Chủ thuyết phát triển – Khát vọng Việt Nam Thế kỷ XXI

TS. Tô Văn Trường

Đại hội XIV của Đảng sắp tới dự kiến sẽ tạo nên một bước ngoặt quan trọng về tư duy lãnh đạo. Lần đầu tiên, ba báo cáo lớn: Chính trị, Kinh tế - Xã hội và Xây dựng Đảng sẽ được thống nhất trong một bản báo cáo duy nhất. Đây không chỉ là sự tinh gọn về hình thức mà là bước đột phá chiến lược, thể hiện tầm nhìn mới về quản trị quốc gia: đồng bộ, hiệu quả, lấy hành động và kết quả làm thước đo. Trong bối cảnh ấy, việc hình thành một chủ thuyết phát triển nền tảng định hướng lâu dài cho mọi chính sách và quyết sách càng trở thành yêu cầu cấp bách.

Phản biện – Động lực của tiến bộ

Trong mọi giai đoạn phát triển, ý kiến phản biện luôn là động lực thúc đẩy đổi mới. Hiến pháp và pháp luật đã khẳng định quyền công dân tham gia phản biện chính sách, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục đến an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội. Khi phản biện dựa trên dữ liệu thực tiễn, chuẩn mực khoa học và được lắng nghe một cách cầu thị, xã hội sẽ tiếp cận được tinh hoa nhân loại, nâng cao nhận thức và điều chỉnh chính sách phù hợp hơn. 

Trên cơ sở lắng nghe phản biện từ Nhân dân, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Dân tộc và Tổ quốc, Đại hội Đảng – cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và mỗi thành viên Ban lãnh đạo, mỗi đại biểu tham dự Đại hội, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần tham gia phản biện, góp phần hoàn thiện Báo cáo chính trị, hoàn thiện chủ thuyết phát triển đất nước để có thể đưa dân tộc ta bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thực trạng chủ thuyết và yêu cầu đột phá

Các văn kiện chính thức của đảng xác định nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phương thức phát triển là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Xây dựng xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhất quán với đường lối của đảng từ trước tới nay. Tuy nhiên, phương châm phát triển nào là sự hiện thực hoá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp nhất với bối cảnh hiện thời? Mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Việt Nam đang thực hiện nếu cứ tiếp tục áp dụng với hai yếu tố đối lập nhau, nhất là khi “định hướng xã hội chủ nghĩa” được áp dụng tuỳ tiện để can thiệp vào "thị trường" thì kinh tế Việt Nam sẽ như một cỗ xe vừa chạy vừa phanh, không thể nào đuổi kịp những cỗ xe kinh tế khác đang băng băng chạy trước hàng thế kỷ.

Nhìn ra thế giới: các quốc gia thành công đều cho thấy sự linh hoạt và thực dụng

Trung Quốc đã phát triển học thuyết "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", không còn trích dẫn cứng nhắc lý luận kinh điển mà tập trung vào đổi mới và công nghệ, coi đó là trọng tâm. Mỗi thế hệ lãnh đạo đều cập nhật học thuyết để giải quyết các vấn đề của thời đại: 

Giang Trạch Dân có thuyết “ba đại diện”, dỡ bỏ “vòng kim cô” của quan điểm phân biệt giai cấp hẹp hòi. Theo tư tưởng này, Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra năm 2002 đã “mở cửa” kết nạp các chủ doanh nghiệp tư nhân vào đảng; tới nay một phần ba giới siêu giàu Trung Quốc đã trở thành đảng viên. 

Hồ Cẩm Đào có thuyết “phát triển khoa học” và “xã hội khá giả, hài hoà”.  

Tập Cận Bình có thuyết “bốn toàn diện” (xây dựng toàn diện xã hội khá giả, làm sâu sắc toàn diện cải cách, quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật và quản lý đảng nghiêm minh toàn diện) nhằm thực hiện“giấc mơ Trung Hoa” trở thành một  “siêu cường kinh tế”. 

Hàn Quốc và Singapore đã vươn lên hàng ngũ các nền kinh tế phát triển nhờ đặt lợi ích dân tộc và hiệu quả quản trị lên trên mọi định kiến ý thức hệ, kết hợp kinh tế thị trường với vai trò kiến tạo của nhà nước và chính sách thu hút nhân tài.
Ngược lại, Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ chính vì sự giáo điều, duy trì mô hình tập trung quan liêu, chậm đổi mới thể chế và không thích ứng được với thời đại, dẫn đến kinh tế trì trệ và suy giảm niềm tin xã hội.

Làm sâu sắc hơn 3 trụ cột cho chủ thuyết phát triển

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội XI của đảng bổ sung, phát triển năm 2011 đã xác định mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Có thể khẳng định đây là một công thức thể hiện được đầy đủ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới hình thức phổ thông, sinh động, dễ đi vào lòng người, dễ hiểu đối với quần chúng nhân dân. 

Để chủ thuyết đi vào cuộc sống, có 3 trụ cột là “lòng dân, thực tiễn, tinh hoa nhân loại” cần được cụ thể hóa:

Lòng dân  Thể chế hóa sự đồng thuận và quyền làm chủ: "Lòng dân" không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà phải được thể chế hóa rõ ràng. Đó là sự đồng thuận xã hội được xây dựng thông qua các cơ chế tham vấn chính sách thực chất, các cuộc thảo luận công khai và vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và truyền thông. Khi người dân thấy tiếng nói của mình được lắng nghe, quyền làm chủ của mình được tôn trọng thì niềm tin xã hội sẽ được củng cố.

Thực tiễn – Tôn trọng sự thật và quy luật khách quan: "Thực tiễn" đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với những con số và sự thật, dù dễ chịu hay không: từ tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động, chỉ số minh bạch cho đến mức độ hài lòng của người dân. Nó cũng có nghĩa là phải thừa nhận các quy luật của kinh tế thị trường và xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, khoa học - công nghệ. Chỉ khi tôn trọng thực tiễn thì các quyết sách mới tránh được sự chủ quan, duy ý chí.

Tinh hoa nhân loại  Chắt lọc giá trị phổ quát: Tiếp thu "tinh hoa nhân loại" không phải là sao chép máy móc mà là chắt lọc những giá trị đã được chứng minh về hiệu quả. Đó là mô hình nhà nước pháp quyền hiện đại, nguyên tắc kiểm soát quyền lực, nền quản trị công minh bạch, hiệu quả và các thể chế kinh tế thị trường tiên tiến; đặt lợi ích quốc gia và tương lai dân tộc lên trên mọi giáo điều hay lợi ích cục bộ. 

Hội đồng Lý luận Trung ương và những người làm công việc tham mưu chính sách có thể làm rõ thêm: Những tinh hoa nào là ưu tiên? Mô hình phát triển nào gần nhất với hoàn cảnh Việt Nam? Theo tôi hiểu, chúng ta cần phân biệt những tinh hoa phổ quát như pháp quyền, minh bạch, kiểm soát quyền lực với mô hình cụ thể Bắc Âu, Đông Á, Mỹ… để chọn lọc mô hình phù hợp với thực tế Việt Nam. 

Giải quyết mâu thuẫn và vượt qua nỗi sợ "chệch hướng"

Nỗi lo "chệch hướng" khi đổi mới là một rào cản tâm lý có thật. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng:chính sự trì trệ, giáo điều và không dám thay đổi mới là con đường dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ, như bài học cay đắng từ Liên Xô. Sự ổn định bền vững không đến từ việc kìm nén thay đổi mà đến từ khả năng thích ứng và tự điều chỉnh của thể chế. Năm 1986, công cuộc Đổi mới từng bị nghi ngại là “chệch hướng”. Nhưng chính nhờ chấp nhận đổi mới tư duy mà Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng và vươn lên mạnh mẽ. 

Để giải quyết mâu thuẫn cốt lõi, nội hàm của "định hướng xã hội chủ nghĩa" cần được diễn giải lại cho phù hợp với thế kỷ XXI. Đó không nên là sự duy trì một cách cứng nhắc vai trò của kinh tế nhà nước hay các can thiệp trái quy luật thị trường. Thay vào đó, nó nên được hiểu là cam kết của Nhà nước kiến tạo trongcác nội dung:

-       Kiến tạo một sân chơi minh bạch, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; đảm bảo công bằng xã hội và bình đẳng về cơ hội;

-        Xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội toàn diện;

-        Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các định hướng lớn và giải pháp cụ thể

Để tháo gỡ ba "điểm nghẽn" chính là: đổi mới chưa triệt để, thiếu dân chủ trong các quyết sách, thiếu kiểm soát quyền lực, cần có những hành động quyết liệt và cụ thể:

- Thực hiện đổi mới triệt để về nhận thức, phát triển kinh tế và công tác cán bộ. Trên cơ sở tiếp tục coi chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng, cần phân tích những nội dung không còn phù hợp và cách thức vận dụng sáng tạo trong thời đại mới. Giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài đảng thực hiện công trình nghiên cứu toàn diện về vấn đề này. Tiếp tục phát triển kinh tế thị trường; đa dạng hoá cơ cấu kinh tế, khắc phục tình trạng bán nguyên liệu thô, thiên về gia công, lắp ráp thuê cho nước ngoài; có biện pháp khuyến khích chuyển giao, sáng tạo, đổi mới công nghệ; thực hiện đánh giá toàn diện công tác cán bộ, đề cao trách nhiệm cá nhân và tập thể. Công khai xin lỗi nhân dân về các sai lầm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm trong cải cách ruộng đất cần phải trở thành một chuẩn mực về trách nhiệm.

- Thượng tôn pháp luật, xác định rõ vai trò của các nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Giảm chồng chéo trong bộ máy thông qua nhất thể hóa các chức danh có chức năng tương đồng. Thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh/thành phố để tăng cường trách nhiệm cá nhân và hiệu quả giám sát. Tăng cường quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với Chính phủ.

- Hòa hợp dân tộc và phát huy nguồn lực con người: Thúc đẩy hòa hợp, đoàn kết toàn dân, không đặt nặng ý thức hệ khi đất nước đã thống nhất nửa thế kỷ. Phát huy trí tuệ của 95% dân số ngoài Đảng và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, coi đây là nguồn lực quan trọng của chiến lược.

- Ban hành các chính sách đột phá để thu hút nhân tài người Việt ở nước ngoài tham gia các dự án chiến lược quốc gia. Thành lập các hội đồng tư vấn chính sách độc lập gồm các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước để phản biện các dự luật và chính sách quan trọng.

Thông điệp hành động

Một đất nước muốn vươn lên không thể chỉ dựa vào khẩu hiệu, nhất là những khẩu hiệu giáo điều. Việt Nam cần một chủ thuyết phát triển được xây dựng trên nền tảng vững chắc của lòng dân, thực tiễn khách quan và tinh hoa nhân loại. 

Đó phải là kim chỉ nam giúp đảng và nhà nước đổi mới tư duy, dũng cảm sửa sai, mạnh mẽ cải cách thể chế, xây dựng văn hóa chính trị liêm chính và đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, của Dân tộc lên trên hết. Chỉ với một đường hướng như vậy, Việt Nam mới hội đủ sức mạnh để vươn lên thành quốc gia phát triển, sánh vai cùng bạn bè quốc tế trong thế kỷ XXI.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN 

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn