Những bùng binh nổi giận

Nguyễn Quang

Kiến Văn dịch

Thế là người Pháp, dân tộc om xòm và hay cãi, suốt 5 tuần lễ (xin lỗi, 5 “hồi”) nay, đắm mình trong vở tuồng xã hội bùng nổ mà họ vốn sở trường: tất nhiên ai cũng nghĩ tới “hệ quy chiếu” tuyệt đối, là phong trào Tháng năm 1968; rồi cuộc tổng đình công xe lửa năm 1995 chống lại cuộc cải cách của thủ tướng Alain Juppé; cuộc nổi dậy năm 2006 chống lại “hợp đồng tuyển dụng đầu tiên” của Dominique de Villepin; bãi công và biểu tình năm 2010 chống lại cuộc cải cách của Nicolas Sarkozy về chế độ hưu bổng. Năm nay, đệ nhị niên của triều đại Mã Khắc Long, vừa ra khỏi cuộc đọ gân với công nhân hoả xa, Đại Đế bỗng chới với với bọn “khố rách” (*) mặc áo vàng, dựng lên những máy chém hàng mã ở vô vàn bùng bình trên các nẻo đường đất nước. Diễn Đàn đã có bài “Cuộc khủng hoảng ‘áo vàng’ tại Pháp” tóm tắt diễn biến 5 tuần xáo động, ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc lại là cuộc khủng hoảng đã bắt đầu bằng một cuộc “jacquerie” (nông dân nổi loạn) tự phát, có vẻ như một phong trào Poujade (**), chống lại thuế môi trường đánh vào xăng dầu. Ban đầu, phong trào gặp sự chần chờ cù cưa của chính quyền, nhưng sau đó được các mạng xã hội tiếp ứng, rồi truyền thông khuếch âm, nó đã trở thành một cuộc nổi dậy bình dân, được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 dân chúng Pháp, trong khi những yêu sách ban đầu được mở rộng thành những đòi hỏi về mãi lực và công bằng thuế khoá. Cuối cùng, sau những cuộc bạo loạn hồi III và IV, sự lùi bước và những nhân nhượng của chính quyền không dập tắt được được đám cháy đã lan sang lãnh vực định chế (không phải không có hơi hớm dân tuý chủ nghĩa). Ở phần dưới, chúng tôi sẽ bình giải về ba từ ngữ : Poujade, bình dân và dân tuý vừa dùng ở trên.

Tháng tận hay tận thế?

Ở trên đã nói tới giọt (dầu) đã gây ra sự “tràn hông” (vì thuế má): đó là quyết định tăng “thuế xanh” trong đạo luật ngân sách 2019 vừa được thông qua. Đây là sự tiếp nối “lộ trình cac-bon” bắt đầu dưới nhiệm kỳ François Hollande nhằm mục đích ngăn chống nạn hâm nóng khí hậu. Trái nghịch với những khẳng định nguỵ tín của một số người, cả hai biện pháp đang gặp sự chống đối – tăng thuế đánh vào “tấn cac-bon” (dẫn tới việc tăng giá xăng dầu) và việc từng bước tăng thuế dầu cặn lên ngang bằng thuế xăng – đều ghi rõ trong chương trình tranh cử của Emmanuel Macron, không những ghi rõ mà còn đi vào chi tiết trong những đề nghị được đưa ra để trả lời bảng câu hỏi của hội “40 triệu người lái xe”. Chính phủ hoàn toàn có khả năng thực hiện ngân sách “quá độ năng lượng” vì biểu đồ giá xăng lên xuống theo thời gian cho thấy giá xăng cuối năm 2017 nằm trong trung bình giá cả từ 1960 đến nay (xem hình 1). Không những thế, biểu đồ mức lương cho thấy, năm 1973, một giờ tiền lương tối thiểu (smic) mua được 3 lít xăng, năm 2018 mua được 6 lít. Lại nhớ tới sự phản đối quyết liệt (đến mức đốt phá những cột ra-đa bắn tốc độ) quyết định hạn chế vận tốc tối đa 80 km/giờ trên một số tuyến tỉnh lộ, có người vội vã kết luận phong trào Áo Vàng có hơi hớm Poujade. Xin nhắc lại vào những năm 1950, đó là phong trào do Pierre Poujade khởi xướng, tập hợp một số ngành nghề. Trong ngôn ngữ chính trị Pháp, nói “phong trào Poujade” là nói tới sự tập hợp một số ngành nghề và những tầng lớp trung lưu có xu hướng phản động.

Hình 1 : biểu đồ giá xăng bán lẻ trong thời gian 1960-2017 tính bằng Euro cố định 2017.

h1

Prix de l'essence à la pompe en France (en euros constants 2017).

Chúng tôi không có ý biện minh cho những hành động quá khích, nhưng phải nói phản ứng như vậy là quá vội vàng bởi vì đó là quan điểm thuần tuý “kỹ trị”. Điều mà tia lửa gây ra đám cháy đã rọi sáng một điều mà những thống kế vĩ mô không cho thấy là giới tuyến phân chia hai nước Pháp: một nước Pháp toàn cầu hoá bao gồm những trung tâm đô thị lớn, và một nước Pháp bao gồm những vùng ngoại vi trên đường bần cùng hoá, nghĩa là nông thôn và cả những thị trấn và thành phố nhỏ bị gạt ra ngoài lề cuộc toàn cầu hoá. Sự phân bố các hoạt động Áo Vàng xác nhận sự phân ranh: 77% trong số 700 xã tham gia phong trào Áo Vàng là những xã dân số không quá 20 000 người, số thành phố trên 50 000 dân chỉ chiếm 8% tổng số 700 nói trên. Phương thức hành động cũng cho thấy điều đó: sở dĩ “Áo Vàng” đóng chốt ở các bùng binh ngoại vi và bãi đậu xe của các trung tâm thương mại là vì đó là những biểu tượng hiển nhiên nhất của những cư dân phải dùng xe hơi để đi làm việc và đi mua bán. Một chính sách “quá độ năng lượng” lẽ ra phải tích hợp cả những nhân tố “ngoại tại” như phương tiện di chuyển và dịch vụ công cộng, tức là nằm trong tổng thể “quy hoạch lãnh thổ”. Nghĩ cho cùng, đó là những nhân tố không “ngoại tại” chút nào.

Để hiểu rõ hơn thành phần kinh tế - xã hội của những người Áo Vàng, may sao chúng ta có được số liệu một cuộc điều tra thực địa do 70 nhà nghiên cứu và giảng dạy đại học tiến hành từ ngày 24.11.2018, và những kết quả ban đầu đã được công bố trên nhật báo Le Monde (số đề ngày 11.12.2018). Theo đội ngũ điều tra, “mục tiêu là thu thập những dữ liệu cho phép nhận thức được phong trào này về mặt xã hội học. Làm sao hiểu được tính phức tạp, thành phần và diễn trình của phong trào, ghi nhận những yêu sách của các thành viên, đo lường được sự đa dạng trong phương thức tổ chức và huy động (…). Các dữ liệu được xử lý bằng những phương pháp đan chéo để có thể nhận thức về vận động của phong trào một cách sâu sắc và phức tạp hơn là đứng từ một quan điểm duy nhất”.

Hình 2 (Biểu đồ của báo Le Monde)

Kết quả bước đầu cuộc điều tra “Áo Vàng” (phỏng vấn 166 người trong hai ngày 24.11 và 1.12.2018)

Phân bố thành phần xã hội và nghề nghiệp của những người được phỏng vấn (tính theo %)

Vàng đậm: tính chung những người Áo Vàng

Vàng nhạt: những phần tử “tích cực”

Con số trong khung tròn: tỉ số % trong dân số Pháp (năm 2017)

Danh sách nghề nghiệp:

Agriculteurs et exploitants: nông dân và chủ doanh nghiệp nông thôn

Artisans, commerçants et chefs d’entreprise: thợ thủ công, thương nhân và chủ doanh nghiệp

Employés: người làm công

Ouviers: công nhân

Professions intermédiaires: nghề trung gian

Cadres et professions intellectuelles supérieures: cán bộ và nghề nghiệp trí thức cấp cao

Inactifs: người không hoạt động

h2ah2b

Bình luận: Hình 2 (trái) cho thấy một vài thành phần có mặt nhiều hơn, ví dụ người làm công tham gia 33% (45% trong số tham gia tích cực, trong khi họ chỉ chiếm 27% dân số ở tuổi lao động). Họ đông gấp đôi công nhân (chỉ có 14% tham gia biểu tình). Thủ công, thương nhân và doanh nhân cũng rất đông: 10,5% tham gia (14% tích cực, trong khi giới này chỉ chiếm tỉ số 6,5% trong dân cư tuổi lao động). Ngược lại, các nghề trung gian và cán bộ tương đối ít tham gia: nghề trung gian chỉ chiếm 10% số người biểu tình (13% số người tích cực, trong khi tỉ trọng trong tổng số người Pháp trong tuổi lao động là 26%); số cán bộ chỉ chiếm 5% số người biểu tình (7% số người tích cực, trong khỉ tỉ trọng cán bộ trong tổng số người Pháp ở lứa tuổi lao động là 18%) (đây là những thống kê về các cuộc tuần hành và chốt đường trong hai ngày 24.11 và 1.12). Một phần tư số người Áo Vàng là những người “không hoạt động”, đa phần là người nghỉ hưu.

Đứng về mặt thu nhập, “Áo Vàng” thuộc những giai cấp thường được gọi là “bình dân” hay “trung lưu thấp”. Cụ thể, 55% người Áo Vàng nói là có đóng thuế thu nhập (cũng như toàn bộ dân chúng Pháp), 85% có xe hơi riêng. Thu nhập trung vị tính theo hộ gia đình là 1 700 Euros, so với thu nhập trung vị chung thì thấp hơn 30% (theo số liệu điều tra về “Thu nhập thuế và xã hội” năm 2015 của Viện thống kê INSEE). Nói chung, “Áo Vàng” là những người thu nhập thấp, nhưng không ở trong hoàn cảnh “bấp bênh”: 10% trong số họ cho biết thu nhập hàng tháng ở dưới mức 800 Euros (trong khi đó, thu nhập hàng tháng của 10% số hộ nghèo nhất ở Pháp là 519 Euros).

Điều tra về ý kiến chính trị còn cho thấy một điều bất ngờ, đi ngược với phản ứng ban đầu của những người cho rằng phong trào “Áo Vàng” cho hơi hướm Poujade. Hình 3   (Biểu đồ của báo Le Monde)

Trên nấc thang từ 1 đến 7, bạn tự xác định chính kiến của mình nghiêng về phái tả (1) hay phái hữu (7) (tỉ lệ %):

- Không tả không hữu : 33 ;1%

- Có định vị chính trị : 61,5 %

- Không nói : 5,4%

h3

Cho dù một đa số tương đối (33%) tự nhận là vô chính trị, thành phần phái tả đông hơn hẳn thành phần phái hữu. Điều này cho thấy tại sao các chính đảng phái hữu, như LR (Wauquiez) và RN (Le Pen), đều nhất trí khoác “Áo Vàng” lên người và gán ép cho họ những sơ đồ chính trị - tư tưởng của chính mình (LR thì đòi giảm thuế, RN thì kịch liệt chống di dân) đã hoàn toàn trật chìa đối với xu hướng chung của phong trào (xem hình 2 phải).

Để bổ sung bức tranh toàn cảnh trên, cũng nên nói tới kết quả cuộc thăm dò dư luận của IFOP (ngày 13 và 14 tháng 11) về sự ủng hộ Áo Vàng của dân chúng: 62% thợ thuyền, 56% người làm công, 54% người lao động độc lập, 57% người dân nông thôn ủng hộ phong trào ; còn giới cán bộ cấp cao chỉ có 29% ủng hộ “Áo Vàng”.

Chú thích về một vài thuật ngữ thống kê kinh tế:

Thu nhập trung vị : là mức thu nhập tách đôi dân số làm hai phần bằng nhau: 50% dân số có thu nhập cao hơn, 50% thu nhập thấp hơn. Đây là một chỉ dấu có ý nghĩa hơn là thu nhập trung bình, chỉ là con số trung bình của tổng số thu nhập chia cho số đầu người. Cũng cần phân biệt thu nhập trung vị tính theo hộ gia đình với thu nhập trung bình tính theo “đơn vị tiêu thụ” (viết tắt là UC). UC được tính theo bậc thang tương đương (được chỉnh sửa) của OCDE: trong môĩ hộ, người thành niên thứ nhất được tính là 1 UC, những người khác (14 tuổi trở lên) được tính 0,5 UC, trẻ em dưới 14 tuổi 0,3 UC. “Mức sống” (từ ngữ không chính thức) là thu nhập trung bình tính theo UC, tức là thu nhập của hộ gia đình chia cho số UC; như vậy là mọi thành viên trong gia đình đều có “mức sống” ngang nhau.

Còn mãi lực (sức mua) thì sao ? (ngay từ tuần lễ đầu tiên, mãi lực đã được nêu ra trong các yêu sách). Một bài báo khá tỉ mỉ của Elise Barthet (trang “Kinh tế” của nhật báo Le Monde, số đề ngày 16.11.2018) đã lí giải độ vênh giữa những số liệu thống kế vĩ mô và thực tế nghiệm sinh. “Sức mua”, theo định nghĩa, là số tiền còn lại khi lấy số thu nhập “thô” của mỗi hộ gia đình (tiền lương, thu nhập từ gia sản như tiền cho thuê nhà, cổ tức, và những số tiền được cấp dưỡng như tiền hưu, trợ cấp gia đình) trừ đi các khoản thuế trực thu, tiền đóng góp vào quỹ xã hội, và lạm phát. Thế mà theo điều tra của CREDOC thì hộ nào có mãi lực ở dưới mức 1 400 EUR/tháng đều bắt đầu bị khó khăn, và đại để đó là giới hạn trên quy định sự tham gia vào phong trào “Áo Vàng”. Trong khi chính quyền, và ngay cả những chuyên gia dự báo kinh tế thuộc mọi xu hướng, mùa thu vừa qua, đã hân hoan mừng “sức mua” chung của người dân Pháp gia tăng (+1% theo viện thống kê INSEE) nhờ giảm thuế nhà ở và nhờ huỷ bỏ các khoản đóng góp về lương bổng, thì sự thực là các cuộc cải tổ đã tiến hành trong năm 2018 và dự kiến trong năm 2019 dẫn tới giảm thu nhập đối với 23% người Pháp nghèo nhất. Để hiểu rõ ý nghĩa những con số, trong ngân sách các gia đình, cần phân biệt các khoản chi tiêu “hoạch định trước” (tiền nhà, bảo hiểm, căng-tin, điện thoại, nghe nhìn vân vân) với những chi tiêu “có thể du di” (nghĩa là những chi tiêu khác). Thế mà, theo một nghiên cứu của sở DREES thuộc Bộ Y tế và liên đới xã hội (Sở nghiên cứu, đánh giá và nghiên cứu thống kê), thì đối với những gia đình thanh bần nhất, “số tiền còn lại để sống” năm 2018 chỉ còn chiếm 39% quỹ gia đình. Từ đó, có thể hình dung ra hoàn cảnh một gia đinh hai con và hiểu được câu trả lời dứt khoát của “Áo Vàng” đối với câu hỏi – trở thành câu hỏi ở cửa miệng mọi người – của Bộ trưởng Môi trường Nicolas Hulot vừa từ chức: “Lo những ngày cuối tháng hay lo cho ngày tận thế” ?

Tự do, bất bình đẳng và li khai

Cố nhiên Nicolas Hulot không đặt câu hỏi ấy dưới dạng nhị phân, hai vế phải chọn một. Khi tái hiện trên đài truyền hình (ngày 22.11), giữa lúc đỉnh điểm của phong trào “Áo Vàng”, Hulot vẫn chủ trương “đánh thuế cac-bon”, với điều kiện là sự chuyển tiếp chính sách năng lượng để bảo vệ môi trường phải tuân thủ nguyên tắc “liên đới xã hội”, cụ thể là kèm theo, phải có “gối đệm xã hội” để “thuế xanh” trở thành công bằng. Trong cuộc thảo luận về ngân sách 2019 ở Quốc hội, các đại biểu “ở cơ sở”, tả cũng như hữu, cũng đã chất vấn chính phủ theo cùng chiều hướng ấy: những lời báo động về môi trường chỉ “lọt tai” những ai có công ăn việc làm đang hoàng, có thể suy nhẫm về tương lai (vì thu nhập có đủ). Những đại biểu Quốc hội còn đề nghị cả những biện pháp kỹ thuật như đặt ra “vé xăng dầu”, hay “tiền thưởng cho sự chuyển tiếp năng lượng” dành cho những gia đình thanh bần, trích từ thuế môi trường, hay từ sự tái phân phối thuế giá trị gia tăng (TVA) tăng lên theo giá dầu thô. Chính phủ đã làm ngơ trước những đề nghị đó. Sự điếc đặc của chính phủ xuất phát từ ý đồ muốn che giấu toan tính này: trên số 4 tỷ EUR thu được do tăng thuế xăng năm 2018, và 4 tỷ EUR dự trù cho 2019, chính quyền dự định chỉ dành 10% cho các biện pháp đi kèm, còn bao nhiêu là để bù vào khoản hao hụt vì bãi bỏ thuế tài sản ISF và thuế flat tax đánh vào thu nhập của tư bản (xem phần dưới). Thành thử những thành phần thanh bần trong xã hội không có lí do gì tham gia trò xúc xắc ma giáo này.

Từ bất bình đẳng về thuế má chuyển sang bất bình đẳng xã hội, chỉ cách một bước ngắn. Từ khi các công trình nghiên cứu của Thomas Piketty1 đã lưu ý tới vấn đề này, tình hình vẫn chưa khấm khá hơn, theo báo cáo của Observatoire des Inégalités (Đài quan sát về các bất bình đẳng): tháng 5-2018, cơ quan này đã xem xét thực trạng xã hội Pháp mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 (vụ “subprime”). Đại để, cuộc khủng hoảng đã tác động mạnh mẽ vào các tầng lớp bình dân (đối tượng đầu tiên của nạn thất nghiệp đại trà và dài hạn), làm giảm sức mua của tầng lớp này. Các giai cấp trung lưu dường như ít chịu ảnh hưởng, nhưng viễn tượng tương lai của họ cũng như của con cái họ bị khựng lại, trong khi các gia đình giàu càng giàu thêm. Những bất bình đẳng ngày một nặng hơn, khiến cho “khế ước xã hội” suy yếu đi, gây ra sự phẫn nộ trong một bộ phận dân chúng. Dưới đây là một vài con số:

– Trong mười năm, từ 2004 đến 2014, số người nghèo, nghĩa là những người sống với 50% thu nhập trung vị, nghĩa là dưới 848 EUR/tháng (gồm cả trợ cấp xã hội, và đã trừ thuế), đã tăng gần một triệu người, đưa tỉ số người nghèo ở Pháp lên 8,1% dân số (5 triệu người, trong đó 1,2 triệu là trẻ em và vị thành niên). Tệ hơn nữa, giữa năm 2003 và năm 2014, lớp 10% dân số nghèo nhất, mãi lực mỗi tháng mất đi 30 EUR (tính theo UC – tiền tệ tính theo giá “so sánh”). Kết quả là mãi lực trung bình xuống tới mức 658 EUR tính theo UC. M. Maurin, giám đốc Đài quan sát, nhận định: “Từ Thế chiến lần thứ Nhì đến nay, chưa bao giờ có sự giảm sút như vậy. Tất nhiên không phải là suy sụp, nhưng sự giảm sút này góp phần vào sự bực tức trong thành phần dân chúng này, thể hiện trong kết quả các cuộc bầu cử”.

– Chênh lệch giữa 10% dân số giàu nhất và 10% nghèo nhất là 7 :1, và nếu xét tới cả di sản – Piketty coi đó là một thứ tư bản, một lợi tức tích luỹ ở ngoài tầm với của những người “ở dưới cùng” – thì sự bất bình đẳng còn tăng lên gấp bội : 10% giàu nhất, với một gia sản thô là 1,25 triệu EUR, có trong tay 630 lần 10% nghèo nhất, với số tiền tiết kiệm trung bình là 2 000 EUR. Thêm vào đó, giá nhà thuê tăng lên càng làm sự chênh lệch lớn hơn : quỹ nhà ở chỉ chiếm 13% ngân sách của người giàu, nhưng lên tới 31% ngân sách người nghèo (tăng 6% từ 2001 đến nay).

– Đó là chưa nói tới cái gọi là “tối ưu hoá tiền thuế” hay, huỵch toẹt hơn, sự trốn thuế. Ít ai biết rằng chấp nhận đóng thuế nằm trong Tuyên ngôn quyền con người và quyền công dân năm 1789 (điều 14), bởi vì nhờ thuế mà thực hiện được khế ước xã hội. Cho nên, một khi mà những kẻ khá giả muốn “li khai”2 (nói như đầu đề một cuốn sách gây chấn động) với cộng đồng xã hội bằng cách trốn không đóng thuế, thì làm sao đòi hỏi những người nghèo khó nhất phải làm tròn nghĩa vụ công dân? Cũng như làm sao chê trách khi họ muốn nhận được sự đoàn kết của cộng đồng và những phúc lợi của “Nhà nước ban phát” (đòi thêm phương tiện chuyên chở công cộng, nhà trường, nhà thương…), lại còn biểu tình chống quá nhiều thuế má (xem bảng 2 phải). Còn những kẻ phá phách cướp hôi trong các cuộc biểu tình, phần nào người ta hiểu được là chúng muốn kết thúc thế giới hiện hữu hơn là kéo dài vô hạn định một thế giới như vậy.

– Vẫn liên quan tới thuế, Đài quan sát bất bình đẳng nêu rõ một nghịch lý: người ta vẫn thường cho rằng nước Pháp đứng đầu về tái phân phối và Hoa Kỳ là vô địch về bất bình đẳng, song một nghiên cứu mới đây của WIL (Phòng thí nghiệm thế giới về bất bình đẳng) tiến hành chung với IPP (Viện chính trị công cộng) đưa tới kết luận như sau, tuy hệ thống tái phân phối của Pháp bình đẳng hơn, nhưng thua hệ thống Mỹ về hiệu quả. Không đi vào chi tiết, có thể tóm tắt vào một nguyên nhân cơ cấu: cách đánh thuế thu nhập của Pháp là tăng tiến (thu nhập càng lớn thì tỉ suất thuế càng cao), nhưng tổng số thuế thu nhập chỉ đạt 4% của GDP toàn quốc, trong khi ở Mỹ là 10%. Còn thuế tỉ lệ như CSG (thuế xã hội tổng quát hoá) hay thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng TVA (khoản này lớn gấp đôi thuế thu nhập), hoặc các loại thuế nhiên liệu, thuốc lá ở Pháp nặng hơn ở Mỹ rất nhiều. Mà thuế gián thu lại là thứ thuế bất công nhất, vì các gia đình thu nhập thấp phải chi tiêu phần lớn ngân sách của mình cho những khoản chịu thuế gián thu, nghĩa là một phần lớn thu nhập của họ bị thuế lấy đi. Đó chính là vấn đề mà phong trào Áo Vàng tố cáo quyết liệt.

– Để bổ sung bức tranh toàn cảnh này, cũng nên nói tới báo cáo thường niên của ngân hàng Thuỵ Sĩ Crédit Suisse về tài sản trên thế giới (ngày 18.10.2018). Báo cáo cho biết: từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2018, tức là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Emmanuel Macron, có thêm 259 000 hộ gia đình Pháp trở thành triệu phú. Trong cùng thời gian ấy, chỉ có Mỹ là “hơn”. Có nhiều nhân tố giải thích sự việc này: giá bất động sản tăng, lợi tức đầu tư tăng, đồng Euro ổn định, không khí kinh doanh khả quan. Vẫn theo Crédit Suisse, hiện nay Pháp đứng hàng thứ 5 toàn cầu về số triệu phú (2,5 triệu hộ); chân trời 2023 còn tươi sáng hơn : 3 triệu. Danh hiệu “tổng thống của những người (rất) giàu” ám chỉ ai nhỉ ?

Chính Macron là người, thay vì bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách giảm bớt bất công, đã không ngần ngại làm tăng những bất bình đẳng bằng cách khởi động “chính sách kích cung”, bào mòn các hợp đồng có hỗ trợ, trợ cấp về nhà ở cho cá nhân (APL), lương hưu (bắt đóng thuế CSG). Cũng phải nói các biện pháp này có nêu trong chương trình tranh cử của ông. Nhưng “tội tổ tông” cũng là ở đó. Với việc đánh thuế lợi tức tư bản theo một mức duy nhất (thấp) – gọi là flat tax, thay thuế tài sản ISF – đặt ra từ thời thủ tướng Rocard năm 1989 dưới tên tắt IGF – bằng thuế đánh vào bất động sản IFI không mang lại nhiều tiền (xem bảng so sánh, hình 3), Macron hình thành một trong những rường cột của chính sách “vì tăng trưởng”. Dành ưu tiên cho “đầu tư sản xuất” thay vì “cổ tức” bất động sản, mục đích của chủ trương này là khuyến khích người có của đầu tư thêm vào nền kinh tế, với hi vọng trung hạn sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm. “Lợi nhuận hôm nay là đầu tư cho ngày mai, tạo ra công việc cho ngày kia”, đó là thần chú của tổng thống, người đã đề ra thuyết “người cầm đầu dây leo núi” (ưu đãi người leo trước để kéo những người leo sau). Còn dám chê “thuyết nước chảy từ trên xuống (mưa móc)” mà thực chất cũng y hệt ! Một thứ lí thuyết mơ hồ, bá láp, đã xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1930, sau cuộc Đại khủng hoàng, để choàng áo “xã hội” cho chủ nghĩa liberal kinh tế. Sau Thế chiến II, nó đã bị lu mờ trước các chủ trương của Keynes, chẳng ai nói tới… cho đến lúc kết thúc “Ba mươi năm vinh quang”, mới lại tái xuất giang hồ dưới dạng bình dân hoá và bóp méo những luận điểm của John Rawls trong tác phẩm về đạo đức học A Theory of Justice (1971). Năm 1981, chính tay Giám đốc Ngân sách Hoa Kỳ đã đề thuyết bằng câu nói xanh rờn: “Giảm bớt thuế cho những nấc thu nhập cao, cho những cá nhân giàu có nhất, cho các doanh nghiệp lớn nhất, và để cho thành quả tốt đẹp “tưới” xuống toàn bộ nền kinh tế, nhờ đó mà mọi người được hưởng mưa móc”. Giáo sư A. Parienty đã chỉ rõ rằng cái mệnh danh là lí thuyết đó chỉ là sự tin tưởng vào dăm ba liên hệ cơ học lờ mờ, hoàn toàn không có cơ sở lý luận, không luận chứng khoa học, đã bị các nhà kinh tế học bác bỏ, bị thực tế phủ nhận, nhưng nó đã trở thành một huyền thoại, nghĩa là một huyễn tưởng mà một số người tin như thật, một số khá đông để niềm tin của họ củng cố lẫn nhau. Khổ một nỗi là lời nói của những “tín đồ” này lại lọt tai những nhà lãnh đạo có quyền quyết định. Đó là căn nguyên cơn ác mộng “tân liberal” hoành hành trên thế giới suốt ba mươi năm qua. Ví dụ cụ thể là chính sách thuế của Macron, “đồng thanh tương khí” một cách lạ lùng với chính sách của Trump ở Mỹ. “Trò đùa tàn ác” này đã được mổ xẻ tinh tế trong cuốn sách của Piketty (xem chú thích 1). Nhưng đối với người dân đóng thuế bình thường, không được đào tạo về kinh tế học, thì chỉ cần vạch trần cái “tam đoạn luận” khởi điểm của thuyết “mưa móc”, như A. Parienty đã làm: “Tiền đem cho người giàu, lấy ở đâu ra ? Giảm thuế này, chẳng lẽ không tăng thuế khác sao? Đó chính là đề tài cuộc tranh luận hiện nay ở Pháp về những món “quà thuế” mùa thu 2017 mà Emmanuel Macron và chính phủ của ông đã mang tặng những người được thụ hưởng cuộc cải cách thuế đánh vào gia sản và việc giảm bớt thuế đánh vào thu nhập từ tư bản. Để có được món quà này, các vị đã chẳng buộc phải tăng thuế CSG, tăng thuế xăng dầu, thuốc lá, nghĩa là những thứ thuế chủ yếu đổ lên đầu người nghèo? Kết quả là mãi lực của giới trung lưu và giới bình dân được chuyển sang cho những tầng lớp khá giả. Với hi vọng giả định là nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi chờ đợi, tỉ số tăng trưởng vẫn tiếp tục ỉu xìu” (Télérama, 06/12/2018).

Chính quyền dự trù tới năm 2020 sẽ làm báo cáo đánh giá, và nếu kết quả không như mong muốn thì sẽ điều chỉnh. Nhưng cho đến nay, uỷ ban đánh giá (gồm một số đại biểu quốc hội và đại diện Toà kế toán) mà nhiệm vụ là ngay từ “tháng 9-2019”, sẽ phải sơ kết… vẫn chưa được thành lập. Chẳng cần sơ kết, cái giá phải trả của chính sách thuế này, ngay từ đầu, đã khá rõ ràng : cho năm 2018, Nhà nước thất thu 3,2 tỷ EUR, thậm chí 4,5 tỷ nếu tính cả “flat tax”, tức là một nửa tổng số giảm thuế năm 2018. Ngay từ đầu, chính quyền biện bạch huỷ bỏ ISF vì nó ít hiệu quả mà lại thúc đẩy người ta tuồn tư bản ra nước ngoài. Điều này, một số nhà kinh tế học, như Piketty và nhóm của ông, đã đưa ra những số liệu để bác bỏ thẳng thừng. Theo Piketty (xem ở đây), “từ năm 1990 đến nay, người ta ghi nhận số người khai thuế ISF và tổng số gia sản chịu thuế ISF đã tăng vọt và tiếp tục tăng. Các mức độ gia sản lớn nhỏ đều tăng, nhất là con số những gia sản lớn, số gia sản tài chính và tổng số của cải tài chính lại tăng nhanh hơn các gia sản bất động sản, và tổng số gia sản bất động sản tăng nhanh hơn hẳn tổng sản lượng GDP và khối lượng lương bổng (…). Tính chung, từ 1990 đến 2017, tổng số thuế ISF đã tăng gấp hơn 4 lần: từ 1 tỷ lên hơn 4 tỷ, trong khi GDP chỉ tăng gấp đôi. Được như vậy mặc dầu trong thời gian ấy, những người đóng thuế ISF đã được nhiều biện pháp bớt thuế, miễn thuế, định “trần” tối đa, và mức gia sản thấp nhất phải đóng thuế, năm 1990 được quy định là 0,6 triệu EUR dần dần được tăng lên thành 1,3 triệu EUR (từ năm 2012) – sau khi bớt 30% trị giá cơ ngơi nhà ở chính. Với một bộ máy hành chính hoàn thiện hơn [hiện nay công tác kiểm tra rất thiếu], thuế ISF có thể mang lại 10 tỷ EUR ngay từ bây giờ” (x. hình 4).

h4

CHÚ GIẢI Biểu đồ hình 4:

- Đường biểu diễn màu đỏ, từ 1990 đến 2017 : thuế ISF đã thu được.

- Từ 2018 về sau :

- Đường xanh lá cây : thuế thu được nếu vẫn duy trì ISF (giả thiết cao, theo xu hướng những năm 1990-2007)

- Đường đỏ : (giả thiết trung gian, theo xu hướng 2000-2017)

- Đường xanh lơ : (giả thiết thấp, theo xu hướng 2005-2017)

- Đường da cam : thuế thu được sau cuộc cải cách của chính quyền Macron

Nhìn cảnh tượng Macron bây giờ phải vét đáy ngăn kéo tủ để tìm cho ra mấy tỷ bạc, thì nói đến “tội tổ tông” thật quá đúng. Sự “vô ý thức giai cấp” của tân tổng thống hiện ra lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật khi dư luận dân chúng ngày càng quyết liệt đòi hỏi phải có những biện pháp xã hội mới để điều chỉnh chủ nghĩa tư bản trước những nguy cơ nảy sinh từ những bất bình đẳng chồng chất, từ tâm trạng bị bỏ rơi của các tầng lớp bình dân. Ngay những người ủng hộ Macron cũng phải than thở: “Việc cải tổ thuế ISF cắm rễ vào nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống một cảm nhận về bất công. Biểu tượng ISF hết sức tiêu cực đang làm thư hoại nhiệm kỳ này”. Chắc họ không quên rằng năm 1986, Jacques Chirac khi làm Thủ tưởng, đã bãi bỏ thuế IGF (đánh vào những gia sản lớn), và hai năm sau thua đậm trong cuộc tranh cử Tổng thống. Và Nicolas Sarkozy đã tụt dù trong các cuộc thăm dò dư luận sau khi ông ta bày ra những cái “khiên chống đỡ thuế má” (cho nhà giàu) ngay khi mới lên làm Tổng thống năm 2007, và ngay từ đó, đã được gọi tên là “Tổng thống của người giàu”. Lịch sử thường có tật cà lăm!

Nhân dân đối nghịch dân chủ?

Sau khi tạo dáng “kiên định lập trường”, rồi chạy đua với đồng hồ, rồi cù cưa, cuối cùng tới chiều hôm trước “hồi V”, Macron đã phải nhượng bộ. Trong một cuộc xung đột kiểu này, càng cù cưa kéo dài, thì danh sách những yêu cầu càng dài ra và đa dạng lan tràn như vi-rút. Trong cuốn sổ những yêu sách thượng vàng hạ cám, chính quyền đã lúng túng và vội vã cho ưu tiên là nhân nhượng về “mãi lực”. Nhìn toàn cục, sự nhượng bộ không nhỏ và khá tốn kém, ước tình tối thiểu là 10 tỷ EUR, nghĩa là ngân sách nhà nước sẽ bội chi lớn, vượt quá mức trần 3% GDP vốn được coi là bất khả vi phạm. Nhưng về mặt cá nhân, những người thụ hưởng vẫn có thể bĩu môi: những người lương thấp được thêm 100 EUR, người về hưu thu nhập thấp hay trung bình được giảm đóng góp CSG, giờ làm thêm được miễn thuế, các doanh nghiệp được kêu gọi tự nguyện ban phát (tuỳ hỉ) tiền thưởng cuối năm… Về mặt công bằng thuế khoá và bình đẳng xã hội – khẩu hiệu đấu tranh chủ chốt của Áo Vàng – như thế rõ ràng chưa đủ. Ai sẽ trả tiền ? Không phải là giới chủ doanh nghiệp và giai cấp trên: chính quyền không chủ trương tăng thuế thu nhập cao hay tăng phần đóng góp của giới chủ. Như vậy sẽ đổ lên đầu người đánh thuế phó thường dân, ngay từ bây giờ, và lên đầu con cháu họ trong tương lai (sẽ phải trả nợ). Về mặt biểu tượng, chính quyền Macron không chịu trở lại thuế ISF. Mà dẫu muốn cũng chẳng dám. Một khi đã đâm lao, khởi động cái gọi là start up nation (quốc gia khởi nghiệp) bằng một loạt biện pháp giảm thuế, nới lỏng luật lao động, thì chỉ cần lùi lại một bước nhỏ, thậm chí chù chừ tí chút cũng không được, vì sẽ đánh mất sự tin cậy của “các nhà đầu tư”. Nói khác đi, mảnh đất tự do hành động của Macron từ nay bị thu hẹp. Chàng muốn làm Jupiter, một đấng Thiên tử, kiệm lời, nhưng mỗi lời phán ra là sấm sét rền vang. Trị vì trực tiếp, từ ngôi cao, vượt qua đầu mọi cấp trung gian (như công đoàn hay các cơ quan định chế), quyết định một loạt cải cách như một tổng tư lệnh tiến hành một trận đánh thần tốc: ban hành đạo dụ về lao động, cắt giảm các khoản thu của các cấp chính quyền địa phương, xiết chặt ngân sách y tế, bãi bỏ thuế ISF… Lối cai trị theo chiều thẳng đứng này bỗng bị hụt hẫng khi phong trào “Áo Vàng” phát triển thiên biến vạn hoá theo chiều ngang. Nhà chính khách tay mơ bỗng vấp phải khó khăn khi muốn thực thi quyền hành dân chủ. Tại Pháp cũng trên trên bình diện quốc tế, “hôm nay là ngày đầu tiên trong phần còn lại của cuộc đời3” Tổng thống.

Dầu sao, thất bại một nửa của phong trào “Áo Vàng” cũng đặt ra một vấn đề thực chất. Tại sao nó không liên kết được các sự bất mãn, không tạo ra được sự “hội tụ các cuộc đấu tranh” mặc dầu đã có nhiều dạng thức sáng tạo và được dư luận ủng hộ ? Ở các trường trung học, chỉ dấy lên được vài làn sóng nhỏ, các trường đại học gần như yên ắng, giới công nhân hầu như hoàn toàn vắng bóng (năm 1968, chính quyền chỉ chao đảo khi các công đoàn tham gia đấu tranh cùng với sinh viên và khởi động cuộc tổng đình công). Câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là: quy mô của phong trào “Áo Vàng” có thật sự tương ứng với tiếng vang của nó trên báo chí không? Người ta quên rằng trong mùa thu náo nhiệt này đường phố diễn ra rất nhiều cuộc biểu tình tuần hành: người bảo vệ môi trường, công chức, giáo giới, phong trào phụ nữ chống bạo hành hiếp đáp #NousToutes (nối dài #MeToo)… Hồi I “Áo Vàng” đúng là đã đạt đỉnh cao trong mùa thu, nhưng sau đó, phong trào giảm sút liên tục: hồi I có 300 000 người biểu tình trên cả nước, hồi V chỉ còn 65 000. Ở Paris, cùng ngày 24 tháng 11, có 8 000 Áo Vàng, 12 000 #NousToutes! Phải chăng số người ủng hộ tỉ lệ nghịch với số người tham gia? Nói một cách nghiêm túc, sức mạnh của phong trào “Áo Vàng” ít dựa vào số lượng mà vào tác động của nó trên báo chí, vào hình thức hành động mà họ đã sáng tạo ra: chiếm đóng những trạm thu tiền trên xa lộ, và các bùng binh ngã tư giao thông, tức là công sức tối thiểu tạo ra sự hiển hiện tối đa. Trước đây, “Occupy Wall Street” (ở New York) hay “Nuit Debout” (ở Paris) đã tạo ra hiệu ứng tối đa bằng cách kết hợp việc chiếm đống một địa điểm đầy sức biểu tượng (phố Wall ở New York, quảng trường Cộng hoà ở Paris) với sức lan toả của mạng lưới internet và các mạng xã hội. “Áo Vàng” đã phát huy hiệu ứng ấy gấp mười, kết hợp mạng lưới giao thông trên toàn lãnh thổ với mạng lưới ảo của internet, Facebook, Tweeter…

h6

Nhưng mặt trái của sự “nhân bản” này là sự phân tán thành những đám “mây vàng”, bị đe doạ bởi tính bất ổn định của mọi vận động kiểu Brown. Như J. Fenoglio nhận xét trên báo Le Monde số đề ngày 03/12/18: “Những yêu sách họ đưa ra chồng chất lên nhau, cuối cùng đã tự triệt tiêu vì cái nọ mâu thuẫn với cái kia, những phát ngôn viên vừa xuất đầu lộ diện là bị tước mất danh nghĩa, tranh luận triền miên với nhau dẫn tới tình trạng là không nghe nhau nói và không nghe thấy chính quyền đề nghị những gì”. Cuộc nổi dậy đa thức đa âm này đúng là mới về hình thức, nhưng thiếu ý tưởng chủ đạo và dự phóng tương lai. Người ta không thể tiến lên nếu không định hướng và đưa ra những điều nghĩa lý. Thành thử sau một bàn ping pong rất ấn tượng được truyền hình trực tiếp, giữa một bên là nhân dân không có người đối thoại, rồi bên kia là một Tổng thống không có bên đối tác thương lượng, dường như một gói quà 10 tỷ EUR từ trên cao bỗng rơi xuống, để đáp ứng (hay không đáp ứng được) những yêu cầu bất khả phân biệt.

Cuối cùng, người ta nhận thấy phong trào “Áo Vàng” chỉ đoàn kết và rõ ràng trên vế xã hội – cập nhật hoá sức mua cho những người lao động nghèo khó. Trên vế chính trị là cả một dòng lũ, lẫn lộn sự căm thù đối với Macron-1 với giận hờn các nhà báo (thực ra là đồng minh khách quan), sự tẩy chay các công đoàn (cũng chính đáng không thua – nếu không nói là hơn – phong trào “Áo Vàng”) và bác bỏ mọi định chế hiện tồn, thậm chí phỉ báng các đại biểu dân cử tới mức độ không thể chấp nhận: “Sự phản đối không nhắm vào các giai cấp bên trên (những người “Áo Vàng” không hề đả động tới, coi đó không phải là kẻ xấu kẻ thù) mà lại nhắm vào các đại biểu dân cử, với những câu chữ hung hãn, lăng nhục, vu khống. Làm như những đại diện quốc dân, bị phỉ báng liên tục, bỗng nhiên đã biến thành những con quỷ dữ hút máu người, trở thành bọn quý tộc khinh mạn, một đẳng cấp ký sinh trùng. Không có sự nhầm lẫn đối tượng nào nguy hại hơn (…) Người nào có chút ít hiểu biết về nhịp sống hằng ngày của một đại biểu dân cử bình thường, biết làm tròn bổn phận của mình – họp nghị viên trong tuần, tiếp cử tri ngày thứ Bảy, dự các buổi khai mạc và các lễ nghi ngày Chủ nhật – đều biết rằng họ không ngồi chơi thụ hưởng thù lao dân biểu. Vậy mà người ta lại la ó các đại biểu quốc hội mà không đá động gì tới giới chủ nhân doanh nghiệp. Một định hướng chính trị kỳ quặc!” (Laurent Joffrin, Libération, 17/12/18). Hiển nhiên là có sự trở về phong trào Poujade xa xưa, thậm chí còn đi quá đà với khẩu hiệu thời thượng RIC, tức là “trưng cầu dân ý do công dân chủ động khởi xướng”. Khẩu hiệu này được tung ra trên bậc tam cấp của nhà hát lớn Opéra, từ cửa miệng của hai “phát ngôn viên”, một trong hai là một đồ đệ nổi tiếng của “thuyết âm mưu”, người kia là một thứ Jeanne d’Arc dương cao ngọn cờ chống thuế. Thành công mĩ mãn và tức thời: RIC đã trở thành khẩu hiệu thống nhất “Áo Vàng”, được báo chí (khao khát viết tiếp câu chuyện nhiều kỳ vừa thất bại với hồi V) khuếch âm trên mọi báo đài. Nhưng phải đi vào thực chất vấn đề và nói thật nói thẳng đôi điều. Dân chủ trực tiếp, dưới dạng thuần tuý nhất, là điều không thể thực hiện trong một xã hội hiện đại: dưới thời Cổ Hy Lạp, công dân thành Athènes có thể ngồi ở hội trường agora để thảo luận và quyết định mọi vấn đề của thành phố. Điều đó không thể nào thực hiện trong một nước đông gấp triệu lần, chính thể dân chủ chỉ có thể tồn tại dưới dạng thức đại nghị. Cả vấn đề do đó là phương thức đề cử đại diện và phương pháp kiểm tra sự đại diện. Từ khi chế độ dân chủ ra đời đến nay, người ra đã thảo luận và thử nghiệm các giải pháp khả dĩ (và… bất khả). Trong trường hợp chế độ Đệ ngũ Cộng hoà hiện nay ở Pháp, hiển nhiên và cấp thiết là phải cải thiện quy trình đại diện, sửa đổi những khía cạnh mang tính quân chủ, giảm bớt tác dụng bóp méo của đầu phiếu đa số. Nhưng cả vấn đề là làm thế nào ? Chẳng lẽ lấy khán đài TV thay thế nghị trường Quốc hội? Nếu lấy số người bấm nút like hay not like như trên Facebook để biểu quyết, hoàn toàn dự theo cảm tính và xung động tức thời, thì chẳng phải là dân chủ, mà là mị dân. Laurent Joffrin đã đưa ra một ví dụ giả định cho thấy sự bất khả của “bài toán RIC”: ta thử tưởng tượng ba cuộc trưng cầu dân ý nối tiếp nhau. Cuộc đầu đề nghị giảm thuế. Quá được lòng dân: đa số tán thành. Cuộc nhì: cải tiến các dịch vụ công cộng bằng cách tăng ngân sách chi tiêu. Trúng ý dân quá: thông qua. Cuộc ba: giảm bội chi ngân sách. Vẫn trúng ý dân: thông qua. Câu hỏi tiếp theo: lây tiền ở đâu?

Người viết bài này đồng ý với những người cho rằng trưng cầu dân ý (không kể những cuộc trưng cầu liên quan tới định chế chính trị) là một phương thức nguy hiểm nếu nó không được “đóng khung” nghiêm cẩn. Trong hệ thống chính trị Pháp đã có một phương thức trưng cầu dân ý gọi là RIP (“trưng cầu dân ý do chủ trương chung”, từ năm 2008 được ghi vào điều 11 Hiến pháp. Nói “chủ trương chung” là chủ trương chủ động của 1/5 đại biểu quốc hội, được sự hưởng ứng của 10% cử tri hợp lệ. Tuy đã được ghi trong Hiến pháp, nhưng mười năm qua, chưa có một cuộc RIP nào được tổ chức, vì bị coi là quá nhiều ràng buộc. Vả lại, đó cũng không phải là một cuộc trưng cầu phát xuất từ công dân, mà phải do một số dân biểu đề xướng.

Hình 5

h5

(Truyền đơn vận động RIC, giải thích nhờ đó công dân, qua trưng cầu dân ý, có quyền lập pháp, cách chức quan chức, bài bỏ luật, sửa đổi hiến pháp)

Chẳng sao, đã có nhiều tiền lệ. Từ lâu, những cuộc trưng cầu dân ý như vậy đã diễn ra ở Hoa Kỳ (ở mức độ địa phương) và Thuỵ Sĩ (ở cấp địa phương cũng như ở cấp toàn quốc). Tại liên bang Thuỵ Sĩ, các cuộc “votation” (VIP: bỏ phiếu do nhân dân chủ xướng) toàn quốc là dịp để 8 triệu cử tri sử dụng quyền hành pháp của mình, thậm chí quyền biểu quyết hay tán thành một văn kiện. Kết quả cho thấy là phương thức dân chủ trực tiếp này có thể cải thiện sự vận hành của chế độ dân chủ, nhưng ngược lại, nó cũng có thể cản trở, thậm chí đe doạ dân chủ. Thời gian trong sinh hoạt chính trị là một thời gian “dài hạn”. Không thể nào cai trị “dài hạn” khi người ta thường xuyên bị đặt dưới sự đe doạ của một quyết định bãi bỏ quyết định hay cách chức người đại biểu dân cử (xem hình 5). Thực ra, khả năng sửa đổi một đạo luận hay bãi chức một dân cử đã có sẵn trong sự bầu cử, sự luân phiên cầm quyền theo các cuộc tuyển cử. Nó nằm trong cơ chế dân chủ mà sự vận hành tốt hay xấu tuỳ thuộc vào hai yếu tố: lá phiếu của cử tri và chất lượng các văn kiện định hiến. Có cần nhấn mạnh rằng một trong những đòi hỏi về RIC (hình 5) là khả năng đòi hỏi sửa đổi Hiến pháp? Liệu có thể an toàn sửa đổi cơ cấu bộ máy đồng hồ phức tạp – với những trọng khối và đối trọng khối – của quy trình dân chủ? Xin đơn cử cuộc “votation” năm 2009 ở Thuỵ Sĩ, do đảng cực hữu UDC chủ xướng để cho thấy nguy cơ ấy. Khởi điểm là đơn của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ xin xây dựng một tháp chuông (minaret) nhà thờ Hồi giáo nhỏ ở Wangen bei Olten, một làng nhỏ ở miền bắc Thuỵ Sĩ. Đơn này bị hội đồng xã bác bỏ, nhưng lại được toà án hành chính hàng tổng chuẩn y. Sau đó, Toà án Tối cao của Liên bang phê chuẩn, và nhà thờ Hồi giáo đã được xây dựng. Nhưng thắng lợi nho nhỏ ấy rốt cuộc đã dẫn tới một thất bại to lớn cho quyền của các thiểu số tôn giáo ở Thuỵ Sĩ. Trong cuộc VIP do nhóm cực hữu chủ xướng, đa số (57,5%) cử tri Thuỵ Sĩ đã cấm xây tháp chuông nhà thờ Hồi giáo: ở Thuỵ Sĩ, tổng cộng chỉ có 4 nhà thờ Islam, kể cả nhà thờ Wangen bei Olten. Từ ấy, Hiến pháp Thuỵ Sĩ ghi rõ “quyền tự do thờ phụng và tự do lương tâm được bảo đảm nhưng việc xây dựng tháp chuông nhà thờ Hồi giáo bị nghiêm cấm” [câu chuyện này được kể lại tường tận trong (4)].

Đi xa hơn chuyện trưng cầu ý dân, vấn đề cơ bản được đặt ra là chủ nghĩa dân tuý, chủ đề trung tâm trong cuốn sách khá “khiêu khích” của nhà chính trị học Yascha Mounk (trường Đại học Harvard) vừa trích dẫn. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như ở khắp châu Âu, người ta sính nói tới hay tổ chức trưng cầu dân ý (sính tới mức đáng ngờ): ở Vương quốc Anh với đảng thiên hữu UKIP, ở Ý với đảng Năm Sao, Hà Lan với tổ chức của Geert Wilders (tay này tỉnh bơ đòi trung cầu dân ý phải trở thành phương thức bắt buộc). Và ở Pháp nữa, xuất phát từ đòi hỏi từ “bộ ba” mà Alain Duhamel mô tả như sau: “phái cực tả – được phát biểu một cách tài tình bởi Jean-Luc Mélenchon – nhà thơ bi tráng của chúng ta – và phái cực hữu – mà hiện thân hung bạo là Marine Le Pen, nàng Walkyrie đầy phẫn khí của chúng ta, và bởi Nicolas Dupont Aignan, một thứ bản sao Salvini nội hoá”. Nếu những người dân tuý chủ nghĩa hay nói viện dẫn nhân dân, thích triệu tập nhân dân như vậy, có lẽ vì, trong thâm tâm, họ nghĩ họ là “tiếng nói của nhân dân”, một tiếng nói trung thực, không bị bóp méo. Nhưng một khi người ta tự giành cho mình quyền nói thay cho nhân dân, thì mọi sự bất đồng dễ biến thành li khai, đối lập thành phi nghĩa, và người ta một thiết lập một thể chế “dân chủ phi tự do”. Để giải thích từ mới “dân chủ phi tự do” này, có lẽ phải quay trở lại, định nghĩa thế nào là một chế độ “dân chủ tự do”. Một điều không hiển nhiên chút nào, trước hết là sự độc lập đối với mọi suy xét về mặt kinh tế. Có thể vay mượn của Mounk (sdd, trang 43): “(i) Thể chế dân chủ là tập hợp một số định chế bầu cử bắt buộc, thể hiện ý chí nhân dân về các chính sách công; (ii) những định chế tự do, trong thực tế, phải bảo vệ Nhà nước pháp quyền và đảm bảo các quyền tự do cá nhân như tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do hội đoàn cho mọi công dân; (iii) một nền dân chủ tự do chỉ là một chính thể vừa tự do vừa dân chủ, vừa bảo vệ các quyền tự do cá nhân vừa thể hiện dân ý về chính sách công cộng”. Như vậy, dân chủ và chủ nghĩa tự do không phải là hai danh từ đồng nghĩa, cũng không phải là hai khái niệm bổ sung lẫn nhau, các nhà chính trị học biết rõ rằng trong một số tình huống, chúng có thể xung đột với nhau. Với những người dân tuý, ý muốn “trao trả quyền bính cho nhân dân” trên thực tế có thể biểu hiện bằng sự tháo dỡ từng bước những cân bằng giữa Nhà nước pháp quyền, là nhân tố nhờ đó, trong những tình huống xấu nhất (có khi xã hội không nhận ra) không dịch chuyển từ một thế chế dân chủ tự do thành một thế chế dân chủ phi tự do. Thí dụ: Hungary của Orban, Ba Lan của Kaczynski, Ý của Salvini… và nước Mỹ của Trump. Ngược lại, khi quyền hành tuột khỏi tay những đại biểu dân cử và rơi vào tay những kỹ trị, hay bị chệch hướng, rơi vào tay giới thương lưu có của, thì các quyền tự do cá nhân vẫn được duy trì, nhưng người công dân ngày càng ít ảnh hưởng về những quyết định chính trị, và một chế độ tự do phản – dân chủ dần thế chỗ chế độ dân chủ tự do. Thí dụ: tất các nước còn có chế độ tự do trong Liên hiệp Châu Âu… và nước Hoa Kỳ của Trump.

Nhận định bi quan của Mounk là chế độ dân chủ tự do, “hỗn hợp độc nhất vô nhị về tự do cá nhân và chủ quyền nhân dân”, đều đang suy nhược ở mọi nơi, có lẽ vì không còn hội đủ những điều kiện ổn định như trước đây. Chính ở chỗ này mà ta đụng vào lãnh vực xã hội – kinh tế. Có thể chúng tôi sẽ gây thất vọng cho những người “lý tưởng chủ nghĩa”, nhưng phải nói sự gắn bó của người công dân đối với chế độ dân chủ tuỳ thuộc vào sự cải thiện điều kiện sinh sống cũng như (nếu không nói là hơn cả) sự yêu quý của mỗi người đối với những nguyên tắc cơ bản. Sự tăng trưởng phi thưởng của Ba mươi năm Vinh Quang đã khiến người ta tưởng rằng chế độ dân chủ tự do sẽ tự nhiên áp đặt mô hình của mình lên toàn thế giới, đến mức – chắc mọi người còn nhớ – F. Fukuyama đã liều lĩnh tiên đoán sự Kết thúc của Lịch sử sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Song, lúc đó, tỉ số tăng trưởng uể oải (và phải nói là bình thường, xem (2)) của Ba mươi năm Thảm Hại đã đặt ra vấn đề phân chia thành quả của tăng trưởng. Cuộc “cách mạng bảo thủ” Reagan-Thatcher lúc đó đã tiến hành – trong đó khế ước xã hội mặc nhiên có thể tóm gọn vào mấy vế: đánh đổi mãi lực với sự tuân lệnh chủ nhân về lương bổng, đánh đổi an ninh nghề nghiệp với sự ngoan ngoãn chính trị, đánh đổi hoài bão cuộc sống lấy kiếp sống tiêu thụ tức thời. Nhưng ngay cả những hứa hẹn ấy cũng không được thực hiện. Hết đầu cơ chứng khoán đến khủng hoảng, hết khủng hoảng đến đại hoạ kinh tế, hai mươi năm “tự do chủ nghĩa” cực đoan về kinh tế đã đẻ ra cái xã hội hiện nay, một thứ Phản – Utopia đã trở thành hiện thực. Bà Camille Peugny, một nhà xã hội học (xem Libération ngày 7/12/2018) đã nhắc lại câu thần chú cửa miệng của Margaret Thatcher: Tina (viết tắt câu “There is no alternative”, không có chọn lựa nào khác đâu), và gợi lên hình ảnh cơn bão nhiệt đới Tina tàn phá toàn bộ hành tinh được đặt trong tình trạng người người cạnh tranh, nhà nhà cạnh tranh, một thế giới đánh mất chiều kích xã hội, một nhân loại “phi – ý thức hoá” vì đánh mất bản sắc tập thể, những con người cá thể bị tẩy não bằng một thứ “tân ngôn ngữ” kỹ trị, biến cá nhân thành “đơn vị tiêu thụ”, người lao động thành “nhân lực”, người làm công thành những “đối tượng Uber-hoá”… Lương bổng trở thành phí tổn, luật lao động là chướng ngại vật của sự tuyển dụng, Nhà nước xã hội là vật cản của động lực kinh tế, bảo hộ xã hội thành “đống tiền tổ bố phát điên lên được” (chữ dùng của chính Macron khi nói về quỹ trợ cấp xã hội, chú thích của người dịch), sự liên đới xã hội trở thành sự phát chẩn, bố thí… “Sự phân cực giữa các số phận trong xã hội mỗi ngày thêm hiển nhiên. Một bên là những người có thể hình dung ra tương lai khả dĩ, với cái giá phải trả là ngày ngày phải huy động tất cả những tài nguyên đôi khi đã được tích luỹ và thừa tự từ những thế hệ cha ông. Bên kia là sự đứng khựng và xuống cấp” (bài đã dẫn). Sự nổi giận của những người “Áo Vàng” bắt nguồn từ sâu xa, nhưng phẫn nộ ấy mới chỉ nhắm vào những triệu chứng, mà không nhắm tới căn nguyên, là nguồn gốc của cả một cuộc khủng hoảng của nền văn minh.

N.Q.

Nguyên tác tiếng Pháp : Gilets Jaunes, les Ronds-points de la colère

Chú thích:

*  Chú thích của người dịch: tạm dịch chữ “sans culottes”, bọn bách tính Pháp đã lật đổ vương triều Louis 16, làm cách mạng Pháp.

**  Chú thích của người dịch: tác giả sẽ giải thích phong trào Poujade ở phần dưới.

1 Thomas Piketty, Le Capital au XXIè Siècle, Seuil, 2013. Xem bài giới thiệu cuốn sách này trên Diễn Đàn: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/doc-tu-ban-the-ky-xxi-cua-thomas-piketty

2 Thierry Pech, Le Temps des Riches. Anatomie d’une sécession (Thời đại của nhà giàu. Mổ xẻ một cuộc li khai), Seuil, 2011.

3 “ Le premier jour du reste de ma vie ”, ca từ của d’Etienne Daho

4 Yascha Mounk, Le Peuple contre la Démocratie , éd. L’Observatoire, 2018

Nguồn: https://www.diendan.org/the-gioi/ao-vang-nhung-bung-binh-noi-gian

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn