Một ngày đẹp trời và thanh thản

Nhóm Yêu quý và Bảo vệ Cát Tiên Sa (SCT)

Ngày 16/12 tại Khu du lịch Bình Quới 2 thành phố Hồ Chí Minh, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức Hội thảo thường niên năm 2012 có chuyên đề đặc biệt "Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A".

Nhóm Yêu quý và Bảo vệ Cát Tiên (SCT) đã phối hợp tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật “Ấn tượng Cát Tiên” với 64 bức ảnh của nhiều tác giả về động thực vật và con người khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Nhiều du khách trong và ngoài nước đã rất bất ngờ, thú vị. Nhóm đã thuyết minh giải thích, kèm quà tặng cho đại biểu tham dự Hội thảo và du khách là những cuốn lịch năm 2013 về thiên nhiên môi trường, có thông điệp “Gieo hạt Từ bi, Giữ gìn Đất Mẹ”; áo phông màu xanh lá với thông điệp "Yêu quý và Bảo vệ Cát Tiên" bằng tiếng Việt và Anh; khăn thổ cẩm với các họa tiết đặc trưng các dân tộc ít người khu vực xung quanh VQG Cát Tiên.

Một số người đã hiểu ra mục đích tốt đẹp của nhóm SCT là kêu gọi cộng đồng chung tay ngăn cản các Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì sẽ xâm hại vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên, nếu được phép triển khai thì 2 Dự án này sẽ gây hậu quả khôn lường không thể khắc phục đối với môi trường.

Du khách đã ghi sổ lưu niệm, ủng hộ tiền và mua các ảnh triển lãm giúp nhóm gây quỹ, có du khách từ Hà Nội đã trả tới 3 triệu đồng cho một tấm ảnh (chụp toàn cảnh Khu Ramsar Bàu Sấu).

Sau đây là một số hình ảnh hoạt động của Nhóm SCT bên ngoài Hội thảo VRN:

clip_image002

Một em học sinh lớp 4 vui vẻ phụ giúp tình nguyện viên của Nhóm SCT triển lãm. Phía sau: Hoàng Việt (WWF) - mang kính, đang đàm đạo cùng TS Lê Anh Tuấn của ĐH Cần Thơ.

clip_image004

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật thay mặt Nhóm SCT trao tặng quà lưu niệm cho TS Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE), chủ trì Hội thảo VRN

clip_image006

Tặng quà lưu niệm cho nhóm du khách nước ngoài

clip_image008

Chụp hình lưu niệm với tình nguyện viên Bích Hồng (bìa trái) về từ CHLB Đức

clip_image010

Những tấm khăn thổ cẩm Tà Lài cùng màu áo xanh lá rừng đồng cảm nối rộng vòng tay

clip_image012

Bác Nguyễn Chí Thành – nguyên Viện trưởng Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng Nam Bộ (bên trái) rất ủng hộ hoạt động của Nhóm SCT và vui vẻ nhận quà lưu niệm là cuốn lịch với chủ đề "Gieo hạt Từ bi - Giữ gìn Đất Mẹ"

Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu đến từ các cơ quan đoàn thể cấp Trung ương và địa phương; các chuyên gia đến từ các viện khoa học, trường đại học; các đại diện của các Hội bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; các thành viên của mạng lưới VRN. Nhiều phóng viên báo, đài đã quan tâm tham dự, phỏng vấn, viết bài đưa tin khá chi tiết về Hội thảo.

Sau đây là diễn biến chính của chuyên đề đặc biệt trong Hội thảo mà nhóm SCT ghi nhận được.

clip_image014

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Chủ trì: Khai mạc, dẫn dắt và tổng kết Hội thảo VRN

1. Trong cuộc Hội thảo, mở đầu chuyên đề đặc biệt "Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A" là báo cáo của TS Lê Anh Tuấn: “Phản biện của VRN đối với Báo cáo đánh giá Tác động Môi trường dự án Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A (ĐTM 2012)”. Đây là kết quả nghiên cứu khách quan, công tâm của tập thể các nhà khoa học:

(1)TS. Lê Anh Tuấn, Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ

Email: latuan@ctu.edu.vn

(2) TS Đào Trọng Tứ, Chuyên gia Thủy lợi, Thủy điện

Giám đốc TT Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu

Email: tudaotrong49@yahoo.com.vn

(3) ThS. Lâm Thị Thu Sửu, Chuyên gia Phát triển Xã hội

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD)

Email: suu.csrd@gmail.com

(4) CN Ngụy Thị Khanh, Chuyên gia Đối ngoại và vận động chính sách

Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Phát triển Xanh (GreenID)

Email : khanhgreenid@gmail.com

(5) TS Đào Thị Nga, Chuyên gia Phát triển Cộng đồng

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD)

Email: ndao2503@gmail.com

(6) TS Đào Trọng Hưng, Chuyên gia về Sinh thái Nhân văn

Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam

Email: dthung9109@yahoo.com

clip_image016

TS Lê Anh Tuấn trình bày báo cáo (Xin xem clip: mediafire.com)

TS Lê Anh Tuấn trình bày báo cáo và cuối cùng nhấn mạnh:

"Không nên xây dựng Thủy điện ĐN 6 và 6A là kết luận của chúng tôi. Không nên chứ không phải là dừng nhé. Dừng hay tạm dừng như nhiều người đề nghị, có nghĩa là tiếp tục được. Tôi đề nghị là không nên.

Chúng tôi kính đề nghị các bên liên quan, đặc biệt là Hội đồng thẩm định ĐTM của 2 dự án này:

1) Quan tâm xem xét các ý kiến góp ý, phản biện nêu trên.

2) Chỉ thẩm định báo cáo ĐTM khi nó có thay đổi và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật đồng thời làm rõ những nghi ngại, vấn đề còn bỏ ngỏ và hoàn thiện các tính toán chính xác về tác động và giải pháp sửa chữa, khắc phục khả thi.

3) Quyết định liên quan tới việc thẩm định 2 dự án này cần được thông báo công khai rộng rãi với công chúng và các bên liên quan, nhất là cộng đồng bị ảnh hưởng".

2. Tiếp theo, TS Phạm Hữu Khánh - chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học hiện đang công tác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên trình bày “Đánh giá tác động của 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với tài nguyên ĐDSH VQG Cát Tiên” với các hình ảnh, sơ đồ minh họa rõ ràng, chi tiết. Báo cáo cho thấy:

Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu vực hiếm hoi còn lại của Việt Nam lưu trữ khá nhiều các loài động, thực vật đặc hữu có tên trong sách đỏ IUCN, nếu tiến hành xây dựng thủy điện sẽ làm mất vĩnh viễn ít nhất 327 ha diện tích đất rừng, trong đó có 137 ha thuộc Vườn Quốc gia với thảm thực vật phong phú, nhiều cây gỗ quý như cẩm lai, trắc, mun, kơ-nia, ba gạc, sâm cau... Điều này có nghĩa là khu vực sinh sống của các loài động vật hoang dã như bò tót, vượn đen má vàng, chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cu li đỏ và 98 loài chim quý hiếm khác sẽ bị thu hẹp. TS Khánh cũng tập trung nhấn mạnh, nếu xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ chôn vùi di chỉ văn hóa Cát Tiên, ảnh hưởng đến không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và văn hóa bản địa của 11 cộng đồng dân tộc thiểu số nằm trong và xung quanh khu vực dự án.

Theo quan điểm bảo tồn và đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước sẽ có giá trị nhiều hơn nếu giữ chúng ở trạng thái tự nhiên. Hệ sinh thái đất ngập nước rất nhạy cảm, dễ bị thay đổi và có khả năng đảo ngược nếu quản lý không thích hợp.

Nếu các dự án thủy điện ĐN 6 và 6A tiếp tục thực hiện, Bàu Sấu và các bàu lân cận có nguy cơ mất dần các giá trị và chức năng của các vùng đất ngập nước và sẽ biến mất.

clip_image018

Ảnh chụp màn hình trình chiếu của TS. Phạm Hữu Khánh ( Xin xem clip: mediafire.com)

Trước khi kiến nghị 5 vấn đề, TS Khánh nhấn mạnh:

“Do vậy, các hoạt động sinh kế, đầu tư cũng như thủy điện phải tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn theo các Công ước Quốc tế như Công ước ĐDSH, Công ước Ramsar và công ước Di sản theo hướng Phát triển bền vững. Và các Danh hiệu Quốc tế cũng có thể bị mất nếu không có cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển và bảo tồn của Thế giới”.

Thay mặt những nhà khoa học được giao nhiệm vụ nghiên cứu, gìn giữ, bảo tồn VQG Cát Tiên và phát triển bền vũng, TS. Phạm Hữu Khánh nêu kiến nghị tới các cơ quan chức năng đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A:

“1) Xem xét lại tính pháp lý của các dự án thủy điện.

2) Rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Ðồng Nai một cách hợp lý.

3) Đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cụ thể, đúng đắn, khách quan.

- Cần có một cơ quan tư vấn đánh giá tác động môi trường độc lập, không phụ thuộc vào chủ đầu tư.

- Tham vấn cộng đồng vùng hạ lưu.

- Nghiên cứu về động đất kích thích, không để lập lại bài học của Sông Tranh 2, Đắc Krông 3.

4) Cân nhắc sự đánh đổi, “được”, “mất” của từng dự án thủy điện.

- Có sự điều hành, quản lý khoa học và phối hợp trách nhiệm của các Bộ, ngành

- Ưu tiên bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

5) Nâng cao trách nhiệm cá nhân của chủ dự án và các công ty tư vấn, xây dựng."

3. Ông Trần Văn Mùi - Giám đốc khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (http://www.dongnaireserve.org.vn ) kiêm Phó trưởng ban thường trực - Ban quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai, đã phát biểu rất thẳng thắn. Là người gắn bó với những khu rừng nay thuộc VQG Cát Tiên từ sau 1975, trực tiếp quản lý, canh giữ và trồng rừng nên ông hiểu rõ tất cả các biến động, nhất là trước và sau khi có thủy điện Trị An. Ông cảnh báo việc trồng lại rừng thay thế diện tích làm thủy điện là khó khăn: vấn đề lấy đất ở đâu để trồng rừng, vì đất ở đâu (dù để trống) cũng đã có chủ rồi; vấn đề thổ nhưỡng khí hậu không phù hợp khi thay đổi khu vực.

clip_image020

Ông Trần Văn Mùi

Ông Trần Văn Mùi thẳng thắn nói:

- "Cá nhân tôi nghĩ rằng: phát triển kinh tế với phát triển điện khí hóa thì đồng ý rồi. Dù ít dù nhiều cũng phải cần có nhưng chúng ta phải tính toán hơn thiệt mang tính tổng thể".

-"Nói dân phá rừng nhiều chứ tôi nói dân phá không bằng quan. Dân phá một, hai hecta là bị nhốt rồi, nhưng quan mà phá rừng mấy chục ngàn héc ta… ký một cái."

- "Vậy Đồng Nai chúng tôi chặt rừng, Đồng Nai có điều kiện phát triển kinh tế thử phá rừng mà làm công nghiệp cũng ngon hơn Bình Dương nhiều. Đồng Nai mà chặt giống Bình Dương còn 3% độ che phủ thì… tôi nói thành phố Hồ Chí Minh là ngập mặn hết".

Xin xem clip: http://www.mediafire.com/?tk4hzea5a545452 http://www.mediafire.com/?2mdyc7ybubg1att

4. Dù sắp đến giờ ra sân bay (do thời gian Hội thảo bị cúp điện mất gần 50 phút), TS Lê Tự Trình vẫn phân tích rành rẽ vấn đề mất rừng rất nhiều xung quanh các dự án (như thủy điện Trị An). Ông lưu ý Hội thảo hai vấn đề: nghiên cứu tác động phát sinh và tính pháp lý của hai Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

-"Tôi nói về vấn đề pháp lý: Khi luật đa dạng sinh học mình không tôn trọng, khi các yếu tố theo luật môi trường mình không tôn trọng. Mình cho phép dự án này làm, vậy thì tới đây hồ Ba Bể, Sêrêpôk trên Tây Nguyên… thế thì người ta cũng xin làm thủy điện. Chính phủ đã cho cái này tại sao không cho cái kia? Tại sao Chính phủ lại ưu ái Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A mà tại sao tôi xin anh không cho? Như vậy cái tác động đó là tác động nguy cơ"!

-"Tôi muốn nói hai yếu tố đó là: Tác động phát sinh - Impacts arising và cơ sở pháp lý đối với dự án Đồng Nai 6 và 6A, anh em hết sức thận trọng. Và với lý do đó, với tư cách cá nhân và của Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, chúng tôi phản đối hai dự án này".

clip_image022

Tiến sĩ Lê Tự Trình đau khổ vì cảm giác bất lực trước nạn phá rừng, ông kêu gọi:

- "Cố gắng làm sao, chúng ta giữ được một cánh rừng này thì chúng ta sẽ giữ được cánh rừng khác. Chúng ta mà để nhân nhượng một cánh rừng này thì những cánh rừng khác cũng theo đó mà mất đi!".

Xin xem clip: http://www.mediafire.com/?3w6lsu1iueuhkae

clip_image024

TS Lê Tự Trình trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo

5. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - VRN là một chuyên gia thủy lợi thủy điện nhiều kinh nghiệm thực tế, dù sát giờ đi chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất vẫn trả lời câu hỏi của phóng viên, phân tích thêm quan điểm khoa học với cách nghiên cứu tổng thể và hệ thống; lưu ý nguồn nước sông Đồng Nai cho các tỉnh năng động nhất về phát triển kinh tế, đóng góp nhiều cho quốc gia… để đưa ra khuyến cáo bên liên quan xem xét dừng triển khai hai dự án này.

clip_image026

TS Đào Trọng Tứ trao đổi phân tích thêm tính pháp lý của hai dự án thủy điện

6. Những giá trị về văn hóa khảo cổ học Khu vực Cát Tiên – sông Đồng Nai” của ThS Lê Trí Dũng - thành viên đại diện cho Bảo tàng Đồng Nai.

Ở góc độ văn hóa, ông Lê Trí Dũng nói:

"Sông Đồng Nai được tôn vinh là “dòng sông văn hóa”. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chứng minh về sự tồn tại của “nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai”. Những giá trị về văn hóa khảo cổ học khu vực Cát Tiên - sông Đồng Nai là rất lớn, phong phú và đa dạng, một phần rất nhỏ đã được lộ diện trong quá trình nghiên cứu, phần lớn còn tiềm ẩn trong lòng đất, dưới lòng sông. Việc xây dựng thủy điện sẽ làm ảnh hưởng đến các di chỉ khảo cổ học chưa được khai quật".

clip_image028

Xin xem clip: http://www.mediafire.com/?hvvhqdlnk2htd5r

http://www.mediafire.com/?7cdpe6if58ur3p3

clip_image030

Ông Đặng Ngọc Quang - Chuyên gia Phát triển Cộng đồng của VRN phát biểu

clip_image032

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim

(Tram chim National Park) - Đồng Tháp phát biểu

7. Ông Nguyễn Chí Thành – nguyên Viện trưởng Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng Nam Bộ, là người rất am hiểu những cánh rừng miền Đông Nam bộ và lưu vực sông Đồng Nai. Ông nêu lên những bất cập trong việc lập Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) bằng tiền của Chủ đầu tư dự án. Khuyến cáo các nhà khoa học:

"Hãy dựa vào chính quyền các tỉnh bị ảnh hưởng của dự án như Đồng Nai, dựa vào Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, xin được tiền của các tổ chức Quốc tế, chúng ta không lấy tiền của chủ đầu tư, chúng ta cũng không lấy tiền của Chính phủ, và chúng ta tổ chức một đoàn đi đánh giá hẳn hoi".

"Phải đánh giá có mô hình thực tế, mô hình nước, mô hình sinh vật, mô hình đủ thứ… và phải có cái phân tích chi phí lợi ích (cost-benefit analysis)… Chúng ta có trách nhiệm công dân để góp ý với Nhà nước. Thái độ như thế là đúng mức, vừa phải, không có gì căng thẳng cho xã hội cả. Và chúng ta cũng có niềm tin rằng Nhà nước có nhìn nhận thấu đáo khách quan câu chuyện này".

Ông Thành cũng đánh giá cao vai trò của thông tấn báo chí trong vấn đề phản biện và hiến kế cho VRN sớm tìm được kinh phí, phối hợp cùng các nhà khoa học quốc tế ra được Báo cáo chính thống. Xin xem clip: http://www.mediafire.com/?zhnb3318xxlwxp8 ; http://www.mediafire.com/?bdhksc8bb91lhak.

8. Tiến sĩ Lê Phát Quới là người đã nhiều năm nghiên cứu đánh giá tác động môi trường lưu vực sông Mêkông. Có lần vào giờ chót, ông được chọn và đã thẳng thắn báo cáo nêu tác hại môi trường của một dự án thủy điện tại Campuchia, sau đó nước bạn đã không tiến hành làm thủy điện này nữa. Tiến sĩ Quới cũng mới dự Hội nghị ở Myanma về, ông mong muốn Việt Nam học tập Myanma kiên quyết dẹp thủy điện nếu có nguy cơ gây nhiều tác động xấu: Sự kiện vào ngày 30/9/2011, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã tuyên bố đình chỉ xây đựng đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ đô-la trên sông Irrawaddy tại bang Kachin vốn có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế cũng như sinh thái với Myanmar là do Tập đoàn Đầu tư Năng lượng của Trung Quốc tài trợ. Chính phủ chấp nhận đền bù cho các nhà thầu nhưng đây là thể theo nguyện vọng của người dân và sự đấu tranh bền bỉ cảnh báo nguy cơ tác động xấu tới môi trường. Theo các chuyên gia môi trường, việc xây dựng đập có thể khiến một vùng ở hạ nguồn của Myanmar rộng bằng cả đất nước Singapore bị ngập lụt. Ngoài ra việc lụt lội này sẽ nhận chìm hàng chục ngôi làng và ít nhất 10.000 người dân phải di dời, đồng thời hủy hoại một trong những khu đa dạng sinh thái nhất của thế giới.

Đập thủy điện Myitsone chỉ cách điểm đứt gãy địa chất Sagaing chưa đầy 100 km. Người dân trong khu vực dự án lo ngại nếu động đất xảy ra, đập có thể bị vỡ đe dọa hàng trăm ngàn người sống ở hạ lưu tại thành phố Myityina mặc dù chính phủ Myanmar nói đập sẽ chịu được động đất mạnh 8 độ Richter.

Ngay từ khi dự án mới được đề xuất vào năm 2001, dân địa phương đã lên tiếng phản đối. Năm 2007, 12 lãnh đạo địa phương ở bang Kachin đã gửi thư đến Thống tướng Than Shwe yêu cầu hủy bỏ dự án. Ba năm sau, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Myanmar (Burma River Network - BRN) cũng gửi thư yêu cầu chính phủ Trung Quốc buộc các công ty Trung Quốc xây dựng dự án phải thực hiện báo cáo đánh giá môi trường và xã hội, trong đó phải xem xét ý kiến của dân sống trong khu vực dự án. Thế nhưng Tổng Công ty Đầu tư Điện lực Trung Quốc (CPIC) đã làm báo cáo tác động môi trường gian dối và từ cuối năm 2009, CPIC tiến hành xây dựng đập mà không đợi hoàn tất báo cáo.

Tháng 2-2010, Tổ chức Quốc gia Kachin (KNO - Anh) đã tổ chức biểu tình phản đối dự án trước các đại sứ quán Myanmar ở Anh, Nhật, Úc và Mỹ. Báo chí Myanmar công khai chỉ trích dự án thiếu minh bạch.

Lãnh đạo dân chủ đối lập – bà Aung San Suu Kyi, người từng phản đối mạnh mẽ dự án xây dựng đập thủy điện, đã lên tiếng ủng hộ quyết định vì “nguyện vọng của người dân” của chính phủ Myanmar. Theo bà, tất cả các chính phủ cần lắng nghe tiếng nói của người dân để giải quyết các vấn đề.

Đồng thời, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland cũng chúc mừng Myanmar và cho biết động thái lần này của ông Thein Sein thể hiện nhà lãnh đạo chính quyền quân sự đã biết quan tâm đến nguyện vọng của người dân.

Đây cũng là thành công của các chuyên gia môi trường và các nhà hoạt động xã hội trong quá trình phản biện việc quyết định xây dựng thủy điện của Chính phủ. Giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hòa giải các xung đột, thúc đẩy hòa hợp dân tộc và tiến trình cải cách mạnh mẽ.

Xin xem clip: http://www.mediafire.com/?d2s7c8c2j85j3y7

clip_image034

TS Lê Phát Quới - Trưởng Phòng tài nguyên môi trường (Viện TN& MT Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh) nói về kinh nghiệm xử lý ĐTM cho thủy điện ở Campuchia và Myanma

clip_image036

TS Lê Anh Tuấn trao đổi, bổ sung làm rõ các vấn đề cùng đại biểu, báo chí

9. Ông Phạm Văn Miên đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về cá di cư trên sông Đồng Nai - Khu vực VQG Cát Tiên của nhóm tác giả: Phạm Văn Miên, Phạm Anh Đức, Nguyễn Thị Mai Linh và Vũ Ngọc Long. Ông Miên cũng lưu ý vấn đề thủy điện ở Việt Nam không chú ý làm âu tàu, cầu thang cá và cửa tháo đáy khiến nhiều loài cá không di chuyền qua đập chắn sẽ giảm số lượng hoặc tuyệt chủng. Báo cáo tính toán chi tiết các tác động đến nghề cá của cư dân vùng dự án.

clip_image038

Ông Phạm Văn Miên đang trình bày báo cáo về cá di cư

10. Ông Hoàng Việt, đại diện WWF Việt Nam dự hội thảo, cũng thống nhất: “Không nên cho phép xây dựng hai dự án thủy điện ĐN 6, 6A” và nêu thêm Mỹ cũng như các nước châu Âu đang phải phá đi một số thủy điện đã được xây dựng. Vì vậy không cớ gì chúng ta lại đi ủng hộ việc xây dựng những thủy điện có tác động xấu như dự án thủy điện ĐN 6, 6A.

Tại Mỹ vào tháng 2-2010, trong một thỏa thuận lịch sử với 45 tổ chức gồm các cơ quan liên bang, các hiệp hội nghề cá, hiệp hội bảo tồn tự nhiên, các bộ tộc da đỏ ở hai bang California và Oregon, Công ty PacifiCorp đã đồng ý phá bỏ bốn đập thủy điện Iron Gate, J.C. Boyle, Copco 1 và Copco 2 trên sông Klamath ở Bắc California giáp bang Oregon. Thời hạn phá đập bắt đầu từ năm 2020. Bốn đập nêu trên được xây dựng lần lượt trong các thập niên 1920, 1930, 1950 và 1960.

Mạng http://klamathriverrestoration.org (Mỹ) ghi nhận Klamath là con sông lớn thứ ba ở bang California và là sông có sản lượng cá hồi dồi dào thứ ba ở Mỹ. Năm 2006, Hiệp hội Câu cá thể thao Mỹ và 11 tổ chức bảo tồn thiên nhiên đã yêu cầu Công ty PacifiCorp phải phá bỏ bốn đập khi công ty xin Ủy ban Quản lý năng lượng liên bang gia hạn hoạt động của bốn đập thêm 50 năm nữa.

Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên nhận định bốn đập thủy điện trên sông Klamath đã ngăn chặn cá hồi bơi ngược về thượng nguồn để sinh sản. Ngoài ra, bốn đập cũng ngăn cản dòng chảy ở một số khu vực hạ nguồn khiến nước tù đọng, làm nhiều loài tảo độc sinh sôi mạnh ảnh hưởng đến môi trường sống của cá hồi vốn là nguồn thức ăn chính của các bộ tộc da đỏ trong khu vực.

Sau đó, nhiều cơ quan liên bang và cơ quan ban ngành liên quan cùng các bộ tộc da đỏ ở hai bang California và Oregon cùng góp thêm tiếng nói đòi phá hủy bốn đập. Hai năm sau, Công ty PacifiCorp đồng ý thảo luận để phá bỏ bốn đập. Chi phí phá bỏ khoảng 450 triệu USD, trong đó PacifiCorp chịu 200 triệu USD và chính quyền bang California đóng góp 250 triệu USD còn lại.

11. Cuối buổi sáng kết thúc phần chuyên đề đặc biệt "Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A", Tiến sĩ Vũ Ngọc Long đã tổng kết, tập hợp ghi nhận các ý kiến và thống nhất ra Thông cáo báo chí. Phần cuối của Thông cáo này là:

" 6. Những kiến nghị sau được thống nhất của hội thảo:

6.1. Xem xét lại tính pháp lý của hai dự án thủy điện.

6.2. Rà soát đánh giá lại quy họach thủy điện trên sông Đồng Nai

6.3. Cần đánh giá tác động môi trường của 2 dự án ĐN-6 và 6-A một cách chi tiết hơn, mở rộng phạm vi hơn đến vùng hạ lưu. Cần có đánh giá cụ thể về định lượng có cơ sở khoa học hơn nữa do một đơn vị tư vấn uy tín độc lập, nếu cần nên có sự tham gia của chuyên gia quốc tế.

6.4. VRN sẽ tổng hợp và xuất bản những nghiên cứu, đánh giá liên quan đến tác động của hai dự án thủy điện ĐN-6 và 6-A để đem thông tin chính xác, tin cậy đến cộng đồng và công chúng. Từ đó, sẽ giúp cho việc thu nhận ý kiến của công chúng có tính khách quan hơn.

6.5. Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), và UBND tỉnh Đồng Nai, với chức năng phản biện xã hội cho Chính phủ Việt Nam trong việc quyết định phê duyệt đối với dự án thủy điện 6 và 6A là cần thiết.

6.6. Và tốt nhất nên dừng 2 dự án thủy điện ĐN-6 và 6-A".

Nhóm SCT xin chân thành cảm ơn những tấm lòng thiện nguyện vì sự nghiệp bảo vệ gìn giữ môi trường chung, di sản Cát Tiên nói riêng đã nhiệt tình ủng hộ giúp đỡ tinh thần, vật chất, công sức để chúng tôi có được buổi triển lãm ảnh nghệ thuật thành công mỹ mãn cùng kết quả tốt đẹp Hội thảo thường niên của VRN.

Nhân dịp Giáng sinh và năm mới 2013 đang đến, Nhóm SCT xin kính chúc Quý vị cùng gia quyến sức khỏe thành đạt, hạnh phúc và tâm hồn luôn thanh thản!

Trân trọng

NHÓM YÊU QUÝ BẢO VỆ CÁT TIÊN (SCT)

Mong quý vị quan tâm hãy xem thêm tin tại trang nhà của Nhóm SCT:

http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/

Xem ảnh tại trang: http://www.flickr.com/photos/savingcattiennp/

Liên lạc với chúng tôi qua Email: nationalpark.savingcattien@gmail.com

Nhóm tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn