Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (10 & 11)

Mười tháng sau cuộc tọa đàm khoa học Giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác và chế biến quặng bauxite ở Đăk Nông, hội nghị khoa học thứ hai mang tên tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bauxite, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế - văn hóa xã hội và môi trường khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ do UBND tỉnh Đăk Nông, Tập đoàn TKV và Viện CODE cùng phối hợp tổ chức tại Đăk Nông trong hai ngày 22 và 23/10 năm 2008. Chúng tôi xin đăng lại tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc và Báo cáo tổng hợp kết quả cuộc tọa đàm này.

Bauxite Việt Nam

Chương trình Bauxite tại Tây Nguyên và các vấn đề về văn hóa – xã hội

(Tham luận tại Hội thảo về Khai thác bauxite tại Gia Nghĩa - Đak Nông – 23/10/ 2008)

Nhà văn Nguyên Ngọc

Tôi không được dự Hội thảo về dự án khai thác và chế biến bauxite ở Đăk Nông hồi tháng 12 -2007, nhưng có tìm đọc lại các báo cáo chính của Hội thảo. Tại hội thảo ấy đã có một số đại biểu đã lưu ý đến các vấn đề xã hội và văn hóa liên quan đến dự án bauxite, song tôi nghĩ có lẽ còn chưa đủ, chưa nêu thật rõ tầm quan trọng của vấn đề này, chưa làm rõ nếu trong dự án to lớn này có chỗ cần cân nhắc thì điều cần cân nhắc nhất có thể chưa hẳn là chuyện môi trường mà trước hết và quan trọng hơn cả là chuyện xã hội - văn hóa, hoặc nói đúng hơn, chuyện môi trường cũng gắn chặt với chuyện xã hội - văn hóa, liên quan khắng khít với nhau (tôi sẽ xin nói rõ về điểm này hơn sau đây). Và đấy chính là một đặc điểm của xã hội Tây Nguyên, phải hết sức chú ý khi tính toán, giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nhỏ nào ở vùng này – huống nữa là trong mưu toan chuyện đại sự khổng lồ như chuyện bauxite chúng ta đang bàn đây. Rất tiếc là trước đây, trong hơn 30 năm qua, ta đã không chú ý đầy đủ chính vào điều này, để lại những hậu quả nặng nề, đến nay vẫn còn âm ỉ, thậm chí có thể nói chưa biết đến bao giờ và bằng cách nào gỡ ra được.

Là người từng hoạt động ở Tây Nguyên và gắn bó với vùng đất và người này hơn nửa thế kỷ qua, tôi hết sức băn khoăn với dự án bauxite Tây Nguyên, rất sợ rằng những toan tính vội vã và hời hợt của chúng ta sẽ làm cho tình hình đã nặng nề, đang còn nặng nề, sẽ trở nên trầm trọng hơn, đến mức không còn cứu vãn được nữa. Theo tôi, chúng ta đang đứng trước một quyết định mất còn. Và sẽ rất kỳ lạ nếu chúng ta làm chuyện quá ư to lớn này ở đây mà không hề nghĩ, không hề nhớ đến những gì đã diễn ra trong 30 năm qua, những bài học lớn, sâu và cay đắng 30 năm ấy còn để lại, sờ sờ ra đấy, rất có thể lại còn dạy ta lần nữa, nhiều lần nữa, và thường vẫn vậy, lần sau bao giờ cũng nghiêm khắc hơn lần trước.

Bài học lớn ở Tây Nguyên hơn 30 năm qua là gì? Có thể nói vắn tắt và đơn giản thế này: sau năm 1975, chúng ta đã chủ trương và tiến hành những việc rất lớn ở Tây Nguyên: Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng vững chắc về an ninh và quốc phòng; Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước – và để thực hiện hai chủ trương chiến lược đó, đã tổ chức một cuộc đại di dân chưa từng có từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Chủ trương chiến lược đối với Tây Nguyên như vậy là đúng, nhưng biện pháp để thực hiện chủ trương đó, tăng cường lực lượng lao động cho Tây Nguyên bằng một cuộc đại di dân từ đồng bằng lên, với cường độ và tốc độ rất lớn, như đến nay đã chứng tỏ, chắc chắn là sai lầm lớn, thậm chí là sai lầm chiến lược như có người đã cảnh báo ngay từ lúc bấy giờ, nhưng hoàn toàn không được nghe. Chúng ta đã hành động ở Tây Nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến chỗ đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt, thậm chí đặc biệt nhất trong cả nước, không giống bất cứ vùng nào khác, kể cả các vùng dân tộc phía bắc và phía nam. Thậm chí có thể nói không quá lời, chúng ta đã làm mọi việc ở Tây Nguyên như là trên một vùng đất không người, không hề biết, không hề quan tâm đến những điều cơ bản và sơ đẳng nhất của vùng đất và người rất đặc trưng này. Không hề quan tâm đến lịch sử rất đặc biệt của Tây Nguyên. (Chẳng hạn có ai biết Tây Nguyên chính thức thuộc về Việt Nam từ khi nào? Các dân tộc Tây Nguyên đã đến và gắn bó với cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ bao giờ, bằng những con đường nào, có những điểm nào trên con đường đó để lại ảnh hưởng sâu xa trong sự gắn bó ấy? Từng dân tộc ở Tây Nguyên, như dân tộc Mơ Nông ở Đăk Nông đây, có những đặc điểm gì về lịch sử, về truyền thống, về tính cách, v.v.). Rồi tổ chức xã hội cổ truyền của Tây Nguyên ra sao đã khiến cho Tây Nguyên tồn tại bền vững qua mọi thử thách hàng nghìn năm nay, kể cả thử thách vô cùng khắc nghiệt của hai cuộc chiến tranh trong thời hiện đại, và còn ảnh hưởng rất sâu đậm cho đến tận ngày nay; những việc làm của chúng ta hiện nay tác động tốt xấu như thế nào đến cơ cấu tổ chức xã hội đã từng tỏ ra rất hiệu lực đó. Đặc điểm của các dân tộc và từng dân tộc ở Tây Nguyên, mối quan hệ giữa họ với nhau và với các dân tộc bên cạnh. Có đại biểu đã nêu rõ rằng những vấn đề tự nhiên và môi trường ở Tây Nguyên, ở Đăk Nông, là có tính chất “liên quốc gia”, rất đúng như vậy. Tôi xin nói thêm: vấn đề dân tộc ở đây cũng có tính chất liên quốc gia, hẳn chúng ta đều biết quá rõ và chắc chắn không thể coi thường khía cạnh rất nhạy cảm này. Và vấn đề cốt tử hàng đầu của mọi xã hội nông nghiệp là vấn đề đất đai, quyền sở hữu đất đai; có ai đã để tâm nghiên cứu vấn đề đất đai và quyền sở hữu đất đai ở Tây Nguyên xưa và nay ra sao? Trong những năm qua đã biến đổi như thế nào? Đang để lại những bài toán nào khiến chúng ta còn phải rất đau đầu tìm cách giải quyết (mà hầu như chưa thật sự có đường ra). Có một số tác giả đã có những công trình công phu và rất có trách nhiệm về đề tài vừa cơ bản vừa nóng hổi này, nhưng theo chỗ tôi được biết các công trình đó đều bị xếp kín vào tủ, không một người có trách nhiệm từ cấp cao nhất đến người thực hiện cụ thể ở cơ sở tại Tây Nguyên quan tâm, thậm chí liếc mắt nhìn qua. Hôm nay tôi xin được nói rõ lại một số điều chính các tác giả ấy đã nói rồi mà bị bỏ ngoài tai. Ở Tây Nguyên đất tức là rừng, và từ xưa, ở Tây Nguyên không có đất và rừng vô chủ. Rừng núi mênh mông vậy nhưng đều có chủ rất rõ rệt và cụ thể. Người chủ tuyệt đối đó là các làng, từng làng, đất và rừng của từng làng có ranh giới hết sức rành mạch, là thiêng liêng, của tổ tiên ngàn đời trao lại, của “Thần linh” ban cho làng, được ghi rất chặt chẽ trong luật tục, không ai được xâm phạm hay làm ô uế. Các nhà khoa học gọi đây là “quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng”. Quyền sở hữu đó là cơ sở, là nền tảng vật chất và kinh tế của tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên là làng. Làng và rừng của làng, từng làng, là “không gian gian xã hội” hay “không gian sinh tồn” của con người ở đây, nghĩa là khi không gian gian ấy bị xâm phạm, bị biến dạng, bị mất đi, thì con người không còn sinh tồn, nói nôm na là không còn sống được nữa. Mất nền tảng ấy thì làng tan, văn hóa tan, con người trở nên bơ vơ, lạc lõng, tha hóa, bởi văn hóa Tây Nguyên là văn hóa làng, văn hóa rừng, con người Tây Nguyên là con người của làng, của rừng. Và như thế xã hội tất rối loạn… 30 năm qua chúng ta đã xử trí như thế nào đối với đất và rừng ở Tây Nguyên? Chúng ta coi đấy là đất và rừng giữa trời, vô chủ, hết sức thản nhiên lấy đi hàng triệu hecta đất và rừng của các làng, từng làng, dửng dưng giao cho các đơn vị bộ đội, các Liên hiệp xí nghiệp nông lâm công nghiệp, rồi các nông trường, lâm trường, những tác nhân phá rừng lừng danh, và giao cho hàng triệu người di cư từ nơi khác đến, cũng là tác nhân phá rừng kinh khủng không kém (rồi ta đi vu cáo cho đồng bào dân tộc tại chỗ làm rẫy phá rừng, điều nếu quả họ đã làm thì họ đã bị tiêu diệt mất hàng vạn năm nay rồi!). Làng bị tước đi, cướp đi đất và rừng của mình, vỡ nát, tan rã. Có thể nói không quá đáng, ở Tây Nguyên ngày nay có hiện tượng một xã hội đang tan rã.

Tôi biết tôi nói ra những điều trên đây là không có gì mới, chắc mỗi người trong chúng ta có nói thẳng ra hay không đều biết, hoặc ít ra đều cảm thấy rồi. Nhưng tôi muốn nói lại những điều đó ở đây để thử đặt lại câu hỏi: trên hơn 2/3 diện tích của tỉnh Đăk Nông mà ta sẽ chặt trụi, cạo sạch đi hết rừng, rồi đào bới lên để lấy bauxite, trên cái diện tích không hề nhỏ ấy vốn có bao nhiêu rừng và đất của bao nhiêu làng Mnông, sự tan vỡ của các làng Mnông ngàn đời ấy sẽ đưa lại hậu quả gì? Liệu chúng ta có phải chờ đợi một tình hình bất ổn mới, như đã diễn ra nhiều năm qua trên cao nguyên này, lần này có thể còn nặng nề hơn, vì nhiều lý do: việc mất đất, mất rừng của dân tộc bản địa lần này rộng lớn hơn, tập trung hơn, dữ dội hơn, tính chất xuyên biên giới rõ rệt và phức tạp hơn, và lại có yếu tố nước ngoài, một yếu tố nước ngoài không hề đơn giản, đã cắm được vào tận đây thì không dễ, không biết bao giờ mới nhổ đi được, di hại không biết đến bao giờ, điều chắc chắn ai cũng biết, dù vì lý do này khác có nói ra hay không. Tôi nghĩ cần phải nói ra điều đó, hôm nay, nếu không thì sẽ là vô trách nhiệm, với đất nước, với lịch sử…

Quả thật có một câu hỏi nóng bỏng đối những ai từng yêu mến, gắn bó, và cả mắc nợ nữa, mảnh đất và con người ở đây, câu hỏi: người Mnông, chủ nhân ngàn đời của Đăk Nông này sẽ đi đâu, sẽ ra sao đây? Những điều chúng ta, những người chủ trương dự án, những nhà đầu tư và thực thi dự án hứa với đồng bào Mnông, với các làng Mnông, những làng từng sống chết ngàn đời ở đây, những lời hứa đó có bao nhiêu căn cứ? Bao nhiêu khả năng hiện thực? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu đó chỉ là lời hứa cho xong chuyện, cho được việc hôm nay, vì những quyền lợi cấp thời bây giờ?

Tôi có nghe ý kiến nói rằng Tây Nguyên còn đến hai triệu hecta rừng, rừng mất vì khai khoáng ở Đăk Nông là không đáng kể, và đấy cũng là vùng không có rừng, nên chẳng ảnh hưởng gì! Theo tôi con số hai triệu hecta rừng là một con số ma. Trong chiến tranh chống Pháp tôi từng có hoạt động ở vùng Đăk Mil, chúng tôi tồn tại được thời bấy giờ là do được rừng đại ngàn che chở. Nay rừng đã bị phá rất nhiều, đến gần hết, chúng ta muốn tiếp tục sa mạc hóa hoàn toàn vùng này chăng? Cũng không thể không nói thật rằng cái gọi là kế hoạch hoàn thổ sau khi đã cạo sạch rừng, bóc đi từ 1 mét đến 1,5 mét đất cho đến quặng, rồi tiếp tục moi đến hàng chục mét nữa để vét hết quặng, rồi lấp lại, trồng rừng lên, lập lại làng, khôi phục lại cuộc sống cho dân… là một sự nói chơi, nói đùa cho vui, nếu không phải là nói cho được việc trước mắt. Mùa mưa rừng Tây Nguyên, ai từng ở đây hẳn đều biết, dữ dội như thế nào, lại trên đất Đăk Nông cao trên 800 mét và dốc đến 25°, hoàn thổ thế nào kịp trước mùa mưa? Sẽ là một cuộc cạo sạch vĩnh viễn và khai thác tàn phá có tính tiêu diệt không hơn không kém, chắc chắn sẽ để lại một hoang mạc, như nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, không chỉ ở đây, mà còn ở cả một vùng rộng lớn Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Gần đây chúng ta nói đến tai họa Vedan. Tai họa do chất thải độc từ khai thác bauxite ở trên độ cao và dốc như Đăk Nông chắc chắn còn gấp trăm lần tai họa Vedan… Và rồi những người Mơ Nông bản địa bị thu hồi đất sẽ đi đâu, tái định cư như thế nào, làm gì ở vùng đất mới của họ, và họ đứng đâu, làm gì trong các nhà máy hiện đại của chúng ta? Kinh nghiệm suốt hơn 30 năm qua cho thấy, trong những dự án quy mô nhỏ hơn, ít hiện đại hơn nhiều, chưa đâu thành công trong việc đưa người bản địa trở thành những công nhân hiện đại trong các cơ sở kinh tế công nghiệp hiện đại. Hầu như chắc chắn họ chỉ còn hai con đường: lui vào rừng ngày càng sâu, bị bần cùng hóa tột độ, ngày càng khốn khổ và bế tắc; hoặc ở lại và trở thành người làm thuê đơn giản cho những người nơi khác đến, tức người Kinh (và 26.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật như kế hoạch dự kiến sẽ đưa lên đây) và cả những người nước ngoài mà chúng ta không hề mong muốn. Bị đẩy vào tình cảnh tất yếu đó, hoặc họ sẽ là một dân tộc bị suy tàn, mai một, hoặc họ sẽ có phản ứng không thể lường. Trong tình hình đó những cơ sở khai khoáng hoành tráng và những nhà máy huy hoàng của chúng ta có thể bảo đảm an toàn chăng?...

Các nhà khoa học đã phác ra bức tranh phải nói là khá đen tối về môi trường. Tôi xin thử hình dung bức tranh xã hội. Và muốn nói thêm rằng rõ ràng như vậy ở đây vấn đề môi trường cũng là vấn đề xã hội, là vấn đề dân tộc, và đã là vấn đề dân tộc thì chớ coi thường. Như chúng ta đều biết tôn giáo và dân tộc là hai vấn đề lâu dài nhất, khó nhất, thậm chí vĩnh viễn của thế giới, và cũng là của từng quốc gia.

Chúng ta đang đứng trước một vấn đề như vậy ở đây, hôm nay.

Quả thật nếu cứ một mực dấn tới, tôi không thấy có đường ra. Tôi là một người lính, từng trải qua chiến tranh. Tôi biết trong chiến tranh có một kinh nghiệm thoạt nghe hơi lạ: Quyết định nổ súng, mở đầu một trận đánh, một chiến dịch là rất khó. Đã chuẩn bị đầy đủ chưa? Đã rà soát chu đáo hết mọi chi tiết nhỏ nhất chưa? Còn sơ sót nào không, mà mỗi sơ sót nhỏ nhất đều là xương máu, thậm chí thất bại đau đớn?… Rất khó. Nhưng quyết định chấm dứt một trận đánh, một chiến dịch lại càng khó hơn. Trong khi tất cả đang hăng hái, hừng hực lao lên, mà dám sáng suốt nhận ra những bất lợi đang hé lộ chưa thật rõ, song có thể sẽ là chí tử, hiểu rằng nên dừng lại đi, lao lên thêm chút nữa là đang thắng có thể chuyển ngay thành bại, thảm hại, dám dũng cảm quyết đoán dừng lại, rút lui. Một sự anh minh và dũng cảm còn hơn cả khi quyết định nổ súng.

Tôi có cảm giác hiện nay chúng ta đang đứng trước một tình huống như vậy ở Đăk Nông này. Có quá nhiều hiểm nguy có thể đưa đến thảm họa từ một quyết đoán hời hợt.

Trong các báo cáo ở Hội thảo tháng 12-2007, tôi đặc biệt chú ý, có ấn tượng sâu đối với báo cáo của tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, theo tôi là một nghiên cứu có cơ sở khoa học, có biện luận thuyết phục, được cân nhắc thận trọng, và quan trọng hơn nữa, hết sức có trách nhiệm. Tôi tán thành những kiến nghị cuối cùng của tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, và trong ba kiến nghị cụ thể: (1) Sớm chấm dứt các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên; (2) Tăng cường đầu tư cho cây công nghiệp ở Tây Nguyên (thực ra sức chịu đựng cây công nghiệp ở Tây Nguyên cũng là có hạn, không phải vô tận, tăng cường đầu tư ở đây hẳn nên chú trọng chất hơn lượng – cà phê của ta nhiều nhưng chế biến kém, giá thấp …), tôi rất chú ý kiến nghị thứ ba: Thành lập Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế ở Tây Nguyên. Tôi đề nghị nên nói rõ thêm: Thành lập Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên, thậm chí có thể đảo ngược thứ tự ưu tiên lại: Không phải Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, mà là Ủy ban Quốc gia về phát triển xã hội - kinh tế. Hơn ở đâu hết, ở Tây Nguyên vấn đề xã hội - văn hóa là vấn đề hàng đầu, các toan tính lớn nhỏ về kinh tế đều phải phụ thuộc vào những cân nhắc chặt chẽ, thận trọng nhất về văn hóa xã hội để giữ yên sự bền vững trên vùng đất đã quá nóng này. Cho Đăk Nông, cho Tây Nguyên, và cho cả nước.

N. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

clip_image004

VIỆN TƯ VẤN

PHÁT TRIỂN

clip_image005

Báo cáo hội thảo

TÌM KIẾM GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC DO KHAI THÁC, CHẾ BIẾN QUẶNG BAUXIT, SẢN XUẤT ALUMIN VÀ LUYỆN NHÔM ĐẾN KINH TẾ - VĂN HÓA

XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC TÂY NGUYÊN

VÀ NAM TRUNG BỘ

Gia Nghĩa, ngày 22 – 23/10 năm 2008

clip_image007

Đăk Nông, tháng 11 năm 2008

I. BỐI CẢNH

Bô xít là khoáng sản kim loại phổ biến trên bề mặt trái đất và là một trong những nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn của Việt Nam. Để khai thác nguồn tiềm năng này, ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025; theo đó quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng tiềm năng bô xit gồm 2 vùng: vùng khai thác, chế biến quy mô vừa và nhỏ nằm ở các tỉnh phía Bắc và ven biển miền Trung; và vùng khai thác, sản xuất quy mô công nghiệp nằm chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên với 8 nhà máy, tổ hợp khai thác chế biến bô xit, sử dụng nguồn quặng từ 20 vùng mỏ, phân bố chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Ngoài những lợi ích kinh tế do khai thác nguồn tài nguyên này có thể mang lại, việc khai thác bô xít cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức và tồn tại liên quan đến môi trường, sinh thái, văn hóa và xã hội vùng khai thác, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn như hoàn thổ phục hồi môi trường, xử lý chất thải trong quá trình khai thác chế biến và ổn định đời sống cộng đồng dân cư vùng khai thác khoáng sản. Đặc biệt vấn đề chất thải bùn đỏ bởi cho đến nay trên Thế giới vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đối với Việt Nam, tiềm năng tài nguyên bô xít mới chỉ là điều kiện cần trong khi chưa có kinh nghiệm, chưa có công nghệ, thiếu nguồn nhân lực cũng như các điều kiện về cơ sở hạ tầng, các hoá chất, trình độ quản lý bảo vệ môi trường đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành công nghiệp này.

Với những lợi thế và khó khăn nêu trên nên việc khai thác tiềm năng bô xit khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua đã trở thành một trong những vấn đề có tính thời sự được nhiều cơ quan ban ngành và các tổ chức xã hội quan tâm phản ánh. Bên cạnh những ý kiến đánh giá tích cực, dư luận xã hội cũng còn nhiều băn khoăn, trăn trở về những nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa, xã hội đối với vùng có tính đặc thù như Tây Nguyên và các vùng khác có liên quan khi khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên khoáng sản bô xít. Nhận thức được vấn đề này, ngày 14/12/2007 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đăk Nông phối hợp với Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Tạp chí doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DNĐTNN) đã tổ chức tọa đàm khoa học “Giảm thiểu tác động tiêu cực trong khai thác và chế biến quặng bô xít ở Đăk Nông”.

Tại cuộc tọa đàm này, nhiều vấn đề liên quan về chương trình bô xít như các tác động tiêu cực về môi trường, văn hóa, xã hội đã được nêu ra. Tuy nhiên, do tính phức tạp của vấn đề nên các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý liên quan của tỉnh Đăk Nông đã thống nhất mời Tập đoàn Công nghệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tham gia đồng tổ chức một hội thảo khoa học quy mô lớn hơn với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương liên quan để có nhìn nhận rõ hơn về tổng thể tiềm năng và những vấn đề đặt ra khi thực hiện chương trình khai thác, chế biến quặng bô xít ở Tây Nguyên.

Thực hiện kế hoạch này, ngày 22 – 23/10/2008 tại Thị xã Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đăk Nông, Tập đòan TKV và Viện CODE cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Tìm kiếm giải pháp giảm thiếu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ” nhằm có được nhiều ý kiến thảo luận sâu hơn, đa chiều hơn về tiềm năng, lợi thế; những nguy cơ và tác tác động của chương trình này, để từ đó tìm kiếm các giải pháp giảm thiếu tác động bất lợi của quá trình khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh liên quan.

II. KẾT QUẢ THẢO LUẬN

Hội thảo “Tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ” thu hút được sự quan tâm của hơn 160 đại biểu tham gia thảo luận, phân tích các vấn đề liên quan dưới nhiều góc độ khác nhau: từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; nhà khoa học (các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học); chuyên gia (môi trường, kinh tế, xã hội); doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đang xúc tiến đầu tư khai thác, chế biến quặng bô xít ở Tây Nguyên; cộng đồng địa phương và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Sau phát biểu khai mạc, đề dẫn của lãnh đạo 3 đơn vị đồng tổ chức, 11 báo cáo khoa học và 18 ý kiến đóng góp, phản biện của đại biểu đã tạo ra không khí tranh luận sôi nổi suốt 2 ngày hội thảo. Tựu chung, được tổng hợp theo 3 nhóm chủ đề sau đây:

1. Tiềm năng tài nguyên bô xít Việt Nam và chương trình khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm của Tập đoàn TKV;

2. Cảnh báo nguy cơ tác động bất lợi đối với kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường khi khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm;

3. Tìm kiếm, đề xuất các giải pháp hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu tác động bất lợi do khai thác chế biến quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm.

II.1. Tiềm năng và chương trình khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm của Tập đoàn TKV

Theo kết quả điều tra thăm dò địa chất, các mỏ, các điểm quặng bô xít ở Việt Nam có phân bố rất rộng từ Bắc vào Nam, với trữ lượng thăm dò địa chất ước đạt 5,5 tỷ tấn quặng nguyên khai, tương đương với 2,4 tỷ tấn quặng tinh (trong đó trữ lượng cấp tìm kiếm thăm dò là 2,0 tỷ tấn, tài nguyên dự báo là 0,4 tỷ tấn)[1], tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên (91,4%), trong đó vùng Đăk Nông 1,44 tỷ tấn, Lâm Đồng 0,463 tỷ tấn, Gia Lai-Kon Tum 0,285 tỷ tấn.

Công nghiệp khai thác bô xít ở Việt Nam từ trước đến nay nói chung còn nhỏ bé. Ở miền Bắc trong thời kỳ Pháp thuộc, chỉ khai thác bô xít ở mỏ Lỗ Sơn (Hải Dương) với sản lượng khoảng 36 nghìn tấn / năm. Sau hoà bình lập lại, hàng năm mỏ này vẫn tiếp tục được khai thác nhưng khối lượng không đáng kể. Ngoài ra một số mỏ ở Lạng Sơn, Cao Bằng cũng được khai thác thủ công, cung cấp nguyên liệu cho một số nhà máy sản xuất xi măng (như Hoàng Thạch) hoặc bán sang thị trường Trung Quốc. Ở miền Nam, năm 1977 mỏ Đồi Nam Phương (Lâm Đồng) đã được chính thức đưa vào khai thác với công suất thiết kế khoảng 10 nghìn tấn tinh quặng/năm để cung cấp cho nhà máy sản xuất phèn chua COPHATA (nay là nhà máy hoá chất Tân Bình – TP Hồ Chí Minh). Hiện nay xí nghiệp khai thác, tuyển khoáng vẫn tiếp tục hoạt động, cung ứng nguyên liệu để sản xuất phèn chua và nhôm hydroxit. Công nghệ khai thác, vận chuyển sử dụng chủ yếu là máy xúc, ô tô. Công tác bảo vệ và phục hồi môi trường chưa được quan tâm đúng mức đã được dư luận phản ánh.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Thanh Liêm[2] về tổng quan tiềm năng và quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác, chế biến sử dụng quặng bô xít thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng bô xít lớn; công nghiệp bô xít – nhôm đã và đang nhận được sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Thanh Liêm,

Trưởng ban Nhôm - TKV

clip_image009

Vấn đề này được thể hiện tại các văn bản như Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Trung ương Đảng về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010; Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 72-TB/TW ngày 9/5/2007 về quy hoạch các dự án bô xít – alumin – nhôm tại Tây Nguyên và dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và đặc biệt là quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 về quy hoạch phân vùng, thăm dò khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ…

Theo quy hoạch, Tây Nguyên được xác định là vùng khai thác chế biến quặng bô xít quy mô công nghiệp với 7 nhà máy Alumin, 2 nhà máy điện phân nhôm, 2 nhà máy hydroxit nhôm, 1 đường sắt khổ đôi dài 270km, rộng 1,43m từ Đăk Nông đến Bình Thuận và 1 cảng biển chuyên dụng công suất 20 - 25 triệu tấn tại Bình Thuận. Mục tiêu đến năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất từ 6,0-8,5 triệu tấn alumin, 0,2-0,4 triệu tấn nhôm mỗi năm và đến năm 2025 sản xuất 12-18 triệu tấn alumin mỗi năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án này khoảng hơn 227 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện các dự án tổ hợp bô xít – alumin ở Tây Nguyên, TKV đã xây dựng định hướng phát triển quy trình, công nghệ, mô hình khai thác quặng bô xít, chế biến và sản xuất alumin và nhôm kim loại. Theo trình bày của TS.Nguyễn Chí Quang (cố vấn Chủ tịch HĐQT tập đòan TKV) thì nguyên tắc chung phát triển và chuyển giao công nghệ mà TKV hướng tới là thay đổi mô hình và công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng và thương mại theo hướng sạch hơn và thân thiện với môi trường. Dựa trên cơ sở sử dụng tiết kiệm tài nguyên bô xít, giảm tối đa các tác động của chất thải đến môi trường, thiết lập và duy trì hành vi của doanh nghiệp và xã hội một cách hài hòa, có trách nhiệm. Do Việt Nam chưa có kinh nghiệm và công nghệ công nghiệp nhôm, vì vậy TKV sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp của các đối tác nước ngoài có điều kiện xử lý, giảm thiếu các tác động bất lợi đối môi trường, xã hội. Quy trình công nghệ khai thác, chế biến quặng bô xít TKV định hướng tóm tắt như sau:

- Quy trình chung về công nghệ khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên: Chuẩn bị khai thác – khai thác và hoàn nguyên – tuyển quặng – luyện alumin – vận tải đường sắt – cảng biển xuất khẩu;

-

TS. Nguyễn Chí Quang,

cố vấn Chủ tịch HĐQT - TKV

clip_image011

Mô hình quản lý công nghệ khai thác mỏ: Thiết lập 3 vùng trong khu vực khai thác gồm vùng lõi (vùng chuẩn bị và khai thác), vùng đệm (khu lưu giữ đất phủ) và vùng hoàn nguyên, tái tạo giá trị sau khai thác. Tiến trình thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu hoàn nguyên, phục hồi môi trường đến đấy: Dọn mặt bằng – khoan nổ mìn – San gạt đất bóc – Xúc và vận chuyển đất bóc – Khai thác quặng – Vận chuyển quặng – Khôi phục địa hình – Hoàn trả lại lớp đất mặt – Cải tạo đất và trồng cây.

- Quy trình sản xuất alumin: Quặng bô xít qua tuyển – Nghiền – Hòa tách (dùng hơi nước) – Pha loãng – Lắng tách bùn (*) – Lọc bùn – Kết tủa – Phân cấp hạt – Rửa hydrat – Nung – sản phẩm alumin – kho chứa và vận chuyển.

- Quy trình xử lý bùn thải (từ*): Bùn thải – Rửa bùn – Hồ chứa bùn thải (quá trình làm khô) và xử lý nước thải (dùng nước biển) – Nước công nghiệp được tái sử dụng.

- Công nghệ điện phân nhôm: Alumin (và các nguyên liệu, nhiên liệu) – Bể điện phân nhôm – Nhôm kim loại – gia công các sản phẩm từ nhôm. Để sản xuất 1 tấn nhôm kim loại cần khoảng 15,6MWh điện và phát thải 11 tấn CO2.

Công nghệ xử lý bùn đỏ: Để chứa bùn đỏ, sẽ tận dụng các thung lũng để xây dựng hồ chứa với quy trình xử lý chống thấm nghiêm ngặt ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước ngầm. Các hồ chứa bùn đỏ sẽ phân thành 3 khu theo quá trình xử lý là bãi thải chứa bùn (vùng bùn), khu vực tách nước (vùng khô) và hồ trung hòa (vùng nước). Khi bùn đỏ khô chuyển đi và vòng tuần hoàn của bãi thải bùn đỏ lại bắt đầu. Các nghiên cứu xử lý bùn đỏ trên thế giới đều hướng tới nhằm mục đích từ thải bỏ đến tiêu hủy an tòan và tận dụng thành phần có ích bao gồm:

- Xử lý – tồn trữ: Chỉnh pH (theo phương pháp rửa, trung hòa) – Tách lỏng (lắng với chất trợ keo tụ, lọc ép) – Đóng rắn (phụ gia là than hay hóa chất) – Ổn định;

- Xử lý tiêu hủy: Phân hủy sinh học hoặc đốt tận dụng năng lượng (trộn với than và ép thành bánh làm nhiên nhiệu);

- Xử lý tận dụng: Dùng để canh tác nông nghiệp (làm đất trồng cây nông nghiệp), sản xuất vật liệu xây dựng, thu hồi kim loại quí, tận dụng sản xuất chất keo tụ, ứng dụng trực tiếp trong công nghệ môi trường…

Về quy trình công nghệ xử lý chất thải trong quá trình sản xuất alumin, TS.Nguyễn Chí Quang cho biết do alumin nặng hơn xi măng nên phát bụi ít hơn các nhà máy xi măng. Sản xuất alumin sẽ thải ra bùn đỏ có tính kiềm. Một số quy trình công nghệ (Bauxsol) dự kiến sử dụng nước biển để xử lý nhằm giảm độ kiềm và các chất độc hại (các loại tảo có trong nước biển có tác dụng hấp thu các kim loại nặng). Tập đoàn TKV dự kiến, nếu phương án này có thể áp dụng sẽ chuyển nước biển lên Tây Nguyên tận dụng chiều đi lên của đường sắt sau khi vận chuyển alumin xuống cảng biển.

Trên cơ sở áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại và những bài học kinh nghiệm từ các nền sản xuất bô xít tiên tiến của nước ngòai, TKV cho rằng việc khống chế và kiểm sóat nguy cơ phát tán các chất độc hại, bùn thải trong quá trình khai thác chế biến vào môi trường là hoàn toàn có thể thực hiện được. Với điều kiện đặc thù ở Tây Nguyên, định hướng về công nghệ của TKV là sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trên nguyên tắc sử dụng công nghệ khai thác và hoàn nguyên cùng song hành với nhau ngay từ đầu, giải quyết hài hòa giữa công nghệ và môi trường. Tiêu chí đầu tư phát triển của TKV không vì mục tiêu tối đa lợi nhuận mà tạo cơ hội phát triển đảm bảo lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, tạo nhiều việc làm và ổn định sinh kế cho cộng đồng.…

Cùng quan điểm với TKV, ông David McCraken đại diện Tập đoàn BHP Billiton (Anh – Úc) khẳng định chiến lược đầu tư khai thác bô xít của tập đoàn là hướng tới phát triển bền vững theo nguyên tắc cơ bản “tổn hại bằng không”, nghĩa là không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho con người và môi trường, thực hiện nghiêm ngặt quy trình giám sát và quản lý rủi ro, đầu tư khai thác khoáng sản song hành với tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương và thực hiện trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng.

clip_image013

Đại diện Tập đòan BHP Billiton

Ngoài ra, Tập đoàn cam kết tuân thủ nguyên tắc về đạo đức kinh doanh và tính trung thực, công bằng trong tuyển dụng và tôn trọng pháp luật địa phương…Với kinh nghiệm lâu đời và triển khai nhiều dự án ở các nước đang phát triển giống như Việt Nam, Tập đoàn BHP Billiton tự tin thực hiện tốt ở Việt Nam, đồng hành cùng lợi ích của xã hội và cộng đồng trên cơ sở tiếp cận một cách toàn diện để có được dự án tối ưu.

Trước những trình bày, phân tích và đánh giá về khả năng khống chế, kiểm soát tác động bất lợi đối với môi trường, kinh tế, văn hóa và xã hội vùng Tây Nguyên khi triển khai chương trình khai thác quặng bô xít của TKV và đối tác nước ngoài, nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo đã không đồng tình với quan điểm này và đã có những ý kiến phản biện, tranh luận về tính khả thi, những nguy cơ, tồn tại và các hạn chế của chương trình.

Cũng như tại tọa đàm khoa học tháng 12/2007, tại hội thảo này, một lần nữa các nhà khoa học đều đánh giá quy hoạch công nghiệp nhôm của Việt Nam quá nhiều tham vọng, chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ càng. Chương trình có quá nhiều dự án và nhiều bất cập chưa được tính đến. Điều này được thể hiện khi chương trình chưa lượng hóa được bao nhiêu đất phải chiếm dụng, bao nhiêu diện tích rừng và đa dạng sinh học có nguy cơ bị phá hủy, bao nhiêu hộ dân bị di dời và ảnh hưởng…

Trước hết, chương trình quy hoạch khai thác chế biến quặng bô xít được xây dựng trong điều kiện tiềm năng trữ lượng quăng bô xít chưa được điều tra đánh giá đúng mức, số liệu không thống nhất, điều tra địa chất chưa đạt yêu cầu. Việc phát triển các dự án bô xít của Tập đoàn TKV hiện nay chỉ thể hiện quyết tâm, trong khi các nguồn lực cần thiết như nhân lực, vốn, kinh nghiệm và công nghệ về bô xít gần như chưa có. Theo kế hoạch, từ chỗ chưa có gì nhưng chỉ trong vòng 10 – 15 năm, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có vị trí quan trọng trong công nghiệp bô xít-nhôm, cụ thể là số dự án bô xít – alumin của Việt Nam chiếm 27% tổng số dự án và 20% sản lượng alumin của thế giới[3]. Các ý kiến tranh luận cho rằng chương trình này đang đứng trước những nguy cơ và thách thức chưa lường tính hết được, bao gồm:

(i) Sự không cân đối giữa đầu vào và đầu ra của các dự án. Các dự án sản xuất alumin lên tới 12 - 18 triệu tấn/năm nhưng các dự án luyện nhôm kim loại chỉ có công suất từ 0,2-0,4 triệu tấn/năm;

(ii) Các dự án triển khai ở vùng rất nhạy cảm về môi trường xã hội như Tây Nguyên nhưng chưa có nghiên cứu và thử nghiệm trước;

(iii) Các dự án tuyển quặng bô xít cần rất nhiều nước nhưng lại được triển khai ở vùng khan hiếm nước về mùa khô cho phát triển các cây công nghiệp và đời sống nhân dân;

(iv) Các dự án nhôm có nhu cầu tiêu thụ điện rất lớn trong khi Việt Nam đang thiếu điện và sẽ không có nguồn thủy điện rẻ tiền để đảm bảo cho các dự án nhôm;

(v) Thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho lưu thông sản phẩm như đường sắt, cảng biển…

Quan điểm chung của các ý kiến tranh luận cho rằng bôxit (kể cả nhôm) là thứ khoáng sản được con người biết đến, nhưng chưa bao giờ là nguyên liệu sống còn của đời sống công nghiệp thế giới. Cuộc đụng chạm tác động vào Tây nguyên quá lớn như vậy mà chưa tính toán được những cái được và mất một cách toàn cục sẽ là điều vô cùng mạo hiểm. Theo đánh giá của TS.Trương Văn Tấn[4] các dự án bô xít theo quy hoạch này là những dự án lớn mang tầm chiến lược quốc gia nhưng Tập đòan TKV đã bỏ qua rất nhiều bước khảo sát, thẩm định cần thiết, đặc biệt là các yếu tố kinh tế xã hội.

Chương trình bôxit ở Tây nguyên đang thực hiện bộc lộ một nhược điểm rất rõ trong công tác quy hoạch tổng thể của Việt Nam đó là có quá nhiều chương trình triển khai nhưng mỗi ngành đều xây dựng kế hoạch cho riêng mình, ít quan tấm đến vấn đề phối hợp lồng ghép với nhau để nâng cao hiệu quả và tính khả thi. Tình trạng chung của Việt Nam thời gian qua và hiện nay là dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên để xuất thô (hoặc sơ chế), chưa chú trọng đến chế biến tinh, chẳng hạn như chương trình bô xít theo kế hoạch mới chỉ chú trọng đến công đoạn sản xuất alumin, chưa đủ điều kiện để luyện nhôm vì thiếu điện. Nhiều ý kiến thảo luận nhận định, chương trình khai thác bô xít này có tầm vóc lớn, liên quan đến nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu làm rõ. PGs.TS Trần Đình Thiên – Quyền viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đánh giá chương trình bô xít là siêu dự án, với nhiều vấn đề vượt quá tầm giải quyết của nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Chương trình quá nhiều tham vọng đối với ngành khoáng sản, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức tác động đến nhiều vấn đề của Tây Nguyên. Nếu thực hiện như kế hoạch đưa ra, dự báo dễ thấy sẽ xảy ra một cuộc tranh chấp về tài nguyên như đất đai, tài nguyên rừng và nguồn nước chưa từng có ở Tây. Nhấn mạnh về những nguy cơ tổng thể khi triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên, ông Cư Hòa Vần (Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng khai thác bô xít trên Tây Nguyên, đặc biệt với việc khai thác dàn trải trên 2/3 diện tích của tỉnh Đăk Nông sẽ liên quan đến nhiều vấn đề như kinh tế xã hội, môi trường sinh thái, an ninh chính trị và nguy cơ xáo trộn trật tự xã hội.

ThS.Lê Quang Trung,

Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam

clip_image015

Phản biện ý kiến tham luận về mục tiêu chiến lược và nguyên tắc đầu tư khai thác khoáng sản của ông David McCraken đại diện Tập đòan BHP Billiton (Anh – Úc) và định hướng công nghệ khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin của TKV, ThS.Lê Quang Trung[5] cho rằng phương án khai thác bô xít đang đưa đến cho nhân dân cả nước và đồng bào Tây Nguyên một bức tranh sai lệch về hiệu quả của chương trình, và đặc biệt nhầm lẫn khái niệm về sinh kế bền vững và lợi ích cộng đồng trong phát triển bền vững. Trong chừng mực nào đó

nhiều học giả trên thế giới đã cho rằng chiêu bài phát triển bền vững có thể được xem như là một dạng thực dân kiểu mới của các nước giàu để đưa công nghệ, sử dụng nhân lực của họ để tiếp cận khai thác tài nguyên của các chậm phát triển.

Bô xít là ngành công nghiệp mới đối với Việt Nam, bản thân Tập đòan TKV cũng chưa có nhiều kinh nghiệm cả lý thuyết lẫn thực hành, đặc biệt chưa có quy trình công nghệ xuyên suốt từ thăm dò, khai thác phục hồi môi trường đến sản xuất alumin, xử lý bùn thải và điện phân nhôm, tất cả đều phải dựa vào nước ngoài. Nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý Trung ương và địa phương và thậm chí cả một số chuyên gia của Tập đòan TKV cũng tỏ ra băn khoăn lo lắng về vấn đề này.

Bà Trần Thị Lành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh thái, Chính Sách, Xã Hội (SPERI) lo ngại việc chuyển giao công nghệ và học tập kinh nghiệm nước ngoài khi chưa xây dựng quy trình riêng trong điều kiện Việt Nam với lịch sử phát triển kinh tế xã hội và thể chế chính trị khác với các nước có ngành công nghiệp nhôm phát triển, cũng như chưa có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho quy hoạch này ở một địa bàn nhạy cảm về xã hội và chính trị như ở Tây Nguyên là vấn đề mạo hiểm. Do vậy, khi chưa làm rõ được quy trình công nghệ khai thác và chế biến bô xít vận dụng vào Việt Nam và chưa có đánh giá ĐMC thì không nên vội vàng triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên.

GS. Lê Văn Khoa

Đại học Quốc gia Hà Nội

clip_image017

Tranh luận về quy trình công nghệ sử dụng nước biển xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến phản biện cho rằng đây là phương án thiếu tính khả thi và không có hiệu quả. GS. Lê Văn Khoa – Đại học Quốc Gia Hà Nội nêu lên rằng cả nước biển và bùn đỏ đều có tính kiềm và nồng độ pH cao nên về phương diện khoa học không thể dùng nước biển để “xử lý” bùn đỏ được. Ngoài ra, nếu như sử dụng nước biển để xử lý bùn đỏ thì khối lượng nước biển chuyển lên Tây Nguyên sẽ rất lớn vì với công suất alumin dự kiến khoảng 12 – 18 triệu tấn sẽ thải ra trên 30 triệu tấn bùn đỏ/năm cần phải xử lý.

TS.Nguyễn Thành Sơn cho rằng các thung lũng là nơi có dòng chảy phân thủy, khi mưa lũ lớn bùn đỏ rất dễ bị chảy tràn ra ngoài. Vì tính chất nguy hiểm của bùn đỏ nên ở một số nước phải xây dựng nhà có mái che để bảo vệ bùn đỏ, hoặc sản xuất bao cao su để chứa. “Chúng ta không thể mơ hồ đối với nguy cơ về vấn đề bùn đỏ khi chứa ở trên cao nguyên” – ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh những ý kiến phản biện và tranh luận về kế hoạch khai thác quy mô lớn ở Tây Nguyên và vấn đề áp dụng quy trình công nghệ trong khai thác, chế biến; một vấn đề khác cũng được quan tâm là địa điểm xây dựng các nhà máy, tổ hợp bô xít – alumin. Theo kế hoạch dự kiến tất cả các nhà máy, tổ hợp chế biến bô xít – alumin đều đặt trên Tây Nguyên với mục đích là hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng các nhà máy chế biến ở Tây Nguyên ngoài việc hạn chế về điều kiện mặt bằng xây dựng công trình (vì chủ yếu là vùng đồi núi) sẽ gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Việc chọn địa điểm các nhà máy alumin, nhất là các nhà máy công suất lớn sẽ là bài toán phức tạp hơn nhiều do các mỏ bô xít đều ở thượng nguồn, cách xa cảng biển hàng trăm km, điều kiện giao thông khó khăn. Một nhà máy alumin quy mô lớn đặt tại thượng nguồn sẽ rất khó xử lý ô nhiễm kiềm và hóa chất hơn khi đặt ở hạ nguồn. Do vậy không nên cảm tính về những hiệu quả xã hội nào đó để quyết định địa điểm nhà máy alumin nói riêng và đầu tư khai thác chế biến bô xít nói chung[6]. Chính hiệu quả kinh tế cao của sản xuất là yếu tố cơ bản để tạo ra hiệu quả xã hội và giải quyết thỏa đáng các vấn đề về môi trường. Nếu sản xuất không có hiệu quả kinh tế thì sẽ không có lựa chọn nào cả mà chỉ tạo thêm gánh nặng lâu dài cho xã hội và môi trường. Chỉ riêng góc độ môi trường cần phải cân nhắc tính toán cụ thể vì đây là vùng nhạy cảm về sinh thái, các vấn đề dân tộc... Đây là lý do mà các nước xã hội chủ nghĩa những năm 80 của thế kỷ trước khi nghiên cứu phương án khai thác bô xít ở Tây Nguyên đều đề xuất xây dựng các nhà máy ở ven biển Nam trung Bộ và Đông Nam Bộ, ngay cả Tập đoàn Chalco (Trung Quốc) lúc đầu cũng đề xuất nên xây dựng nhà máy alumin tại Bình Thuận hoặc ở Bà rịa – Vũng Tàu[7] sẽ giảm được giá thành và dễ xử lý ô nhiễm môi trường hơn nếu đặt nhà máy alumin ở Tây Nguyên.

Việc triển khai khai thác bô xít theo quy mô công nghiệp thì vùng Tây Nguyên sẽ có nguy cơ biến thành sân sau cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luyện nhôm của các tập đoàn nhôm hàng đầu thế giới. Tây Nguyên có thể phải trả giá nặng nề về môi trường, sinh thái và ổn định xã hội nhưng ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam có thể vẫn chưa phát triển được vì theo quy hoạch khâu điện phân nhôm cũng chỉ xác định khiêm tốn khỏang 0,2 – 0,4 triệu tấn/năm vào năm 2025. Những sai lầm chiến thuật có thể dẫn đến những sai lầm về chiến lược. Sai lầm chiến lược của chương trình khai thác chế biến quặng bô xít ở Việt Nam là chỉ tận dụng khai thác nguồn quặng bô xít và sản xuất alumin trên Tây Nguyên để xuất khẩu dưới dạng alumin. Việc xuất khẩu alumin dẫn đến phải xây dựng tuyến đường sắt và cảng biển với quy mô đầu tư lớn. Có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia có tiềm năng trữ lượng bô xít lớn và việc khai thác nguồn tài nguyên này ở một góc độ nào đó là cần thiết. Tuy nhiên việc khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên là vấn đề không đơn giản. Đây là nguồn tài nguyên lớn của đất nước nhưng với điều kiện đặc thù về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội ở Tây Nguyên thì cần xác định lại thời điểm thích hợp khi nào thì bắt đầu khai thác và khai thác theo phương thức nào để biến tiềm năng khoáng sản này thành nguồn lợi vật chất, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Vì vậy trước khi quyết định cần thận trọng và có nhiều nghiên cứu thực tiễn, đặc biệt là các vấn đề văn hóa xã hội và tính ảnh hưởng tích hợp, liên vùng về môi trường.

II.2. Những nguy cơ và các tác động bất lợi đối với kinh tế, xã hội và môi trường của chương trình khai thác bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm ở Tây Nguyên

Những nguy cơ tác động bất lợi đối với kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường khi triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên, nhất là triển khai theo quy mô công nghiệp là một trong những chủ đề được thảo luận và tranh luận nhiều nhất tại hội thảo. Các chuyên gia, các nhà khoa học và cả các nhà quản lý đều thống nhất thừa nhận rằng thách thức lớn nhất khi khai thác chế biến bô xít đối với Tây Nguyên là vấn đề mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (mất thảm thực vật rừng, đa dạng sinh học, suy giảm nguồn nước…), ô nhiễm chất thải (quặng thải, bùn đỏ, bùn oxalate…), di dân, tái định cư và việc làm nông thôn… Đây là những vấn đề cần được quan tâm đặc biệt trong quá trình khai thác chế biến nếu không sẽ để lại hậu quả không lường. Khai thác bô xít phải bóc đi lớp đất mặt trên diện rộng, riêng tỉnh Đăk Nông có thể ảnh hưởng đến gần 2/3 diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Đức Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng đã đề cập đến những vấn đề nảy sinh khi triển khai các dự án bô xít, đó là sẽ phải chuyển đổi có thời hạn một số vùng đất sản xuất của người dân, chặt hạ một số diện tích rừng, sẽ có những ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của những hộ dân di dời tái định cư và tác động đến tình hình kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường sinh thái, quan hệ và an ninh xã hội ở địa phương.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Chính Phủ Việt Nam đã nhiều lần đưa dự án khai thác bô xit ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên của COMECON[8]. Các nước thành viên của COMECON, đặc biệt là Liên Xô, khi đó rất thiếu quặng bô xít cho nhu cầu công nghiệp quốc phòng. Sau khi nghiên cứu đánh giá tổng thể, Hội đồng COMECON đã quyết định không triển khai dự án bô xít ở Tây Nguyên và đã tích cực giúp Việt Nam triển khai các dự án phát triển cao su, cà phê và chè. Các chuyên gia của COMECON nhận định, nếu triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên sẽ có những tác động tiêu cực đến nguồn nước, không đủ nước để phát triển được cây công nghiệp cao su, chè và cà phê; sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn vùng hạ lưu ở Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Campuchia. Hạn hán sẽ kéo dài và lũ lụt sẽ thường xuyên xẩy ra hơn. Từ đó, các chuyên gia của COMECON đã đi đến kết luận rằng các dự án bô xít ở Tây Nguyên không có hiệu quả và họ đã lựa chọn phương án giúp Việt Nam bằng cách phát triển các dự án cao su, cà phê, và chè…

Hơn hai mươi năm sau, chương trình khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên lại được khởi động, dư luận xã hội lại một lần nữa được nghe những cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn về kinh tế xã hội và môi trường với mức độ cảnh báo trầm trọng hơn vì lần này được dự kiến là sẽ triển khai với quy mô công nghiệp. Các tác động và nguy cơ được nhiều đại biểu quan tâm lo lắng nhiều nhất là:

(i) Nguy cơ phát tán các chất thải độc hại, bao gồm các hóa chất sử dụng trong các công đoạn chế biến, quặng đuôi sau tuyển rửa, bùn đỏ và bùn oxalate… ra môi trường khu vực và hạ lưu;

(ii) Nguy cơ biến đổi khí hậu thời tiết do thu hẹp diện tích rừng đầu nguồn dẫn đến suy giảm khả năng điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, gia tăng lũ lớn về mùa mưa, hạn hán về mùa khô làm thất thu mùa màng các tỉnh vùng hạ lưu;

(iii) Làm xáo trộn đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư bản địa;

(iv) Để lại hậu quả xấu chưa lường trước được sau khai thác…

Từ ý kiến tranh luận và thảo luận, những vấn đề liên quan đến cảnh báo nguy cơ được nhóm theo các lĩnh vực sau đây:

II.2.1. Các vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể, hiệu quả kinh tế, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên

Theo trình bày của các chuyên gia Tập đoàn TKV, việc khai thác và chế biến bô xít sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mang lại lợi ích đáng kể cho địa phương, hình thành các cụm kinh tế công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động… thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên. Ông Đặng Đức Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng cho rằng thực hiện các dự án bô xít mỗi năm sẽ đóng góp cho ngân sách của tỉnh khoảng 1500 tỷ đồng (gấp 3 lần hiện nay) và có thể đạt được 2000 tỷ đồng sau năm 2015. Đăk Nông nếu không khai thác quặng dưới lòng đất thì không thể phát triển được.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và ngay cả một số nhà quản lý cũng chưa đồng tình với đánh giá này.

a. Hiệu quả kinh tế khi khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên:

Khai thác khoáng sản nói chung và khai thác chế biến bô xít nói riêng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Tuy nhiên trong điều kiện thực tế về các dự án bô xít ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng và tập trung phản biện về cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế của các dự án này. Nói chung các ý kiến đều thống nhất rằng phương án kinh doanh các dự án bô xít của TKV trình bày còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Trong phương án kinh doanh của TKV chưa tính toán hết các chi phí tổng thể khi vận hành các dự án. Ngoài những tính toán chi phí – lợi ích thuần túy khi lâp dự án đầu tư như trước đây, nhiều lĩnh vực và phạm vi ảnh hưởng chưa được tính đến như quy mô bị ảnh hưởng đối với các vấn đề liên quan như môi trường, thảm thực vật, nguồn nước, xã hội… mang tính liên vùng. Chỉ có điều tra tính toán tổng thể các vấn đề này mới làm rõ được hiệu quả đầu tư đúng thực tế.

Mặt khác trong chiến lược phát triển, các dự án lớn thường phải thể hiện được tác động có tính lan tỏa để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đối với các dự án bô xít này, vốn đầu tư rất lớn nhưng tính lan tỏa thấp. Liệu áp dụng công nghệ khai thác chế biến, sản xuất alumin có thể giúp cho Tây Nguyên cất cánh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững hay nhấn chìm Tây Nguyên với rác thải công nghiệp và bất ổn xã hội. Đáng lo ngại là công nghệ của TKV đưa ra mới chỉ mang tính định hướng, chưa có được những lập luận mang tính khoa học trên cơ sở thực tiễn và khách quan trước các siêu dự án bô xít này. Nhiều đại biểu băn khoăn nếu dự án khai thác bô xít ở Đăk Nông hàng năm có thể đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 1500 tỷ đồng nhưng liệu lợi ích trước mắt này có bù đắp được các rủi ro trong khi cách đây 20 năm dự này đã từng bị hủy bỏ? Đó là chưa kể đến nhiều đại biểu băn khoăn tính khả thi của việc đóng góp cho ngân sách địa phương tới 1500 tỷ đồng mỗi năm – bởi đây chỉ mới là con số mà nhà đầu tư đưa ra nhưng chưa có những giải thích, lập luận, tính toán chính xác về nguồn thông tin.

TS. Nguyễn Thành Sơn

Giám đốc công ty năng lượng Sông Hồng

Tranh luận cụ thể hơn về hiệu quả kinh tế, một số ý kiến cho rằng nếu dành nguồn vốn đầu tư các dự án bô xít để đầu tư cho chương trình phát triển cây công nghiệp như cao su, cà phê… thì lợi nhuận cao hơn nhiều lần, vừa thu hồi vốn nhanh không phải đối mặt với những nguy cơ về môi trường vừa tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Các dự án bô xít chiếm dụng đất lớn nhưng lại mâu thuẫn với tạo ra việc làm mới cho dân cư địa phương.

clip_image019

TS. Nguyễn Thành Sơn

Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng-TKV

 
Minh chứng cho vấn đề này TS.Nguyễn Thành Sơn đưa ra so sánh với cùng lượng vốn đầu tư như dự án nhà máy alumin Nhân cơ (theo công suất trước đây là 300 nghìn tấn alumin/năm) để đầu tư dự án cao su có thể trồng được hơn 34 nghìn ha và thuế nộp cho ngân sách gấp 23 lần, khả năng thanh toán nợ gấp 5 lần, thời gian hoàn vốn nhanh gấp 2 lần và khả năng sử dụng lao động gấp 34 lần so với dự án khai thác bô xít. Dự án bô xít – nhôm Lâm Đồng sử dụng diện tích đất 4200 ha nhưng chỉ tạo ra khoảng 1668 lao động, như vậy bình quân dự án bô xít cần 2,5 ha để có thêm 1 việc làm.

Một rủi ro hiện hữu cũng được nhiều đại biểu đề cập đến trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là yếu tố thị trường. Giá trị gia tăng và có hiệu quả kinh tế nhất của ngành công nghiệp nhôm là ở khâu luyện nhôm kim loại từ alumin. Giá trị của sản phẩm alumin chỉ chiếm 11 – 14% giá trị nhôm kim loại. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay Việt Nam chưa thể thực hiện được vì thiếu điện. Vì thế, nếu chỉ khai thác bô xít và sản xuất alumin hiệu quả sẽ rất thấp. Mặt khác thị trường alumin cũng chứa đựng nhiều rủi ro do thị trường thế giới về alumin trong những năm gần đây lại có nhiều biến động bất ổn. Bị ảnh hưởng, chi phối lớn và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

PGs.TS. Trần Đình Thiên

Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

clip_image021

PGs.TS.Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cảnh báo nếu không đánh giá được xu thế phát triển của thị trường nhôm thế giới thì khó có thể tránh được những rủi ro về thị trường trong tương lai. Bài học từ ngành thép, xi măng lò đứng, mía đường cho thấy ban đầu các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt liên doanh liên kết để khai thác nhưng khi thị trường bất ổn việc khai thác không thuận lợi thì không tham gia nữa và phía Việt Nam phải gánh chịu hậu quả.

Bên cạnh yếu tố thị trường, một yếu tố khác cũng góp phần quan trọng đến hiệu quả các dự án bô xít được nhiều đại biểu quan tâm là tính hiệu của quả của dự án xây dựng đường sắt Tây Nguyên – Bình Thuận. Nếu xây dựng chỉ để chuyển alumin xuống cảng biển thì quá lãng phí và không hiệu quả. Nhưng để kết hợp vận chuyển chiều ngược lại rất hạn chế vì chệnh lệnh độ cao rất lớn giữa Đăk Nông và cảng biển Bình Thuận (khoảng 700 – 750m). Đó là chưa kể đến khi chưa có đường sắt (khó có thể hoàn thành trước 2015) thì việc vận tải nguyên liệu cho nhà máy alumin như hóa chất, than… bằng đượng bộ cũng cần chi phí rất lớn. Chỉ tính riêng nguồn than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện tại Nhân cơ phục vụ sản xuất alumin, TS.Nguyễn Thành Sơn đưa ra tính toán mỗi ngày cần khoảng 1000 tấn than, tương đương 40 xe ô tô trọng tải 25 tấn. Như vậy theo kế hoach trong giai đoạn 2007 – 2015 có 6 nhà máy alumin ở Tây Nguyên được xây dựng (tổng công suất 6,4 – 8,4 triệu tấn alumin/năm)[9] khi chưa có đường sắt thì khối lượng vận tải than, hóa chất… sẽ rất lớn vì xe ô tô vận tải để chuyển than, hóa chất và alumin được thiết kế khác nhau. Nguy cơ phá hỏng cả hệ thống giao thông đường bộ vốn đã yếu kém ở Tây Nguyên là hiện hữu.

Liên quan đến tác động đối với đời sống kinh tế của người dân, theo số liệu báo cáo tại hội thảo của ông Trương Văn Hiển (Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đăk Nông), trong số diện tích quy hoạch vùng khai thác mỏ bô xít khoảng 400 nghìn ha sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng, trong đó cơ khoảng 139 nghìn ha đất nông nghiệp (chiếm 35% diện tích vùng quy hoạch khai thác mỏ) và 114 nghìn ha đất rừng (chiếm 29% diện tích vùng quy hoạch khai thác mỏ)[10]. Chương trình cũng sẽ tác động đến cuộc sống, sinh kế của 80 – 100 nghìn hộ dân trong vùng, đặc biệt là mất đi nguồn thu nhập chủ yếu của họ từ cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê. Việc khôi phục lại các vườn cây lâu năm này không đơn giản đối với đồng bào dân tộc vì đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư lớn và chăm sóc 5 – 6 năm sau mới có thu hoạch. Như vậy việc chiếm dụng đất sẽ có tác động lớn đến sinh kế và khả năng phục hồi thu nhập cho cộng đồng bị ảnh hưởng mặc dù sẽ được đền bù nhưng rất khó đảm bảo được cho các chi phí cần thiết.

Từ những ý kiến phân tích tranh luận giữa các bên trên đây cho thấy với những thông tin số liệu hiện có thì chưa đủ cơ sở để đánh giá tính hiệu quả của các dự án bô xít tại Tây Nguyên. Cần có thêm nhiều nghiên cứu thực tiễn, đa chiều với quy mô mở rộng từ vùng bị tác động trực tiếp đến vùng bị ảnh hưởng gián tiếp cả về kinh tế, văn hóa và hội và môi trường để từ đó phân tích đánh giá lợi ích – chi phí mang tính tổng hợp liên vùng.

b. Quản lý sử dụng bền vững tài nguyên

Ngoài nguy cơ rủi ro về kinh tế, việc khai thác bô xít, sản xuất alumin cũng đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên. Các ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu đều khẳng định về những nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn đối với nguồn nước, tài nguyên rừng, tài nguyên đất… khi khai thác quặng bô xit.

Trên quan điểm khai thác tài nguyên hướng tới sự phát triển bền vững, cần khai thác các dạng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm gắn với bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu họat động của các ngành kinh tế. Quan điểm này đồng nghĩa với việc không nhất thiết cứ có khoáng sản là khai thác, thấy lợi trước mắt là làm mà không căn cứ vào nhu cầu nguyên liệu khoáng sản của nền kinh tế và những tính toán lợi ích về lâu dài. Nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo cho rằng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là xu hướng chạy theo lợi nhuận xuất khẩu khoáng sản mà quên rằng khoáng sản cần được khai thác “hợp lý và tiết kiệm có hiệu quả”[11], để dành tài nguyên không tái tạo này cho sự phát triển bền vững của các thế hệ mai sau. Bô xít ở Tây Nguyên là dạng tài nguyên tiềm năng có giá trị rất lớn cần được quản lý bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý và tiết kiệm.

Khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin là một quá trình tiêu tốn và sử dụng rất nhiều nước. Việc bóc lớp thảm thực vật vùng đầu nguồn của nhiều hệ thống sông làm khai trường sẽ ảnh hưởng đến cân bằng nước không những cho Tây Nguyên vốn đang thiếu nước cho các họat động sản xuất, đặc biệt là cây công nghiệp và đời sống nhân dân mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước của các tỉnh vùng hạ lưu Sông Đồng Nai và các tỉnh Campuchia ở hạ lưu sông Srêpok. Nếu triển khai các dự án bô xít theo quy mô lớn sẽ xảy ra tranh chấp về nước rất gay gắt giữa nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nước cho thủy điện, nước cho sinh họat và một khối lượng nước rất lớn dành cho khai thác chế biến bô xít.

GS. Đào Công Tiến

Nguyên hiệu trưởng ĐH kinh tế TP Hồ Chí Minh

clip_image023

Lo lắng về vấn đề này, GS.Đào Công Tiến (Nguyên hiệu trưởng Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, nguyên cố vấn của Thủ tướng Chính phủ) cảnh báo nguồn nước ở Tây Nguyên những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng, vấn đề cân bằng nước trở thành vấn đề quan trọng không những cho Tây Nguyên mà cả duyên hải Trung Bộ và Đông Nam bộ. Nếu trưng dụng nước cho khai thác bô xít với khối lượng lớn, chắc chắn Tây Nguyên sẽ “chết” vì thiếu nước.

Đồng quan điểm này, GS.Đặng Trung Thuận (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên không tránh khỏi ngăn dòng, làm hồ chứa ở thượng lưu để lấy nước rửa quặng, sản xuất alumin… sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng nước ở hạ lưu. Quan trọng hơn khi khai thác đất sẽ bị bóc đi, phá hủy lớp thảm thực vật, hệ thống cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su… tác động đến các hệ sinh thái rừng tự nhiên vừa có giá trị về kinh tế, đa dạng sinh học và khả năng điều điều tiết nguồn nước, điều hòa khi hậu không những cho Tây Nguyên mà đối với cả hạ lưu.

Mặt khác do phần lớn các mỏ khai thác bô xít nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai, con sông được xem là mạch sống chính, là nguồn cung cấp nước chủ đạo cho hàng chục triệu người đang sinh sống dưới hạ lưu nên những tác động của các họat động phát triển từ khai thác quặng trên Tây Nguyên sẽ không dừng lại ở mức độ địa phương từng tỉnh mà lan rộng ra cả vùng, cả lưu vực. Theo ước tính sơ bộ để sản xuất được 1 tấn alumin cần khoảng 60 m3 nước phục vụ cho việc tuyển quặng, chế biến alumin… thì tổng nhu cầu nước giai đoạn 2007 – 2015 theo quy hoạch các dự án bô xít vùng Tây Nguyên cần khoảng 396 triệu m3/năm và giai đoạn 2015 – 2025 cần khoảng 792 triệu m3/năm. Xét về tiềm năng nguồn nước trên địa bàn thì có khả năng đáp ứng nhưng do lượng mưa phân bố không đều nên mùa khô Tây Nguyên sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Mặt khác việc khai thác sử dụng nguồn nước cho các dự án bô xít chưa được đề cập trong phương án cân bằng nước trước đây của quy hoạch quản lý sử dụng nước sông Đồng Nai, như vậy sẽ gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng và cân bằng nước trên toàn lưu vực sông Đồng Nai[12].

Liên quan đến nguy cơ phá hủy môi trường đất và thảm thực vật, ông Lê Quang Trung đưa ra số liệu về kinh nghiệm của thế giới rằng khi khai thác 1m2 mỏ quặng thì tác động lan tỏa sẽ ảnh hưởng đến diện tích xung quan tối thiểu là 3m2. Khai thác quặng bô xít sẽ tác động mạnh đến tài nguyên đất đai trên diện rộng, mặc dù mỗi năm mỗi dự án chỉ sử dụng khoảng 60 – 80 ha. Theo tính tóan của TS.Nguyễn Thành Sơn, mức độ chiếm dụng đất, thảm thực vật bị phá hủy khi khai thác bô xít khoảng 30 – 50 ha/triệu tấn bô xít, tương đương với 450ha/ triệu tấn công suất nhà máy.

Với địa hình dốc và đồi núi dưới tác động của mưa lớn ở Tây Nguyên toàn bộ mặt đất sau khai thác dù có hoàn thổ, trồng cây kịp thời giữa hai mùa mưa cũng chưa đủ thời gian để liền thổ, kết dinh và tránh được nguy cơ đất bị cuốn trôi và xói mòn và có thể dẫn đến nguy cơ thảm họa về lũ quét, lũ bùn. Quá trình khai thác, chế biến quặng bô xít trong điều kiện ở Tây Nguyên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc quản lý, bảo vệ sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên.

II.2.2. Các nguy cơ về ô nhiễm môi trường và sinh thái của Tây Nguyên và Nam Trung bộ

Nguy cơ ô nhiễm môi trường và sinh thái của Tây Nguyên và Nam Trung bộ do khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin được nhiều bài tham luận đề cập và có nhiều ý kiến tranh luận tại hội thảo. Các dự án đang triển khai chỉ có đánh giá tác động môi trường cục bộ của từng dự án mà không có nghiên cứu mức độ tác động mang tính tích hợp và liên vùng (đánh giá môi trường chiến lược - ĐMC). Trong quá trình khai thác chế biến bô xít ngoài việc gây ra tác động rất lớn đối với môi trường tự nhiên như phá rừng, xói mòn rửa trôi đất còn phát sinh một khối lượng chất thải rất lớn bao gồm khí thải, nước thải, hóa chất, bùn đỏ, bùn oxalate, chất thải rắn, chất thải nguy hại, đặc biệt là chất thải bùn đỏ… gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân không những ở Tây Nguyên mà còn có nguy cơ tác động bất lợi đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam bộ và các tỉnh Đông bắc Campuchia. Các ý kiến tranh luận tại hội thảo, kể cả TKV thống nhất thừa nhận các chất thải là không thể tránh khỏi khi thực hiện các dự án bô xít bao gồm các chất thải phát tán vào không khí, các chất thải rắn ra môi trường nước và đất, đặc biệt là chất chải bùn đỏ. Nguy cơ về ô nhiễm môi trường và sinh thái trong quá trình khai thác bô xít, sản xuất alumin chủ yếu liên quan đến chất thải. Từ nhận thức về nguy cơ ô nhiễm và các định hướng quy trình công nghệ về kiểm sóat chất thải TKV trình bày, hội thảo nhận được nhiều ý kiến phản biện, tranh luận có lúc gay gắt của các nhà khoa học và các chuyên gia.

Theo ước tính khối lượng chất thải trong quá trình khai thác, chế biến bô xít thải ra môi trường rất lớn. Bình quân lượng đất đá phủ phải bốc lên và đổ thải khoảng 1m3/tấn bô xít; trong khâu tuyển quặng lượng chất thải bình quân 1 tấn/ tấn quặng nguyên khai; trong khâu sản xuất alumin bình quân thải ra khoảng 2m3 chất thải/tấn (gồm bùn đỏ, bùn oxalate và nước thải); trong khâu luyện nhôm lượng chất khí thải độc hại bình quân 1kg/tấn. Với khối lượng chất thải như vậy, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm lo lắng vì Tây Nguyên thường có mưa lớn và tập trung sẽ gây khó khăn cho công tác hoàn thổ cũng như làm tăng nguy cơ phát tán các chất thải vào môi trường nước. Việc hoàn thổ và đảm bảo độ kết dính cần thiết giữa các lớp đất hoàn thổ và lớp đất cũ, cũng như đảm bảo độ che phủ của cây trồng để chống lại sự xói mòn rửa trôi giữa 2 mùa mưa là không khả thi. Nguy cơ sạt lở chảy trôi cả khối đất hoàn thổ theo dòng nước khi có mưa lớn và có thể gây ra thảm họa lũ bùn cho hạ lưu. Môi trường sinh thái Tây Nguyên là vấn đề sống còn không những cho nhân dân trong vùng mà còn đối với các vùng hạ lưu. Vì vậy phát triển kinh tế xã hội ở Tây Nguyên phải đi cùng với bảo vệ những cánh rừng hàng trăm năm chứ không phải phá đi để khai thác và trồng lại rừng. Theo ý kiến của ông Trần Văn Hiển (giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đăk Nông), khi khai thác quặng bô xít vào vào mùa khô thì đến mùa mưa khó hoàn nguyên được để trả lại đất cho dân, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con.

Trong số các chất thải từ khai thác, chế biến quặng bô xít, ô nhiễm bùn đỏ là vấn đề được thảo luận và quan tâm nhiều của các đại biểu. Các ý kiến đều khẳng định bùn đỏ là chất thải không thể tránh khỏi trong công đoạn sản xuất alumin. Trên thế giới chưa có nước công nghiệp phát triển nào (kể cả Mỹ) xử lý được vấn đề bùn đỏ một cách hiệu quả, triệt để đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Ở Việt Nam nếu sản xuất alumin ở Tây Nguyên bắt buộc tạo ra các hồ chứa bùn đỏ trên cao nguyên, như vậy sẽ có nguy cơ đe dọa thường xuyên đến an ninh và môi trường trên địa bàn nếu bị chảy tràn bờ khi có mưa lớn hoặc vỡ đập tràn ra ngoài. Lượng bùn đỏ tạo ra trên Tây Nguyên sẽ lớn gấp 3 lần lượng alumin thu được để xuất khẩu. Ngoài ra còn phải thường xuyên chứa khối lượng lớn hóa chất độc hại trong các kho ở Tây Nguyên. Bùn đỏ không như xăng dầu chảy ra có thể thu gom lại được, chỉ cần bùn đỏ thoát ra ngoài thì kim loại nặng sẽ phát tán vào nước ngầm theo sông hồ đổ về hạ lưu là vô phương cứu chữa. Cao nguyên Mơ Nông (Đăk Nông) là nơi bắt nguồn của nhiều nhánh sông suối quan trọng đổ vào sông Đồng Nai, sông Krông Nô (Srêpok) nên dòng chất thải từ các khai trường bô xít hoặc dòng bùn đỏ không kiểm soát được từ các hồ chứa sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, vẩn đục nước ảnh hưởng đến nước sinh họat và sản xuất của cư dân vùng hạ lưu. Về vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ông Trần Phương (phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông) cũng cảnh báo, chưa nói đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do bùn đỏ, bùn oxalate, ngay cả khi tuyển quặng với khối lượng hàng chục triệu tấn quặng thì nguy cơ làm vẩn đục nguồn nước cũng là vấn đề cần lưu tâm cho sử dụng nước ở hạ lưu.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, ở lưu vực sông Đồng Nai thuộc khu vực Đăk Nông – Lâm Đồng lượng mưa trung bình năm thuộc loại cao khoảng 2000 – 2600mm và phân bố tập trung vào mùa mưa (84%). Nguy cơ xảy ra lũ lớn, đặc biệt là lũ quét là hiện hữu và thường xuyên nên cần được xem xét một cách thận trọng khi xây dựng các chương trình phát triển trên địa bàn này. Như vậy nếu thực hiện các dự án bô xít theo quy hoạch, không có cách nào khác là chôn lấp bùn đỏ ngay tại Tây Nguyên và với vị trí đầu nguồn của các hệ thống sông lớn những hồ bùn đỏ, nếu xảy ra lũ quét khi đó không chỉ Tây Nguyên mà các cư dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam bộ sẽ chịu hậu quả.

Khi so sánh về điều kiện khai thác và phương thức thực hiện các dự án bô xít của nước ngoài với Việt Nam, một số ý kiến cho rằng vấn đề môi trường trong khai thác bô xít ở Tây Nguyên có thể sẽ gay gắt hơn những vấn đề tương tự ở Úc vì phần lớn các mỏ bô xít ở Úc đều ở sát biển (hạ nguồn), trong khi phần lớn các mỏ bô xít Việt Nam nằm trên cao nguyên (thượng nguồn). Như vậy khai thác bô xít quy mô lớn ở Tây Nguyên sẽ gây xói mòn đất, tác hại tới rừng và thảm thực vật đầu nguồn vốn đã và đang bị suy thoái, ảnh hưởng tới khí hậu thời tiết, làm gia tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán ở vùng hạ lưu. Vấn đề cân bằng nước ở vùng thượng nguồn nhất là ở những vùng có mỏ bô xít sẽ khó khăn hơn.

GS. Đặng Trung Thuận

Đại học Quốc gia Hà Nội

clip_image025

Ngoài nguy cơ ô nhiễm từ các chất thải rắn, trong quá trình khai thác sẽ phát tán một số loại khí có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù a xít hoặc hòa tan vào nước mưa làm giảm độ pH của nước, khi rơi xuống sẽ làm gia tăng khả năng hòa tan các kim loại trong đất làm chai đất, phá hủy rễ cây hạn chế khả năng đâm chồi, giảm năng suất cây trồng. Các khí này còn có khả năng gây kích ứng niêm mạc phổi, gây loét phế quản… Theo ý kiến GS.Đặng Trung Thuận đối với công đoạn sản xuất alumin, tác động đến môi trường

không khí là vấn đề rất đáng quan tâm khi sản xuất alumin sẽ phát tán các chất thải vào không khí gồm Fluorua dạng khí, dạng phân tử, SO2, hắc ín… Hợp chất Flo đi vào môi trường nước, môi trường đất gây hại cho người và gia súc ( tác hại đến răng và bệnh còi xương)…

Như vậy vấn đề ô nhiễm chất thải tác động đến môi trường sinh thái được hầu hết các đại biểu, kể cả các nhà quản lý nhìn nhận là hiện hữu và có nguy cơ cao. Nhiều vấn đề thắc mắc liên quan đến khả năng kiểm sóat và xử lý ô nhiễm chưa được các nhà đầu tư giải đáp thỏa đáng, còn nhiều vấn đề cần được phân tích làm rõ hơn để có biện pháp giảm thiểu tác động trước khi triển khai thực hiện.

II.2.3. Các vấn đề liên quan đến ảnh hưởng văn hóa, xã hội của các cộng đồng dân cư vùng khai thác khoáng sản

Ngoài những nguy cơ và rủi về kinh tế và môi trường sinh thái, một vấn đề được quan tâm đặc biệt đối với vùng đặc thù và nhạy cảm như Tây Nguyên đó là những tác động không thể tránh khỏi và chưa lường hết được về văn hóa xã hội đối với cộng đồng dân cư Tây Nguyên, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc bản địa. Bài phát biểu khai mạc của Ông Cư Hòa Vần đã cảnh báo “nếu 2/3 diện tích Đăk Nông biến thành công trường khai thác bô xít thì sẽ có nguy cơ gây ra xáo trộn xã hội và dẫn đến nhiều tác động tiêu cực”.

Trong các bài tham luận và thảo luận, TKV cam kết thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trên cơ sở tài nguyên, khoáng sản và nguồn nhân lực, phát triển hài hòa với môi trường với địa phương và cộng đồng, liên kết và huy động các nguồn vốn tài nguyên, vốn sinh thái, các khu bảo tồn, vốn văn hóa sử thi cồng chiêng, vốn xã hội cộng đồng, làng bản lấy con người là trung tâm, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, công bằng và an sinh xã hội, phát huy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội gắn với sinh kế cộng đồng...

Từ thực tế triển khai tại dự án tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng và nhà máy alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) cũng như nhìn nhận tính khả thi của các cam kết thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững của TKV, nhiều đại biểu tranh luận về nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa xã hội của cộng đồng dân cư địa phương.

Nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo cho rằng nguy cơ khi triển khai chương trình bô xít trên Tây Nguyên chưa hẳn là chuyện môi trường kinh tế, môi trường tự nhiên mà trước hết và quan trọng hơn cả là chuyện văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng. Nhà văn Nguyên Ngọc rút bài học kinh nghiệm về các chương trình phát triển trong hơn 30 mươi năm qua do chưa có sự chú ý đúng mức đến vấn đề xã hội nên đã để lại những hậu quả nặng nề, âm ỉ chưa biết đến bao giờ và bằng cách nào tháo gỡ được. Ông Ngọc cho rằng

clip_image027

Nhà văn Nguyên Ngọc

nói đến Tây Nguyên là nói đến văn hóa xã hội và là vấn đề hàng đầu. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu, các giải pháp đưa ra khi triển khai chương trình này chưa có giải pháp nào cụ thể cho môi trường sống của người dân Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các ý kiến thảo luận về vấn đề này khẳng định các dự án bô xít nếu triển khai sẽ đe doạ không gian văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa. Nếu tiếp tục triển khai đồng loạt, quy mô rộng chắc chắn không gian sống, không gian văn hóa của cư dân bản địa Tây Nguyên sẽ bị đảo lộn “Người dân M’Nông, chủ nhân của vùng đất Đăk Nông sẽ đi về đâu? Lời hứa của các nhà hoạch định

chính sách, chủ đầu tư và thực tế triển khai các dự án với đồng bào M’Nông có bao nhiêu căn cứ?” ông Nguyên Ngọc tỏ ra băn khoăn và lo lắng.

TS. Tuyết Hoa Niek Đam

Đại học Tây Nguyên

clip_image029

TS.Tuyết Hoa Niek Dam - Giảng Viên Đại học Tây Nguyên bình luận, những quy trình công nghệ và cam kết của TKV đối với địa phương và cộng đồng được trình bày rất hay. Nhưng các thông tin, tài liệu chúng tôi được biết về dự án khai thác bô xít chưa thấy đề cập nhiều về vấn đề này. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với đất đai, với núi rừng. Khi thu hồi đất đồng bào sẽ đi đâu và sẽ làm gì để sinh sống? Trình độ văn hóa của đồng bào nói chung còn thấp rất khó đảm bảo yêu cầu đào tạo để trở thành công nhân trong các nhà máy như mong muốn của TKV. Vậy họ sẽ làm gì để khôi phục thu nhập.

Đây là nguy cơ có thể đẩy họ phải đi tìm nơi ở. Qua điều tra nghiên cứu thực địa của nhóm nhà khoa học đại học Tây Nguyên cho thấy người dân trong vùng mỏ bô xít đang hoang mang bởi chưa biết cuộc sống của họ sẽ như thế nào khi bị thu hồi đất và chuyển chỗ ở.

TS.Tuyết Nhung Buôn Krông (Giảng viên Đại học Tây Nguyên) khi trình bày kết quả khảo sát xã hội tại 3 xã vùng mỏ Nhân Cơ khẳng định ở tại các khu vực đang dự kiến khai thác mỏ trong tương lai thì cây cà phê và các cây công nghiệp khác đang phát triển tốt và đời sống của người dân đang ổn định nhờ vào nguồn thu nhập này. Nếu mất Bon (làng của người M’nông – dân tộc bản địa chủ yếu trên cao nguyên M’nông) mô hình làng truyền thống và văn hóa của người M’Nông sẽ bị triệt tiêu. Từ đó sẽ kéo theo hàng lọat các vấn đề văn hóa xã hội, thậm chí là các vấn đề an ninh, chính trị. Cơ hội việc làm tham gia vào đào tạo công nhân kỹ thuật hầu như không có vì trình độ học vấn thấp. Người dân mong mỏi ở các cấp chính quyền và chủ đầu tư một cam kết về việc làm và làm thế nào đảm bảo không gian văn hóa một khi phải nhường đất cho các dự án bô xít.

clip_image031

TS. Tuyết Nhung Buôn Krông

Đại học Tây Nguyên

Thực tế về cơ hội việc làm cho cư dân địa phương từ các dự án bô xít trên thế giới cho thấy phần lớn các dự án bô xít – nhôm đều lẩn tránh việc xác định danh mục các ngành nghề của nhà máy alumin có thể phù hợp để sử dụng lao động tại chỗ. Các cơ sở sản xuất alumin về bản chất là các nhà máy hóa chất đòi hỏi công nhân phải được đào tạo có trình độ cao với số lượng không cần nhiều, như vậy khả năng tạo ra việc làm tại chỗ không đáng kể. Ở khâu khai thác, tuyển quặng, các nhà đầu tư tăng cường mức độ cơ giới hóa cao và việc làm cho cư dân tại chỗ cũng hạn chế.

Trong khi đó các dự án bô xít có nguy cơ cao về tác động xã hội không những đối với hơn 150 nghìn dân trong vùng quy hoạch khai thác mỏ của tỉnh Đăk Nông mà còn ảnh hưởng đến các vùng xung quanh và ở hạ lưu, nhiều hộ dân phải di dời nhường chỗ cho khai trường. Điều duy nhất như nhiều chuyên gia đánh giá, các dự án bô xít – nhôm có thể mang lại cho dân cư địa phương đó là chất thải và bùn đỏ!

Theo ý kiến bà Trần Thị Lành (Viện trưởng Viện nghiên cứu sinh thái và chính sách xã hội - SPERI) trong quá trình triển khai ban đầu của các dự án, Tập đoàn TKV chưa thực hiện công việc đầu tiên theo quy định của pháp luật là tham vấn ý kiến cộng đồng, niêm yết công khai những thiệt hại của người dân và ô nhiễm môi trường trong vùng như nguyên tắc quy định trong pháp lệnh dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã đề ra. Khi khai thác nhiều diện tích đất bị chiếm dụng, nhiều hộ dân phải di dời nơi ở cũ để nhường chỗ cho các khai trường, đất bị đào bới sẽ làm mất đi tính đa dạng sinh học, mất đi nhiều loại cây quí gắn với đời sống văn hóa xã hội lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên cùng với các tri thức bản địa của họ.

TS. Đào Trọng Hưng

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

clip_image033

Việc chiếm dụng quá lớn diện tích đất trong khai thác bô xít sẽ làm đảo lộn đời sống của cộng đồng địa phương từ vấn đề kinh tế, kế sinh nhai, môi trường sống, đến văn hóa xã hội... Về vấn đề này, TS.Đào Trọng Hưng (Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nêu câu hỏi chất vấn TKV rằng đã tiên lượng đầy đủ khi tác động vào một vùng nhạy cảm xã hội như Tây Nguyên? Ông Hưng nhấn mạnh về việc chuẩn bị các khu tái định cư, hình thức di dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sinh kế lâu dài và sự tham gia của người dân và cộng đồng trong quá trình tái định cư và phục hồi sinh kế…

Qua nghiên cứu điểm tại khu vực dân cư dự án Nhân Cơ của Đại học Tây Nguyên[13] cho thấy người dân luôn ở trong thế bị động đối với những gì diễn ra xung quanh họ. Thông tin không được phổ biến một cách cụ thể đến các bên liên quan và cả những người bị tác động trực tiếp. Kế hoạch đền bù giải tỏa không được thông báo rõ ràng, người dân không tiếp cận được thông tin về phương án định canh, định cư…

Từ thực tế này, một số chuyên gia xã hội học cho rằng vấn đề tái định cư, định canh đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên nếu không có nghiên cứu, chuẩn bị cẩn thận sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội trong tương lai.

II.3. Đề xuất giải pháp phát triển bền vững và giảm thiếu tác động bất lợi do khai thác quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

Những phân tích và thảo luận kể cả tranh luận của các bên đã phần nào giúp cho các đại biểu nhận thức và nhìn nhận được bức tranh tổng thể, những bất cập, thiếu thực tế cũng như những nguy cơ và rủi ro của chương trình khai thác, chế biến quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đối với kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường đối với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh hạ lưu sông Đồng Nai và sông Srêpok. Khai thác bô xít để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cần được cần nhắc. Việc khai thác bô xít ở quy mô rộng, công nghiệp và xây dựng các nhà máy chế biến ở vùng nhạy cảm cả về môi trường sinh thái, chính trị và xã hội như Tây Nguyên trong khi chưa có kinh nghiệm, chưa có công nghệ và các nguồn lực cần thiết khác chủ yếu dựa vào nước ngoài thì đây là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét cẩn thận trước khi thực hiện. So sánh với điều kiện và phương thức khai thác, chế biến bô xít của nước ngoài, nhiều đại biểu lo ngại về tính khả thi của chương trình và phương án khai thác, chế biến bô xít ở Tây Nguyên của TKV có thể đẩy nguy cơ tác động đến môi trường càng trầm trọng hơn. Từ những bức xúc và cảnh báo nguy cơ liên quan khi khai thác, chế biến bô xít và sản xuất xuất alumin kể trên, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp để cùng nhau thảo luận nhằm giảm thiểu tác động bất lợi vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên.

a. Cần thực hiện nghiên cứu tỷ mỷ, đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch khai thác bô xít vùng Tây Nguyên:

Vấn đề quan tâm nhiều nhất đối với quy hoạch phân vùng khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm là chưa có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Hầu hết các ý kiến phản biện đều cho rằng với quy mô và tầm quan trọng của các dự án bô xít ở Tây Nguyên, chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện ĐMC theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. TS.Trương Văn Tấn (Cục trưởng Cục môi trường Miền Trung – Tây Nguyên, Bộ TNMT) cho rằng báo cáo của TKV chưa phân tích rõ về vấn đề kinh tế và phòng chống rủi ro về tài nguyên mang tính tích hợp và liên vùng, nhất là đối với vùng phòng hộ đầu nguồn. Vì vậy, việc triển khai lập ĐMC đối với quy hoạch khai thác bô xít là hết sức rất cần thiết, ít nhất cũng phải thực hiện đối với quy hoạch khai thác vùng Tây Nguyên vì những lý do sau đây:

(1). Các dự án khai thác bô xít, chế biến alumin ở Tây Nguyên triển khai theo quy mô công nghiệp với nhiều dự án trải trên quy mô rộng lớn (riêng Đăk Nông đã hơn 400 nghìn ha),

(2). Các dự án nằm ở vùng rất nhạy cảm về xã hội, chính trị và môi trường;

(3). Các dự án đều có quy mô lớn và nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sông văn hóa xã hội và môi trường của một bộ phận dân cư rất lớn gồm 12 tỉnh ở hạ lưu.

Cùng với quan điểm trên GS.Đặng Trung Thuận cũng nhấn mạnh khi phân tích về tính bất cập của quy hoạch khai thác bô xít và khẳng định các dự án bô xít ở Tây Nguyên được coi là những siêu dự án trải trên diện rộng về nhiều mặt nên rất cần thiết phải có ĐMC theo đúng quy định tại điều 14 luật Bảo vệ môi trường. Nên chờ khi có đủ nhân lực, kỹ thuật và điều kiện cần thiết khác chứ vội vàng khai thác, sản xuất alumin khi chưa có điều tra nghiên cứu kỹ là quy trình ngược không nên làm. Bà Trần Thị Lành cũng cho rằng việc làm đầu tiên của chương trình khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên là phải lập ĐMC, nếu chưa thực hiện được vấn đề này thì chưa nên triển khai vì nguy cơ ảnh hưởng rất lớn chưa lường hết được, đặc biệt là vấn đề văn hóa xã hội của cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đều thống nhất rằng trong những dự án lớn như dự án bô xít cần chú ý đến nhiều khía cạnh khác nhau trước khi đưa ra quyết định. Theo tham vấn ý kiến ở Bộ Tài Nguyên môi trường, việc Thủ tướng ký phê duyệt chỉ mang tính định hướng. Khi triển khai thực hiện cần phải tuân thủ pháp luật và việc lập ĐMC đối với dự án quy hoạch như quy hoạch khai thác chế biến bô xít là công việc bắt buộc đã được quy định trong luật bảo vệ môi trường. Để có cơ sở khoa học nhằm thực hiện tốt chương trình khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit ở Tây Nguyên mà vẫn hạn chế được các tác động bất lợi tới môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội, thì việc triển khai đánh giá ĐMC hoặc tác động môi trường tổng hợp cho Quy họach này là hết sức cần thiết và cấp bách.

Về phía địa phương, trong bài phát biểu bế mạc hội thảo, ông Trần Phương (Phó chủ tịch tỉnh Đăk Nông) đã đề nghị Viện CODE hỗ trợ vận động các nguồn lực giúp tỉnh đánh giá môi trường tổng hợp cho các dự án bô xít trên địa bàn. GS. Đào Công Tiến khẳng định rằng trước khi trình Thủ tướng ký phê duyệt chương trình này chưa được bàn và nghiên cứu kỹ. Vì thế, cho đến nay khi đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập cần phải bàn tiếp và kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh. Ông nhấn mạnh rằng đây là việc làm bình thường trong quá trình xây dựng chính sách. Không nên duy ý chí rằng việc gì đã quyết định rồi, thấy thiếu sót nhưng vẫn làm.

b. Cần có chương trình khai thác thử nghiệm trước khi triển khai các dự án lớn:

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đề xuất và tham gia thảo luận. Theo ý kiến chung của nhiều đại biểu vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm, chưa có quy trình công nghệ về khai thác và chế biến bô xít, sản xuất alumin thì việc có dự án sản xuất thử nghiệm là vô cùng cần thiết và không thể bỏ qua. Nếu triển khai nóng vội chưa chắc đã có hiệu quả kinh tế nhưng nguy cơ về sự cố môi trường rất lớn.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập của chương trình khai thác bô xít và giải đáp những vấn đề chưa có lời giải về sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên, các ý kiến đều thống nhất về giải pháp duy nhất để triển khai các dự án bô xít là triển khai thử nghiệm, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng ra các dự án khác. Theo đề xuất của TS.Nguyễn Thành Sơn thì quy mô thử nghiệm chỉ nên giới hạn dưới 1,5 triệu tấn bô xít/năm (khoảng 300 nghìn tấn alumin). Địa điểm có thể chọn trên cơ sở khu mỏ Gia nghĩa hoặc mỏ 1-5 vì các khu mỏ này đã thăm dò có trữ lượng tương đối lớn và có thể đại diện cho Tây Nguyên. Về phương thức thử nghiệm, cần có sự giám sát toàn diện của cộng đồng xã hội thông qua chính quyền địa phương trong việc đưa ra quyết định và thực hiện cam kết.

clip_image035

PGS.TS. Hà Huy Thành

Viện trưởng Việnghiên cứu môi trường và PTBV

Mục tiêu của dự án thử nghiệm cần làm rõ những vấn đề khách quan và chủ quan còn bỏ ngỏ của các dự án. Những câu hỏi lớn và quan trọng chưa có giải đáp của chủ đầu tư liên quan đến 10 nhóm vấn đề gồm (i) Vấn đề xã hội, (ii) vấn đề đa dạng sinh học, (iii) vấn đề công nghệ, (iv) vấn đề môi trường, (v) Vấn đề sinh thái, (vi) Vấn đề nguồn nước, (vii) Vấn đề kinh tế, (viii) vấn đề chính sách (ix) vấn đề con người và (x) Vấn đề liên quan đến hành vi ứng xử của chủ đầu tư và các bên liên quan.

Đồng quan điểm này, PGs.TS.Trần Đình Thiên cho rằng trước khi triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn cần có kế hoạch làm thử một cách nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Về phần mình với tư cách là đại diện của Viện nghiên cứu về môi trường và phát triển bền vững, PGs.TS.Hà Huy Thành nhìn nhận sự cần thiết có mô hình thử nghiệm và cho rằng chúng ta nên thí điểm trước để xem xét đánh giá cụ thể vấn đề như thế nào trước rồi mới quyết định có nên triển khai hay không. Đăk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung chưa đến lúc nóng lòng khai thác bô xít khi chưa có nghiên cứu đúng mực. Về phía chủ đầu tư, từ ý kiến đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học ông Dương Văn Hòa cho biết, TKV ủng hộ quan điểm cần làm thí điểm trước và thực tế TKV đang làm thí điểm ở dự án Nhân Cơ và Tân Rai. Trên

Ông Trần Phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk nông

clip_image037

cơ sở 2 dự án này sẽ tiếp tục điều chỉnh cho các dự án tiếp theo. Ông Trần Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng đề nghị nên triển khai dự án thử nghiệm trước và lấy dự án đang thực hiện ở Nhân Cơ làm thí điểm để có mô hình mẫu đánh giá rút kinh nghiệm trước khi quyết định mở rộng các dự án khác. Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng với 2 dự án được TKV coi là “thử nghiệm” với vốn đầu tư mới chỉ tính phần nhà máy alumin đã lên đến gần 1 tỷ đô la là quá lớn.

c. Chính sách quản lý sử dụng đất đai vùng khai thác chế biến bô xít

Vấn đề sở hữu đất và sử dụng đất sau khi khai thác mỏ bô xít đối với điều kiện xã hội các dân tộc Tây Nguyên là vấn đề rất nhạy cảm. Vì vậy việc vận dụng chính sách đất đai hợp lý để giảm thiểu những xáo trộn trong đời sống xã hội cộng đồng là vấn đề được các địa phương, đặc biệt là tỉnh Đăk Nông quan tâm ngay từ khi chương trình khai thác bắt đầu xúc tiến triển khai. Đặc điểm của khai thác mỏ bô xít có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn không kéo dài như các loại khoáng sản khác, vì vậy có thể không cần phải thu hồi đất như luật khoáng sản quy định. Do vậy sau khai thác có thể hoàn nguyên để trả lại đất cho các đối tương sử dụng đất. Trên cơ sở ý tưởng này, UBND tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo Sở Tài Nguyên môi trường xây dựng đề cương đề xuất áp dụng chính sách đất đai trong khai thác mỏ bô xít. Theo đề xuất này có 3 phương án như sau:

-

clip_image039

Phương án 1: Nhà nước thu hồi và cho thuê đất có thời hạn, sau khi khai thác và hoàn thổ trả lại đất cho chủ sử dụng đúng vị trí và diện tích như trước khi thu hồi

- Phương án 2: Nhà nước thu hồi, quy hoạch lại và giao cho các chủ sử dụng sau khi khai thác và hoàn nguyên;

-

Ông Trần Văn Hiển, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đăk Nông

Phương án 3: Nhà nước thu hồi đất, các chủ sử dụng đất được cấp đất sản xuất mới hoặc chuyển ngành nghề

Theo ý kiến chung của các đại biểu, trong các phương án đề xuất về áp dụng chính sách đất đai, phải ưu tiên lựa chọn phương án áp dụng chính sách nào có lợi cho người dân nhất, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải tuân thủ pháp luật. Có thể áp dụng cả 3 phương án đối với từng trường hợp cụ thể khác nhau. Việc thu hồi đất phải thực hiện một cách thận trọng, nhà đầu tư cùng chính quyền địa phương cần có giải pháp mềm dẻo, tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của người dân. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu phát triển dự thảo đề cương để tính toán lại vấn đề sử dụng đất hợp lý hơn và đưa ra phương án áp dụng chính sách đất đai phù hợp tránh xáo trộn đến đời sống của người dân, đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất việc di dời dân khỏi nơi ở truyền thống…

Phân tích khả năng áp dụng chính sách này, Ông Trần Phương (phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông) và Ông Dương Văn Hòa (Phó tổng giám đốc TKV) đều cho rằng cả 3 phương án do Sở Tài nguyên môi trường đưa ra có thể sử dụng xen ghép phù hợp với từng đối tượng sử dụng đất và cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn. Bên cạnh đó, ý kiến của một số đại biểu còn băn khoăn về vấn đề phương án tái định cư tạm thời và đời sống người dân bị ảnh hưởng khi áp dụng theo phương án 1 và 2 (sẽ trả lại đất cho dân sau khi hoàn thổ). Trong thời gian cho TKV thuê đất để khai thác thì các hộ dân này sống ở đâu, phương án tái định cư tạm thời sẽ thực hiện như thế nào và theo phương thức nào? Vì vậy cần có những nghiên cứu cụ thể hơn, toàn diện hơn về các phương án áp dụng chính sách đất đai đối với vùng khai thác mỏ bô xít…

d. Hoàn thổ, phục hồi môi trường:

Để khôi phục môi trường sau khai thác, các tham luận của TKV đưa ra định hướng quy trình công nghệ khai thác theo phương thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu hoàn thổ đến đấy theo quy trình: vùng đất ban đầu -> bóc các lớp đất mặt -> khai thác quặng -> hòan thổ -> trồng cây. Để thực hiện vấn đề này, TKV đưa ra phương án tiếp cận khai thác theo 3 vùng gồm vùng lõi là khu vực khai thác; vùng đệm để chứa lớp đất phủ; và vùng hoàn nguyên tái tạo giá trị. Với mô hình quản lý khai thác mỏ bền vững áp dụng kinh nghiệm thực tế ở nước ngoài, TKV hy vọng sau 2 – 3 năm hoàn thổ cây trồng sẽ trở lại xanh tươi, kể cả việc phục hồi cây trồng trên bãi thải bùn đỏ. Để chuẩn bị kế hoạch hoàn thổ phục hồi môi trường, TKV đang chuẩn bị các nghiên cứu ứng dụng lựa chọn các cây trồng phù hợp để trồng sau khi hoàn thổ, kể cả tìm hiểu kinh nghiệm sử dụng các loại cây trồng trên vùng hoàn thổ ở nước ngòai. GS.Hồ Sĩ Giao (Hội khoa học mỏ Việt Nam) cũng nhìn nhận lạc quan về khả năng hoàn thổ phục hồi môi trường của các dự án bô xít ở Đăk Nông khi cho rằng đặc điểm địa chất khoáng sản bô xít ở ĐăkNông có các thân quặng được hình thành dưới dạng vỏ phong hóa laterit bao bọc phần chóp của các đồi thấp, có chiều dày không lớn, trụ vỉa là đá bazan phong hoa bở rời dễ cải tạo để có chất lượng phù hợp với điều kiện sinh trưởng của một số cây trồng như cao su, hồ tiêu, cà phê... Bởi vậy sau khai thác việc hoàn thổ sẽ mang lại cho đất đai nhiều giá trị mới như chất lượng đất được cải thiện cho cây trồng, giảm độ lồi lõm của địa hình, mục tiêu sử dụng đất đa dạng hơn… Tuy nhiên đa số các nhà khoa học, kể cả một số nhà quản lý cũng không đồng tình quan điểm này và cho rằng việc hoàn thổ, phục hồi môi trường không đơn giản như nhận thức từ trước đến nay của nhiều người khi cho rằng hoàn thổ phục hồi môi trường chỉ là việc lấp đất lại và trồng cây. Các nhà khoa học khuyến cáo rằng hoàn thổ, phục hồi môi trường ở đây cần được hiểu ở các khía cạnh khác nhau theo mục đích sử dụng, đó là:

(i) Hoàn thổ, cải tạo đất để phát triển nông lâm nghiệp (trồng cây nông nghiệp và trồng rừng);

(ii) Hoàn thổ, phục hồi lại gần giống các hệ sinh thái tự nhiên trước đây để bảo vệ hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học và

(iii) Hoàn thổ để sử dụng vào mục đích khác (xây dựng các công trình...).

Đặc biệt đối với hệ sinh thái rừng tự nhiên, dù chỉ ở dạng rừng nghèo kiệt cũng có giá trị rất lớn về mặt sinh học và sinh thái môi trường mà không một loại rừng trồng nào có thể thay thế được, nhất là đối với vùng đầu nguồn của nhiều hệ thống sông suối như Tây Nguyên nên việc phục hồi đối với hệ sinh thái này không đơn giản. Vấn đề hoàn thổ ở đây là đảm được tính thổ nhưỡng để phục hồi cây trồng, chứ không phải là lấp đất lại sau khai thác. Hoàn thổ phục hồi môi trường cần được hiểu là hoàn trả lại cho đất và thảm thực vật trên đất gần giống với môi trường trước khi khai thác.

PGs.TS.Hà Huy Thành đưa ra dẫn chứng về khai thác than ở Quảng Ninh cả trăm năm nay nhưng thử hỏi hoàn thổ được bao nhiêu. Việc hoàn thổ phục hồi môi trường không dễ dàng như một số bài tham luận chỉ mang tính lý thuyết. Ngay cả các Tập đoàn công nghiệp nhôm hàng đầu thế giới có nhiều kinh nghiệm trong việc hoàn thổ phục hồi môi trường như ý kiến thảo luận của ông Đinh Xuân Hùng (chuyên viên của Tập đòan Alcoa - Hoa Kỳ) cũng cho rằng phục hồi rừng khó khăn hơn rất nhiều so với hoàn thổ cải tạo đất trồng cao su hay cà phê. Các dự án hoàn thổ phục hồi rừng ở Tây Úc phải đảm bảo được tính đa dạng sinh học như trước khi khai thác mới được địa phương chấp nhận. Đồng quan điểm này, ông Lê Quang Trung cũng cho rằng việc hoàn thổ sau khai thác là vấn đề hoàn lại thổ nhưỡng đúng vị trí, từng loại đất và hệ sinh thái ban đầu.

Chia sẻ kinh nghiệm hoàn thổ, phục hồi môi trường ở nước ngoài, TS.Nguyễn Anh (Hội khoa học kỹ thuật đúc – luyện kim Việt Nám) trong bài tham luận gửi tới hội thảo cho biết công tác hoàn thổ phục hồi môi trường là giải pháp cơ bản để xử lý mặt đất bị biến đổi sau khai thác bô xít và cũng chính là vấn đề môi trường cơ bản nhất cần được xử lý triệt để trong khai thác bô xít. Kinh nghiệm hoàn thổ phục hồi môi trường của công ty Nabalco (Úc) được đánh giá là thành công trong việc tái tạo các khu rừng họ tràm giống như các khu rừng nguyên thủy quanh đó. Các tiêu chí sử dụng để đánh giá mức độ thành công của hoàn thổ đó là độ luân hồi dinh dưỡng (Nutrient Cycling), độ ổn định đất (Soil Stability), mật độ cư trú của chim (bird Density), các chỉ tiêu về chất lượng nước ngầm... Những chỉ tiêu này được so sánh với các chỉ tiêu tương ứng của các khu rừng nguyên thuỷ xung quanh. Theo quy trình hoàn thổ phục hồi môi trường này, thì công tác hoàn thổ không phải thực hiện sau khi khai thác mà thực chất đã được bắt đầu từ trước khi khai thác. Kinh nghiệm hoàn thổ phục hồi môi trường thường của công ty Nabalco thường thực hiện trong khoảng 9 – 10 năm và theo các bước sau đây:

(1). Công tác chuẩn bị trước khi khai thác (thường bắt đầu 3 năm trước khi khai thác với sự hợp tác chặt chẽ với người địa phương) bao gồm (i) Khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ và cất giữ các vật mẫu về đất, nước, các loài sinh vật cũng như giống, gen động thực vật. (ii) Chặt hết các loại cây tầm cao trong phạm vi mặt bằng khai thác. Các thân cây được đốt tại chỗ làm mẫu cho đất. Các loại thực vật tầng thấp cần được tiếp tục phát triển. Giữ trạng thái mặt bằng như vậy trong 3 năm để ổn định các quá trình sinh hoá trong đất. (iii) Sau đó, bóc lớp đất màu (Topsoil) và lớp đất phủ (Subsoil) và chuyển tới các vị trí tập kết riêng biệt gần khai trường và bảo quản chúng cho tới khi được sử dụng lại. Mặt bằng đã sẵn sàng cho khai thác.

(2). Khai thác bô xit: Tiến hành khai thác bô xit trên các mặt bằng đã được chuẩn bị. Kết thúc khai thác từng khu vực theo kế hoạch. Mặt bằng sau khi kết thúc khai thác được định hình và kết nối với địa hình tự nhiên nhằm tạo điều kiện thoát nước, phong hoá và thẩm thấu.

(3). Sau khi khai thác kết thúc cần thực hiện những công việc sau để tái tạo mặt đất gần giống trạng thái nguyên thuỷ (được thực hiện trong khoảng 2 năm) gồm các công việc: (i) Sử dụng đất phủ (Subsoil) và đất màu (Topsoil) được cất giữ để trải lại theo thứ tự và độ dày nguyên thuỷ trên mặt đất đã biến đổi sau khai thác. (ii) Tái tạo hệ thực vật nguyên thuỷ từ những hạt giống đã được sưu tầm, lập hồ sơ và cất giữ trước đây trên mặt bằng sau khai thác đã được trả lại đất phủ và đất màu (gieo trực tiếp hoặc ươm và trồng cây giống). (iii) Tại các thời điểm thích hợp tương ứng với sự tái tạo hệ thực vật, thực hiện tái tạo hệ động vật nguyên thuỷ bằng cách kết hợp tác động nhân tạo (từ nguồn giống, gen cất giữ) và tác động tự nhiên (sự di chuyển động vật và sự sinh sôi tự phát của hệ côn trùng).

(4). Theo dõi lâu dài bảo đảm các điều kiện cho công tác hoàn thổ thành công (tối thiểu phải 5 năm). Công tác hoàn thổ không dừng lại ở chỗ tái tạo hệ thực vật và động vật. Phải tiếp tục theo dõi, bao gồm quan trắc và nghiên cứu các biến đổi, đề xuất các giải pháp tiến bộ nhằm bảo đảm điều kiện tối ưu để các hệ thực vật và động vật trên mảnh đất hoàn thổ phát triển bình thường và ổn định, trở về trạng thái gần như nguyên thuỷ với tất cả các yếu tố của hệ sinh thái tự nhiên vốn có trước khi khai thác. Một vấn đề quan trọng là không ®ể xảy ra cháy rừng trong các khu vực đang hoàn thổ vì cháy rừng sẽ huỷ hoại sự tái tạo các thành phần hữu cơ và cản trở các hoạt động vi sinh.

Vấn đề sử dụng đất và hoàn thổ với diện tích hàng ngàn ha khi khai thác bô xít ở Tây Nguyên có thể sẽ khó khăn hơn ở Úc rất nhiều vì các mỏ bô xít ở Tây Nguyên thường có trữ lượng phân tán hơn và mật độ dân cư cao hơn, tình hình sinh thái và khí hậu thủy văn phức tạp hơn ở các vùng mỏ bô xít của Úc. Việc sử dụng đất và hoàn thổ trong khai thác khoáng sản nói chung ở Việt Nam đang còn nhiều bất cập. Hơn nữa Việt Nam chưa có thực tiễn về sử dụng đất và hoàn thổ với quy mô lớn và yêu cầu cao như vậy trong khai thác khoáng sản. Đây là thách thức lớn phải vượt qua để quá trình khai thác, chế biến bô xít ở Tây Nguyên được thực hiện an toàn thỏa đáng về môi trường.

e. Đề xuất các vấn đề liên quan khác

Ngoài các vấn đề trọng tâm trên đây, hội thảo cũng đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp liên quan khác nhằm hướng tới phát triển bền vững cho Tây Nguyên và giảm thiếu tác động bất lợi khi khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin.

Bà Trần Thị Lành cho rằng cần thiết có Ủy ban về phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên như ý kiến đề xuất của nhiều đại biểu hoặc là cần có nhóm tư vấn độc lập, tập hợp các chuyên gia có trình độ khoa học khách quan có tình cảm thực sự với mảnh đất Tây Nguyên và vì sự phát triển của Tây Nguyên.

Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng cần thiết có cơ chế tham gia, đánh giá giám sát của cộng đồng và hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng bị ảnh hưởng bởi dự án bô xít. Các tổ chức và cơ chế tham gia giám sát có thể bao gồm như tổ liên lạc cộng đồng, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, nhóm hỗ trợ nâng cao trình độ cho con em đồng bào dân tộc…

Trên cơ sở những đề xuất giải pháp hỗ trợ sinh kế và đời sống của cộng đồng của các đại biểu, ông Dương Văn Hòa (Phó tổng giám đốc TKV) cho biết, TKV với trách nhiệm xã hội của mình sẽ thành lập quỹ sinh kế hay quỹ đầu tư phát triển cộng đồng để có nguồn tài chính giúp chủ đầu tư cùng với các đối tác khác tham gia hỗ trợ cộng đồng. Trong thời gian tới TKV sẽ nghiên cứu thành lập các tổ công tác:

(1). Thành lâp tổ công tác phát triển cộng đồng có sự tham gia của các tổ chức xã hội, trong đó vấn đề quan trọng cần quan tâm giải quyết là làm thế nào để con em đồng bào dân tộc có thể tham gia vào lao động và làm việc tại các dự án;

(2). Thành lập tổ công tác nghiên cứu về vấn đề hoàn nguyên đất đai sau khai thác.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng có ý kiến về sự cần thiết có thêm nhiều nghiên cứu thực tiễn cũng như sự cần thiết xây dựng luận cứ kinh tế kỹ thụât các dự án bô xít ở quy mô rộng hơn. Tính toán cụ thể hơn về lợi ích – chi phí theo quy mô mức độ ảnh hưởng liên quan đến cả môi trường kinh tế, xã hội… Đồng thời cần có thêm nhiều nghiên cứu đề xuất đóng góp các giải pháp để xây dựng các chính sách có tính khả thi cao hơn. Ông Trần Phương (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông) cũng nhấn mạnh về sự cần thiết có thêm nhiều hội thảo, tọa đàm để thảo luận, tiếp tục mổ xẻ các vấn đề để tìm các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi khi thực hiện các dự án bô xít và hỗ trợ cộng đồng địa phương vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên nói chung và của Đăk nông nói riêng.

III. KẾT LUẬN HỘI THẢO

Thời gian 2 ngày thảo luận, theo ý kiến đánh giá của nhiều đại biểu là chưa đủ để các đại biểu bày tỏ hết được những băn khoăn lo lắng về Tây Nguyên trước chương trình khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin theo quy mô công nghiệp như kế hoạch của Tập đoàn TKV. Kết thúc hội thảo nhưng còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp làm rõ, cần phải có những nghiên cứu, hội thảo tiếp theo rộng và sâu hơn. Từ các ý kiến thảo luận của các đại biểu và phát biểu kết thúc hội thảo của ông Trần Phương (Phó chủ tịch UBND tỉnh), những kết luận quan trọng của hội thảo có thể được tổng hợp như sau:

(1). Những vấn đề tranh luận giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp dù đồng tình hay phản đối đều thể hiện tình cảm, nỗi lo lắng về một Tây Nguyên đang và sẽ chuyển mình trong chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nỗi lo lớn nhất của các đại biểu là sự an toàn liên thế hệ của cộng đồng các dân tộc trên Tây Nguyên sẽ ra sao trước chương trình khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin theo quy mô công nghiệp của Nhà nước mà TKV đang bước đầu triển khai;

(2). Nhiều vấn đề thảo luận tại hội thảo vượt quá nhận thức và khả năng của địa phương và doanh nghiệp. Do vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu, hội thảo nhằm tiếp tục thảo luận, phân tích, mổ xẻ để kiến nghị với Nhà nước có bước đi thích hợp và có các giải pháp nhằm khắc phục, điều chỉnh chương trình khai thác bô xít phù hợp vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên nói chung và của Đăk Nông nói riêng;

(3). Những cảnh báo về nguy cơ và rủi ro khi khai thác quặng bô xít, sản xuất alumin ở Tây Nguyên là hiện hữu và có thể gây ô nhiễm có tính tác động tích hợp và liên vùng về tất cả các lĩnh vực như kinh tế, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội, sinh thái… không những đối với Tây Nguyên mà còn có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống và môi trường các tỉnh vùng hạ lưu sông Đồng Nai và vùng đông bắc Campuchia ở hạ lưu sông Srêpok; đặc biệt là vấn đề tác động đến cuộc sống văn hóa xã hội cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, vấn đề chất thải bùn đỏ, suy giảm diện tích rừng và nguồn nước…

(4). Để giảm thiếu tác động bất lợi và vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên, hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:

Ø Cần thiết kiến nghị lập ĐMC cho quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác bô xít, sản xuất alumin, nhất là ĐMC đối với vùng Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai. Vì các dự án bô xít, sản xuất alumin tập trung chủ yếu ở Đăk Nông nên cũng có thể theo phương án tối thiểu nhất là lập ĐMC cho quy hoạch kinh tế xã hội tỉnh Đăk Nông hoặc ĐMC cho quy hoạch sử dụng đất, hay phương án đánh giá môi trường tổng hợp cho tỉnh Đăk Nông theo đề xuất của tỉnh Đăk Nông;

Ø Nghiên cứu thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm khai thác bô xít, sản xuất alumin trước khi triển khai các dự án lớn;

Ø Nghiên cứu xây dựng cơ chế áp dụng chính sách đất đai phù hợp khi thu hồi đất khai thác bô xít ở Đăk nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung;

Ø Nghiên cứu quy trình hoàn thổ phục hồi môi trường sau khai thác bô xít theo các mục đích sử dụng: (i) hoàn thổ cải tạo đất phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, (ii) hoàn thổ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên (phục hồi đa dạng sinh học gần giống trước khi khai thác)…

Ø Triển khai các nghiên cứu thực tiễn, đặc biệt là các tác động về xã hội và môi trường làm cơ sở bổ sung tính toán lợi ích – chi phí cho các dự án bô xít;

Ø Nghiên cứu thành lập các tổ chức họat động vì cộng đồng: tổ liên lạc cộng đồng, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, nhóm tư vấn độc lập hỗ trợ cộng đồng, quỹ hỗ trợ cộng đồng...

Cuối hội thảo ông Trần Phương – Phó chủ tịch UBND Đăk Nông đã đưa ra thông điệp rằng “Tài nguyên bô xít chỉ được phép khai thác khi làm cho đời sống của nhân dân được tốt hơn, bền vững hơn. Đó là lương tri của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà đầu tư đối với Tây Nguyên”.

[1] Nguồn Quyết định 167/2007/QĐ-TTg

[2] Nguyễn Thanh Liêm, trưởng Ban nhôm – Tập đoàn TKV

[3] Theo số liệu của TS.Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc công ty Năng lượng Sông Hồng

[4] TS. Trương Văn Tấn, Cục trưởng Cục môi trường miền Trung – Tây Nguyên, Bộ Tài nguyên Môi trường

[5] TS. Lê Quang Trung, Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam

[6] Ý kiến các tỉnh có mỏ bô xit cho rằng nếu đưa các nhà máy alumin xuống gần cảng biển thì các tinh này bị khai thác tài nguyên mà không mang lại lợi ích đáng kể gì để phát triển!

[7] Ý kiến của ông Trần Kiệt, đại diện Tập đòan Chal co tại Hà Nội, trao đổi bên lề hội thảo Tại Đak Nông

[8] Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN

[9] Quyết định 167/2007/QĐ-TTg

[10] Đây là số liệu quy hoạch vùng có mỏ quặng bô xít, số liệu thực tế sẽ khai thác cụ thể chưa có

[11] Quy định tại điều 4 Luật khóang sản 2005

[12] Nguồn số liệu: theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Viện khoa học thủy lợi Miền Nam

[13] Báo cáo tham luận tại hội thảo của nhóm nghiên cứu Đại học Tây Nguyên

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn