Cần có Luật về Đảng Cộng sản Việt Nam

Trúc Giang (VNTB)

“Cán bộ lãnh đạo phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu này khi phát biểu kết thúc Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng chiều ngày 25-6.

Giám sát theo… ý của Đảng?

Đoạn trích nói trên có toàn văn như sau: “Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân. Công quỹ là của công, cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân”.

Theo tường thuật từ báo chí, kết thúc Hội nghị vẫn chưa thấy nhân dân sẽ giám sát cán bộ lãnh đạo bằng cách nào? Vì ngay cả chuyện khi ông Phó Chủ tịch TP.HCM Tất Thành Cang vi phạm pháp luật - như xảy ra ở các vụ áp phe mua bán đất quận 7, quận 2, thì do ông Cang (và cả cựu Bí thư Lê Thanh Hải) là nhân sự thuộc Bộ Chính trị quản lý, nên ngay cả tòa án cũng chưa thể xử ông Tất Thành Cang, nếu như chưa có sự đồng ý của Bộ Chính trị, chứ nói chi đến ‘quyền giám sát’ của người dân vốn chỉ là mỹ từ ‘hữu danh vô thực’.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh5MOC90bTb4MQ7Xn5vaZ6ydSf6-NIfKt08laQH6Czd60ROpsGHwhBDoLZfOAZGcx8ZbLg8aGIIV8L8dEMjBGLrGZjUQOfxaCiwrvpZg9vGSShBMiLVhM766DjqXzbZhfUPKlbFGV2pZoQ/s640/co-truong-thang-co-dang-tung-bay.jpg

Ảnh minh họa.

Hiến pháp 2013, Điều 4 viết rằng các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Bình luận về quy định này, nói theo ngôn ngữ tuyên giáo thì trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng nên không chỉ tổ chức của Đảng, mà mọi đảng viên đều phải có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên cần minh định rằng Hiến pháp và pháp luật không phải và cũng không thể là sự thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Như vậy nếu đặt ra yêu cầu như lời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là cần nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức tự giác thi hành pháp luật của mọi cán bộ, đảng viên; đảng viên phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, kiên quyết chống lại những hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật, vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân, vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội... thì trên thực tế, đảng viên trước tiên phải tuân thủ theo các quy định mang tính nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người dân không thể biết đầy đủ các quy định nội bộ của Đảng để mà thực hiện quyền giám sát ‘cán bộ lãnh đạo’ như kêu gọi của ông Nguyễn Phú Trọng vào chiều ngày 25-6. Phải chăng người dân có quyền căn cứ vào Hiến định, Điều 16.2 “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”, để có thể ‘gọi tên chỉ mặt’ những ‘cán bộ lãnh đạo’ là bầy sâu dân, mọt nước?

Nếu không có Luật về Đảng thì tham nhũng vẫn cứ ung dung cười ngạo nghễ?

Tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện về tướng Phan Anh Minh. Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 do Thành ủy TP.HCM tổ chức vào chiều 8-3 (Bí thư Thành ủy lúc đó là ông Lê Thanh Hải), Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an Thành phố đã thẳng thắn: “Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì công an TP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”.

Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng, viết rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp uỷ đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng. Vì thế “công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên” nằm trong ý nếu không được tổ chức đảng, cấp uỷ quản lý trực tiếp đảng viên đó ra văn bản đồng ý.

Cũng vẫn là câu chuyện cũ. Tại Hội nghị lần thứ 9 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 28-6-2012, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã nêu một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 của Mặt trận. Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc MTTQ Việt Nam kiến nghị nên có một đạo luật riêng về Đảng.

Điều lệ của chính đảng nói chung quy định những điều cơ bản về tính chất, mục tiêu, nguyên tắc, tổ chức và đảng viên của đảng đó. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, không cho phép tổ chức đảng, đảng viên ở bất cứ cương vị và cấp bậc nào làm trái điều lệ. Qua quy định này, các chính đảng mặc nhiên thừa nhận điều lệ mang tính chất một “luật cơ bản” trong nội bộ của nó. Điều lệ của chính đảng chịu sự điều chỉnh của hiến pháp và pháp luật. Một chính đảng hoạt động hợp pháp thì đương nhiên điều lệ của nó phải phù hợp với hiến pháp và luật pháp.

Nếu so phần lý thuyết về ‘chính đảng’ như nói ở trên, thì ở Đảng Cộng sản Việt Nam, người ta thấy có quá nhiều nội dung điều lệ vượt lên trên cả quyền Hiến định. Đơn cử, ông Trần Quốc Vượng, lúc còn ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ký ban hành Quyết định 102, trong đó quy định rằng những đảng viên cộng sản nào đề cập đến những vấn đề như là tam quyền phân lập, hay xã hội dân sự sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Trong khi đó không có một đạo luật nào của Nhà nước Việt Nam ngăn cấm xã hội dân sự cả. Thậm chí, đôi khi báo chí của Nhà nước và cả website của Bộ Tư pháp đã nói rằng xã hội dân sự là cần thiết cho sự phát triển của đất nước [Nguồn: http://bit.ly/2yHueCp]. Như vậy những quan chức Việt Nam, đại đa số là những đảng viên Đảng Cộng sản, một mặt phải tuân theo Quyết định 102, là không đề cập đến xã hội dân sự, nhưng mặt khác, với tư cách là người điều hành đất nước họ phải thúc đẩy xã hội dân sự phát triển.

Cá nhân người viết cho rằng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần tự tin mạnh dạn khẳng định tính chính danh của đảng cầm quyền, bằng việc xây dựng một Luật về Đảng Cộng sản. Dự luật này cũng có quy trình làm luật bình đẳng như tất cả các luật khác.

Bởi nếu không thì mai này người dân chẳng biết thực hiện quyền giám sát được Hiến định tại Điều 4.2 ra sao, khi mà người ta cứ tiếp tục nhân danh tập thể, nhân danh “bảo vệ” cán bộ thì không ai có thể động đến lông tay lông chân bọn tham nhũng được. Và cứ thế, tham nhũng vẫn ung dung… cười ngạo nghễ.

T.G.

VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn