Cảm nghĩ của một tù nhân chiến tranh cũ về Việt Nam, bốn mươi năm sau

John McCain (Thượng nghị sĩ bang Arizona), The Wall Street Journal

Nguyễn Khoa Thái Anh dịch

Tôi đã làm bạn với những kẻ cựu thù. Tiếc là họ chưa được hưởng các quyền tự do mà người Mỹ yêu quý.

Bốn mươi năm trước, ngày 14 tháng 3, các bạn tù chiến tranh ở Bắc Việt và tôi – vận áo quần dân sự rẻ tiền, những bộ đã được cung cấp cho 108 lính không quân Mỹ trong dịp này – lên xe buýt đi ra sân bay Gia Lâm, ngoại ô Hà Nội. Một chiếc máy bay vận tải C-141 lớn Mỹ màu xanh lá cây đang chờ ở đó để đưa chúng tôi đến Căn cứ Không quân Clark ở Philippines.

Tại sân bay, chúng tôi xếp hàng theo thứ tự ngày mình bị bắn rơi, đã cố gắng duy trì tác phong quân sự trong khi máy phim-ảnh quay rè và chụp xoèn xoẹt trước một đám đông người Việt đang nhốn nháo quan sát chúng tôi. Sĩ quan Mỹ và Việt ngồi ở một bàn, mỗi bên giữ một danh sách các tù nhân.

Đại diện của cả hai quân đội gọi tên tù nhân để anh ta bước ra. Họ gọi tên tôi, và tôi cất vài bước về phía bàn và chào. Một sĩ quan hải quân Mỹ chào đáp lễ, mỉm cười và bắt tay tôi, rồi đưa tôi băng qua phi đạo, lên bục thang đưa vào máy bay.

Tôi bay chuyến đó với hai người bạn thân nhất của tôi, sĩ quan Không quân Bud Day và Bob Craner, hai người đã nêu gương và khích lệ tôi trong hơn năm năm trời. Một vài phút sau trong chuyến bay, phi công thông báo chúng tôi đã "chân ướt", có nghĩa là bây giờ hội chúng tôi đã bay trên Vịnh Bắc Bộ trong không phận quốc tế. Tất cả mọi người vỗ tay reo mừng.

Tôi ngờ rằng không ai trong đám chúng tôi mong đợi sẽ có ngày quay trở lại một đất nước mà chúng tôi đã mong mỏi để rời xa trong một thời gian dài. Thật khó để nói lời tạm biệt với nhau tại căn cứ Clark, và lời tạm biệt của chúng tôi đã đong đầy cảm xúc.

Mọi người hứa sẽ giữ liên lạc thường xuyên, một chuyện mà chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua, cho đến khi cái chết bắt đầu phân tán hàng ngũ của chúng tôi. Tuy nhiên, không có cảm xúc lẫn lộn khi bọn tôi rời Việt Nam, và không có mong đợi sẽ thắt lại sợi giây liên hệ trong tương lai.

Ấy thế mà tôi lại trở lại Việt Nam. Tôi đã đi nhiều lần như thế kể từ khi chiến tranh kết thúc. Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, và người Việt là chủ nhà hiếu khách. Hầu hết các chuyến thăm viếng của tôi là những công du chính thức:  lo cho tù nhân và người Mỹ bị mất tích trong chiến tranh, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia chúng tôi, và thúc đẩy một mối quan hệ trong tương lai sẽ phục vụ lợi ích cho cả hai nước.

Tôi đã kết bạn với những người đã từng là kẻ thù của mình. Và trở nên quyến luyến một nơi tôi đã từng chán ghét. Tôi hài lòng rằng Mỹ và Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng một mối quan hệ tích cực, hữu ích cho cả hai bên, trong đống điêu tàn đổ nát của một cuộc chiến tranh mà hậu quả đã là một bi kịch đối với cả hai dân tộc chúng ta.

Ngày nay, oán trách cũ được thay thế bằng niềm hy vọng mới. Số lượng dân Mỹ về thăm Việt Nam mỗi năm càng gia tăng – kể cả ba Tổng thống Hoa Kỳ trong lúc còn đương nhiệm – được thu hút bởi thiên nhiên tươi đẹp và con người thân thiện của đất nước này. Thương mại song phương đã tăng hơn 80 lần so với năm 1994, khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận thương mại của mình. Điều này đã làm lợi cho người dân của cả hai nước và giúp cho hàng triệu người Việt Nam tự nâng mình lên thoát khỏi cơn đói nghèo.

Tương tự như vậy, mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã phát triển đến một mức độ mà chỉ trong một thập niên trước đây người ta cũng không thể tưởng tượng nổi. Quân đội của chúng ta cùng nhau diễn tập, và Vịnh Cam Ranh là một cảng của điểm hẹn cho Hải quân Hoa Kỳ. Trên thực tế, tàu sân bay USS John McCain, một tàu khu trục của Hải quân Hoa kỳ được mang tên cha và ông nội tôi, gần đây đã thực hiện một chuyến viếng thăm cảng Đà Nẵng, điều đó cho thấy rằng nếu bạn sống đủ lâu, bất cứ điều gì cũng có thể.

Tuy nhiên, khi nói đến những giá trị mà người Mỹ yêu quý – tự do, nhân quyền và pháp quyền – hy vọng cao nhất của chúng tôi đối với Việt Nam phần lớn vẫn chỉ là hy vọng. Chính quyền Hà Nội vẫn giam cầm và ngược đãi những người bất đồng chính kiến ​​ôn hòa, các nhà báo, các blogger, người dân tộc thiểu số và tôn giáo vì lý do chính trị.

Họ vẫn duy trì một thứ pháp luật chung chung, chẳng hạn như Điều 88, cấp cho nhà nước một quyền lực gần như không giới hạn đối với các công dân của mình. Chính phủ vẫn chưa có những hành động nhỏ nào có thể đưa Việt Nam dứt khoát về đúng phía của các quyền con người được quốc tế công nhận, chẳng hạn như phê chuẩn và thực hiện Công ước Chống tra tấn.

Trong một bước tích cực gần đây, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu một cuộc đối thoại với Tổ chức Ân xá Quốc tế và đề nghị rằng Việt Nam cuối cùng có thể cải cách hiến pháp để bảo vệ tốt hơn quyền dân sự và chính trị cho công dân họ. Tôi chân thành hy vọng như vậy – bởi khi các mối quan hệ tuyệt vời có thể được xây dựng trên cơ sở lợi ích chung, là quan hệ Mỹ-Việt Nam hiện đang có, thì các mối quan hệ đối tác tuyệt hảo và lâu dài nhất luôn luôn đặt căn bản trên một nền tảng chia sẻ những giá trị chung. Trong thử thách này, cũng như trong tất cả các thách thức khác mà hai nước đã cùng nhau vượt qua, tôi vẫn giữ ý định làm người bạn trung kiên của Việt Nam.

Hai nước chúng ta có một quá khứ khó khăn và đau lòng. Nhưng chúng ta đã không ràng buộc mình với quá khứ đó, và bây giờ chúng ta đang đi một con đường từ hòa giải đến tình bạn chân thật. Viễn tượng đầy hứa hẹn này là một trong những bất ngờ lớn nhất và hài lòng nhất trong cuộc đời tôi, một điều mà tôi mong đợi sẽ mang lại cho tôi nhiều ngạc nhiên hơn nữa trong những năm tới.

J. M.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Nguồn: mccain.senate.gov

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn