Việt Nam sẽ ra sao sau bài Diễn văn Shangri-La

Lê Xuân Khoa

Trên những vấn đề bức thiết của xã hội Việt Nam hiện nay, nguyên tắc mà BVN vẫn tuân thủ, là trong khi đăng các bài luận bàn, không bao giờ để xen vào những khen chê tư cách cá nhân các nhân vật đang giữ các vị trí then chốt trong bộ máy quyền lực, mà chỉ giới hạn ở những việc làm hoặc phát ngôn cụ thể của họ, dưới góc nhìn lợi hay hại, ngắn hạn hay dài hạn đối với đất nước. Bài viết sau đây của GS Lê Xuân Khoa – một học giả và chính khách nổi tiếng, hiện ngụ cư tại Hoa Kỳ, từng nhiều lần về Việt Nam gặp gỡ trí thức trong nước và cả các vị nguyên thủ như Thủ tướng Võ Văn Kiệt – tuy có đề cập đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng thông qua việc đánh giá lời phát biểu của ông Dũng tại Diễn đàn Shangri-La, nên theo chúng tôi, đây là cách tác giả đặt một vấn đề chung về con đường tối cần thiết cho lợi ích lâu dài của Tổ quốc Việt Nam, tất nhiên là từ quan điểm riêng của người viết.

clip_image002

GS Lê Xuân Khoa gặp gỡ Hoàng Ngọc Hiến, Phan Đình Diệu và Nguyễn Huệ Chi ngày 12-1-2005 tại Hà Nội nhân chuyến ông về Việt Nam thăm TT Võ Văn Kiệt

Xin trân trọng đăng lên để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Nguyễn Huệ Chi

Ngày 31 tháng Năm, 2013, tại kỳ họp thượng đỉnh về an ninh thứ 12 của “Đối Thoại Shangri-La,” Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được mời làm diễn giả chính. Đề tài diễn văn là “Xây dựng Lòng tin Chiến lược vì Hoà bình, Hợp tác và Thịnh vượng trong Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” .

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra một quan điểm chiến lược nhằm giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng chính trị có nguy cơ đưa đến chiến tranh giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực. Quan điểm này được xây dựng trên một ý niệm then chốt là “lòng tin chiến lược” (strategic trust), một thuật ngữ được sử dụng trong những cuộc đối thoại nhằm tiến đến hợp tác về kinh doanh hay chính trị để phân biệt với lòng tin đạo lý (moralistic trust) hay lòng tin cậy đơn thuần (trust) giữa những người thân tín trong cùng một gia đình hay tổ chức. Gần đây nhất, trong lần thăm Hoa Kỳ năm 2012 khi còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng đã nhắc đến “lòng tin chiến lược” như một nền tảng cho sự hợp tác có lợi cho cả hai nước.

Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Lòng tin Chiến lược đã được Thủ tướng Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh và quảng diễn như một điều kiện sine qua non (không có không được) trong quan hệ hợp tác giữa các nước liên quan nhằm đem lại lợi ích cho tất cả mỗi bên và đảm bảo hòa bình lâu dài trong khu vực. Nhà báo Marites D. Vitug đã đếm được 40 lần ông Nguyễn Tấn Dũng nói đến lòng tin chiến lược. Tiến sĩ John Chipman, người tổ chức Đối thoại Shangri-La, phát biểu trong phiên bế mạc rằng “Lòng tin Chiến lược” đã trở thành chủ đề của kỳ Đối thoại này.

Riêng trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam đã dựa vào Lòng tin Chiến lược để gửi ra ba thông điệp chính trị:

1. Với Trung Quốc: tuy không nêu đích danh, ông Dũng đã rõ ràng chĩa mũi dùi vào Trung Quốc khi ông liệt kê một chuỗi lý do đã gây nên tình trạng báo động về an ninh khu vực: “đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Ông Dũng thúc giục Trung Quốc hãy cùng với ASEAN “đề cao trách nhiệm và lòng tin chiến lược” để sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) “phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.

2. Với các nước ASEAN: ông Dũng nhấn mạnh vào sự cần thiết của “một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương”. Ông gián tiếp chỉ trích Campuchia đi theo Trung Quốc “vì lợi ích của riêng mình” khiến cho hội nghị ASEAN tại Phnom Penh năm 2012 do Campuchia làm Chủ tịch đã không thể ra được bản Tuyên bố chung. Ông Dũng tin rằng, nhờ tình đoàn kết, ASEAN sẽ có thể cùng các nước đối tác “xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực và tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp”.

3. Với Hoa Kỳ: Khi xác nhận Hoa Kỳ là “một cường quốc Thái Bình Dương”, ông Dũng cho thấy Hoa Kỳ, dù không phải là thành viên của ASEAN, cũng đương nhiên có vai trò chiến lược trong khu vực. Khi nhấn mạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc là “hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với cả khu vực và thế giới” , ông Dũng làm nổi bật hình ảnh tương phản giữa hai nước lớn này trong trách nhiệm “tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền độc lập của các quốc gia... đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung”.

Tóm lại, qua bài diễn văn then chốt tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Việt Nam đã cho thấy một bước ngoặt quan trọng về chính sách đối ngoại của Hà Nội: tìm cách thoát khỏi sự khống chế của Bắc Kinh và gia tăng hợp tác với Hoa Thịnh Đốn. Có thể nói đây là chính sách “xoay trục sang Hoa Kỳ” (pivot to the U.S.) của chính quyền Việt Nam. Điều này không có nghĩa là Việt Nam muốn tìm một đồng minh quân sự để chống lại Trung Quốc mà chỉ là một quyết định khôn ngoan để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình. Trong phần cuối bài diễn văn, ông Dũng đã khẳng định là “Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác”. Điều này hé mở khuynh hướng về quy chế trung lập có thể sẽ được các nước ASEAN chấp thuận như một chọn lựa thích hợp với “vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương”.

Sự can dự chiến lược của Hoa Kỳ

Hẳn không hoàn toàn vì tình cờ mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, cũng tại diễn đàn Shangri-La, đã xác nhận không thể rõ ràng hơn sự can dự chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương nhằm “tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng” như đã được Thủ tướng Việt Nam trông đợi. Ông Hagel nói đến những đầu tư cụ thể vào các chương trình trợ giúp nhân đạo và phát triển, đặc biệt là chương trình hợp tác thưong mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang thành lập và “Sáng kiến cho khu vực Hạ lưu sông Mekong” (Lower Mekong Initiative) đã khởi sự từ 2009. Cũng như ông Dũng, ông Hagel mong đợi sớm có Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và một môi trường hợp tác có lợi ích cho tất cả các bên, tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp không dùng đến sức mạnh. Bộ trưởng Hagel cũng kêu gọi Trung Quốc hãy cùng với Hoa Kỳ và ASEAN thiết lập một cấu trúc về an ninh làm cơ sở chung cho việc giải quyết những điểm khác biệt một cách có hiệu quả.

Ông Hagel phê phán những ai nghi ngờ khả năng can dự lâu dài của Hoa kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương là “thiếu khôn ngoan và thiển cận”. Ông nhấn mạnh rằng ngay cả trong trường hợp ngân sách quốc phòng bị xuống thấp nhất, chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ vẫn ở mức xấp xỉ 40 phần trăm tổng số chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới. Ngoài việc chuyển 60 phần trăm lực lượng hải quân sang Thái Bình Dương, Hoa Kỳ còn chuyển thêm 60 phần trăm lực lượng không quân tới các căn cứ đã có sẵn trong khu vực. Thêm vào đó, các kỹ thuật tân kỳ đang phát triển sẽ giúp cho khả năng di chuyển và tấn công của Mỹ được mau chóng và hiệu quả hơn nữa. Những thông tin này cho thấy việc thiết lâp căn cứ quân sự của Mỹ ở Việt Nam không còn cần thiết, nhất là khi các chiến hạm Mỹ đã trở thành những căn cứ lưu động, thỉnh thoảng lại ghé thăm những địa điểm chiến lược trong khu vực. Đây là những bảo đảm có sức thuyết phục nhất đối với sự xoay chuyển chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quả thật ông Nguyễn Tấn Dũng đã có một quyết định khôn ngoan và đúng lúc.

Tiện đây cũng cần phải nhắc đến mối quan tâm sâu sắc của Trung Quốc đối với chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, như thiếu tướng Diêu Vân Trúc đã phát biểu trong phần hỏi đáp sau bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Vị nữ tướng Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung-Mỹ đã nói thẳng với ông Hagel là bà không tin những hoạt động tái cân bằng của Mỹ, với 60% lực lượng hải quân và 60% lực lượng không quân dàn trải trong khu vực, lại không nhằm chống Trung Quốc như Mỹ từng giải thích. Ông Hagel trả lời là trong vị thế một “cường quốc Thái Bình Dương đã hơn 200 năm”, hoạt động tái cân bằng của Mỷ là bình thường, không phải chuyện mới, chẳng khác gì những hoạt động của Trung Quốc và Nga và các nước khác ở những miền có lợi ích. Điều quan trọng mà ông muốn nhấn mạnh trong nỗ lực duy trì hòa bình là Hoa Kỳ và Trung Quốc mở rộng những quan hệ hợp tác và chia sẻ thông tin trực tiếp giữa quân đội của hai nước. Như vậy sẽ tránh được những ngộ nhận và tính toán sai lầm.

Trở lại chuyện Việt Nam, vấn đề thực tế là Việt Nam sẽ phải làm những gì để được Hoa Kỳ gia tăng những chương trình giúp đỡ cụ thể, được ASEAN đồng lòng đoàn kết, và quốc tế hỗ trợ trong những cuộc đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi? Câu hỏi này sẽ được trả lời trong những cuộc hội đàm Mỹ-Việt, những hội nghị thượng đỉnh và hội nghị chuyên biệt, cục bộ hay mở rộng, của các nước trong và ngoài khu vực, sẽ liên tiếp diễn ra trong những tháng ngày sắp tới.

Cần xoay trục trong chính sách đối nội

Khó khăn lớn nhất của Việt Nam là làm sao thuyết phục được Trung Quốc chấp thuận tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ “chính trị cường quyền” để sẵn sàng giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở hòa bình, hợp tác và phát triển.

Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ là điều kiện cần nhưng không đủ, vì riêng Hoa Kỳ sẽ chẳng giúp được gì nếu Việt Nam không thật sự tự giải thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và hội nhập vào thế giới dân chủ. Thực tế là Việt Nam đã tự đặt mình vào vòng lệ thuộc Trung Quốc từ năm 1990 khi Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười bí mật gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, và ký bản Kỷ yếu Hội nghị tái lập quan hệ bình thường giữa hai nước. Nội dung Hội nghị Thành Đô và bản mật ước cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ vì có nhiều khoản cam kết và nhượng bộ bất lợi cho Việt Nam. Suốt 23 năm qua, Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng “quyền lực mềm” để từng bước tước đoạt chủ quyền và thực hiện âm mưu Hán hóa dân tộc Việt. Chính quyền đang đứng trước những nguy cơ đáng lo ngại về sự suy sụp nền kinh tế và sự sút giảm lòng tin đáng báo động trong nhân dân. Thêm vào đó, những cuộc tranh giành quyền lực gay gắt chưa từng thấy trong nội bộ lãnh đạo đã hiện ra công khai, không còn che giấu được nữa.

Trước tình thế nguy nan ấy, ông Nguyễn Tấn Dũng đã lấy một quyết định đột phá về ngoại giao nhằm phục hồi chính nghĩa cho Việt Nam và cứu lấy uy tín cá nhân đang xuống dốc. Qua bài diễn văn về Lòng tin Chiến lược, ông đã gây được tiếng vang thuận lợi trong dư luận quốc tế. Người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nói chung, cũng dành cho bài diễn văn của ông những phản ứng tích cực vì ông đã phê phán chính trị cường quyền của Trung Quốc và tỏ lòng tin cậy tinh thần trách nhiệm và đóng góp xây dựng của Hoa Kỳ.

Một số ý kiến chỉ trích ông Dũng vì cho rằng ông đã không dám trực tiếp chống tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và mưu đồ thôn tính Việt Nam của nước này. Chỉ trích này có cơ sở nhưng không thích hợp với ngôn ngữ ngoại giao và mục đích xây dựng của diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Như Roy Metcalf thuộc viện nghiên cứu chiến lựợc Brookings ở thủ đô Washington đã xác nhận, diễn đàn này có “những tiêu chuẩn cao về phép lịch sự và nghi thức thân thiện theo phong cách Á Đông” (high standards of civility and friendly Asian-style protocol). Tất nhiên là ông Dũng sẽ được điểm cao hơn nếu, vẫn bằng ngôn ngữ ngoại giao, ông có thể nhắc đến những hành động tấn công và đối xử tàn ác của Trung Quốc với những ngư dân Việt Nam nghèo và vô tội trên Biển Đông.

Vấn đề quan trọng cần được đặt ra với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là, ngoài bước đột phá về chính sách đối ngoại, ông có dự liệu những thay đổi gì trong chính sách đối nội hay không. Như đã nói ở trên, Hoa Kỳ không thể giúp cho Việt Nam được ổn định và phát triển nếu chính quyền cứ tiếp tục chế độ độc tài toàn trị và gia tăng đàn áp những tiếng nói yêu nước, những đòi hỏi ôn hòa về thực thi dân chủ và nhân quyền, bài trừ tham nhũng và bất công xã hội. Tại diễn đàn Shangri-La, ông Dũng kêu gọi các nước xây dựng lòng tin chiến lược để thực hiện hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Ông nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật lệ quốc tế. Như vậy ông sẽ mắc tội lừa dối nếu ông đi ngược lại những quy tắc đạo đức và pháp lý tối thượng đó đối với chính đồng bào của ông ở trong nước.

Mở đầu bài diễn văn Shangri-La, ông Dũng đã dẫn câu thành ngữ Việt Nam “mất lòng tin là mất tất cả”. Trước nguy cơ bị lật đổ bởi các đối thủ ngoan cố, giáo điều trong hàng ngũ lãnh đạo theo Trung Quốc để duy trì quyền lực và quyền lợi, ông Dũng cần phải lấy được niềm tin đã mất trong nhân dân và ngay cả trong hàng ngũ các đảng viên yêu nước. Diễn đàn Shangri-La không chỉ là cơ hội cho ông xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác quốc tế mà cũng là cơ hội để ông được nhân dân, kể cả những người từng mạnh mẽ chống đối ông, bỏ qua mọi chuyện trong quá khứ và sẵn sàng ủng hộ ông. Để được như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng cần phải có một hành động đột phá thứ nhì, xoay chuyển chính sách đối nội từ độc tài sang dân chủ.

Trong diễn văn Shangrila-La, dù nói về đối ngoại, thủ tướng Dũng cũng đề cập trường hợp Myanmar như “một ví dụ sinh động về kết quả của việc kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau, mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ cho Myanmar mà cho cả khu vực chúng ta”. Đối thoại Myanmar chủ yếu là giữa chính phủ và đảng đối lập với kết quả là sự thỏa thuận về tiến trình dân chủ hóa. Cơ sở đối thoại là lòng tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Lợi ích của đối thoại là tương lai tươi sáng không chỉ cho Myanmar mà toàn thể khu vực. Chỉ trong một câu, ông Dũng đã chứng minh thật rành mạch sự cần thiết và lợi ích cụ thể của đối thoại dựa trẻn lòng tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Dù vô tình hay hữu ý, ông Dũng đã đem lại cho mọi người một cảm tưởng rõ rệt là ông sẽ thay đổi chính sách đối nội và, cũng như Myanmar, bắt đầu bằng việc trả tự do cho những người tranh đấu ôn hòa và mở cuộc đối thoại với những người bất đồng chính kiến về một tiến trình dân chủ hóa. Mọi người Việt Nam và các nhà quan sát quốc tế đều chờ đợi trong hy vọng.

Bi quan hay Lạc quan?

Gần ba tuần đã trôi qua sau bài diễn văn Shangri-La, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy có một dấu hiệu nào về sự thay đổi chính sách đối nội theo hình mẫu Myanmar. Trái lại, chỉ thấy chính quyền bắt giữ thêm những người vận động cho dân chủ, nhân quyền, và tiếp tục làm ngơ trước những lời kêu gọi từ trong nước và quốc tế về việc huỷ bỏ những bản án phi lý quá nặng nề, hay ít nhất cũng cải thiện chế độ đối xử với những người tù lương tâm còn bị giam giữ. Đành rằng bản chất chính trị của lãnh đạo cộng sản là “nói một đàng, làm một nẻo” nhưng bước đột phá về đối ngoại của ông Nguyễn Tấn Dũng trước một diễn đàn quốc tế là một sự kiện cần được xem xét kỹ. Vấn đề là giữa lúc cuộc tranh giành quyền lực và mâu thuẫn chính sách trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam đang diễn ra gay gắt, sự xoay chuyển chính sách đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ có phải là lập trường thống nhất của Bộ Chính trị hay không? Nếu sự thật là không thì ông Dũng đã không thể không tiên liệu những phản ứng chống đối mãnh liệt dù kín đáo của các đối thủ và giới lãnh đạo Bắc Kinh. Ông cũng đã phải có sẵn kế hoạch hóa giải những phản ứng tiêu cực đó. Trong bất cứ trường hợp nào, mỗi bên đểu cần có thời gian hành động.

Tình hình Việt Nam quá phức tạp, không ai có thể đoán biết được các toan tính của ông Dũng, của phe đối thủ và của Trung Quốc như thế nào. Điều chắc chắn là thông tin nội bộ sẽ được bảo mật chặt chẽ hơn bao giờ hết. Có thể vì thế mà một số nhà báo có khả năng tiếp cận với những nguồn tin nội bộ đã bị cơ quan an ninh bắt khẩn cấp để bịt miệng và răn đe những người khác.

Thời gian chờ đợi kết quả thắng hay bại của ông Dũng có thể kéo dài. Nếu phe bảo thủ thắng thì số phận nước Việt Nam sẽ hoàn toàn mất vào tay Trung Quốc. Nếu ông Dũng thắng thì Việt Nam sẽ có cơ may thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc và mau chóng bắt kịp được Hàn Quốc hay Đài Loan. Trong khi chờ đợi, trí thức và nhân dân vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống Trung Quốc xâm lược, gia tăng công cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền. Những nỗ lực tranh đấu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc càng cần thiết ngay cả khi ông Dũng đã vô hiệu hóa được các đối thủ của ông. Rút kinh nghiệm đối với các lãnh đạo độc tài trên thế giới, có gì đảm bảo là ông Dũng sẽ không trở lại chế độ độc tài sau khi đã củng cố được quyền lực?

Không ai mong muốn điều bất hạnh cho dân tộc nhưng đề phòng tai họa vẫn luôn luôn cần thiết.

Bây giờ thì hãy cầu Trời khấn Phật cho ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành một Gorbachev Việt Nam.

California, 18 tháng Sáu, 2013

L.X.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn