Philippines đối đầu Trung Quốc

Việt-Long, RFA

Trong khi thế giới chú ý đến cuộc xung đột đẫm máu tại Syria và việc Bắc Hàn hoà hoãn trở lại, thì người châu Á không thể không quan tâm đến những sự kiện mới xảy ra ở quần đảo Trường Sa.

clip_image001

Dàn khoan của Philippines trên lãnh hải Bãi Cỏ Rong. RFA screen shot

Giành chủ quyền 80% biển Đông

Philippines gạt bỏ lời cảnh cáo của Trung Quốc và tuyên bố cứ tiến hành hợp đồng thăm dò và khai thác khu vực lãnh hải thuộc đảo Bãi Cỏ Rong ngoài khơi đảo Palawan. Trung Quốc dựa vào cơ sở nào để cảnh cáo Philippines rằng mọi hoạt động khai thác ở Trường Sa đều là bất hợp pháp?

clip_image002

Vùng chủ quyền của các nước tranh chấp trên biển Đông. RFA screenshot

Trung Quốc đã giành lấy chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong đó có Bãi Cỏ Rong mà Philippines nhận chủ quyền, nên bất kỳ hoạt động gì ở Trường Sa và lãnh hải Trường Sa đều bị Bắc Kinh phản đối. Cái tên Bãi cỏ Rong là do Việt Nam đặt từ lâu, cho thấy Việt Nam cũng coi đó là thuộc chủ quyền của mình, nhưng ở vào thế không thể gây chuyện với Manila. Philippines và các nước khác đặt hòn đảo đó là Reed Bank, có thể tạm dịch là “Bãi Sậy”, và cho đó là thuộc chủ quyền đương nhiên của Manila vì nó chỉ cách Palawan có 80 hải lý, nằm hoàn toàn trong lãnh hải đặc quyền kinh tế 200 hải lý.  

Trong vòng 1 năm nay đã có nhiều sự kiện xung khắc giữa Philippines và Trung Quốc xảy ra ở quanh Bãi Cỏ Rong, tức là Reed Bank. Hai bên đều tỏ ra cương quyết, vậy thì liệu có thể xảy ra xung đột vũ trang không?

Sự kiện căng thẳng mới xảy ra gần đây nhất là hồi tháng 10 năm ngoái  khi Philippines bắt 25 xuồng thả lưới của Trung Quốc đang hoạt động gần Bãi Cỏ Rong. Sau đó xảy ra khẩu chiến ngoại giao giữa hai bên, Manila bác bỏ mọi điều lên án của Bắc Kinh và dàn xếp trao trả những xuồng đó.

Nếu lúc đó Trung Quốc thử thách để thăm dò thái độ của Philippines giống như từng cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam, thì lần này thì hành động của Philippines chạm thẳng vào mối quan tâm thiết yếu nhất của Trung Quốc: tiềm năng dầu khí ở biển Đông. Thêm vào đó là nhu cầu biểu lộ lập trường nhất quán về chủ quyền lãnh hải, Bắc Kinh đương nhiên phải lên tiếng, khi Manila vẫn tiến hành cấp hợp đồng thăm dò khai thác 15 lô dầu khí trong đó có 3 lô nằm trên biển Đông, trong lãnh hải Bãi Cỏ Rong.

Trung Quốc chưa có phản ứng gì thêm, nhưng nhiều phần sẽ không sách nhiễu hay hành động bạo lực, trước sự cương quyết của Manila và Washington, cũng như cả khối ASEAN.  

Tuy nhiên đối với Việt Nam, Trung Quốc tỏ ra thô bạo hơn. Mới tuần trước Trung Quốc đã bắt tàu cá Việt Nam, bịt mắt đánh đập ngư dân rồi cướp đoạt 300 triệu đồng trị giá thuỷ sản và ngư cụ. Việc này xảy ra sau khi Việt Nam phản đối Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. Vậy tình hình ở Bãi Cỏ Rong liệu sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Giành chủ quyền khôn khéo hơn

Có thể nhìn nhận Việt Nam không phải là không có quyết tâm đương đầu với Trung Quốc, nhưng vì địa dư chính trị Hà Nội phải thể hiện mềm mỏng hơn, thường là tỏ ra “nhu mì” và giải quyết vấn đề qua mối liên lạc trực tiếp và kín đáo trong quan hệ ngoại giao.        

Sở dĩ như vậy là vì vị trí của Việt Nam với Trung Quốc khác vị trí của Manila với Bắc Kinh.  Hoàng Sa cũng gần Trung Quốc hơn, trong khi Bãi Cỏ Rong của Trường Sa nằm sát cạnh Philippines.  Hơn nữa Manila và Washington còn có hiệp ước an ninh chung, và Hoa Kỳ  nhiều lần xác quyết vị trí cường quốc Thái Bình Dương ngay trên biển Đông. Vì vậy chắc chắn Bắc Kinh không thể có hành động thô bạo như ở quanh Hoàng Sa.

Hôm thứ Ba, Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard điều trần tại Uỷ ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ, nói rằng Trung Quốc đã bớt thải độ đối đầu với các nước láng giềng quanh biển Đông, tình hình va chạm đã giảm, là nhờ sự cương quyết của Washington cùng các đồng minh khiến Trung Quốc phải thay đổi quan niệm.           

clip_image003

Đô đốc Robert Willard - U.S. Navy website photo

Vị Tư lệnh Thái Bình Dương đã so sánh năm 2011 với năm 2010, cho rằng Trung Quốc đã bớt thái độ hung hăng. Ông đồng thời tuyên bố rằng đà phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng có lợi cho Mỹ và toàn vùng Đông Nam Á về kinh tế. Tuy nhiên Đô đốc Willard cho rằng những phản ứng mạnh mẽ và sự chỉ trích của công luận quốc tế cũng đã khiến Bắc Kinh sửng sốt, suy nghĩ lại.

Vị Đô đốc nói thêm là những lời tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates cùng các quốc gia thành viên ASEAN có thể đã gây tác động với Bắc Kinh. Đô đốc cho Robert Willard cho rằng Bắc Kinh vẫn theo đuổi chủ trương giành chủ quyền biển Đông, nhưng bằng những đường lối thận trọng, chín chắn hơn.

Cần lưu ý rằng Đô đốc Willard nhận xét là thái độ cứng rắn của Trung Quốc đã chuyển lên phía bắc biển Đông, ý ông có thể là Trung Quốc hướng mũi dùi vào mối tranh chấp với Việt Nam ở Hoàng Sa, cũng như cuộc tranh chấp với Nhật Bản ở khu vực Senkaku, tức quần đảo Điếu Ngư theo Trung Quốc đặt tên.

Tuy nhiên Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ  tại Thái Bình Dương nhấn mạnh: sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở hành lang biển Đông là điều sinh tử, khi lượng thương phẩm đi qua đó hằng năm chiếm 5 ngàn 300 tỉ đô la, trong đó 20% là thương mại của Hoa Kỳ. 

Thế nhưng trong lúc ấy ứng cử viên của đảng Cộng Hoà có triển vọng tranh cử Tổng thống là ông Mitt Romney đã chỉ trích Tổng thống Obama là gần như cứ phải năn nỉ Bắc Kinh, và làm như vậy chỉ khuyến khích thái độ quả quyết của Trung Quốc, lại khiến đồng minh nghi ngờ chính sách của Mỹ ở châu Á.

Câu trả lời là một đối thủ chính trị có bao giờ khen ngợi hay nói tôi đồng thuận với bên kia đâu? Ông Mitt Romney lại còn phải chứng tỏ với đảng Cộng Hoà là ông giữ lập trường bảo thủ của đảng, là phía thường tỏ ra chống Trung Quốc mạnh hơn. Ông tuyên bố như vậy chi là do nhu cầu tranh cử, nhưng khi thực sự cầm quyền thì hai đảng cũng ít khi có chính sách gì khác nhau về vấn đề Trung Quốc.

clip_image004

Ngoại trưởng Mỹ điều trần tại Thượng Viện - State Dept. video

Chính sách Mỹ: duy trì vững chắc vai trò cường quốc Thái Bình Dương

Thêm vào đó, cùng ngày thứ ba Ngoại trưởng Hillary Clinton điều trần về ngân sách trước Uỷ ban Quân vụ Thượng Viện, xác định rằng hành pháp Mỹ đã nỗ lực chưa từng thấy tại châu Á Thái Bình Dương để thiết lập một mạng lưới vững chắc những mối quan hệ và nhiều cơ sở mà Hoa Kỳ giữ phần quan trọng. Bà nói rằng không vùng nào đem lại kết quả mỹ mãn hơn châu Á trong thế kỷ tới, và nước Mỹ đang theo đuổi chính sách ngoại giao rất năng động tại khu vực này với mọi khả năng và sách lược có thể thi hành, để làm nổi bật sự duy trì vai trò cường quốc Thái Bình Dương của mình. 

Dù sao chăng nữa, vấn đề dầu khí ở biển Đông là vấn đề sinh tử của Bắc Kinh, cho nên trong những ngày tới người ta cần theo dõi tình hình khu vực Trường Sa để so sánh quyết tâm của các bên trong trận tranh chấp lãnh  hải để giành nguồn nhiên liệu này, từ đó Việt Nam may ra có thể nghĩ ra những đối sách hữu hiệu hơn nữa.

V. L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn