Gia đình, cộng đồng và vốn con người

Jerry Muller, Foreign Affairs, tháng Ba/tháng Tư, 2013

Trần Ngọc Cư dịch

Lời người dịch: Vì bài tiểu luận “Capitalism and Inequality” (Chủ nghĩa tư bản và Tình trạng bất bình đẳng) của Giáo sư Sử học Jerry Muller, Đại học Catholic University of America, dài đến 20 trang, chúng tôi chỉ xin trích dịch phần của bài tiểu luận nói về vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc xây dựng vốn con người. Tựa đề là của người dịch.

Trong môi trường toàn cầu hóa, tài chính hóa, hậu công nghiệp ngày nay, vốn con người (human capital) là quan trọng hơn bao giờ cả trong việc quyết định những cơ may trong đời. Sự kiện này cũng làm cho vai trò của gia đình trở nên quan trọng hơn trước, vì như mọi thế hệ xã hội học lại cứ phát hiện lại một điều cũ rích (khiến chính họ cũng phải lấy làm tiu nghỉu), đó là các nguồn lực do gia đình truyền lại cho con cái có xu thế định đoạt rất nhiều cho sự thành công ở nhà trường và nơi làm việc. Như chuyên gia kinh tế Friedrich Hayek đã vạch ra nửa thế kỷ trước trong cuốn The Constitution of Liberty (Cơ cấu của Tự do), trở ngại chính cho sự bình đẳng về cơ hội là ta không thể tìm ra được một cơ chế tốt hơn để thay thế những vị phụ huynh thông minh hay những gia đình biết bồi dưỡng tình cảm và văn hóa cho con cái. Theo một nghiên cứu gần đây của hai nhà kinh tế Pedro Carneiro và James Heckman, “Những khác biệt về trình độ kỹ năng nhận thức (cognitive skills) và các kỹ năng không thuộc lãnh vực nhận thức (noncognitve skills)(*) xuất hiện sớm trong đời người và tồn tại mãi. Có chăng là, học vấn chỉ đào sâu thêm những khác biệt đầu đời này mà thôi”.

Vốn di truyền nằm dưới nhiều dạng thức khác nhau: cơ cấu gien (genetics), sự nuôi dưỡng trước và sau khi đứa trẻ sinh ra, và các định hướng văn hóa được truyền đạt trong gia đình. Hẳn nhiên, tiền bạc cũng quan trọng, nhưng thường không quan trọng bằng những yếu tố gần như không liên quan đến tiền bạc này. (Sự hiện hữu nổi bật của sách báo trong một hộ gia đình là dấu hiệu con cái đạt điểm cao ở học đường, chứ không phải là lợi tức của gia đình đó). Qua thời gian, nếu xã hội được tổ chức dựa vào chế độ nhân tài, vốn di truyền gia đình và phần thưởng thị trường sẽ có có xu thế gắn bó với nhau.

Những cha mẹ có học vấn thường có khuynh hướng đầu tư thêm thì giờ và năng lực cho việc chăm sóc con cái, thậm chí khi cả cha lẫn mẹ đều bận việc ở sở làm. Và những gia đình có vốn con người phong phú có khả năng sử dụng hiệu quả hơn những phương tiện giáo dục cải tiến mà chủ nghĩa tư bản đương đại cống hiến (chẳng hạn tiềm năng bồi dưỡng tri thức qua Internet) đồng thời chống lại những cạm bẫy tiềm ẩn (như xem TV và chơi các trò chơi vi tính).

Sự kiện này ảnh hưởng lên khả năng của trẻ em trong việc vận dụng nền giáo dục chính thức ở nhà trường, một nền giáo dục ít ra cũng có tiềm năng ngày càng mở rộng để đón tiếp mọi người, bất chấp địa vị kinh tế hay sắc tộc. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ có 6,4 % trẻ em Mỹ hoàn tất bậc trung học, và chỉ một trong 400 người tiếp tục lên đại học. Như vậy, thời bấy giờ một bộ phận dân chúng rất đông đảo có khả năng trí óc, nhưng không có cơ hội, để theo đuổi các bằng cấp cao. Ngày nay, tỉ số học sinh Mỹ hoàn tất bậc trung học là khoảng 75% (xuống từ đỉnh cao 80% năm 1960), và khoảng 40% thanh niên đăng ký theo học đại học.

Tờ The Economist gần đây đã nhai lại một quan niệm lỗi thời: “Trong một xã hội có cơ hội đồng đều rộng rãi, địa vị của cha mẹ trên thang lợi tức sẽ không ảnh hưởng mấy lên nấc thang lợi tức của con cái họ về sau”. Nhưng sự thật là, càng có cơ hội đồng đều do cơ chế tạo ra bao nhiêu, thì các di sản thuộc vốn con người của gia đình lại càng quan trọng bấy nhiêu. Như nhà khoa học chính trị Edward Banfield nhận xét một thế hệ trước đây trong cuốn The Unheavenly City Revisited [một tác phẩm duyệt xét lại các vấn đề đô thị Mỹ – TNC], “Toàn bộ nền giáo dục luôn ưu đãi trẻ em thuộc giai cấp trung lưu hoặc thượng lưu, vì ở vào giai cấp trung lưu hay thượng lưu có nghĩa là hưởng được những phẩm chất tốt đẹp giúp cho việc học tập đặc biệt dễ dàng”. Những cải tiến về phẩm chất trường học có thể cải thiện thành quả giáo dục nói chung, nhưng chúng có xu thế làm gia tăng, chứ không giảm bớt, khoảng cách thành đạt giữa con em xuất thân từ những gia đình có vốn con người chênh lệch nhau. Những nghiên cứu gần đây với mục đích chứng minh rằng tại Hoa Kỳ ngày nay sự thăng tiến xã hội giữa các thế hệ (intergenerational mobility) ít diễn ra hơn so với trong quá khứ (hay so với tại một số quốc gia châu Âu), đã không thấy được rằng sự kiện này thật ra có thể chỉ là sản phẩm trớ trêu [của các nỗ lực chính phủ] qua nhiều thế hệ nhằm gia tăng bình đẳng về cơ hội. Và trong khía cạnh này, có thể Hoa Kỳ chỉ là nước dẫn đầu trong các xu thế cũng được tìm thấy tại các nước tư bản tiên tiến khác.

Gia đình không phải là cơ chế xã hội duy nhất có một ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển vốn con người và đối với sự thành công nhiên hậu trong thị trường; các nhóm cộng đồng, như các cộng đồng tôn giáo, chủng tộc và dân tộc cũng có một ảnh hưởng tương tự. Trong cuốn sách xuất bản năm 1905, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Đức lý Tin lành và Tinh thần Tư bản chủ nghĩa), nhà xã hội học Max Weber nhận xét rằng trong các khu vực tôn giáo khác nhau, người Tin Lành làm kinh tế giỏi hơn người Công giáo, và người theo Giáo phái Calvin (Calvinists) thành công hơn người theo Giáo phái Luther (Lutherans). Weber đưa ra một một lý giải mang tính văn hóa cho sự khác biệt này, một sự khác biệt có gốc rễ trong những khuynh hướng tâm lý do các đức tin khác nhau này tạo ra. Vài năm sau, trong cuốn The Jews and Modern Capitalism (Người Do Thái và Chủ nghĩa Tư bản Hiện đại), Werner Sombart, người đồng thời với Weber, đưa ra một lý giải khác hơn cho sự thành công của các nhóm khác nhau, bằng cách một phần dựa vào các khuynh hướng văn hóa và một phần dựa vào các khuynh hướng chủng tộc. Và đến năm 1927, Schumpeter, một đồng nghiệp trẻ hơn của họ đã đặt tựa đề cho một bài tiểu luận quan trọng là “Giai cấp xã hội trong một môi trường thuần chủng (ethnically homogeneous)”, vì ông đinh ninh rằng trong một bối cảnh hợp chủng, các mức độ thành đạt thay đổi theo từng sắc dân, chứ không chỉ theo giai cấp xã hội mà thôi.

Những lý giải được đưa ra cho những mô hình nói trên là không quan trọng bằng thực tế là, mức thành đạt khác nhau giữa các nhóm vẫn là một đặc điểm bất diệt trong lịch sử của chế độ tư bản, và những chênh lệch này vẫn tiếp tục tồn tại ngày nay. Tại Hoa Kỳ đương đại, chẳng hạn, người châu Á (đặc biệt khi không kể đến các sắc dân hải đảo Thái Bình Dương) có xu thế thành đạt hơn người da trắng bản xứ (non-Hispanic whites), người da trắng bản xứ lại thành đạt hơn người da trắng gốc châu Mỹ La tinh (Hispanic whites), người châu Mỹ La tinh lại thành đạt hơn người Mỹ gốc châu Phi [người da đen]. Đây là sự thật dù ta nhìn vào sự thành đạt về học vấn, vào lợi tức, hay nhìn vào các loại hình gia đình, như các trường hợp sinh con ngoại hôn chẳng hạn.

Những quốc gia Tây Âu (và nhất là những quốc gia Bắc Âu), với những trình độ bình đẳng kinh tế còn cao hơn Mỹ nhiều, thông thường là những nước có những khối dân thuần chủng hơn Mỹ. Khi những đợt dân nhập cư gần đây làm cho nhiều nước tiên tiến hậu công nghiệp giảm bớt tính thuần chủng so với trước, chúng cũng có vẻ phân hoá giai cấp theo các đường ranh cộng đồng, với một số nhóm dân nhập cư biểu hiện những mô hình thành công hơn khối dân cư hiện hữu từ trước và một số nhóm khác lại ít thành công hơn. Tại Vương quốc Anh chẳng hạn, con cái những người Trung Hoa và người Ấn Độ nhập cư thường thành công hơn dân bản xứ, trong khi con cái của người da đen từ vùng Ca-ri-bê (Caribbean blacks) và người Pakistan thường thua kém hơn. Tại Pháp, con cái của người Việt Nam nhập cư thường thành công hơn con cái người bản xứ, và con cái của các sắc dân Bắc Phi lại thua kém hơn. Tại Israel, con cái của người Nga nhập cư thường thành công hơn người bản xứ, trong khi con cái của những người nhập cư từ Ethiopia lại thua kém hơn. Tại Canada, con cái người Trung Hoa và người Ấn Độ thường thành công hơn con cái dân bản xứ, trong khi con cái của dân nhập cư từ vùng Ca-ri-bê và châu Mỹ La tinh lại thua kém hơn. Phần lớn sự chênh lệnh trong mức độ thành công này có thể được giải thích bằng thành phần giai cấp và quá trình đào tạo khác nhau của các nhóm nhập cư ngay tại cố quốc của họ. Nhưng vì bản thân những cộng đồng nhập cư này đã đóng vai trò là nơi cưu mang vốn con người, những mô hình về sự thành đạt này có khả năng và vẫn còn tồn tại qua thời gian và không gian.

Trong trường hợp Hoa Kỳ, chính sách di trú của nước này đã đóng một một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong việc làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, vì tính năng động kinh tế, sự cởi mở văn hóa, và địa thế của nước Mỹ có xu thế thu hút một số người tài giỏi và thông minh nhất thế giới lẫn một số người ít học nhất thế giới. Sự thể này đã nâng chóp bu của thang kinh tế lên cao và hạ phần dưới cùng xuống thấp hơn nữa.

Sự nhìn nhận ngày càng rộng lớn về tình trạng bất bình đẳng và phân hóa giai cấp xã hội đang gia tăng tại các nước hậu công nghiệp đương nhiên đã đưa đến các cuộc thảo luận về những điều có thể thực hiện để đối phó vấn đề này. Trong bối cảnh của Hoa Kỳ, câu trả lời đến từ hầu hết mọi thành phần xã hội thật là đơn giản: giáo dục.

Một chủ đề của lý luận này tập trung vào giáo dục đại học. Theo đó, hiện nay có một khoảng cách đang gia tăng về những cơ may trong đời giữa những người tốt nghiệp đại học và những người không tốt nghiệp, và vì thế cần phải có càng nhiều người vào đại học càng tốt. Đáng tiếc là, mặc dù một tỉ lệ phần trăm người Mỹ cao hơn trước đang theo đuổi bậc đại học, nhưng họ không nhất thiết học hỏi nhiều hơn. Một con số ngày càng đông đảo không đủ khả năng học tập ở cấp đại học, nhiều người phải rời ghế nhà trường trước khi hoàn tất học vị, và nhiều người khác nhận những bằng cấp chỉ phản ánh những tiêu chuẩn thấp hơn trình độ mà người ta thường cho là một cấp bằng đại học phải có.

Trong khi đó, mức chênh lệch đáng kể nhất trong sự thành tựu ở học đường diễn ra sớm hơn bậc đại học, được biểu hiện trong tỉ lệ hoàn tất bậc trung học, và những chênh lệnh quan trọng trong thành tích học tập (giữa các giai cấp xã hội khác nhau và giữa các sắc tộc khác nhau) còn xuất hiện sớm hơn, ngay từ cấp tiểu học. Do đó, một chủ đề thứ hai của cuộc tranh luận giáo dục tập trung vào bậc tiểu học và trung học. Những phương thức chữa trị được đề xuất ở đây gồm có: cung cấp thêm tiền cho các trường học, cho phụ huynh nhiều lựa chọn hơn, kiểm tra bài vở của học sinh thường xuyên hơn, và cải thiện hiệu năng của giáo viên. Thậm chí nếu một số hoặc toàn bộ các biện pháp này là đáng mong muốn vì những lý do khác đi nữa, không một biện pháp nào chứng tỏ đã giảm bớt khoảng cách giữa các học sinh và giữa các nhóm xã hội – vì bản thân nền giáo dục chính thức ở nhà trường (official schooling) đóng một vai trò tương đối nhỏ bé trong việc tạo ra hoặc duy trì các khoảng cách thành đạt (achievement gaps).

Thật ra những khoảng cách này có nguồn gốc trong những mức vốn con người khác nhau (different levels of human capital) mà trẻ em thừa hưởng khi chúng bắt đầu đi học – điều này đã dẫn đến một chủ đề thứ ba của cuộc tranh luận giáo dục, tập trung vào việc chăm sóc tuổi thơ ấu của trẻ em sớm hơn và tích cực hơn. Những đề xuất ở đây thường dẫn đến việc đưa trẻ em ra khỏi môi trường gia đình và đặt chúng vào những bối cảnh mang tính cơ chế (institutional settings) càng dài thời gian càng tốt (như chương trình Head Start, Early Head Start /cho trẻ em đi học sớm) hay thậm chí cố gắng tái xã hội hoá toàn bộ những khu dân sinh (như trong dự án Khu vực của Trẻ em Harlem/the Harlem Children’s Zone project). Có một số trường hợp thành công riêng lẻ với những chương trình này, nhưng không ai quả quyết là chúng có thể được nhân rộng trên một qui mô lớn hơn. Nhiều chương trình cho thấy kết quả ngắn hạn về khả năng nhận thức, nhưng hầu hết những thành quả này có xu thế mai một qua thời gian, và những thành quả còn sót lại thường là không đáng kể. Có một điều khả tín hơn là, những chương trình này giúp trẻ em trau dồi các kỹ năng không thuộc lãnh vực nhận thức và những đặc điểm nhân cách có thể dẫn đến thành công kinh tế tương lai – nhưng với một cái giá và nỗ lực đầu tư đáng kể, vì phải sử dụng các nguồn lực được rút tỉa từ những bộ phận thành công hơn trong xã hội (và như thế làm suy yếu các nguồn lực mà họ có thể sử dụng) hay các nguồn lực được chuyển từ các dự án tiềm năng khác.

Dù với tất cả những lý do này, tình trạng bất bình đẳng trong các xã hội tư bản tiên tiến đang có vẻ vừa gia tăng vừa không tránh khỏi, chí ít trong giai đoạn hiện nay. Thật vậy, một trong những khám phá thẳng thắn nhất của ngành nghiên cứu khoa học xã hội đương đại là, một khi sự cách biệt giữa các gia đình có lợi tức cao và những gia đình có lợi tức thấp đã gia tăng, thì những cách biệt trong sự thành đạt về học vấn và công ăn việc làm giữa con cái họ lại càng gia tăng hơn nữa.

J. M.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Chú thích:

(*)(1) Ở một đoạn khác trong bài tiểu luận, không được trích dịch ở đây, tác giả đã định nghĩa cognitive skills là "sự nhanh trí, khả năng suy luận và áp dụng các mô hình rút từ kinh nghiệm, và khả năng đối phó với tính phức tạp trí tuệ" và noncognitive skills là "các kỹ năng xã hội: tinh thần kỷ luật, đức tính kiên trì và tinh thần trách nhiệm" (TNC).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn