Người đàn ông không mặt

Phạm Toàn chọn dịch và giới thiệu

clip_image002

Nhà báo Luke Harding – tác giả bài điểm sách Người đàn ông không mặt – Cuộc thăng chức khó tin của Vladimir Putin (The Man without a Face - The Unlikely Rise of Vladimir Putin) của Masha Gessen.

Ông cũng là tác giả cuốn Nhà nước mafia (The Mafia State) được xuất bản bởi Guardian Books.

clip_image004

Đôi lời – Ngày 9 tháng 3 năm 2012, trên tờ báo Anh The Guardian có bài điểm sách rất hay của nhà báo Luke Daniel Harding về cuốn sách của Masha Gessen viết về đương kim tổng thống Vladimir Putin. Chậm ba tháng, song trong tay đã có bài báo do bà vợ chuyển đến theo đường link này http://www.guardian.co.uk/books/2012/mar/09/man-without-face-gessen-review. Đọc và chợt nghĩ: những nhà báo ngày ngày đêm đêm chui ra chui vào những trụ sở bóng loáng, những cơ quan thông tin đường bệ trong những tòa nhà cao ngất ngưởng, những ban bệ lý luận kín tiếng nhưng còn hoành tráng gấp bội … tất cả hẳn là đã có bài viết này trước mình nhiều ngày. Nhưng chẳng thấy ở đâu giới thiệu sất. Thì mình làm cái việc họ không làm vậy. Đơn giản thôi: góp phần bóc trần sự dối trá ở bất kỳ chỗ nào mỗi khi có thể.

Và cũng còn một động cơ này nữa: nhắc khéo độc giả rằng chuyện Tàu Cộng bắt nạt các nước (trong đó có Việt Nam) ở Biển Đông, chuyện quan hệ dở ông dở thằng dở lưu manh dở đồng chí, đều bắt nguồn sâu hơn và xa hơn.

P. T.

Nhà báo Luke Harding

Luke Daniel Harding (sinh năm 1968) là nhà báo Anh phụ trách chuyên mục chính trị của báo The Guardian. Ông là phóng viên của tờ The Guardian ở Nga từ năm 2007 cho tới khi bị trục xuất khỏi nước này vào năm 2011 vì loạt bài mạnh mẽ của ông. Cuốn sách “Nhà nước Mafia” (Mafia State) ông in năm 2011 bàn đến hệ thống chính trị ở nước Nga dưới quyền Vladimir Putin, một hệ thống được ông mô tả là nhà nước mafia.

Tháng Hai năm 2011, Harding bị từ chối tái nhập cảnh vào Nga. Thế là ông trở thành nhà báo nước ngoài đầu tiên bị trục xuất khỏi Nga kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh. Báo The Guardian gắn việc tống ông ra khỏi Nga với loạt bài thẳng thừng về nước Nga, kể cả chuyện đồn đãi về tài sản của Vladimir Putin và việc Putin biết rõ vụ ám sát cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko. Giám đốc tổ chức theo dõi kiểm duyệt Index on Censorship John Kampfner bình luận rằng "Cách cư xử của chính phủ Nga đối với Luke Harding là nhỏ mọn và trả thù, và là bằng chứng của tình trạng tự do ngôn luận thảm hại ở đất nước này." Elsa Vidal, người đứng đầu bộ phận Châu Âu và Trung Á của tổ chức Theo dõi tự do truyền thông thì nói: "Đây là một bước gây sốc nghiêm trọng chưa từng có kể từ Chiến tranh lạnh [...] Đây là một mưu toan buộc các phóng viên làm việc cho các tờ báo nước ngoài ở Moxkva phải tự kiểm duyệt."

Việc trục xuất Harding diễn ra trước chuyến thăm Anh quốc của bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov, dẫn tới những gợi ý của nghị sĩ đảng Lao động Chris Bryant rằng chính phủ Anh nên rút lại lời mời Lavrov. Ngày 9 tháng Hai, Nga đảo lại quyết định không cấm Harding nhập cảnh nhưng lại chỉ cho ông này visa ngắn hạn thôi. Harding chọn phương án không xin visa nữa, và quay lại Anh quốc vào tháng Năm. Harding khẳng định rằng trong thời gian ở Nga, ông bị cơ quan An ninh Liên bang (FSS) quấy rầy về tâm lý rất nặng nề vì cơ quan này rất không ưng những bài Harding viết.

Thế nhưng ngoại trưởng Nga vẫn lem lém trả lời báo chí rằng “… ông ấy có visa đấy chứ! Nhưng ông ấy không tới nhận! Không chịu tới nhận…”

Harding hiện nay làm việc tại trụ sở báo The Guardian tại London.

clip_image006

Chân dung Vladimir Putin trong chiến dịch tranh cử với hàng chữ “Bầu cho Putin! Có thế thôi!” Ảnh: Natalia Kolesnikova/AFP/Getty Images

Người đàn ông không mặt – điểm sách

(Masha Gessen, “Cuộc thăng chức khó mà tin được của Vladimir Putin” (The Unlikely Rise of Vladimir Putin).

Putin đã trở lại rồi, nhưng liệu ông ta nấn ná được bao lâu?

Có một mối đồng thuận mới, ấy là chế độ của Vladimir Putin đã hết đời rồi. Song, tuần vừa rồi, viên cựu gián điệp của KGB lại đã được “tái đắc cử” tổng thống Nga trong thắng lợi ròn rã. Tháng Nam, ông ta sẽ quay lại điện Kremlin làm một nhiệm kỳ thứ ba – chàng Dmitry Medvedev bị đá đít xuống làm thủ tướng, và sớm muộn sẽ bị tống khứ khỏi sân khấu. Vào mùa hè này, Putin sẽ qua Anh quốc, cái quốc gia châu Âu ít được ông ta ưu ái nhất, để sẽ ngồi vào chiếc ghế đại quan khách thế vận hội Olympic 2012.

Như Masha Gessen thừa nhận trong công trình nghiên cứu sáng láng của bà về nhà lãnh đạo vĩnh cửu của nước Nga, tẩy được Putin đi sẽ là việc làm rất khó. Chắc chắn là trong ba tháng vừa rồi những người Nga trung lưu đã đứng lên chống lại ông ta với số lượng chưa từng thấy trong quá khứ. Ngòi nổ là cuộc tuyển cử bịp bợm trắng trợn vào Hạ viện Nga (Duma quốc gia) hồi tháng Mười hai. Vào ngày thứ Hai, hàng nghìn người đã tụ tập tại quảng trường Pushkin để chống lại tuyên bố thắng cử của phe Putin. Nước Nga hiện nay bị chia rẽ thành ba phe: những người chống Putin cuồng nhiệt, những người ủng hộ ông ta, coi là không có một lối thoát nào khác nữa, và những người thờ ơ bất cần.

Vấn đề đặt ra cho các biểu tình viên, Gessen viết, là ở chỗ chẳng hề có một chế tài đơn giản nào để buộc Putin phải ra đi, không có "mối quan hệ nhân-quả rõ rệt nào giữa những cuộc biểu tình trên đường phố và cuộc tan rụng cuối cùng sẽ xảy đến với chế độ (Putin)". Giống như thời Liên Xô trước đây, nước Nga thiếu hẳn những thiết chế độc lập chẳng hạn như một Tòa án tối cao khả dĩ làm trung gian thương thuyết giữa phe cầm quyền và phe đối lập đang mỗi ngày một đông lên. Trải 12 năm qua, nền dân chủ ở nước Nga đã bị ép cho nhão ra rồi.

Tiếng thế nhưng Gessen vẫn là người lạc quan. Trong lời bạt cuốn sách của mình, bà mô tả những cuộc biểu tình tháng Mười hai như là những cuộc vui đột ngột người nọ người kia ném tuyết vào nhau. Bà tin tưởng rằng chế độ này đã “đến ngày tận số” và “quả bóng Putin rồi sẽ vỡ tung". Bà viết, “chuyện đó có thể xảy ra trong vòng nhiều tháng thậm chí trong vòng vài ba năm" và bà tiên báo rằng phong trào biểu tình đường phố sẽ còn tiếp tục “cho tới khi những người cầm quyền nhận thấy họ chỉ là một thiểu số thảm hại đáng khinh". Hay đấy, ô kê, rất có thể.

Thế nhưng bây giờ đây chẳng có ai biết rõ khi nào hoặc thực ra là bằng cách gì Putin sẽ bị tống khứ đi. Trong bài nói có cả nước mắt khi thắng cử tổng thống, Putin dựng chuyện ông ta mới phá vỡ một cuộc đảo chính do phương Tây chống lưng. Và cũng chẳng ai biết rõ đâu là ẩn dụ hay nhất để khơi gợi những sự kiện bi tráng đang ngầm diễn ra tại Moxkva. (Lúc này ở đây vẫn còn quá lạnh để có thể nói với nhau về một "Mùa Xuân Nga"; có lẽ dùng chữ "Cách Mạng Tuyết" thì hay hơn. Nhưng chẳng có cách mạng gì sất: tâm trạng đám đông vẫn đang là một cuộc chơi vui và giễu cợt nhiều hơn là tâm trạng phá-tan-tành-các-chiến-lũy.)

Và cũng có vô vàn lý do làm ta thất vọng đến cùng cực khi nghĩ tới những cách thức Putin sẽ dùng để nghiền kẻ thù kiểu con trăn nuốt thức ăn ấy. Gessen là một nhà báo người Nga gốc Mỹ hoàn hảo, sinh sống ở Moxkva, tuổi đời tròn 24 khi Liên bang Xô viết yêu dấu của Putin sụp đổ tan tành. Là một người tìm tòi lì lợm, bà đã viết một cuốn sách dũng cảm, nghiền nát vô vàn huyền thoại và giai thoại quy tập xung quanh đề tài bà chọn.

Tóc hoa râm, vẻ giản dị và dường như không thể nào bị hủ hóa, Putin là con người không có mặt, sẵn sàng cho thiên hạ thêu dệt gì về ông ta cũng được. Boris Berezovsky, kẻ cai trị đất nước Nga trong hậu trường, đã tình cờ moi được Putin ra khỏi cả đám khả dĩ trở thành ứng viên lãnh đạo nước Nga, tin tưởng rằng ông ta là kẻ dễ sai khiến. Các nhà lãnh đạo phương Tây thì ban đầu chỉ nghĩ rằng ông này là một nhà cải cách tự do phóng túng. Và tiếp sau hình ảnh ông Yeltsin run lẩy bẩy, thì nhiều người Nga bình thường thấy ở Putin một kẻ cứu nguy sẽ làm cho đất nước khỏi thua các kẻ thù.

Thế nhưng theo Gessen, thực sự những gì làm thành động lực tâm lý của Putin lại hoàn toàn là hoang sơ. Ông ta ra đời trong một gia đình lao động ở Leningrad sống sót khỏi cuộc vây hãm của quân Đức phát xít. Cái "chú bé thần kỳ" này từ rất sớm đã quyết định gia nhập KGB. Trong một chương viết làm người đọc mê đắm, Gessen làm rõ những gì Putin thực sự hành động ở Dresden, nơi ông ta làm việc cho tới cuối những năm 1980 trong vai gián điệp nằm vùng.

Tại Đông Đức, Putin hoạt động trong vai trò kích động mọi người viết đơn thư tố cáo lẫn nhau ("pen-pusher"); ông ta đã bổ sung vào cả núi thông tin vô dụng do KGB tạo ra. Nhưng Gessen cũng lần ra được một cựu thành viên của một “phe” thuộc Hồng Quân Liên Xô người đã gặp Putin vào thời kỳ u ám ấy. Cái người Tây Đức có lập trường “triệt để” này đã tặng Putin nhiều món quà: một đài radio Grundig hiện đại nhất và một bộ nghe nhạc stereo Blaupunkt cho xe hơi của Putin. Người sĩ quan Stasi này đinh ninh rằng ai được những món đồ như thế đều sẽ rất thích. Nhưng Putin không bao giờ nói cám ơn cả – một thí dụ có từ sớm cho thấy ông ta có mối quan hệ vô cùng “ích kỷ" đối với tiền bạc.

Gessen đi sâu được vào những vụ khác cho thấy sự tham nhũng của cá nhân Putin. Những thời điểm đó nằm sát ngay giai đoạn hậu kỳ-Xô viết khi Putin – giờ đây đã về nước với ít tiền mặt và một máy giặt cũ để khoe khoang về những cuộc phiêu lưu của mình tại Đông Đức – và làm việc trong tư cách trợ lý cho ông thị trưởng ồn ào của St Petersburg, Anatoly Sobchak. Ông Sobchak này thường được thiên hạ coi là một “nhà dân chủ". Nhưng khi những kẻ cứng rắn trong KGB tìm cách lật đổ Gorbachev thì ông này để lộ ra cách chơi quân bài “đặt vây các cửa”; ông ta nói về dân chủ không phải vì ông tin vào nền dân chủ, mà vì ông nhận thấy dân chủ là chìa khóa để có cuộc sống tử tế hơn.

Khi làm phó thị trưởng phụ trách quan hệ quốc tế, Putin nghĩ ra một mẹo tổ chức cho thành phố xuất nguyên liệu thô sang Đức để đổi lấy thực phẩm nhập khẩu đang cần thiết vô cùng. Nguyên liệu xuất đi rồi, nhưng thực phẩm vẫn bí ẩn nằm ở dâu đó không bao giờ tới. Tiền mà người Đức giữ – $92 triệu đô là ít – cũng mất tăm. Gessen cho rằng ngay từ giai đoạn đầu này Putin đã biển thủ công quỹ, và đến cuối những năm 1990, không nghi ngờ gì nữa, ông ta đã trở thành "triệu phú".

Cùng lúc, Sobchak giải tán hội đồng thành phố và cài “rệp” khắp trụ sở các nhà báo hàng đầu của St Petersburg. Ông này tổ chức ra cả một hệ thống “chính trị” dân chủ bị oán ghét vô cùng. Toàn bộ những thứ đó đem lại cho Putin một khuôn mẫu điều hành toàn trị mà ông ta sẽ sử dụng sau này. Một khi đã đặt chân vào điện Kremlin, ông ta khởi động “hệ thống khép kín” của riêng mình, Gessen diễn giải, ông ta xây dựng hệ thống "kiểm soát toàn diện" – đặc biệt kiểm soát dòng tiền tệ và dòng thông tin.

Phần lớn nửa sau cuốn sách của Gessen nói về những chuyện quen thuộc với nhiều người: vụ đè bẹp Yukos hãng dầu mỏ tư nhân lớn nhất nước Nga, bỏ tù ông chủ hãng này Mikhail Khodorkovsky; và vụ dùng phóng xạ polonium ám sát Alexander Litvinenko. Tới dây thì phần lớn nhân dân đã thức tỉnh để nhận ra Putin thực sự là người thế nào – một con người "nhỏ bé và thích trả thù", như lời của chính Gessen, “kẻ sẵn sàng lao vào những cuộc trả thù điên dại, kẻ nhăm nhăm nhòm ngó chiếm đoạt tài sản nhà khác, và là “Bố già” của tầng lớp mafia đang cai trị đấtnước".

Gessen vẫn tỏ ra lạc quan nghĩ rằng sớm muộn Putin sẽ chui vào lịch sử những Sa hoàng và chuyên chế bị tống khứ của nước Nga. Còn riêng tôi thì nghĩ rằng ông ta sẽ vẫn còn chung sống với chúng ta một thời gian nữa.

L. D. H.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn