Mỹ phải chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc



LS Nguyễn Văn Thân 

Vào ngày 19/1/2018, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã công bố Chiến Lược Quốc phòng mới của Mỹ tại Đại học John Hopkins. Văn kiện này bổ túc cho Chiến lược An ninh quốc gia mà Tổng thống Trump công bố vào tháng 12 năm 2017 dựa trên 4 trụ cột là bảo vệ an ninh quốc nội, đẩy mạnh sự thịnh vượng của Mỹ, duy trì hòa bình bằng sức mạnh và phát huy ảnh hưởng của Mỹ. Nếu 4 mục tiêu này nói lên khát vọng chung chung của chính quyền Trump thì Chiến lược Quốc phòng hoạch định kế hoạch quân sự cụ thể đ đạt được mục tiêu mà chiến lược an ninh quốc gia đề ra.

Chiến lược Quốc phòng lần trước ra đời dưới thời Robert Gates cách đây đúng một thập niên vào ngày 31/7/ 2008. Khác với các văn bản trước đây, Chiến lược Quốc phòng 2018 khá ngắn gọn và do chính tay Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis soạn thảo. Mattis là một vị tướng thủy quân lục chiến. Do đó, ông sử dụng ngôn ngữ thẳng thừng như một người lính. Trong hai thập niên qua, chiến lược quốc phòng của Mỹ đặt ưu tiên việc chống khủng bố Hồi giáo. Lần này thì hoàn toàn đảo ngược. Thật ra, Mattis cho rằng Mỹ đã chểnh mảng với chiến lược quốc phòng trong thời gian qua. Chiến lược mới sẽ ghi nhận thực tế là Trung Quốc và Nga là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ. Thứ hai là Bắc Hàn và Iran. Sau chót mới là khủng bố Hồi giáo.

Theo Mattis, Trung Quốc và Nga là 2 cường quốc ''xét lại'' và có tham vọng bành trướng lãnh thổ. Cả hai đều muốn thách thức trật tự toàn cầu dựa trên các chuẩn mực và luật pháp quốc tế cũng như có ý đồ định hình thế giới theo mô hình nhà nước chuyên chế của họ. Bắc Kinh và Moscow thực hành các biện pháp lũng đoạn với âm mưu là kiểm soát chính sách kinh tế, phát triển, ngoại giao và an ninh của các quốc gia khác trong và ngoài khu vực cận kề với họ. Đặc biệt là Trung Quốc. Bắc Kinh sử dụng các ngón đòn kinh tế trấn lột (predatory economics) và quân sự hóa Biển Đông với mục đích đẩy Mỹ ra khỏi khu vực đ độc chiếm Biển Đông. Trong khi đó, Nga sử dụng sức mạnh quân sự để kiểm soát các quốc gia trong khu vực Đông Âu cũng như phá hoại các thể chế dân chủ tại Georgia, Crimea, và Đông Ukraine.

Chiến lược Quốc phòng mới khẳng định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chiến lược của Mỹ, chớ không phải là đối tác. Cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ là trọng tâm của mọi chính sách quốc phòng trong thời gian tới. Đây là một bước ngoặt quan trọng có thể làm thay đổi cục diện an ninh và hòa bình thế giới.

Để theo đuổi mục đích của chiến lược này Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đặt nỗ lực vào 3 lãnh vực. Thứ nhất là xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh và nguy hiểm nhất. Thứ hai là siết chặt quan hệ với đồng minh và nới rộng quan hệ đối tác với các quốc gia khác. Và thứ ba là cải cách phương cách điều hành Bộ Quốc phòng để gia tăng hiệu năng.

Trung Quốc và Nga đã có phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng thật là đáng tiếc thay vì đối thoại giải quyết bất đồng dựa trên luật quốc tế thì Mỹ lại chọn phương án đối đầu. Lavrov cũng cho rằng đây là cách mà Mattis sử dụng để thuyết phục Quốc hội Mỹ gia tăng ngân sách cho Bộ Quốc phòng.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang) đã chỉ trích mạnh mẽ Chiến lược mới của Mattis. Ông Nhm biện bạch là Trung Quốc có toàn quyền xây cất và thiết lập phương tiện quân sự để bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông. Thậm chí, ông cáo buộc chính Mỹ là thủ phạm thao túng gây rối tình hình an ninh tại Biển Đông. Bà Hoa Xuân Oánh Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc đi xa hơn một bước và kêu gọi Mỹ hãy từ bỏ tư duy cũng như ý định tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của truyền thông Úc, Bộ trưởng Quốc phòng TNS Marise Payne nói rằng bà chia sẻ quan điểm của Mỹ được thể hiện qua văn bản Chiến lược Quốc phòng mới. Phó Thủ tướng Barnaby Joyce còn thẳng thắn hơn khi ông nhận định mối đe dọa từ Trung Quốc lớn hơn khủng bố là "rõ như ban ngày" (bleeding obvious). Nhưng sau đó, Ngoại trưởng Julie Bishop và Thủ tướng Malcolm Turnbull cãi chính là Úc không coi Trung Quốc và Nga như là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Chính bà Payne cũng đã đính chính là bà không có ý cho rằng Trung Quốc và  Nga đang đe dọa an ninh của nước Úc.

Theo GS Paul Dibb, Chiến lược Quốc phòng mới là một hồi chuông cảnh báo đối với Úc vì quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều so với Bạch thư Quốc phòng 2016 và Bạch thư Ngoại giao 2017 của Úc. Mỹ coi cả hai cường quốc Trung Quốc và Nga là đối thủ nhưng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Mỹ có đánh thắng cả hai cùng một lúc. Là đồng minh của Mỹ, Úc phải dự liệu tính tới tình huống này. Có nghĩa là có ngày Úc sẽ phải sát cánh với Mỹ để đánh lại Trung Quốc và Nga. Liệu Úc có chuẩn bị đầy đủ tinh thần và phương tiện cho viễn ảnh này chưa?

Ngay sau khi công bố  Chiến lược Quốc phòng mới, Mattis liền thăm viếng Nam Dương và Việt Nam là hai nước có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông. Mattis ca ngợi vai trò của Nam Dương là  điểm tựa hàng hải của Ấn Độ - Thái Bình Dương và nhấn mạnh là Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ quyết định của Jakarta đặt tên vùng biển trong đường 9 đoạn của Trung Quốc nhưng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương là Bắc Natuna. Tại đây, Mattis cũng thương lượng bán 48 chiếc phi cơ F16 cho Nam Dương trị giá 4.5 tỷ Mỹ kim. Trò chuyện với ký giả, Mattis nói rằng ''mọi quốc gia lớn nhỏ đều đáng được tôn trọng. Không thể chấp nhập bất cứ hành vi bắt nạt nào''.

Tại Việt Nam, Mattis ghé  thăm và thắp nhang tại Chùa Trấn Quốc. Tuy mang tính biểu tuợng nhưng Mattis muốn gửi một thông điệp rõ ràng là Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền trong trường hợp Trung Quốc tiến hành xâm lấn. Ngoài việc miêu tả Hà Nội như là ''đối tác cùng chí hướng'', Mattis cũng công bố là Hàng không mẫu hạm Carl Vinson sẽ ghé vào Đà Nẵng trong tháng 3 tới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy là Mattis sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc tại Biển Đông. Dưới chính quyền Trump, hải quân Mỹ không cần phải xin phép trước mà có toàn quyền quyết định thi hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải để đối phó với yêu sách bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh. Vào ngày 20/01, tàu khu trục USS Hopper đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough Shoal do Trung Quốc kiểm soát. Bắc Kinh đã lớn tiếng phản đối việc này, cho rằng Mỹ xâm phạm chủ quyền của họ. Scarborough Shoal là nơi mà Trung Quốc đã giựt từ tay Phi Luật Tân. Thế mà Manila chẳng buồn lên tiếng về việc này. Tổng thống Duterte đã quay 180 độ. Không những đang cứu xét tiến hành khai thác dầu khí chung trong vùng biển có tranh chấp, Duterte còn cho phép Bắc Kinh tiến hành thăm dò tại vùng biển phía Tây Philippines thuộc chủ quyền hoàn toàn của Philippines và là nơi không có tranh chấp.

Vào tháng 9 năm 2017, Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng lên tới 700 tỷ. Tổng thống Trump sẽ yêu cầu Quốc hội chuẩn chi 716 tỷ cho ngân sách quốc phòng 2019. Vào ngày 2/2/2018, Ngũ Giác Đài công bố chính sách mới là Mỹ sẽ tiến hành khai triển hai loại vũ khí hạt nhân mới. Thứ nhất là vũ khí hạt nhân chiến lược có cường độ thấp nhằm để tấn công và phá hủy căn cứ quân sự nằm sâu dưới lòng đất. Nói là có cường độ thấp nhưng sức công phá còn nhiều hơn hai trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Thứ hai là hoả tiễn hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Bộ Quốc phòng Mỹ dự trù sẽ chi 1,200 tỷ trong 30 năm cho kế hoạch này. Theo Tổ chức Kiểm soát Vũ khí, Mỹ ước lượng có 6,800 vũ khí hạt nhân so với 7,000 của Nga. Pháp có 300 và Trung Quốc đứng thứ tư với con số 270. Chính sách mới này chính thức chấm dứt và đảo ngược nỗ lực giải giới vũ khí hạt nhân của Tổng thống Obama.

Nga và Trung Quốc đã giận dữ lên án chính sách hạt nhân mới của Mỹ. Một vài tờ báo của Nga và Trung Quốc kêu gọi Moscow và Bắc Kinh cùng hợp sức để chống lại ''thái độ hiếu chiến'' của Mỹ. Vào tháng 12 năm ngoái, báo The Sun của Anh đưa tin là quân Nga và Trung Quốc bí mật tập trận chung để đối đầu với Mỹ nếu Tổng thống Trump quyết định tấn công đưa quân vào Bắc Hàn.

Vào ngày 18/1/2018, Ấn Độ tổ chức diễn đàn Raisina có sự tham dự của chỉ huy lực lượng hải quân tứ quốc "kim cương dân chủ" là Đô đốc Harry Harris Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ vừa được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Úc, Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, Phó đô đốc Sunil Lanba, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, và Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Úc, Phó đô đốc Tim Barrett. Tại đây, Đô đốc Harris đã thắng thắn nhận định Trung Quốc là "thế lực gây rối làm biến đổi nguyên trạng" và làm "xói mòn lòng tin trong khu vực". Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 14/2, ông đi xa hơn nữa và lên án Trung Quốc có tham vọng bành trướng lãnh thổ và ý đồ phá vỡ trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Đô đốc Harris cũng cảnh báo là Mỹ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.

Với Chiến lược Quốc phòng và Chính sách Vũ khí Hạt nhân mới mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra cùng với thái độ cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Đô đốc Harris, khó mà tránh khỏi một cuộc chạy đua vũ trang cũng như tình trạng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Câu hỏi là nếu Chiến tranh Thế giới thứ Ba xảy ra thì liệu Mỹ có khả năng đánh bại cả hai đối thủ từ phương Đông cùng một lúc hay không?

Vào tháng 9 năm 2015, trong chuyến công du chính thức lần đầu tiên với cương vị là Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình phát biểu về quan hệ tương lai Mỹ Trung là: "chúng ta nên nhận định triệt để dựa vào sự thật để tránh trở thành nạn nhân của sự hoang tưởng và định kiến. Không có cái gì gọi là cái bẫy Thucydides trên thế giới này. Nhưng nếu các cường quốc luôn mắc phải sai lầm chiến lược, họ có thể tự gài bẫy Thucydides cho chính bản thân mình".

Nếu chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra thì sẽ có nhiều sử gia ấn định mốc điểm khởi đầu từ quyết định chiến lược tiến hành quân sự hóa Biển Đông của Tập Cận Bình. Người Trung Quốc thường tự hào là họ thông suốt lịch sử với chiều dài lịch sử đẫm máu hơn 5,000 năm của dân tộc Trung Hoa. Vấn đề là ông Tập có áp dụng lời khuyên này cho chính bản thân ông khi quyết định tiến hành quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông để Mỹ phải phản ứng với Chiến lược Quốc phòng mới hay không? Và liệu ông Tập có thể hóa giải được cái bẫy mà sử gia Thucydides đã đặt ra từ 2,500 năm về trước hay không?   

N.V.T.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn