Đánh đổi tài nguyên môi trường cho sự phát triển năng lượng điện và cái giá phải trả

NGUYỄN VĂN NHUẬN

clip_image001

Nhà máy thủy điện xả lũ ồ ạt. (Ảnh: TTXVN)

Để phát triển đất nước, chúng ta rất cần phát triển năng lượng điện. Nhưng sự phát triển này khi thiếu sự kiểm soát, nghiên cứu chuyên sâu, dự báo chính xác và thiếu các chính sách đồng bộ của nhà nước thì cái giá phải trả cho sự phát triển của chúng ta là quá đắt. Nếu không có sự ràng buộc, quy định trách nhiệm rõ ràng trong việc đầu tư và xét duyệt đầu tư thì cái giá phải tra cho sự phát triển là không bù đắp được cho sự tàn phá môi trường và thất thoát tài nguyên.

Bài toán cho việc giải quyết năng lượng điện để phát triển đất nước là không đơn giản chút nào, nó đòi hỏi phải có một sự nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, tính toán và dự báo chính xác. 

Để làm được điều này nhà nước cần công khai minh bạch các dự án phát triển năng lượng điện để cho các nhà khoa học trong nước và ngoài nước tham gia ý kiến một cách rộng rãi, họ sẽ phản biện, góp ý với nhà nước, đồng thời nhà nước cũng nên có những chính sách ràng buộc với các chủ đầu tư, với các cơ quan duyệt xét các dự án, quy trách nhiệm rõ ràng đối với những người có trách nhiệm khi hậu quả xảy ra.

Chúng ta không thể làm các quy trình thẩm định qua loa, làm lấy được vì một lý do nào đó rồi khi hậu quả xảy ra lại thiếu người chịu trách nhiệm và hậu quả lại đổ lên đầu người dân và các thế hệ mai sau. 

Thử nhìn lại một số vấn đề về việc phát triển năng lượng điện. Trước hết là lĩnh vực Thủy điện, ngoài những công trình thủy điện được nghiên cứu bài bản, chuyên sâu trước khi đầu tư và xét duyệt đã đem đến những nguồn lợi thiết thực cho tổ quốc nhưng đánh đổi rất ít tài nguyên và môi trường như công trình Trị An, Hòa Bình, Thác Mơ,... thì vẫn còn đó những dự án đầu tư chưa được nghiên cứu một cách bài bản, gây tác hại nhiều mặt mà thời gian vừa qua đã bộc lộ, được phản ánh nhiều trên báo chí. 

Nếu chúng ta so sánh tỷ suất lợi ích, sự đánh đổi tài nguyên môi trường và sự tác hại lâu dài của các dự án đó thì việc cần rà soát lại toàn bộ các dự án thủy điện để đánh giá lại và khắc phục những thiếu sót là điều cần phải đặt ra. 

Tất nhiên, chúng ta phải đầu tư thủy điện vì đó là nguồn năng lượng sạch và rẻ. Nhưng không vì thế mà chúng ta bất chấp hậu quả để xúc tiến đầu tư, việc làm này trước đây cũng đã thận trọng rồi, nhưng rất cần thiết phải thận trọng nhiều hơn nữa, không thể làm qua loa lấy được như một số dự án mà báo chí đã chỉ ra, cơ quan xét duyệt cần lắng nghe tất cả những ý kiến trái chiều, phản biện để cân nhắc một cách rất thận trọng nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và sự đánh đổi nhỏ nhất cho đất nước chúng ta, đừng để "bút sa gà chết"! 

Đối với lĩnh vực nhiệt điện, có thể nói công nghệ các nhà máy nhiệt điện của chúng ta đa số là cũ và lạc hậu, không đáp ứng được các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, do đó vấn đề đổi mới công nghệ nhất thiết phải được đặt ra. Điều mà dư luận quan tâm là rất cần sự phát triển đồng bộ những công nghệ sản xuất đi kèm theo các nhà máy nhiệt điện, để tự thân nó vừa bảo vệ môi trường khi hoạt động sản xuất điện, vừa là nơi cung cấp tài nguyên cho các cơ sở công nghệ đi kèm theo. Ví dụ như chuyện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải ra biển. Đó là xỉ than sau quá trình đốt, nếu đổ ra biển nó sẽ kiềm hóa nước biển, sẽ khuếch tán và hòa tan các kim loại nặng trong nước biển, gây tác hại nghiêm trọng lên hệ động thực vật biển là quá rõ ràng. 

Nhưng nếu chúng ta xem xỉ than là tài nguyên để sản xuất các loại gạch xây dựng không nung, vật liệu lót đường... thì lại là vấn đề khác. Đồng ý rằng cũng có những nhà máy nhiệt điện ký được hợp đồng bao tiêu các loại tro xỉ này, nhưng thị trường bán ra các sản phẩm đầu cuối như gạch không nung, vật liệu làm nền đường, bêtông kè biển... được sản xuất từ tro xỉ ở ta vẫn chưa được phổ biến, người dân và các chủ đầu tư các công trình vẫn thích dùng các loại vật liệu truyền thống trong xây dựng. 

Để mở nút thắt cho vấn đề này, nhà nước nên có chính sách bắt buộc phải dùng các loại vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ tro xỉ nhiệt điện để thi công các công trình công cộng trong việc xét duyệt chi tiêu công. Đây là việc cần thiết phải làm để khuyến khích phổ biến vật liệu mới, kèm theo mức giá cả ưu đãi, thuận tiện... giúp người dân dễ dàng sử dụng loại vật liệu này. Qua đó, hạn chế việc lấy tài nguyên sét để làm các loại gạch nung và hạn chế các loại chất đốt nung gạch thải CO2 ra môi trường. 

Tương tự ,việc thu hồi các loại muội than, tro bay, khí thải cũng phải được đặt ra để thu hồi và chế biến thành các loại mực in, axit sulfuric... nhằm hạn chế thải ô nhiễm ra môi trường và mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nền kinh tế. 

Đối với lĩnh vực điện hạt nhân, theo tôi thì chúng ta cũng nên phát triển mạnh lĩnh vực này trong tương lai gần. Chúng ta cần bám sát các công nghệ mới, an toàn trong việc xây dựng các lò nhiệt hạch, không nhập khẩu hoặc đầu tư các công nghệ cũ, đồng thời khảo sát thật kỹ các vị trí sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân để tránh động đất và sóng thần. Phải xác định điện hạt nhân là tương lai của sự phát triển đất nước và phải gắn vào đó là công nghệ ưu việt, an toàn ở mức cao nhất. 

Để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước chúng ta rất cần phát triển nhiều nguồn cung cấp điện khác như: điện khí, điện gió, điện mặt trời... nhưng khi nghiên cứu để phát triển nó thì chúng ta cần rà soát thật kỹ, cân nhắc thật cẩn thận đừng để nó trở thành tai họa cho chúng ta khi chúng ta đa dạng hóa các nguồn cung cấp điện. 

N.V.N.

Nguồn: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/danh-doi-tai-nguyen-moi-truong-cho-su-phat-trien-nang-luong-dien-va-cai-gia-phai-tra-608555.bld

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn