Hàng triệu cá chết trên bờ biển Việt Nam làm tăng nỗi lo sợ về nạn ô nhiễm do công nghiệp gây ra

Scott Duke Harris, tường thuật từ Hà Nội, Los Angeles Times, April 4, 2016

Trần Ngọc Cư dịch

“Nhiều người Việt Nam than phiền rằng nhà cầm quyền tỏ ra chậm chạp trong việc theo dõi các tin tức chưa được kiểm chứng về việc nhà máy thép của Formosa đã đổ nước thải không xử lý xuống biển”.

“Sự bất cập của Chính phủ trong việc thực thi luật môi trường có thể mang lại cho Việt Nam cái tai tiếng là “một đối tác tồi tệ trong vấn đề ngoại thương” và cung cấp thêm một luận cứ khác cho phe chống đối TPP tại Quốc hội Mỹ”.

S. D. Harris

clip_image002

Một dân làng cho thấy những con cá chết mà ông lượm được trên một bãi biển thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam, ngày 21 tháng Tư 2016. (Stringer/AFP/Getty Images)

Cá chết bắt đầu trôi giạt vào bờ biển trong tháng Tư: hàng dặm bờ biển đầy xác cá, và vô số nghêu sò, và thi thoảng có cả xác cá voi. Rốt cuộc, các nhà nghiên cứu từ phía Chính phủ đã kết luận rằng “các độc tố” đã gây ra cá chết hàng loạt, một đại họa mà quan chức Việt Nam mô tả là “từ trước tới nay chưa từng thấy”.

Hiện nay người dân đâm ra phân vân liệu các loài chim biển đang chết dọc theo duyên hải miền Trung có phải cũng là nạn nhân của tình trạng ô nhiễm do công nghiệp gây ra hay không.

Nỗi sợ hãi – rằng cá bị ô nhiễm được nhặt lên từ các bờ biển nói trên đang đi vào nguồn cung cấp thực phẩm của quốc gia đang phát triển nhanh chóng này – đã gây nên sự giận dữ trên các mạng xã hội và một làn sóng các cuộc biểu tình công cộng hiếm hoi, đang tạo sức ép lên một Chính phủ bị lên án là không bảo vệ được sức khỏe của người dân trong khi đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp. Chính quyền đã nhìn nhận phản ứng chậm chạp của mình trong khi con mắt soi mói của dân chúng tập trung vào một nhà máy thép khổng lồ do người Đài Loan làm chủ bị cáo buộc là bơm nước thải không xử lý xuống biển.

“Gia đình tôi quyết định không mua cá biển vào thời điểm này”, Lê Ngọc Bích, một người bán áo quần ở một chợ lộ thiên truyền thống tại TP Hồ Chí Minh, nói vậy. “Các hàng cá hứng chịu nhiều thua lỗ. Mọi người đang hoang mang lo lắng. Chúng tôi không biết ăn gì mới được an toàn”.

clip_image004

Những người Việt Nam biểu tình phản đối Tập đoàn Formosa của Đài Loan trong một cuộc tụ tập ở trung tâm Hà Nội ngày 1 tháng Năm 2016 (Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images).

Hàng ngàn người Việt Nam đã ký vào một kiến nghị kêu gọi Tổng thống Obama nêu lên những lo lắng của họ trong chuyến thăm viếng Việt Nam dự kiến từ lâu, được chờ đợi diễn ra vào tháng này. Nhiều nhà quan sát cho rằng thảm họa môi trường còn có thể gây khó khăn cho các nỗ lực của Chính quyền Obama để giành được sự phê chuẩn cuối cùng của Quốc hội cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hay TPP, một thương ước giữa 12 quốc gia, thường được rêu rao tại Việt Nam là một ân huệ kinh tế.

“Đây là một phép thử buộc Chính phủ Việt Nam phải tìm một lời giải thích cho vấn nạn và phải có hành động thích đáng”, theo ý kiến của Luật sư Fred Burke, thành viên quản lý tại Việt Nam của hãng luật quốc tế Baker & McKenzie. Burke còn là Chủ tịch Ủy ban TPP của Chi nhánh Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội.

Việt Nam, được biết đến như một nước hàng đầu trong việc xuất khẩu gạo và cà phê, đã thu hút 14,5 tỷ USD vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2015, tiếp tục một xu thế được cho là có thành tích nâng quốc gia 90 triệu dân này vào địa vị “có lợi tức trung bình” theo thước đo của Ngân hàng Thế giới. Nhà máy thép bị tình nghi thải chất ô nhiễm xuống biển, do Tập đoàn Formosa Plastics làm chủ, đã đầu tư 10 tỉ USD tại Việt Nam.

Burke cho rằng người dân Việt Nam cũng như giới đầu tư nước ngoài kỳ vọng rằng Chính phủ phải có hành động mạnh mẽ đối với các công ty phạm pháp không chịu tuân theo chuẩn mực và luật lệ môi trường quốc tế. “Nếu Chính phủ thiếu biện pháp cứng rắn, việc này sẽ làm hoen ố tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, bằng sự liên tưởng của dư luận”, Burke nói. Sự bất cập của Chính phủ trong việc thực thi luật môi trường có thể mang lại cho Việt Nam tai tiếng là “một đối tác tồi tệ trong vấn đề ngoại thương” và cung cấp thêm một luận cứ khác cho những kẻ chống đối TPP tại Quốc hội Mỹ.

Vụ cá chết hàng hoạt được phát hiện lần đầu vào hôm 6 tháng Tư khi hàng ngàn, và sau đó hàng triệu xác cá trôi giạt vào bờ dọc theo 200 km duyên hải Bắc-Trung Việt Nam, trong đó có một số bãi biển nổi tiếng thường thu hút du khách Việt Nam. Các tường thuật của nhân chứng mô tả rằng nhiều người đã đi nhặt những lượng lớn cá chết rồi cất giữ trong tủ lạnh, có lẽ sẽ đem ra bán. Trong những ngày sau đó, bộ đội Việt Nam được lệnh giúp dân dọn sạch bãi biển và chôn xác cá.

clip_image006

Hình ảnh này được chụp ngày 20 tháng Tư 2016 cho thấy một người đang bước đi giữa những xác cá trên một bãi biển thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam. (Stringer/AFP/Getty Images).

Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nhìn nhận khuyết điểm trong việc phản ứng trước tình hình, gồm một lời xin lỗi công khai của tân Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. “Việc xử lý ban đầu có tính cách thụ động”, Chính phủ tuyên bố vào tuần trước và gọi việc giám sát môi trường là “không kịp thời, thiếu chính xác và không thường xuyên” (untimely, inaccurate and infrequent).

Ngoài các hình phạt do Chính phủ ấn định, Burke nói, những kẻ vi phạm sẽ phải đối diện với các vụ kiện dân sự từ ngư dân và các nạn nhân khác có doanh nghiệp bị phá sản do cá chết hàng loạt.

Nhưng nhiều người Việt Nam than phiền rằng nhà cầm quyền tỏ ra chậm chạp trong việc theo dõi các tin tức chưa được kiểm chứng [allegations] về việc nhà máy thép của Formosa đã đổ nước thải không xử lý xuống biển.

Chính quyền công bố rằng các khoa học gia từ Mỹ, Đức và Israel đang tham gia nỗ lực phân tích nước thải từ tất cả các nhà máy tại Bắc-Trung tỉnh Hà Tĩnh. Chuyên gia tư vấn môi trường Bùi Minh Lanh, người có kinh nghiệm về chất độc dioxin và nước thải, cho rằng việc tìm kiếm hóa chất độc hại đáng lẽ phải được thực hiện trong vòng một tuần lễ – vì những trì hoãn sẽ làm cho việc tìm kiếm nguồn gốc chất độc trở nên khó khăn hơn.

Formosa đã xử lý vụ tranh cãi này một cách vụng về. Đồng thời với việc nhấn mạnh rằng không có bằng chứng qui trách nhiệm cho công ty, một viên chức đối ngoại còn ngụ ý rằng Việt Nam có thể phải đánh đổi môi trường để lấy phát triển công nghiệp – có lẽ phải lựa chọn giữa thép và cá. Tuyên bố này đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội và nhãn #Ichoosefish [Tôi chọn cá].

Ban quản lý Formosa vội vàng xin lỗi về lời phát biểu và nói rằng viên chức đưa ra lời tuyên bố đó sẽ bị trừng phạt.

Trong tuyên bố ngày 29 tháng Tư, Formosa nói rằng họ “hết sức ngạc nhiên và lấy làm tiếc” về cá chết hàng loạt. Formosa nói rằng trong vốn đầu tư 10 tỉ USD của họ có 45 triệu USD dành cho một hệ thống xử lý nước thải.

Phản ứng của Formosa châm ngòi cho những cuộc biểu tình của dân chúng từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh – một hiện tượng hiếm thấy trong một nước do cộng sản cai trị, nơi mà những người biểu tình không có phép của Chính phủ thường bị bắt giam. Vào hôm Chủ nhật, hàng trăm người Việt Nam đã tề tựu trước Nhà hát lớn nổi tiếng của Hà Nội, giương cao những biểu ngữ phản đối. Các lực lượng an ninh quyết định đứng nhìn đoàn biểu tình tuần hành suốt ba giờ sau đó quanh Hồ Hoàn Kiếm cách đấy không xa.

Biểu tình viên Vu Quan nói với một hãng tin, anh nghĩ rằng nhà cầm quyền đã đồng lõa trong việc che giấu sự thật. “Tôi nghĩ Chính phủ không quan tâm đến người dân cho lắm, vì thế chúng tôi phải làm một cái gì”.

Một số người Việt Nam đã mua nước mắm để cất trữ, đây là một món chủ yếu trong nhà bếp. “Tôi lo sợ rằng cá từ các vùng ô nhiễm sẽ được sử dụng làm nguyên vật liệu cho nước mắm”, bà Trần Thị Dân, chủ nhân của một hãng nước mắm nhỏ, phát biểu. “Vụ cá chết hàng loạt này sẽ có tác động nghiêm trọng đối với việc làm ăn của tôi vì dân chúng sợ ngộ độc thực phẩm”.

“Tôi rất muốn biết nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt”, bà Dân nói tiếp. “Có lẽ kết quả của các nghiên cứu không được công bố vì lý do chính trị”.

Scott Duke Harris - Millions of dead fish on Vietnam's shores raise industrial pollution fears http://www.latimes.com/world/asia/la-fg-vietnam-fish-20160504-story.html

T.N.C.

Harris là một thông tín viên đặc biệt.

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn