Nơi bến đò cuối tháng Tư

Nguyễn Hữu Liêm

Ngày 30 tháng Tư lại sắp đến. Bao nhiêu điều để dân tộc này phải nghĩ, phải nhớ và phải buồn vì sự thất hẹn với lịch sử. Năm nay, BVN xin được gợi nhắc ngày ít ai quên này bằng bài viết của một người bạn đã từng là nhân chứng ở phía bên kia cuộc chiến. Chúng tôi hiểu đây như là cái nhìn quán chiếu của một người đã chịu mất mát mà thoạt kỳ thủy không hiểu nổi sự mất mát ấy, dần dần về sau mới thấm thía cái anh đã mất đi là cả một quá khứ không còn chút liên hệ gì với hiện tại của anh, một hiện tại mà anh và biết bao nhiêu người đã phải làm lại từ đầu ở một nơi đâu đó cách cái nơi khói lửa anh rời bỏ đến nửa vòng trái đất (và có thể sự làm lại đã đưa đến một kết quả tốt đẹp hơn rất nhiều). Nhưng cũng chính vì thế, như ánh trăng trong nước, anh vẫn nhìn thấy quá khứ xa xưa của chính mình một cách đầy ám ảnh.

Còn những người ở lại phía bên này cuộc chiến, cứ tạm gọi là “người thắng cuộc” thì sao? Nếu nói đến tầng lớp quan chức đã hoặc đang tại vị thì về một mặt nào đấy hình như vấn đề có phần đơn giản. Trong đầu các ngài ấy không hề có khái niệm “ánh trăng” để bàn đến ở đây. Ngày 30 tháng Tư đem lại cho đa số các ngài là quyền lực, ô tô, nhà lầu, đất cát và tiền. Nhưng sự đời là thế, 38 năm không bao giờ là một con đường suôn đuột. Bao nhiêu thân phận cũng đã nổi chìm. Chỉ muốn hỏi các ngài đang ngồi trên ghế, có một lúc nào các ngài chợt nghĩ đến vô số những người nông dân đã mất cha, mất chồng, mất con cho ngày 30 tháng Tư để rồi nay mất nốt đất đai, nhà cửa, mồ mả tổ tiên, thậm chí nơi đến của mình là vườn hoa Mai Xuân Thưởng, và... nhà tù? Đừng tưởng họ sầu hận ngày 30 tháng Tư đâu. Nghĩ thế thì đơn giản quá và có thể nói vô sỉ nữa. Trong họ vẫn có ánh trăng, chỉ có điều... đó là cảm giác phức hợp về một “ánh trăng rớm máu”,

Vậy thì xét đến cùng, điều canh cánh bậc nhất với lương tâm bất cứ ai – những ai biết sống và biết nghĩ, bên này hay bên kia đều thế – đang chứng kiến những gì diễn ra mấy chục năm nay ở trong nước và trên thế giới, thiết tưởng vẫn là: làm sao tìm cho ra đáp số chung của cả một dân tộc về sự vận hành lịch sử của chính mình, vào thời điểm bước ngoặt cách đây 38 năm – ngày 30 tháng Tư năm 1975 – mà đến nay vẫn cứ là một dấu hỏi đầy trăn trở, bởi dù thắng dù thua thì ai cũng can dự phần trách nhiệm.

Nguyễn Huệ Chi

Quảng Trị, làng Bích La. Hàng năm tôi vẫn trở về lại dòng sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, đứng bên bờ sông cũ, nơi miếng đất mà 40 năm trước đã từng là căn nhà thơ ấu của tôi. Dòng sông vẫn như xưa. Vẫn đôi bờ, bên lở, bên bồi. Ở nơi mà dòng nước chảy ngang qua vùng đất này, những tháng ngày của hơn 40 năm trước, bao nhiêu bom đạn và máu xương đã đổ xuống đây.

Tôi nhìn dòng nước phản chiếu dưới ánh nắng ngày hè của miền Trung, nhìn kỹ vào từng khoảng bờ đất lở loang lỗ, như là nhìn lại chính lòng mình với đầy vết thương từ quá khứ. Tôi nhìn qua bên phải của bụi tre cuốn mình trong gió để coi lại cái hố bom B52 vẫn còn trũng xuống nơi mà nền nhà của tôi đã từng ở đó. Không ai nhìn lại nỗi đau trên ba lần – người ta có nói. Nhưng tôi đã nhìn lại cái hố bom đó, nhìn lại bờ đất lở Thạch Hãn này đã nhiều nhiều hơn là ba bốn lần. Nhìn lại vết thương của mình có lẽ là một phương thức trị liệu tinh thần cho một con người đã đi xa quê nhà nhưng chưa từng rời khỏi quê hương.

Năm nay, một ngày 30 tháng Tư nữa lại về. Tôi nhớ lại trong huyền thoại cổ xưa của Hy Lạp thì cái gì đã xẩy ra sẽ xẩy ra lần nữa, và lần nữa, trở lại mãi mãi, trong tương lai. Nó sẽ trở lại không phải vì bản chất biến cố chỉ nằm trên bình diện vật thể – mà là của tâm thức. Mọi chuyện ở thế gian từ thực tính là hiện thân của một ý niệm, một thoáng của tâm. Thời quán ý niệm này là khuôn thức cho hiện tượng. Và con người với hiện trạng bị đày đọa vào lịch sử trần gian chỉ là một nét cọ trên bản vẽ của dòng tâm ý vĩnh hằng này.

Vâng! Ngày 30 tháng 4, 1975 là một chuyện đã xẩy ra hầu như rất xa vời trong quá khứ. Đã 38 năm rồi còn chi? Nhưng cái tâm ý về sự kiện lịch sử này vẫn còn đó bên ngoài cõi hiện tượng lịch sử. Và tôi đang trải nghiệm trong tôi, với cộng đồng người Việt ở California, một sự dấy động trong tâm ý về câu chuyện tưởng như là không còn nữa.

Tôi nhớ lại mùa Hè năm 1972. Khi dòng Thạch Hãn đã là chiến tuyến mới chia cách đôi bờ. Tôi đã đứng bên ni, nhìn sang bên tê, kẻ thù đâu không thấy, người thân cũng bặt dang tăm hơi. Tôi đã chỉ thấy lấp lánh bóng dáng chính mình phản chiếu dưới mặt nước cùng với luỹ tre kia.

Bây giờ sắp là mùa Hè 2013. Có những lần bên bờ biển từ California tôi nhìn về phía Tây, tưởng như là nhìn thấy bờ biển Việt Nam, cũng bên này, bên kia, như cũ, như xưa. Nhưng bến bờ đâu thấy. Tôi chỉ thấy vất vưởng những bến bờ quá khứ vẫn còn chia cách như là một tâm tưởng của cõi vĩnh hằng đứng trên thời gian và không gian hữu hạn. Cái mất, cái còn như là bên bồi bên lở từ một cuộc chiến xưa cũ vẫn hằn sâu như là bờ đất của con sông Thạch Hãn hôm nay.

Mỗi lần dân tộc Việt Nam phải kinh qua một biến cố lớn – như ngày 30 tháng Tư của 38 năm trước – cái được, cái mất đã là một sự bù trừ. Từ chính cá nhân mình, tôi mất hết quá khứ để có được một tương lai khác. Từ lịch sử, dân tộc ta đã bước qua một chân trời ý thức mới mà nhu cầu ngày cũ nay đã không còn. Từ bình diện vĩnh hằng, một thoáng ý niệm về hiện tượng con người Việt Nam đã hoàn tất một thời quán tiến hóa.

Nếu đem tâm lý vui buồn ra làm thước đo thì tôi lại rơi vào vũng lầy của hiện tượng. Nhưng có một điều không thể chối cãi rằng, con người Việt Nam, từ viễn cảnh bên bến bờ California, thì đối với ngày 30 tháng 4, cái buồn vẫn nặng hơn cái vui. Rất nhiều.

Tôi mất đi căn nhà ấu thơ bên bờ Thạch Hãn để có một nơi chốn khác bên bờ biển California. Một khối rất đông dân ta mất đi cái Sài Gòn cũ để có được các khu phố Little Saigon ở quận Cam và San Jose. Tôi đã bao lần tự nhủ rằng đừng cố níu kéo cái gì đã mất. Tôi cũng đã viết bao nhiêu lần rằng chúng ta hãy quên đi ngày 30 tháng 4. Nhưng cái gì tự nó đã xẩy ra thì phải đi theo quy luật vượt qua chủ ý con người. Tôi so sánh chuyện này tới sự kiện bồi lở của dòng sông đang đe dọa khu vườn nhà ấu thơ, tôi đã cố gắng tìm cách chặn bờ đất, nhưng cuối cùng, như là lịch sử và hoài niệm, nó vẫn như là dòng sông Thạch Hãn cứng đầu và mãnh liệt, vẫn ngang tàng chuyển động theo quy luật vĩnh hằng.

Ít nhất, cho đến khi, chính mình và dân tộc có một cái Tôi khác, đứng cao hơn một nấc, để nhìn kỹ vào dòng lịch sử, bên lở bên bồi này, nhìn ra vết thương lòng, công nhận nó là một nỗi đau chung của Việt Nam, không riêng chi mình, không chỉ là hơn, là thua, mà là đôi bờ phải được bao gồm vào tâm ý.

Nhưng với cái tôi đang là, cứ mải nhìn hố bom, nhìn bờ đất lở của làng xưa, mà quên bẵng đi rằng, dưới dòng nước kia, vẫn còn đó chuyến đò kiên tâm chở dân làng qua chợ Hôm mỗi buổi chiều. Chuyến đò vẫn còn, dù mái chèo nay đã thay bằng động cơ dầu, với những chiếc nón lá, những gánh rau, quả, cuộn lá chuối của bà con. Tôi hình dung ra hình ảnh mạ tôi, em gái tôi đang gánh rau, lá chuối qua sông đi chợ mua mắm ruốc về lo cho con, cho cả nhà. Chuyến đò sang sông đó, trước và sau 30 tháng 4, 1975, vẫn còn đang nối liền hai bờ, mãi mãi với dòng chảy thời gian.

Tôi lắc đầu trở về với thực tại, từ giã hố bom, khu vườn, bờ đất lở để đi lần xuống bãi cát, bước lên mái đò chòng chành. Tôi muốn vượt qua sông này thêm lần nữa. Bác lái đò nhìn tôi cười sún răng trong ngạc nhiên: “Ôi chao, chú Liêm hà! Chú về khi mô rứa?” “Dạ chào bác, tui mới lại trở về”.

California

N.H.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn