Nói một đàng làm một nẻo!

Hữu Nguyên

Từ nhiều năm nay, các tàu ngư chính, kể cả tàu chiến của Trung Quốc hàng năm vẫn thường quấy nhiễu, sử dụng vũ lực bắt bớ, đánh đập gây thương tích, tịch thu phương tiện và tài sản của nhiều ngư dân Việt Nam đang đánh cá hợp pháp trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 22-2-2012, tàu cá QNg-90281TS của ông Đặng Tằm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào tránh bão trong khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu chiến Trung Quốc bắn đuổi và sau đó bắt giữ, đánh đập, phá hủy ngư cụ, tài sản.

clip_image001

Cửa kính tàu của ông Tằm bị bắn vỡ

Theo các nhân chứng trở về từ sự kiện nói trên, lúc 15 giờ chiều ngày 22-2-2012 tàu của ông Đặng Tằm đang tránh gió trong vùng biển gần đảo Hoàng Sa thì tàu hải quân của Trung Quốc từ hướng đảo Phú Lâm tiến tới gần và bắn vào tàu của ông Đặng Tằm, (còn vài viên đạn vẫn đang găm dính trong vách gỗ của ca-bin tàu). Sau đó, tàu chiến Trung Quốc bắt giữ tàu cá của ông Đặng Tằm kéo về đảo Phú Lâm. Lính Trung Quốc đã bịt mắt các ngư dân Việt Nam trên tàu cá, tịch thu tài sản, hải sản đánh bắt được; trang thiết bị, máy thông tin liên lạc trên tàu đều bị thu sạch. Sau khi đánh đập các ngư dân, tịch thu tất cả các trang thiết bị và tài sản trên tàu cá, lính Trung Quốc đuổi các ngư dân Việt Nam trở ra biển cả trên chiếc tàu trống không.

Đáng lưu ý, hành vi bạo lực trên biển lần này không phải là lần đầu tiên. Năm ngoái ông Đặng Tằm cũng từng bị lính Trung Quốc bắt khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Có thể dễ dàng tìm thấy các ngư dân cũng như người thân của rất nhiều ngư dân đã từng bị tàu ngư chính, tàu hải giám và cả tàu chiến Trung Quốc bắt bớ, hành hung, tịch thu tài sản, phương tiện không chỉ một lần mà là rất nhiều lần, trong đó có những người đã vĩnh viễn nằm lại với biển cả, tại xã đảo Lý Sơn hay xã Bình Châu thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cũng như tại rất nhiều ngôi làng ven biển khác dọc theo miền Trung Việt Nam. Đó chính là những ngư dân mà từ nhiều đời qua cha ông họ đã từng gắn bó, quen thuộc, chết sống với ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền lâu đời của người Việt Nam ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII cho đến nay theo các tài liệu lịch sử chính thống cũng như căn cứ trên cơ sở pháp lý quốc tế.

Về sự kiện xảy ra ngày 22-2-2012 trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết: "Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe doạ nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn những hành động sai trái tương tự và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị một lần nữa khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

clip_image002

Tàu cá của ông Đặng Tằm về đến đất liền

Điều đáng nói là ngay sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã "bác bỏ” chuyện lính Trung Quốc hành hạ các ngư dân Việt Nam. Tranh thủ sự kiện này, ông Hồng Lỗi lại tiếp tục khẳng định cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa) và các vùng nước lân cận” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị hải quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1974). Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi cũng thừa nhận rằng gần đây cơ quan chức năng của Trung Quốc "trong tinh thần nhân đạo” vừa mới trục xuất một tàu cá Việt Nam "vi phạm cướp cá” trong vùng biển của Trung Quốc, theo đó các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã "giúp đỡ, cứu giúp ngư dân Việt Nam” và đã nhận được từ phía Việt Nam "sự cảm kích”. Cách nói mang đầy chất "ngoa ngữ” của ông Hồng Lỗi về sự kiện ngày 22-2-2012 khiến chúng ta nhớ lại diễn biến của các sự kiện vừa xảy ra hồi tháng 5 và tháng 6 năm ngoái về chuyện các tàu hải giám của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, ngang nhiên xông vào cắt cáp, phá hoại thiết bị thăm dò dầu khí của hai tàu Bình Minh 2 và Viking II đang hoạt động hợp pháp trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cơ quan ngoại giao của Việt Nam lúc bấy giờ đã khẳng định, hành động của các tàu cá và tàu hải giám Trung Quốc hoàn toàn có chủ ý, hoàn toàn có mục tiêu và đã được lên kế hoạch, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Các hành động này không chỉ vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, vi phạm DOC mà còn đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng hành động có hệ thống này của Trung Quốc nhằm tạo ra tranh chấp tại vùng không có tranh chấp để đạt được mục tiêu thực hiện việc áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò” bao chiếm hầu hết Biển Đông, vi phạm chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực. Cũng cần lưu ý rằng từ năm 1974 Trung Quốc sau khi dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã tiếp tục dùng vũ lực cưỡng chiếm thêm nhiều đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong những năm gầy đây họ đã không ngần ngại dùng vũ lực núp dưới các chiêu bài "ngư chính, hải giám, cảnh sát biển”... và kể cả tàu chiến để áp đặt các yêu sách về chủ quyền của họ trên hầu hết Biển Đông, tiêu biểu nhất là yêu sách "đường lưỡi bò” ngang ngược.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bấy giờ cũng đã lên tiếng "bác bỏ” các cáo buộc của Việt Nam dành cho hai sự kiện "cắt cáp” trắng trợn của các tàu hải giám Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho rằng "các nhận xét của Việt Nam không hoàn toàn phản ánh đúng sự thật”. "Sự thật” theo phía Trung Quốc, là họ có "chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) và các vùng nước liền kề”. Thừa nhận có chuyện "cắt cáp” song Trung Quốc giải thích rằng trong lúc tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của họ thì bị các tàu có vũ trang của Việt Nam rượt đuổi. Trong quá trình rượt đuổi đó "lưới đánh cá của một trong những chiếc tàu cá Trung Quốc vướng vào cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam đang hoạt động trái phép trong khu vực”. Trong bối cảnh này các ngư dân Trung Quốc phải nghĩ ra cách buộc phải cắt lưới đánh cá để tách hai con tàu ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngạo ngược yêu cầu Việt Nam ngừng tất cả các hoạt động vi phạm "chủ quyền” của Trung Quốc gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của công dân Trung Quốc, làm phức tạp hóa tình hình trên Biển Đông. Cuối cùng, phía Trung Quốc còn bày tỏ sự "hy vọng” rằng Việt Nam sẽ nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Thực tế là hai sự kiện tàu hải giám của Trung Quốc xông vào vùng biển Việt Nam cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 và Viking II có những bằng chứng rõ ràng cho thấy việc này xảy ra hoàn toàn nằm trong vùng biển có toạ độ địa lý cụ thể thuộc về thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Luật Biển quốc tế. Vậy mà Trung Quốc vẫn ngang nhiên cho rằng các tàu cá của họ "đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc” và đổ vấy cho phía Việt Nam xâm phạm chủ quyền, thăm dò dầu khí, rượt đuổi tàu cá Trung Quốc trên chính vùng biển của họ (?).

clip_image003

Ông Đặng Tằm đang chỉ những vết đạn còn găm trên tàu của ông

Cũng cần phải nhắc lại ngay sau khi "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” được lãnh đạo cấp cao hai nước Việt – Trung ký kết tháng 10-2011, từ đầu năm 2012 nhiều hoạt động làm phức tạp tình hình trên Biển Đông lại được phía Trung Quốc đơn phương thực hiện. Theo báo chí Trung Quốc, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng từ đầu năm 2012, nước này đã có các hoạt động dồn dập tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc ra Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần; Cục trưởng Cục Thể thao đến thăm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trong khi Cục trưởng Cục Ngư chính khu "Nam Hải” loan báo nước này đang tính xây dựng căn cứ nghề cá trên đảo Phú Lâm cũng như xây cầu tàu và căn cứ cho dịch vụ nghề cá ở quần đảo Trường Sa. Viện Nghiên cứu môi trường và khảo sát công trình hải dương Nam Hải thì đang thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa... Chưa kể trước đó Trung Quốc cho chạy thử tàu sân bay Thi Lang đồng thời với việc công bố kế hoạch phát triển tàu sân bay rầm rộ; công bố dự án đưa dàn khoan dầu khí "khổng lồ” lớn nhất thế giới vào Biển Đông...

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối các hoạt động làm phức tạp tình hình trên Biển Đông này của Trung Quốc. Ngày 23-2-2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Nghị nhấn mạnh "mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho rằng các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở hai quần đảo này "đã làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông”, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển mà lãnh đạo hai nước vừa ký kết, không phù hợp với tinh thần DOC và các cam kết duy trì ổn định hòa bình trên Biển Đông.

Gần đây xuất hiện một bài viết trên mạng Tân Hoa thuộc quyền quản lý của Tân Hoa Xã cho rằng: "Trên trường quốc tế, có người lợi dụng một số va chạm, tranh chấp ở Nam Hải (Biển Đông), rắp tâm hướng mâu thuẫn vào Trung Quốc, tô vẽ, thổi phồng "mối đe dọa từ Trung Quốc”. Cách nói vu vơ thiếu căn cứ như trên đã không đánh lừa được ai. Quốc sách và chiến lược của Trung Quốc là không xưng bá, trước sau cùng với các nước láng giềng thi hành chính sách láng giềng thân thiện, cùng có lợi, cùng thắng và cùng phát triển. Bản thân Trung Quốc không mưu cầu bá quyền, cũng không tranh bá với nước khác, hay tìm kiếm một hình thức "bá quyền chung” nào đó với nước khác. Lịch sử và hiện thực chứng minh rằng Trung Quốc không phải là "mối đe dọa” an ninh truyền thống với các nước xung quanh, mà là cơ hội hợp tác cùng có lợi”. Mối đe dọa từ Trung Quốc” không phải là chuyện "tưởng tượng” của các quốc gia ven Biển Đông hoặc của cộng đồng quốc tế với nhiều cường quốc có lợi ích liên quan tới con đường hàng hải quốc tế trên Biển Đông. Kết luận đó được đưa ra từ các diễn đàn nghiêm túc của các quốc gia trong khu vực cũng như của nhiều hội thảo khoa học quốc tế với các chuyên gia hàng đầu và hoàn toàn xuất phát từ những căn cứ có thật, từ thực tiễn hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc nhiều năm qua. Kết luận đó cũng chính là thực tiễn lịch sử trong quan hệ láng giềng theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé” giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia lân bang từ hàng ngàn năm qua. Điều đáng quan ngại là phía Trung Quốc lại không nhìn nhận sự thật và cách mà các quốc gia láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá về sự hung hăng, gây hấn của họ trong những năm gần đây gây căng thẳng trên Biển Đông nhằm áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò” phi pháp và phi khoa học của họ. Kể cả chuyện phải "rút ra bài học” về những hành động xuyên tạc lịch sử và "bóp méo” khoa học mà các "học giả lưỡi bò” của họ từng bị vạch trần trong các hội thảo quốc tế cũng như trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Mâu thuẫn giữa "nói và làm” của Trung Quốc trên Biển Đông càng "lộ diện” phương thức hành xử "bá đạo” của họ, rõ ràng không thể có cách nào hiểu khác hơn là "miệng nói hoà bình, không xưng bá; tay làm phức tạp hóa tình hình”.

H. N.

Nguồn: daidoanket.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn