Dự án “Vành đai, con đường” & Italia

1. TRANH CÃI QUANH DỰ ÁN KHỦNG “VÀNH ĐAI, CON ĐƯỜNG” HAY LÀ “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI”CỦA TRUNG QUỐC: ITALIA BỊ TRUNG QUỐC GÂY ÁP LỰC

Nguyễn Thanh – Thoibao.de (tổng hợp)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Thông qua dự án khủng “Con đường tơ lụa mới”, Trung Quốc muốn xây dựng mạng lưới thương mại thế giới theo kiểu cách của họ. Các nước Đức, Pháp, Anh kiên quyết bác bỏ.  Một vài nước như Italia lại hy vọng vào nguồn đầu tư bạc tỷ.

Châu Âu cảnh báo nguy cơ bẫy nợ

Trung Quốc yêu cầu Italia tham gia vào dự án khủng gây nhiều tranh cãi mang tên „Con đường tơ lụa mới“. Trong một cuộc họp báo tại Quốc hội ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khuyến cáo chính phủ Roma như sau: „Italia là một quốc gia độc lập, và chúng tôi tin rằng, nước này sẽ giữ đúng quyết định do họ tự quyết“. Nghĩa là, TQ muốn Italia đừng làm theo các kế hoạch của Liên minh Châu Âu.

Theo các nguồn tin quốc tế, chính phủ Italia muốn ký một thỏa thuận với Trung Quốc trong dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Italia vào cuối tháng Ba. Nếu điều đó xảy ra, Italia sẽ là quốc gia lớn nhất về kinh tế và quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 tham gia vào dự án “Vành đai, con đường” (tên gọi khác của “Con đường tơ lụa mới”). Một số nước EU khác như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Hungary cũng đã ký thỏa thuận với Trung Quốc. Họ hy vọng vào vốn đầu tư bạc tỷ của nước này.

Tên tiếng Anh của dự án là “Belt and Road Initiative (BRI)”.  Thuật ngữ “Belt” (Vành đai – Gürtel) được dùng để chỉ hệ thống đường bộ dự kiến từ Trung Quốc, xuyên qua vùng Trung Á, sang Châu Âu. Còn “Road” dùng để chỉ đường hàng hải dự kiến từ lục địa Trung Hoa sang đến Phi Châu, qua Mỹ La Tinh.

Sơ đồ kế hoạch “Một vành đai, một con đường”

Sự thiếu minh bạch và “bẫy nợ”

Những chỉ trích của Liên minh Châu Âu (EU) đối với dự án khủng của Trung Quốc gồm: Thiếu minh bạch, ảnh hưởng xấu tới môi trường, điều kiện cạnh tranh không bình đẳng, không mời thầu công khai.

Doanh nghiệp Châu Âu về nguyên tắc muốn hợp tác, tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc lại được Bắc Kinh quá ưu đãi.

Châu Âu cũng cảnh báo, một số quốc gia nhỏ rất dễ bị rơi vào “bẫy nợ” và bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra chính quyền tại Bắc Kinh luôn luôn đòi “tôn trọng lợi ích cốt lõi” của họ ở các vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông của VN). Tất nhiên, điều này luôn là yếu tố gây bất ổn tại các vùng đó.

Một ví dụ điển hình về “bẫy nợ” của Trung Quốc có thể nêu ra là: Sri Lanka phải nhượng cảng nước sâu chiến lược tại Hambantota cho Trung Quốc trong vòng 99 năm vì số nợ 1,1 tỉ USD.

Nhiều nước đã nhận thấy mối hiểm họa từ dự án khủng của Trung Quốc. Mới đây, vị Thủ tướng 93 tuổi Mahathir Mohamad của Malaysia đã quyết định hủy bỏ một loạt dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có dự án đường sắt cao tốc nối Malaysia với Singapore trị giá 20 tỷ USD.

Cho đến thời điểm này, nhiều nước thành viên châu Âu như Đức, Pháp, Anh kiên quyết bác bỏ dự án “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, các địa danh “Vân Đồn”, “Bắc Vân Phong”, “Phú Quốc” – Những vùng đất nằm trong „Dự luật đặc khu“ do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm chủ biên –  là những nơi có thể xây dựng cảng biển lớn trên “road” hàng hải huyết mạch, dự kiến từ Trung Quốc, chạy dọc bờ biển Việt Nam, hướng tới kênh đào Kra dự kiến xuyên qua lãnh thổ Thái Lan, dẫn sang Ấn Độ Dương. Mặc dù “Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc”, như lời tuyên bố của Bộ trưởng Dũng, bản dự thảo luật đặc khu đó đến nay vẫn chưa được Quốc hội Việt Nam thông qua.

N.T. https://www.n-tv.de/wirtschaft/China-verlangt-italienische-Projektzusage-article20896103.html https://www.n-tv.de/wirtschaft/Mit-diesem-dreckigen-Deal-knebelte-China-Malaysia-article20802098.html https://www.zdf.de/dokumentation/dokumentation-sonstige/die-neue-seidenstrasse-teil1-100.html Nguồn: https://thoibao.de/tranh-cai-quanh-du-khung-vanh-dai-con-duong-hay-la-con-duong-lua-moi-cua-trung-quoc-italia-bi-tq-gay-ap-luc

-------------

2. CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI: TRUNG QUỐC DÙNG Ý LÀM SUY YẾU LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

RFI

Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển của Trung Quốc. NASA/Goddard Space Flight Center/Wikipedia

Ý có thể sẽ trở thành nước thứ 68 tham gia sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (Con đường Tơ lụa mới) của Trung Quốc nếu Roma và Bắc Kinh ký biên bản ghi nhớ nhân chuyến thăm Ý bắt đầu từ ngày 20/03/2019 của chủ tịch Tập Cận Bình. Việc Ý là quốc gia đầu tiên thuộc khối G7 tham gia dự án của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sự thống nhất của Liên Hiệp Châu Âu trước những tham vọng của Bắc Kinh.

Dự án xây dựng song song nhiều mạng lưới đường bộ và đường thủy (chủ yếu gồm đường bộ, sân bay, đường sắt và cảng biển) nhằm nối liền hai lục địa Á-Âu được Bắc Kinh công bố năm 2013 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2049, nhân 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Cho tới nay, Trung Quốc thuyết phục được chủ yếu các nước ở Trung Á, Đông Nam Á và châu Phi. Liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu, hai nước thành viên đã bị khuất phục trước những lời đường mật của Bắc Kinh là Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Ngoài hiện đại hóa tuyến đường sắt nối Hy Lạp và Hungari, chính quyền Athens đã nhượng cảng Piraeus cho Trung Quốc. Từ hạng 93 trên thế giới vào năm 2010, hiện cảng Piraeus vươn lên đứng thứ 38 và trở thành trạm trung chuyển cho các nhà vận tải Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng quyết định đầu tư ồ ạt vào Bồ Đào Nha. Ngoài ra, Lisboa có thể sẽ đưa cảng Sines vào dự án Một Vành đai, Một con đường của Trung Quốc.

Ý giúp Trung Quốc củng cố dự án Con đường Tơ lụa mới

Trang Euractiv (11/03/2019), chuyên về thời sự châu Âu (trụ sở ở Bruxelles), có trong tay một bản dự thảo thỏa thuận về hợp tác đặc biệt và thương mại giữa Roma và Bắc Kinh. Các đề xuất trong bản dự thảo do phía Trung Quốc đưa ra và Ý chưa chỉnh sửa bất kỳ điểm nào.

Theo dự thảo thỏa thuận, cảng Trieste được xác định là điểm chiến lược dẫn vào châu Âu của dự án Con đường Tơ lụa mới và sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nằm trên biển Adriatic và ở cửa ngõ dẫn vào vùng Balkan, cảng Trieste được nối với hệ thống đường sắt dẫn đến Trung và Bắc Âu. Năm 2018, gần 62,7 triệu loại hàng hóa đã được trung chuyển qua khu cảng được coi là một trong số những cảng lớn nhất ở Địa Trung Hải.

Ngoài ra, hai bên còn có thể ký một thỏa thuận hợp tác khác giữa hai nhà phân phối điện lực Trung Quốc State Grid Corporation of China (SGCC) và Terna của Ý. Có thể nói đây là thỏa thuận giữa hai công ty đều liên quan đến vốn của Trung Quốc vì khoảng 29,8% cổ phần của công ty Terna nằm trong tay tập đoàn CDP Reti, trong khi công ty lưới điện Trung Quốc SGCC lại sở hữu đến 35% cổ phần của CDP Reti.

Cuối cùng còn phải kể đến một số thỏa thuận thương mại gây nhiều tranh cãi, cũng có thể được ký nhân chuyến thăm Ý của ông Tập Cận Bình, giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và tập đoàn hàng không và không gian Ý Leonardo.

Ông Luigi Di Maio, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ý, đồng thời là người đứng đầu Phong trào 5 Sao, khẳng định việc tham gia dự án Con đường Tơ lụa mới trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu của một nước Trung Hoa “khao khát sản phẩm và kinh nghiệm của Ý”.

Còn đối với Thủ tướng Giuseppe Conte, “việc Ý tham gia vào Con đường Tơ lụa mới là một cơ hội, là một lựa chọn chiến lược đối với đất nước”, dù ông trấn an Liên Hiệp Châu Âu và các đồng minh rằng “những lựa chọn như vậy phải được phối hợp với các đối tác truyền thống” của Ý. Ngoài ra, Thủ tướng Conte còn phải thuyết phục được những hoài nghi ngay trong nội bộ chính phủ, trước khi lên đường tham dự diễn đàn “Con đường và Vành đai” được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 04/2019.

Bruxelles đã nhận thấy Roma thay đổi thái độ đối với Bắc Kinh từ vài tháng gần đây. Trước đó, cùng với Đức và Pháp, Ý từng đấu tranh để toàn khối có một cơ chế chung giám sát đầu tư nước ngoài ở châu Âu, đồng thời duy trì chủ quyền của các nước về vấn đề này. Tuy nhiên, khi đạt được văn kiện chung, Ý lại từ chối và vào đúng thời điểm đó, nội các Ý thay đổi, giờ nằm trong tay phe cực hữu.

Nhật báo Les Echos (07/03), trích lại nhận định của bà Sophie Boisseau du Rocher, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), đồng tác giả cuốn Trung Quốc là/và thế giới (La Chine e(s)t le monde), theo đó, “về nguyên tắc, Liên Hiệp Châu Âu không phản đối dự án Một Vành đai, Một Con đường, nhưng họ muốn có cuộc đàm phán công bằng và điều này sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh nếu các nhà đàm phán Trung Quốc phải đối mặt với một khối đối tác duy nhất”.

Vẫn theo chuyên gia Pháp, “Trung Quốc tìm cách áp dụng biện pháp từng làm với các nước ASEAN: những bài diễn văn và tuyên bố trấn an về tầm quan trọng của “sự đoàn kết trong vùng” nhưng thực tế chiến lược thì lại là chia rẽ và khoét rỗng tổ chức trong vùng”.

Tóm lại, khi chiêu dụ được Ý, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh mạnh vào sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu. Trang Global Times, cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc, đã tranh thủ cơ hội để đăng một bài viết của giáo sư địa lý người Ý, Fabio Massimo Perenti (Viện Lorenzo de Medici ở Firenze), chỉ trích “thái độ đạo đức giả” của Berlin và Paris.

Ông cho rằng Pháp và Đức “làm việc với Bắc Kinh ở quy mô lớn hơn” so với Ý. Hai nước trên không tham gia dự án Con đường Tơ lụa mới nhưng từng vội vã gia nhập Ngân hàng Đầu tư châu Á chuyên về đầu tư cơ sở hạ tầng và cũng do Trung Quốc sáng lập.

Trung Quốc muốn vẽ lại bản đồ thế giới theo tiêu chí riêng

Với tổng kinh phí lên đến hơn 1.000 tỉ đô la, Một Vành đai, Một con đường là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Theo một số chuyên gia, Bắc Kinh muốn vẽ lại bản đồ thế giới theo tiêu chí của Trung Quốc và phô trương sức mạnh của quốc gia này trong trung hạn.

Theo nhà báo François Lenglet, khi phân tích trên đài phát thanh RTL (07/03), dự án Con đường Tơ lụa mới là công cụ chủ đạo trong chiến lược bành trướng quyền lực của Bắc Kinh.

Trước hết, dự án này giúp Trung Quốc kiểm soát các tuyến đường. Ví dụ, dự án đường ống dẫn chất đốt nối Miến Điện và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là cách bảo đảm việc cung cấp khí đốt và loại bỏ khả năng rủi ro Mỹ phong tỏa hàng hải trong các vùng biển mà Hải Quân Hoa Kỳ vẫn thường xuyên tuần tra.

Tiếp theo, Con đường Tơ lụa mới còn giúp Trung Quốc kiểm soát các nước có tuyến đường chạy qua. Đây là điểm đáng lo lắng nhất. Các khoản vay mà Trung Quốc cấp cho các nước sở tại bị coi là chiếc bẫy tài chính để ép họ phụ thuộc vào Bắc Kinh. Pakistan như đang rơi vào tình cảnh này. Malaysia có lẽ cũng đã bị sập bẫy nếu thủ tướng Mahathir Mohamad, ngay sau khi nhậm chức, không sáng suốt rút khỏi dự án mà ông chỉ trích là “tân thực dân”.

Con đường Tơ lụa mới như chiếc mạng nhện được giăng trên nửa địa cầu. Và chiếc mạng nhện này chủ yếu do các doanh nghiệp Trung Quốc tự xây và mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

(Tổng hợp từ Les Echos, Le Figaro, Euractiv, đài phát thanh RTL)

Nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190312-con-duong-to-lua-moi-trung-quoc-dung-y-lam-suy-yeu-lien-hiep-chau-au

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn