Trao đổi với nhà báo Thuận Hữu về mạng xã hội

Giang Nam

Trước khi một Thuận Hữu chính khách cao cấp xuất hiện, chúng ta biết một Thuận Hữu khác.

clip_image002

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu

Những ngôi nhà đẹp của ai được người ta chụp?

Trên đất nước ngày càng có nhiều nhà to đẹp, vì sao người ta thích chụp? Có thể tạm chia ba loại: loại thứ nhất là những ngôi biệt thự, biệt phủ có kiến trúc đẹp lạ tân kỳ (bất kể chủ nhân là ai) được chụp để dành tham khảo, thưởng thức, học theo mẫu; loại thứ hai là những công trình biệt phủ, biệt điện, trang trại khu nghỉ dưỡng hoành tráng của chủ nhân là quan chức; loại thứ ba là những ngôi nhà không đẹp, kệch cỡm tuy đắt tiền. Nhiều khả năng chủ nhân thuộc loại trọc phú, dốt thẩm mỹ, ưa khoe của. Cũng là loại giàu nhanh chóng, giàu dễ dàng, không biết tiếc tiền.

Đối với loại thứ 2, những người xóm giềng thiên hạ biết rằng, tin rằng các chủ nhân quan chức khó mà xây dựng được biệt thự lâu đài bằng tiền bạc chính đáng tự họ làm ra hoặc được thừa kế. Mối nghi ngờ ấy được đăng lên mạng xã hội, đôi khi vài tờ báo nhà nước cũng đăng khéo léo. Chẳng hạn như báo Tiền phong nhân dịp Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đến thăm chúc Tết đầu năm ông cựu TBT Nông Đức Mạnh, nhà báo đã đàng hoàng chụp một số ảnh biệt điện dát vàng đăng báo rất trang trọng (!).

Anh nhà báo đại biểu Quốc hội bênh vực ai?

Tại sao các quan chức có nhà to đẹp biệt phủ lâu đài không dám thực hiện quyền khiếu nại tố cáo những người chụp nhà của họ đăng Facebook?

Anh biết tại sao không ? Anh thử đi làm phóng sự hỏi các vị khổ chủ tại sao các quí vị bị xâm phạm quyền riêng tư, quyền tài sản mà không lên tiếng. Anh sẽ có một phóng sự hấp dẫn, độc đáo, không đụng hàng. Tờ báo Nhân dân sẽ ăn khách bất ngờ và được nhiều người biết đến hơn bây giờ.

Báo Tiền phong dẫn ý kiến của anh Thuận Hữu nhà báo đại biểu QH dõng dạc phát biểu tại nghị trường như sau:

Theo Tiền phong online ngày 22/05/2018: “Mạng xã hội: Vi phạm tràn lan không ai xử lý!”

“Bây giờ cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Trong khi đó, tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng. Nhưng mạng cứ đưa tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý”, Chủ tịch Hội nhà báo Thuận Hữu cho hay”.

Cách nói tránh né của anh thể hiện rõ. Anh gọi “ông này, ông kia” thay cho các chủ nhân “quan chức”, như thế lẫn lộn với những chủ nhân không phải quan chức. Anh khôn khéo lắm, tránh kỵ huý, ngại mất lòng đồng liêu hoặc tiền bối.

Anh lại dẫn luật “tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ”. Anh tự nguyện giúp bọn quan tham bảo vệ “tài sản cá nhân” thay vì vạch mặt chúng, sao lạ vậy ?

Anh cũng cần biết rằng chụp ảnh một ngôi nhà chưa phải xâm phạm tài sản cá nhân hoặc xâm phạm quyền riêng tư… Nếu những công trình kiến trúc có biển cảnh báo “Cấm chụp ảnh” (No picture) thì tình hình sẽ khác.

Anh cũng nên biết rằng một ngôi biệt thự đẹp gắn liền và thuộc về cảnh quan môi trường, nếu đẹp và hài hoà phối cảnh xung quanh thì được gọi là phong cảnh. Du khách, người đi đường có thể chụp tự nhiên, không có ai cấm cản. Khi đăng lên Facebook, chủ trang lại tinh tế ghi “tặng bạn có sở thích sưu tầm ảnh nhà đẹp”. Có người ghi chú “đố bạn biết chủ nhân là ai?”.

Anh cũng nên biết rằng quan chức nhà nước là “người của công chúng”, phải đặt dưới sự giám sát của công chúng nghiêm khắc hơn đối với công dân thường. Đó là một khiá cạnh của chế độ dân chủ.

Anh nhà báo Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, đại biểu Quốc hội, lần đầu đăng đàn phát biểu ở nghị trường. Lần đầu tiên anh bênh vực quan chức bị công chúng nghi tham nhũng thay vì bênh vực quyền lợi của đông đảo cử tri đã bầu anh thay mặt cho họ. Tuy nhiên anh cũng đã biết Quốc hội hơn một lần đau đầu (không phải tất cả nghị sĩ đều đau đầu) về việc truy thu tài sản bất minh và tham nhũng). Nhiều giải pháp được đề xuất, và nhiều tranh cãi trái chiều bất tận. Anh im lặng không đưa ra được giải pháp nào.

Anh còn nói buông thõng có vẻ thách thức pháp luật và công lý, như một số “nghị sĩ” khác đã nói khi tranh luận “việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng”.

Nhiều bạn hữu đồng chí đồng nghiệp còn nhớ một Thuận Hữu khác, một cựu chiến binh hải quân rồi trở thành phóng viên báo Đảng.

Một Thuận Hữu có khả năng làm thơ, từng nổi tiếng với bài thơ độc đáo “Những phút xao lòng” với hai câu thơ ít người dám hạ bút viết:

”Ai chẳng có những phút ngoài chồng ngoài vợ

Nào có trách chi những phút xao lòng !”

(Tạp chí Đất Quảng 1984)

Ngoài ra, anh đã in tới 49 bài thơ được bạn đọc coi là thơ đọc được hoặc thơ hay.

Trước khi một Thuận Hữu chính khách cao cấp xuất hiện, chúng ta biết một Thuận Hữu khác.

Một Thuận Hữu say mê truy cầu chân lý: “Nhớ những đêm Thuận Hữu thức trắng cố đánh giúp tôi cho xong một bản thảo quan trọng đem từ Đà Lạt xuống để tôi kịp đem ra Hà Nội trong chuyến đi xuyên Việt tháng 11.1988. Thuận Hữu nhiệt thành không chỉ vì cái tình anh em giữa chúng ta mà còn vì rất tâm đắc với nội dung bài viết – Thuận Hữu bảo thế khi trao cho tôi 7 xấp bản đánh máy với co chữ rất đẹp và rõ của cơ quan thường trú báo Đảng. Ấy là bài “Dắt tay nhau, đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của nhà khoa học Hà Sĩ Phu 1989 (nghe nói về sau Thuận Hữu đã bị kiểm điểm về cái vụ đánh máy giúp tôi đó).

Một Thuận Hữu làm báo cũng biết căm ghét khinh bỉ bọn tham nhũng: “Nhớ những đêm chúng mình ngồi trên ban công nhà 1b Ba Đình Đà Nẵng, có cả anh em Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh (thường gọi Cu Lập, Cu Vinh), nghe Thuận Hữu kể về những vụ bê bối động trời ở hậu cần Quân khu 5, về thái độ khúm núm của một cấp chỉ huy rất to tặng quà cho Thuận Hữu phóng viên báo Đảng để mong được lờ đi. Chén rượu Ba Đồn cực ngon Lập, Vinh đem từ quê vào bỗng đắng ngắt trong miệng. Một nỗi phẫn nộ ngút trời nén thành im lặng” (theo Hồi ức của nhà thơ Bùi Minh Quốc)

Nhà thơ Dương Hương Ly - Bùi Minh Quốc chia sẻ tâm sự ngỏ với Thuận Hữu “Trong tình cảm riêng tư, ta đâu nỡ trách nhau khi “những phút xao lòng”. Nhưng với Nhân dân, với Tổ quốc, liệu (Thuận Hữu) có được phép xao lòng nhạt nghĩa?

Thuận Hữu tác giả “Những phút xao lòng” bước vào cửa Trung ương làm Tổng Biên tập báo Đảng…Trong huyết quản tổng biên tập Thuận Hữu, liệu còn bao nhiêu độ thắm của dòng máu người lính Trường Sa? Trên báo Nhân dân, dưới mỗi dòng chữ, liệu có còn đập trái tim của người lính Trường Sa?

Kết

Tôi đọc trên wiki, thấy tiểu sử tóm tắt của anh ghi: nhà báo Nguyễn Hữu Thuận bút danh Thuận Hữu, tốt nghiệp Thạc sĩ Chính trị học, đại học tổng hợp Hà Nội. Có lẽ họ viết nhầm. Ở Việt Nam chưa từng có khoa Chính trị học, chỉ có khoa Chính trị Mác Lê Nin hoặc giả danh không tương thích với thực (nội dung vẫn là khoa Mác Lê Nin nhưng người trong cuộc thích gọi khác đi cho thiên hạ khỏi đàm tiếu). Tôi có những người bạn ở khoa đó nên tôi biết.

Nhầm lẫn thứ hai đối với báo chí khi nhắc tới nhà báo Thuận Hữu với tư cách đại biểu Quốc hội thì phải gọi tên thực là “Nguyễn Hữu Thuận”, như thế mới danh chính ngôn thuận. Đây là tình trạng lạm dụng ngôn ngữ, tuỳ tiện ngôn ngữ trong nền chính trị Việt Nam kể không xiết, ví như hiện tượng “trạm thu phí” bỗng nhiên gọi là “trạm thu giá” (Bộ GTVT có ý đồ riêng không minh bạch, một quan chức nói để lách thuế) đang nổi sóng công luận ngay tại nghị trường quốc hội.

G.N.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn