Xây dựng nhà nước pháp quyền đồng nghĩa với từ chối nhà nước của thần quyền

Ali Mezghani / Le Monde 20/11/2011

Phạm Anh Tuấn dịch

«Xã hội nếu muốn là xã hội công dân thì nó buộc phải được tổ chức xung quanh một luật pháp tự chủ và độc lập. Tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do về niềm tin sẽ chẳng là gì cả nếu như con người không được bình đẳng về các quyền dân sự và chính trị, nếu như không chấm dứt sự phân biệt giới tính và nguồn gốc tín ngưỡng.

«Cuộc cách mạng sẽ là sự thất bại nếu nhân danh quá khứ người ta lật lại vấn đề về thành tựu của phụ nữ, chính họ đóng vai trò chủ yếu trong cuộc chiến chống lại Ben Ali và sự sụp đổ của ông ta. Nếu như những sự phân biệt đối xử lại được tái khôi phục và duy trì; nếu như tôn giáo không được tách ra khỏi chính trị; nếu như quan niệm về nhà nước mang màu sắc tôn giáo làm sai lệch chức năng tạo ra sự bình đẳng pháp luật. Một luật pháp hiện đại và thoát khỏi tôn giáo, thuộc về tất cả, chính là luật pháp điều khiển những mối quan hệ tương tác trong xã hội. Một luật pháp như vậy cũng có mối liên quan đến nền dân chủ» - Ali Mezghani.

Không phải chỉ tôn giáo không được can thiệp vào Hiến pháp, ngay cả các thứ chủ nghĩa từng là chất men làm cho người chấp chính lợi dụng để tự ru ngủ chính mình và ru ngủ nhân dân cũng không được coi là «kim chỉ nam» của một bản Hiến pháp nếu đó là bản Hiến pháp nhằm kiến tạo một xã hội công dân thật sự, vì những thứ «chủ nghĩa» hão huyền này kia, xét cho cùng, cũng đều cùng một bản chất như tôn giáo không hơn không kém. Còn Hiến pháp, đó là khế ước của mọi con người sống trong một xã hội trần tục, có quyền bình đẳng, có quyền tự do theo đuổi niềm tin của riêng mình về hạnh phúc cho từng con người trong xã hội ấy.

Bauxite Việt Nam

Ngày 23 tháng 10 tới người dân Tunisie sẽ đi bầu Quốc hội lập hiến, đây là lần đi bầu cử Quốc hội lần thứ hai trong lịch sử của nước này.

Bên cạnh những đặc quyền, đại biểu Quốc hội sẽ còn được giao trọng trách xây dựng bản Hiến pháp thứ ba của đất nước. Sẽ chẳng phải là điều vô ích nếu nhắc lại rằng Tunisie là nước Ả Rập đầu tiên có Hiến pháp.

Bản Hiến pháp đầu tiên được nhà vua (thời Tunisie còn là nước chư hầu của Đế chế Ottoman) ban hành ngày 26 tháng 4 năm 1861 trên cơ sở hiệp ước căn bản năm 1857 (giữa Tunisie và Đế chế Ottoman), nhưng ba năm sau đó do sức ép của phe bảo thủ, bản Hiến pháp này đã bị "hoãn thi hành" vĩnh viễn.

Bản Hiến pháp thứ hai được xây dựng trong những ngày trước khi Tunisie giành được độc lập vào năm 1957. Bản Hiếp pháp đó bắt đầu có hiệu lực vào năm 1959, nó đã hết hiệu lực vào tháng Hai năm nay. Việc bản Hiến pháp này được thông qua đã phụ thuộc rất nhiều vào nhân cách của Bourguiba (Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Tunisie năm 1957), sức ảnh hưởng của đảng Tân-Destour của ông (một đảng có xu hướng dân tộc chủ nghĩa được thành lập dưới thời Tunisie còn là xứ bảo hộ của Pháp). Nếu Ben Ali còn tại vị chắc hẳn ông ta sẽ tìm cách để làm thay đổi bản chất của bản Hiến pháp này.

Nhưng ngày hôm nay không làm gì còn cái chuyện như vậy nữa: chẳng có đảng phái nào khởi sự cuộc cách mạng hồi tháng Giêng năm nay, chẳng có lãnh tụ nào chỉ huy cuộc cách mạng này. Một cuộc cách mạng không có người dẫn dắt và chẳng có ai dạy bảo ai cả, một cuộc cách mạng không có ý thức hệ, một cuộc cách mạng vì tự do, lao động và nhân phẩm, vì dân chủ và quyền tối cao của nhân dân. Mặc dù hoàn cảnh nổ ra cuộc cách mạng về căn bản là hoàn toàn mới mẻ, song những câu hỏi xưa cũ vẫn được đặt ra: chấp nhận chế độ chính trị nào, thiết lập sự cân bằng nào giữa các quyền lực, đặt định và đảm bảo những quyền tự do nào, trao cho tôn giáo vị trí gì? Không có câu hỏi nào trong số này là thứ yếu cả. Những câu hỏi này hiển nhiên sẽ được quyết định trong Hiến pháp. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở chỗ phải biết được những câu hỏi này sẽ được quyết định như thế nào và được quyết định theo đường lối nào trong bản Hiến pháp.

Nếu Hiến pháp được làm ra chỉ để thiết lập hình thể chính trị, người ta sẽ đưa vào Hiến pháp bất kỳ nội dung nào. Là sự biểu thị của một ý thức hệ cụ thể, Hiến pháp kiểu đó sẽ mở ra con đường, con đường đó có thể là chế độ nghị viện hoặc chế độ Tổng thống, chế độ toàn trị và nhất là chế độ cai trị bằng thần quyền. Nếu Hiến pháp là một sự thỏa thuận và một sự đổi chác giữa các nhà chính trị thì bản Hiến pháp ấy sẽ chỉ có thể tồn tại nhất thời, giống như mọi sự thỏa thuận trên đời này, bản Hiến pháp đó sẽ bị đặt lại vấn đề về lý do tồn tại của nó ngay khi các mối tương quan quyền lực bị thay đổi. Phổ thông đầu phiếu một mình nó không thể làm cho bản Hiếp pháp đó hợp lệ bởi lẽ Hiến pháp không phải là một chiếc bàn trước mặt có tấm biển ghi tên từng người được bầu.

Soạn thảo Hiến pháp có nguyên tắc của nó. Không thể có Hiến pháp nếu không có sự chuẩn bị những quyền lực, nhưng cũng không thể có Hiến pháp nếu các quyền tự do không được thừa nhận và đảm bảo và nếu như quyền bình đẳng pháp luật của công dân không được thiết lập. Xây dựng nhà nước pháp quyền và nền dân chủ không thể bằng cách tùy tiện đưa vào bản Hiến pháp bất kỳ nội dung nào.

Chính là thông qua quyền tối cao của công dân mà một đất nước mới đoàn kết được về chính trị và quốc gia tự chủ và có chủ quyền được hình thành. Đó là điều kiện duy nhất để hình thành và thực thi nhà nước pháp quyền. Nhà nước trong tính đa dạng của nó là nơi nhân dân tự nhận ra bản thân mình và như thế sự tồn tại của quốc gia được duy trì. Chỉ có ở nhà nước như vậy thì con người trong xã hội mới tìm thấy ý nghĩa chính trị của mình là cái mà trước đây Ben Ali (Tổng thống bị lật đổ) đã tước đoạt sạch ở xã hội Tunisie. Đó là lý do vì sao Nhà nước và Hiến pháp về nguyên tắc không thể là cái lệ thuộc vào những sự kiện xảy ra ngẫu nhiên của thời cuộc.

Không thể tách rời khỏi dân chủ, Nhà nước pháp quyền bao hàm một quan niệm nhất định về những quyền tự do và một sự cam kết bảo vệ những quyền tự do đó. Bằng cách tự mình tuân thủ pháp luật, Nhà nước đảm bảo việc chống lại chính hành động của Nhà nước, đảm bảo việc chống lại những kẻ mà các quyền tự do, nhân danh những chân lý tuyệt đối, khiến họ khó chịu và bằng cách hành động dựa vào phương tiện của pháp luật Nhà nước buộc những kẻ như vậy phải tôn trọng các quyền tự do đó. Bởi chưng nền dân chủ bao giờ cũng bắt rễ trong pháp luật. Dân chủ không chỉ là một phương thức lựa chọn những người điều hành đất nước. Dân chủ là một phương thức sống trong xã hội. Dân chủ không chỉ định nghĩa một chế độ chính trị mà nó còn định nghĩa một trạng thái của xã hội.

Dân chủ không thể tự thiết lập nếu như tự do và bình đẳng chỉ được thừa nhận trong cái góc của giới làm chính trị. Như vậy, xã hội nếu muốn là xã hội công dân thì nó buộc phải được tổ chức xung quanh một luật pháp tự chủ và độc lập. Tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do về niềm tin sẽ chẳng là gì cả nếu như con người không được bình đẳng về các quyền dân sự và chính trị, nếu như không chấm dứt sự phân biệt giới tính và nguồn gốc tín ngưỡng. Napoléon từng nói rằng một bản Hiến pháp tốt thì phải ngắn gọn và tối tăm. Nhưng chẳng cần thiết phải nêu bản Hiến pháp đó là dành cho ai, bởi vì ai cũng thấy câu trả lời là hiển nhiên rồi. Chúng ta nên coi một bản Hiến pháp tốt là nó phải mang tính tổng hợp và đồng thời lại phải cụ thể. Như vậy, sẽ chẳng phải là vô ích nếu như bản Hiến pháp phải nói cụ thể cái khái niệm tôn giáo đồng thời tước bỏ chiều kích pháp lý ra khỏi tôn giáo. Ngay cả khi Nhà nước tự chọn cho mình một quốc giáo thì ngay cả khi ấy điều cốt yếu là pháp luật của nhà nước phải độc lập với tôn giáo đó. Đó chính là ý nghĩa của tính tối cao về lập pháp của nhà nước, đó chính là ý nghĩa của tính tối cao của nhân dân.

Niềm tin vẫn phải tiếp tục là vấn đề thuộc về cá nhân. Không có nhóm nào được quyền chiếm vị trí ưu thế nhờ quan niệm tôn giáo của nó để rồi trên phương diện xã hội thì vị thế của nó được biểu thị bằng luật pháp. Nhóm đó cũng thuộc về tất cả mà không có sự phân biệt. Không thể quan niệm nổi nền dân chủ nếu như những quan niệm sống cụ thể riêng biệt được áp đặt cho những người khác. Ấy thế mà cách sống này của người Tunisie hiện nay lại đang bị đe dọa. Một trong những điều có thể coi là được hay mất của cuộc cách mạng Tunisie, một trong những thách thức mà Quốc hội lập hiến sắp tới phải chấp nhận ấy là phải biết được liệu luật pháp hiện đại của Tunisie sau đó có được bảo vệ và tăng cường hay là ngược lại: chế độ đa thê sẽ lại tái khôi phục, việc nhận con nuôi và nạo thai sẽ lại tiếp tục bị cấm và... tại sao lại không được tái thiết lập luật cho phép dùng hình phạt chặt tay kẻ ăn trộm và ném đá cho chết những phụ nữ ngoại tình.

Cuộc cách mạng sẽ là sự thất bại nếu nhân danh quá khứ người ta lật lại vấn đề về thành tựu của phụ nữ, chính họ đóng vai trò chủ yếu trong cuộc chiến chống lại Ben Ali và sự sụp đổ của ông ta. Nếu như những sự phân biệt đối xử lại được tái khôi phục và duy trì; nếu như tôn giáo không được tách ra khỏi chính trị; nếu như quan niệm về nhà nước mang màu sắc tôn giáo làm sai lệch chức năng tạo ra sự bình đẳng pháp luật. Một luật pháp hiện đại và thoát khỏi tôn giáo, thuộc về tất cả, chính là luật pháp điều khiển những mối quan hệ tương tác trong xã hội. Một luật pháp như vậy cũng có mối liên quan đến nền dân chủ.

Đó là một luật pháp trung lập về niềm tin tôn giáo, tách bạch không gian riêng tư với không gian công cộng, không gian công cộng đảm bảo sự tồn tại của không gian riêng tư. Đất nước Tunisie đã được thừa nhận nhờ tinh thần hiện đại của nó kể từ thế kỷ XIX, tinh thần hiện đại đó đã được tái phục hoạt trong những năm 1930, nhất là nhờ có T. Haddad và nó được tiếp tục duy trì, bất chấp những giai đoạn đi chệch hướng do các chế độ độc tài, bởi Bourguiba. Đất nước Tunisie phải trông cậy vào những trường học như trường Sadiki (trường trung học được thành lập năm 1875 đào tạo rất nhiều nhân vật sau này đóng góp cho phong trào lập hiến ở Tunisie), vào nhà trường hiện đại của Nhà nước, vào bộ luật dân sự phi tôn giáo. Đất nước Tunisie đang tự đòi hỏi mình phải dựng xây nhà nước của người Tunisie, nhà nước đó giờ đây đang dần dần tự thể hiện mình một cách rõ ràng. Để không làm thất vọng sự mong đợi, đòi hỏi cấp bách số một hiện nay của đất nước là cải cách toàn bộ nền giáo dục của đất nước và khôi phục lại lòng tin vào công lý.

Một bản Hiến pháp tốt không phải là bản Hiến pháp được soạn thảo tốt mà là bản Hiến pháp thiết lập sự chung sống lâu dài trong hòa bình, là bản Hiến pháp được làm cho tôn trọng bằng sự quan sát cảnh giác của một nhân dân được khai minh.

Ali Mezghani là Giáo sư luật, tác giả của cuốn sách có tên Nhà nước dang dở: Mùa xuân Ả Rập (État inachevé: le Printemps Arab) do Nhà Gallimard vừa xuất bản trong năm 2011.

P.A.T. dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn