Thứ trưởng Việt và phiên toà Đức, nan đề hội nhập chính trường

TS Nguyễn Sỹ Phương – CHLB Đức

Cách 3 tháng trước, trang mạng Liên hiệp người Việt ở Đức đăng bài “Buổi gặp gỡ giao lưu của ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và  BCH Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức” có đoạn: “Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã động viên, khuyến khích mọi người tham dự buổi gặp mặt phát biểu ý kiến thẳng thắn, nêu rõ nguyên nhân và những người đã gây ra sự bất ổn cho cộng đồng để cùng nhau tháo gỡ… Tất cả các Uỷ viên BCH đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết và cụ thể về những nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong suốt năm qua. Bà Trịnh Thị Mùi, Chủ tịch “Hội đồng thành viên” của Liên hiệp đã luôn cản trở các hoạt động của BCH, gây rối, làm mất đoàn kết trong nội bộ và cộng đồng. Cơ sở khởi nguồn từ cấu trúc bất hợp lý trong Điều lệ Liên hiệp đó là việc thành lập ra “Hội đồng thành viên”. …Thứ trưởng chỉ  công nhận BCH mới có vai trò lãnh đạo Liên hiệp. Liên hiệp cần tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho hợp lý…”.

Bản tin vừa đưa lên mạng lập tức dấy lên một làn sóng bức xúc, bất bình sôi sục cộng đồng. Chỉ trong vòng 10 ngày, bài “thư ngỏ gửi Chủ tịch Liên hiệp” của Mạnh Thái lên tiếng phản đối, đăng trên trang mạng nguoiviet.de, đã có ngót 200 bình luận. Bởi Liên hiệp đã vi phạm Điều §9 Hiến pháp Đức: “(1) Tất cả người Đức có quyền thành lập hội đoàn. (2) Cấm những hiệp hội mà tôn chỉ mục đích, hoặc hoạt động vi phạm luật hình sự hoặc chống lại nền tảng của một xã hội dân chủ hoặc chia rẽ, chống lại sự giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm, giai tầng, dân tộc”. Điều khoản này có 3 điểm quan trọng: 1- Hiệp hội sinh ra để đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, chứ không phải tạo phe nhóm chống nhau, hay chống bất cứ cá nhân nào. 2- Chỉ áp dụng cho người Đức tức quyền công dân, không phải quyền con người áp dụng cho cả  người nước ngoài sống ở Đức. Lẽ dĩ nhiên, người nước ngoài không vì thế bị cấm lập hội, mà chỉ có nghĩa vị thế pháp lý hội đoàn họ khác người Đức ở chỗ, người Đức có quyền buộc nhà nước tạo mọi điều kiện luật định để thực hiện quyền đó, nếu không họ sẽ viện tới toà án chế tài cơ quan nhà nước liên quan, còn người nước ngoài thì không. 3- Những hiệp hội bị cấm không chỉ do sai tôn chỉ mục đích thường được thể hiện ở Điều lệ mà chính bởi những hoạt động hàng ngày vi phạm luật hình sự, như tụ tập, hội họp, ra nghị quyết, tuyên truyền gây thiệt hại cho nạn nhân, vu khống, lăng mạ, bài xích, kích động, chia rẽ…  Đầu năm nay, Toà án Hành chính ở Kassel, Đức, với án số 8 C 2134/11 đã cấm hiệp hội Hell Angels MC Charter Westend hoạt động. Trước nữa, tháng 12.2012, Hiệp hội HNG bị cấm, kháng kiện phúc thẩm lên toà án Hành chính Liên bang cũng bị y án.

BCH Liên hiệp trong buổi gặp gỡ này quy chiếu theo Điều §9 Hiến Pháp Đức cho thấy: 1- Buổi gặp gỡ là một hoạt động của Liên hiệp; Liên hiệp phải chịu trách nhiệm. 2- Hội đoàn Đức không được phép tham gia chính trị, nhưng Liên hiệp đã vi phạm, “cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết và cụ thể về những nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong suốt năm qua”, cho Thứ trưởng “để cùng nhau tháo gỡ”. 3- Cuộc họp lại nhằm vào cá nhân, “tìm kiếm những người gây ra bất ổn cho cộng đồng”. Hội đoàn sinh ra để làm công việc thiện, chứ không phải để nhắm vào cá nhân con người. Ngay biểu tình dù rất tự do ở Đức nhưng sẽ bị giải tán, phạt hình sự người tổ chức, nếu hô khẩu hiệu hay mang biểu ngữ có tên cá nhân để chống họ, bất kể họ là ai. Chưa nói, nếu có gây bất ổn cộng đồng thật, thì đó là chức năng hiến định của cảnh sát Đức phải giải quyết, không liên quan tới bất kỳ hiệp hội nào, hay nhà chức trách nước ngoài nào. 4- BCH cũng như HĐTV do đại hội bầu không liên quan gì tới nhà nước nào cả, nhưng lại ra tuyên bố chỉ BCH mới được Thứ trưởng Việt Nam công nhận có vai trò lãnh đạo, loại bỏ chức năng tương đương của Hội đồng thành viên vốn được luật Đức thừa nhận. 5- Với danh nghĩa Liên hiệp, cùng hình thức tổ chức cuộc họp BCH, ra thông báo, kèm những câu vu khống, xúc phạm cá nhân trên phương tiện truyền thông, ảnh hưởng tới uy tín và nghề nghiệp của họ; rõ ràng tổ chức liên hiệp trong trường hợp cụ thể này đã được dùng làm phương tiện chống lại cá nhân, vi phạm luật hình sự, trực tiếp vi phạm mục (2) điều §9 Hiến pháp Đức, bị cấm hoạt động.

Một xã hội thượng tôn pháp luật, tự nó sẽ vận hành một khi pháp luật bị vi phạm. Để chấm dứt ngay hành vi phạm pháp trên, bảo vệ nhân phẩm của mình, bà Trịnh Thị Mùi viện ngay tới luật sư đệ đơn lên toà án điạ phương Amtsgericht Lichtenberg, Berlin, Đức, “Yêu cầu toà ra án quyết khẩn cấp, chiểu theo Điều §§ 935 ff., 91 Luật ZPO, cấm lập tức Liên hiệp, đại diện bởi ông Nguyễn Văn Thoại Chủ tịch và ông Vũ Quốc Nam Phó Chủ tịch, đăng tải trên trang web Liên hiệp 2 câu liên quan tới bà Trịnh Thị Mùi. Nếu tái phạm, sẽ bị phạt tiền tới 250.000 Euro hoặc phạt tù 6 tháng”.

Theo luật định về án quyết khẩn cấp, toà phải thụ lý ngay, lên lịch xét xử. Chỉ sau 15 phút, toà kết thúc với án quyết số 3 C 1004/13, nội dung: “Bên nguyên thông báo, bài viết vi phạm bị phản đối đã được gỡ bỏ. Bên bị cam kết, bài viết về gặp mặt giữa ông Nguyễn Thanh Sơn và BCH sẽ không đưa lên truyền thông nữa, nhất là trên trang mạng của Liên hiệp”.

Hệ quả dẫn tới một án quyết Đức ghi cả tên Thứ trưởng Việt Nam có một không hai trong lịch sử ngoại giao này, bắt nguồn từ mô hình hội đoàn giữa 2 nước Việt Nam và Đức vốn khác nhau về bản chất, nguyên lý vận hành, xuất phát từ 2 hình thái kinh tế xã hội đối lập nhau giữa các nước TBCN và XHCN trước đây. Ở các nước TBCN,  hội đoàn thuộc phạm trù xã hội dân sự, hay xã hội công dân, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “politiké koinonia”, sau này chuyển ngữ sang tiếng Latinh “societas civilis”, được hiểu là tập hợp các công dân tự do. Lý luận về xã hội dân sự mô phỏng xã hội loài người như một vòng tròn chưá 3 vòng tròn ngoại tiếp nhau, gồm vòng tròn nhà nước hoạt động bằng quyền lực, vòng tròn thị trường trao đổi kinh tế, vòng tròn gia đình trao đổi tình cảm, riêng tư. Khoảng không gian giữa 3 vòng tròn đó chính là xã hội dân sự, nơi hoạt động bất vụ lợi của các hội đoàn, tổ chức, phong trào, biểu tình, bàn tròn, diễn đàn… Mấy triệu người Việt Nam sống  khắp thế giới hiện nay, khởi đầu đa số đều “chân ướt chân ráo”, thâm chí thân cô, thế cùng, có khi đánh cược bằng cả sinh mạng, được nước họ cưu mang đùm bọc, mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cảm ơn trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, chính nhờ vai trò nền tảng xã hội dân sự họ tác động lên chính quyền. Bởi chính quyền sinh ra không phải để  nuôi công dân nước khác, mà vì lòng nhân của công dân nước họ buộc nhà nước họ phải làm. Ở Đức bao trường hợp chính quyền trục xuất về Việt Nam đúng luật vẫn buộc phải đón trở lại nhờ sức mạnh đấu tranh của các hội đoàn, phong trào Đức, như phong trào “Bàn tròn Thu Nga” năm 2004 với trường hợp học sinh Thu Nga 14 tuổi, hay Hiệp hội ủng hộ tỵ nạn với trường hợp cả gia đình ông bà Nguyễn năm 2011.

Mô hình hội đoàn ở ta tương tự Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, là “một bộ phận trong hệ thống chính trị xã hội”, “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, do nhà nước bao cấp lương và kinh phí, được tổ chức và vận hành theo cấp chính quyền từ trung ương tới đị phương.

Ngược lại, mô hình hội đoàn Đức, luật quy định, chỉ cần tối thiểu 7 người là được phép thành lập một hội đoàn, hoàn toàn độc lập với chính quyền và mọi tổ chức xã hội khác, nơi khác, tự quy định tôn chỉ mục đích, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, gọi là điều lệ đóng vai trò nền tảng như hiến pháp; tự bầu cử BCH và các hội đồng, ban bệ; tự lo tài chính kinh phí; hoạt động không được phép trả thù lao; nếu đăng ký ở toà án thì có tư cách pháp nhân nghĩa là Chủ tịch phải chịu trách nhiệm pháp lý, còn không thì tất cả hội viên phải cùng chịu chung. Ở Đức hiện có 280.000 hội đoàn khác nhau có đăng ký, thu hút 60% của trên 80 triệu dân số Đức. Liên hiệp người Việt ở Đức được thành lập năm 2011 theo đúng mô hình trên, thu hút 172 đại biểu cả cá nhân lẫn hội đoàn, trong đó có đại diện 72 hội đoàn, trên tổng số chừng 100 hội đoàn toàn Liên bang. Bản dự thảo điều lệ tham khảo từ 5 Liên hiệp người nước ngoài lớn nhất ở Đức, bổ sung, sửa chữa sau khi tiếp nhận 33 ý kiến đóng góp.

Tuy nhiên, do thiếu kiến thức hoà nhập về mô hình hội đoàn và đảng phái ở Đức, khi Liên hiệp bước vào hoạt động, Chủ tịch cùng Phó Chủ tịch thường trực vốn trên dưới nửa đời người học, làm việc trong nước và Đông Đức, điều hành Liên hiệp hoạt động theo mô hình XHCN như một quán tính, ra văn bản khẳng định Chủ tịch là cấp trên của BCH và Liên hiệp, sai với mô hình hội đoàn Đức không được phép và không thể phân cấp bậc hành chính trong hội đoàn vốn mang tính tự nguyện, ai tâm huyết thì tham gia không thì thôi, chẳng ai lệnh được cho ai, mà chỉ theo nghị quyết, thoả thuận. Đảng phái cũng vậy, chỉ khác hội đoàn ở chỗ hoạt động trên lĩnh vực chính trị. Số lượng người trong các hội đoàn hay đảng phái ở Đức so với Việt Nam nói chung không nhiều, đảng FDP do Rösler gốc Việt làm chủ tịch, tham gia chấp chính, hiện chưa tới 60.000 đảng viên so với ở ta 3 triệu. Bỏ đảng này tham gia đảng khác là bình thường, kể cả chủ tịch ảng cũng vậy. Với quan niệm mình là cấp trên, Chủ tịch cùng Phó Chủ tịch thường trực khi đăng ký ở toà án đã tự ý sửa biên bản đại hội lẫn điều lệ theo ý mình, biến Liên hiệp trở thành liên kết các cá nhân, phá vỡ hoàn toàn mô hình kỳ vọng của cộng đồng mong muốn liên kết các hội đoàn đị phương trong một mái nhà Liên hiệp. HĐTV có chức năng đại diện hội thành viên và giám sát BCH can thiệp không được đành phải viện tới toà, hiện đang chờ phán quyết. Hậu qu, Liên hiệp nay chỉ còn hơn 90 hội viên cá nhân, không có thẻ hội thành viên, thuộc loại nhỏ nhất các hội đoàn người Việt ở Đức. Nội bộ bất ổn, Chủ tịch đọc báo cáo trước Đại hội công khai chia cộng đồng thành 2 loại ủng hộ và chống phá Liên hiệp (ở Đức là một khái niệm hình sự phải có hậu quả thiệt hại), chụp mũ bất cứ ai chỉ trích mình đều là chống phá Liên hiệp, bất chấp điều lệ mà quy định loại bỏ họ kể cả thành viên BCH, vô hiệu hoá HĐTV. Ông đã bị HĐTV đề nghị Đại hội miễn nhiệm Chủ tịch.

Buổi gặp gỡ Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã bị viện tới toà giải quyết là hệ quả pháp lý không thể tránh khỏi khi không chỉ Liên hiệp mà cả Thứ trưởng cũng áp dụng mô hình hội đoàn XHCN vào quốc gia TBCN: 1- Với tư cách Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, theo mô hình hội đoàn trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn coi sự sống còn của Liên hiệp thuộc trách nhiệm của mình, nên đã can thiệp với hình thức dưới báo cáo trên chỉ đạo “tháo gỡ”, trong khi Hội đoàn ở Đức độc lập, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng pháp lý với bất kỳ cơ quan công quyền nào, không nhà chức trách nào được phép can thiệp. 2- Với trách nhiệm trước công dân nước mình, Thứ trưởng yêu cầu BCH “nêu rõ  nguyên nhân và những người đã gây ra sự bất ổn cho cộng đồng”. Nhưng nếu có bất ổn thật thì đó là công việc quốc gia Đức, thứ trưởng chỉ có thể can thiệp cho công dân nước mình qua con đường ngoại giao, chưa nói cộng đồng người Việt có tới 1/5 có quốc tịch Đức. 3- Điều lệ do hội viên đề xuất và đại hội biểu quyết theo ý chí hội viên họ, nhưng Thứ trưởng chỉ đạo, tức theo ý mình, “Liên hiệp cần tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho hợp lý…” 4- Với tư cách chính quyền, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn quyết định chỉ công nhận BCH “mới có vai trò lãnh đạo Liên hiệp”, trong khi theo luật Đức các cơ quan Liên hiệp do điều lệ họ quy định, không cấp nhà nước nào được phép thừa nhận hay không.

Không chỉ hội đoàn, biểu tình cũng thuộc xã hội dân sự, thể hiện ý thức tự nhiên của con người trước đồng loại, hoàn toàn bất vụ lợi, được xã hội hiện đại coi là một quyền cơ bản thiêng liêng, được các quốc gia tiến bộ khuyến khích, bảo đảm, cho dù chống lại nhân sự hay chính sách nhà nước họ ban hành; hiến pháp nước ta cũng ghi nhận quyền đó. Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước, trên nghị trường quốc gia, được truyền thông cho cả thế giới biết, công khai miệt thị điều thế giới trân trọng: “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh“. Nay tới lượt Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đánh giá biểu tình ở Mỹ sai lệch cả lý thuyết lẫn thực tế về xã hội dân sự – mà bất cứ ai đã từng 1 lần biểu tình ở bất cứ nước nào đều có thể nhận ra – đụng chạm tới quyền thiêng liêng bất vụ lợi của người biểu tình, khi ông trả lời báo chí thế giới: “Có những người chỉ vì đồng tiền, có những người chỉ vì nhu cầu cuộc sống, có những người chỉ vì có một chút thu nhập thêm mà tham gia”.  Ở họ, bất kỳ cuộc biểu tình nào nhằm kiếm thu nhập, nghĩa là vụ lợi, đều bị pháp luật cấm, nên tuyệt không thể xảy ra như Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu, mà không hề hấn gì! Khác với chiến tranh, chính biến, cách mạng bạo lực, biểu tình chống nhà nước họ hay nhà nước khác không đồng nhất với nhà nước đó hoàn toàn xấu, hay phải lật đổ, mà chỉ là sự biểu thị thái độ, chính kiến đối với những chính sách, nhân sự nhà nước đó mà họ quan tâm. Thái độ của nhà nước đối với biểu tình như thế nào phản ảnh nền tảng dân chủ tạo nên sức mạnh nhà nước đó!

Thứ trưởng Việt Nam có tên trong án quyết Đức, phát ngôn bị truyền thông thế giới phản ứng là một thực tế sống động cho các chính khách, quan chức Việt Nam tham khảo, nếu muốn dẫn dắt nước mình “sánh vai các cường quốc năm châu”; khi tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu ngày càng tăng tốc, toàn diện và đa chiều, đòi hỏi phải nắm vững không chỉ những nguyên lý, phạm trù phổ quát, mà quan trọng hơn là thực tế vận hành của xã hội, quốc gia họ, hiểu như chính mình đã sống trong đó; không thể lấy quan điểm cá nhân mình, hay rộng hơn mô hình quốc gia mình làm thước đo thế giới – đó chính là tiền đề của hội nhập.

07-08-2013

N.S.P.

Nguồn: basam.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn