quốc hội họ Lâm của Đài Loan, được Bộ Quốc phòng ủng hộ ý kiến. Ông Lâm nói là Việt Nam có cả ngàn quân ở Trường Sa, được các phản lực cơ chiến đấu Sukhoi 27 và 30 yểm trợ, trong khi quân Đài Loan ở Ba Bình chỉ có đại bác phòng không 20 ly mà thôi.

Nhắm ai?

Những lời tuyên bố đó mới nghe thì như muốn kèn cựa với Việt Nam nhưng thực ra lại nhắm vào Philippines. Lý do là vì Philippines là nước có lập trường cương quyết nhất trong vấn đề chủ quyền của họ trên đảo Bãi Cỏ Rong, chứng tỏ qua vụ đụng chạm vừa rồi, và đã được chứng tỏ qua nhiều diễn tiến sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc, cả từ trước cuối tháng Tám khi Tổng thống Aquino thăm Trung Quốc. 

Trong chuyến thăm đó  Bắc Kinh đã không làm cho Manila đồng thuận được về biện pháp song phương, mà Philippines chỉ tuyên bố chung chung và ký kết hướng về kinh tế, thương mại.

Thông cáo chung sau thượng đỉnh Philippines - Trung Quốc hôm mùng 2 tháng Chín cũng chỉ cam kết sử dụng đường lối hoà bình và tôn trọng, áp dụng “Bản tuyên bố về ứng xử” do Bắc Kinh và khối ASEAN ký kết. Văn bản này từng nổi tiếng là một văn kiện gọi là “không có răng”, tức là không có hiệu lực ràng buộc chút nào. Rồi thì Philippines lại phản đối thông cáo chung của Việt Nam - Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Manila cho rằng hai nước Việt Trung đã đồng ý giải quyết song phương.

Thêm vào đó, sự kiện gần đây nhất khiến Đài Loan đòi bố trí hoả tiễn ở Ba Bình là cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ với Philippines. Tuy cuộc tập trận diễn ra sau khi Đài Loan đã nói đến chuyện hoả tiễn, nhưng tin tức liên quan đã được biết đến từ lâu. Rồi cuộc tập trận này đã từng dự định thao dượt đổ bộ lên Bãi Cỏ Rong, nhưng vì tình hình “tế nhị” nên phải thay đổi để đổ bộ lên bờ Tây đảo Palawan, trong khi vùng sôi động vì phiến quân Abu Sayyaf lại nằm trên đảo Sulu ở vùng biển phía đông Palawan.

Như vậy có thể nói Đài Loan không hẳn chống lại riêng Việt Nam hay Philippines, mà ý chính là muốn xác định chủ quyền của  họ trên đảo Ba Bình giữa lúc ba nước liên quan chính yếu đang sôi nổi vì vấn đề chủ quyền ở Trường Sa. Làm như thế là để đòi quyền khai thác chung sau này. 

image Binh sĩ Mỹ chào cờ trước khi tập trận đổ bộ Palawan với quân đội Philippines- AFP photo

Nói đến khai thác chung, người ta nhớ đến đề tài “thành quả chuyến đi vừa rồi của Tổng bí thư và đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam sang Trung Quốc”.

Níu đằng tây, xoa dịu đằng đông

Việt Nam đã rất khôn ngoan khi ký kết hoà bình với Trung Quốc ngay giữa lúc cùng ký kết để cho Ấn Độ thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Đông.  Trung Quốc từng phản đối  hợp đồng này, nhưng đã cam kết hoà bình với Việt Nam trong khi Việt Nam đang ký kết với New Delhi để Ấn Độ hoạt động trên biển Đông.

Làm như vậy khiến Trung Quốc khó lòng có hành động thô bạo đối với công cuộc hợp tác Việt Nam-Ấn Độ ở biển Đông sau này, tuy rằng không ai đảm bảo được hành vi của nước lớn bá quyền này.

Cũng nên lưu ý đến sự mở lối kín đáo cho giải pháp đa phương trong nguyên tắc thứ ba trong sáu nguyên tắc do Việt Nam ký kết với  Trung Quốc. Điều thứ ba này có câu là “ nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác thì sẽ  hiệp thương với các bên tranh chấp”. Điều khoản này tuồng như mở lối cho những vòng đàm phán đa phương cục bộ giữa Trung Quốc và một vài nước ASEAN liên quan, mà không có Nhật Bản và Hoa Kỳ hay Ấn Độ, Australia ở đây.

Liệu đa phương cục bộ có mở rộng thêm nữa được không? Điều đó còn tuỳ thuộc tình hình kinh tế - chính trị - quân sự - xã hội của quốc tế và của nội bộ của các đấu thủ đặt cược trong canh bài lớn ấy.

V.L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn