Hãy trả lại sự bình thường cho người dân Việt Nam –Nhìn từ trường hợp của Nhật bản

Quốc Tư

(1) Hai cha con nhà Ishiharaimage

Ông Ishihara Shintaro(石原 慎太郎) năm nay 80 tuổi, là đồng chủ tịch Hội (đảng) Duy Tân Nhật bản (Japan Restoration Party)

Ông Ishihara Nobuteru, năm nay 56 tuổi, con ruột của ông Ishihara Shintaro, là đại biểu Hạ nghị viện Nhật bản thuộc đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ (LDP) cũng là Bộ trưởng Bộ Môi trường hiện nay.

image

Ishihara Nobuteru

Người cha vốn là một nhà văn nổi tiếng, từng là đại biểu quốc hội của đảng Tự Do Dân Chủ (LDP), hai lần làm bộ trưởng, sau đó đắc cử chức thị trưởng thành phố Tokyo, tiếp tục vị trí nầy trong hơn 3 nhiệm kỳ (1999 - 2012). Đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ thứ tư, ông gia nhập đảng Duy Tân Nhật bản và trở thành đồng chủ tịch đảng này

Đảng Duy Tân Nhật bản chủ trương tăng quyền cho các chính quyền địa phương, dân bầu trực tiếp thủ tướng, bãi bỏ thượng viện, áp dụng chính sách chấm dứt việc dựa vào phát điện hạt nhân, cải cách giáo dục, v.v. Đảng nầy mới được thành lập vào tháng 9 năm 2012, khởi đầu hoạt động với sự tham gia của 13 đại biểu quốc hội đã rời bỏ các đảng LDP, đảng Dân chủ Nhật bản, đảng Minna no To (Đảng của mọi người)... Trong cuộc bầu cử hạ viện tháng 12 năm ngoái, đảng này giành được 54 ghế, trở thành đảng lớn thứ ba trong quốc hội Nhật bản, chỉ kém đảng Dân chủ là đảng cầm quyền trước khi bầu cử ba ghế.

Người con (Ishihara Nobuteru) từng là Tổng thư ký đảng LDP, mấy lần giữ chức bộ trưởng, nay là Bộ trưởng Bộ Môi trường, kiêm Bộ trưởng đặc nhiệm Văn phòng phủ Thủ tướng.

Không thấy ai nói người cha phản đảng cũ khi ông tham gia lập đảng mới như đã nói ở trên hay phản bội dân tộc hoặc “suy thoái đạo đức lối sống” (!) cả. Đảng LDP mà người con là đảng viên (một đảng khác với đảng của người cha) là đảng đang cầm quyền, cũng không thấy nói đảng mình là duy nhất, phê phán người cha vô ơn, hay hăm dọa người con “đời mi tàn rồi, vì có bố phản đảng, theo thế lực thù địch” (!).

Ngược lại, trong cuộc đời hoạt động của mình, ông Ishihara Shintaro, dù là một chính trị [gia] bộc trực, có lối ăn nói ngang tàng, công khai dùng các ngôn từ miệt thị Trung Quốc, vẫn được người dân Tokyo bỏ phiếu tín nhiệm vào chức Đô trưởng 4 nhiệm kỳ (12 năm) liền. Điều này xem ra có vẻ lạ lùng, nhưng rất bình thường ở nước Nhật. Người dân Nhật không hề nơm nớp sợ là hai cha con nhà Ishihara bán nước, làm tay sai cho giặc hay suy thoái đạo đức.

(2) Bà Koike Yuriko (小池 百合子)

image

Bà Koike Yuriko, năm nay 61 tuổi, là đại biểu quốc hội thuộc đảng LDP

Tốt nghiệp đại học Cairo, Ai cập, bà trở thảnh nhà báo, sau đó thành người điểm tin của một đài truyền hình tư nhân. Khi ông Hosokawa, lúc bấy giờ là Tỉnh trưởng tỉnh Kumamoto ở miền Nam thuộc đảo Kyushu, đứng lên thành lập Nhật bản Tân Đảng (Nihon Shinto), bà tham gia và ứng cử đại biểu quốc hội. Khi ông Hosokawa làm Thủ tướng, bà được chọn làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Từ đó đến nay, bà đắc cử vào quốc hội 7 lần dưới danh nghĩa đảng viên của nhiều đảng khác nhau. Và bà đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nội các Nhật bản, kể cả chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Người ta đã đếm là bà đã bỏ đảng nầy sang đảng khác đến 5 lần nhưng không ai dám nói là bà không yêu nước Nhật hay suy thoái đạo đức.

Có nước nào dám trao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho một người không đáng tin cậy?

image

Con người của bà Koike chưa chắc đã hoàn hảo mọi mặt, nhưng bà và những người đã giao trọng trách cho bà đã cho thấy một điều bình thường là yêu nước là trên hết, không nhất thiết phải yêu thương, phải trung thành với một đảng chính trị nào đó khi thấy nó không còn hợp với quan điểm đóng góp tốt cho xã hội của mình. Việc rời đảng nầy sang đảng khác hoạt động nhằm đóng góp cho đất nước tốt hơn phải được xem là một sự việc bình thường ở đất nước này.

(3) Ông Okada Katsuya (岡田 克也)

image

 Ông Okada, năm nay 60 tuổi, là một người giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính trường Nhật. Cách đây khoảng 9 tháng ông còn là Phó thủ tướng thời nội các Noda.

Năm 36 tuổi, ông đắc cử vào quốc hội Nhật với tư cách người của đảng LDP. Năm 1993, khi các đảng đối lập đưa ra đề án bất tín nhiệm thủ tướng Miyazawa, bất mãn với tình trạng bè phái trong đảng LDP, ông đã bỏ phiếu tán thành đề xuất bất tín nhiệm thủ tướng của đảng mình. Tức là ông đã bỏ phiếu truất bỏ thủ tướng thuộc đảng LDP mà mình là đảng viên. Sau đó, ông cùng một số đại biểu quốc hội khác bỏ đảng LDP ra đi. Ông tham gia đảng Shinshin (New Frontier Party (Shinshin-to--新進党), đảng Shinsei (The Japan Renewal Party - 新生党), và rồi đảng Dân chủ Nhật bản. Đến nay, ông Okada đã bỏ đảng nầy tham gia đảng khác 4 lần.

Và khi đảng Dân chủ Nhật bản thắng cử, lên cầm quyền năm 2009, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng như bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc vụ khanh, phó thủ tướng... Về mặt đảng, ông từng giữ chức khi thì Chủ tịch đảng (giai đoạn trước khi cầm quyền), khi thì Tổng thư ký đảng Dân Chủ (nhiệm kỳ thủ tướng Kan Naoto). Ông cũng là một trường hợp đặt việc nước trọng hơn việc đảng với quan điểm trung thành với Tổ quốc, và không bắt buộc phải trung thành với một đảng, phái nào cả. Trung thành với một đảng không thích hợp lại là bước cản trở cho sự nghiệp đóng góp cho đất nước.

Và còn nhiều trường hợp nữa. Thí dụ như trường hợp anh em nhà Hatoyama. Ông anh (Yukio) thuộc đảng Dân chủ Nhật bản, đã đổi đảng mấy lần, mà vẫn làm đến chức Thủ tướng. Ông em (Kunio) theo đảng Tự Do Dân chủ có lúc làm đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp...

Trên đây chỉ kể một số trường hợp thấy có sức hấp dẫn nhất định. Bỏ đảng nầy lập đảng mới hay tham gia đảng khác để có môi trường thực hiện suy nghĩ của mình cho xã hội là một sinh hoạt bình thường. Bình thường đến nỗi không mấy ai nhớ ông nầy, bà kia thay đổi đảng đã mấy lần.

Các đảng có công kích nhau không? Có và công kích, phê phán nhau rất dữ dội. Công kích ở các lần bầu cử, trong quốc hội, trong nghị trường địa phương, trên dư luận thông tin, TV, báo chí... Công kích phê phán, giám sát và kiềm chế tiêu cực của chính phủ đương nhiệm về các chính sách quốc phòng, kinh tế, đối ngoại, bảo hiểm xã hội, tăng hay không tăng thuế... và cả trách nhiệm cá nhân khi phụ trách một chức vụ quan trọng trong nội các chính phủ .

Ở một xã hội đa đảng như Nhật bản, có tham nhũng không? Có và thỉnh thoảng lại xảy ra trong chính giới như vụ án ăn hối lộ trong thương vụ mua sắm máy bay Lockheed của thủ tướng Tanaka Kakuei nổi tiếng. Một vài cán bộ Việt Nam khi nghe những tin ấy thì lại như thấy mừng và nói “đa đảng như họ nhưng có tránh được đâu”. Có tham nhũng và có cả trường hợp tham nhũng lớn, nhưng không tràn lan, không là lỗi hệ thống. Nếu đối tượng là người của đảng cầm quyền, các nghị sĩ của những đảng đối lập sẽ tìm hết cách lên án, truy cứu bằng mọi cách để đưa vụ việc ra tòa án xét xử trong hệ thống tam quyền phân lập. Có nên chăng phải nghĩ ngược lại là ở một chế độ nhiều đảng như Nhật bản, các đảng cạnh tranh đưa ra các chinh sách tốt đẹp cho đất nước, cố gắng chứng tỏ mình trong sạch, tố cáo các vụ tham nhũng của các đảng khác; vậy mà tham nhũng vẫn còn xảy ra thì nói gì đến chế độ một đảng, một mình một cõi muốn làm gì thì làm?

Nền chính trị đa đảng của Nhật bản chưa phải là cái gì hoàn thiện, nhưng người dân Nhật bản đang có quyền và sử dụng quyền của mình để góp phần cải thiện, thay đổi tình thế với lá phiếu tín nhiệm trong bầu cử. Các đảng chính trị là một nơi, một tổ chức, một hội để người dân tự do chọn lựa và tham gia nhằm đóng góp làm tốt đẹp đất nước mình hơn. Không có đảng nào tự cho chỉ có mình là tuyệt đối thượng tôn, là ưu việt và chỉ có mình mới được nắm mọi quyền bính chính trị. Nếu có đảng nào lên tiếng nặng nhẹ, chê trách những người phê phán mình là suy thoái đạo đức, suy thoái trong cách sống thì trong lần bầu cử tới, chính bản thân đảng đó sẽ bị đẩy vào tình trạng suy thoái vì ít người bỏ phiếu tín nhiệm họ.

Từng cá nhân, từng nhóm hay tập họp môt số cá nhân như hội này, đảng kia là các tế bào của xã hội. Các tế bào ấy sinh ra và sẽ mất đi. Chỉ có xã hội, chỉ có đất nước là trường tồn.

Sự bình thường là cao quí. Sống bình thường, cố gắng đóng góp sức lực và ý kiến của mình cho đất nước phát triển, mọi người có cuộc sống vật chất và văn hóa tốt đẹp, cùng nhau bảo vệ Tổ Quốc là điều đáng trân trọng và cũng là nghĩa vụ của người dân đối với đất nước.

Khả năng sống bình thường của người Việt Nam rất lớn. Từ xưa, khả năng và trình độ tiếp thu văn minh nhân loại của người Việt Nam không có chỗ để nghi ngờ. Không thể nhân danh chủ nghĩa này, học thuyết nọ để đe dọa hay giết chết sự bình thường.

Trong đời thường, khi một người làm một điều gì tốt, rất tốt, thí dụ cứu sống được một người, được người đó cám ơn, người bình thường phải khiêm tốn thoái từ lời cảm ơn và giữ thái độ khiêm cung với mọi người. Có ai nói “tao cứu được mầy, mầy phải mang ơn tao suốt đời, tao bảo gì mầy cũng phải làm”?

Lịch sử rồi sẽ phán xét công và tội của đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ một đề nghị: hãy trả lại sự bình thường cho người dân Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi "cái" mà ông Lê Duẩn của đảng Cộng sản Việt Nam gọi là kẻ thù truyền kiếp đang muốn nuốt tươi đất nước Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận và tất cả những người thuộc mọi lứa tuổi đã đưa ra ý kiến và hành động tích cực để đòi lại sự bình thường cho xã hội Việt Nam.

Tokyo 3/9/2013

Q.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn