Bằng cách nào Tàu và Mỹ có thể tránh được một xung đột đầy thảm họa

Bằng cách khiêu khích các đồng minh của Mỹ, Bắc Kinh đang ép Mỹ phải lựa chọn giữa việc bỏ bạn bè của mình hoặc lâm chiến với Tàu. Cả hai đại cường đều tin rằng bên kia sẽ xuống nước. Nhưng rất có thể hai bên đều sai. Vậy thì, nước cờ khôn ngoan nhất của Mỹ là thay đổi trò chơi tại châu Á bằng cách san sẻ quyền lực nếu Tàu chịu ứng xử một cách có trách nhiệm.”

Hugh White, cộng tác viên xã luận của The Christian Science Monitor, ngày 18 tháng Sáu, 2014

Trần Ngọc Cư dịch

clip_image001

Canberra, Australia – Nhiều người thấy khó hiểu vì sao Tàu đang có những hành vi quá hiếu chiến liên quan đến các đòi hỏi chủ quyền của mình tại biển Hoa Đông và biển Hoa Nam [Biển Đông]. Các lãnh đạo Bắc Kinh hi vọng đạt được điều gì bằng cách gây phẫn nộ cho các nước láng giềng và phá hoại an ninh khu vực?

Thật ra, luận cứ của lãnh đạo Tàu khá đơn giản. Tàu có tham vọng nắm thêm nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn nữa tại châu Á so với những gì họ có được trong mấy thế kỷ trước đây. Và để cho Tàu có thêm quyền lực, thì Mỹ phải giảm bớt quyền lực của mình.

Họ biết rằng địa vị của Mỹ tại châu Á được xây dựng trên hệ thống liên minh và đối tác với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, gồm cả Nhật Bản, Philippines, và Việt Nam. Và họ tin tưởng rằng làm suy yếu các mối quan hệ này là cách dễ nhất để làm suy yếu quyền lực của Mỹ trong khu vực.

Họ còn biết rằng, bên dưới ngôn từ ngoại giao hoa mỹ, nền tảng của những liên minh và đối tác này là niềm tin tưởng của các nước bạn đối với Mỹ, rằng Mỹ có đủ khả năng và sẵn sàng che chở họ khỏi các áp lực của Tàu. Vì thế, cách dễ nhất để Bắc Kinh làm suy yếu quyền lực của Washington tại châu Á là phải phá hoại niềm tin tưởng này.

Bằng cách sử dụng áp lực vũ trang trực tiếp trong các cuộc tranh chấp này, Tàu làm cho các nước láng giềng mong ngóng hậu thuẫn quân sự của Mỹ hơn nữa, và đồng thời Tàu cũng làm cho Mỹ thiếu sốt sắng trong việc cung ứng hậu thuẫn này, vì có một nguy cơ rõ ràng về khả năng xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Tàu. Nói cách khác, bằng cách đối đầu với các nước bạn của Mỹ bằng vũ lực, Tàu đang buộc Mỹ phải đối diện với sự lựa chọn giữa việc bỏ bạn bè và chiến tranh với Tàu.

Bắc Kinh đang đánh cược rằng, trước lựa chọn nghiệt ngã này, Mỹ sẽ thối lui và để mặc đồng minh và bạn bè mình không nơi nương tựa. Tình trạng này sẽ làm suy yếu các liên minh và đối tác của Mỹ, làm xói mòn quyền lực Mỹ tại châu Á, và tăng cường quyền lực của Tàu.

Tàu sẽ tiếp tục tháu cáy Obama

Kể từ khi Tổng thống Obama công bố chiến lược “xoay trục” hướng về châu Á, Tàu liên tục thử nghiệm ý chí của Mỹ trong việc hậu thuẫn các đồng minh về các tranh chấp tại Bãi cạn Scarborough và Đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong thời gian trước chuyến thăm viếng châu Á vào tháng Tư, ông Obama hình như có xu thế rút lui từ các cam kết của Mỹ tại khu vực này, song những tuyên bố táo bạo của ông tại Tokyo và Manila cho thấy rằng ông đã lấy lại quyết tâm để giữ lập trường cứng rắn.

Hiện nay chúng ta có thể dự kiến Tàu sẽ thử nghiệm quyết tâm mới hồi phục này của Mỹ bằng cách sử dụng thêm áp lực. Và đấy là những gì Bắc Kinh đang làm trong vùng biển kế cận Việt Nam. Tàu đang tháu cáy Obama.

Dĩ nhiên, việc tháu cáy này mang theo nhiều rủi ro cho Tàu. Tàu không muốn chiến tranh với Mỹ, vì thế họ phải tin tưởng vào phán đoán của mình rằng Mỹ sẽ xuống nước trước và bỏ bạn bè của mình hơn là dấn thân vào một cuộc chiến với Tàu. Sự tin tưởng này phản ánh hai phán đoán then chốt của lãnh đạo Tàu.

Tại sao Tàu nghĩ rằng họ ở thế thượng phong

Một là, Tàu tin rằng các khả năng quân sự mới nhất của mình có thể từ chối Mỹ một chiến thắng dễ dàng trong một cuộc đụng độ tại các vùng biển Đông Á. Họ cũng biết rằng Mỹ không thể thắng trong các vùng biển ấy mà không cần phát động một chiến dịch rộng lớn nhắm vào lãnh thổ của Tàu. Những cuộc tấn công như thế rõ ràng sẽ đưa đến nguy cơ leo thang nghiêm trọng, và việc leo thang này có thể sẽ không dừng lại dưới ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Do đó, các lãnh đạo Tàu nghĩ là các lãnh đạo Mỹ hiểu rằng một cuộc chiến tranh với Tàu hiện nay là một cuộc chiến mà Mỹ không thể tin chắc nắm được phần thắng hoặc sẽ giới hạn được mức leo thang của nó.

Hai là, Bắc Kinh tin tưởng rằng Tàu có quyết tâm hơn Mỹ. Washington rõ ràng muốn duy trì vai trò lãnh đạo của mình tại châu Á, nhưng Bắc Kinh thậm chí có quyết tâm hơn trong việc giành lấy quyền lực cho mình bất chấp quyền lực của Mỹ. Điều này khiến lãnh đạo Tàu tin tưởng rằng lãnh đạo Mỹ sẽ không cho rằng Tàu sẽ xuống nước trước trong một cuộc khủng hoảng.

Một tính toán nguy hiểm

Rủi ro là, các chính trị gia tại Washington đồng thuận rằng Bắc Kinh thật sự không dám thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á vì Tàu không muốn nguy cơ đương đầu với Mỹ trong một cuộc chiến mà họ chắc chắn sẽ thua. Nếu nghĩ như vậy là đúng, thì cách ứng xử của Tàu là điên rồ. Nhưng tôi tin khá chắc là Tàu không điên như người Mỹ nghĩ đâu.

Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều liên tục tăng cường nỗ lực của mình trong cuộc cạnh tranh tại Đông Á, trong khi các khiêu khích của Tàu nhắm vào các nước bạn và đồng minh của Mỹ trở nên táo tợn hơn và các cam kết của Mỹ trong việc hậu thuẫn những nước này trở nên dứt khoát hơn. Cả hai bên đều tin rằng bên kia sẽ xuống nước để tránh một cuộc xung đột vũ trang. Nhưng có một khả năng rất lớn là cả hai bên đều tính sai.

Chia sẻ quyền lực để tránh đại họa

May thay, còn có một phương án lựa chọn khác: Mỹ và Tàu có thể tìm ra một cách để chia sẻ quyền lực tại châu Á. Điều này sẽ khó lòng cho cả hai bên, nhưng nó có thể diễn ra nếu cả hai bên đều nhận ra rằng họ không thể khống chế châu Á trong thế kình cựa nhau.

Hẳn nhiên, Mỹ chưa bao giờ làm điều này trước đây. Nhưng trước đây Mỹ cũng chưa bao giờ đương đầu với một nước vừa giàu vừa mạnh mà Tàu có khả năng trở thành nay mai. Bằng cách nào mà Mỹ khỏi phải chia sẻ quyền lực với Tàu nếu Mỹ muốn duy trì sự hiện diện của mình tại châu Á đồng thời tránh leo thang xung đột với nước đáng sợ này?

Như vậy, nước cờ hay nhất của Mỹ là thay đổi cuộc chơi tại châu Á, bằng cách tình nguyện chia sẻ quyền lực nếu Tàu chịu ứng xử một cách có trách nhiệm. Đề xuất và củng cố một quan hệ chia quyền như vậy đòi hỏi một tài năng chính trị xuất sắc từ các lãnh đạo Mỹ. Tàu sẽ phải chấp nhận một sự hiện diện mạnh mẽ liên tục của Mỹ tại châu Á và Tàu phải tuân theo những qui phạm cơ bản như không dùng vũ lực đối với các nước láng giềng. Và Mỹ sẽ phải coi Tàu như một cường quốc ngang hàng, tôn trọng các lợi ích mà Tàu quan niệm, và không còn giữ địa vị một lãnh đạo khu vực.

Chúng ta không thể biết chính xác việc Mỹ chia sẻ quyền lực với Tàu sẽ diễn ra như thế nào, quan hệ này sẽ có hiệu quả chính xác ra sao, hay thậm chí nó có thể mang lại kết quả gì không. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng phương án lựa chọn duy nhất còn lại sẽ đưa đến thảm họa.

H. W.

Hugh Whie là giáo sư môn nghiên cứu chiến lược tại Australian National University và là tác giả cuốn The China Choice: Why We Should Share Power [Phương án đối với Tàu: Lý do tại sao chúng ta phải chia sẻ quyền lực].

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn