Giải khăn sô cho Lộc Hưng

Tam Ân

Tản văn này được viết dựa trên câu chuyện hoàn toàn có thật, từ địa danh cho đến tên nạn nhân, mốc thời gian được tính theo Âm lịch...

Không như thời chiến tranh, có tiếng “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ buồn tủi, nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi”... mà cố nhạc sĩ họ Trịnh đã miêu tả qua lời nhạc, do ông sáng tác trong ca khúc “Đại bác ru em”, để khắc hoạ bức tranh xám xịt đầy tang tóc. Ở thời buổi đất nước đã “độc lập, hoà bình”, vậy mà về quy mô, về số lượng quân lính tham gia, về mức độ tàn bạo khi nhà cầm quyền cộng sản tổ chức tổng tấn công cưỡng chiếm 50000m2 đất hợp pháp của người dân ở phường 6, Tân Bình mới thấy đáng sợ, đáng kinh hoàng biết bao. Khu đất này được đồng bào đi cư ngoài Bắc vào, khai khẩn, gầy dựng, từ năm 1954 đến nay, hiện nay được trồng rau sạch, một phần diện tích xây dựng nhà cấp 4. Đặc biệt, ở đây có cả một ngôi nhà tình thương dành cho những người thương phế binh, là quân nhân của chế độ Việt Nam Cộng hòa, được xây dựng bằng tấm lòng bác ái đóng góp của giáo dân xa gần thông qua các Linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

https://3.bp.blogspot.com/-NgxwgPw_8BA/XDdi4QX80HI/AAAAAAAAAVw/n-Djq6z9hSgR3RshQv80PFnVrbfyel42gCLcBGAs/s640/IMG_7831.jpg

Khách quan mà nhận xét, cuộc bố ráp bắt bớ người dân xóm đạo trước, rồi tiến hành cưỡng chiếm đất đai Vườn rau Lộc Hưng bởi nhà cầm quyền, trong những ngày cuối năm năm Mậu Tuất 2018, nó khủng khiếp, bi đát, phẫn hận,.. hơn rất nhiều so với thời kì chiến tranh. Trong chiến tranh, ngay cả cuộc thảm sát kinh hoàng người dân Huế vô tội tết Mậu Thân năm 1968, thì nếu còn được sống, người dân Huế vẫn còn cơ hội trở về căn nhà của mình, dù rằng ngày về nó chỉ còn lại một đống đổ nát, ngổn ngang. Một sự đau thương trùng hợp, nửa thế kỉ sau cũng vào năm Mậu, người dân thiện lương ở Vườn rau Lộc Hưng (P6, Tân Bình) đã trở thành nạn nhân của chính quyền cộng sản. Khi chính quyền tổ chức tổng tấn công đập phá nhà cửa, rồi lấy đất đai của họ, vào những ngày cuối năm. Một giải khăn sô cho Lộc Hưng! Nhưng, người dân Lộc Hưng đã tuyệt nhiên không còn được trở về ngôi nhà của mình, như người dân Huế năm xưa. Chỉ trở về một lần thôi, được thăm hay nhìn lại đống đổ nát mà trước đó là ngôi nhà, là vườn rau mà đại gia đình của họ từng sinh sống qua mấy thế hệ, nào có được đâu.

Tính ra, những người đồng bào giáo dân ở nơi này, họ phải chịu tai hoạ cộng sản, đến lần thứ ba gặp cảnh tan nhà nát cửa, kể từ năm 1954, khi mà họ phải khăn gói, dắt díu nhau rời xa cố hương tận ngoài Bắc xa xôi. Có đọc tác phẩm Cố hương của nhà văn Lỗ Tấn, chúng ta mới thấu cảm được phần nào tâm trạng biệt ly, cho những phận người buộc phải rời nơi chôn nhau cắt rốn...! Càng đau đớn hơn, biệt ly cố hương vì chạy giặc, tang thương gánh chịu đến mấy lần. Chính vì điều này, mà nỗi đau của người dân khi bị chính quyền cộng sản cướp bóc đất đai, xảy ra ở Lộc Hưng, nó mang tính chất nỗi đau buốt xé của vết thương cũ vừa sắp da non thì bị rách toạc ra, bởi bàn tay thú tính, khiến cho máu tươi phun bắn ra thành vòi...!

Cuộc tổng tấn công cưỡng chiếm Vườn rau Lộc Hưng đã được chính quyền điều nghiên, tính toán chi tiết, tỉ mỉ. Để thực hiện trơn tru, trót lọt tội ác tày trời này, người ta sẽ phải huy động một lực lượng công an sắc phục thường phục các loại hùng hậu. Bên cạnh đó, còn nhiều lực lượng khác như Thanh niên xung phong, Dân quân tự vệ, Trật tự đô thị. Tất nhiên không thể thiếu lực lượng tinh nhuệ sắc máu Cảnh sát cơ động thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động phía Nam. Chính quyền Quận Tân Bình để có thể làm được điều này, mà truyền thông được lệnh bưng bít sự vụ, chắc hẳn phải được sự gật đầu đồng ý của cấp trên. Người cấp trên này, ông ta được cha mẹ đặt cho cái tên với mong muốn con mình sau này là người thiện lương. Thế nhưng cái tên Thiện Nhân ấy, chẳng hề giúp cho ông giảm đi một chút xíu bất thiện nào, hay tăng lên một chút xúc cảm trước nỗi đau của đồng loài. Có một chi tiết, người dân Lộc Hưng kế lại rằng, ngày xưa gia đình ông cũng ở gần vườn rau Lộc Hưng. Cho nên, nhiều lần mẹ của ông vẫn đến đây mua rau, thời buổi khó khăn ấy, nhưng bà con luôn bán rau với giá rẻ hơn, vì tình xóm giềng với nhau. Vậy mà, có ngờ đâu, ngày sau vườn rau năm xưa đã máu lệ nhạt nhòa bởi gót giày đinh từ những thuộc cấp của ông!

Trước khi chính quyền mở cuộc tổng tấn công cưỡng chiếm Lộc Hưng, thì trước đó, đã có những cuộc cưỡng chiếm nhưng quy mô nhỏ lẻ hơn. Tuy nhiên, cũng gây nhiều thiệt hại rất lớn cho hơn 10 gia đình trên tổng số 124 hộ. Một chi tiết phải nhắc đến, đó là khi tiến hành những tội ác, chính quyền cộng sản thường dùng bức bình phong có tên gọi “nhân dân” hòng che đậy tội ác mà họ gây ra! Thời công nghệ 4.0, bức bình phong ấy được xây đắp, ngụy trang tinh vi, biến tướng hơn nhiều lắm so với những thế hệ trước của người cộng sản.

Ước tính có đến 3 tiểu đoàn hỗn hợp các lực lượng như đã nêu ở trên (300 người/tiểu đoàn), được huy động, để thực hiện cuộc cưỡng chiếm kinh hoàng này. Tất cả đều được trang bị vũ khí, đạn dược, công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, còn có xe cơ giới vận tải, có xe bánh xích sắt mở đường. Tất cả được lệnh tập kết ngay trong đêm mùng 2/12/2018, thầm áp sát vườn rau Lộc Hưng đợi chờ đến giờ G phát hoả.

Rạng sáng tinh sương ngày 3/12/2018, khi vạn vật còn chìm trong giấc ngủ, khi người dân Lộc Hưng còn mệt mỏi nghỉ ngơi sau ngày dài lao động vất vả. Thì tất cả phải giật mình thức dậy, bởi những tiếng còi hụ của xe cơ giới vang lên chát chúa, như tiếng đạn pháo 105 ly rót thẳng vào xóm đạo yên bình, tiếng xích sắt nghiến xuống đường nhựa ken két như đang nghiến lên những bộ xương người, tạo thành âm rờn rợn...

Một tiểu đoàn được lệnh tấn công trực diện vào nhà dân, dưới sự mở đường của xe bánh xích sắt, xe ủi cơ giới. Những con người có hình hài to cao vạm vỡ, bịt kít mặt, chỉ chừa lại đôi mắt cú vọ hằn lên từng tia máu đỏ, bọn chúng nhảy xổ ra vồ lấy nhân dân, như vồ lấy con mồi rồi ngấu nghiến. Nạn nhân đầu tiên là vợ chồng anh Hà Cao Trực, cả hai người đã bị hạ gục lập tức trước sự tàn bạo của chúng. Bởi lâu nay, trong mắt chính quyền, họ luôn xem dân như kẻ thù, nên có dịp ra tay sẽ bằng tất cả sự căm thù, để mang lại cảm giác hả hê cho người thắng cuộc. Tiếng khóc thét lên của những đứa con thơ của anh Trực, đã bị lấn át đi trong tiếng nổ kinh hoàng bởi căn nhà mà anh chắt mót bao năm vừa bị húc ngã sập. Vợ chồng anh chỉ kịp quay lại nhìn con của mình, bằng ánh mắt vừa yêu thương vừa như có lỗi, bởi anh đã không thể bảo vệ được cho con của mình trước những dã tâm. Anh như muốn nhắn nhủ với con thơ rằng: “Nín đi con! Can đảm lên! Ba mẹ lại sẽ về!”, chỉ kịp vậy thôi, hai vợ chồng anh liền bị họ lôi xềnh xệch, kéo lê trên con đường lởm chởm xà bần rồi tống lên xe bịt bùng đưa đi.

Từng người, từng người dân lần lượt bị hạ gục. Không có bất kì một sự phản kháng nào của giáo dân Lộc Hưng. Chỉ có đây đó vang lên tiếng kinh cầu nguyện, của các mẹ, các chị. Tiếng khóc thét của trẻ thơ. Tiếng gọi nhau trong tuyệt vọng của những người đàn ông khắc khổ bởi cần lao. Họ đang cố gắng gom vén những tài sản mà họ phải đổ bao mồ hôi mới có được, với hi vọng có thể mang theo trên đường chạy giặc hiện về trong kí ức họ. Xen lẫn là tiếng hô xung phong quỷ dị như tiếng của loài cú mèo hôi hám bẩn thỉu, của bầy kền kền chuyên rỉa thịt người.

Trong chiến tranh, còn có một Đại lộ Kinh Hoàng để người dân chạy giặc. Than ôi! Lộc Hưng hôm nay dân biết chạy về đâu?! Một tiểu đoàn khác, đã được lệnh phong tỏa tất cả mọi ngả đường ra vào khu vực cưỡng chế. Với mục đích, ngăn chặn tất cả sự cứu viện của những người dân vùng lân cận tiếp ứng cho đồng bào khu vườn rau. Từng hàng rào thép kẽm gai vút cao như đâm thẳng vào bất kì ai còn có lương tri, sẽ nhói đau khi đồng loại của mình đang gặp nạn. Tiểu đoàn còn lại, được cải trang thành người dân, chia ra từng tốp nhận lệnh đến chốt chặn bao vây những nhà người dân khác trong thành phố, mà chính quyền lo nhại họ sẽ là người có khả năng gây bất lợi cho việc cưỡng chiếm, không ít trong số đó chỉ là những người già, là phụ nữ!

Máu người dân Lộc Hưng lại đổ thêm một lần nữa lên chính mảnh đất mà nhiều thế hệ gia đình họ đã tốn bao xương máu mới gầy dựng có được nơi này! Nhưng lần này, trước sự hung hãn đến thú tính, máu người dân lại đổ thấm đẫm từng hạt đất, từng gốc cây, ngọn cỏ, lá rau mà họ đành bất lực, nhìn tài sản bị cướp bóc trắng trợn...! Một bé gái ngồi thẫn thờ với ánh mắt thất thần khi em chứng kiến đám người bàn tay nhuốm máu kia vừa bắt mắt cha mẹ em mang đi. Ánh mắt u buồn, uất ức của em bé thơ kia, đủ khiến cho bất kì ai còn có chút tình Người sẽ phải ám ảnh, phải day dứt đến tận ngày sau... Nhà dân vẫn không ngừng ngả đổ, người dân vẫn không ngừng bị bắt. Đàn bà, trẻ em vẫn không ngừng khóc thét. Bàn tay nhuốm máu tươi kia cũng chưa chịu dừng lại khắc giây nào...! Đặc biệt, có nhiều người là thương phế binh trong cuộc chiến 21 năm, được người dân Lộc Hưng cưu mang. Họ là người thua cuộc, và giờ đây tiếp tục bị đọa đày bởi những con người bên thắng cuộc, khi mà những người thương phế binh này, đã ở vào cái tuổi cổ lai hy! Sự tàn độc của chính quyền cộng sản thì bút mực nào tả xiết!

“Chiều nay trên vườn rau, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn. Chiều nay trên Lộc Hưng, hát trên những xác nhà. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, bên khu vườn, người mẹ già khóc với con thơ... Đảng vỗ tay hoan hô hòa bình. Đảng hả hê đập phá nơi đây”... (1). Ôi! Xóm đạo yên bình yên nay còn đâu, đau thương tang tóc bao phủ một màu trắng khăn sô bao lên vườn rau Lộc Hưng, nỗi đau này, sẽ còn in đậm đến muôn ngàn sau!

T.A.

__________

(1) Lời nhạc của cố nhạc sĩ họ Trịnh đã được cải biên.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn