Repondant à l'appel de André Menras

Hoàng Dzung

image

Cher André! André thân mến!

Tôi muốn được gọi anh theo cách thân mật này vì từ lâu anh đã trở thành thân thiết đối với nhiều người Việt Nam – trong đó có tôi – bởi anh giờ là đồng công dân của Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Tôi xúc động bởi tiếng gọi “các đồng chí ơi” của anh đăng trên báo mạng BVN ngày hôm nay. Tiếng “đồng chí”, một biểu tượng thiêng liêng xúc động lòng người đối với những ai một thời đã xả thân vì sự sống còn của dân tộc, của đất nước như chúng tôi, hoặc vì lương tri và lý trí của loài người như thế hệ thanh niên “Ho Chi Minh” mà những thanh niên quốc tế như anh đã hãnh diện tự đặt tên cho thế hệ mình. Tiếng gọi “các đồng chí ơi” của anh sao mà tha thiết và chân thành đến thế, nó làm sống dậy và trả lại đầy đủ nội hàm đích thực của từ này mà nó hằng hàm chứa của một thời hào hùng và đầy nhiệt huyết ấy. Tiếng gọi “các đồng chí ơi” của anh không hề có mối quan hệ nào với chính bản thân của từ này trong giai đoạn hiện nay, bởi bây giờ người ta chỉ dùng từ ấy khi nghi thức bắt buộc, khi giận dữ với nhau, khi khinh bỉ nhau, hoặc khi châm biếm, mỉa mai nhau mà thôi!

André thân mến!

Có lẽ có đến hàng triệu và hàng triệu người Việt Nam – những người đã dành trọn tuổi thanh xuân của đời mình, hay một phần cơ thể và sức lực của mình, hàng triệu góa phụ và con côi đã phải chít trên đầu những vành khăn tang cho chồng, cho cha của họ đã ngã xuống, hay hàng triệu mái đầu bạc trắng của các ông cha, các bà mẹ anh hùng đã cống hiến cho Tổ quốc những giọt máu do mình dứt ruột sinh ra để giành lại nền độc lập và tự do cho dân tộc, để có được cuộc sống thanh bình của ngày hôm nay – chắc chắn cũng như anh, họ cũng cảm nhận được “cái tát nảy lửa vào niềm tin…”, những giọt nước mắt “lăn dài …” mà chẳng muốn kiềm lòng, những “…nỗi đau các thành quả của cuộc đấu tranh bị tịch thu của niềm hy vọng bị đánh cắp…”… Chắc chắn họ sẽ nghe tiếng kêu thống thiết của anh rằng: “Các đồng chí can trường của tôi ơi, các bạn hiện đang ở đâu? Làm sao các bạn có thể quên chúng ta từ đâu đến và chúng ta đang đi về đâu?”.

Điều đó đã từng một thời là nỗi đau, đồng thời cũng là sự nghiệp vẻ vang và niềm tự hào của dân tộc này, làm sao chúng tôi – trong đó có cả anh – có thể quên được hỡi André Menras? Dân tộc này đã từng nếm trải và chiêm nghiệm một cách thấm thía nỗi nhục mất nước và nỗi đau của một dân tộc nô lệ của hàng ngàn năm Bắc thuộc; đứng trước hiểm họa tồn vong, ký ức đắng cay và nhục nhã của một dân tộc mất nuớc, lý trí và tránh nhiệm trước tổ tiên và trước muôn đời con cháu về sau sẽ mách bảo cho dân tộc này phải biết mình là ai và sẽ đi đâu về đâu!

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Nếu cần thiết thì cả nam phụ lão ấu của dân tộc này – trong đó có anh, có tôi và cả con cháu của tôi – cũng phải lên đường để bảo vệ và giành lại sự tồn vong cho chính mình như đã bao lần dân tộc này đã buộc phải làm, đã tự chứng minh trong suốt tiến trình lịch sử của mình.

André thân mến!

Anh hoàn toàn không ngộ nhận về thực trạng đau lòng này! Kẻ thù của chúng ta không hề có lý!

Chúng ta đã nhẵn mặt kẻ thù thì làm sao có thể ngộ nhận được? Đi cướp nước người thì làm sao có lý được? Nhân dân thế giới sẽ đồng tình với sự nghiệp bảo vệ đất nước của chúng ta! Những người Trung Quốc chân chính và có lương tri cũng sẽ đồng tình với chúng ta!

Trong lịch sử đã có một thời một bộ phận của dân tộc ta – trong đó có những trí thức lỗi lạc như “Hiệp biện đại học sĩ” Phan Thanh Giản – cũng đã từng ngộ nhận về việc “Trung với vua là yêu nước, hay thuận lòng dân là yêu nước?”. Ông đã chọn “Trung với vua” để chứng tỏ lòng yêu nước. Trước thực tế phũ phàng của số phận đồng bào ông dưới ách thống trị của ngoại bang, ông đã bị lương tâm dày vò; ông đã tự trả giá cho sự ngộ nhận của mình trước lịch sử bằng chén thuốc độc. Các con của ông cũng đã phải rửa nỗi nhục cho sự “ngu trung” của cha mình bằng cách cùng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược. Lịch sử đã đặt câu hỏi và chính lịch sử đã giải đáp câu hỏi do mình đặt ra một cách rõ ràng, lẽ nào ngày nay chúng ta còn ngộ nhận? Lớp trí thức của dân tộc này lẽ nào cũng còn ngộ nhận để bị lịch sử ngàn đời nguyền rủa?

André thân mến!

Thế hệ con cháu chúng ta không hề bị ý thức hệ “ngu trung” ràng buộc. Con cháu chúng ta dù cho đã từng bị huyễn hoặc về một lý tưởng hoang đường, một lý tưởng mà người ta võ đoán là phải tiếp tục hy sinh nhiều thế hệ, dù phải hy sinh sự tồn vong của đất nước để có được lý tưởng đó, nhưng con cháu chúng ta chưa hề bị ràng buộc bởi một lời thề, hay một ân huệ nào của bất cứ ai ngoài cha ông của chúng để tin vào “16 chữ vàng” mà ai đó đã từng thề thốt với “người bạn tốt” để đổi lấy quyền lực thống trị, để “vinh thân phì gia” cho chính bản thân họ và nhóm lợi ích của họ. Chính sự mất tự do dưới ách thống trị của người trong nước, chính sự bất công xã hội, chính sự làm giàu nhanh chóng và lộ liễu của tầng lớp thống trị… sẽ giúp chúng nhanh chóng hiểu ra tương lai sẽ tồi tệ thế nào khi bị những “người bạn tốt” nô dịch; ký ức của dân tộc về hàng ngàn năm nô lệ và thực tế số phận thê thảm trước họa diệt chủng của các dân tộc ở Tây Tạng, Tân Cương hiện nay sẽ giúp chúng nhanh chóng hiểu ra sự thật.

Tôi tin tưởng vững chắc rằng chúng ta không “phải khóc thương cho một thời tuổi trẻ vẫn chưa lụi tàn …”; rằng chúng ta vẫn có thể “quên bẵng đi nỗi mệt nhọc hiển nhiên do tuổi tác”, dù rằng… “cái thời thanh niên “của chúng ta” giờ đây bừng sống lại trong hoàn cảnh đầy cản ngại…”.

Tôi tin tưởng rằng con cháu chúng ta mới là người chủ đích thực của đất nước này, rằng mỗi thế hệ đều có nghĩa vụ riêng của nó. Chắc chắn thế hệ thanh niên ngày nay sẽ hiểu ra sự thật của hiện tình đất nước, sẽ lên tiếng và sẽ có hành động thiết thực tương xứng với vai trò chủ nhân của đất nước mà lịch sử đã trao cho họ. Tôi tin tưởng vững chắc rằng hàng triệu và hàng triệu “đồng chí chân chính và đích thực” của chúng ta mà tôi đã kể trên, chắc chắn họ vẫn còn tỉnh táo và sẽ không khoanh tay ngồi nhìn; nếu vì sức yếu, tuổi già, tối thiểu họ cũng còn chỉ cho con cháu của họ hiểu được rằng chúng “hiện đang ở đâu, rằng chúng “từ đâu đến và … đang đi về đâu?”.

H.Dz.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN ngay sau khi bài André Menras đăng lên mạng nhưng do một trục trặc kỹ thuật, Ban Biên tập không nhận được, làm lỡ mất tính thời sự chút ít. Chân thành mong bạn Hoàng Dzung thông cảm với Ban Biên tập – BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn