Thử lý giải những sai sót để đời của Nhà biên soạn từ điển - GS Nguyễn Lân

Hoàng Tuấn Công

Kỳ 2: Thiếu kiến thức cơ sở ngôn ngữ học

clip_image002

GS Nguyễn Lân - Nhà biên soạn từ điển, Học giả nổi tiếng Việt Nam, tác giả và đồng tác giả của 10 cuốn từ điển tiếng Việt và từ điển song ngữ. Sao có thể nói “thiếu kiến thức cơ sở ngôn ngữ học”? Nhận xét này quả là hồ đồ!

Kiến thức cơ sở ngôn ngữ học được hiểu là nền tảng kiến thức, những hiểu biết cơ bản nhất về bộ môn khoa học này.

Nền tảng có vững thì những công trình xây dựng trên đó mới vững. Vậy, chúng ta hãy xem GS Nguyễn Lân đã nắm vững hoặc hiểu biết thấu đáo những thuật ngữ, khái niệm, thuộc tính của ngôn ngữ, thành ngữ, tục ngữ hay GS lẫn lộn giữa cái nọ với cái kia, sai lầm này đẻ sai lầm khác ?

- Không phân biệt được cụm từ (đơn thuần), ngữ danh từ, thuật ngữ, quán ngữ với thành ngữ:

Trong một số bài trước đây, chúng tôi đã nói đến vấn đề nhận diện thành ngữ, tục ngữ của GS Nguyễn Lân. GS không phân biệt được cụm từ, ngữ danh từ, quán ngữ với thành ngữ, chưa phân biệt được tục ngữ với ca dao. Có bạn đọc gửi ý kiến phản hồi, đề nghị chúng tôi xem lại, bởi cho rằng có sự nhầm lẫn nào đó chăng? Thú thực, ban đầu chúng tôi cũng không tin GS Nguyễn Lân - người làm từ điển thành ngữ, tục ngữ lại đến mức chưa đủ kiến thức nhập môn về thành ngữ. Có lẽ nguyên nhân nào đó khiến “đội quân” ngữ danh từ, quán ngữ, thuật ngữ đã "trà trộn" vào từ điển thành ngữ, tục ngữ của GS. Nhưng muốn biện hộ cho GS mà chẳng xong! Bởi những "ngụy” thành ngữ này được chính GS Nguyễn Lân tuyển chọn, "biên chế" vào hàng ngũ hẳn hoi. Khi rải rác, lúc dày đặc, từ A đến Y, vần nào cũng thấy có mặt "chúng", lại được GS giải thích "như ai”. Thậm chí GS còn cho chúng có cả nghĩa đen, nghĩa bóng (!) Sau khi xuất bản (1989), “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” còn có hàng chục lần tái bản (kể cả khi GS Nguyễn Lân còn sống). Nếu là sai sót về mặt cơ học (như khâu chế bản) những “ngụy thành ngữ” này phải được loại bỏ. Vậy cái sai này hoàn toàn không phải do sơ suất. Dường như nguyên nhân của nó đã nằm ngay trong cách giải nghĩa từ “ngữ” của GS Nguyễn Lân: “Ngữ dt Thành ngữ nói tắt: Từ điển từ và ngữ Việt Nam”. Như vậy, đối với GS Nguyễn Lân, “ngữ” chỉ có một nghĩa duy nhất“thành ngữ”. Trong khi “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê) giải nghĩa: “ngữ d đơn vị ngữ pháp trung gian giữa từ và câu; ngữ danh từ; ngữ cố định; đồng nghĩa: cụm từ”.

Sau đây, mỗi mục chữ cái chúng tôi chỉ lấy ví dụ một vài trường hợp. Có mục, chúng tôi thống kê theo thực tế để thấy GS Nguyễn Lân đã xem những ngữ danh từ, cụm từ, quán ngữ “bình đẳng” với thành ngữ, tục ngữ chính hiệu như thế nào. (Phần in nghiêng, nghiêng đậm là nguyên văn cụm từ của GS Nguyễn Lân, Hoàng Tuấn Công cắt phần giải thích để đỡ dài dòng): Anh em cọc chèo, Ăn cắp ăn nảy, Bay lả bay la, Bi ba bi bô; Cách mạng xanh; Chạy đua vũ trang; Chiến tranh cân não; Chiến tranh chớp nhoáng; Chiến tranh lạnh; Chiến tranh tâm lý; Da bánh mật; Da bọc xương; Đấu vòng tròn; Ẽo à ẽo ẹt; Ê a ề à; Gầm ghè gầm gừ; Hả lòng hả dạ;Hí ha hí hoáy; Hơi đâu mà; Ì à ì ạch; Khủng bố trắng; Khăn chữ nhất; Khăn đầu rìu; Khăn mỏ quạ; Khăn quàng đỏ; Khăn vành dây; Không chán mắt; Không chê được; Không tài gì; Không thể nào; Lãnh sự tài phán; Lễ lại mặt; Mất công toi; Mới đấy mà đã; Nói chuyện gẫu, Nói gì thì nói, Phát canh thu tô;Quan phụ mẫu; Quân trang quân dụng; Rất chi là; Rinh tùng rinh; Rắc rối to; Râu quai nón; Rất chi là; Sát sàn sạt; Sóng bạc đầu; Tái xanh mặt; Tân giai nhân; Tân lang; Tuổi dậy thì; Thi đua hai tốt; Ú a ú ớ; Ù tay trên; Ừ à ừ ào; Ưỡn à ưỡn ẹo; Vị thành niên, Xa lắc xa lơ; Xanh hoa lý; Y như nhau, Y như rằng; Ý trung nhân;...

Trong hàng trăm “ngụy” thành ngữ trên, có vài ba câu có thể “cải tạo” để chúng trở thành thành ngữ thực thụ. Nhưng với điều kiện phải thêm, bớt từ và giải thích theo hướng khác. Ví dụ: “Bi ba bi bô” vốn được GS Nguyễn Lân giải nghĩa là“nói tiếng trẻ em mới tập nói hoặc người lớn mới học một ngoại ngữ”, chỉ được xem là một cụm từ láy. Nếu sửa lại: Bi bô như trẻ học nói hoặc Bi bô như trẻ lên ba, và giải nghĩa: Ám chỉ người nói ngọng hoặc đang cố gắng phát âm một ngoại ngữ, ta có một đơn vị có thể gọi là thành ngữ. Bởi Bi bô như trẻ học nói cũng là cụm từ, nhưng bản thân nó đã đưa ra một nhận xét, một so sánh bằng liên từ “như” rất đặc trưng của thành ngữ. Hoặc “In như nhau” GS giải thích “Nói hai vật hoặc hai người hết sức giống nhau”. Nếu sửa lại: Giống như in, Giống như đúc, Giống như hai giọt nước và giữ nguyên cách giải thích của GS, ta cũng có một đơn vị có thể gọi là thành ngữ. Hoặc như câu “Tân giai nhân” GS Nguyễn Lân giải thích “Nghĩa đen: Người con gái đẹp - Chỉ cô dâu mới về nhà chồng”, đây mới chỉ là một ngữ danh từ. Nếu sửa thành Bẽn lẽn như tân giai nhân hoặc Như tân giai nhân, (thành ngữ: Như gái mới về nhà chồng) và giải thích: Nói ai đó giao tiếp rụt rè, không được tự nhiên, thì danh từ đơn thuần sẽ trở thành cụm từ đặc biệt, có thể gọi là thành ngữ. Còn lại, đối với một số ngữ danh từ như: “Quân trang quân dụng tức quần áo và đồ dùng của quân đội", “Đấu vòng tròn nói cuộc thi đấu thể thao đấu lần lượt với mọi đấu thủ”, “Thi đua hai tốt Khẩu hiệu do Hồ Chủ tịch đưa ra để yêu cầu thầy giáo học tốt và học sinh học tốt” (đúng ra phải là thầy giáo dạy tốt chứ ?) hoặc quán ngữ: Nói gì thì nói, Rắc rối to...Từ láy: Ú a, ú ớ; Ì à ì ạch, thì chỉ có phép “thần thông quảng đại” mới có thể biến chúng thành “thành ngữ” như GS đã làm.

Trong“Lời nói đầu” sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân cho biết: “Chúng tôi chỉ chọn những thành ngữ có 3 từ trở lên và coi những thành ngữ có hai từ là những từ ghép”. Cách đưa ra tiêu chí này có vấn đề. Cách diễn đạt của Nhà biên soạn từ điển cũng không ổn. Bởi nếu đã là thành ngữ thì hai, ba hay bốn hoặc năm từ nó vẫn là thành ngữ và ngược lại. Trong thực tế, không hề có loại thành ngữ chỉ có hai từ. Bởi vậy, không cần đưa ra tiêu chí để loại bỏ chúng. Viết như vậy khác nào đưa ra tiêu chí phân biệt cuốn sách với tờ giấy và nói rằng: “Những cuốn sách chỉ có một trang chúng tôi sẽ không xem là một cuốn sách mà xem là một tờ giấy" (!). Giới hạn “cẩn thận” là vậy, nhưng rốt cuộc trong sách từ điển của GS vẫn có một đơn vị “thành ngữ” chỉ có hai từ, đó là “Tân lang” với lời giải thích của GS “chàng trai mới, chỉ chú rể mới”.

- Không phân biệt tục ngữ với ca dao:

Cũng như thành ngữ với tục ngữ; tục ngữ và cao dao có không ít câu khó phân biệt rạch ròi. Tuy nhiên xét về hình thứcnội dung của mỗi thể loại, cơ bản chúng ta vẫn nhận diện được. Ví như: Tục ngữ thường là một câu ngắn gọn; Ca dao thường có hình thức lục bát; Tục ngữ là tri thức, kinh nghiệm, tư duy về cuộc sống, sản xuất, thế giới tự nhiên... Ca dao thiên về tình cảm, tính chất trữ tình... Ca dao có thể dùng để hát, để ru...Tục ngữ không ru, không hát được. Một số câu tục ngữ có hình thức lục bát nhưng nội dung là tục ngữ thì phải xem là tục ngữ (Ví dụ: Én bay thấp mưa ngập bờ ao, Én bay cao mưa rào lại tạnh). Tuy nhiên, những câu mà cả hình thức lẫn nội dung đều thuần ca dao, không có lý do gì lại xếp vào tục ngữ, thành ngữ như GS Nguyễn Lân đã làm. Ví dụ:

“Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi,

Ngó không thấy mẹ ngùi ngùi nhớ thương”

Hoặc:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”

- Không phân biệt thành ngữ, tục ngữ với câu đố.

Câu đố là sự thách đố đơn thuần về lý trí. Cách cấu tạo câu đố là khai thác đặc điểm nào đó của sự vật, nhân cách hóa nó, chơi chữ, thành ra mập mờ, kỳ lạ, khiến người ta khó hiểu, phải phán đoán thế này thế kia. Cuối cùng khi nghe giảng giải mới vỡ lẽ: hiện tượng, sự vật ấy ở ngay trước mắt mà không biết. Dùng câu đố làm tục ngữ, hoặc dùng tục ngữ làm câu đố là chuyện rất khó bởi chúng là hai thể loại khác nhau, mục đích khác nhau. Vì không hiểu đặc trưng của câu đố nên GS Nguyễn Lân mới "tuyển chúng" vào làm tục ngữ (phần gạch đầu dòng là của GS Nguyễn Lân):

- Con đóng khố, bố cởi truồng Tả cảnh nghèo khổ của nhân dân trong chế độ cũ.

Thực ra đây là câu đố về cây măng và cây tre

-Đào chẳng thấy, lấy chẳng được Tức là: Sâu kín quá, không sao phát hiện được.

Thực ra đây là câu đố về mặt trăng in bóng dưới ao.

-Con lành con ở cùng bà, váng mình sốt mẩy con ra ngoài đồng Nói lên cái ích kỷ nhẫn tâm của bọn địa chủ thời xưa đối với người làm trong nhà.

Thực tế, đây là câu đố về quá trình cất giữ, ngâm ủ và đem gieo của hạt giống lúa.

Đến nhận diện tục ngữ, thành ngữ, ca dao, câu đố còn lúng túng, việc giải thích thành ngữ, tục ngữ sai tràn lan của GS Nguyễn Lân là điều dễ hiểu. Nguyên nhân của sai lầm trên là gì, nếu không phải là thiếu hiểu biết cơ bản về thành ngữ, tục ngữ dân gian ?

- Về một số khái niệm, thuật ngữ nói chung:

Trong sách “Muốn đúng chính tả” (NXB Văn Hóa Thông Tin-2010), GS Nguyễn Lân lẫn lộn cái nọ với cái kia. Ví dụ, GS viết: “Một số tiếng Hán Việt bắt đầu từ tr khi đã Việt Nam hóa mà đọc chạnh đi thì lại thành những tiếng bắt đầu bằng ch”. Hoặc “Những tiếng Kinh bắt đầu từ vần tr thì tiếng Mường bắt đầu bằng cl” (tr.8) Rồi: “Đa số tiếng Hán Việt bắt đầu bằng d thì trong tiếng Trung Hoa (tiếng Bắc phương) bắt đầu bằng âm i hoặc âm u” (tr.10) Ở đây, GS nhầm lẫn giữa “từ” (đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất), “âm” (đơn vị ngữ âm nhỏ nhất) với “tiếng” (ngôn ngữ của một dân tộc hoặc giọng nói của một địa phương). Thực tế, hoàn toàn không có cái gọi là “tiếng Hán Việt” trừ khi người Việt có cách dùng từ, ngữ pháp y hệt như người Hán (hiện đại), chỉ khác phát âm theo cách của người Việt. Ví dụ, vốn nói: Đồ đạc của tôi, nay nói: Ngã đích đông tây. Hoặc vốn nói: Vợ (của) anh, lại nói: Nhĩ lão bà; Đàn ca tài tử lại nói Tài tử đàn xướng, v.v...

Tiếng Trung Hoa là ngôn ngữ của người Trung Hoa. Giống như tiếng Anh, tiếng Pháp vậy. Nếu ý GS muốn biểu đạt “tiếng” ở đây nghĩa là cách phát âm, giọng chuẩn của người Trung Quốc thì phải viết là tiếng Bắc Kinh chứ không phải là “tiếng Trung Hoa”. Mặc dù GS đã mở ngoặc là “tiếng Bắc phương”, nhưng “Bắc phương” ở đây là nhìn từ Việt Nam hay nhìn từ Trung Quốc? Nếu nhìn từ Trung Quốc thì “Bắc phương” (phía Bắc) Trung Quốc biết bao dân tộc, lấy đâu làm chuẩn?

Thuật ngữ, khái niệm của Nhà biên soạn từ điển mà nôm na, thiếu chính xác như vậy, việc giải nghĩa từ vựng theo kiểu “đoán chừng” của GS cũng là điều dễ hiểu (Xin xem lại Kỳ 1-Phương pháp luận)

Trong sách "Tôi yêu tiếng Việt" (Dẫn theo “Một số trở ngại trong thống nhất chính tả của chúng ta”- GS. NGND Nguyễn Lân - Tạp Chí Tác Phẩm Mới - NXB Văn Học/2013) GS Nguyễn Lân cũng không phân biệt được thế nào là phát âm sai, phát âm lẫn lộn, thế nào là tiếng, giọng (phương ngữ, thổ âm, thổ ngữ) của các vùng miền. Ví dụ GS Nguyễn Lân nhận xét: "Ở miền Nam, một số đồng bào, nhất là ở thôn quê:

-Lẫn phụ âm vd, nên đi nói là đi , vái lạy nói là dái lạy...

-Lẫn khuôn âm iên với khuôn âm iêng, nên có người tên đáng lẽ viết là Liên lại viết là Liêng.

-Ở Nghệ Tĩnh, nhiều người lẫn lộn dấu ngã (~) và dấu (.), như đọc Hà Tĩnh thành Hà Tịnh" (Dẫn theo “Một số trở ngại trong thống nhất chính tả của chúng ta”).

Theo GS Nguyễn Lân, sự “lẫn lộn” đó là những nguyên nhân khiến người ta viết sai chính tả. Tuy nhiên, trong thực tế, tuy phát âm là Hà Tịnh nhưng người xứ Nghệ vẫn viết là Hà Tĩnh, chứ không phải Hà Tịnh như GS lầm nghĩ. Hơn nữa, nếu coi đây là sự lẫn lộn thì cả miền Nam lẫn lộn chứ không riêng gì Hà Tĩnh. Ai cũng biết đó là bản sắc ngôn ngữ, tiếng địa phương, thổ âm, thổ ngữ của vùng miền. (GS Nguyễn Lân có mấy cuốn sách dạy viết đúng chính tả và luôn kêu gọi phải viết đúng chính tả. Nhưng chính GS lại là người viết sai chính tả bậc nhất. Chúng tôi sẽ có riêng một kỳ thử lý giải về vấn đề này).

Tất cả những hiểu biết trên đây đều thuộc dạng nhập môn của ngôn ngữ nói chung và thành ngữ, tục ngữ nói riêng. Độc giả đọc loạt bài của Hoàng Tuấn Công chắc sẽ nhận thấy một số ý trùng lặp. Điều này chúng tôi đã lý giải ở kỳ trước. Ví như kiến thức, hiểu biết thấu đáo sẽ giúp soạn giả tìm ra phương pháp luận. Và phương pháp luận đúng đắn sẽ giúp soạn giả sử dụng hiệu quả kiến thức, hiểu biết. Phương pháp luận cũng chính là kiến thức. Bởi vậy, phương pháp luận và kiến thức tuy hai mà một, có mối quan hệ khăng khít với nhau. Sai sót để đời của GS Nguyễn Lân do nhiều nguyên nhân. Cái nọ liên quan đến cái kia. Sự phân loại của chúng tôi chỉ mang tính chất tương đối để bạn đọc tiện theo dõi.

Nguồn:bolapquechoa.blogspot.com

Kỳ 3: Lỗ hổng kiến thức Hán Nôm

clip_image004

“Học giả hoặc nhà văn, dù đã quá cố, vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã viết" (Học giả An Chi)

Trong "Đôi lời tâm sự thay lời tựa" của "Từ điển từ và ngữ Việt Nam", GS Nguyễn Lân viết: "Gần đây, tôi nhận thấy trong các sách báo và cả trên đài tiếng nói Việt Nam, đồng bào dùng sai nhiều từ, nhất là những từ Hán-Việt (...) Để tránh sai lầm khá phổ biến trong việc dùng các từ Hán-Việt, tôi đã chú ý giải thích các từ nguyên". Thế nhưng, "vì sự trong sáng của tiếng Việt" mà chỉ có lòng nhiệt tình thì chưa đủ. Lỗ hổng lớn về kiến thức Hán Nôm đã khiến GS Nguyễn Lân không thể thực hiện ý tưởng tốt đẹp và hết sức ý nghĩa đó (1) Ngược lại, cái gọi là "giải thích các từ nguyên" của GS đã trở thành một trong những phần việc sai sót nghiêm trọng nhất của "Từ điển từ và ngữ Việt Nam".

Vậy lỗ hổng kiến thức Hán Nôm của GS Nguyễn Lân lớn tới mức nào?

Xin bạn đọc cùng chúng tôi điểm lại một vài dạng sai sót phổ biến nhất của GS Nguyễn Lân trong giải nghĩa từ Hán Việt. Mỗi loại chúng tôi chỉ lấy dăm ba ví dụ để minh chứng. (Nếu không sẽ dài tới cả trăm trang). Phần in đậm, nghiêng đậm và nghiêng trong ngoặc kép là của GS Nguyễn Lân; phần gạch đầu dòng là trao đổi của Hoàng Tuấn Công:

1. Sai do không phân biệt được từ đồng âm, dị tự, dị nghĩa, (tức từ cùng âm đọc, nhưng khác tự dạng và khác nghĩa).

“Hàn mặc dt (hàn: lạnh, nghèo khổ; mặc: mực-Nghĩa đen là bút mực) Văn chương (cũ)”.

- Ở đây, GS Nguyễn Lân lầm giữa hai chữ "hàn". Chữ hàn trong "hàn mặc" tự dạng là (翰) có nhiều nghĩa; một nghĩa là lông cánh chim (cấu tạo chữ có bộ vũ 羽 chỉ nghĩa lông chim). Vì ngày xưa dùng lông cánh chim làm bút viết chữ nên hàn (翰) còn có là nghĩa cái bút. "Hàn mặc" (翰墨) là bút mực, nên nghĩa bóng mới được hiểu là văn chương (như chính GS Nguyễn Lân đã giảng). Còn chữ hàn với nghĩa lạnh, nghèo khổ, tự dạng là (寒), có bộ băng (冫) chỉ nước đóng băng; lạnh; nghè; run sợ..., không liên quan gì đến kết hợp từ "hàn mặc" nghĩa bóng là văn chương. Nếu GS dùng hàn (寒) nghĩa là "lạnh"; "nghèo khổ" trong kết hợp từ "hàn mặc" ("寒墨") thì nghĩa của nó phải hiểu là "bút lạnh" hoặc "bút nghèo khổ" (!), sao có thể giảng là "văn chương"  ?

“Âm vị (âm: tiếng; vị: nói) Đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có tác dụng phân biệt ý nghĩa của từ”.

- Ở đây, "vị" có nghĩa là đơn vị, tự dạng là (位) chứ không phải tự dạng vị ()"nói". Chính GS Nguyễn Lân đã giảng “âm vị”đơn vị ngữ âm nhỏ nhất...” thì "vị" (位) phải là "đơn vị", sao lại "vị" () lại  nghĩa là nói ?

“Chuyên đề (đề: đưa ra)”

- Cùng âm đọc là đề, nhưng chữ "đề" trong chuyên đề có bộ hiệt (頁) tự dạng là (題) với nghĩa đề mục, luận đề. Còn chữ đề nghĩa là “đưa ra” có bộ thủ (扌) tự dạng là (提) không liên quan gì đến "chuyên đề" (專題).

“Cốt cách (cốt: xương; cách: cách thức)”

Ở đây“cốt” (骨) là xương“cách”(骼) cũng có nghĩa là xương. Chữ “cách” mà GS nhầm lẫn có tự dạng là 格 (bộ mộc), được dùng trong cách thức, khác với chữ cách 骼 (bộ cốt), dùng trong "cốt cách" (骨骼).

"Đèn huỳnh quang (Huỳnh: đom đóm; quang: ánh sáng)"

Không hiểu GS học chữ Hán thế nào mà nhầm lẫn tai hại đến vậy? Chữ “huỳnh” (煌) trong "huỳnh quang" là cách đọc chệch của chữ hoàng do kiêng húy (chúa Nguyễn Hoàng) nghĩa là sáng sủa, sáng rực (ví dụ như huy hoàng 輝 煌). Chữ "huỳnh" (hoàng 煌) do bộ hỏa (火) ghi nghĩa, thường dùng để cấu tạo những chữ chỉ ánh sáng, lửa, nhiệt... Còn chữ "huỳnh" (hoàng) với nghĩa con đom đóm lại có tự dạng là 螢 (có bộ trùng 虫 ghi nghĩa, thường dùng cấu tạo những chữ chỉ các loài côn trùng...) Nếu người học chữ Hán đến nơi đến chốn phải nắm được quy tắc cấu tạo chữ Hán chứ? Hơn nữa, không ai dùng con đom đóm để chỉ loại đèn sáng trưng như "đèn huỳnh quang", thưa GS!

"Bắc thần (bắc: phương bắc; thần: tinh thần) Ngôi sao sáng nhất trong chùm sao tiểu hùng tinh, giúp người ta xác định hướng chính bắc".

Chữ thần (辰) ở đây chỉ chung mặt trời, trăng, sao; khi đọc là thìn lại có nghĩa là rồng - chi thứ năm trong thập nhị chi. Còn chữ thần trong tinh thần có tự dạng là (), không liên quan gì đến bắc thần (北辰). Đã mang tiếng là người "có chữ", lại đứng ra biên soạn từ điển chuyên về "từ và ngữ Hán Việt" sao có thể phạm sai sót sơ đẳng như vậy, thưa GS?

Và còn nhiều, nhiều nữa những sai sót kiểu này của GS Nguyễn Lân...

Ông bà ta xưa có câu "Chữ tác () đánh chữ tộ (), chữ ngộ () thành chữ quá ()" chế giễu sự nhầm lẫn của học trò, chữ nghĩa không đến nơi đến chốn. Của đáng tội! Đó là những chữ khá giống nhau. Rất dễ nhầm! (Không ít những bản văn khắc Hán Nôm nhầm kiểu này). Tuy nhiên, những chữ GS Nguyễn Lân "nhầm" lại khác nhau một trời một vực về tự dạng. Ví như hàn 寒 (lạnh) với hàn 翰 (bút lông); vị 位 (đơn vị) với vị 謂 (nói). Chúng khác nhau như so con trâu với con ngựa vậy. Đâu có như tác () với tộ (), ngộ () với quá ()? Thế mà vẫn sai, vẫn nhầm! Vì sao nên nông nỗi ấy? Điều này không khó lý giải! Chính là do Nhà biên soạn từ điển đi giảng nghĩa “nghĩa từ nguyên" Hán Việt nhưng lại không biết "mày ngang mũi dọc" của chữ Hán đó ra sao. Vì không biết mặt chữ nên lắp ghép sai, "râu ông nọ cắm hàm bà kia" là điều hoàn toàn dễ hiểu.

2. Sai do từ đồng âm, đồng tự, nhưng đa nghĩa (cùng một từ, một tự dạng, một âm đọc nhưng mang nhiều nghĩa khác nhau):

“Hàn gia dt (hàn: lạnh; gia: nhà) Nói nhà nghèo khó một cách khiêm tốn”.

“Hàn sĩ dt (hàn: lạnh; sĩ: học trò) Người học trò nghèo”.

Chữ "hàn" (寒) có một số nghĩa như: lạnh; rét; nghèo khổ; run sợ... Phải tuỳ văn cảnh, kết hợp từ mà chọn nghĩa nào. Ví dụ "Hàn" trong “Hàn gia" , “Hàn sĩ" phải chọn nghĩa là nghèo khổ. Còn "hàn"(寒) trong hàn ôn, hàn đới, hàn phong lại có nghĩa là: rét, lạnh. Hàn (寒) trong hàn tâm (lòng run sợ) lại phải chọn nghĩa là run sợ. Thế nhưng cả “Hàn gia" và “Hàn sĩ" , “Hàn mặc" GS Nguyễn Lân đều cho chúng "xài" chung một chữ “hàn" nghĩa là “lạnh" (!)

“Chức vị (vị: đơn vị) Đơn vị phù hợp với chức vụ”.

Mặc dù có cùng tự dạng, cùng đọc là "vị" (位), nhưng kết hợp từ “chức vị” không phải phép tính hay số đếm, nên không thể chọn nghĩa là “đơn vị”. "Hán Việt tự điển" của Thiều Chửu giải nghĩa chữ “vị” trong “chức vị” là: “Ngôi, cái chỗ ngồi của mình được ở gọi là vị, như địa vị (地位), tước vị (爵位), v.v”.

“Chung thân (chung: trọn vẹn; thân: thân mình) Suốt đời”.

- Chữ “thân” (身) có nhiều nghĩa như: thân mình, bản thân; gốc cây; tuổi; đời... Ở đây, “thân” không phải là “thân mình mà là đời. “Chung thân" hết đời, như “tiền thân 前身 đời trước” (Hán Việt tự điển -Thiều Chửu).

“Âm sắc (âm: tiếng; sắc: màu) Tính chất khác nhau giữa hai âm cùng độ cao và độ to hơn: Âm sắc của hai nhạc cụ khác nhau.

Không đúng! “sắc” đây nghĩa là sắc thái, tính chất chứ không phải là “màu”, cho dù hai nghĩa đều xuất phát từ chữ sắc có cùng tự dạng là (色).

“Anh hùng nhất khoảnh (khoảnh: thời gian ngắn) Nói người tự cho mình là hơn cả mọi người trong một thời gian: Ở bến xe có tên lưu manh tự mình cho là anh hùng nhất khoảnh”.

Chữ “khoảnh” trong câu thành ngữ gốc Hán này tự dạng là (頃), có nhiều nghĩa: khoảng ruộng 100 mẫu; thoáng chốc, khoảnh khắc... Ở đây, khoảnh (nghĩa đen = khoảng rộng100 mẫu) được hiểu là một vùng, một địa phận, khu vực (chỉ không gian) chứ không phải khoảnh khắc (chỉ thời gian) như GS lầm tưởng. Thành ngữ nói kẻ chỉ (dám) xưng hùng, xưng bá, làm mưa làm gió trong một khu vực nhất định. Cái “bến xe” mà tên lưu manh tự xưng anh hùng trong câu dẫn chứng của GS chính là“nhất khoảnh” (chỉ không gian) đâu phải phải thời gian?

Kiểu sai do đồng âm, đồng tự, đa nghĩa mà chúng tôi vừa nêu do kiến thức, hiểu biết lỗ mỗ, lơ mơ về chữ nghĩa của Nhà biên soạn từ điển. Ví như đối với chữ “hàn” GS Nguyễn Lân chỉ biết được nghĩa phổ thông là "lạnh". Bởi vậy, từ “hàn mặc" dù GS hiểu nghĩa bóng là “văn chương", nhưng khi giảng nghĩa “từ nguyên", lại đem nghĩa phổ thông nhất của chữ “hàn"“lạnh" ra mà ghán ghép. Thế rồi những hàn mặc, hàn gia, hàn sĩ, hàn nho, hàn đới, hàn thử biểu, với GS Nguyễn Lân, tất cả những chữ âm đọc là “hàn” ấy đều chỉ có một nghĩa duy nhất là rét, lạnh (!). Tương tự đối với các trường hợp như “âm sắc” Chữ “sắc" này là sắc thái, tính chất (của âm thanh). Nhưng vì “sắc" với nghĩa “sắc màu" thông dụng hơn, vốn đã sẵn trong đầu nên GS không ngần ngại đặt bút “giải thích từ nguyên" biến chữ "sắc"sắc thái, tính chất, thành sắc là "sắc màu". Hay, chữ “khoảnh" trong “anh hùng nhất khoảnh" có nghĩa là một khu vực, một lãnh địa. Thế nhưng với GS Nguyễn Lân, “khoảnh" với nghĩa khoảnh khắc, dường như thông dụng hơn nên chọn ngay "nghĩa từ nguyên" của “khoảnh"" thời gian ngắn"  rồi xuyên tạc câu thành ngữ Hán Việt trên thành: “nói người tự cho mình là hơn cả mọi người trong một thời gian" v.v...

Chúng tôi tưởng chỉ với mấy ví dụ trên đây, bạn đọc (đặc biệt là những người đã được học, hoặc tự học có chút kiến thức Hán Nôm) cũng đã tự mình hình dung, đánh giá lỗ hổng kiến thức Hán Nôm của GS Nguyễn Lân lớn tới mức nào. Tuy nhiên, trước khi đi đến kết luận, chúng tôi xin làm thêm vài trắc nghiệm nhỏ. Tức xem trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân hiểu và giải thích như thế nào một số từ, ngữ liên quan đến Hán học:

- Hán văn là gì ?

GS Nguyễn Lân giải thích: "Hán văn dt (Hán: chữ Hán; văn: văn chương) Văn chương chữ Hán: một học giả đi sâu vào kho tàng Hán văn".

Cách hiểu trên của GS gần như không được dùng trong tiếng Việt. Chúng ta có thể tạm chấp nhận “văn”“văn chương” theo cách hiểu của GS Nguyễn Lân. Tuy nhiên, với điều kiện từ điển của GS phải thu nhận thêm một chữ văn nữa với nghĩa là văn tự. Và "Hán văn" được hiểu là (thể) văn Hán cổ, Văn ngôn (văn viết) phân biệt với Hán ngữ hiện đại, tức tiếng Phổ thông Trung Quốc, văn Bạch thoại (một số người quen gọi là Trung văn). "Hán văn" bao gồm văn tự Hán cổ (chữ, nghĩa, văn phạm...) trước tác bằng Hán văn (văn, sử, triết, thiên văn, địa lý, y học...) chứ không phải (chính là, chỉ là) những tác phẩm "văn chương chữ Hán". Nếu “Hán văn” chỉ là “văn chương chữ Hán”, GS Nguyễn Lân giải thích như thế nào hai chữ “hán văn" trong các sách học chữ Hán đã từng được phát hành từ trước năm 1975 và hiện đã và đang được in lại, phát hành rộng rãi như: "Hán văn giáo khoa thư" (Võ Như Nguyện, Nguyễn Hồng Giao) "Hán văn" (Trần Trọng San) "Tự học Hán văn" (Nguyễn Khuê)... và môn học Hán văn ở một số khoa Văn, Sử,...ở nhiều trường Đại học nước ta?

Với từ “hán văn" chúng tôi xin trích hai cách giải thích để bạn đọc so sánh: 1.”Hán văn: chữ Hán, chữ Trung Quốc (nói chung) Học Hán văn. Bài “Cáo bình Ngô" là một tác phẩm viết bằng Hán văn" (Từ điển học sinh - Chủ biên: Nguyễn Lương Ngọc-Lê Khả Kế - NXB Giáo dục 1971); 2. “Hán văn: văn tự Trung Quốc" (Hán Việt từ điển-Đào Duy Anh).

- Hán học là gì ?

GS Nguyễn Lân giải thích: Hán học dt (Hán: chữ Hán; học: sự học) Học thuật Trung Quốc thời xưa. Một học giả đã đi sâu vào Hán học".

"Hán" ở đây không phải là "chữ Hán" mà là nền học thuật Trung Hoa cổ đại thể hiện và lưu giữ qua các tác phẩm, văn bản Hán cổ; "học" không phải “sự học" mà là sự nghiên cứu khoa học về nền học thuật đó. Bởi vậy, "Hán học" không phải là “học thuật Trung Quốc thời xưa" mà là ngành khoa học nghiên cứu về nó. Từ thời nhà Thanh, Hán học đã rất thịnh hành. Ngày nay, Hán học còn được gọi là Trung Quốc học, phạm vi nghiên cứu rộng hơn nhiều. Có thể ví dụ thế này cho dễ hiểu: Nếu có một bộ môn nghiên cứu hệ thống về Nhà biên soạn từ điển - GS Nguyễn Lân, gọi là “Nguyễn Lân học” - đó là khoa học nghiên cứu về GS Nguyễn Lân, chứ không phải chính GS Nguyễn Lân.

Từ nguyên là gì?

GS Nguyễn Lân giải thích: "Từ nguyên dt (từ: từng từ; nguyên: nguồn) Nguồn gốc của từ".

Giải nghĩa đại ý không sai. Nhưng giải nghĩa từ tố không chính xác. “Từ" ở đây không phải là “từng từ" mà là chữnghĩa của từ. “Nguyên" không phải là “nguồn" mà là nguồn gốc, ngọn nguồn. Hơn nữa, cái mà GS Nguyễn Lân gọi là “giải thích các từ nguyên" trong "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" thực chất là giải nghĩa từ Hán Việt, không phải từ nguyên ? Ví dụ: “Yên cư lạc nghiệp (Hán: cư: ở; lạc: vui; nghiệp: nghề nghiệp)", hay “Học cụ (học: học, cụ: đồ dùng)”. Tất cả nghĩa của từ đang rành rành ra đó. Có gì là “từ nguyên” (nguồn gốc, nghĩa gốc và quá trình phát triển, biến đổi nghĩa của từ) đâu? Chỉ khi nào GS Nguyễn Lân giải thích được tại sao từ ấy lại có nghĩa như vậy, nghĩa ban đầu của nó là gì, khi ấy mới gọi là “giải thích từ nguyên". "Từ nguyên" là nguồn gốc của từ ngữ kia mà ? Ngay tại xứ sở cội nguồn của chữ Hán (bên Tàu) không phải từ nào cũng tìm được nghĩa “từ nguyên”. Ý tưởng giải thích từ nguyên tất cả từ Hán Việt của GS là không tưởng. Và nếu việc giải nghĩa gần 100% các từ Hán Việt trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” đúng là “giải thích các từ nguyên”, chắc chắn GS Nguyễn Lân xứng đáng với tên gọi một “Nhà” nữa, đó là: “Nhà từ nguyên học Nguyễn Lân”!

Nói đến “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, chính là nói đến hai cuốn từ điển khác cùng tác giả: “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (cùng xuất bản lần đầu năm 1989). Gần như toàn bộ nội dung và những sai sót của hai cuốn từ điển này được GS Nguyễn Lân "bê" nguyên sang, cộng thêm một lượng từ, ngữ biên soạn mới, làm nên "đại từ điển" “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” đồ sộ, hơn hai ngàn trang, với 51.700 từ và ngữ (2) Trong loạt bài "Những sai lầm mang tính hệ thống trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” bạn đọc và chúng tôi đã từng phát hiện thấy GS Nguyễn Lân không hề biết trong Hán tự có chữ “đoài" (兌) - một quẻ trong Bát quái, chỉ hướng Tây (Xin xem lại Dĩ hư truyền hư kỳ 4). Thế nên GS Nguyễn Lân mới khẳng định như đinh đóng cột rằng trong câu “Làm trai cho đáng nên trai, Đánh đông, đông tĩnh đánh đoài, đoài tan" thì “đoàitừ địa phương có nghĩa là phía tây" (!) Hay từ "tải" trong câu "Thiên tải nhất thì" nghĩa gốc là "chở", lại được GS giảng “nghĩa đen là chở đi".

Nhà biên soạn "Từ điển từ và ngữ Hán Việt", "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" mà không biết trong Hán tự có chữ “đoài”, không phân biệt được nghĩa gốc với nghĩa đen khác nhau thế nào. Lại đánh đồng chữ thần (神) trong tinh thần với chữ thần (辰) trong Bắc thần; chữ hàn (翰) trong “hàn mặc” với chữ hàn (寒) trong “hàn sĩ”, không phân biệt được chữ tọa (坐) là ngồi với chữ tọa (座) là chỗ ngồi khác nhau thế nào,v.v... Người ấy nên được đánh giá, nhìn nhận ra sao về trình độ Hán Nôm?

Căn cứ những sai sót nghiêm trọng, có hệ thống về giải nghĩa từ Hán Việt trong cuốn từ điển "3 in 1": "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân, chúng tôi không sợ mang tiếng chủ quan mà đi đến kết luận rằng: Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân có trình độ Hán Nôm rất hạn chế. Kiến thức của GS nông cạn, lỗ mỗ tựa người không được học (kể cả tự học) Hán Nôm đến nơi đến chốn. Thậm chí có thể nói là chưa qua bước nhập môn. Điều này có vẻ như là một kết luận gây “sốc”. Tuy nhiên, sự thật vẫn cứ phơi bày trong các sách từ điển của GS. Chúng tôi tin với bạn đọc đã được học chữ Hán trong nhà trường hoặc tự học Hán văn sẽ dễ dàng nhận ra điều này và đồng ý với chúng tôi. Tuy nhiên, kết luận của chúng tôi có thể khó hiểu đối với nhiều người. Bởi trong lời nói đầu “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, (cũng như phần tiểu sử), GS Nguyễn Lân luôn nhắc lại thời gian 5 năm ở Học xá Trung ương - Trung Quốc. Một người học ở Trung Quốc với thời gian dài như vậy lẽ nào không biết chữ Hán? Điều này không khó lý giải. Bởi theo chúng tôi, thứ ngôn ngữ mà GS Nguyễn Lân được tiếp xúc là ngôn ngữ Bạch thoại (Hán ngữ hiện đại), rất khác Hán cổ. Ngay cả người Tàu có trình độ Đại học, nếu không được học Hán cổ, khi xem Luận ngữ, dù miệng đọc vanh vách nhưng chẳng hiểu sách nói gì. Ấy là chưa nói đến nhiều trường hợp người Việt Nam sinh sống, làm việc bên Tàu, giao tiếp làu làu như người bản địa, nhưng không hề biết chữ. Cũng có người đọc được một số chữ Hán giản thể. Nhưng bất chợt bảo cầm bút viết lại, hay giải nghĩa từ, ngữ Hán Việt thì đành chịu cứng! Hán ngữ hiện đại đã khác Hán cổ. Nếu so với cách dùng từ Hán Việt trong tiếng Việt lại càng có nhiều điểm khác. Thế nên, sự vận dụng những gì thu được từ Hán ngữ hiện đại vào nghiên cứu tiếng Việt rất nhiều hạn chế. Đối với người không nhớ mặt chữ Hán như GS Nguyễn Lân càng muôn phần khó khăn.

Ông bà ta xưa có câu “Dốt lại hay nói chữ”. Ấy mới chỉ là "nói chữ" thôi. Nếu phải viết chữ Hán thì dù cố tình giấu dốt cũng chẳng xong. Ví như câu chuyện về ông Thầy cúng nọ ít chữ. Gia chủ tên Tròn, nhưng Thầy không nhớ chữ tròn (Nôm) viết ra sao, đành khoanh một đường tròn vào bài văn cúng để ghi nhớ. Có kẻ trong đám lễ biết được bèn chơi khăm, lấy bút nối thêm cái gạch vào một bên hình tròn. Đến khi lễ, Thầy quên bẵng, cứ xướng tên “Gáo” ra mà đọc. Gia chủ phản ứng. Thầy mới nhớ lại. Dù rất xấu hổ, nhưng Thầy bực mình gắt lên: “Thế thằng nào mới thêm cái chuôi vào đây?”. Câu chuyện Dốt lòi chuôi (hay Dốt có đuôi) người ta cho rằng bắt nguồn từ chuyện chữ nghĩa Hán Nôm mà ra.

Đã cố tình giấu dốt như ông Thầy cúng nọ mà cuối cùng vẫn bị "lòi đuôi" ra với chữ nghĩa. Huống chi, GS Nguyễn Lân không biết lượng sức mình, lấy "sở đoản" làm "sở trường", chủ quan, xem thường chữ nghĩa, việc phô bày kém dốt là điều không thể tránh khỏi.

Hán học là bể học vô bờ. Chẳng ai dám tự phụ khoe tài. Với các công trình từ điển, học thuật phức tạp, nhiều vị Hán học uyên thâm vẫn có thể mắc sai sót như thường. Tuy nhiên, đó là những sai sót khó tránh khỏi trong quá trình làm sách. Với một Nhà biên soạn từ điển đã dám cầm bút để làm “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (có giải nghĩa từ nguyên) mà trình độ kiến thức nông cạn, tra cứu sơ sài, cẩu thả, để lại những sai sót nghiêm trọng, đến mức “xuyên tạc” tiếng Việt như GS Nguyễn Lân là điều không thể chấp nhận.

Những sai sót “Hai năm rõ mười”, sai sót có hệ thống của GS Nguyễn Lân sẽ còn được người ta nhắc nhớ như một hiện tượng có một không hai trong lịch sử biên soạn từ điển tiếng Việt. Ít nhất là chừng nào, những cuốn từ điển chứa đựng vố số sai lầm mang tên GS Nguyễn Lân vẫn còn tiếp tục tái bản và hiện diện trên giá sách, khiến người sử dụng "Tiền mất tật mang".

Hoàng Tuấn Công

Chú thích:

(1) - Khái niệm “kiến thức Hán Nôm” ở đây chúng tôi “quy ước” là sự hiểu biết cơ bản về từ, ngữ Hán Việt trong tiếng Việt. Nghĩa là kiến thức tối thiểu người làm "Từ điển từ và ngữ Hán Việt” như GS Nguyễn Lân phải có. Phân biệt với kiến thức Hán học, hay trình độ Hán văn cao hơn, có thể đọc, dịch, nghiên cứu những văn bản Hán cổ, di sản văn hóa Trung Hoa và Việt Nam cổ đại nói chung.

(2) - Bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài: “Đọc lướt “Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của Nguyễn Lân" của An Chi; “Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt" của Lê Mạnh Chiến; "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân, mục chữ cái nào cũng có sai sót" của Hoàng Tuấn Công trên một số trang mạng.

Nguồn: bolapquechoa.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn