Đồng tiền khiến cả khỉ cũng nhảy múa: Quan hệ Myanma – Trung Quốc

(Hay những tâm tư của một người dân Miến Điện – ND)

Kanbawza Win, Eurasia Review 14/10/2011

Tường Minh lược dịch

Gần đây, nhiều người trong chúng ta tỏ ý lạc quan trước những biến chuyển đáng mừng của Miến Điện. Có người còn hy vọng: “mùa xuân của châu Á” có lẽ đã bắt đầu. Vậy thực chất những chuyển biến của chính quyền Thein Sein là như thế nào? Chẳng lẽ tên đế quốc sừng sỏ sát nách đang khát tài nguyên của đất nước này và lâu nay dắt mũi cái đám độc tài Miến là mấy vị trong Trung Nam Hải lại chịu thất bại dễ dàng thế ư? Xin hãy nghe lời tâm tình sâu kín của một người dân Miến Điện – đại diện cho những con người từng phải chịu trận trước bao nhiêu chính sách tàn bạo đứng vào hàng nhất nhì châu Á, của một tập đoàn quân sự thân Bắc Kinh trong mấy thập kỷ nay, và hiện đang nằm dưới tay của một chính quyền bán dân sự – về những hiện tượng bề ngoài và thực chất bên trong những gì đang xảy ra tại một xứ sở vốn lấy chùa chiền làm trung tâm nhưng đã từ lâu rồi không một ai được hưởng chút hạnh phúc bình đẳng bác ái của nhà Phật.

Bauxite Việt Nam

Sự kiện trùm khủng bố Osama Bin-Laden bị bắn hạ hồi tháng 5 vừa qua đã đẩy quan hệ giữa Hoa kỳ và Pakistan chuyển hướng và hiển nhiên là Pakistan, khi còn đang phụ thuộc vào hàng tỷ đôla viện trợ cả quân sự lẫn dân sự từ Washington chỉ còn trông chờ vào Bắc Kinh, giờ đây với vị thế như một giải pháp thay thế nhằm phục vụ mục tiêu đối trọng chiến lược với Ấn Độ.

Điều này được khẳng định lại khi Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani gặp Bộ trưởng Bộ Công an TQ Meng Jianzhu để cảm ơn vì khoản viện trợ 1,2 tỷ USD trang bị cho các lực lượng thực thi pháp luật, trong lúc Hoa Kỳ lại tố cáo cơ quan tình báo Pakistan ISI đã có những liên hệ với quân khủng bố. Tuy nhiên, khác với những gì phô diễn bên ngoài, thái độ của TQ thực ra lại có phần thờ ơ. Một công ty khai thác khoáng sản TQ – China Kingho Group đã rút ra khỏi dự án lớn nhất của TQ ở Pakistan trị giá hơn 19 tỷUSD ở tỉnh miền Nam Sindh viện cớ vì các lý do an ninh. Sự vụ này không thể không so sánh với việc TQ bị buộc phải rút ra khỏi dự án đập Myitsone ở bang Kachin của Myanma ( Miến Điện) trị giá 3,6 tỷ USD.

Vậy ý nghĩa của tất cả những diễn biến đó nằm ở đâu ?

Những cái ôm kiểu Trung Quốc

Khởi nguồn từ cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo của chính quyền quân sự là Thống soái Than Suề với Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào vào tháng 4/2005 tại Jakarta nhân hội nghị Á- Phi, lúc đó Than Suề (Than Shwe) đưa ra ý tưởng về dự án cung cấp điện từ thủy điện Myitsone sang TQ. Thế nhưng giới sĩ quan cao cấp trong quân đội ngay từ giai đoạn khảo sát, thăm dò đã biết rõ rằng những hậu quả tiêu cực của dự án sẽ lớn hơn những lợi ích thu về và rất nhiều tướng lĩnh cao cấp không hài lòng với việc xây đập nhưng vì hèn nhát mà không dám lên tiếng.

Thời điểm đó chính quyền quân sự Miến Điện đang mở chiến dịch tấn công tổ chức MNDAA ( Quân đội Đồng minh quốc gia dân chủ Miến điện ) và cả nhóm buôn ma túy Kokang vì họ phản đối kế hoạch bố trí lực lượng biên phòngcủa chính quyền . Trong khi đó thì TQ lại luôn yêu cầu Miến Điện không sử dụng vũ lực đối với các nhóm thiểu số có vũ trang đặt căn cứ trong vùng biên giới Trung – Miến. Tuy nhiên các tướng lĩnh lại muốn chứng tỏ tính độc lập của mình trước nhân dân Miến Điện và cộng đồng quốc tế, và họ đã không tuân theo mọi sự phản đối. Bắc Kinhrất tức giận vì sự bất tuân này và ngấm ngầm cho biết rằng TQ sẽ xem xét lại sự ủng hộ đối với Miến Điện trên trường quốc tế và dọa sẽ không sử dụng quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an để bênh vực chính quyền quân sự.

Những tín hiệu này phát đi đã khiến nhiều tướng lĩnh phải lạnh sống lưng khi nghĩ đến hậu quả đang chờ họ. Bởi vậy, để xoa dịu tình hình, thống soái Than Suề đã cử một phái đoàn do tướng Suề Man dẫn đầu sang Bắc Kinh để ký 3 biên bản ghi nhớ (MOU) trong đó có dự án đập thủy điện Myitsone, dự án đường dẫn khí đốt Arakan đi từ vịnh Bengal và dự án mang tên Hợp tác Kinh tế- Kỹ thuật TQ- Miến điện. Phái đoàn đã được TQ tiếp đón niềm nở bằng những cử chỉ bắt tay và ôm hôn nồng nhiệt. Cho tới lúc đó, quả thực đồng tiền đã khiến cả khỉ cũng phải nhảy múa. Thế nhưng đừng thấy lấp lánh mà ngỡ đó là vàng!

Các nhà lãnh đạo của Miến Điện buộc phải lùi bước trước những đòi hỏi của TQ chỉ bởi một mục tiêu là giữ vững chính quyền, thế nhưng nhân dân Miến Điện vẫn có xu hướng cho rằng người láng giềng khổng lồ phương Bắc luôn luôn là kẻ thù số 1, bởi lẽ họ còn chưa quên hình ảnh những phiến quân TQ đeo huy hiệu Mao trạch Đông vào những năm sau 1967. Trong nhiều thập niên, các nhóm chống đối ở miền bắc Miến Điện kể cả tổ chức KIA đều được cấp kinh phí bởi ĐCS TQ từ bên kia biên giới. Dưới cái vỏ là ĐCS Miến Điện (CPB) quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành hoạt động xâm lược tại khu vực biên giới TQ - Miến điện. Nhiều binh lính Miến đã thể hiện sự hy sinh cao cả, và ngay cả bản thân tôi khi đó còn là một nhân viên hành chính trẻ tuổi của Sở Công chính cũng bị buộc cầm súng chiến đấu cùng lực lượng Chính phủ, khi tôi đang đi thăm dự án xây cầu Kunlong thì bị quân TQ bao vây ở bang Bắc Shan.

Thực ra thì nhiều vị tướng lĩnh hiện nay đã từng chiến đấu vai kề vai với nhân dân. Thế nhưng giờ đây khi đã cởi bỏ quân phục và trở thành thành viên của một chính quyền nửa dân sự (quasi civilian), họ đã quên các chiến hữu đã từng hy sinh cao cả xương máu và mồ hôi vì nhân dân và Tổ quốc.

Và họ biết rất rõ rằng TQ nắm chắc các phong trào ở Miến Điện thông qua ĐCS Miến (CPB), khi tổ chức này chỉ đạo cho các nhóm thiểu số có vũ trang chịu ảnh hưởng của CPB tham gia vào thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền vì TQ cần ổn định để khai thác tài nguyên và nhân lực Miến Điện. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa luôn hài lòng với một nước Miến Điện có nội tình rối ren còn chính quyền thì thường xuyên phải chịu áp lực từ phương Tây (về thành tích nhân quyền và tự do chính trị - ND). Khi mà hàng xóm thèm thuồng kiếm chác tài nguyên thiên nhiên thì họ luôn sẵn sàng hành động như vậy, bởi lẽ bản chất lối tư duy của người Trung Hoa cũng giống như một câu ngạn ngữ Miến Điện đã nói: “nếu chém vào trán mẹ đẻ mình mà có vàng rơi ra thì kẻ tham cũng sẵn sàng”.

Năm ngoái có tới 40% đầu tư nước ngoài ở Miến Điện đã được ưu ái dành cho TQ. Các công ty của TQ đã tranh thủ cơ hội vàng này để nỗ lực khống chế nền kinh tế Miến Điện bằng cách gắn nó với các cam kết ủng hộ nhóm cầm quyền của chính quyền quân sự Miến trên trường quốc tế. Chính vì lẽ đó mà mỗi lần thăm viếng Miến Điện, các lãnh đạo TQ, được biết là đều yêu cầu các quan chức chính phủ Miến phải bảo vệ các công ty và công dân TQ sinh sống và làm ăn ở xứ này. Quả thực, rõ ràng đây là một hình thức của chủ nghĩa đế quốc về kinh tế kiểu Trung Hoa, bởi vì sẽ không có thuộc địa nếu không có đế quốc.

Giờ đây với việc hoãn thực hiện dự án đập thủy điện trong 10 năm thì chế độ thuộc địa ở đây buộc phải đối mặt với một thử thách thực sự. Không còn nghi ngờ gì nữa, Công ty đầu tư năng lượng TQ – chủ đầu tư; Tập đoàn Gezhouba TQ – nhà thầu xây dựng con đập và công ty mạng lưới điện Nam TQ – chủ thể sẽ mua phần lớn sản lượng lượng điện của dự án, sẽ chờ đợi nhận lại những khoản đền bù hậu hĩnh từ chính quyền Miến Điện.

Bối cảnh Miến Điện

Myitsone trong tiếng Miến Điện có nghĩa là hợp lưu giữa hai con sông Maekha và Malikha trong vùng Kachin ở phía Bắc đất nước để hình thành nên sông Irrawady – huyết mạch của Miến Điện từ thưở khai thiên lập địa. Địa lý là như vậy.

U Myint. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã thú nhận rằng ông ta không ủng hộ dự án xây đập thủy điện Myitsone, nhưng lại buộc phải im lặng vì những lý do mà ai cũng biết do Cơ quan Kiểm duyệt và Đăng ký báo chí đưa ra. Con đập được xây cách đứt gãy kiến tạo địa chất chưa đầy 100 km, và nếu như có xảy ra động đất khiến công trình khổng lồ này nứt, vỡ thì sự mất mát về nhân mạng sẽ là kinh hoàng. Công nghệ là như vậy.

Đập Myitsone đã buộc phải di dân hàng ngàn người và còn tiếp tục tái định cư nhiều hơn nữa khi công trình hoàn tất. Khoảng 766 km2 (lớn hơn cả Singapore) sẽ ngập chìm trong nước để tạo ra một bể chứa nước khổng lồ. Ngoài ra, việc xây con đập trên ngọn nguồn thủy lộ chủ yếu của Miến Điện sẽ làm tổn hại tới đời sống của hàng triệu con người, không chỉ ở bang Kachin mà còn gây nên những hậu quả tiêu cực lên đời sống xã hội và môi trường của cả nước. Đó là sinh thái.

Dự án này đã được các lực lượng chính trị khác nhau sử dụng làm đòn bẩy của mình. Mặc dù “người công bộc vâng lời nhất” là Bộ trưởng Bộ Điện lực Zaw Min đã phát biểu rằng con đập vẫn cứ được xây bất chấp việc công chúng phản đối, thế nhưng Bộ trưởng Bộ Bảo tồn Môi trường và Rừng Win Tun lại chống dự án này, và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp 1 và 2 ( đây là cách phân chia riêng các ngành công nghiệp của Miến Điện – ND) Soe Thein lại đặt câu hỏi “liệu dự án có phục vụ quyền lợi quốc gia hay không?”. Đó là sự chia rẽ trong thượng tầng lãnh đạo.

Các ý kiến phê phán đã đúng khi tập trung vào luận điểm cho rằng chính quyền hiện nay phải tôn trọng chương I, điều 45 của bản Hiến pháp do chính quyền quân sự soạn ra năm 2008, nêu rõ: “Liên bang (Miến Điện – ND) sẽ gìn giữ và bảo tồn môi trường tự nhiên”. Như vậy rõ ràng chính quyền không tôn trọng ngay cả bản Hiến pháp do mình soạn ra.

Thái độ quyết liệt và sôi sục phê phán dự án thủy điện Myitsone trong công chúng đang ngày càng dâng cao, nhân dân muốn có hành động cụ thể để gìn giữ con sông Irrawady và đã có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhà văn, ca sĩ, các nhà hoạt động vì môi trường và nhân viên xã hội, tổng cộng lên tới 1.600 người, tính cả phụ nữ, đã cùng ký vào bản kiến nghị gửi Tổng thống Thein Sein yêu cầu xem xét lại quyết định xây con đập. Cuộc triển lãm nghệ thuật có tên gọi “Hãy cứu Irawady” tổ chức vào ngày 22/09/2011 vừa qua có sự tham dự của Bà Aung San Suu Kyi – lãnh tụ đấu tranh vì dân chủ của Miến Điện, người đoạt giải Nobel hòa bình. Tại triển lãm Bà Aung San Suu Kyi đã phát biểu: “Nhân dân cần đoàn kết lại nếu chúng ta muốn đạt được những gì hằng mong đợi”. Thông điệp được gửi đi này cho thấy chiến dịch vận động ngừng xây đập Myitsone có thể được các lực lượng đối lập Miến Điện và các nhóm thiểu số sử dụng như điểm tập kết nhằm đấu tranh mang lại dân chủ và nhân quyền cho đất nước. Chính trị là như vậy.

Tuy nhiên khía cạnh quan trọng nhất của dự án thủy điện Myitsone lại là tạo cơ hội cho phong trào đòi dân chủ và các nhóm dân thiểu số đòi tự trị trong khuôn khổ Liên bang tập hợp lực lượng. Nếu cứ tiếp tục chiến dịch “cứu dòng sông Irawady” thì hoạt động này có khả năng trở thành phong trào đòi thay đổi chính quyền dân sự mới được bầu lên theo sự đạo diễn của các tướng lĩnh quân đội với những đại diện được ủy quyền để tiếp tục nắm quyền chi phối các vị trí then chốt, và tất nhiên phong trào này cũng đòi tống khứ những ảnh hưởng của TQ và giành lại các tài nguyên quốc gia.

Hơn nửa thế kỷ cai trị kém cỏi của chính quyền quân sự đã rút ruột và tiêu phí tài nguyên thiên nhiên đất nước, chỉ làm lợi cho TQ cùng một số ít trong giới chóp bu Miến Điện, đã có nhiều người lo rằng tất cả tài nguyên sẽ cạn kiệt trước khi đất nước có được một nền dân chủ thực sự.

Trước thái độ của công chúng Miến Điện về mối đe dọa đối với dòng sông Irawady thân yêu và tình trạng TQ ngày một chiếm thế thượng phong thì chính quyền Thein Sein không còn lựa chọn nào khác là nhượng bộ ý nguyện của nhân dân và lùi thời gian thực hiện dự án xây đập Myitsone nhằm ngăn chặn bất kỳ sự kiện chính trị nghiêm trọng nào ở Miến Điện có thể nổ ra trong khi chính quyền đang cố tạo ra ấn tượng trên trường quốc tế về một Miến Điện đang cải cách và ổn định.

Cuối cùng, trong tính toán của các tướng lĩnh và cựu tướng lĩnh có thể xảy ra mấy khả năng sau: hoặc là quần chúng phản kháng buộc họ phải từ bỏ bản chất toàn trị và trao quyền cho quần chúng tạo dựng nên một tương lai chưa hề có tiền lệ, hoặc là cho quần chúng biết bộ mặt thật của mình như thế nào và đàn áp dã man như đã từng làm trong quá khứ.

Khi đã nhìn nhận vấn đề như vậy thì việc hoãn thực hiện dự án đập Myitsone không có nghĩa là chế độ đã tẩy rửa vết nhơ của mình ngay cả khi có nhiều tập đoàn kinh tế và một số nước láng giềng đã hoan hô sự kiện này như là những tín hiệu của đổi thay.

Tại sao lại sợ sự trừng phạt quốc tế

Than Suề và nhóm tướng lĩnh của ông ta trong những năm cầm quyền đã tích lũy được cả núi tài sản khổng lồ, nhưng khi đã vào cái tuổi thất thập hay bát thập thì con người ta ai cũng biết rằng thời gian trên dương thế cũng chẳng còn là bao. Bởi vậy mà việc chuyển tài sản có được bằng con đường bất chính cho người thân cận và ruột thịt đã trở thành một vấn đề lớn. Bọn họ cũng biết rằng giới sĩ quan Miến trẻ (nguyên văn: Young Turks) có xu hướng mở cửa ra thế giới bên ngoài sẽ không bảo đảm thái độ ứng xử với họ như Than Suề đã đối xử với người thầy tư tưởng của mình là tướng Ne Win. Bởi vậy, cách tốt nhất là cho các con đẻ của mình sang du học ở phương Tây và gửi tiền sang cất giữ tại các ngân hàng Thụy Sĩ, trong khi đó lại làm suy yếu hệ thống giáo dục trong nước để thực hiện chính sách ngu dân, dễ bề cai trị. Tuy nhiên chính sách cấm vận đã trở thành chướng ngại vật cho giải pháp tẩu tán tài sản này.

Ngay cả khi đã sở hữu những lâu đài, biệt thự và chuyển một số tài sản sang cất giấu ở TQ thì trong thâm tâm, các tướng lĩnh Miến Điện vẫn không thể tin TQ qua những gì mà họ đã chứng kiến được về cái cách mà TQ đã xử sự với Slobodan Milosevic và bà vợ đầy tham vọng của ông ta là Mira, người đã chuyển tài sản sang TQ là nơi đã ca ngợi Slobodan như một anh hùng dân tộc. Con trai của Milosevic là Marko, một trong những người giàu có và hành động tội ác tàn bạo nhất ở Secbia từng kinh doanh ngành xây dựng và bất động sản ở Thượng Hải, Hongkong đã cất giấu 145 triệu Bảng Anh ở đây… Hoa Kỳ biết hết chi tiết vụ việc này, kể cả chuyện TQ giúp gia đình Milosevic, nên đã có chủ ý ném bom Đại sứ quán TQ ở Belgrad ngày 7/5/1999. Và giờ đây, khi tình thế đã thay đổi, TQ lại tuyên bố rằng tài sản đó thuộc về nhân dân Secbia nên đã chuyển trả số tiền đó đồng thời trục xuất gia đình Milosevic.

Các tướng lĩnh Miến Điện thấy rõ tương lai của mình nên với mọi giá, sự trừng phạt quốc tế là một nỗi ám ảnh đối với họ. Đã có một vài bước đi cụ thể về phía cải cách như thả hơn 2.000 tù nhân trong đó chỉ khoảng 220 người tù chính trị, ví dụ như nghệ sĩ hài Zargana, lãnh tụ người Shan Sao Hso Ten, Win Mya Mya và Su Su Nway, trong khi đó các lãnh tụ tầm cỡ như Khun Htun Oo, Min Ko Naing và Ko Ko Gvi hoặc nhà sư Ashin Gambira là những người có khả năng cải cách đất nước cũng như thực hiện hòa hợp dân tộc lại không được đưa vào danh sách của 6359 tù nhân được phóng thích đợt này. Tất nhiên các tướng lĩnh biết rằng nếu không thả những tù nhân của lương tâm đó thì họ cũng sẽ có ít hoặc không có cơ hội để được dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế. Do vậy, sắp tới trong chuyến viếng thăm thủ đô Naypvidaw của Bộ trưởng ngoại giao Indonesia, họ sẽ phóng thích tù chính trị đợt 2 để “với một hòn đá mà giết được 2 con chim”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dường như có vẻ tán thưởng và cho rằng “chính sách ngoại giao có sắc thái” của mình đang khuyến khích phong trào dân chủ,khi mà thái độ “can dự” cùng chế độ độc tài tỏ ra có ý nghĩa quyết định cho sự đảo ngược tình hình Miến Điện. Quả thực, tuyên bố về việc hoãn xây đập được đưa ra chỉ một tuần sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Wunna Maung Lwin – quan chức cao cấp đầu tiên của chính quyền Miến điện thăm viếng Washington.Thế nhưng thành công này có thể sẽ chết yểu. TQ được biết là rất tức giận, kiên quyết gây áp lực lên các tướng lĩnh để buộc họ quay trở lại phương thức cầm quyền coi thường nhân dân mình và quỵ lụy Trung hoa. Có thể nói chính quyền của Obama đã thắng một nước cờ, qua đó cho toàn vùng thấy Hoa Kỳ có ý định đối trọng lại TQ và đảo ngược lại một xu thế nguy hiểm đang hình thành, đó là TQ đang dọa nạt các láng giềng và đồng minh của Mỹ thì mất lòng tin vào khả năng bảo vệ họ khỏi sự bắt nạt.

Quả thực Hoa Kỳ cũng có lý khi cho rằng đã có những tín hiệu tiến bộ đáng khích lệ trong khi vẫn đòi hỏi những cải cách sâu sắc hơn trước khi có thay đổi chính trị.

Người ngoài không hiểu tường tận nội tình thể chế chuyên quyền của các nhà độc tài bởi vì chúng hay giả bộ cải cách nhằm củng cố sự cai trị của mình nhờ sự trợ giúp và thương mại với Phương Tây. Phải chăng Thein Sein đã đi một nước cờ có tính toán nhằm có thêm bạn bè ở Phương Tây và hy vọng được bãi bỏ trừng phạt quốc tế cũng như tránh được lời kêu gọi thành lập Ủy ban Điều tra (Commission of Inquiry – COI) các tội ác chống nhân loại của Liên hiệp quốc? Cho nên cách đáng tin cậy nhất để đánh giá chế độ này là hãy xem xét hành động của nó.

Phải thừa nhận rằng chỉ có lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ không thôi sẽ không mang lại quả mong đợi ở Miến Điện ngay cả khi đã huy động toàn bộ nỗ lực của ngành ngoại giao Mỹ với những lập luận thuyết phục về các biện pháp trừng phạt. Tất nhiên là hiện nay sự trừng phạt được dỡ bỏ từ năm 2010 chỉ có thể khuyến khích những thay đổi hời hợt chưa xứng tầm. Chính quyền quân sự Miến Điện vẫn tiếp tục kìm kẹp nhân dân mình và theo đuổi một chính sách đối ngoại thù địch với Mỹ. Bởi vậy Hoa Kỳ cần tiếp tục không công nhận tính hợp pháp của chế độ này bằng việc tiếp tục trừng phạt cho tới khi có cải cách dân chủ thực sự ở Miến Điện.

Hoa Kỳ nên thúc giục Miến Điện thực hiện một chế độ pháp quyền, tôn trọng các quyền cơ bản của con người đã được quốc tế công nhận, ổn định, có những bước đi thể hiện việc xây dựng một hệ thống dân chủ thực sự, chấp nhận bất đồng chính kiến và cởi bỏ nhiều hơn nữa các hạn chế, ràng buộc áp dụng đối với người dân Miến Điện.

Yêu cầu tối thiểu là thả 2.000 tù nhân chính trị– rất nhiều rất nhiều người trong số họ đãbị tra tấn hành hạ. Chế độ quân sự phải dừng ngay sự bóp nghẹt báo chí và các đảng phái chính trị, tôn trọng nhân quyền cơ bản, chống buôn bán ma túy và làm rõ mối liên hệ về hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Chỉ khi đó Phương Tây mới có thể đánh giá những gì mà chính quyền Miến Điện đã thực hiện được để xem xét có nên dỡ bỏ trừng phạt hay không.

Chính quyền bán dân sự vẫn nuôi ý tưởng bệnh hoạn

Tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc người phát ngôn của chính quyền đã thừa nhận rằng các lãnh đạo quân đội phải chịu trách nhiệm về tình trạng tụt hậu của Miến Điện. Hệ tư tưởng sai lầm và ích kỷ, coi thường nhân dân và mê tín dị đoan, phớt lờ những ý kiến đóng góp của giới trí thức và chuyên gia cũng như thất bại trong việc phát hiện ra những đổi thay trên trường quốc tế, tất cả các nguyên nhân đó đã góp phần làm đất nước suy tàn. Và giờ đây họ lại đang định lừa dối cộng đồng quốc tế khi tỏ ý ăn năn xin cho họ thêm một cơ hội để sửa sai. Tuy nhiên bộ mặt thật đã bị bóc trần khi họ dứt khoát từ chối công nhận Thỏa ước Panglong ký năm 1947 đặt nền móng cho sự ra đời của Liên bang Miến Điện hiện nay. Thay vì xây dựng một Liên bang Miến Điện thực sự, họ lại muốn áp đặt một thứ chủ nghĩa đế quốc Miến Điện nếu không thì cũng là một kiểu chủ nghĩa thực dân xúc phạm các sắc tộc thiểu số. Điều này là nguyên nhân cơ bản của những bất bình sắc tộc bùng nổ liên miên trong nhiều thập niên. Chính quyền đang triển khai chủ trương lừa phỉnh để lôi kéo phong trào đòi dân chủ về phía mình nhưng lại không chịu thỏa hiệp với các nhóm sắc tộc hoặc ủng hộ quá trình hòa giải dân tộc một cách căn bản.

Nghệ sĩ hài Zargana trong một thông báo đã cho biết rằng Chính phủ không hề có ý định thực sự phóng thích hết tù chính trị bởi lẽ họ không thay đổi tư duy nhằm khôi phục sự hòa hợp dân tộc, hòa bình và dân chủ. Tiến sĩ Zarni bình luận rằng “Chứng cứ thực tế có sức mạnh thuyết phục hơn những lời bịa đặt của những đại diện dân sự do nhóm tướng lĩnh quân đội dựng lên luôn tự xưng là những người xây dựng đất nước sáng láng nhất”…

Mục tiêu chính của một vài thay đổi gần đây của chính quyền là muốn phương Tây dỡ bỏ trừng phạt và khẳng định vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014, và đó sẽ là một bước tiến dài trên con đường bình thường hóa vị thế quốc tế của đất nước…

Trong khi ASEAN lạc quan về những tín hiệu gần đây và lấy đó làm căn cứ cho những mong muốn bình thường hóa quan hệ có thể là lầm lạc thì phương Tây cho tới nay vẫn có thái độ thận trọng hơn.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã nói: “Chúng tôi chưa thay đổi cách tiếp cận căn bản của mình và chính sách của chúng tôi hiện nay là kết hợp giữa trừng phạt và cùng can dự có nguyên tắc”.

Các mối quan hệ song phương

Vấn đề hiện nay là việc hoãn xây dựng đập thủy điện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ với TQ – đồng minh chính trị chủ yếu của Miến Điện. Câu trả lời sẽ ngắn gọn và đơn giản: sẽ không có gì xảy ra trong quan hệ song phương và mọi chuyện vẫn tốt đẹp như xưa. Cả hai chế độ đều cùng một giuộc nên trong thâm tâm cũng như tiềm thức chúng đều tôn thờ chuyên chế. Một kẻ thì tuyên bố công khai đi theo chuyên chính vô sản, còn chính quyền bán dân sự Miến Điện thì được điều hành bởi nhóm quân sự (nguyên văn Junta: một hình thức của chế độ độc tài quân sự ở Mỹ latinh, kiểu Pinoche – ND), thực chất là sự tiếp nối của chính quyền độc tài quân sự nắm quyền từ 1962. Ít ra thì TQ không xấu hổ về bản chất chuyên chế và còn ủng hộ các nhà độc tài trên thế giới, đặc biệt là ở Châu phi và Châu Á và gần đây nhất là TQ đã dùng quyền phủ quyết ở LHQ để bảo vệ Syria còn Miến Điện thì vẫn tiếp tục dối trá.

Kể từ khi có những vụ nổ bom bí ẩn trên công trường xây đập Myitsone có một số công nhân TQ đã gây nên tình trạng xáo trộn nơi đây, họ thường xuyên phải dừng công việc hàng tuần lễ khiến cho dự án chậm tiến độ. Ngoài ra quân du kích Kachin và quân Chính phủ vẫn tiếp tục một cuộc chiến tranh không tuyên bố, do vậy khó có thể nói rằng các công nhân TQ xây dựng đập đã có một môi trường làm việc ổn định. Thực ra, theo những văn bản nội bộ tiết lộ đã cho biết TQ muốn rút ra khỏi dự án, bất chấp lời hứa cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam. Giờ đây với lời tuyên bố hùng hồn của Tổng thống Miến điện thì ý nguyện kín đáo của TQ đã trở thành hiện thực…

Miến Điện có một vị trí chiến lược quan trọng đối với TQ bởi lẽ nó nằm án ngữ trên con đường TQ đi ra vịnh Belgan và Ấn Độ Dương. Năm ngoái TQ lần đầu tiên đề nghị xây dựng cảng biển cho Miến Điện và vì những nhận thức chung ở tầm cao hơn nên TQ không muốn đi quá xa tới mức căng thẳng trong vụ hoãn xây đập Myitsone để tránh đẩy Miến Điện vào vòng tay của phương Tây.

Cũng cần nhớ rằng một TQ tham lam háu ăn rất cần Miến Điện, bởi lẽ Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực năng lượng và sẽ tiếp tục đi theo hướng này.

Hơn nữa, Thein Sein hiểu rằng Bắc Kinh muốn giữ vị thế của một đồng minh mãi mãi của Miến Điện và luôn ngăn chặn Naypidaw gần gũi hơn với các thế lực phương Tây đang mạnh mẽ lôi kéo quốc gia này. Về phần mình, Thein Sein cũng biết rằng ông ta cần TQ chống lưng bởi lẽ Miến Điện vẫn đang bị quốc tế trừng phạt bất chấp những lời tán dương, ca ngợi tạm thời ở phương Tây về quyết định tạm hoãn xây đập Myitsone và thay đổi cách ứng xử với nhân vật nổi tiếng đấu tranh vì dân chủ Aung San Suu Kyi.

Và đó chỉ là dấu hiệu của sự gia tăng thái độ tự tin của các lãnh đạo Miến Điện vào khối tài nguyên thiên nhiên bao la còn chưa được khai thác và vị trí chiến lược nằm giữa Ấn Độ và TQ. Họ biết chắc TQ không thể làm khó Miến Điện và chuyển các khoản đầu tư đi nơi khác được.Với quyết định hoãn xây đập, TQ đã được nhắc nhở rằng chính quyền Miến là độc lập. Tính cấp thiết phải thể hiện sự độc lập với Bắc Kinh lại càng gia tăng khi gần đây chính quyền bù nhìn thấy cần phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Miến Điện đồng thời thể hiện với các lãnh tụ vốn bi quan ở phương Tây rằng đất nước này có định hướng cải cách dân chủ. Điều này cũng gây áp lực buộc TQ phải quan tâm nhiều hơn tới vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư.

TQ cũng rất quan trọng bởi lẽ cuộc chiến với động cơ bá quyền chống lại các sắc tộc thiểu số ở Miến Điện gần khu vực biên giới Trung – Miến rất cần sự hợp tác của TQ vì TQ có ảnh hưởng trong các lực lượng quân nổi dậy, chẳng hạn như 20.000 quân của phong trào Liên quân WA hay 10.000 quân của phong trào Kachin Độc lập. Đó là điều mà Naypidaw không thể coi thường. Chính vì vậy đã có ý kiến cho rằng việc hoãn xây đập là một sự thỏa thuận giữa Bắc kinh và Naypidaw nhằm tháo ngòi nổ ở khu vực Myitsone.

Xét cả về chính trị lẫn kinh tế thì Miến Điện vẫn cần TQ. Đã hơn hai thập kỷ nay Bắc Kinh đóng vai trò chống lưng cho chính quyền Miến Điện nhằm đối phó với áp lực quốc tế lên án sự đàn áp tàn bạo dân thường và các lực lượng đối lập. Các lãnh đạo Miến Điện biết rằng họ có thể dựa vào sự ủng hộ đầy quyết tâm của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Thế nhưng có một điều mà chúng ta dám chắc đó là cái thời mà TQ át giọng chính phủ Miến Điện và chỉ chăm chăm vun vén cho quyền lợi kinh tế ích kỷ của mình mà không đoái hoài tới nhân dân Miến Điện đã vĩnh viễn qua rồi. Dùng tiền để sai khiến khỉ nhảy múa mà không có tình yêu và sự chân thành để chinh phục trái tim của nhân dân đã cho họ những bài học cay đắng. Nói cách khác, những người TQ nào còn muốn tiếp tục làm ăn với Miến Điện thì hãy cố gắng đừng để tâm lý chống TQ gia tăng trong nhân dân Miến Điện và phải tính đến nguyện vọng của dân tộc này. Bất kể thứ gì ảnh hưởng đến tương lai của dòng sông Irrawady phải được xem xét như công việc của cả Dân tộc và số phận của nó không thể được định đoạt bởi bất cứ cá nhân hay đảng phái chính trị nào.

Là một siêu cường đang lên và một trong những nước lớn nhất trên thế giới, TQ có nhiều bổn phận phải gìn giữ truyền thống đó và không thể để nó bị phá hoại bởi lòng tham quá đáng. TQ phải thấy rằng thật bất công khi họ đang giúp đỡ một nhóm người đã gây nên biết bao tội ác chống lại chính đồng bào của mình – không chỉ là gián tiếp như che chở, hỗ trợ bằng cả ngoại giao lẫn kinh tế để đối phó với mấy thập niên bị quốc tế trừng phạt, mà còn trực tiếp qua việc cung cấp vũ khí đàn áp đám đông quần chúng, nhưng lại dưới tấm màn khói “đôi bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau”.

TQ vẫn nghĩ rằng một chính phủ nước ngoài, không quan trọng là nó hợp pháp tới mức nào, có thể được coi là một chủ thể thống nhất có toàn quyền trong việc cùng hợp tác làm ăn. Bắc Kinh luôn có động cơ kiếm lời nên thường hiểu rằng cần phải tranh thủ khai thác tình hình thay vì tìm hiểu những vấn đề nội tại cần điều chỉnh. Chủ trương bảo trợ cho các chế độ bị thế giới lên án và chỉ trích nhưng đang nắm các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hòn đá tảng làm nền móng của chính sách ngoại giao TQ đã tới lúc cần được suy xét lại. Thực tế ôm ấp các chế độ bị cả nhân loại tẩy chay nhưng lại phục vụ tuyệt đối quyền lợi của Bắc Kinh và coi nhẹ nhân dân mình không chỉ cho thấy tính cơ hội vô đạo đức mà còn phá hỏng hình ảnh của một siêu cường có trách nhiệm.

Lối làm ăn không chính đáng đó được đem ra áp dụng không chỉ riêng với Miến Điện mà còn ở Châu Phi nơi mà TQ đầu tư 3 tỷ USD tại Zambia ba năm trước. Tổng thống mới đắc cử Michel Sate đã mô tả các nhà đầu tư TQ như một hiện tượng “lúc nhúc” làm cho mọi người phải sửng sốt. Gần đây nhất TQ đề nghị bán hơn 200 triệu USD vũ khí, đạn dược cho Muama Gaddafi là một trong số các ví dụ mang tính chất kinh điển. TQ cần phải ngưng chà đạp lên luật pháp khi theo đuổi các mục tiêu của mình và học cách tôn trọng quyền con người ở các quốc gia khác, đoạn tuyệt với các đòi hỏi phi pháp của những kẻ cầm quyền không do dân bầu ra. Mọi người cần phải thu phục được trái tim của người dân Miến Điện.

Tường Minh lược dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn