MÙI... CỦA GIÁO DỤC

Nguyễn Trọng Bình


1. “... Con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá “thối nát” rồi (...). Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”. Phát biểu trên là của cậu bé Vũ Thạch Tường Minh - học sinh lớp 8 trường Hà Nội - Amsterdam trong ngày 12/8 tại một hội thảo (giới thiệu sách Văn và Tiếng Việt lớp 6) của nhóm Cánh Buồm ở Hà Nội. Với riêng tôi phát biểu này cũng chính là lời khẳng định về cái mùi... “thối” của nền giáo dục nước nhà hiện nay thực sự đã quá sức chịu đựng với những ai còn có lương tri. Là người Hà Nội nên cậu bé gọi là “thối”, còn tôi, xin gọi là “thúi” cho đúng với “chất” ngôn ngữ của dân miền Tây Nam bộ.

2. Thật ra, nếu ai đó quan tâm đến mối quan hệ giữa “văn chương và đời sống hiện thực” ở xã hội Việt Nam sẽ thấy cách nay trên dưới 35 năm, tức là vào khoảng tập niên 80 của thế kỷ trước, cái mùi “thúi” khủng khiếp này của nền giáo dục nước nhà đã được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cảnh báo trong một truyện ngắn nhan đề “Những người muôn năm cũ”. Ngay trong những dòng mở đầu của truyện ngắn này Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định bản chất của nền giáo dục nhà trường ở Việt Nam thời ấy cũng giống như một “gói thuốc đắng” bởi mục đích của nó chỉ đơn thuần là để “nhồi nhét” và “cấp cho người học một văn bằng tốt nghiệp”. Nguyễn Huy Thiệp viết:

“Tất cả nền giáo dục của chúng ta – Doanh nói – là nhằm làm sao chứng tỏ mọi sự có lý. Các chương trình hình học, các quy tắc vật lý, các bài học lịch sử … tất cả đều nhằm mục đích khiến cho người ta tưởng bở rằng mọi người đang sống trong một thế giới có trật tự tổ chức hoàn hảo. Tất cả đều láo khoét, vô lý! Thực ra toàn bộ thế giới được xây dựng trên sự ngẫu nhiên lộn xộn không có quy tắc nào cả. Con người vốn dĩ yếu đuối, họ tự phỉnh mình bằng những lập luận có lý để có ảo tưởng tự tin hòng sống qua kiếp người gian khó trầm luân.”

Tiếp theo thế hệ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, năm 2012, Phan An - một cây bút trẻ thế hệ 8X - thế hệ sinh ra, lớn lên và buộc phải “nuốt trọn gói thuốc đắng của nền giáo dục nhà trường”- một lần nữa khẳng định cái mùi “thúi” này trong một cuốn tiểu thuyết có tên gọi rất ngộ nghĩnh: “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt”. Bằng lối viết giễu nhại phóng túng và ngôn ngữ thời @, Phan An bảo rằng cái mùi “thúi” của cả hệ thống giáo dục quốc gia từ mẫu giáo cho đến đại học đang ngày một nồng nặc và vô cùng khó chịu.

Điểm lại một chút “lịch sử vấn đề” như trên để thấy, thật ra, cái mùi “thúi” của nền giáo dục nước nhà hôm nay vốn đã có mầm mống và bùng phát từ rất lâu rồi. Cho nên, giờ đây việc một cậu bé mới mười ba, mười bốn tuổi đầu (có lẽ vì không chịu nổi cái mùi “thúi” này) đã buộc phải lên tiếng trong một diễn đàn giáo dục mà xung quanh là những bậc “trưởng thượng” chẳng qua chỉ là chuyện “giọt nước tràn ly” mà thôi.

Nhìn bề ngoài, có thể ai đó sẽ cho rằng phát biểu của cậu bé là sự “ăn theo nói leo” người lớn chứ làm sao ở độ tuổi của em có thể nhận thức hết bản chất của vấn đề này. Thế nhưng, nếu xét ở phương diện khác - phương diện “vô thức tập thể” chẳng hạn - thì phải chăng phát biểu trên của cậu bé ít nhiều đã cho thấy xã hội Việt Nam có một sự bức bối, một nỗi khát khao về một cuộc cách mạng giáo dục thực sự của các thế hệ người Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay? Thử hỏi, một cậu bé đang tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” sao không “học theo nói leo” chuyện gì khác mà lại “học theo nói leo” chuyện mang tầm vĩ mô này? Hơn nữa, tại sao cậu bé kia đã nghe thấy cái mùi “thúi” bốc lên từ nền giáo dục nhưng có không ít người lớn hiện nay hoàn toàn không nghe thấy gì hết? Năm này qua tháng khác những người này cứ nói mãi về sự “tài tình, sáng suốt” trong lãnh, chỉ đạo; nói mãi về những “thành quả”, “thành tựu” vượt bậc của nền giáo dục nước nhà nói riêng và đất nước nói chung?

Cho nên, theo tôi phát biểu của cậu bé chính là lời cảnh báo cụ thể và rõ ràng nhất về sự mạt vận của nền giáo dục nước nhà nếu như “những người có trách nhiệm” không chịu làm “cách mạng” thực sự mà cứ tiếp tục “bài ca con cá” đổi mới căn bản và toàn diện rất lung tung, rối rắm và lộn xộn như hiện nay. Từ đây, như một lẽ tất yếu, nếu nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì xã hội và đất nước này phải chăng cũng đang sắp sửa đến cái hồi ấy? Vì giáo dục mà bốc mùi “thúi” như thế thì xã hội và đất nước làm sao có được mùi thơm?

Nếu vậy thì những người đã và đang nắm quyền “cai quản” nền giáo dục hiện nay rất nên thể hiện mình bằng cách lên tiếng xin lỗi và cảm ơn cậu bé này. Dĩ nhiên, nếu ông bà nào đó cho rằng nền giáo dục này chỉ toàn mùi thơm thì không cần phải làm việc này. Nhưng tôi đồ rằng, những ai cho rằng nền giáo dục này toàn một mùi thơm thì có lẽ “sợi dây thần kinh xấu hổ” của họ đã bị đứt mất rồi.

3. Chỉ vài hôm nữa là cả nước lại bước vào năm học mới, hàng triệu học sinh nước nhà chắc chắn rồi sẽ được nghe thư chúc mừng của lãnh đạo nước nhà. Nói gì thì nói, dù sao chúng ta cũng không nên gieo những hạt mầm bi quan vào đầu thế hệ tương lai của đất nước. Tuy vậy, thiết nghĩ đã là Người thì không nên chối bỏ những sự thật nhất là không nên ngụy biện hay lấp liếm kiểu “đời thối phải nói là thơm”. [1]

Vậy nên, cá nhân tôi ước sao năm nay, những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà nếu còn biết xấu hổ thì xin các vị chớ có sử dụng những mỹ từ sáo rỗng để ca ngợi thành tựu của ngành giáo dục này nữa. Và nếu có dũng khí và bản lĩnh, mong các vị hãy nói với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay rằng:

“Trong tư cách những người lãnh đạo và quản lý nền giáo dục nước nhà, chúng tôi tự thấy hổ thẹn về tất cả những sự yếu kém, lạc hậu của nền giáo dục nước ta hiện nay, vì thế, rất chân thành chúng tôi xin cúi đầu tạ lỗi với tất cả quý Thầy Cô giáo, các vị phụ huỳnh và đặc biệt nhất các em học sinh, sinh viên trên cả nước xung quanh vấn đề này. Chúng tôi ý thức và thống nhất với nhau rằng, từ đây về sau nhiệm vụ duy nhất chúng tôi là sẽ tạo ra thật nhiều mùi thơm để không làm phiền lòng toàn thể nhân dân Việt Nam về cái mùi “thúi” của nền giáo dục hôm nay nữa!”.

_________

[1] “Quán bên đường” - Thơ Minh Phẩm (bút danh khác của Trang Thế Hy).

N.T.B
Nguồn: http://www.viet-studies.info/NTrongBinh_MuiCuaGiaoDuc.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn