Thư giãn Chủ nhật: Bóng đá, lòng dân và chỉ tiêu yêu nước

Trịnh Khả Nguyên

Lúc tôi viết mấy dòng này thì Giải bóng đá châu Á (ASIAN CUP) còn đang ở “vòng bảng”. Đội tuyển Việt Nam nằm trong bảng mạnh và kết quả của trận đấu đầu tiên VN-IRAQ không tốt như nhiều người đã dự đoán. Vì chưa qua hết vòng loại nên còn quá sớm để xác ai đi tiếp, ai ra về. Dù thế nào thì cũng khen ngợi tinh thần thi đấu của đội tuyển Việt Nam, các bạn đã “chơi” hết mình.

Nói bóng đá này, liên tưởng tới bóng đá kia. Nhớ khi Việt Nam vô địch giải AFF, nhiều cầu thủ đã cám ơn các người ham mộ (NHM) đã tiếp sức cho họ, còn một bình luân viên (quên tên) lại nói NHM cám ơn các cầu thủ đã đá đẹp, làm cho người xem không thất vọng hay văn hoa hơn thì cho rằng NHM được hưởng một bữa tiệc bóng đá mãn nhãn. (Tôi không thích từ mãn nhãn vì các hiện tượng đang diển ra thấy đã ớn, đã “đầy mắt”rồi).

Nhưng thôi, khách sáo mà chi, biết nói lời cám ơn là quí lắm, là có văn hóa ứng xử như chúng ta thường nghe (đài báo hay nói), chẳng hơn một số người chỉ biết phần mình, giả đui, giả điếc trước những tai ương, khốn khổ của đồng loại.

Về phía cầu thủ họ là con em của nhân dân, đem tài đá bóng để phục vụ NHM, để cám ơn nhân dân là đương nhiên. OK. Chẳng ai đòi hỏi gì thêm, ngay cả khi họ thua. Còn hơn những kẻ từ dân mà ra, nhân danh nhân dân ăn của dân không từ một thứ gì, đã thế lại vô ơn, ngược đãi dân. Hạng này thì quá đông, đông hơn số cầu thủ rất nhiều lần. Và biết đâu, chính những cầu thủ đã “đá” cho họ hưởng (tiếng và miếng nữa).

NHM cũng có mấy lý do để cám ơn các cầu thủ. Vì các cầu thủ đã đáp ứng được sở thích của một số người mê bóng đá. Nhờ vào chiến thắng của đội nhà, NHM được “tự do” tụ tập đông người, được xuống đường được chạy xe, được đánh trống phất cờ, được hò reo. Lâu nay câu khẩu hiệu tất cả cho…, nhưng chưa thấy tác dụng gì, nay với bóng đá thì “tất cả cho bóng đá ” là có thật. Qua các giải trước, nhịp độ hồ hởi tăng theo từ vòng, tứ kết rồi bán kết và chung kết, ai cũng nói, nếu Việt Nam thắng thì “phải biết”. Phải biết là thế nào? Là như đã nói, chạy xe từng đoàn, đánh trống, phất cờ náo loạn đường phố bất chấp luật lệ giao thông. Hàng trăm, không chừng cả hàng nghìn người xuống đường vì bóng đá. Xin đừng ấn tượng với các từ xuống đường biểu tình. Nó rất “trung tính”. Xuống đường là ra ngoài đường, biểu tình là biểu thị tình cảm (không thích/thích) về một việc gì. Hiểu như thế thì hằng ngày mọi người vẫn biểu tình dù nhiều hay chỉ một người). Mới đây có thêm từ đi bão, một từ rất tượng hình, như ta đã nghe bão nổi lên rồi, triều dâng thác đổ để chỉ sức mạnh của các phong trào.

Mong đội nhà thắng trong các trận đấu là tình cảm tự nhiên. Đối với một số người, bóng đá là danh dự quốc gia, cổ vũ cho đội tuyển là yêu nước. Nhưng, không xem hoặc không cổ vũ cho bóng đá nước nhà không phải là không yêu nước.

NHM vì bóng đá gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự, có thể gây tai nạn cho người khác và chính họ. Các hành động kia không do ai tổ chức, không thế lực nào xúi dục, mua chuộc. NHM tự động liên kết với nhau biểu thị tình cảm. Không ai tự nhiên mang biểu ngữ, cờ xí ra đường hoan hô hay phản đối mà chỉ vì những lý do nào đấy mới làm cho họ tụ tập đông người để biểu thị tình cảm (biểu tình).

Và không chỉ trong bóng đá, những việc khác cũng thế, nếu hợp lòng dân thì họ hưởng ứng dù có mất thì giờ, bỏ công ăn việc làm, đội nắng dầm mưa, hò hét đến khản giọng hoặc bị cho “là”. Trái lại, việc gì không hợp lòng dân thì họ phản đối dù cho có chịu như vừa kể.

Trước một sự việc, nhất là những việc lớn quan trọng, người dân thường có một trong hai phản ứng thích/ủng hộ hoặc không thích/phản đối. Ông Tổng Bí thư ĐCS ngày 25.6.2018 cũng đã phát biểu chỉ đạo “Cán bộ lãnh đạo phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân… Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” (Báo Thanh Niên)*

Ông TBT nói rất đúng, không phải bây giờ mà xưa nay ta cũng đã nghe lấy dân làm gốc (dĩ dân vi bổn). Và hiện nay đa số chính phủ của các nước trên trên thế giới đều (tự nhận) là chính phủ của dân, do dân và vì dân, tuy nhiên thực tế thì khác, thậm chí còn ngược lại. Lời TBT, cái gì dân thích thì nhà nước phải làm, cái gì dân căm ghét thì nhà nước không làm. Với bóng đá, nhà nước biết NHM muốn gì? Đơn giản, Việt Nam chiến thắng, muốn cầu thủ đá hết mình, muốn trọng tài “thổi” đúng, muốn tự do đi bão. Còn các vấn đề khác (kinh tế, giáo dục, y tế, pháp luật, quan hệ quốc tế, an ninh quốc gia, môi trường…), nhà nước có cần biết người dân thích gì, không thích gì, suy nghĩ như thế nào? Những vấn đề này nhiều, nhiều lắm, nhưng cũng như bóng đá, muốn cầu thủ ra cầu thủ, trọng tài ra trọng tài, ai lo phần ấy, không thể vừa đá bóng vừa thổi còi, nới phe mình ép phe người. Và cũng muốn luật pháp, các lực lượng an nịnh tạo điều kiện cho dân đi bão ôn hòa (hơn các cuộc đi bão bóng đá). Chung lại, mọi việc từ nói tới làm người dân thích sự thật và ghét giả dối.

Ở một số nước, có một số cơ quan chuyên theo dõi tỉ lệ ủng hộ hay phản đối của dân chúng đối với một, nhiều cá nhân hoặc chính sách của chính phủ. Dù là thăm dò xác suất, nhưng cái tỷ lệ ấy cũng cho những người điều hành biết họ đang được hay mất lòng dân.

Ở ta không có cơ quan, cá nhân nào tổ chức thăm dò ý kiến nhân dân, nhưng có “thi đua yêu nước”, có “phê” và “tự phê”. Ta quen mấy câu nộp thuế là yêu nước / thi hành nghĩa vụ quân sự là yêu nước / tập thể dục là yêu nước / tăng gia sản xuất là yêu nước / kế hoạch hóa gia đình là yêu nước… Tùy tình hình, nhu cầu, tinh thần yêu nước lấy chủ đề theo “vụ việc”. Các chỉ tiêu này do các cơ quan có thẩm quyền (ban thi đua, tuyên giáo, thông tin) nghiên cứu, phổ biến.

Khẩu hiệu “Việt Nam chiến thắng/Việt Nam vô địch” cổ vũ cho bóng đá chỉ xuất hiện vào những trận đấu bóng. Còn các khẩu hiệu, biểu ngữ cổ vũ thi đua “quyết tâm hoàn thành/quyết tâm giành thắng lợi, toàn dân đoàn kết thi đua lập thành tích” thì trưng thường xuyên trong cơ quan, hoặc tại các nơi đông người. Thanh niên thi đua kiểu thanh niên, thiếu niên thi đua theo kiểu thiếu niên, nông dân thi đua kiểu nông dân, phụ nữ kiểu phụ nữ, đến các vị hưu trí, người cao tuổi cũng thi đua. Mỗi lớp tuổi được phong một/nhiều tiêu chí, cho tuổi trẻ thì việc gì khó có thanh niên, cho thiếu niên thì kế hoạch nhỏ, cho phụ nữ thì ba đảm đang, cho người cao tuổi thì tuổi cao trí càng cao. Cứ theo “tinh thần” các khẩu hiệu kia thì toàn xã hội, đất nước, các công sở lúc nào cũng hừng hực như lò lửa đang cháy. Nhưng thực tế thì thế nào? Ông Phó Thủ tướng, bây giờ là Thủ tướng, cho rằng 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về (Vn Express).

Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam thường gặp khủng hoảng về HLV, về con người nên ì ạch chỉ quanh quẩn trong các giải cấp quốc gia, cấp vùng. Tệ nhất là tình trạng bán độ kiếm tiền, một sô cầu thủ lợi dụng vai trò của mình, mới được cơ cấu vào đội tuyển quốc gia, mới có chút tiếng đã nghĩ đến miếng. Hiện nay đội tuyển đã khá hơn, dễ thấy nhất là kỹ thuật đá bóng và thể lực của cầu thủ được nâng cao. Rõ ràng có biến thì mới có chuyển, không thể tiến nếu cứ cố giữ tình trạng cũ. Còn các đợt thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng thì dài dài. Hầu như đợt nào cũng có đánh giá, phát bằng, giấy khen những điển hình tiên tiến xuất sắc và cuối cùng (thường) có liên hoan vui vẻ mừng thành tích tốt đẹp. Về công trạng thì ai hơn những người có thành tích. Nhưng có kẻ năm trước mới nhận giấy, bằng khen, mấy tháng sau (bỗng dưng) thành người lợi dụng chức vụ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thôi trở lại với bóng đá, chúc mừng đội tuyển Việt Nam đã có một số thành tích trong thời gian qua còn cúp, huy chương, giấy khen, bằng khen là những vật kỹ niệm.

T.K.N.

________

Chú thích:

(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-bat-cu-ai-cung-khong-co-quyen-luc-tuyet-doi-ngoai-phap-luat-976847.html.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn