Máy bay Malaysia: Trung Quốc, kẻ nổi tiếng mờ ám lại đòi minh bạch

(AFP 18/03/2014) Trung Quốc đả kích Malaysia vì thiếu minh bạch sau vụ chuyến bay MH370 mất tích. Nhưng sự phẫn nộ của Bắc Kinh lại tương phản với chính thái độ mờ ám của họ về những thảm họa xảy ra ngay trên đất Trung Quốc.clip_image002

Công an tuần tra tại sân bay quốc tế Bắc Kinh sau khi chiếc máy bay Malaysia mất tích, ngày 13/03/2014.

Hôm thứ Hai 17/03/2014 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lạnh lùng yêu cầu người đồng nhiệm Malaysia phải cung cấp các thông tin đúng lúc, cụ thể và toàn bộ” về chiếc Boeing của Malaysia Airlines bị mất tích cách đây mười ngày với 239 người trong đó có 153 người Trung Quốc.

Từ một tuần qua, các phương tiện truyền thông Nhà nước liên tục đưa ra các bài xã luận dữ dội, đả kích chính quyền Malaysia là thiếu minh bạch; rồi đến việc loan báo chậm trễ sự kiện máy bay bị chuyển hướng một cách “có chủ ý”, khiến việc tìm kiếm quay sang hẳn một hướng khác.

Tuy vậy chính bản thân Trung Quốc lại khó đóng nổi vai trò minh bạch – như đã được chứng minh trong buổi họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao nước này hôm thứ Hai.

Trung Quốc có loại trừ khả năng chiếc máy bay đã bay vào không phận của mình hay không? Cuộc điều tra có chú ý đến các hành khách người Trung Quốc? Bắc Kinh chỉ tiến hành tìm kiếm trên biển hay còn cả trên đất liền? Và các khu vực như Tân Cương hay Tây Tạng có nằm trên đường bay dự đoán của chiếc phi cơ hay không?

Trước hàng loạt câu hỏi của báo chí ngoại quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi đã nhất định từ chối trả lời, chỉ nhắc lại là Bắc Kinh “hợp tác tích cực với Malaysia”.

Mãi cho đến hôm nay mới có một bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, loan báo rằng việc tìm kiếm trên lãnh thổ Trung Quốc “đã bắt đầu”, và không có yếu tố nào trong cuộc điều tra liên quan đến các hành khách Trung Quốc.

Nhưng lại một lần nữa Hoàng Huệ Khang, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia được dẫn lời trong bản tin, cũng không muốn đưa thêm nhiều chi tiết: “Sẽ không phù hợp nếu cuộc điều tra này được công khai”. Và trong cuộc họp báo mới ngày hôm nay, ông Hồng Lỗi tự bằng lòng với việc xác nhận thông báo sơ sài của Tân Hoa Xã, mà không cho biết chi tiết bổ sung nào.

Hẳn là chính quyền Trung Quốc hồi tuần rồi đã phổ biến các hình ảnh vệ tinh về những đồ vật phát hiện nổi lập lờ trên biển, nhưng không hề giải thích vì sao các tấm ảnh này đến ba ngày sau khi chụp mới được công bố.

Còn truyền thông Trung Quốc thì được yêu cầu đưa tin hoàn toàn theo Tân Hoa Xã – theo nguồn tin từ giới báo chí. Một sự kiểm soát mà Liên đoàn Nhà báo Quốc tế cho rằng “vô cùng đáng tiếc”.

Nhưng nếu thái độ này mâu thuẫn với những lời đả kích mãnh liệt về phía Malaysia, sự ngần ngại của Bắc Kinh trong việc tiết lộ những thông tin của chính mình không hề gây ngạc nhiên cho các chuyên gia. Sự kiện chiếc máy bay Malaysia mang tính chất địa chính trị nhạy cảm đối với các quốc gia trong khu vực.

James Brown, nhà phân tích quốc phòng của Lowy Institute for International Policy ở Sydney nhận định, các hoạt động tìm kiếm trong những ngày đầu tại Biển Đông đã gợi lên “một sự triển khai rộng rãi các phương tiện quân sự trong thời bình cho thấy tính chất nguy hiểm trong trường hợp xung đột. Mỗi bên “trong khi sục sạo hết sức chú tâm đến năng lực và hiệu quả của nước khác, trong khi thận trọng không phô ra những điểm yếu của mình”.

Trung Quốc nổi bật hơn hẳn mọi quốc gia khác về thái độ mập mờ trong những sự cố và thảm họa xảy ra trên nước mình. Bắc Kinh luôn tìm cách bóp nghẹt thông tin, tăng cường kiểm duyệt và gây áp lực lên truyền thông.

Sau trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, khi những trường học sụp đổ vùi chết hàng ngàn trẻ em, các nhà hoạt động đặt nghi vấn về chất lượng tồi tệ của các ngôi trường. Kết quả là các vụ bắt giữ và đánh đập các công dân quá tò mò.

Một xì-căng-đan khác ba năm sau đó: sau tai nạn xe lửa làm chết nhiều người ở Ôn Châu, cả một toa tàu đã bị vội vã chôn lấp tại chỗ với cái cớ “bảo vệ các bí mật công nghệ của đất nước.

Vào tháng 10/2013, báo chí được lệnh không được công cố các thông tin độc lập về vụ tấn công vào Thiên An Môn ở Bắc Kinh, cũng như vụ tấn công ở Vân Nam vào đầu tháng Ba với khoảng 170 người bị đâm.

Theo tổ chức phi chính phủ Human Rights in China có trụ sở tại Hoa Kỳ, Bắc Kinh “sử dụng một định nghĩa mơ hồ, phức tạp và hết sức rộng đối với khái niệm ‘bí mật Nhà nước’, để bịt miệng những tiếng nói ly khai hay chỉ trích, về chính trị, môi trường cũng như những chủ đề khác”.

Một tình trạng mà nhiều cư dân mạng Trung Quốc trong những ngày gần đây đã không ngần ngại kêu ca về thái độ nhát gan, trốn tránh trách nhiệm của báo chí chính thức. Một người trên mạng Vi Bác đã mỉa mai: Malaysia và Trung Quốc đã đơn giản chứng tỏ nạn quan liêu, vô trách nhiệm, khi đưa ra những thông tin không chính xác và thiếu mạch lạc”, trong khi báo chí Nhà nước “lập cập chạy theo sau truyền thông nước ngoài”.

Nguồn: FB Thụy My

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn