Không khuyến khích người dân đánh cá và ăn cá vùng biển ô nhiễm

Việt Hà

clip_image001

Tàu đánh cá neo gần một bãi biển ở Qui Nhơn hôm 4/8/2016. AFP photo

Một ngày sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả đánh giá thực trạng môi trường biển miền Trung, hôm 22 tháng 8, cho biết biển đã an toàn cho tắm biển, thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản, giới chức Y tế  Việt Nam và các nhà khoa học tiếp tục cảnh báo người dân nên chờ thêm kết luận điều tra về sự an toàn của cá và tránh đánh bắt cá gần bờ.

Chưa thể ăn cá?

Các thông số nước biển gần bờ khu vực biển miền Trung bao gồm các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều không vượt quá chuẩn cho phép về môi trường biển của Việt Nam là kết luận được đưa ra trong hội nghị công bố báo cáo thực trạng biển miền Trung vào ngày 22 tháng 8. Tuy nhiên, theo Giáo sư Mai Trọng Nhuận, đại diện nhóm tác giả nghiên cứu kết quả hiện trạng môi trường biển miền Trung, kết quả này không có nghĩa là cá biển và thủy sản được nuôi trồng trong khu vực bị ảnh hưởng đã an toàn:

Việc an toàn với cá hay không phải là Bộ Y tế trả lời. Bên phía bọn tôi thì nghiên cứu về môi trường và sinh thái thì trả lời thế này. Thứ nhất là chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển thì các thông số về chất lượng môi trường chưa có cái nào vượt chuẩn chất lượng môi trường Việt Nam. Hay đúng hơn, nó đạt chuẩn của Việt Nam về bãi tắm và thể thao dưới nước.

Thiên nhiên một số vùng có xoáy cục bộ mà chúng tôi gọi là bẫy thủy lực thì hàm lượng một số trong đó có phenol có cao hơn mấy vùng xung quanh dù vẫn dưới chuẩn, phải đáng lưu ý giám sát chặt chẽ để đánh giá chính xác và cảnh báo sớm cho người dân nếu có hiện tượng bất thường. Số liệu của chúng tôi công bố là cơ sở cho các bộ ngành liên quan nghiên cứu đánh giá tồn lưu của các chất đó trong chuỗi thức ăn và hải sản cũng như là tồn lưu của các hóa chất này trong quá trình nuôi trồng thủy sản.

Cái nguy hiểm nhất là nó đi vào dây chuyền thực phẩm. Nó có khả năng tích lũy và phóng đại sinh học. Cái nguy là nguy chỗ đó - Giáo sư Lê Huy Bá

Hiện nay chúng tôi không nghiên cứu mức độ độc hại trong hải sản mà cái đó Bộ Y tế cung cấp. Hai là nước ấy khi nuôi trồng thủy sản thì từ các độc tố ấy dưới chuẩn của Việt Nam cho phép mà nó tích lũy thế nào trong nuôi trồng thủy sản thì Bộ Nông nghiệp phải trả lời.

Ngay tại hội nghị, chính Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã thừa nhận kết quả của báo cáo mới chưa trả lời được hoàn toàn câu hỏi cá đã ăn được chưa. Ông nói thêm là một số vũng xoáy ở bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ thuộc tỉnh Quảng Bình, mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị và Chân Mây thuộc Thừa Thiên Huế không thuộc vùng an toàn tuyệt đối theo nghiên cứu.

Vào ngày 23 tháng 8, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết Bộ vẫn cần phải có thêm bằng chứng để có thể nói rằng hải sản ở vùng biển thuộc 4 tỉnh miền Trung là an toàn. Số liệu giám sát của Bộ Y tế được lấy từ ngày 28 tháng 4 đến 8/8, được công bố tại hội nghị cho thấy một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên Ông Phong nói rằng vào lúc này chưa thể khẳng định là cá đã an toàn để ăn hay chưa.

Mối nguy về sự tích lũy độc tố trong các thực vật dưới biển và cá đã được các nhà khoa học cảnh báo ngay từ khi thảm họa ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung do chất thải công nghiệp từ Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả ra biển gây ra vào hồi đầu tháng 4 vừa qua được phát hiện. Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường thuộc Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí minh nói với đài Á châu tự do:

Cái nguy hiểm nhất là nó đi vào dây chuyền thực phẩm. Nó có khả năng tích lũy và phóng đại sinh học. Cái nguy là nguy chỗ đó. Khi thực vật trôi nổi (phytoplankton) nhiễm arsen, hay crom thì trong những con sinh vật phù du (plankton) sẽ ăn những thực vật phù du đó và nó sẽ tích lũy hơn rất nhiều và cao hơn so với thực vật trôi nổi. Con cá ăn thực vật trôi nổi đó thì tích lũy cao hơn nhiều lần. Cho đến khi con chim và con người ăn phải cái đó thì tích lũy cao nhiều lần nữa. Vừa tích lũy sinh học, vừa phóng đại sinh học thì hậu quả cuối cùng là con người là sinh vật tiêu thụ cao là dễ bị ung thư mà có thể nói trắng là con người bị ung thư. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến ung thư sau này.

Ngoài ra, Giáo sư Mai Trọng Nhuận cũng cho biết cho đến lúc này các nhà khoa học cũng chưa nắm rõ được sự tích lũy độc tố của các con cá lớn tìm thấy gần bờ là bao nhiêu.

Không nên đánh bắt cá gần bờ

clip_image002

Ghe thuyền phủ bạt, nằm bờ không ra khơi do biển bị nhiễm độc tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày 21.8.2016. RFA photo.

Tại hội nghị, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết hệ sinh thái biển miền Trung đang phục hồi và các con cá nhỏ đã bắt đầu trở lại. Tuy nhiên Giáo sư Mai Trọng Nhuận khuyến cáo người dân nên tránh đánh bắt cá gần bờ.

Trong phạm vi gần bờ thì các hệ sinh thái san hô đang hồi phục, các con cá đang dần trở về. Khuyến cáo dưới góc độ bảo tồn sinh học thì không nên đánh bắt cá nhỏ vì nếu đánh bắt cá nhỏ thì sẽ không làm hệ sinh thái hồi phục và cá lớn không về thì cơ hội để đánh bắt cá lớn sau này sẽ nhỏ. Thứ hai vào thời điểm này, đối với cá lớn trong vùng bị ảnh hưởng là khoảng 15 km trở về bờ thì chưa nói rõ nó tích lũy đến đâu. Chúng tôi khuyến cáo là trong tình huống như vậy thì chưa nên đánh bắt cá trong phạm vi 15 km trở lại mà đánh bắt ở vùng xa hơn vừa có đa dạng sinh học vừa để cho hệ sinh thái biển hồi phục và đồng thời phải chờ kết quả của Bộ Y tế nữa. Thời điểm nào thì sẽ do Bộ Y tế quyết định.

Dưới góc độ bảo tồn sinh học thì không nên đánh bắt cá nhỏ vì nếu đánh bắt cá nhỏ thì sẽ không làm hệ sinh thái hồi phục và cá lớn không về thì cơ hội để đánh bắt cá lớn sau này sẽ nhỏ - Giáo sư Mai Trọng Nhuận

Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng, mặc dù hệ sinh thái san hô được báo cáo là đang phục hồi, nhưng trên thực tế, để san hô phục hồi lại hoàn toàn như xưa sẽ phải mất rất nhiều thời gian:

Nguyên tắc thì nó tự tái tạo được. Nhưng rạn san hô lớn, một năm chỉ có 1 mm. rạn san hô hình thành phải tính hàng trăm năm. Dó đó mới có vài tháng mà san hô phục hồi là không có…. Về nguyên tắc thì tự nhiên nó tự phục hồi được… nhưng rạn san hô phải mất hàng trăm năm, hàng triệu năm. Nếu san hô bị hủy hoại do độc tố mà tái tạo lại mà đời người thấy được là khó. Rạn san hô cũng như rừng trên đất liền. Nó là nơi cư trú, nơi vỗ béo cho các sinh vật nhỏ. 50% nguồn lợi cá biển trên thế giới phụ thuộc vào rạn san hô. Có thể coi rạn san hô là giá đỡ, là chỗ dựa nền tảng cho nguồn lợi cá. Nếu mình làm hư hại nó thì mình trực tiếp hủy hoại nguồn lợi cá của mình.

Giáo sư Mai Trọng Nhuận cho biết nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết hợp với Bộ Y tế sắp tới sẽ thực hiện giai đoạn hai của nghiên cứu dự tính kéo dài 6 tháng để theo dõi thực trạng biển và trả lời những câu hỏi còn chưa được trả lời là lúc nào ăn cá đánh bắt gần bờ thì an toàn và lúc nào thì có thể đánh bắt thủy sản gần bờ trở lại.

V.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-scientist-unsure-ab-fish-safety-warn-not-catch-fish-near-coast-vh-08232016151121.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn