Các nhà báo công dân Nga “lột trần” giới thân cận của Putin

Tú Anh

Đây không phải chuyện ngồi lê đôi mách.

Đây là chuyện thiết chế quốc gia một khi bị lũng đoạn bởi ĐIỀU 6 và đàn em của nó là ĐIỀU 4. Cái điều 6 ngay cả khi tan rã thì cái bã của nó vẫn tìm cách dính bám lấy lợi quyền qua một viên tổng thống mắt gườm gườm, thói quen không sửa được của ngạch dò la thám báo. Bài báo dưới đây cho thấy thực chất của lời tự bạch “bỏ điều 4 là tự sát” hoặc “còn Đảng còn mình” – cái thực chất có thể tóm tắt cho dễ hiểu như sau: hết tiền hết quyền, hết quyền hết tiền. Có vậy đó thôi!

Nhưng đây cũng còn là chuyện về sức mạnh của giới báo chí LỀ DÂN. Các nhà báo thời trước vẫn tự hào vì có MỘT Julius Fucik, viết báo đau khổ dưới một cái giá treo cổ. Dăm chục năm sau Fucik, cả triệu người dân viết báo vui vẻ tưng tưng. Internet đã khiến cho con người được tự do hoàn toàn. Dĩ nhiên, việc bóc trần thứ chủ nghĩa xã hội phong kiến lươn lẹo châu Á vẫn khó hơn việc lật tẩy thứ chủ nghĩa xã hội Nga ngố tồ tề ngộc nghệch châu Âu.

Vui thì vui, đừng quên là đang có sự chuẩn bị dư luận cho việc chính thức có quyền nổ súng. (Ở Tiên Lãng và Văn Giang là vài thử nghiệm, thực tập, để đưa dần vào sách giáo khoa nghiệp vụ).

Các nhà báo nhân dân, hãy cảnh giác khi ra đường hoặc đi gặp gỡ dân oan. Nhớ đội mũ bảo hiểm chính chủ và nhớ mặc áo che đạn không chính chủ (hè hè hè, ngày chủ nhật đố vui bạn đọc có thưởng hẳn hoi nha: Tại sao mũ thì chính chủ còn áo che đạn lại không chính chủ?).

Phạm Toàn

clip_image001  

Dân biểu Nga Vladimir Pekhtin, thuộc đảng của TT Putin, có 2 căn hộ tại Florida, Hoa Kỳ (DR)

 
   
Chống Mỹ, nhưng mua nhà ở Miami, khoa trương nền giáo dục quốc gia nhưng “cóp” luận án tiến sĩ hoặc cho con du học tại Thụy Sĩ, đứng đầu ủy ban chống tham nhũng, nhưng con gái 17 tuổi làm chủ căn hộ 3 triệu đôla… Hàng loạt quan chức cao cấp và đại biểu quốc hội Nga bị mất mặt hoặc phải từ chức sau khi tên tuổi và hành vi bê bối bị đưa lên mạng xã hội.

Vào lúc chính quyền Việt Nam bất bình quốc tế vinh danh hàng loạt blogger Việt Nam thì tại nước Nga xa xôi, hàng loạt quan chức thân cận của tổng thống Putin, kẻ từ chức, kẻ từ bỏ tham vọng thăng quan.

Trong bài “Giới bloggers Nga gây khốn đốn cho quan chức thân cận của Putin”, AFP cho biết, trong vài tuần lễ gần đây, hàng loạt những vụ bê bối, gian lận, tham ô trong câu lạc bộ quyền lực của tổng thống Nga bị phơi bày trên mạng internet như tuyết lở.

Đối tượng phải từ chức đầu tiên hồi tháng Hai vừa qua là đại biểu Hạ viện Vladimir Pekhtin, chủ tịch Ủy ban Đạo lý của viện Duma. Trong bối cảnh phe thân chính quyền tại Nga mà Vladimir Pekhtin là một trong những mũi dùi xung kích trong chiến dịch bài Mỹ thì nhà báo công dân Andrei Zayakin phát hiện và đưa lên mạng tài liệu ngài chủ tịch Ủy ban Đạo lý làm chủ hai căn hộ nhìn ra biển ở thành phố du lịch Miami, bang Florida, Hoa Kỳ.

Vụ tai tiếng này được báo chí Nga đặt tên là “xì-căng-đan Pekhtin” được tiếp nối trong tuần này, mà đối tượng cũng là một dân biểu thân chế độ và có tiếng tăm, bà Irina Iraivaya, chủ tịch Ủy ban bài trừ tham nhũng. Được nhiều blogger báo tin, tuần báo đối lập The New Times tiến hành điều tra. Kết quả cho thấy, chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng, ngoài căn nhà công vụ, còn là chủ nhân một căn hộ sang trọng tại Maxcơva từ năm 2006, trị giá 3 triệu đôla Mỹ, mà người đứng tên là cô con gái của bà mới 17 tuổi.

Bà dân biểu Irina Iraivaya chống đỡ lúng túng lên án đối lập “xiên xỏ dơ bẩn”. Thái độ của bà đã tạo ra một loạt phản ứng chỉ trích chua chát hơn. Một nữ phóng viên đài truyền hình cáp RBK đặt câu hỏi biếm nhẽ: Cô con gái của bà chủ tịch có thiên khiếu hái ra tiền từ thời thơ ấu hay sao?

Từ đầu năm nay, Nga ban hành đạo luật cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Đây là một hành động trả đũa của chính quyền Nga sau khi Hoa Kỳ ra luật trừng phạt bằng biện pháp phong tỏa tài sản, cấm visa nhập cảnh những quan chức Nga liên quan đến cái chết trong tù của luật sư chống tham ô Serguei Magnitski vào năm 2009.

Theo các blogger Nga thì một viên chức thân cận của tổng thống Putin tên là Pavel Astakhov, đặc trách bảo vệ quyền lợi trẻ em Nga là người ủng hộ nhiệt tình đạo luật trả đũa này. Thế nhưng, viên chức cùng xuất thân từ KGB với tổng thống Putin, lại có nhược điểm là thích cuộc sống xa hoa. Những tấm ảnh chụp hai vợ chồng và đứa con nhỏ trong một biệt thự sang trọng tại vùng biển Côte d’Azur của Pháp và đăng trên một tạp chí thời trang năm 2009 đang làm cho ông điêu đứng. Bài báo này và lời giải thích “vợ sinh con trong cùng bệnh viện với minh tinh điện ảnh Mỹ Angelina Jolie” được cộng đồng mạng loan tải khi tai tiếng bùng ra.

Ngày hôm qua 14/03/2013, Pavel Astakhov phải biện minh: “Tội gì ? Tôi chỉ nghĩ đến sức khỏe của vợ và đứa con sắp sinh của tôi”. Thế nhưng, một blogger tên Andrei Malyguin tìm thấy một bài báo khác, năm 2000, trong đó nhân vật “ái quốc chống Mỹ” này đã một lần tuyên bố trong khi đi học bổ túc về luật tại Mỹ, ông xem Hoa Kỳ là “Tổ Quốc thứ hai”. Con trai lớn của ông thì học tại Luân Đôn.

Blogger Alexei Navalny, luật sư chống tham nhũng từng bị chính quyền Nga câu lưu nhiều lần và đang bị điều tra về tội “trốn thuế và nhận tiền nước ngoài” cũng phát hiện được một thông tin nhạy cảm: Đương kim phó chủ tịch Quốc hội Serguei Jelesniak có hai đứa con học tại Thụy Sĩ và Anh trong hai ngôi trường tư thuộc loại tốn kém nhất. Đều trớ trêu là Serguei Jelesniak lại chủ trương “giáo dục tình yêu nước Nga” và cũng là dân biểu hậu thuẫn đạo luật thông qua vào năm 2012 kết án mọi hiệp hội phi chính phủ được quốc tế tài trợ là “nhân viên (gián điệp) của nước ngoài”.

Blogger Alexei Navalny bình luận: Phó chủ tịch Quốc hội Nga quả là có trực giác của người cha hiền. Ông ta biết rằng đại học nước ngoài tốt hơn đại học Nga nơi mà có một người bạn của ông ta đi dạy với bằng cấp giả. Nhân vật sử dụng bằng giả này là dân biểu Vladimir Burmatov, giáo sư viện đại học chính trị Plekhanov mà luận án tiến sĩ có nhiều đoạn lấy của người khác. Burmatov không từ nhiệm dân biểu, nhưng phải rời ghế phó chủ tịch Ủy ban giáo dục Hạ viện.

Tuần này, đến phiên luận án tiến sĩ của Igor Ighochin, một dân biểu khác trong đảng cầm quyền bị giới dân báo kiểm tra từng câu chữ. Trong luận án về cạnh tranh thương mại, so với một luận án được trình trước hai năm, chỉ khác nhau có một chữ “chocolat” trong nguyên bản được thay thế bằng chữ “thịt bò” trong bản đánh cắp.

T. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn