Nóng, bụi và ồn ào

Trịnh Khả Nguyên

Tình hình bán đảo Triều Tiên hết nóng. Bắc Triều Tiên (BTT) “hoãn” bắn hỏa tiển tới đảo Guam. Chẳng có ai “thở phào nhẹ nhõm” vì tăng nhiệt là “ông”, hạ nhiệt cũng là “ông”.

Buồn cười là BTT mà dọa Mỹ, Nhật và cả NTT. Chắc nghĩ rằng bọn tư bản, “nồi đồng” sợ chết, lo bị vỡ, bị méo, chứ (ta) “nồi đất”, không có gì để mất. Hay đây là kế sách của hai vị đàn anh, xử thằng em “Chí Phèo” cứ hùng hổ chửi mắng, hù dọa nhiều vào, không cho nó yên, lo chống nhiều nơi (Đông Âu, Trung Đông, Biển Đông, Đông Bắc Á) cùng một lúc. Nó chẳng dại gì đánh đâu, vì dân nó rất ghét chiến tranh, cựa là biểu tình. Hoặc giả tạo ra một kẻ thù để dân chúng quên đi cái hà khắc, nghèo đói. Có điều lạ đời là chống Mỹ để bảo vệ, lãnh tụ tối cao K.J. Un, chứ không phải bảo vệ đất nước.

Phải chi đã nghèo cố làm cho giàu như NTT để dân nhờ thì hay biết mấy, thế giới cũng phục. Đằng nầy đã nghèo lại đem tiền của dân làm hỏa tiễn để bắt chẹt thiên hạ, xem thiên hạ như bầu sữa, luôn luôn khuấy để được chìu. Khép kín, nhưng lại sợ bị quên luôn, muốn được xem như cường quốc nguyên tử.

Lúc nào cũng thấy “lãnh tụ tối cao” K.J. Un đang dùng ống nhòm (nhòm gì?), và các quan văn võ xum xuê vây quanh cầm giấy, bút ghi ghi chép chép (ghi cái gì?). Bản đồ dùng cho chiến sự, một tài liệu rất mật, thì phơi trên bàn cho phóng viên quay phim chụp ảnh (chơi).

Chuyện đánh đấm hạ nhiệt, nhưng thời tiết thì diễn biến phức tạp, không nói đâu xa chỉ trên đất nước Việt Nam, cùng một thời điểm, có nơi thì nắng như thiêu đốt, có nơi thì lũ quét, lũ ống gây tổn thất nặng nề về người và tài sản như Mù Cang Chải, Yên Bái.

Trời! Lại Yên Bái! Chuyện án mạng năm trước chưa nguôi, mới đây chuyện “biệt thự” còn đang “làm sáng tỏ” thì nay là chuyện nước lũ cuốn trôi 7 người, Báo Mới đưa tin(*). Người ta, bị chết là một mất mát quá lớn, lại không tìm thấy xác là quá bi thảm. Còn những người sống thì nay nhìn quang cảnh là một vùng bùn lầy ngổn ngang. Nghèo thường gặp eo, dân nghèo ở nơi heo hút, gần núi rừng, nhà cửa tạm bợ mới chụi lũ, chứ những khu biệt thự uy nghi có tường cao, hào sâu che chắn kiên cố (như thế nầy)(**) thì lũ cũng thua.

Xưa nay, thủy, hỏa, đạo, tặc là thiên tai hay nhân tai.

Động đất, sóng thần, núi lửa, hạn hán, bão lũ… là thiên tai do trời gây, người đành chịu, không oán trách, chỉ phòng, trời hành cơn lụt mỗi năm/khiến đau thương thấm ngập tràn Thuận An để lan bể khơiơi..hò… (“Tiếng Sông Hương”, Phạm Đình Chương). Nay nhờ khoa học, nhất là khoa khí tượng thiên/thủy văn tiến bộ người ta có thể biết trước những hiện tượng thiên nhiên bất thường để phòng chống, giảm thiểu các thiệt hại. Thế nhưng, có người đã thách trời cứ hạn/lũ nữa vào… và cho in câu thơ nầy, chính xác là toàn bài, vào sách giáo khoa làm “bài học thuộc lòng” cho trẻ.

Chiến tranh, chém giết, tống tiền, bắt cóc, đàn áp người hiền lành, tham nhũng (tiền bạc, chức vụ) ăn cắp của dân, của nước (kỳ thật của nước là của dân)… là nhân tai do người gây ra.

Không thể nói “tai” nào hơn “tai” nào. Thiên tai thì vô tình, gặp ai tai nấy, nôm na là không ân oán, không âm mưu. Tác nhân của nhân tai là con người, nên có toan tính, có đường đi nước bước, giương Đông kích Tây.

Ai cũng biết, người tính không qua trời tính. Không đề cập đến “Trời”, vị tối cao của tôn giáo, mà chỉ nói “Trời” là cơ duyên, là tình thế. Do đó, Trời không ở đâu cao xa, trời ở ngay cỏi trần bụi bặm nầy, trời là… dân, ý dân là ý trời. Hợp lòng dân là thuận lòng Trời, không hợp ý dân thì có “nói trời, nói đất” dân cũng không nghe.

Và cũng không có “biên giới” rạch ròi giữa thiên tai với nhân tai. Nhìn hiện tượng tưởng là thiên tai, nhưng nguyên nhân (chính) là do người. Con người có thể không biết được các hậu quả hoặc do chỉ thấy lợi mà khai thác thiên nhiên vô tội vạ. Đất vùi, sạt lỡ, lũ lụt… thoạt nhìn là hiện tượng tự nhiên, nhưng kỳ thật có thể do phá rừng, ngăn sông làm thủy điện tràn lan, xả thải ra sông ra biển khiến nước ô nhiễm gây thiệt hại cho rất nhiều người, chỉ vì lợi ích của một số người, một số nước. Việc làm ô nhiễm môi trường, kể cả trên thế giới, đôi khi người ta nhân danh lợi ích quốc gia (cần công nghiệp hóa, cần tăng trưởng…).

Không cần kiến thức chuyên ngành môi trường, một chị bình thường đi chợ (không phải chê quí chị đâu, nhưng hầu hết người đi chợ là “chị”) nay cũng sợ cá, thịt, rau bẩn. Họ nói đồ ăn bẩn, môi trường ô nhiễm là kẻ giết người thầm lặng, nó không làm cho người ta chết tức thì như tai nạn, nó giết từ từ. Lo lắm, nhưng chẳng biết nói với ai, làm gì, chị em đi chợ chỉ cho nhau tránh những thứ ô nhiễm, được chừng nào hay chừng ấy. Trái lại những người gây ô nhiễm môi trường họ yên tâm vì họ không ăn “đồ bẩn”, không uống nước nhiểm độc, không thở không khí bụi bặm. Họ được an toàn, tỉnh táo tính toán điều lợi điều hại.

Cái lợi của người nầy là cái họa của người kia, cái lợi của một số nước là cái họa của nhân loại. Thế giới rất “lấy làm tiếc” việc (Mỹ) Tổng thống Tờ-Rơn tuyên bố rút ra khỏi “Hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris”. (Lan mang một tí : Ông Tờ-Rơn nầy giỏi buôn bán, có biết gì về luật pháp. Đêm đêm ông “túy toát” tùm lum, ông hồ đồ muốn bịt miệng các mạng truyền thông phê phán ông ta. May mà nước Mỹ còn có Hiến pháp, Quốc hội độc lập với chính quyền nên ông Tổng thống không thể tự tung tự tác).

Có người cho rằng thà như ông Tờ-Rơn, không ưa Hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris thì nói toạc ra và tuyên bố rút ra khỏi “sân chơi” nầy. Không như những anh nào đó thấy tổ chức nào có chữ Thế giới, Quốc tế, Liên Hiệp Quốc… thì cố vào cho bằng được, thậm chí là ứng cử các ghế chủ chốt không phải để phát triển các tổ chức nầy mà để có “lợi”.

Mấy ngày nay nắng nóng gay gắt thêm tin, sẽ tăng một số phí, thuế… nghe càng nóng hơn.

Dù nắng lửa hay mưa dầu, hằng ngày phải ra đường, chạy công việc mới có tiền. Tình trạng giao thông của mình thì “biết rồi”, trên một đoạn đường hơn trăm mét, “ông” xây dựng dựng tôn rào chắn, đặt những tấm biển “công trường, tốc độ 5km/h” khiến lối đi chỉ còn phân nửa, dòng xe cộ chen chúc, luồn lách, tranh nhau từng centimet, nhích chậm chạp, có lẽ <5km/h, lấy đâu chạy cho nhanh (bảng cảnh báo hơi thừa). Thỉnh thoảng “ông” giao thông cho xe có 2 loa phóng thanh (một hướng ra trước, một hướng về sau) phát những qui định cho các phương tiện tham gia giao thông như cấm phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu, bị giữ giấy tờ như thế nào, đã uống bia rượu không lái xe, đã lái xe không uống bia rượu… Hai bên đường, quán thì mở nhạc tình, quán thì phát tin khuyến mãi, giảm giá “cực khủng!”. Vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều mấy cái loa công cộng mắc trên trụ điện phát bản tin trong nước, tin quốc tế. Chung là diễn biến phức tạp.

Về nhà mở TV xem dự báo thời tiết: Nắng nóng còn gay gắt trên diện rộng có nơi nhiệt độ >360. Thời tiết ngoài Biển Đông, quanh khu vực Hoàng Sa, Trường Sa vẫn yên tĩnh, gió cấp 4, cấp 5, tầm nhìn xa >10 km.

Ngồi nhà mà vẫn còn bị mệt vì nắng gắt, bụi bặm ồn ào. Tại đấy chỉ mấy anh nộm bằng nylon có bơm hơi đưa tay như vẫy mọi người và mấy ông/bà người mẫu mặc đồ thời trang đứng im trong các tủ kính nhìn thiên hạ tất bật lại qua lo sinh kế. Chợt nhớ bài “Hỏi ông phổng đá” của cụ Nguyễn Khuyến:

Ông đứng làm chi đó hở ông?

Trơ trơ như đá, vững như đồng

Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?

Non nước đầy vơi, ông biết không?

T.K.N.

__________

Chú thích:

(*) http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/7-nguoi-mat-tich-do-lu-ong-lu-quet-o-mu-cang-chai-yen-bai-20170803092801154.htm

(**) http://vnexpress.net/photo/thoi-su/ben-trong-khu-biet-thu-cua-gia-dinh-giam-doc-so-tai-nguyen-yen-bai-3607164.html

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn