Dân chủ thụt lùi

(Ôn lại cuộc tranh luận Tư pháp năm 1948)

Bài 3. DANH TÀI HỌ VŨ – LUẬT SƯ VŨ TRỌNG KHÁNH – NHÀ TRÍ THỨC HỌ VŨ YÊU NƯỚC

Đăng trong tập báo Vũ tộc tinh hoa Hải Phòng, Xuân Nhâm Thìn 2012

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi – Hội Sử học Hải Phòng

Vũ Trọng Khánh quê làng Cự Đà huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) nhưng sinh năm 1912 ở Hà Nội vì gia đình làm nghề buôn bán nhỏ tại nội đô. Vốn thông minh ham học nên sau khi học xong bậc Thành chung ông thi trúng vào trường Trung học Pháp Albert Sarraut, một trường danh giá ở xứ Đông Dương thuộc Pháp ngày ấy.

Năm 1932 đỗ Tú tài toàn phần, Vũ Trọng Khánh trúng tuyển trường Luật thuộc Viện Đại học Đông Dương khóa 1933 – 1936. Thời gian học ở trường Luật, ông giao du với chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thế Rục. Trong phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh..., Vũ Trọng Khánh đều tham gia. Khi học luật, ông tham gia Tổng hội sinh viên. Thời kỳ Mặt Trận nhân dân (1936 - 1939), ông viết báo Le Travaill (tức báo Lao động) cơ quan công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động trong tổ Thanh niên dân chủ với các chiến sĩ cách mạng Đào Duy Kỳ, Vũ Đình Huỳnh, Phan Tử Nghĩa...

Ông rất kính trọng các chiến sĩ cộng sản ông quen biết nhưng vẫn e ngại vì chưa rõ, chưa thật tin học thuyết Mác – Lê nin. Sau khi tốt nghiệp trường Luật, ông xuống Hải Phòng tập sự ở văn phòng luật sư Laubiès ở phố Trần Hưng Đạo, ngôi nhà khách thành phố số 7 – Khách sạn Hoàng Yến bây giờ.

Thấy ông tháo vát, có tinh thần trách nhiệm cao nên luật sư Laubiès rất tin cậy cho làm luật sư tập sự. Ngày 26/12/1941 ông tuyên thệ luật sư trước tòa Thượng thẩm rồi được Laubiès giao điều hành văn phòng.

Sau khi phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương ngày 9/3/1945 và tuyên bố trao trả “nền độc lập” cho Việt Nam, vua Bảo Đại ban đầu giao cho Thượng thư Phạm Quỳnh lập nội các mới. Nhưng đến ngày 17/4/1945, vua Bảo Đại lại ký Dụ số 1 “Cải tổ bộ máy triều đình cho phù hợp với tình hình mới” mời giáo sư Trần Trọng Kim đứng ra lập chính phủ mới. Thành phần chính phủ này có luật sư Trịnh Đình Thảo, anh vợ Vũ Trọng Khánh, luật sư Vũ Văn Hiền, người Hải Phòng; do sự hiểu biết sâu rộng của ông mà luật sư Vũ Trọng Khánh được mời giữ chức Thị trưởng thành phố Hải Phòng; nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà giữ chức phó Thị trưởng. Tuy giữ chức vụ thời gian ngắn, nhưng hai ông cố làm một vài việc có ích cho dân như dẹp bọn tay sai trung thành với đô hộ Pháp, cứu người cơ cực trong nạn đói khủng khiếp tháng 3 năm Ất Dậu (1945). Bài báo nổi tiếng của ông về tổ chức vận động cứu đói có tiếng vang tốt. Trong cao trào kháng Nhật, ông có liên hệ với bạn là Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, cán bộ Việt Minh ở Hà Nội. Khi được tin một số tỉnh, Việt Minh đã giành được chính quyền, ông muốn tìm cách bàn giao chính quyền nhưng tránh đổ máu. Đồng chí Ích và vài cán bộ Việt Minh rải truyền đơn bị bắt, ông ra lệnh tha. Lực lượng Bảo An binh do Nhật tổ chức, kể cả trung đội do cai Hóa chỉ huy canh gác tòa Thị chính ông cũng cảm hóa được.

Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện; ngày 15/8/1945, chính phủ De Gaulle cử Đô đốc D’ Argenlieu làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương kiêm Tổng tư lệnh hải lục không Pháp ở Viễn Đông. Hai ngày sau, Pháp triển khai lực lượng vũ trang nhằm khôi phục chính quyền thực dân ở Đông Dương. Hai tàu chiến Pháp lúc Nhật đảo chính trốn chạy ẩn núp ở đảo Cô Tô được lệnh tiến vào Hải Phòng. Lúc này, ông Vũ Đình Huỳnh xuống Hải Phòng gặp Vũ Trọng Khánh thông báo tình hình và bàn cách chuyển giao chính quyền.

Nhưng viên Đại tá chỉ huy Nhật ở Hải Phòng từ chối không giúp ông vũ khí để chống bọn Pháp nên ông phải cử chánh án Phan Huyền và ông Xuân cán bộ tòa án sang Thủy Nguyên tìm gặp Nguyễn Bình, vì ông biết tin Tri phủ Nguyễn Quang Tạo đã theo Việt Minh được Việt Minh trọng dụng. Sau khi nghe hai ông Huyền – Xuân tường trình, ông sang ngay chùa Phương Mỹ trực tiếp gặp Nguyễn Bình, Chỉ huy trưởng nghĩa quân Đệ tứ chiến khu Đông Triều và được Nguyễn Bình tiếp đón thân mật hòa nhã. Hai ông bàn thống nhất kế hoạch chuyển giao chính quyền tránh đổ máu bằng cách trung lập hóa quân đội Nhật và kiên quyết chống bọn tàn quân Pháp muốn chiếm thành phố Hải Phòng làm đầu cầu cho quân đội viễn chinh Pháp đang tiến dần ra Bắc. Ông về ngay nội thành gặp Chỉ huy quân Nhật dọa nếu không giúp võ khí thì sẽ hạ lệnh giết kiều dân Pháp vì họ đang chuẩn bị phối hợp hành động khi 2 tàu Pháp tiến vào sông Cấm.

Để tránh phiền phức với Pháp trong phe Đồng Minh thắng Nhật, viên Đại tá chỉ huy Nhật hứa không can thiệp vào nội tình Việt Nam và đưa 2 trọng liên chặn đánh nếu tàu chiến Pháp tiến vào cửa sông Cấm với điều kiện không sát hại kiều dân Pháp. Ông ta lại yêu cầu gặp đại diện Việt Minh Hải Phòng để bàn giao chính quyền.

Một cuộc họp khẩn cấp giữa Thị trưởng và Ủy ban khởi nghĩa Hải Phòng tại trụ sở Ủy ban ở phố Cát Dài được tổ chức để thống nhất kế hoạch. Sáng 22/8 Thị trưởng Vũ Trọng Khánh cùng hai đại diện Thành bộ Việt Minh Vũ Quốc Uy, Nguyễn Kiêm Tuấn (Mạnh Ái) gặp Đại tá chỉ huy quân Nhật bàn thống nhất ngày 23/8 quân Nhật cấm trại, ông ta thả hết tù chính trị vào 17h ngày 23/8.

Sáng ngày 23/8/1945, nhân dân Hải Phòng, các đội tự vệ nội đô, Kiến An với đại quân chiến khu Đông Triều tiến vào nội thành biểu dương lực lượng, chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Hải Phòng do nhà cách mạng Vũ Quốc Uy làm chủ tịch, luật sư Vũ Trọng Khánh giữ chức Ủy viên hành chính, vợ nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà, phó thị trưởng là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi làm Ủy viên xã hội.

Ngày 27/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Dộng hòa thành lập và ra tuyên cáo. Ngày 28/8 danh sách thành viên Chính phủ lâm thời được công bố gồm: Hồ Chí Minh – Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Mạnh Hà – Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia; Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp... Như vậy trong Chính phủ lâm thời, Hải Phòng có 2 Bộ trưởng trong tổng số 14 Bộ trưởng.

Ngày 13/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của nhân dân ta: Phát động tăng gia sản xuất cứu đói; Mở chiến dịch chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân; Mở phong trào giáo dục cần kiệm liên chính, bài trừ thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại; bãi bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, nghiêm cấm việc hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.

Mục đích tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Nghị viện nhân dân, xây dựng Hiến pháp để bảo đảm quyền lợi trách nhiệm công dân của một nhà nước của dân do dân vì dân. Ngày 20/9/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 34 “ lập một Ủy ban dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa...” gồm 7 vị: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Công việc vô cùng khó khăn, thời gian hết sức gấp gáp, Hồ Chủ tịch đề nghị Ủy ban giao cho giáo sư Đăng Thai Mai cùng luật sư Vũ Trọng Khánh viết bản Dự thảo. Hai ông tập trung thời gian sức lực xây dựng Đề cương trình Ủy ban góp ý thông qua rồi chia nhau viết. Theo GS Đặng Thai Mai: “Vũ Trọng Khánh chịu trách nhiệm viết các phần quan trọng nhất, chiếm khoảng 3/4 dự án. Tôi chỉ viết 1/4 còn lại. Sau đó, anh Khánh duyệt phần do tôi viết rồi viết lại toàn bộ văn bản trước khi chuyển tới Võ Nguyên Giáp”.

Quá trình Dự thảo, hai ông tranh thủ ý kiến đóng góp của luật gia Võ Nguyên Giáp, hai cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, nhiều trí thức nổi tiếng như các luật sư Phan Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Đình Hòe, GS Nguyễn Văn Huyên được các vị tham góp nhiều ý kiến giá trị. GS Nguyễn Mạnh Tường còn cho mượn tất cả những văn kiện bằng tiếng Pháp (Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp Pháp....) mà Hồ Chủ tịch yêu cầu phải tìm [để] Người và Ủy ban tham khảo. Khoảng 26/10/1945, dựa vào phần GS Đặng và phần mình viết, luật sư Vũ Trọng Khánh tổng hợp thành một bản dự thảo Hiến pháp chính phủ lâm thời do chính ông viết lại. Khoảng 30/10/1945, sau khi đọc xong bản tổng hợp trên, luật gia Võ Nguyên Giáp làm việc lần cuối cùng với hai ông, tán thành về cơ bản, chỉ góp ý nên rút bớt khoảng 1/3. Ngày 02/11/1945, luật sư Vũ Trọng Khánh chỉnh lý xong theo góp ý của Võ Nguyên Giáp, hai ông nhất trí chuyển bản dự thảo cuối cùng lên Hồ Chủ tịch. Ngày 06/11/1945 bản dự thảo được Hồ Chủ tịch thông qua, Người ký tắt rồi chuyển cho hai ông mỗi người một bản.

Ngày 08/11/1945, Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Hồ Chủ tịch, Trưởng ban chủ trì, Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Hồ Chủ tịch kết luận: Đây là bản dự thảo đặc sắc. Ông Vũ Trọng Khánh có công đầu. Người đề nghị dự thảo này mang tên Dự án Hiến pPháp Việt Nam và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Nội vụ - Võ Nguyên Giáp (đại diện pháp lý của Chủ tịch nước) cho công bố ngay. Bản Dự thảo được các báo đăng, hai nhà in Ngô Tử Hạ, Lê Văn Tân cùng nhiều nhà in giúp in ngay 5 vạn bản phát không cho nhân dân để nhân dân tham gia góp ý. Những bản phát không đến nhân dân gồm 2 phần: Thông cáo và Toàn văn Dự án.

Thông cáo nêu rõ: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập Hiến pháp của nước nhà nên Chính phủ cho công bố bản Dự án Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc, phê bình”. Thông cáo còn được in toàn văn dán khắp các nơi công cộng ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Hải Phòng và nhiều thành phố, thị trấn khắp cả nước. Khoảng từ 11/11/1945 đến 31/12/1945, diễn ra cuộc chào đón bàn bạc góp y sôi nổi của các tầng lớp nhân dân toàn quốc. Bộ Tư pháp nhận được hàng ngàn thư góp ý, chưa kể những người trực tiếp gặp cán bộ Việt Minh trao đổi, đề nghị giải thích điểm này, chữ nọ trong Dự án. Đây thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị rộng rãi, tự nguyện, thẳng thắn sôi nổi của nhân dân ta xây dựng dự án Hiến pháp thành văn đầu tiên của Chính phủ lâm thời, trong đó thể chế nghị viện nhân dân là cốt lõi. Bản Dự án Hiến pháp Việt Nam năm 1945 của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội biểu quyết thông qua này 09/11/1946 với 240/242 đại biểu dự họp.

Nhận xét về luật sư Bộ trưởng Tư pháp Chính phủ lâm thời, giáo sư Đặng Thai Mai nói: “Tôi phải thừa nhận Vũ Trọng Khánh là một luật sư biết cách làm việc khoa học, luôn luôn lo nghĩ đến nhiệm vụ được trao phó, luôn luôn lo nghĩ đến nhân dân. Anh vừa hiểu sâu sắc các vấn đề hiến pháp, vừa nắm vững tiếng Pháp ngành luật, vừa sử dụng thành thạo tiếng Việt ngành luật”.

Ở cương vị Bộ trưởng Tư pháp Chính phủ lâm thời rồi Chính phủ Liên hiệp kháng chiến chỉ hơn 5 tháng, ông đã đề xuất với Chính phủ ban hành 4 sắc lệnh quan trọng cần thiết để xây dựng ngành tư pháp cách mạng non trẻ của nước ta gồm:

- Sắc lệnh ngày 10/10/1945 : Quy định các tổ chức luật sư.

- Sắc lệnh số 53 ngày 20/10/1945 : Quy định quốc tịch Việt Nam.

- Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 : Tổ chức các tòa án và ngạch thẩm phán.

- Sắc lệnh số 21 ngày 14/2/1946 : Tổ chức các tòa án quân sự.

Nhưng sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, tình hình chính trị quân sự xã hội nước ta diễn biến rất phức tạp. Quân Pháp tấn công lan rộng khắp Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung Nam Bộ. Ở miền Bắc, chúng từ Vân Nam trở lại chiếm Lai Châu, Điên Biên Phủ, Tuần Giáo và một số nơi khác ở Tây Bắc và Miên, Lào. Các đảng Việt Quốc, Việt Cách đã triệt để khai thác tình hình khó khăn phức tạp gây sức ép với chính quyền cách mạng.

Đảng và Hồ Chủ tịch với đường lối đại đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoài thù trong để bảo vệ chính quyền non trẻ nên đồng ý thành lập Chính phủ kháng chiến chính thức ngày 03/02/1946 gồm 10 bộ: các bộ Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội, Canh nông do Việt Quốc, Việt Cách nắm, Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ tịch nước. Luật sư Vũ Đình Hòe, đảng viên đảng Dân chủ giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, luật sư Vũ Trọng Khánh chuyển giữ chức Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc Bộ. Đầu tháng 7/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp luật sư Khánh thông báo Chính quyền cử ông tham gia phái đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng và mang theo báo cáo tình hình trong nước trình Hồ Chủ tịch đang ở thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Cuộc đàm phán Pháp Việt đổ vỡ do thái độ ngoan cố ngạo ngược của Pháp, phái đoàn Phạm Văn Đồng về nước, Hồ Chủ tịch ở lại cố điều đình để kéo dài thời gian ta chuẩn bị lực lượng.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đến tháng 12/1948 luật sư Khánh làm Giám đốc Tư pháp chiến khu X bao gồm địa bàn trung du, Tây Bắc, ông thành lập Tòa án cấp tỉnh, đào tạo cán bộ tư pháp cho tỉnh, huyện, chú ý cán bộ người dân tộc. Từ 1949 đến 12/1951, trên điều ông về Bộ Tư pháp giữ chức Trưởng ban nghiên cứu pháp lý rồi Giám đốc Vụ hành chính (1952 - 1954).

Sau Hiệp định đình chiến 1954, ông tham gia tiếp quản thủ đô Hà Nội rồi thành phố Hải Phòng, từ tháng 8/1955 đến tháng 12/1956 là Ủy viên Ủy ban hành chính; từ tháng 12/1956 đến 1961 giữ chức Phó chủ tịch thường trực UBHC thành phố, phụ trách khối văn hóa xã hội, nhà đất.

Năm 1955, ông đã đấu tranh buộc Pháp phải trả tòa nhà của Pháp do Cao ủy Pháp xây dựng làm trụ sở trên khu nhượng địa cũ (nay là khách số 2 Bến Bính).

Luật sư Vũ Trọng Khánh còn tham gia nhiều tổ chức chính trị xã hội khoa học:

- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố (từ 11/1975 đến 1977).

- Phó Chủ tịch UBMT TQVN thành phố 3 khóa liên tục (26/5/1961 – 26/10/1971).

- Ủy viên Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội luật gia Hải Phòng (1955 - 1977).

- Ủy viên Ban chấp hành Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội trưởng Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Hải Phòng...

Bất luận ở lĩnh vực công tác nào, cương vị gì, ông đều tận tình, trách nhiệm, là trung tâm đoàn kết nội bộ. Tuy là nhân sĩ nổi tiếng nhưng thái độ luôn hòa nhã, khiêm nhường nên ông được đồng bào, đồng chí yêu mến.

Do có nhiều công lao ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huy chương, bằng khen...

Nhà trí thức cách mạng đáng kính qua đời tại Hải Phòng, nơi ông gắn bó gần trọn đời vào 18 giờ ngày 22/01/1996, hưởng thọ 84 tuổi.

N. Đ. L.

Ghi chú:

- Ông sinh ngày 25 tháng Giêng năm Nhâm Tý (1912) nhưng giấy khai sinh ghi ngày 03/12/1913.

Tài liệu tham khảo chính:

- Tự thuật của luật sư – hiện bảo quản tại gia đình và Hội luật gia Hải Phòng.

- Lịch sử quốc hội Việt Nam – 1946 – 1968 - Văn phòng quốc hội – NXB Chính trị Quốc gia 1994.

- Lịch sử Chỉnh phủ Việt Nam – NXB Chính trị Quốc gia .

- Công báo nước Việt Nam.

- Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và bản Hiến Pháp đầu tiên – Nhật Hoa Khanh – Tạp chí Sân khấu số tháng 3 năm 2011.

Xuân Nhâm Thìn 2012

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn