Vụ án Trịnh Vĩnh Bình (kỳ 1, 2, 3, 4 và kỳ cuối)(*)

Khánh An

Kỳ 1: Đi theo tiếng gọi ‘Về nước đầu tư’

Trước năm 1975, gia đình ông Trịnh Vĩnh Bình có một cửa hàng bán sỉ vải ở Thương xá Châu Hải Thành, quận 6, Sài Gòn.

Gia đình ông còn làm thêm nghề nuôi tằm, dệt vải.

Năm 1976, ông cùng vợ, 3 con và vài anh em vượt biên ra nước ngoài. Sống tại trại tạm cư Songkhla, Thái Lan, hơn 4 tháng thì gia đình được sắp xếp đi định cư theo diện tị nạn tại Hà Lan.

Năm ấy, ông Bình 29 tuổi.

“Vua Chả Giò”

Những năm đầu chân ướt chân ráo đến quốc gia Âu châu xa lạ, ông Bình kiếm sống bằng cách đi “làm hãng” và làm nghề thông dịch viên, mặc dù “vốn tiếng Hà Lan còn rất yếu”.

Nung nấu ý định tiếp tục kinh doanh, ngoài giờ làm, ông tranh thủ đăng ký học khóa vải sợi thời trang tại Đại học Mở Detex Amsterdam, với ý định sẽ làm giàu với nghề “gấm hoa” đã từng có nhiều kinh nghiệm từ Việt Nam.

Tuy nhiên, sau những lần đi khảo sát và phát hiện thị trường vải sợi châu Âu những năm đầu thập niên 1980 xuống dốc trầm trọng, trong khi ngành thực phẩm lại có nhiều cơ hội phát triển, ông Bình nảy ý định chuyển sang kinh doanh thực phẩm xuất khẩu ra thế giới.

Tốt nghiệp đại học năm 1984, ông bắt đầu đăng ký làm đại lý xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm có tiếng như sữa đặc Omela của hãng C.C. Firesland (tức sữa “Cô gái Hà Lan” hiện nay), xì dầu Maggi của hãng Nestle…

clip_image002

Ông Trịnh Vĩnh Bình trong một chuyến về thăm dò thị trường đầu tư ở Việt Nam cùng nhóm doanh nghiệp Hà Lan.

Nhập quốc tịch Hà Lan năm 1985, ông tiếp tục học lấy bằng Quản trị Kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp năm 1986, ông mở thêm hai tiệm thực phẩm (loại mini market) tại Hà Lan và bắt đầu nghiên cứu sản xuất chả giò, món ăn khai vị rất được ưa thích của Việt Nam, theo công nghệ tự động.

Năm 1989, sau khi xây dựng xong nhà máy sản xuất chả giò, ông Bình bắt đầu cung cấp chả giò cho các hệ thống siêu thị tại Hà Lan, sau đó là Bỉ và Anh quốc.

Trong một thời gian ngắn, thương hiệu chả giò Trinh’s (Trịnh) đã được biết tiếng và xếp hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mora của Unilever và Duif của Bols Wassanen.

Ông Trịnh Vĩnh Bình trở thành triệu phú tại Hà Lan với biệt hiệu “Vua Chả Giò”.

clip_image004

Trở về

Ý định về Việt Nam đầu tư xuất phát từ một lần ông Bình đến Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp (lúc đó Việt Nam chưa có đại sứ quán tại Hà Lan) để xin visa về nước thăm gia đình.

“Khi tôi đến xin visa, bên sứ quán ra tiếp chuyện. Khi biết tôi có làm ăn bên Hà Lan, họ bắt chuyện và tìm cách khuyến khích tôi về Việt Nam nghiên cứu đầu tư”. Ông Bình nói với VOA.

Những ngày sau đó, vào dịp Tết hay bất cứ cuộc hội thảo khuyến khích đầu tư nào của Việt Nam, ông Bình đều nhận được thư mời của Chính phủ Việt Nam và đến tham dự.

Tháng Hai, 1990, ông Bình quyết định về “khảo sát thị trường”.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA ngày 7 tháng Tám, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan giai đoạn 1998 - 2001, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nhớ lại, ông Trịnh Vĩnh Bình “không chỉ xin tư vấn về pháp lý”, mà còn “xây dựng các quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương nơi ông ấy cư trú và hoạt động kinh doanh”.clip_image006

Ông Bình tham quan địa điểm đầu tư tiềm năng tại Việt Nam vào tháng 4/1990.

Cựu Đại sứ Việt Nam cũng cho biết công tác ngoại giao của Việt Nam trong giai đoạn này tập trung vào chiến lược hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Chính sách khuyến khích đầu tư vào Việt Nam được đưa ra nhằm “khai thác tối đa lợi ích của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài” (FDI), vì so với viện trợ ODA, “nguồn tiền FDI có chỗ linh hoạt hơn rất nhiều”.

Việt Nam, sau 10 năm trở lại, khác xa với những gì ông Bình hình dung.

“Khi về Việt Nam, tôi thấy rõ ràng, Việt Nam sau một thời gian xa vắng đã thay đổi quá nhiều. Thay đổi tệ đi quá nhiều. Là một người làm kinh doanh, tôi thấy rõ bây giờ mình có sự chọn lựa: tiếp tục kinh doanh ở xứ người hay là về đầu tư thử ở Việt Nam. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là thử thôi”.

Khi bàn bạc với gia đình về quyết định đầu tư vào Việt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết gia đình ông “chia làm 2 phe”.

Một bên ngăn cản, cho là về Việt Nam “rất nguy hiểm”.

Một bên ủng hộ, cho là “sớm, có nguy hiểm, nhưng cũng là cơ hội”.

Bản thân ông Bình đánh giá Việt Nam lúc này “có một khoảng trống lớn” để đầu tư.

clip_image008

Ông nói với VOA: “Lá rụng về cội, thâm tâm tôi cũng đã nghĩ một ngày nào đó sẽ về Việt Nam đầu tư”.

Quyết định bán cơ sở kinh doanh tại Hà Lan, tháng Sáu, 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu chuyển những đồng đôla đầu tiên về nước.

Sau gần 60 lần nhập cảnh, ông Bình mang về nước 2,328,250 đôla và 96 ký vàng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.

__________

Kỳ sau: Quyết định đầu tư vào Việt Nam của ông Bình có “nguy hiểm” như cảnh báo của thân nhân không? Làm thế nào chỉ trong khoảng hơn 6 năm, ông Trịnh Vĩnh Bình đã nhân giá trị đầu tư ban đầu lên hơn 8 lần? Xin theo dõi tiếp Kỳ 2: “Lên như diều gặp gió”.

Kỳ 2: Lên như diều gặp gió

VOA - Trịnh Vĩnh Bình, “Vua Chả Giò” tại Hà Lan, vào năm 1990 quyết định về Việt Nam “khảo sát thị trường” sau khi được giới chức ngoại giao Việt Nam tại Châu Âu khuyến khích. Sau gần 60 lần nhập cảnh, ông mang về nước gần 2,5 triệu đô la và 96 ký vàng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đây, ông bắt đầu sự nghiệp bằng cách đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau, thành công rất nhanh, theo như nhận định của cựu Đại Sứ Việt Nam tại Hà Lan thời đó, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: “Nhờ tính năng động và chủ động như vậy mà giai đoạn đầu, ông Bình trở nên thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam”. Và cũng chính sự thành công vượt bậc này đặt ông Bình vào thế rủi ro. Mời độc giả theo dõi sau đây.

***

clip_image010

Sài Gòn năm 1998. (Ảnh: Reuters)

Những ngày đầu về Việt Nam đầu tư, ông Trịnh Vĩnh Bình nhìn đâu cũng thấy cơ hội kiếm tiền.

Đặt chân tới Sài Gòn, ông thấy ngay thành phố vốn từng mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” này rất thiếu khách sạn, nhất là khách sạn cao cấp dành cho khách phương xa.

“Tôi thấy rõ ràng Việt Nam thiếu khách sạn tốt. Thời đó chỉ có khách sạn mini, 5, 6 phòng trong gia đình lấy ra làm. Nên đầu tiên, tôi đầu tư mua mấy căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo, đó là cao ốc 10 tầng xây dang dở, bỏ từ năm 1995 tới giờ, sát bên Công an thành phố”, ông Bình kể.

clip_image012

Cao ốc khách sạn 286 Trần Hưng Đạo đang được xây dựng thì bị ngưng vì vụ án.

Với kinh nghiệm làm thủy sản và xuất khẩu, thương gia mang quốc tịch Hà Lan tiếp tục về Hậu Giang thuê một xí nghiệp đông lạnh và thu mua thủy sản về gia công xuất khẩu.

“Nhưng bị họ đổi hàng, rồi họ làm theo cách nói tóm tắt là tôi thấy không được, hoặc tôi quán xuyến không được. Rốt cuộc, sau một thời gian làm, tôi lỗ khoảng 70.000 đôla”.

Nhận thấy đầu tư theo cách đó không ổn, ông Bình nghĩ đến hướng làm ăn lâu dài.

Cải tổ xí nghiệp

Ông tìm hiểu thị trường ở một số nơi khác và quyết định chọn Vũng Tàu để đầu tư.

Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu bằng việc mua lại xí nghiệp Liên doanh Nuôi trồng Thủy sản ở Phước Cơ.

clip_image014

“Họ hợp tác với thành phố Vũng Tàu nhưng họ làm lỗ. Họ có mấy chục công nhân và sắp phá sản. Tôi vô thấy cơ ngơi của họ và nghĩ rằng mình có thể thay đổi được”.

“Lúc đó họ có khoảng 50-60 công nhân thôi, mà phần đông là dưới tuổi thành niên”.

Bắt tay vào gầy dựng lại nhà máy, việc đầu tiên ông Bình làm là cho đội ngũ lao động dưới tuổi thành niên nghỉ việc. Ông trả thêm cho họ một số tháng lương và khuyên họ quay trở lại trường học, đồng thời hứa sẽ ưu tiên nhận họ trở lại làm việc sau khi tốt nghiệp.

Sau đó, ông bắt đầu thay đổi thiết bị và cải tổ quy trình sản xuất.

Bên cạnh các mặt hàng thủy hải sản, ông Bình còn đưa vào chế biến thêm các mặt hàng nông sản, rau quả để xuất khẩu như chuối lá xiêm, thơm, xoài đông lạnh… xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Trong một tài liệu ông Trịnh Vĩnh Bình gửi cho Chính phủ Việt Nam khoảng 7 năm trước để trình bày về mục đích đầu tư cũng như ước mơ làm kinh tế tại Việt Nam, doanh nhân này cho biết chỉ trong vòng hai năm (1993 - 1995), sản lượng xí nghiệp từ 80-100 tấn/năm đã tăng lên thành 1.500 tấn/năm, trong khi tổng sản lượng cả tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lúc đó chỉ 6.675 tấn (năm 1995).

clip_image016

Các công nhân tại Nhà máy Hải sản ở Phước Cơ, Thành phố Vũng Tàu.

Số lượng công nhân của xí nghiệp cũng tăng, từ vài chục người lên gần 400 người vào năm 1996.

Thời gian này, luật Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài hay Việt kiều đứng tên trong các doanh nghiệp trong nước, nên ông Trịnh Vĩnh Bình nhờ thân nhân và bạn bè đứng tên hộ. Việc đứng tên hộ được xác nhận qua giấy ủy quyền và giấy giới thiệu có chứng nhận của Lãnh sự quán Việt Nam tại Pháp.

Luật gia Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng Hội Luật gia Việt Nam, người chỉ biết ông Trịnh Vĩnh Bình qua hồ sơ vụ án, cũng chứng thực điều này với VOA.

“Ông ấy đứng tên người khác theo đúng hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam là ông phải đứng tên người khác. Vì lúc ấy, luật không cho người nước ngoài, người có quốc tịch nước ngoài mua, nên ông ấy phải đứng tên người khác”.

clip_image018

Những công ty mà ông Trịnh Vĩnh Bình thành lập, như Công ty TNHH Tín Thành tại TP.HCM (năm 1992) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghiệp Bình Châu tại Vũng Tàu (năm 1993), đều dưới hình thức “đội nón” trên, vốn là xu hướng phổ biến tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Mãi đến tháng 11/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình mới có tên chính thức trong Công ty Bình Châu, dựa vào Luật khuyến khích Đầu tư Việt Nam ban hành năm 1995.

Nghiên cứu, trồng rừng

Ngoài sản xuất trực tiếp, Công ty Bình Châu còn xây dựng Trung tâm nghiên cứu, quy tụ một số chuyên viên giỏi từng học ở châu Âu và các chuyên viên thủy sản trong nước để nghiên cứu các chủng loại thủy hải sản mới và thực hiện các đề án phòng chống bệnh, nhân giống thủy hải sản cung cấp cho nông dân.

Ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết trong năm 1996, Công ty Bình Châu nhận được tài trợ quốc tế cho hai đề án: Đề án cua tự sinh sản và đề án phòng chống bệnh cho tôm, cá.

clip_image020

Trung tâm nghiên cứu gây giống nuôi trồng thủy sản đặt ngay tại ao nuôi tôm, cá, cua. Hiện đang bị bỏ hoang. (Ảnh chụp tháng 11/1998)

Trong tờ tường trình gửi Chính phủ Việt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết đề án cua tự sinh là đề án mà thế giới đang đeo đuổi vào thời điểm đó, nhưng chưa thành công vì tỉ lệ sống rất thấp, chỉ đạt 3% - 4%.

Trong khi đề án nghiên cứu của Công ty Bình Châu đang tiến triển tốt thì xảy ra vụ bắt ông Trịnh Vĩnh Bình, khiến dự án này bị bỏ ngang. Một trong những chuyên viên nghiên cứu đề án này sau đó đã đoạt giải xuất sắc trong kỳ thi cho cua đẻ nhân tạo ở Philippines, với tỉ lệ cua sống đến 17%.

Với ước mơ nhân rộng các rừng thông tại Việt Nam, theo mô hình vùng Quinta Do Lago của Bồ Đào Nha, cộng thêm chính sách khuyến khích trồng rừng, phủ xanh đồi trống, đồi trọc của Việt Nam vào thời điểm này, ông Trịnh Vĩnh Bình cùng một số chuyên viên bắt đầu nghiên cứu trồng thí nghiệm thông ở Đèo Nước Ngọt Long Hải và lập các vườn ươm thông giống.

clip_image022

Ông Trịnh Vĩnh Bình mua nhiều khu đất để trồng rừng, hưởng ứng chính sách khuyến khích phủ xanh đồi trống, đồi trọc của Việt Nam.

Ông Bình cho biết lúc ông bị bắt, vườn ươm với gần 500.000 cây thông giống đã được 3,5 tuổi, đủ để trồng khoảng 200 ha. Theo dự tính, số thông này khi được 8 tuổi sẽ bắt đầu cho hạt giống. Khoảng 200 ha trồng đợt đầu sẽ được nhân giống và đủ cung cấp cho cả nước.

Kinh doanh tương lai

Không dừng lại ở sản xuất, xuất khẩu, ông Trịnh Vĩnh Bình còn “lấn sân” sang lĩnh vực du lịch.

“Tôi nghĩ thành phố Vũng Tàu mạnh về du lịch. Tôi lại có được bản vẽ quy hoạch ở khu vực sông Thị Vải. Dọc sông này sẽ là cả một khu kỹ nghệ. Thời đó, tôi có một bài toán…”

Bài toán kinh doanh của ông Bình bắt nguồn từ những cuộc triển lãm ở châu Âu mà năm nào ông Bình cũng tham dự.

Lần gặp gỡ với Giám đốc tập đoàn Janssen, chuyên sản xuất bìa hồ sơ nổi tiếng của Đức, khiến ông nảy ra ý tưởng kinh doanh trong tương lai.

Ông tính toán cho vị thương gia người Đức thấy việc chuyển cơ sở sản xuất về Việt Nam mang lại lợi nhuận như thế nào.

“Tôi nghĩ là mình dùng cách di chuyển những kỹ nghệ của Hòa Lan, và sau này có thể là các nước lân cận nữa, sang Việt Nam. Thì một thị trường còn non trẻ, với thị trường lao động đang khát, nếu họ [các nước châu Âu] đầu tư thì cả hai đều có lợi. Việt Nam có lợi và phía đầu tư cũng có lợi”.

“Lúc đó, tôi có bài toán đơn giản lắm. Bây giờ tôi có miếng đất. Tôi không cần làm gì hết, mà chỉ đem nó đi góp vốn cho ông. Tôi trở thành 25%, 30% [cổ phần]. Ông có lãi, có lợi nhuận, ông chia cho tôi. Ông không cần phải trả tiền thuê gì hết. Đại khái như vậy. Do đó, lúc sau này tôi mua một lúc nhiều đất ở khu vực đó là như vậy. Lý do là vì tôi biết sau này nó sẽ trở thành một khu công nghệ”.

Từ Vũng Tàu, ông Trịnh Vĩnh Bình tiếp tục mua thêm đất đai ở các khu vực khác để thực hiện ý tưởng này.

“Lúc đó, tôi lên Sở Quy hoạch TP.HCM và biết được có một bản đồ [quy hoạch] và biết được trong tương lai, Long Thành sẽ có một sân bay lớn để thay thế phi trường Tân Sơn Nhất. Lúc đó, tôi mua một số mặt bằng ở đó và tính là một số công ty sẽ cần trụ sở hoặc nhà kho sát phi trường. Ngoài ra, tôi cũng tìm ở những địa điểm du lịch, mua những căn nhà ở Bãi Trước [Vũng Tàu]… Nói chung là tôi có những bài toán lâu dài, chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc”.

Cứ như thế, trong vòng hơn 6 năm, giá trị số vốn ban đầu ông Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần.

clip_image024

Trụ sở của Công ty Bình Châu tại 16B phố Võ Thị Sáu, Phường 2, Thành phố Vũng Tàu. (Hình chụp trước năm 1997)

Báo Công An nhân dân ngày 6/6/2005 cho biết đến ngày ông Bình bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ (5/12/1996), ông nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất.

Tuy nhiên, với nhu cầu mở rộng quy mô và nâng cấp xí nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết ông bị kẹt vốn nên phải bán đi một số căn nhà, đất đai.

“Có một điểm mà trong hồ sơ của tôi, mà Việt Nam cũng biết, là tôi chưa từng chuyển một đồng nào về bên đây [Hà Lan] hết. Cứ chuyển nhượng được một vài miếng đất thì lấy tiền đó đắp vô việc mở rộng đầu tư”, ông Bình cho biết.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nhận định với VOA:

“Cũng nhờ tính năng động và chủ động như vậy mà giai đoạn đầu, ông Bình trở nên thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam”.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói thêm rằng “chính sự thành công quá nhanh và sự nổi trội trong tư cách một doanh nhân Việt kiều của ông Bình đã tạo ra một sự cuốn hút không bình thường”.

Kỳ sau: Vì sao sự thành công quá nhanh của ông Bình tại Việt Nam đã gây ra “sức cuốn hút không bình thường”? Đâu là những cái “bẫy” và những con “cò” lợi dụng làn “nước đục” trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình? Chuyên gia đánh giá thế nào về khía cạnh pháp lý của vụ án? Xin theo dõi tiếp Kỳ 3: Vụ án “lên đến Bộ Chính trị”.

Kỳ 3: Vụ án ‘lên đến Bộ Chính trị’

VOA - Với số tiền gần 2,5 triệu đô la và 96 kg vàng mang về Việt Nam đầu tư, ông Trịnh Vĩnh Bình kinh doanh ở mọi lãnh vực: khách sạn, thủy sản, hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng… Nhưng chiến lược nhất, có lẽ là lãnh vực đất đai, vì theo như lời ông, “tôi có những bài toán lâu dài chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc”. Ngay vào thời điểm đó, ông đã mua nhiều mặt bằng sát nơi được quy hoạch sau này xây phi trường Long Thành, để làm trụ sở công ty và xây nhà kho. Trong vòng 6 năm, giá trị số vốn ban đầu ông Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần. Và cũng từ đây, con đường lao lý bắt đầu mở ra, đưa đến “vụ án Trịnh Vĩnh Bình” mà việc giải quyết phải “theo ý kiến chỉ đạo và báo cáo kết quả với Thường vụ Bộ Chính trị”. Xin theo dõi sau đây.

***

Với những dự án tiềm năng đang tiến triển nhanh và mạnh, con diều đầu tư đang “no gió” của Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu đi vào vùng bão tố.

“Năm 1996, phát sinh từ chuyện trong công ty, những người làm trong đó, có cả người trong gia đình, tìm cách ăn cắp một số tiền khá lớn, khoảng mấy trăm ngàn đôla”. Ông Bình nhớ lại.

Câu chuyện đổ bể. Ban giám đốc cũ bị sa thải. Ban giám đốc mới của Công ty Bình Châu muốn đem vụ việc giải quyết rõ ràng nên trình báo công an.

Ra công đường

Theo lời ông Bình, nhóm bị sa thải gồm 3 người, trong đó có người ông nhờ đứng tên doanh nghiệp và tài sản. Sau đó, lo sợ bị bắt và phải trả lại tiền, nhóm này đút lót cho phía an ninh để tìm sự che chở.

“Khi họ [an ninh] nhảy vô, thì bên này những người ăn cắp đồ lại trở thành người hợp tác với họ. Họ ra tay trước. Họ chụp mũ tôi đầu tiên về tội trốn thuế rồi họ bắt tôi”. Ông Bình kể với VOA.

clip_image026

Trụ sở của Công ty Bình Châu tại 16B phố Võ Thị Sáu, Phường 2, Thành phố Vũng Tàu. (Hình chụp trước năm 1997)

Ông Bình cho biết khi công an đến khám xét và tịch thu đồ đạc trong Công ty Bình Châu, ông đang ở Hà Lan và nhận được cảnh báo từ luật sư của mình lúc bấy giờ: “Đừng về, bên an ninh đang chuẩn bị bắt anh đấy”.

“Tôi nghĩ tôi đâu có làm gì sai đâu mà sợ. Tôi vẫn về. Đầu tiên là Thiếu tá Ngô Chí Đan mời tôi lên văn phòng. Vì ở Hà Lan làm ăn theo kiểu mở cửa minh bạch, tôi không biết đút lót. Nếu lúc đó mà tôi biết đưa cho họ một số tiền, đưa cho họ một bì thư lớn thì họ đã dẹp vụ này rồi. Nhưng tôi không biết”. Vẫn lời ông Bình.

Trong cuộc nói chuyện với viên chức đứng đầu phòng điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (PA 24), ông Bình cho biết ông đã cố gắng trình bày những ý nguyện, hoài bão tốt đẹp mà ông ấp ủ muốn làm tại Việt Nam.

Nhưng, những điều ông nghĩ không giống với điều “họ” nghĩ. Ông Bình nói: “Họ đâu cần nghe những điều đó đâu. Họ cần nhìn thấy cái bì thư. Nhưng tôi lại không biết”. “Khi chuẩn bị về, ảnh có nói một câu ‘Thôi, tôi nghe rồi. Anh cứ về đi rồi tôi suy nghĩ lại’”.

Trả lời phỏng vấn VOA ngày 14/7/2017, ông Trịnh Vĩnh Bình nói sau này ông mới biết Ngô Chí Đan cùng với người anh rể là Phạm Văn Phương (thường được gọi là “Phương Xoăn” hay “Phương Vicarrent”), “dính” đến nhiều vụ khác, được báo chí trong nước nhắc nhiều trong hai năm 2003, 2004.

Chẳng hạn, báo chí tường thuật lời khai của các nhân chứng, bị can, bị hại… trong Vụ án Phương Vicarrent cho biết thế lực của nhóm này lớn đến nỗi có thể thay cả Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, khiến hầu hết doanh nghiệp, kể cả nhiều quan chức địa phương, đều phải khiếp sợ và tự động nộp tiền để được yên thân, theo báo Người Lao Động ngày 9 tháng Tư, 2004.

Giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu thời đó, ông Nguyễn Minh Hoàng, khai ông nộp tiền “không phải do sợ Phương mà là sợ những người đứng phía sau bị cáo”, theo VnExpress ngày 3/12/2003.

Vị giám đốc này còn cho biết “Phương nắm rất nhiều thông tin về chuyện làm ăn của công ty mà tôi chắc rằng những thông tin này chỉ có từ cơ quan chuyên môn. Tôi rất sợ quyền lực đen của Phương vì tôi thấy nó cực kỳ mạnh”, vẫn theo VnExpress.

Bị bắt

Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế”.

Cáo buộc ban đầu này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ”, vì “thiếu căn cứ”, theo lời Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong những luật sư của ông Bình lúc bấy giờ, nói với VOA:

“Đầu tiên là khởi tố về tội trốn thuế. Quan điểm của chúng tôi cho rằng không [đủ chứng cứ] cấu thành tội trốn thuế. Sau đó chuyển sang tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và một số việc khác”.

Ông Bình cho biết sau khi cơ quan chức năng đọc lệnh bắt, ông lên tiếng phản đối, nói “Tôi vô tội”, và yêu cầu thông báo vụ việc cho Đại sứ quán Hà Lan.

Ông Trịnh Vĩnh Bình bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi được đưa ra xét xử.

Trong thời gian này, ông Bình cho biết ông không được phép tự ý chọn luật sư, mà PA 24 chỉ định luật sư cho ông và buộc ông phải trả 50 triệu đồng cho luật sư này.

Ông Bình kể với VOA rằng điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong thời gian này đã khiến ông suy sụp hoàn toàn và từng nghĩ đến chuyện tự tử.

Chỉ đạo

Bị tạm giam, có lẽ ông Bình không biết được rằng, chuyện của ông được thảo luận căng thẳng ở nhiều cấp, từ địa phương đến trung ương, xoay quanh việc “xử lý” mình.

Văn bản VOA Việt Ngữ có được, ghi lại cuộc họp ngày 3/5/1998 tại trụ sở Tổng cục I-Bộ Nội vụ TP.HCM của Ban chỉ đạo liên ngành bao gồm Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Ban Nội chính Trung ương cho thấy cuộc họp có sự hiện diện của hàng chục giới chức cấp cao như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Khánh Toàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC Phạm Sỹ Chiến, Phó Chánh án TANDTC Mai Ngọc Trinh, Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng…

clip_image030

Theo văn bản này, “hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình từ năm 1990 đến khi bị bắt là vi phạm pháp luật Việt Nam rất nghiêm trọng” và việc “xử lý Trịnh Vĩnh Bình đúng pháp luật vừa đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ chủ quyền Việt Nam và giải quyết được vấn đề đối ngoại”.

Văn bản ghi rõ “hành vi phạm tội cụ thể của Bình là: Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai (điều 180 BLHS) và tội hối lộ cho Nguyễn Văn Huề 100 triệu đồng thông qua trung gian là các tên Thanh và Luyện (điều 227 BLSH)”.

VOA đề nghị phỏng vấn và xác minh văn bản này với đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam nhưng không nhận được câu trả lời.

Một trong hai nhân vật có tên trong văn bản này, sau này, vào tháng Bảy, 2002, làm một “Đơn xin minh oan cho ông Trịnh Vĩnh Bình”, trong đó có đoạn, do biết có xung đột giữa mình và Trịnh Vĩnh Bình, “Ngô Chí Đan và ông Nguyễn Đức Trịnh đã lợi dụng cơ hội này xúi tôi vu cáo ông Trịnh Vĩnh Bình, mục đích để tịch thu tài sản”.

Ngày 12/6/1998, Ban Thường vụ Đảng Cộng sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi một văn bản gửi cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải để xin ý kiến chỉ đạo. Văn bản có đoạn viết: “Vụ án [Trịnh Vĩnh Bình] này dư luận trong xã hội đang quan tâm, nhất là cán bộ hưu trí cựu chiến binh là: Ta xử hay không xử”.

clip_image032

Ngoài ra, văn bản này cũng nêu lên những “khó khăn” của địa phương về ý kiến trước đó của Viện Kiểm sát Tối cao đề nghị cho phép ông Bình tại ngoại. Ban Thường vụ tỉnh cho biết gặp khó khăn trong việc xác định mức tiền đóng tại ngoại “tương xứng với sự vi phạm nghiêm trọng” và sẽ khó đảm bảo ngăn chặn việc thông cung, nội bộ công ty [của ông Bình] thanh toán lẫn nhau và ông Bình có thể bỏ trốn ra nước ngoài.

Do đó, vẫn theo văn bản ngày 12/6/1998, Ban Thường vụ tỉnh đề nghị tòa án xét xử ngay vì “đã có kết luận tội của Bình. Sau khi có bản án thi hành, sẽ thực hiện chính sách khoan hồng của ta. Như vậy Bình sẽ không nói xấu ta được vì đã tuyên án. (Phương án này ta nắm đằng chuôi)”.

VOA Việt Ngữ không nhận được hồi âm từ đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam liên quan đến đề nghị phỏng vấn và xác minh văn bản nêu trên.

Tiếp đó, một văn bản được đóng dấu “Mật” do Trưởng ban Thường vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trần Đình Hoan, gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ban cán sự Đảng TAND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương ngày 23/6/1998, chỉ đạo “việc tổ chức xét xử cần được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ”, “giải quyết vụ án theo ý kiến chỉ đạo trên và báo cáo kết quả với Thường vụ Bộ Chính trị”, “có thể cho [ông Bình được] tại ngoại theo yêu cầu của Đại sứ quán Hà Lan” và “sau khi Bình được xét xử thì trục xuất khỏi nước ta”.

clip_image034

Ngày 2/8/2017, VOA liên lạc với ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng cựu viên chức này cho biết ông đang bận và từ chối trả lời các câu hỏi về vụ án Trịnh Vĩnh Bình.

Bản án

Ngày 11/12/1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù đối với ông Trịnh Vĩnh Bình về tội vị phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ, phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.

Đại tá, Luật sư Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng Hội Luật gia Việt Nam, sau khi xem hồ sơ vụ án Trịnh Vĩnh Bình, nhận định “hồ sơ không có chứng cứ cụ thể, chính xác”. Ông nói bản án chỉ dựa chủ yếu vào lời cung của các nhân chứng:

“[Họ] trọng cung hơn là trọng chứng. Mà cung cũng là ép cung, mớm cung hoặc dọa cung là có. [Họ] sử dụng cung nhiều quá mà chứng lại không có”.

Vị luật gia từng làm việc tại Viện Kiểm sát Tối cao biện luận:

“Ông ấy đứng tên người khác theo đúng hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam là ông phải đứng tên người khác. Vì lúc ấy, nó không cho người nước ngoài, người có quốc tịch nước ngoài mua nên ông ấy phải đứng tên người khác. Ông đã thực hiện đúng như ý của họ. Sau đấy họ lại cho là ông ấy mua đất đai, nhà xưởng… là không hợp pháp. Thì chẳng hiểu thế nào là hợp pháp nữa. Bảo ông ấy thế nào thì ông ấy làm đúng như thế. Chứ ông ấy có làm sai đâu”.

Ngày 24/7/2017, VOA liên lạc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, để tìm hiểu về vụ án. Nhưng ông Hiếu cho biết Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc là người phụ trách vụ này. Ngày 25/7, VOA nhận được trả lời từ Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc rằng ông đang “bận” và từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ Trịnh Vĩnh Bình.

Bản án của ông Trịnh Vĩnh Bình cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận vào thời điểm đó.

clip_image036

Thư khẩn của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/2/1999, yêu cầu Chính phủ Việt Nam hoãn thi hành án cho trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình.

Báo Pháp Luật TP.HCM trong bài viết ngày 29/12/1998 đặt câu hỏi: Bản án Trịnh Vĩnh Bình - “Liệu có phù hợp với chủ trương khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư?”

Trong mục “Đầu tư chui cũng không có tội”, bài báo này khẳng định tình trạng phổ biến “có hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư chui” tại Việt Nam vào lúc này và “Nếu việc này là sai trái thì liệu có đến mức xử lý hình sự không?”

Bài báo khẳng định vào thời điểm xử vụ án, việc đầu tư chui này đã được “hợp pháp hóa” qua Quyết định 767/TTg do Thủ tướng Việt Nam ban hành ngày 17/9/1997.

Ngày 25/2/1999, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan có thư khẩn gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong đó trích dẫn các khoản, mục trong Quyết định trên của Thủ tướng, đồng thời yêu cầu Chính phủ Việt Nam hoãn thi hành án cho trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình cho đến khi các chính sách mới trên được làm rõ.

Sau bản án sơ thẩm, ông Bình làm đơn kháng cáo, gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu lên khắp các cơ quan nhà nước, thậm chí lên các quan chức cấp cao ở trung ương.

clip_image038

“Lúc tôi bị giữ, gia đình tôi có làm đơn. Thủ tướng Phan Văn Khải thấy rõ ràng, theo giấy ông ấy viết và có gửi một bản copy cho gia đình, ông ấy yêu cầu Bộ trưởng Lê Minh Hương. Ông ấy viết rằng ‘Bộ trưởng Lê Minh Hương, anh xem lại trường hợp của anh Bình. Không sai phạm đến nỗi phải giữ. Anh chỉ đạo công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Bình không có lỗi đến phải xử. Vì ảnh nghe lời người trong nước, bị họ lấy tiền rồi làm bậy’, đại khái vậy”.

Tuy nhiên, nỗ lực của ông Bình và một số quan chức Việt Nam không mang lại hiệu quả.

Theo nhận định của cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, khi các “thế lực khác vào cuộc”, nội vụ “trở nên phức tạp muôn phần”.

Cựu Đại sứ Việt Nam nói: “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện”.

Sau phiên phúc thẩm, bản án của ông Bình giảm từ 13 năm xuống thành 11 năm tù (năm 1999). Báo Thanh Niên ngày 14/7/2012 cho hay nhiều tài sản (nhà và đất) của ông Bình được tòa phúc thẩm giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu. Hai cơ sở sản xuất (diện tích gần 40.000 m2) cùng 9 căn nhà trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho Cục Thi hành án dân sự bán đấu giá.

clip_image040

“Phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm không thay đổi gì mấy. Tôi thấy tình hình không êm rồi. Họ có giấy triệu tập tôi trở lại trại tù. Họ cho tôi thời gian 7 ngày. Trong thời gian đó, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại, nhưng thấy không êm rồi. Tới giờ chót, tức ngày hôm sau đi trình diện thì tôi trốn”. Ông Bình nhớ lại thời điểm quyết định liên quan đến vận mệnh mình cách đây gần 20 năm.

Kỳ sau: Bản án Trịnh Vĩnh Bình tạo căng thẳng ngoại giao Việt Nam - Hà Lan ra sao? Làm thế nào ông Trịnh Vịnh Bình đưa được Chính phủ Việt Nam vào vị trí Bị đơn ở Tòa trọng tài Quốc tế? Thỏa thuận Singapore bao gồm những gì? Xin xem tiếp Kỳ 4: Căng thẳng Việt Nam - Hà Lan và Tòa trọng tài .

Kỳ 4: Căng thẳng Việt Nam - Hà Lan và Tòa trọng tài

VOA - Chỉ trong 6 năm, qua hàng loạt lãnh vực kinh doanh và đầu tư sắc bén, giá trị số vốn ban đầu ông Trịnh Vĩnh Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần. Sự thành công của ông tạo ra “sức cuốn hút không bình thường”, đưa đến con đường lao lý, dẫn “Vụ án Trịnh Vĩnh Bình” lên đến Bộ Chính Trị. Cựu Đại Sứ Việt Nam tại Hà Lan thời điểm ấy nhận định: “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện”. Vụ án này đã ảnh hưởng quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan ra sao? Việt Nam và ông Bình “đáo tụng đình” như thế nào? Mời độc giả theo dõi dưới đây.

***

Chính phủ Hà Lan, thông qua Đại sứ quán của hai nước, đã có những can thiệp ngay từ những ngày đầu khi ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt và suốt những năm sau này.

“Chính phủ Hà Lan rất tốt. Họ rất bênh vực công dân của mình. Họ đã cực lực phản đối và làm đủ mọi việc hết. Bộ Ngoại giao Hà Lan đã gọi cả Đại sứ Hà Lan [tại Việt Nam] về nước để phản ánh vụ này”. Ông Trịnh Vĩnh Bình nói với VOA.

Sức ép

Một số nhà ngoại giao Việt Nam cũng thừa nhận mối lưu tâm đặc biệt Chính phủ Hà Lan dành cho vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Theo họ, Hà Lan xem đây là một vụ vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT) giữa hai nước.

“Vụ này là một obstacle [trở ngại] trong quan hệ Việt Nam-Hà Lan, và tôi đã phải đứng mũi chịu sào trực tiếp giải quyết. Tôi đã phải liên lạc giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan, giữa Quốc hội hai nước và giữa rất nhiều cơ quan khác”. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nói với VOA.

clip_image042

Cảm nhận được độ “nóng” của vụ Trịnh Vĩnh Bình đối với quan hệ song phương, Đại sứ Đinh Hoàng Thắng đã sang Paris báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm nhân dịp ông Cầm có công vụ tại Pháp.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 7/8/2017, vị đại sứ cho biết ông đã phải chịu rất nhiều sức ép từ Bộ Ngoại giao Hà Lan, đặc biệt là từ Quốc hội và một số nghị sĩ từ các đảng đối lập trong Quốc hội Hà Lan.

“Sức ép mạnh nhất và nặng nhất là vào thời điểm chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Hà Lan, khi tôi ra sân bay đón Thủ tướng, thì ngay trước đó 1 giờ đồng hồ, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan còn cho thư ký đến và thu xếp cuộc gặp để ông ấy đến trực tiếp trao toàn bộ hồ sơ của vụ án và quan điểm của phía Hà Lan, yêu cầu Chính phủ Việt Nam xem xét lại vụ án”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Joris Voorhoeve, sau đó còn yêu cầu Thủ tướng Wim Kok và Ngoại trưởng Hà Lan gửi thư trực tiếp cho Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương để yêu cầu giải quyết vụ ông Trịnh Vĩnh Bình.

Phía Quốc hội Hà Lan cũng liên tục gây sức ép lên Chính phủ Việt Nam qua những động thái như không ủng hộ việc thông qua các hiệp ước, đề nghị cắt giảm viện trợ hay gửi các thông điệp gay gắt, chất vấn các quan chức Việt Nam khi họ đến thăm nước này.

clip_image044

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Joris Voorhoeve (Ảnh tư liệu năm 1997/Reuters)

Các dân biểu còn đưa vụ Trịnh Vĩnh Bình lên Quốc hội châu Âu vào những dịp phái đoàn Việt Nam đến thăm. Một văn kiện ghi lại bài phát biểu của Dân biểu Jules Maaten, thuộc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội châu Âu, ngày 14/10/2001, có đoạn: “Tôi mạnh mẽ ủng hộ một cuộc điều tra độc lập tình trạng của ông Trịnh Vĩnh Bình và các nhà đầu tư khác ở Việt Nam”.

Dân biểu này cho rằng việc Việt Nam tuyên án tù và tịch thu tài sản của ông Bình đã “gây cản trở và có tác động rất tiêu cực đến quyết định của các nhà đầu tư khác”, và đề nghị Việt Nam “phải có sự bảo vệ thích hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư ở Việt Nam, phải chấm dứt nạn tham nhũng. Đây là điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự phát triển kinh tế và chính trị trong tương lai ở Việt Nam cũng như những nối kết của Việt Nam với nền kinh tế thế giới”.

Nỗ lực không thành

clip_image046

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Ảnh tư liệu năm 1998/Reuters)

Về phía Chính phủ Việt Nam, một số giới chức cũng nỗ lực giải quyết ổn thỏa vụ này. Trong đó phải kể đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và một số giới chức khác.

Nguyên Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, trong cuộc trả lời phỏng vấn với VOA ngày 8/8/2017, cho biết: “Ý kiến chỉ đạo quan trọng là từ Thủ tướng lúc bấy giờ là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bản thân tôi là một Bộ trưởng, một thành viên Chính phủ cũng đã kết nối và chỉ đạo Bộ Ngoại giao, chỉ đạo Đại sứ ở Hà Lan, và các ngành liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Tinh thần chung hồi bấy giờ là Thủ tướng muốn dàn xếp sao cho vụ việc không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hà Lan, cũng như giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu”.

clip_image048

Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm trong một buổi trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế. (Ảnh tư liệu)

Trong nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng lên tiếng công khai về vụ này trong một phiên chất vấn tại Quốc hội Việt Nam vào năm 1998.

Trong cuốn Hồi ký “Gia đình, Bạn bè và Đất nước”, bà Nguyễn Thị Bình tiết lộ sau khi tìm hiểu thấy Luật pháp Việt Nam vẫn “đang trong quá trình hoàn thiện” và “thấy cách làm của Bà Rịa - Vũng Tàu không đúng, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với Việt kiều, là đối tượng ta đang kêu gọi họ về xây dựng đất nước”, đã đề nghị “nếu họ [Việt kiều] không có gì sai phạm lớn, nguy hiểm, thì nên cảnh báo, hướng dẫn họ là tốt nhất”.

Tuy nhiên, kiến nghị của bà đã không được chấp nhận, nên cuối cùng bà đã phải sử dụng quyền Đại biểu Quốc hội của mình để công khai lên tiếng về vụ này.

Ông Trịnh Vĩnh Bình, lúc đó đang ở Sài Gòn, vẫn còn nhớ như in buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp.

clip_image050

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Ảnh tư liệu năm 2007/AP)

“Bà Bình, tôi nhớ trong một phiên họp ngày 20/5/1999, bà ấy đưa vụ này ra Quốc hội và chất vấn ông Trịnh Hồng Dương, Chánh án Tối cao. Bà ấy cho rằng ông Bình về làm ăn là có lợi cho kinh tế, không có tội. Tại sao phải làm như vậy? Phải xem xét lại. Lúc đó, ông Nông Đức Mạnh là Chủ tịch Quốc hội. Đó là buổi chất vấn trực tuyến, ở Sài Gòn mở tivi ra là xem được. Tôi đích thân theo dõi buổi đó và đã khóc. Tôi thấy bà Bình đưa ra điều đúng với tâm trạng, nỗi uất ức của tôi. Tôi khóc”.

Chủ tịch Quốc hội lúc đó, ông Nông Đức Mạnh, đã ghi nhận ý kiến của bà Nguyễn Thị Bình. “Nhưng sau đó Ủy ban Pháp luật được giao nhiệm vụ giám sát đã không làm việc nghiêm túc, không giúp làm rõ được vấn đề nên để sự việc kéo dài, và về sau đã gây ra nhiều rắc rối”, bà Bình cho biết trong cuốn Hồi ký.

clip_image052

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (Ảnh tư liệu năm 2006/Reuters)

Các cấp chuyên viên cũng đã có những can thiệp.

Đại tá, Luật gia Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, cho biết sau khi xem hồ sơ vụ án, ông cũng đã trình bày quan điểm của mình cho các cơ quan tòa án và Ban Bí thư Bộ Chính trị. Ông khẳng định với VOA rằng vụ án Trịnh Vĩnh Bình không có chứng cứ rõ ràng.

“Không thể làm ăn vô lý như thế được. Anh phải có chứng cứ cụ thể, chính xác, khoa học. Anh đặt [mình] vào địa vị người ta về nước như thế, đóng góp cho anh tiền và mua bán chính đáng như vậy, mua những đồ không làm được của các anh, người ta cải tạo lại, bổ sung để làm ăn, thuế má người ta đóng đầy đủ, thậm chí người ta làm từ thiện rất tích cực, thì tại sao các anh lại làm ăn quá đáng như thế? Tôi nói đầy đủ cho họ như vậy”.

Nhưng sau khi trình bày ý kiến, ông Lê Mai Anh cho biết cấp trên khuyên ông rằng “họ có quyền” và “trên đã có ý kiến như thế rồi thì thôi”, nhưng ông Mai Anh nói “Tôi có thể ‘thôi’ theo quan điểm của tổ chức, nhưng cá nhân tôi vẫn giữ quan điểm của mình”.

Theo cựu giới chức của Viện Kiểm sát Tối cao, phía “bên kia” giữ chức vụ cao nên cũng “khó nói lại”. Ông cho rằng vấn đề nằm ở chỗ “quan điểm” của một số người nào đó “có quan hệ lợi ích trong đó nên bảo vệ lẫn nhau, chứ không phải là ý kiến chung của Đảng và Nhà nước”.

clip_image054

Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh tư liệu năm 1998/Reuters)

Nguyên Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cũng khẳng định “vụ việc không chỉ liên quan đến các cơ quan chức năng ở Vũng Tàu, mà còn liên quan đến một số cơ quan trung ương khác. Đặc biệt hồi đó, theo anh em báo cáo lại, liên quan đến cả một số bộ phận bên an ninh”.

Chính “nội vụ phức tạp” của vụ án, mà theo lời Đại sứ Đinh Hoàng Thắng, tất cả những nỗ lực giải quyết êm thắm vụ việc đều như “đánh vào bị bông”.

Ra Tòa Quốc tế

Sau khi nhận thấy tất cả những nỗ lực can thiệp từ cả phía Chính phủ Hà Lan và một số giới chức cấp cao Việt Nam đều không mang lại kết quả, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định đưa vụ án ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế.

Tháng 10/2003, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ, Covington & Burlington, đứng ra kiện Chính phủ Việt Nam trước Tòa trọng tài Quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng thuê một tổ hợp luật sư nổi tiếng của Pháp, Glyde Loyrette Rouel, đại diện mình.

Phía ông Bình đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường 100 triệu đôla vì vi phạm Hiệp định Thương mại Song phương.

clip_image056

Trong thư gửi cho Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện, Luật sư của Covington & Burlington cho biết họ “xác định được rất nhiều quyền lợi của ông Trịnh, quyền của nhà đầu tư vào Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng”. Chẳng hạn như “ông Trịnh đã bị tước đoạt quyền được ‘đối xử bình đẳng và công bằng’ cho nhà đầu tư Hà Lan tại Việt Nam theo điều khoản 3(1) của Hiệp ước quy định”.

Trước khi diễn ra phiên xử đầu tiên, được ấn định vào ngày 4/12/2006, Việt Nam đã gửi nhiều đoàn đàm phán đến làm việc với ông Trịnh Vĩnh Bình, theo lời ông Bình nói với VOA.

“Một hai năm đó là thời Thủ tướng Phan Văn Khải (chú Sáu Khải). Phải nói chú Sáu Khải là một Thủ tướng muốn làm một bộ luật hoàn chỉnh. Một bộ luật tốt. Ông rất chú trọng tới những vấn đề sai lầm này. Ngoài việc viết thư cho ông Lê Minh Hương, ông cũng đã thấy vụ này là sai nên đã cho một người làm con thoi cố gắng thương lượng vụ này”.

Sau gần cả chục lần đàm phán, kể cả trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại, email, ông Bình cho biết hai bên đã đạt được một “thỏa thuận ngoài tòa”.

“Cuối cùng vào tháng 11/2006, trước khi xử khoảng 10 ngày, [hai bên] đã ký được Bản thỏa thuận. Họ ghi rõ phía ‘Chính phủ Việt Nam cam kết’ trên văn bản đàng hoàng nên tôi đinh ninh rằng họ sẽ làm hết, sẽ giải quyết cho tôi. Tôi nghĩ thôi thì cố gắng về gây dựng lại”.

Thỏa thuận, theo lời ông Bình, được ký kết tại Singapore vào tháng 11/2006, bao gồm 3 điều khoản.

Điều 1: Ông Trịnh Vĩnh Bình cam kết chấm dứt hoàn toàn vụ kiện tại Tòa trọng tài ở Stockholm và sẽ không có phiên tòa đã được ấn định trước đó.

Điều 2: Phía Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho ông Bình 15 triệu đôla; miễn thi hành án tù và tạo điều kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình về nước thực hiện các dự án đầu tư; khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản “hợp lý” của ông Bình.

Điều 3: Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền cư trú, đi lại và làm ăn cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

clip_image058

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (Ảnh tư liệu)

Ngày 31/7/2017, VOA gửi thư chính thức cho Vụ Báo chí của Bộ Ngoại giao Việt Nam để xác nhận nội dung “Thỏa thuận Singapore”.

Ngày 8/8/2017, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà trả lời VOA như sau:

“Chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi này của phóng viên đến các cơ quan chức năng.

Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật”.

Trong khi đó, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, người tự nhận là mình “ngu”, nói với VOA về Thỏa thuận này: “Tôi bị lừa. Cú đó là tôi bị lừa…”

Kỳ cuối: Vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình cho rằng mình “bị lừa”? Nguyên nhân nào khiến vụ kiện 100 triệu USD năm 2006 biến thành “ít nhất 1,25 tỷ USD” hiện nay? Cơ hội thắng thua giữa hai bên? Những ảnh hưởng của vụ kiện đối với Việt Nam? Xin xem Kỳ cuối: Hai chữ ‘hợp lý’ trị giá tỷ đô!

Kỳ cuối: Hai chữ ‘hợp lý’ trị giá tỷ đô

VOA - Vụ án Trịnh Vĩnh Bình, từ vụ việc mang tính địa phương tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đã mau chóng lên đến trung ương, cả Bộ Chính trị. Người biết chuyện lúc ấy nhận định, “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện”. Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan thời ấy, trong cuộc trả lời phỏng vấn VOA ngày 18 tháng Tám, cũng nói “vấn đề là từ các cá nhân. Đó là một vụ tham nhũng nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Bình ở Việt Nam”. Sau khi ký thỏa thuận ngoài tòa tại Singapore, ông Bình nói rằng mình bị lừa trong một tiêu chí của một điều khoản liên quan đến việc trả lại tài sản của mình tại Việt Nam. Chính điều này đưa đến vụ kiện lần thứ hai, tại Paris vào ngày 21 tháng Tám, với số tiền bồi thường ông Bình đòi “ít nhất 1,25 tỷ đô la”. Xin theo dõi phần cuối dưới đây.

***

Thời điểm ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế, báo chí trong nước gần như im tiếng. Rải rác chỉ một vài bài phỏng vấn các chuyên gia pháp luật về các thủ tục kiện tụng tại Tòa trọng tài.

Khi hai bên đạt được thỏa thuận ngoài tòa, dòng tin tức bị cắt đứt hoàn toàn, cả trong nước lẫn quốc tế. Các phóng viên quốc tế chuyên theo dõi những vụ kiện tại Tòa trọng tài cũng chỉ biết rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận. Còn nội dung thỏa thuận như thế nào không ai rõ.

Nguyên nhân, theo lời ông Bình, là vì đây là điều kiện phía Việt Nam đưa ra trong thỏa thuận: Không tiết lộ thông tin cho truyền thông, báo chí.

Điều này, theo nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, là một bất lợi cho ông Trịnh Vĩnh Bình:

“Cái khó của ông Trịnh Vĩnh Bình là báo chí thế giới rất ít nói về vụ này. Thành ra họ [Việt Nam] nghĩ là họ lờ đi”.

“Lấy mỡ nó rán nó”

Sau thỏa thuận ký kết tại Singapore năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình trở về Việt Nam.

Đúng theo cam kết, Việt Nam miễn án tù và cho phép ông Bình ra vào nước dễ dàng. Dù không hề đề cập đến Bản thỏa thuận, báo Lao Động ngày 11/6/2012 vẫn đưa tin ông Bình “được Chính phủ ta giải quyết miễn chấp hành hình phạt tù, cho về Việt Nam”.

Nhưng điều khoản trả lại tài sản đã không được thực hiện như những hứa hẹn trong thời gian đôi bên thương lượng thỏa thuận, theo lời ông Bình.

“Tôi lại ngây ngô tôi về. Tôi cứ nghĩ là trên nguyên tắc có Bản thỏa thuận. Bên Chính phủ Việt Nam cam kết, họ ghi rất rõ, 1… 2… 3… Vậy mà họ về họ âm thầm họ làm”.

Không bỏ cuộc, suốt những năm từ 2006-2014, số đơn từ ông Bình gửi để xin giải quyết việc trả lại mấy chục địa điểm tài sản có thể “cân ký được”, ông nói.

Phía Việt Nam thời gian đầu khi nhận được đơn yêu cầu trả lại tài sản của ông Bình cũng có văn thư trả lời cho ông. Một văn bản Bộ Tư pháp Việt Nam gửi cho ông Trịnh Vĩnh Bình vào tháng 9/2008 nói Bộ này “đang nghiên cứu, xem xét theo quy định của pháp luật”. Nhưng theo lời ông Bình, kể từ sau văn thư này, Bộ Tư pháp “bặt vô âm tín”.

clip_image062

Trong các ngày 24/7 và 25/7/2017, VOA liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tư pháp để xác minh việc này nhưng chỉ được trả lời “bận” và từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ Trịnh Vĩnh Bình.

Cũng trong thời gian này, ông Bình nhận được lời giải thích từ phía đại diện Việt Nam về việc không hoàn trả các tài sản đã tịch biên. Ông Bình kể cho VOA:

“Đoàn đàm phán Việt Nam trình bày lý do tài sản bị sang tay, không thể trả lại.

Họ nói như thế này: ‘Chúng tôi cũng đã nghiên cứu để giải quyết cho ông Bình theo thỏa thuận Singapore. Nhưng khi về, chúng tôi gặp khó khăn là những tài sản đó bây giờ đứng tên người thứ 2, thứ 3…’, tức là họ sang tay, bán mấy lần rồi. Cái câu ‘thứ 2, thứ 3’ là đúng. Nhưng tôi muốn nói cái dối của họ là họ qua họp khoảng năm 2014, 2015. Trong khi chính người phát ngôn đó hồi năm 2009, 2010, trong một văn bản, tìm cách lý giải ‘tiêu chí’ mà trong Bản thỏa thuận có ghi là từ ‘hợp lý’. Họ đưa ra hàng lô những cái mà họ cho là không hợp lý để không trả tài sản lại”.

Tiêu chí “hợp lý” nằm trong một điều khoản của Bản thỏa thuận mà Chính phủ Việt Nam và ông Trịnh Vĩnh Bình đã ký kết tại Singapore năm 2006 về việc giải quyết trả lại tài sản cho ông Bình. Một phần của điều khoản này có nội dung, khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản “hợp lý” của ông Bình.

clip_image064

Một số xe hơi cổ của ông Trịnh Vĩnh Bình.

Theo lời ông Bình, Việt Nam đã cố tình thêm chữ “hợp lý” vào Bản thỏa thuận, trong khi trước đó trong các bản thảo thương lượng, Việt Nam cam kết trả lại toàn bộ tài sản cho ông.

Tại Việt Nam, báo chí thời gian này cũng đưa tin về chuyện nhiều tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình đã bị “xà xẻo”, tự ý bán một cách “tùy tiện và cẩu thả”, đi kèm với tin truy tố một vài cán bộ thuộc Cục thi hành án dân sự, mà theo lời ông Bình, chỉ là “những con tép riu” ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có dính líu đến vụ án của ông. Báo Thanh Niên ngày 11/6/2012 nói “đã có nhiều sai phạm” trong thời kỳ hậu vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Nhiều tài sản của ông Bình bị bán một cách “bất minh”, “trong đó có khu ‘đất đẹp’ giá rẻ về tay người nhà [của 3 cán bộ thi hành án]”.

Vẫn theo tờ báo này, “trong quá trình kê biên khu nhà kho thuộc tài sản của ông Bình, các cán bộ này đã phát hiện ra 12 xe ô tô trong nhà kho không được tuyên trong bản án. Thay vì phải xác minh làm rõ nguồn gốc, chủ sở hữu, Hoàng và Linh [2 trong số 3 cán bộ] vội vàng tiến hành cưỡng chế, kê biên số tài sản này”.

Cũng trong thời gian tài sản của ông Bình bị sang tay, “xà xẻo” vô tội vạ ở địa phương, ở cấp trung ương cũng có những “chỉ đạo” xuống cho các bộ, ngành và địa phương liên quan đến vấn đề tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình.

Một văn bản đóng dấu “Hỏa tốc” của Văn phòng Chính phủ gửi cho Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM vào ngày 2/4/2010 ghi rõ: “Giao Bộ Tư pháp chủ trì họp với Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân các địa phương có liên quan bàn thống nhất biện pháp xử lý tài sản liên quan đến vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2010”.

clip_image066

Trước đó, một văn bản từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngày 12/10/2009 gửi Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ này “có ý kiến” với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, “chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành dừng việc san lấp, sử dụng đất có liên quan tới việc khiếu tố để chờ ý kiến kết luận giải quyết cuối cùng của cơ quan chức năng, tránh việc khiếu tố kéo dài, phá vỡ cam kết”.

Tuy nhiên, những chỉ đạo từ bên trên đã không hề có hiệu lực trên thực tế tại địa phương.

“Vì những người đi làm [việc giải quyết trả lại tài sản] xuống tới Vũng Tàu thì bị câu móc. Miền Bắc có từ hay lắm ‘Lấy mỡ nó rán nó’. Họ dùng tài sản của mình chia nhau. Ai xuống thì ‘Thôi, đừng làm gì hết. Mình chia nhau’. Rồi họ sang tay ngầm. Họ kéo vào chia chác nhau. Họ làm đủ thứ hồ sơ. Ví dụ từ 10.000 m2, họ làm thành 8.000 m2, 7.000 m2… Rồi cuối cùng họ nói ‘Cái này không giao cho ông Bình được vì hồi xưa có bản án như vậy, vi phạm thế nọ thế kia. Tóm tắt là họ lấy hết của tôi”. Ông Bình nói với VOA.

clip_image068

Ngày 26/7/2017, VOA liên lạc với ông Nguyễn Cao Lục, phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, để xác minh nội dung các văn bản thì được ông trả lời: “Rất xin lỗi là nó không thuộc lĩnh vực của tôi phụ trách. Cái này bên Bộ Ngoại giao [phụ trách] thôi. Liên hệ với bên Bộ Ngoại giao nhá”.

Sau nhiều lần liên lạc với lãnh đạo và Vụ Báo chí của Bộ Ngoại giao, VOA nhận được trả lời từ Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà vào ngày 8/8/2017: “Chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi này của phóng viên đến các cơ quan chức năng”.

Đơn từ không giải quyết được việc, năm 2012, ông Trịnh Vĩnh Bình về Việt Nam và đến gặp bà Nguyễn Thị Bình, người mà ông từng tận tai nghe trực tiếp trên truyền hình bà chất vấn trước Quốc hội về vụ án của ông.

“Tôi đến cầu cứu bà ấy. Bà Bình thở dài, ngả người ra sau ghế và nói ‘Bình ơi, chị bây giờ không còn quyền chức, không làm gì hết. Thời chị còn quyền chức, chị nói còn chưa nghe nữa mà. Thôi để chị thử”.

clip_image070

Ngày 26/12/2012, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và “đề nghị đ/c [đồng chí] có thể dành ra một ít thời gian chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và các tỉnh có liên quan để giải quyết dứt điểm việc này, giữ uy tín cho Chính phủ, đảm bảo công bằng và nghiêm minh của pháp luật, tránh những phức tạp có thể xảy ra không cần thiết”.

Chờ thêm 2 năm nữa, những nỗ lực đòi lại tài sản của ông Bình vẫn chẳng đi tới đâu.

“Để lâu cứt trâu hóa bùn. Kệ. Cứ kéo dài vậy”. Ông Bình chua chát, vì trước đó, Đại tá-Luật gia Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, sau khi nhận được kêu cứu từ ông Bình, đã cảnh báo:

“Trả lại tiền cho ông ấy bây giờ là khó khăn lắm. Không thể có chuyện ấy được đâu. Nhưng mà ông ấy vẫn cứ tin Nhà nước mình nên ông ấy cứ chờ đợi từ năm này sang năm khác”.

Kiện lần 2

Tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế lần thứ hai.

Hồ sơ của ông lần này được chuyển cho tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ: King & Spalding.

Trong vụ kiện lần này, ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam phải bồi thường “ít nhất 1,25 tỷ đôla”.

“Tôi đòi hai mục. (1a) là những tài sản mà Chính phủ Việt Nam tịch thu hay chiếm đoạt trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế về hiệp thương. (1b) Do vụ án gây ra một số hệ quả, nên những hệ quả đó cũng được liệt kê vào để đòi đền bù. Điểm thứ 2 là điểm nhức nhối”.

Ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết điểm đòi bồi thường thứ 2 dựa trên tiền lệ của một vụ kiện nhốt tù oan sai ở Mỹ. Trong vụ kiện này, người bị nhốt tù oan 4,5 ngày đã được tòa ra phán quyết buộc Chính phủ Mỹ phải bồi thường 5 triệu đôla. Như vậy, một ngày bị tù oan được bồi thường khoảng 800.000 đôla. Ông Trịnh Vĩnh Bình dựa trên tiền lệ này để quy ra số tiền đòi Chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho hơn 18 tháng Việt Nam giam giữ ông.

“Tôi rất tiếc là Chính phủ Việt Nam thay vì một vụ việc mà mình thấy mình sai, mình biết mình sai rồi thì giải quyết cho người ta êm đẹp, tức là ngăn ngừa không cho vụ này xảy ra tiếp. Đây là việc nên làm. Nhưng không, Việt Nam thường thường khi có một vụ xảy ra, người ta có khiếu nại hay muốn nói lên sự thật, thì lại tìm cách đàn áp nó xuống, dùng mọi hình thức đe dọa, đàn áp. Tôi cho đây là một cách thức mà khi sử dụng với những người Việt kiều thì gần như 80%, 90% là vô hiệu. Là vì những người Việt sống ở nước ngoài người ta đã hấp thụ được cái gọi là trật tự xã hội, pháp luật ở bên ngoài. Người ta cho rằng đó là quyền của người ta. Người ta được bảo vệ. Còn Việt Nam thì không vậy. Quyền ở trong tay tôi. Trong tay tôi thì tôi có thể làm”.

Về phía mình, Chính phủ Việt Nam lần này thuê tổ hợp Luật sư nổi tiếng của Anh, Freshfields Bruckhaus Deringer LLP. VOA nhiều lần liên lạc chuyên viên tư vấn pháp lý hiện đang làm việc với tổ hợp luật sư trên, nhưng đều không nhận được câu trả lời.

Trong văn bản gửi VOA ngày 8/8/2017, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà chỉ trả lời chung cho gần 10 câu hỏi của VOA rằng:

Chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi này của phóng viên đến các cơ quan chức năng.

Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật”.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, cho biết về quy trình xử kiện sắp tới:

“Xử, xong rồi giả dụ [Tòa trọng tài] có đưa ra một kết luận là phải trả, thì đương nhiên họ sẽ có quyền và bằng cách nào đó nắm tài sản của Việt Nam. Cả cái Âu châu nó lớn. Nếu là Tòa Quốc tế thì họ phải chặn account [tài khoản] của Chính phủ Việt Nam”.

Cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc nói thêm: “Tôi nghĩ là để cho họ [Trung tâm Trọng tài Quốc tế] làm. Rồi sau đó Việt Nam học được một bài học. Chả có cách gì khác. Phải để cho nó xảy ra. Trừ phi bây giờ Việt Nam xin nộp lại tất cả những thứ đó, trả lại ngay lập tức, rồi thì quan tòa có thể kêu thôi và bỏ [việc xét xử]”.

Tiến sĩ Joris Voorhoeve, người trước đây trong tư cách Bộ trưởng Quốc phòng của Hà Lan đã có rất nhiều can thiệp, yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải xem xét lại vụ án, trong cuộc phỏng vấn với VOA ngày 18/8/2017, nói bản án của Việt Nam đối với ông Trịnh Vĩnh Bình là “bất công”.

“Vấn đề là từ các cá nhân. Đó là một vụ tham nhũng nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Bình ở Việt Nam”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Voorhoeve nhận định vụ án này là một “thử nghiệm” về lòng tin, không chỉ từ phía Hà Lan mà còn ở Hoa Kỳ và các nước khác, đối với việc tuân thủ Luật pháp quốc tế và trong nước của Việt Nam.

clip_image076

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Voorhoeve trong cuộc phỏng vấn qua Skype với VOA, 18/8/2017.

Thắng, thua? Đau!

Nguyên đơn vụ kiện, ông Trịnh Vĩnh Bình, khá tự tin về khả năng thắng kiện.

“Dĩ nhiên quyết định cuối cùng vẫn là ở tòa. Nhưng tôi thấy Chính phủ Việt Nam, đừng nói là phần trăm, mà tôi dám nói mạnh miệng rằng phần ngàn cũng không có. Bởi vì trong vụ này không phải là sai ít, mà là sai từ Luật của Việt Nam, mà chính Chính phủ Việt Nam bây giờ cũng biết sai”.

Trong khi đó, những người dân ở phía “Bị đơn”, cũng không hề tỏ ra lạc quan.

Nhà báo Nguyên Bình, con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nói với VOA:“Làm sao mà thắng được? Một là mình không có thầy kiện giỏi. Hai là người ta đã nghiên cứu kỹ rồi. Người ta cũng thông thạo luật pháp quốc tế rồi. Thế thì chuyện thua là phần lớn hơn là không thua. Mà đã thua rồi thì mất rất nhiều thứ. Không những về kinh tế, mà còn về chính trị, ngoại giao. Cái đấy là chắc chắn rồi”.

Theo bà, Việt Nam “chỉ có cách thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình và xin lỗi ông ấy”.

“Việt Nam bây giờ đang thiếu tiền, thiếu vốn, muốn kêu gọi Việt kiều cũng như các nhà đầu tư ở các nước vào đầu tư, mà nếu vụ này phanh phui ra và bị thất bại thì ảnh hưởng sẽ rất lớn. Chẳng biết ai người ta còn muốn vào Việt Nam đầu tư kiểu này nữa không?”

Theo bà Nguyên Bình, “về lâu dài, phải dân chủ hóa. Phải không được kỳ thị những người giỏi về luật pháp và có kinh nghiệm làm ăn quốc tế. Chứ còn bây giờ cái gì cũng Đảng. Mà Đảng thì không hiểu biết gì về làm ăn kinh tế. Một ông chưa bao giờ đọc một cuốn sách về kinh tế mà lại cứ lãnh đạo và quyết định mọi thứ, thì thua là cái chắc. Không phải thua một ông Trịnh Vĩnh Bình này, mà còn có thể thua rất nhiều trong những vụ làm ăn với châu Âu”.

Hầu hết các giới chức Việt Nam mà VOA phỏng vấn khi thực hiện loạt bài này đều dè dặt trong việc đưa ra tiên đoán về khả năng thắng, thua của Việt Nam.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nói: “Trước đây đã có thỏa thuận ngoài tòa, nghĩa là Việt Nam đã phải lùi một bước. Lần này liệu còn có đất lùi nữa hay không là tùy vào sự chuẩn bị của đội ngũ luật sư mà trong nước đã phải bỏ tiền ra thuê rất đắt. Nhóm lợi ích thu về được một ít tiền của ông Bình, không biết có nổi dăm triệu không, mà bây giờ nếu phải đền bù có thể lên đến nhiều trăm triệu đôla. Tiền này ai gánh chịu? Người dân và doanh nghiệp Việt Nam đóng thuế ở Việt Nam è cổ bỏ tiền thuê luật sư để cãi cho những người mà chính luật pháp Việt Nam cũng đã bỏ tù họ”.

Phiên xử đầu tiên của vụ kiện sẽ diễn ra vào ngày 21/8/2017 tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế ở Paris, Pháp.

Trong những năm tháng chuẩn bị cho vụ kiện, ông Bình nói với VOA rằng ông luôn chuẩn bị tâm thế để đối mặt với tình huống xấu nhất.

“Qua vụ này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ trả một giá rất đắt. Tôi cam đoan như vậy. Đừng có nghĩ là đe dọa tôi, không ăn thua gì. Tôi không là gì cả. Văn bản của tôi bây giờ nằm trong tay luật sư. Từ lâu, khi vào cuộc chơi, tôi đã chấp nhận cuộc chơi. Tôi đã chuẩn bị di chúc và ủy quyền hết rồi. Tôi chả là gì hết. Nếu còn tôi, thì còn có thể ở một mức nào đó thương lượng để giải quyết những thiệt hại và ngăn ngừa trong tương lai để không cho những quan tham làm chuyện này tiếp”.

clip_image079

Ông Bình tham quan địa điểm đầu tư tiềm năng tại Việt Nam vào tháng 4/1990.

Khi được hỏi nếu được lựa chọn lại, ông có quyết định về Việt Nam đầu tư?

Ông Trịnh Vĩnh Bình trả lời:

“Tôi có thể nói rằng thuê tôi cũng không dám. Cho tiền tôi một ngày bao nhiêu tôi cũng không dám. Thực ra không phải là không dám, mà tôi không muốn. Tại sao mình phải phí thời giờ như vậy? Tâm sức của mình phải được tưởng thưởng ít nhất trên tinh thần”.

Ước mơ, hoài bão xây dựng quê hương đã được ông Trịnh Vĩnh Bình rất nhiều lần, bằng nhiều cách, trình bày với các cơ quan chức năng của Việt Nam, như trong một văn bản ông đã gửi cách đây 7 năm:

“Nếu tài sản nhỏ nhoi của gia đình tôi có bị quan chức Vũng Tàu tìm cách tịch thu (để họ ngấm ngầm chia chác nhau bằng nhiều cách, như họ đang luồn lách, tha hồ mà làm như hiện nay), thì nó sẽ không có giá trị gì đối với đất nước Việt Nam. Điều làm cho tài sản gia đình tôi có lợi ích đối với đất nước Việt Nam chính là phải để nó tiếp tục sản xuất sinh nở ra những lợi ích tự nhiên, làm tấm bảng quảng cáo mạnh cho việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài, khích lệ thu hút sự đóng góp tích cực từ khối kiều bào… đó mới là có lợi”.

Cả ông Trịnh Vĩnh Bình lẫn một số giới chức của Việt Nam mà VOA phỏng vấn đều tỏ ra không vui vẻ gì trong vụ kiện này.

Ông Trịnh Vĩnh Bình nói “đấu tranh” tại Tòa Quốc tế là lựa chọn cuối cùng của ông. Vì theo lời ông, “cái gì cũng vậy, cũng phải có đấu tranh để theo luật đào thải”.

Tất cả họ, cả bên bị đơn lẫn nguyên đơn, nói như lời Đại sứ Đinh Hoàng Thắng, đều “đau” trong vụ án xuyên thế kỷ này.

K.A.

__________

(*) Đầu đề do BVN tự đặt khi đăng lại loạt bài 5 kỳ của Khánh An trên VOA.

Nguồn:

Kỳ 1: https://projects.voanews.com/vu-kien-trinh-vinh-binh-vs-chinh-phu-vn/ky-1-di-theo-tieng-goi-ve-nuoc-dau-tu

Kỳ 2: https://projects.voanews.com/vu-kien-trinh-vinh-binh-vs-chinh-phu-vn/ky-2-len-nhu-dieu-gap-gio

Kỳ 3: https://projects.voanews.com/vu-kien-trinh-vinh-binh-vs-chinh-phu-vn/ky-3-vu-an-len-den-bo-chinh-tri

Kỳ 4: https://projects.voanews.com/vu-kien-trinh-vinh-binh-vs-chinh-phu-vn/ky-4-cang-thang-vn-ha-lan-va-toa-trong-tai

Kỳ cuối: https://projects.voanews.com/vu-kien-trinh-vinh-binh-vs-chinh-phu-vn/ky-cuoi-2-chu-hop-ly-tri-gia-ty-do

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn