Bauxite Tây Nguyên đổi công nghệ thải – Được hay không? Quyền của ai?*

Châu An

- Theo các Phó Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng và Đắc Nông: đó là quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường.

- Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Việt Nam, Bộ TN-MT: “Chúng tôi chỉ tham gia với vai trò liên quan đến môi trường, không liên quan đến sản xuất, nên chỉ có TKV mới có khả năng xem xét cụ thể về công nghệ thải khô, hay thải ướt”.

1. BAUXITE TÂY NGUYÊN ĐỔI CÔNG NGHỆ THẢI: QUYỀN BỘ TÀI NGUYÊN

(Tin tức thời sự) - Địa phương chỉ mang tính chất quản lý trên địa bàn, còn thay đổi công nghệ sản xuất thì thuộc thẩm quyền, chức năng của Bộ TN-MT.

Bài toán lớn, đầy khó khăn

Vừa qua, sự cố vỡ đường ống dẫn xút tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) đã ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống của nhiều người dân sống khu vực xung quanh.

Sau đó, các chuyên gia đã chỉ rõ, chúng ta đều biết rằng toàn bộ công nghệ mà Việt Nam đang lắp ráp tại nhà máy Alumin Nhân Cơ và nhà máy Tân Rai đều do nhà thầu Trung Quốc Chalieco cung cấp. Ngoài ra, không loại trừ giả thiết có hay không việc sử dụng công nghệ, thiết bị đã cũ và lạc hậu bị thải loại từ Trung Quốc được mang sang Việt Nam sử dụng.

Trong khi, với đặc thù của những nhà máy đặt ở Tây Nguyên là phải chống chịu với mùa mưa kéo dài 4 tháng, nên đây cũng là thời điểm mà chúng ta nên kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư, ở đây là TKV, và nhà thầu Chalieco Trung Quốc nghiêm túc thực hiện cam kết sử dụng công nghệ thải khô đối với các nhà máy sản xuất Alumin ở Tây Nguyên.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/8, ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, nói: "Công nghệ thải ướt đã được sử dụng từ năm 2007, bây giờ nếu muốn thay đổi cũng nhiều vấn đề, vì đó là thẩm quyền của Bộ KH-CN và Bộ TN-MT.

clip_image001

Lắp đặt các bồn kết tinh tại nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ

Nếu nghiên cứu về sản xuất Alumin thì ai cũng biết, công nghệ thải khô tốt và an toàn hơn thải ướt, đặc biệt với vùng Tây Nguyên mưa nhiều, 1 năm trung bình 2800 - 2900 m3 nước, tập trung cho mấy tháng mùa mưa lên đến 90%.

Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ thải ướt hay thải khô, trong quá trình vận hành phải xem xét từng năm, điều chỉnh từng bước, chứ không thể thay đổi ngay lập tức".

Bên cạnh đó, ông Ngự nhấn mạnh: "Việc đề xuất chuyển đổi công nghệ từ thải ướt sang thải khô thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng việc thực thi rất khó, đó là cả một quá trình rất dài, thậm chí rất khó khăn.

Đây là bài toán rất lớn, vì đối với sản xuất Alumin, một công nghệ hoàn toàn mới trên đất nước ta, áp dụng đối với loại hình công nghiệp nặng mà nhiệt độ cao, áp suất cao, sử dụng rất nhiều hóa chất, không thể một sớm, một chiều có thể thay đổi".

Mặt khác, theo ông Ngự tiết lộ, thì quy trình công nghệ sản xuất Alumin, Chalieco đã học từ các Tập đoàn khác như ALCOA Mỹ; nhà máy alumina Alunorte, TP Barcarena, Hungary của châu Âu, chứ không phải công nghệ của Trung Quốc, nên khó có thể chủ động.

Bộ TN-MT nắm quyền quyết định

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, Phó Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng nhận định: "Đây là bài toán kinh tế liên quan đến lợi ích của nhà sản xuất, là bài toán về việc nghiên cứu vận hành.

Trong khi, việc vận hành phụ thuộc nhiều yếu tố như nhiệt độ, áp suất, hóa chất... và bài toán nghiên cứu vận hành không ai thay đổi được trừ người vận hành. Cho nên bài toán nghiên cứu vận hành là bài toán rất quan trọng trong thực tiễn, để thấy lý thuyết là như vậy, nhưng khi thực tiễn có nhiều cái không lường hết được.

Thậm chí ngay yếu tố thời tiết, cũng không phải năm nào cũng như năm nào, vì mưa năm nay khác mưa năm sau, nên phải thích ứng với từng trường hợp".

Trước việc, công nghệ sản xuất thép của Formosa cũng đã được chuyển đổi từ luyện coke ướt sang coke khô, sau khi có sự vào cuộc giám sát của Bộ TN-MT, theo ông Ngự, công nghệ sản xuất của Alumin hoàn toàn khác, nguy hại lớn nhất là bùn đỏ.

Vì với công nghệ sản xuất, không chỉ hóa chất mà còn nhiệt độ, nhà máy nhiệt điện làm trong khu sản xuất, khu công nghiệp, chính vì thế, nó là bài toán vô cùng khó khăn, nan giải.

Chính vì thế, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam - TKV cần có những hội thảo để cho các chuyên gia, các nhà quản lý trên từng địa bàn có nhà máy Alumin hoạt động bàn về vấn đề bảo đảm an toàn môi trường, đưa ra các đề xuất cụ thể.

Cũng là địa phương vừa xảy ra sự cố rò đường ống chứa xút, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông cho biết: "Về vấn đề chuyển đổi công nghệ sản xuất với các nhà máy Alumin, địa phương chỉ mang tính chất quản lý trên địa bàn, còn thay đổi thì thuộc thẩm quyền, chức năng của Bộ TN-MT, cơ quan trung ương quyết định".

(Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bauxite-tay-nguyen-doi-cong-nghe-thai-quyen-bo-tai-nguyen-3316442/)

2. BAUXITE TÂY NGUYÊN ĐỔI CÔNG NGHỆ THẢI : TRÁCH NHIỆM CỦA TKV

(Quan điểm) - Tổng cục môi trường chỉ đảm nhận việc giám sát đảm bảo an toàn môi trường, chuyển đổi công nghệ sản xuất là trách nhiệm của TKV.

TKV là đơn vị nắm quyền khai thác bauxite

Trong thời gian qua, sau sự cố vỡ bục đường ống chứa xút nhà máy sản xuất Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) thì đường ống dẫn xút tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) cũng bị rò rỉ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Các chuyên gia, các lãnh đạo Sở TN-MT của 2 tỉnh, sau đó đã chỉ rõ, nhà thầu Trung Quốc Chalieco hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ thải ướt. Đây là công nghệ không phù hợp với đặc thù của những nhà máy đặt tại Tây Nguyên vì phải chống chịu với mùa mưa kéo dài, khí hậu ẩm ướt.

Đặc biệt, lãnh đạo các Sở TN-MT đều khẳng định, đây là thời điểm nên yêu cầu nhà thầu Chalieco thay đổi công nghệ sang thải khô để đảm bảo an toàn, nhưng đó là trách nhiệm của Bộ TN-MT, của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV).

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 16/8, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Việt Nam, Bộ TN-MT cho biết: "Vấn đề chuyển đổi công nghệ sản xuất ra sản phẩm là do bên Tập đoàn TKV chủ quản, vì họ đảm nhận việc khai thác bauxite.

clip_image002

Ống dẫn chất thải bùn đỏ từ việc rửa quặng bô-xít tại công trường khai thác ra hồ chứa.

Cho nên việc chuyển đổi công nghệ thải bùn đỏ phải do TKV xem xét và yêu cầu nhà thầu Chalieco, TKV cũng là đơn vị nắm rõ về quy trình hoạt động, xả thải của các nhà máy trên".

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, theo báo cáo của TKV thì phương pháp thải bùn đỏ đang áp dụng ở Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ không phải là phương pháp thải ướt như mọi người vẫn khẳng định mà là phương pháp thải chồng lớp khô (Dry Stacking).

Khi có vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, nhiều người cho rằng, dự án bauxite ở Tây Nguyên cũng thải bùn đỏ tương tự như thế, những thông tin trên phải xem xét lại. Vì công nghệ thải bùn đỏ của nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ, theo thiết kế ban đầu, là công nghệ thải chồng lớp khô.

Theo thiết kế, trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc thu hồi xút, làm đặc đạt 46,5% và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10-15 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, có thể đi trên mặt hồ như bình thường.

Giám sát môi trường

Nói về vai trò của Tổng cục Môi trường, ông Tùng nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ tham gia với vai trò liên quan đến môi trường, không liên quan đến sản xuất, nên chỉ có TKV mới có khả năng xem xét cụ thể về công nghệ thải khô, hay thải ướt.

Riêng về các sự cố xảy ra thời gian qua, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thì phía Tổng cục đã có đoàn giám sát mức độ nguy hại đến môi trường, đã có đề xuất, có khắc phục, giám sát sự cố.

Đặc biệt, theo ông Tùng, Sở TN-MT ở các địa phương cũng phải tham gia với vai trò quản lý tại các địa bàn, đảm bảo yếu tố an toàn môi trường.

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/8, ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, nói: "Công nghệ thải ướt đã được sử dụng từ năm 2007, bây giờ nếu muốn thay đổi cũng nhiều vấn đề, vì đó là thẩm quyền của Bộ KH-CN và Bộ TN-MT".

Cùng với đó, việc phải chuyển đổi công nghệ từ thải ướt sang thải khô tỉnh hoàn toàn đồng ý, nhưng việc thực thi rất khó, đó là cả một quá trình rất dài, thậm chí rất khó khăn.

Đây là bài toán rất lớn, vì đối với sản xuất Alumin, một công nghệ hoàn toàn mới trên đất nước ta, áp dụng đối với loại hình công nghiệp nặng mà nhiệt độ cao, áp suất cao, sử dụng rất nhiều hóa chất, không thể một sớm, một chiều có thể thay đổi.

Chính vì thế, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam - TKV cần có những hội thảo để cho các chuyên gia, các nhà quản lý trên từng địa bàn có nhà máy Alumin hoạt động bàn về vấn đề bảo đảm an toàn môi trường, đưa ra các đề xuất cụ thể

Châu An

(http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/bauxite-tay-nguyen-doi-cong-nghe-thai-trach-nhiem-cua-tkv-3316542/)

3. BAUXITE TÂY NGUYÊN ĐỔI CÔNG NGHỆ THẢI: TKV HÃY VÌ DÂN

(Quan điểm) - Bộ TN-MT cần vào cuộc ngay, lên tiếng yêu cầu TKV phải gấp rút giám sát, kiểm tra lại công nghệ và làm việc trực tiếp với nhà thầu.

TKV phải có nghĩa vụ yêu cầu nhà thầu thay đổi

Sau sự việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ từ luyện coke khô sang luyện coke ướt, từ đó, người ta nói đến việc khai thác bauxite Tây Nguyên, lúc đầu trình dự án là thải khô, sau đó lại chuyển thành thải ướt. Với những sự cố mới xảy ra, nhiều chuyên gia đề xuất nên yêu cầu các nhà máy sản xuất Alumin phải đổi công nghệ thải để đảm bảo an toàn môi trường.

Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/8, bà Bùi Thị An - nguyên ĐBQH Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho biết: "Câu chuyện Formosa ai cũng biết, vì nó đã gây ra rất nhiều hậu họa môi trường cho đời sống của người dân xung quanh khu vực.

Có lẽ đây là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách tổng thể, chứ không thể chắp vá, xảy ra hết sự việc này lại đến sự việc khác. Nhân sự việc này cần phải xem xét lại chắc chắn công nghệ sản xuất của các nhà máy sản xuất Alumin đang có vấn đề.

Nên đặt ra bài toán quản lý công nghệ của các nhà thầu kể cả trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút nguồn vốn FDI, ngay từ khi bắt đầu cho chủ trương đầu tư, phải xem họ đưa công nghệ nào vào sử dụng".

clip_image003

Bãi thải quặng bauxite

Bên cạnh đó, theo bà An, đối với các dự án đã xảy ra hệ quả, việc yêu cầu sửa đổi công nghệ là đúng, nhưng với các dự án sau này nên kiểm định gắt gao ngay từ khi bắt đầu khâu đầu tiên, từ khâu thẩm định công nghệ, chấp nhận đầu tư, mới tránh được việc chắp vá, không thực hiện đúng cam kết.

Đành rằng, lúc áp dụng vào thực tế thì sẽ có điều chỉnh nhưng phải quan tâm ngay từ đầu, không nên để những chuyện đáng tiếc xảy ra, vì có giải quyết cũng không đến tận cùng được, vẫn để hậu quả ở lại.

"Vì thế, chuyển đổi công nghệ ở các nhà máy sản xuất Alumin, dứt khoát là nên yêu cầu, để không gây thảm họa đáng tiếc. Phải rút kinh nghiệm khi chấp nhận chủ trương đầu tư dự án cần thẩm định cẩn thận công nghệ, đặc biệt, khi hiện nay Việt Nam đã đủ các nhà khoa học có trình độ để lựa chọn công nghệ.

Với hàng loạt các nhà máy như Formosa Hà Tĩnh, Alumin Tây Nguyên, liên tiếp xảy ra sự cố, đó đã là bài học đắt giá, nên thời kỳ bảo rằng chọn công nghệ rẻ đã đi qua, nên chọn công nghệ hiện đại, với giá hợp lý.

Hơn nữa, trong cam kết của nhà thầu với TKV đó là thải theo phương pháp thải chồng lớp khô (Dry Stacking), mà thay đổi sang thải ướt thì hoàn toàn là sai quy định, nên việc thay đổi lại công nghệ là chuyện phải làm, đó là trách nhiệm của họ.

TKV cần phải làm việc với nhà thầu, yêu cầu nhà thầu phải thay đổi, làm đúng với cam kết trong hợp đồng. Đây là chuyện sinh mạng của dân", bà An khẳng định.

Bộ TN-MT cần phải vào cuộc

Về việc này, theo Bộ TN&MT trách nhiệm thuộc về Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV). Theo bà An, nếu đã quy định rõ trong hợp đồng là thải khô thì hoàn toàn có quyền yêu cầu thay đổi, thẩm định lại ngay công nghệ lúc đầu, yêu cầu làm đúng.

Đồng thời, yêu cầu TKV giải thích lý do vì sao để cho nhà thầu làm trái với công nghệ ban đầu, TKV phải chịu trách nhiệm. Và việc yêu cầu làm đúng theo công nghệ ban đầu cũng là việc TKV phải làm.

Bà An chỉ rõ: "Bộ TN-MT chính là đơn vị quản lý có quyền cao nhất, nên phải tham mưu cho Chính phủ, thay mặt quản lý nhà nước, thì phải vào cuộc, lập đoàn giám sát, kiểm tra lại toàn bộ thông tin, nếu nhà thầu Trung Quốc tự ý thay đổi công nghệ thì phải thay đổi, phân tích rõ tác hại đến đâu, trên cơ sở đó phân tích, có quyền đưa ra quyết định".

Khi nói về bài toán kinh tế so với mối nguy về môi trường, theo bà An, không được đánh đổi kinh tế với môi trường, bởi thực ra nếu không cẩn thận, thì được 1% GDP, lại mất vài % cải thiện môi trường, đây là bài toán Việt Nam chưa tính cụ thể.

Nguồn:

http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/bauxite-tay-nguyen-doi-cong-nghe-thai-tkv-hay-vi-dan-3316695/

* Tên bài và đề mục do BVN đặt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn