Hóa nghèo sau khi giao đất

Đào Lê – Đoàn Quý

Trở lại “điệp khúc tạm cư”

LTS: Không chỉ có 70 hộ dân ở quận 8 TP HCM đã phải tám năm tạm cư sau khi nhường đất cho dự án khu thương mại Bình Điền. Không chỉ có 32 hộ dân tại khu nhà 97 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức chỉ nhận được những lời hứa suông về việc giao nhà tái định cư… Theo ghi nhận của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, điệp khúc “giải toả – tạm cư” đang lặp lại tại TP HCM. Phía sau không ít những công trình, những dự án đã và đang mọc lên, nhiều hộ dân đang phải chịu cảnh sống tạm trong những căn nhà tạm dột nát, tồi tàn mà không biết ngày nào mới được an cư.

SGTT

clip_image001

Hộ anh Nguyễn Văn Nhỏ với mười nhân khẩu đang tạm cư trong một căn nhà thuê bên con rạch Mương Lớn. Ảnh: Đoàn Quý

 

SGTT.VN - Tại dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước có 25 hộ dân bị giải toả trắng. Cách đây ba năm, khi dân giao đất thì chủ đầu tư hứa hai năm sau sẽ giao nền nhà tái định cư.

Nhưng đến nay, đất tái định cư thì chưa thấy đâu, còn người dân thì phải sống với những công việc tạm bợ, ngụ trong những căn nhà tạm bợ, có thể trôi sông bất cứ lúc nào.

Hoá nghèo…

Trời chưa sáng tỏ, với bếp lửa than rực đỏ được đặt trong quang gánh, hay chiếc ghe cũ rích có thể thủng bất cứ lúc nào, hoặc những chiếc xe máy cà tàng lần lượt “xuất bến”. Những hộ gia đình bị giải toả trắng của dự án xây dựng cảng Sài Gòn – Hiệp Phước bắt đầu một ngày tìm kế sinh nhai. Họ có mặt trên con rạch Mương Lớn và khắp các hang cùng ngõ hẻm của xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Tối đến, họ lại trở về dưới mái nhà tạm cư rách nát, tồi tàn và sạt lở. Đã hơn ba năm nay, điệp khúc ban ngày đầu tắt mặt tối, đêm về chỉ sợ căn nhà trôi sông đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít các hộ gia đình tạm cư.

Từ cuối con hẻm cạnh bên con rạch Mương Lớn là nơi ba năm nay gia đình anh Nguyễn Văn Nhỏ và chị Châu Thị Thu Thuỷ phải sống tạm cư (thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) sau khi nhường đất cho dự án xây dựng cảng Sài Gòn – Hiệp Phước. Chị Thuỷ nhìn chằm chằm ngôi nhà một lầu của người ta ở đầu hẻm tuy không lớn nhưng khá tươm tất, rồi nói: “Nếu không có chuyện giải toả thì đến nay chúng tôi hoàn toàn có thể xây nhà như vậy cho gia đình hơn chục nhân khẩu của mình”.

Ngược thời gian, chị Thuỷ cho biết, tuy cuộc sống không giàu có gì nhưng so với thu nhập bình quân ở huyện Nhà Bè nói chung và cái ấp 1 của xã Hiệp Phước hẻo lánh nói riêng thì gia đình chị cũng thuộc vào diện có “cái ăn cái để”. “Khi đó, với hơn 11.000 m2 đất trồng dừa nước cũng như dừa hái trái, từ sáng đến trưa chỉ tính riêng tiền chặt lá dừa nước bán, tui đã thu vô hơn 300.000 đồng. Đó là chưa kể tiền thu được từ việc đánh bắt cá trên kênh Mương Lớn cũng như tiền thu được từ hơn 20 cây dừa cho trái. Chi xài các kiểu, mỗi tháng vợ chồng tui cũng dư ra gần chục triệu”, giọng buồn buồn anh Nhỏ nhớ lại.

Còn hiện tại, cần câu cơm của anh chị là “chiếc ghe rách nát của chồng và gánh hàng rong của vợ”.

Nghịch lý

Nằm cách trung tâm thành phố chừng 35 – 40 phút chạy xe gắn máy, “siêu” dự án tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, có diện tích 31 ha, gồm 45 lô chung cư, với tổng số 1.939 căn hộ và có mức vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng. Nhìn từ xa, ít người biết rằng nhiều lốc chung cư “nguy nga, tráng lệ” và một cơ sở hạ tầng được đánh giá là “tốt” của khu tái định cư này đang trong tình trạng xuống cấp. Hiện tượng sụt lún vỉa hè tại các lô chung cư là hình ảnh dễ thấy nhất, có nơi bị sụt tới 10 – 12 cm, nhiều hạng mục nhà ở đã hư, tường trong một số căn hộ bị thấm nước, hệ thống dây điện nằm sát ban công gây bất an cho người ở…

Theo giải thích từ phía chủ đầu tư dự án tại buổi giám sát của Uỷ ban mặt trận tổ quốc TP HCM mới đây, nguyên nhân là “do không có người vào ở” nên công trình xuống cấp nhanh (?!).

Họ đã “hoá nghèo” từ tháng 8.2009 khi phải giao đất cho dự án. “Không nghèo sao được. Gia đình tôi có cả thảy chục nhân khẩu nhưng chủ đầu tư chỉ đưa tiền tạm cư hai năm là 69 triệu đồng, vị chi mỗi tháng chưa đầy 3 triệu đồng. Thực tế, tiền đó không đủ trả tiền thuê nhà hàng tháng. Rồi thu nhập chính từ nguồn dừa nước mất đứt”, anh Nhỏ nói rồi giải thích, “Nguồn thu phụ từ việc đánh bắt cá mỗi ngày chưa được 100.000 đồng nay là nguồn thu chính nuôi cả gia đình. Mặc dù hai vợ chồng phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mờ, nhưng mỗi tháng gia đình tôi phải ăn vào tiền đền bù hơn 5 triệu đồng. Kéo dài kiểu này chỉ còn nước ra đường…”.

... Và sống liều

Hôm chúng tôi đến nhà chị Thuỷ, anh Nhỏ đúng vào lúc thuỷ triều lên, toàn bộ căn nhà chìm trong nước, phần tường mé bên bờ rạch Mương Lớn nghiêng hẳn ra ngoài. Riêng khu nhà bếp chẳng khác gì “bãi chiến trường”, nồi niêu xoong chảo trôi tứ tung. Nhìn đứa cháu mới biết đi chập chững của anh Nhỏ bì bõm lội nước mà chúng tôi không khỏi lo sợ. Bởi chỉ cần trượt chân là bé có thể rơi xuống mương.

Theo anh Nhỏ, từ khi thuê căn nhà này làm nơi tạm cư đến nay, mỗi tháng ít nhất hai lần anh phải gia cố nó nhưng cũng không thể yên tâm. Chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao lại thuê căn nhà nguy hiểm thế này để ở, chị Thuỷ trả lời: “Không thuê ở đây thì biết thuê ở đâu. Tuy ở huyện ngoại thành được cho là nghèo như Nhà Bè, nhưng để thuê được căn nhà 60 m2 cho mười người ở như thế này với giá 3 triệu đồng/tháng thì chỉ có thể chọn những nơi như vậy thôi”.

Cũng theo chị Thuỷ, tất cả cái nghèo, cái khó phát sinh từ ngày phải tạm cư. Bởi nhà có đến mười nhân khẩu thì không thể thuê một căn phòng để ở, nên gia đình chị phải chấp nhận đánh đu với nguy hiểm, để mong tiết kiệm được chút tiền đền bù sau này xây nhà trên đất tái định cư. Nhưng theo anh Nhỏ, với thực tế như thế này, không biết gia đình có an toàn, lành lặn đến ngày có nhà hay không!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoàn cảnh của vợ chồng anh Nhỏ chị Thuỷ, của vợ chồng anh Nhí cũng là hoàn cảnh chung của 25 hộ tạm cư thuộc dự án xây dựng cảng Sài Gòn – Hiệp Phước. Cả 25 hộ dân này thuộc diện bị giải toả trắng, cứ mỗi công đất được đền bù 72 triệu đồng. Tháng 8.2009, khi dân giao đất thì chủ đầu tư là Cảng Sài Gòn hứa hai năm sau sẽ giao nền nhà tái định cư. Nhưng đến nay, theo UBND huyện nhà bè, thì khu tái định cư vẫn “chưa có dấu hiệu triển khai”.

Đ.L. – Đ.Q.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn