Ngân sách 100 tỉ Mỹ kim dành cho đường sắt Trung Quốc

Trefor Moss, The Diplomat, 19 tháng Mười 2012

Trần Ngọc Cư dịch

Ta hãy mường tượng một cơ chế nhà nước rộng lớn với khoảng hai triệu công nhân viên, gồm một mạng lưới choáng ngợp với nhiều đơn vị và một hệ thống ban ngành dàn trải khắp nước. Ngụy trang dưới hình thức một kế hoạch hiện đại hóa sâu rộng và nhanh chóng, ngân sách của cơ chế này đang bành trướng mau lẹ – vào khoảng 100 tỉ Mỹ kim một năm – đến nỗi bất cứ bộ óc nào cũng thấy khó mà theo dõi sự kiện bao nhiêu tiền thật sự được chi tiêu, hay chi tiêu vào việc gì. Đồng thời, tính cách dàn trải rộng lớn và gần như tự trị của cơ chế này ngụ ý rằng nó hoạt động gần như hoàn toàn không có trách nhiệm giải trình hay được giám sát: Chỉ có tiền là chính và nhiều cái túi của quan chức để đồng tiền ấy biến mất vào bên trong.

Đương nhiên, chúng ta đang bàn về Bộ Đường sắt Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng có thể đang nói về Giải phóng quân Nhân dân (GPQND). Sự khác biệt duy nhất chỉ là, một bên đang xây dựng một mạng lưới đường cao tốc, trong khi bên kia đang xây dựng một quân đội có khả năng hoạt động cao. Nhưng có lẽ, không bên nào làm tốt công việc của mình.

Nếu bạn chưa đọc bài tường trình sống động của Evan Osnos trên tờ The New Yorker về nạn tham nhũng tràn lan trong Bộ Đường sắt TQ, thì quả là một điều thiếu sót. Tuy nhiên, điều nổi bật đập vào mắt một người theo dõi tình hình GPQND là, ta có thể dễ dàng dùng quân đội TQ để thay thế cho Bộ Đường sắt TQ trong toàn bài báo của Osno mà vẫn có ý nghĩa. Ông mô tả bộ này như một “nhà nước nằm trong một nhà nước”, được chính phủ trung ương giao cho một tấm chi phiếu trống [muốn tiêu bao nhiêu thì cứ việc điền con số vào]. Và bộ này, vì không có cơ quan chế tài nào ngăn chặn hành vi của mình, đã tiêu bậy một số tiền có thể làm choáng váng đầu óc mọi người. Nhưng nếu có gì đáng nói ở đây chăng, thì đó là, GPQND thậm chí còn được tự trị hơn cả Bộ Đường sắt, nơi mà các nhân viên cao cấp thường ăn chặn hàng triệu Mỹ kim dưới hình thức lại quả (kickback) ngay cả khi họ thực hiện một cách tồi dở việc xây dựng mạng lưới đường sắt hiện đại của họ.

Liệu nạn tham nhũng trong GPQND có tính đục khoét dữ dội như trong đế chế đường sắt khấp khểnh của Lưu Chí Quân không? Điều đầu tiên cần chú ý là, ngân sách công khai mà báo chí đưa ra của GPQND và của Bộ Đường sắt là rất tương đương. Tuần này Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã đăng lên báo những con số ước tính về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và các nước châu Á khác. Năm 2011 Trung Quốc đã chi tiêu trong khoảng từ 90 tỉ Mỹ kim đến 142 tỉ Mỹ kim, bản báo cáo của CSIS tính toán và kết luận rằng số tiền này được chia khá đều giữa chi phí nhân viên (34% tổng số), hoạt động và bảo quản (33,7%), và đầu tư quốc phòng (32,2%) trong năm 2009, là năm gần đây nhất mà CSIS đưa ra 3 lĩnh vực chi tiêu như vậy.

Bản phân tích này cho thấy 100% ngân sách của GPQND được hướng tới các đòi hỏi thực sự. Nhưng câu chuyện ngụ ngôn đường sắt cho thấy rõ ràng những con số này không thể nói lên sự thật. Bao nhiêu phần trăm trong ngân sách GPQND đã được chi tiêu về nhà nghỉ hưu của các tướng tại Florida [ở Mỹ], hay chuyển vào các doanh nghiệp tư, hay dùng để mua chức vụ? Bao nhiêu phần trăm ngân sách bị phung phí trên các loại khí tài ma (bogus capabilities) mà quân đội không thực sự cần đến, nhưng việc mua sắm chúng đã giúp các ông lớn đút tiền vào túi? Và bao nhiêu phần trăm đã được chi tiêu vào các loại khí tài có thực, nhưng lại là loại khí tài mà giá cả được thổi phồng kinh khủng để các quan chức cao cấp có thể lấy bớt phần dư dôi?

Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán ngân sách của GPQND đã bị lãng phí khoảng bao nhiêu, nhưng điều mà chúng ta biết chắc là tổ chức này đang có một vấn đề tham nhũng rất nghiêm trọng. Tình hình đã trở nên tồi tệ, như John Garnaut đã cho thấy vào tháng Tư [trên trang mạng này], tồi tệ đến nỗi một trong các vị tướng hàng đầu của GPQND, Tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan) đã công khai cảnh báo các đồng chí của mình ở Tổng cục Hậu cần rằng quân đội Trung Quốc đang đương đầu với một cuộc chiến sinh-tử chống lại nạn tham nhũng. Thật vậy, GPQND đang đối diện với nguy cơ tự hủy diệt nếu cơ chế này không chấm dứt được văn hoá tham nhũng đã ăn sâu vào hệ thống quân đội TQ, Lưu được tường thuật đã nói như vậy. Mời đọc thêm: http://anhbasam.wordpress.com/2012/04/20/thoi-nat-tu-ben-trong-quan-doi-trung-quoc/).

Những người ngồi ở chóp bu Bộ Đường sắt chỉ muốn trở nên giàu có, mặc dù họ làm ra vẻ đang tạo thành tích nhanh chóng. Cuối cùng, họ bị thực tế bắt quả tang: Tàu cao tốc của họ đã không hoạt động khi được đem ra thử nghiệm, và hậu quả là 40 người đã thiệt mạng. Hệ thống quân sự hiện đại của Trung Quốc hầu như vẫn chưa được thử nghiệm.trên thực tế. Nhưng nếu hằng tỉ Mỹ kim đã bị các tướng lãnh và nhà thầu đánh cắp, thay vì được chi tiêu vào việc cải thiện các hệ thống và phương thức hoạt động phức tạp, thì quân đội Trung Quốc thực sự có nguy cơ trở thành một tai nạn cao tốc đang chờ đợi xảy ra.

Đối với những ước tính ngân sách nói trên, nếu Lầu Năm Góc và các cơ quan khác cho rằng Trung quốc thực sự chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn con số đã công bố, thì có lẽ họ nên suy nghĩ lại. Sau khi được điều chỉnh vì lãng phí và tham nhũng, chi phí đích thực cho GPQND có thể thấp hơn bất cứ một óc nào có thể nghĩ ra.

T.M.

Nguồn: The Diplomat, 19 tháng Mười 2012

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn