Âu Châu bị chỉ trích vì không giúp trẻ VN nạn nhân buôn người

12/03/2019

Tư liệu- Cảnh sát bắt giữ di dân lậu tại trại di dân ở Calais, ngày 21/2/2019. (Photo by PHILIPPE HUGUEN / AFP)

Ba tổ chức chuyên nghiên cứu về nạn nô lệ mới tại Châu Âu mà nạn nhân là trẻ em Việt Nam bị buôn sang Anh lao động, cảnh báo tệ nạn này đang gia tăng và tình cảnh những ‘trẻ nô lệ’ người Việt đang hết sức bi đát bởi vì thay vì hợp tác với nhau để bảo vệ các nạn nhân, chính quyền của nhiều nước trung chuyển có thái độ “phủi tay”, đùn trách nhiệm cho Anh, điểm đến sau cùng, đặc biệt trong bối cảnh đang có phong trào chống đối di dân ở Châu Âu.

Hàng ngàn trẻ em Việt Nam bị buôn sang Anh đang bị ngược đãi và bóc lột sức lao động tại nhiều nước trong khi chính phủ các nước Âu Châu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, và tỏ ra thờ ơ trước hoàn cảnh các nạn nhân, trong khi theo luật pháp quốc tế, họ có nghĩa vụ bảo vệ những nạn nhân nhỏ tuổi của các tổ chức buôn người quốc tế. Đó là kết luận của một báo cáo của các tổ chức hỗ trợ nạn nhân buôn người, dựa trên một cuộc khảo sát được công bố cách đây vài ngày.

Báo cáo mang tên: “Precarious Journeys: Mapping Vulnerabilities of Victims of Trafficking from Vietnam to Europe”, tạm dịch: ”Hành trình bấp bênh: Những nguy nan của nạn nhân nạn buôn người bị đưa từ Việt Nam sang châu Âu”, đơn cử một số trường hợp cụ thể, như trường hợp một thiếu nữ mồ côi cha mẹ tên Dung.

Năm 14 tuổi, sau khi ông bà mất, Dung bị người quen biết bán cho một đường dây buôn người của người Trung Quốc rồi bị đưa sang Châu Âu lao động.

Trong cuộc hành trình dài đầy gian nan trên những chuyến xe tải chạy xuyên qua nhiều nước, có một lần Dung bị cảnh sát Pháp chặn lại và thẩm vấn. Dung muốn giải thích những gì xảy đến cho mình và xin được cứu giúp nhưng không có người thông dịch, và vì cô sợ bởi vì trước đó đã bị những kẻ buôn người dọa giết, nếu khai báo với cảnh sát.

Báo cáo của Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương và Tổ chức Chống Nạn Buôn trẻ em – Anh quốc, nói rằng những đứa trẻ bị các đường dây buôn người đưa từ Việt Nam sang Anh, trung bình phải đi qua 8 nước trước khi tới điểm đến sau cùng. Tại mỗi nước trung chuyển, nạn nhân đều bị bóc lột sức lao động hay lạm dụng tình dục.

ECPAT là một mạng lưới chống nô lệ quốc tế toàn cầu gồm nhiều tổ chức hoạt động nhắm mục đích chấm dứt nạn khai thác sức lao động trẻ em, và khai thác tình dục trẻ vị thành niên. Giám đốc đặc trách các dự án của ECPAT-UK, bà Debbie Beadle, nói:

“Theo luật pháp quốc tế, chính quyền các nước có nghĩa vụ phải bảo vệ trẻ em chống nạn buôn người và bóc lột sức lao động”.

Bà Mimi Vu thuộc Quỹ Liên kết Thái Bình Dương, thừa nhận rằng mặc dù ưu tiên hàng đầu là phải ngăn chận từ gốc, tức là chặn những kẻ buôn người đưa người ra khỏi Việt Nam, nhưng bà nói “các nước Âu Châu cần phải làm nhiều hơn để chận đứng nạn buôn người và nạn khai thác sức lao động”.

“Tôi chỉ là một đứa trẻ khi bị những kẻ hung ác mà tôi rất sợ đưa đi khắp Châu Âu. Ở Pháp, cảnh sát đã không giúp tôi. Ở Anh, tôi bị coi như một kẻ tội phạm. Tôi muốn hỏi: tại sao những nạn nhân như tôi lại bị đối xử như những kẻ tội phạm?”

Dung, một nạn nhân nạn buôn người bị buôn sang Anh từ năm 14 tuổi

ECPAT cho rằng những lập luận và chính sách chống di dân của nhiều chính quyền Âu Châu hồi gần đây đã khiến cho công chúng các nước này có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những người di dân nói chung, và vì thế, thay vì bảo vệ và giúp đỡ những đứa trẻ lâm vào tình cảnh đáng thương, lại coi chúng là thành phần di dân bất hợp pháp, và vô hình chung, lại đẩy những thiếu niên này trở lại trong vòng tay của kẻ ác để tiếp tục bị khai thác và hãm hại.

Dung nói:

“Tôi chỉ là một đứa trẻ khi bị những kẻ hung ác mà tôi rất sợ đưa đi khắp Châu Âu. Ở Pháp, cảnh sát đã không giúp tôi. Ở Anh, tôi bị coi như một kẻ tội phạm. Có một điều tôi muốn nói với những người Âu Châu là, nếu chuyện này xảy đến cho con cái họ, thì có lẽ họ sẽ không thờ ơ như thế. Với chính phủ Anh, tôi muốn hỏi: tại sao những nạn nhân như tôi lại bị đối xử như những kẻ tội phạm?”.

Theo tài liệu của tổ chức ECPAT.org, thì người Việt Nam được đưa lậu sang Anh bằng nhiều cách. Có người phải đi đường bộ sang Anh, xuyên qua nhiều cánh rừng ở miền Bắc nước Pháp.

Một số được đưa lên máy bay, bay trực tiếp từ Hà nội sang Moscow, rồi sau đó được đưa bằng xe hơi hay xe tải đi xuyên qua biên giới nhiều nước Đông Âu và Trung Âu, trước khi tới các nước Tây Âu.

Theo Tổ chức chống Nô lệ quốc tế, nước Nga hàng năm cấp cho Việt Nam 50.000 visa du lịch, một con số cao đáng nghi. Giám đốc của tổ chức, bà Debbie Beadle ước lượng một tỉ lệ cao các giấy thị thực nhập cảnh đó đã được dành riêng cho các đường dây buôn người.

Trao đổi với VOA-Việt ngữ, Tiến sĩ Nguyễn văn Huy trước đây giảng dạy tại Đại học Paris 7 cho biết ông đã từng sang Nga và tới thăm một khu vực, nơi mà nhiều người Việt được đưa lậu sang Tây Âu tạm dừng chân trong cuộc hành trình qua ngả các nước Đông Âu.

Ông giải thích:

“Người Việt đi lậu từ bên Đông Âu, nhất là Nga, rất là đông. Họ lập ra những khu vực toàn là người Việt ở Moscova. Tôi đã từng qua đó thì đây rõ ràng là một khu chợ hoàn toàn của người Việt. Số người Việt nhập lậu từ bên Nga rất là đông. Họ sinh sống ở đây bất hợp pháp nhưng họ chỉ xài tiền mặt với nhau, thành ra đây cũng là một nơi mà giới du thủ du thực người Nga lâu lâu vào đó để làm tiền. Cảnh sát Nga đôi khi cũng vào những khu vực này, họ đánh đập người Việt, nhưng không đuổi ai về hết, họ chỉ tìm cách làm tiền những người này mà thôi. Thành ra người Việt hiện nay có thể được coi như một ‘nguồn tài chánh’ của những lực lượng an ninh của các quốc gia Đông Âu cũ”.

Có người bị buộc phải lao động tại các công trường xây cất trong một thời gian trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Sau khi tới các nước Tây Âu, các nạn nhân thường bị đưa tới lao động tại các trại trồng ma túy hay các tiệm làm móng tay.

Bất chấp ngày càng có nhiều bằng chứng được thu thập về nạn buôn người từ Việt Nam, và bất chấp chính phủ Anh tái khẳng định cam kết sẽ đấu tranh chống nạn nô lệ kiểu mới, nhiều người Việt Nam, cả người lớn lẫn trẻ vị thành niên tiếp tục bị những đường dây buôn người khai thác sức lao động hoặc buộc hành nghề mại dâm để trả nợ.

ECPAT nói nhà chức trách các nước trung chuyển thường không nhận ra được họ là những nạn nhân và thay vào đó, coi họ là di dân bất hợp pháp, hoặc tệ hơn nữa, là những kẻ tội phạm.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/au-chau-bi-chi-trich-vi-khong-giup-tre-vn-bi-buon-sang-anh/4824358.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn