Dây trói trên luống cày - Phần 2

Minh Diện

clip_image001

 

Công an, dân phòng cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang 4-2012

 
Khi công cuộc đổi mới đang trên đà phát triển, Việt Nam được coi là một “con rồng” của Châu Á, với mức tăng trưởng 7,6% vào năm 1990 và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, thì bỗng khựng lại. Nguyên nhân cũng lại do ông Nguyễn Văn Linh.
 
Ông quê  Hải Dương, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, phần lớn thời gian hoạt động trong Nam, ở những địa bàn ác liệt, được dân đùm bọc. Ông có nhiều kinh nghiệm thực tế, tính ngay thẳng,  cuộc sống liêm khiết , nhưng   hạn chế về  tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Ông đã có công phá rào khi làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Đầu nhiệm kỳ Tổng bí thư ông đề ra   “ những việc cần làm ngay”,  cởi trói cho văn nghệ sỹ, khuyến khích sáng tác nói thẳng nói thật, và cởi trói cho nông dân, cho phép rút ruộng đất ra khỏi tập đoàn, sản xuất tư nhân.  Nhưng ông  lại bị mắc hợm Trung Quốc ở Hội nghị Thành Đô, với cái gọi là “Giải pháp đỏ”. Nói như Nguyễn Văn An : “Nguyễn Văn Linh không phải là con người thực sự đổi mới!”  Sau Hội nghị Thành Đô,  ông  đã bỏ “những việc cần làm ngay”, xiết lại sợi dây cơ chế chính sách, đẩy con thuyền đổi mới lùi lại.  Ông từ chối không tham gia nhân sự Đại hội VII của đảng cộng sản Việt Nam, dù nhiều người vẫn tín nhiệm .

Bấy giờ nhiều người đặt niềm tin và kỳ vọng vào ông Võ Văn Kiệt, người sẽ thay ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư, lèo lái con tàu đổi mới vượt thác mạnh mẽ hơn.  Ông Nguyễn Văn Linh cũng đánh giá rất cao  Võ Văn Kiệt, người từng sát cánh bên ông  trong những năm chống Pháp, chống Mỹ ở miền Nam, cùng gồng  mình xé rào  đưa kinh tế  Sài Gòn bứt lên từ vực thẳm,  làm tiền đề cho công cuộc đổi mới cả nước, cũng là người đồng quan điềm giao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân.  Nhưng  Nguyễn Văn Linh  lại là người ngăn cản Võ Văn Kiệt làm Tổng bí thư.  Lời phát biểu  thiếu căn cứ: “Không cần phải chống tham nhũng ở đâu xa, mà  hãy chống tham nhũng ngay trong nhà vợ con Thủ tướng!”  của ông trong một hội nghị  bàn về chống tham những   gây sốc, làm xôn xao dư luận.  Ông  Võ Văn Kiệt đã hai lần viết thư gửi Bộ chính trị, để nghị làm sáng tỏ. Trong lá  thư đó có đoạn: “ Nếu tôi như anh Nguyễn Văn Linh nói, thì tôi không còn xứng đáng là một Uỷ viên bộ chính trị, thậm chí một đảng viên!”.

clip_image002

Hội nghị Thành Đô – 9/1990

Khi sắp qua đời ông Nguyễn Văn Linh  ân hận về lời phát biểu của mình, và ông bộc bạch: “Anh Sáu Dân là người rất tốt, rất năng động, nhưng tôi sợ anh đổi mới quá đà mắc sai lầm!”

Đại hội VII của Đảng Công sản Việt Nam bầu  Đỗ Mười làm Tổng bí thư.  Ông từng  được Lê Duẩn tin tưởng  giao nhiệm vụ thay  Nguyễn Văn Linh làm Trường ban cải tạo trung ương, thực hiện chiến dịch đánh tư sản ở Sài Gòn 1979, biến “Hòn ngọc Viễn Đông” thành “ kho phế liệu !”  Khi làm Tổng bí thư, Đỗ Mười  trung thành với đường lối Lê Duần, muốn xóa sạch  quyền sở hữu tư nhân.   Trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, Đông Âu tan rã, chủ nghĩa xã hội lung lay tận gốc, Đỗ Mười vẫn  nêu cao  “tinh thần bôn-sê-vích”,  không chấp nhận quan điểm của  Võ Văn Kiêt, là   thay đổi Hiến pháp theo hướng trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân.  Đỗ Mười  gắn chặt tư duy của mình vào tư tưởng của người tiền nhiệm Lê Duẩn: “Làm chủ tập thể là tinh thần cơ bản, là nội dung nhất quán, và sở  hữu toàn dân là cốt lõi của chủ nghĩa xã hội!” Ông khẳng định: “Trước sau gì cũng tới đó nên  về đất đai vẫn để nguyên như Hiến pháp 1980!”

Quan điểm cùa Đỗ Mười được Đào Duy Tùng nhiệt liệt ủng hộ. Thay mặt Ban bí thư, ngày 14-4-1993,  khi chuẩn bị đưa dự thảo Luật đất đai ra lấy ý kiến nhân dân,  Đào Duy Tùng huấn thị: “Phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được quan điềm cơ bản của đảng và nhà nước ta: Toàn bộ đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước chỉ giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng, không cho mua bán đất...”  Đào Duy Tùng chỉ thị: “phải theo dõi sát sao trong quá trình thảo luận, kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong quá trình thảo luận!”

Với sự lãnh đạo của đảng chặt chẽ như vậy, việc lấy ý kiến chỉ là hình thức,  nhiều người có quan điềm tư hữu đất đai như   ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, phải im lặng trước vấn đề nhạy cảm đó. Và nội dung bản Hiến pháp 1992,  thuộc quyền Tổng bí thư Đỗ Mười,  quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Không thành công trong việc sửa đổi Hiến pháp,  ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và một số người đã cố gắng cho ra đời Luật đất đai 1993 cởi mở hơn, với khái niệm 5 quyền: Quyền sử dung, quyền chuyển nhượng, quyền thừa kế, quyền thế chấp, và quyền cho thuê đất.  Đây là một bước tiến đáng kể so với những Luật đất đai trước.

Nhưng  người dân không thật phần khởi, bởi Luật đất đai 1993  đề ra quy định hạn điền và thời hạn giao đất, trong khi Điều 18 Hiến Pháp 1992, quy định  giao đất ổn định lâu dài cho dân. Hạn điền và thời hạn giao đất là đặc trưng và ranh giới để phân biệt sở hữu tư nhân và tập thể. Luật đất đai quy định hạn điền và thời gian giao đất đề giữ vững cái cốt lõi “Sở hữu toàn dân”. Trên mở dưới thắt, đầu cởi đuôi trói, là những thủ pháp quen thuộc của đảng.  Người dân vẫn không được tự do suy nghĩ trên mảnh đất của mình.  Ngược lại, với các thủ  pháp thắt  mở   như vậy, dễ đẻ ra các  thủ tục hành chính rườm rà, thiếu minh bạch  hành dân.  Có những  điều luật  không nhất quán, mà chồng chéo, thậm chí đối chọi nhau, hậu quả cũng đổ lên đầu dân. Dù mảnh  đất  của cha ông để lại, đất khai hoang, hay đất sang nhượng đúng  pháp luật theo Bộ luật dân sự  quy định, nhưng theo Luật đại  lại  phải qua chính quyền  làm thủ tục cho thuê đất có thời hạn, khi chuyển nhượng, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phải đóng 100% tiền sử dụng đất. Người dân đã phải đóng thuế hai lần trên cùng một mảnh đất của mính.

                Vậy mà  Tổng bí thư Đỗ Mười vẫn cho rằng đã  là quá mở. Ông cho rằng đó là nguy cơ đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên tinh thần đó, ngày 14-10-1994, Quốc hội ban hành Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của cá nhân và tổ chức trong nước sử dụng đất,  và ngày 13-2-1995, Chính phủ ban hành  Nghị định 18, theo đó,  tổ chức, cá nhân trong nước  không được  thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp quyền sừ dụng  đất như trước. Nguyên tắc bất hồi tố trong dân sự không được áp dụng, tất cả các tổ chức được giao đất phải chuyền sang thuê đất, và chỉ được thế chấp tài sản trên đất. Sợi dây quản lý đất đai xiết chặt hơn.

                 Nghị định 18, như  một tác nhân làm sụp đổ ngành kinh doanh  bất động sản, làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, làm hàng loạt doanh nghiệp sau một đêm thức dậy trắng tay, nhiều doanh nghiệp chết tức tưởi như công ty Minh Phụng, Epco, Tanimex ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nông dân Vụ Bản (Nam Định) đấu tranh

chống cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp

               Tháng 12-1997, ông Đỗ Mười kết thúc nhiệm kỳ Tổng bí thư, để lại hậu quả tày đình đó, nhưng vẫn  chễm chệ trên ghế cố vấn,  giữ vai trò phán quyết mọi chủ trương đường lối.  Người kế nhiệm là Lê Khả Phiêu có công  phá  cái “Vòng kim cô” , và  ông đã phải trả giá.  Nông Đức Mạnh làm hai nhiệm kỳ Tổng bí thư, đó là thời kỳ uy tín cùa Đảng Cộng sản Việt Nam tụt dốc nhất kể từ khi được thành lập. Ông không đưa ra được bất kỷ một chính sách mới nào có lợi cho dân cho đảng,  ngoài việc lập đường dây nóng với Trung Quốc, một câu nói nổi tiếng “ Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác hồ!”và vụ tai tiếng PMU 18. Trong thời gian đó,  luật đất đai đã 5 lần thay đổi, đều theo hướng hạn chế bớt quyền lợi của dân,  tăng quyền cho chinh phủ.  Ví dụ,  Điều 27 , Luật đất đai 1993 ghi: “Trong  trường hợp thật cần thiết, nhà nước mới thu hồi đất đang sử dụng của người thuê đất vảo mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thì người bị thu hồi được đền bù thiệt hại”. Luật đất đai 1998 vẫn giữ nguyên như vậy, nhưng Luật đất đai 2003, lại cho chính quyền thêm quyền: “Thu hồi đất để phát triển kinh tế!”  Điều 20, Luật đất đai năm 1993, quy định: “Khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng, và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được nhà nước giao đất tiếp tục sử dụng”.  Năm 1998 vẫn giữ nguyên điều này, nhưng Luật đất đai 2003, tại khoản 10, điều 38, quy định: “Nhà nước thu hồi những phần đất không được gia hạn khi đã hết hạn”. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 84, Bộ Tài nguyên và môi trường ra Thông tư 06, càng mở rộng đường thu hồi đất cùa dân.

clip_image004

Oan khốc Đoàn Văn Vươn

            Với điều mục đích  thu hồi đất để “phát triển kinh tế” và với quyền được  “thu hồi những phần đất không được gia hạn”, chính quyền hoàn toàn lảm chủ đất đai,  dân chỉ còn nghĩa vụ phải thi hành. Những mảnh sổ đỏ, sổ hồng  trở nên vô giá trị. Chính quyền từ huyện đến trung ương có thể thu hồi bất cứ lô đất, vùng đất nào mà họ muốn, chỉ cần vẽ một bản đồ quy hoạch và làm một dự án phát triển kinh tế. Khu công nghiệp, khu chế suất, khu du lịch, khu đô thị mới,  nhà hàng, khách sạn , sân Golf.  Những quyết định thu hồi đất, luôn  thòng sẵn một điều khoàn đe dọa lệnh cưỡng chế , được ban hành  dễ như trở bàn tay.

            Với những quyết định thu hồi đất ấy, người ta đền bù cho dân  giá quy định, mang tính tượng trưng, rồi làm dự án này, dự án nọ, phân nền phân lô bán với giá gấp ngàn lần.  Nhiều doanh nhân kinh doanh bất động sản trở thành các đại gia, ngất ngưởng trên những mảnh đất đẫm mô hôi xương máu của người nông dân.  Các nhóm lợi ích bu vào đất. Đất là miếng mồi béo bở nhất của các quan tham. Người nông dân trắng tay, trở thành kẻ làm thuê làm mướn, đi bán vé số, thậm chí đi ăn xin.

             Nạn nhân Đoàn Văn Vươn, là một điển hình cùa “Sở hữu toàn dân” đất đai. Các quan chức huyện Tiên Lãng đã vận dụng điều khoản “thu hồi những phần đất không được gia hạn” để ra quyết định thu hồi 19,5 ha đầm tôm của anh.  Anh Vươn không chấp nhân, họ  ra lệnh cưỡng chế trái phép, dẫn đến vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ”.

            Cuộc cưỡng chế lửa khói ở Văn Giang, gạch đá ở Đông Triều, và 70% trong tổng số đơn khiếu kiên hiện nay cũng từ những bất cập của chính sách đất đai.

clip_image005

Sơ đồ dự án Ecopark Văn Giang

lộ rõ hình SÂU KHỔNG LỒ ĂN ĐẤT

(hình bắt gặp ngẫu nhiên trên Internet. Lạ!)

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An  đã viết trên Vietnannet: “Công nhận sở hữu tư nhân, bãi bỏ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, bãi bỏ chế độ 'đảng chủ', áp dụng tam quyền phân lập, thực hiện nguyên tắc tranh cử, công khai minh bạch...”. Nhưng hình như cũng như những người khác, ông Nguyễn Văn An đưa ra những phát biểu khảng khái như vậy mà các nhà lãnh đạo đương chức đương quyền, những nhóm lợi ích vẫn coi như gió thoảng qua.

            Đảng Cộng sản Việt Nam đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về việc sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai. Nhưng có thật sự cầu thị, thực lòng cần dân chủ hay không lại là chuyện khác!

            Đất đai là một nguồn lợi tiềm tàng, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều mâu thuẫn. Đất không biết nói nhưng hồn dân là hồn đất. Khi đụng chạm đến cõi sâu xa ấy phải có tâm thức chân thành. Mọi sự lừa dối, áp đặt sớm muộn cũng bị phơi bày. Khi luật pháp không rõ ràng, thiếu minh bạch, nhiều bất công thì đất đai chính là cái mầm sinh ra bất ổn cho toàn xã hội. Nhưng điều trớ trêu là sự bất ổn đó lại do chính quyền móc nối với đại gia gây nên, chỉ vì lợi ích cá nhân và phe nhóm.

            Bao đời nay, nông dân đứng lên đấu tranh chỉ vì ruộng cày, chỉ vì bát cơm manh áo. Nay kẻ nào chiếm đoạt đất của nông dân thì dù ở thể chế chính trị nào cũng trở thành kẻ thù của nông dân. Đó là quy luật. Quyền lực, trong chừng mực, hoàn cảnh nào đó có thể bắt, trói người nông dân ngay trên luống cày của họ. Nhưng đến lúc mà sự chịu đựng đã dồn đến chân tường, nông dân sẽ bắt trói kẻ thù. Dù sao, người dân vẫn còn chút hy vọng đến lúc nào đó đảng, nhà nước thật sự muốn nghe ý kiến của dân, muốn cởi trói cho dân, để trên mỗi luống cày nở rộ mùa màng.

M.D.

Nguồn: bongbvt.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn