Hồi ký Nguyên Ngọc: Hòa bình khó nhọc (2)

Nguyên Ngọc

(Xem phần (1) ở đây. Và ở đây, hoặc ở đây).

Tố Hữu vừa bước vào phòng họp hội nghị đảng viên, liền nắm lấy chùm râu Nguyên Hồng hỏi:

– Râu thật hay giả?

Hay là ông ta vẫn chưa chịu quên được câu tuyên bố thẳng thắn ngang tàng của Nguyên Hồng mấy chục năm trước?

Hội nghị đảng viên họp ở 51 Trần Hưng Đạo, vẫn trong cái căn phòng lát gỗ lịch sử ấy. Phòng họp có một cái bục gỗ.

Tố Hữu bước tới bục, đứng một lúc, rồi bắt đầu nói. Câu đầu tiên:

– Cái bục này đối với tôi là hơi cao đấy. Đối với anh Nguyên Ngọc, chắc còn cao hơn.

Vậy là tôi hiểu rồi.

Ông nói khoảng ba giờ liền. Tôi không nhớ hết. Đại ý bản Đề dẫn bị phê phán kịch liệt. Nó chệch hướng. Nó có mùi vị tự do tư sản. Nó cổ vũ cho tư tưởng cá nhân tư sản.

– Nghe nói có người nhắc đến chuyện nhà văn tự sát bên Liên Xô. Ở đây, ai muốn, thử tự sát coi?…

Ông nói về sự ưu việt của chủ nghĩa tập thể. Ông kể rằng ông vừa đi một chuyến Cao Bằng, đến một thôn xóm nào đó, xa lắm, gặp một anh giữ máy bơm nước hợp tác xã. Anh ấy văn hóa i tờ, kỹ thuật chẳng học hành gì, nhưng bao nhiêu năm nay cái máy vẫn chạy ngon lành. Đó là cái gì? Vì sao? Tập thể có thể làm nên những điều kỳ diệu như vậy đấy. Con người mới đâu? Đi đi, rồi sẽ thấy…

… Hội nghị lặng như tờ. Không biết ai đó ngồi phía sau tôi, thì thào:

– Phen này bỏ mẹ thằng Ngọc.

Tôi cũng im lặng. Về sau Nguyễn Khải bảo: lúc đó mình nhìn thằng bạn, thấy mặt nó cứ lầm lì. Cái thằng!

… Cuối buổi, tất nhiên tôi phải thay mặt anh em nói mấy lời. Tôi nói cảm ơn anh Tố Hữu về những ý kiến của anh, và chúng tôi sẽ nghiêm túc nghiên cứu.

Chế Lan Viên tiễn Tố Hữu ra cổng.

Nguyễn Trọng Oánh đèo xe đạp tôi về. Oánh bảo:

– Không thể chịu được cái chuyện anh máy nước hợp tác xã của ông Tố Hữu. Kỳ không thể chịu được!

Tối hôm đó, chúng tôi lại ngồi với nhau ở 4 Lý Nam Đế, trong phòng ngày xưa Nguyễn Thi thường nằm bò ra sàn, cái khăn ướt quấn chặt trên đầu, hì hục viết.

Có ba anh em: Nguyễn Khải, Giang Nam và tôi. Cũng lạ, chúng tôi vẫn bình tĩnh tính chuyện ngày mai. Chúng tôi vẫn tin rằng ý kiến của chúng tôi đúng, có thể có nhiều sơ hở, nhưng cơ bản là đúng, sơ hở thì điều chỉnh lại, chả sao.

Bất ngờ Chế Lan Viên đến. Hình như anh đi bộ từ 51 Trần Hưng Đạo lên tận đây. Ngồi một lúc, anh bảo:

– Khi chiều, mình đưa anh Tố Hữu ra cổng, anh ấy dặn: Nói thế thôi, chứ phải bảo vệ thằng Ngọc để nó làm việc.

Chúng tôi pha trà, mời anh uống. Uống xong chén nước, anh đứng dậy, nói:

– Thôi bây giờ thế này, để mình dẫn cậu Ngọc lên xin lỗi anh Tố Hữu. Đi với mình.

Nguyễn Khải, Giang Nam không nói gì.

Còn tôi, thực tình lúc đó tôi giận lắm.

– Cảm ơn anh – tôi nói – nhưng… một là, tôi thấy tôi chẳng có gì phải xin lỗi ông Tố Hữu. Hai nữa, tôi cũng là người lớn rồi, anh ạ, cần đi, tôi đi một mình cũng được. Cảm ơn anh.

Chế Lan Viên hằm hằm bỏ ra về.

Chúng tôi còn họp tiếp một ngày nữa. Cuối cùng, là người chủ trì hội nghị, tôi phát biểu kết luận. Tôi nói:

– Hội nghị chúng ta cơ bản nhất trí với bản Đề dẫn của Đảng đoàn…

Ra về, nhiều anh em bắt tay tôi. Người bảo:

– Được lắm!

Người bảo:

– Mày thật quá quắt. Chết, con ạ.

Cũng có người quay mặt đi.

*

Chúng tôi vẫn làm việc, nhưng công việc như cứ rã dần ra. Không khí nặng nề.

Có hôm Nguyễn Khải nói:

– Mình tưởng cậu có ông Chu Huy Mân, ông Võ Chí Công sau lưng cậu chứ. Hóa ra…

– Không, tôi chẳng có ai sau lưng cả. Tự mình chịu trách nhiệm.

Báo Văn nghệ lại đăng cái bài “hiện thực phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến (6). Giang Nam, Tổng biên tập, có đưa cho tôi xem trước, hỏi ý kiến. Tôi nói:

– Tôi thấy bài anh Hiến có ý hay, nhưng không chặt. Có chỗ anh phiến diện giải thích văn học trực tiếp từ cơ sở kinh tế – xã hội, theo tôi, không ổn. Nhưng đó là ý kiến riêng của tôi. Tôi đề nghị nguyên tắc làm việc thế này: Đảng đoàn không duyệt từng bài báo. Tổng biên tập có thể hỏi ý kiến, tham khảo, nhưng đăng hay không, tự anh phải quyết định.

Nhiều người bảo bài viết của anh Hiến là “đồng loã, bố trí hợp đồng” với bản Đề dẫn của tôi. Hoàn toàn không phải như vậy. Có lẽ hai chúng tôi gần nhau ở một số ý tưởng nào đó, thế thôi.

Tôi lại vụng về trong quan hệ với Nguyễn Khải. Có lần anh hỏi tôi:

– Hay là mình chuyển sang bên Hội, ra khỏi quân đội luôn.

Tình hình biên chế của cơ quan Hội đang rất gay go. Quỹ lương nặng quá. Người thừa nhiều. Tôi nói:

– Để tính đã, ông ạ. Biên chế còn căng quá.

Khải giận tôi. Ít lâu sau, anh chuyển hẳn vào Sài Gòn.

Trong Đảng đoàn, Chế Lan Viên là người công kích tôi dữ dội hơn cả. Anh ở Sài Gòn, lâu lâu mới ra Hà Nội, đi đây đi đó nắm tình hình, lên chỗ Tố Hữu thăm dò… Rồi đến kỳ họp, tấn công tôi ráo riết. Anh viết cả bài đánh tôi trên báo Văn nghệ. Giang Nam hỏi tôi:

– Có đăng không?

Tôi nói:

– Tùy anh. Nhưng theo tôi, cứ đăng. Chẳng sao đâu.

Những ngày ấy, nhiều lúc tôi thấy cô đơn vô cùng. Đi làm về, mệt nhoài, căng thẳng, chẳng biết nói với ai.

Tôi cám ơn anh Tô Hoài. Anh vẫn làm việc với tôi, chia sẻ bao nhiêu việc linh tinh phức tạp hàng ngày. Anh làm việc chu đáo, tận tụy và nhẹ nhàng. Chỉ thường vắng mặt, ốm đau hay đi đâu đó, những khi có cuộc đấu đá căng.

Cũng có nhiều người khuyên tôi:

– Cậu nên gặp ông Tố Hữu một bữa. Gặp, nói đôi lời, lại đâu vào đấy cả thôi. Cậu tự ái lớn quá.

Tôi không đi. Vì thấy chẳng có gì để nói.

Từ ấy, mãi cho đến nay, tôi chỉ đến nhà Tố Hữu một lần. Ấy là lần Phan Tứ ốm nặng.

Phan Tứ ở Đà Nẵng, bị đau quằn quại kéo dài ở bụng suốt hàng mấy năm. Bệnh viện C Đà Nẵng chạy chữa đủ cách, không bớt. Lúc nghi tắc ống dẫn mật, lúc nghi gan, lúc bảo có thể có chuyện gì đó ở thận… Rất may bấy giờ có một hội nghị toàn quốc ngành y họp ở Đà Nẵng. Các anh ở bệnh viện C nhờ Bác sĩ Đặng Văn Chung xem hộ. Đó là vị Bác sĩ chẩn đoán giỏi số một ở nước ta. Nghe bảo ông không cần dùng đến cả tai nghe, chỉ sờ nắn qua ở bụng, nói ngay:

– Chỉ có thể là ở tuỵ. Ra Hà Nội ngay đi!

Tứ ra bệnh viện Việt Xô Hà Nội. Tôi vào gặp anh Điệng, Phó chủ nhiệm Khoa ngoại, là người quen cũ. Tôi bảo:

– Tứ là bạn tôi, tôi lại là người có trách nhiệm ở Hội, bệnh tình anh ấy thế nào, anh nói thực với tôi đi.

Điệng hỏi:

– Ông có quen ông nào thật to không?

– Cũng có thể.

– Vậy nhờ ông ấy nói hộ một tiếng với ông Tôn Thất Tùng bên Việt Đức sang xem cho một chút, có ý kiến, bọn mình làm sẽ chắc tay hơn.

Đêm ấy tôi đến nhà Tố Hữu, kể tình hình Phan Tứ, và nhờ ông nói hộ với Bác sĩ Tôn Thất Tùng. Tố Hữu rất nhiệt tình.

– Cậu ngồi đây một lát, mình gọi điện thoại cho anh Tùng ngay.

Ông vào phòng trong, gọi điện, trở ra, bảo:

– Được rồi.

Sáng hôm sau, bác sĩ Tôn Thất Tùng bỏ một phiên họp Quốc hội, vào Việt Xô xem cho Phan Tứ. Về sau chính ông mổ và điều trị cho anh.

Chuyện là vậy.

Tôi gắng gượng hết sức làm mọi việc còn có thể làm ở Hội, những việc mà tôi tâm huyết: giúp củng cố và phát triển Trường Nguyễn Du, lo cho những anh em trẻ có triển vọng, lo tờ Văn học nước ngoài, củng cố báo Văn nghệ (anh Nguyễn Văn Bổng lại trở về thay Giang Nam), làm trại sáng tác ở Huế, ở Vũng Tàu, v.v.

Nhưng cái Đảng đoàn cứ rã dần ra. Nó rã từ bên trong. Đến triệu tập họp cũng không được: Chế Lan Viên, Anh Đức không thèm ra.

Cho đến trước Đại hội Nhà văn lần thứ III, lúc này do Hà Xuân Trường trực tiếp chỉ đạo, thì nó thực tế bị giải thể lặng lẽ; không hề có một quyết định nào của Ban bí thư là tổ chức đã quyết định lập ra nó.

Đại hội III họp tháng 9 năm 1983. Lần ấy Nguyễn Duy có đến phỏng vấn cụ Nguyễn Tuân. Cụ bảo:

– Mình đã dự mấy cái Đại hội nhưng chưa thấy Đại hội nào tợn như cái này.

Trong Đại hội tôi vẫn được bầu vào Ban chấp hành, nhưng không trực tiếp làm công tác gì ở Hội nữa. “Được giải phóng đi sáng tác”.

Lại bắt đầu một thời kỳ lêu lổng lang thang rất thú vị. Cái Đề dẫn đã làm khốn đốn tác giả của nó gây xao động một thời, đến nay tôi chẳng giữ được bản lưu nào trong tay (7). Bản cuối cùng, tôi gửi cho ông Lê Đức Thọ theo yêu cầu của ông, sau không thấy gửi trả lại.

Nguyên là đầu 1981, một hôm tôi đang họp Quốc hội thì được điện của văn phòng ông Lê Đức Thọ gọi: 8 giờ sáng mai đến gặp “anh Sáu” tại 6 Nguyễn Cảnh Chân.

Ông Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội, rất nghiêm. Ông tuyên bố:

– Đối với đại biểu Quốc hội thì trong khi Quốc hội đang họp, không có gì quan trọng hơn là họp Quốc hội.

Có bữa ông Lê Hiến Mai, bấy giờ là Bộ trưởng Thương binh xã hội, đến chỗ thư ký đoàn Quốc hội, nhờ tôi thưa hộ với Cụ một tiếng, xin nghỉ một buổi họp.

Cụ hỏi:

– Việc gì?

Tôi bịa ra một việc gì đó quan trọng lắm.

– Quan trọng hơn cả Quốc hội à?

Nhưng rồi Cụ cho phép.

Tôi xin phép nghỉ một buổi. Đúng 8 giờ sáng có mặt ở 6 Nguyễn Cảnh Chân. Anh Ngọc, thư ký riêng của Cụ ở đấy, bảo:

– Anh Sáu còn ăn sáng. Anh ngồi chờ một lúc.

Tôi ngồi chờ hai mươi phút. Trong hai mươi phút ấy, lần đầu tiên tôi được chứng kiến sự vận hành của cái guồng máy ở cấp tối cao. Tôi ngồi nghe anh Ngọc gọi điện thoại liên tục đến hơn chục nơi khác nhau, các Bộ của Nhà nước, các Ban của Đảng, các cơ quan và thủ trưởng cao nhất, nơi nào cũng nói nguyên một câu: “Vấn đề các anh thỉnh thị hôm qua, ý kiến anh Sáu như sau…”.

Ra trong một đêm hôm qua, con người tôi sắp được gặp, “anh Sáu”, đã giải quyết và cho chỉ thị về hàng chục công việc hết sức khác nhau, toàn những việc trọng đại, liên quan đến vận mệnh quốc gia. Bộ óc ấy làm việc suốt đêm qua, bây giờ mệnh lệnh được ban ra qua cái điện thoại của người thư ký này.

Ngồi đó hai mươi phút, tôi có cảm giác được nghe tận tai, thấy tận mắt cái bánh xe vận mệnh đất nước đang quay, lịch sử đang đi, rõ ràng…

Ông Lê Đức Thọ hỏi tôi:

– Đầu đuôi thế nào, anh kể xem?

Tôi kể hết đầu đuôi. Nghe xong, ông bảo:

– Tiểu sử của anh, tôi có biết. Anh là người có kinh nghiệm, nhưng chủ yếu là kinh nghiệm chiến tranh, chiến trường. Bây giờ anh về lãnh đạo Hội Nhà văn. Ở đấy là một cái bụi gai, anh chưa kinh nghiệm gì, vấp là phải. Hôm nay tôi chỉ có thể nói với anh, tôi xác nhận ba điều: anh là người trung thực, anh có tâm huyết, và là người làm việc. Ba điều đó, có thể khẳng định. Còn chuyện quan điểm, tôi chưa đọc bản Đề dẫn, anh về gửi cho tôi một bản, tôi sẽ có ý kiến sau. Cũng phải còn trao đổi lại với anh Tố Hữu nữa.

Tôi về gặp Trà Giang, nghệ sĩ điện ảnh, bấy giờ cũng là đại biểu Quốc hội. Cô lo lắng:

– Thế nào anh?

Tôi bảo:

– Cơ bản là được. Nhưng còn một cái cơ bản hơn nữa, quan điểm, Cụ chưa có ý kiến.

Trà Giang cười:

– Đáng kiếp, ai bảo đi làm lãnh đạo.

Nguyễn Trọng Oánh ngày nào cũng đến tôi. Anh rất ít nói, chỉ hay thở dài. Vậy mà quyết liệt đáo để. Anh viết thư xin gặp ông Lê Đức Thọ. Khi được gặp, anh nói thẳng với ông:

– Nguyên Ngọc đúng. Tố Hữu sai.

Anh về bảo tôi:

– Mình nói vậy, mà không thấy ông Sáu phản ứng gì cả. Không biết đằng nào mà lần.

Riêng tôi, tôi biết những cuộc gặp gỡ ấy chẳng đi đến đâu. Tự do, kể cả tự do sáng tác, không phải là thứ có thể đi cầu xin. Cuộc sống còn phải vận động, theo những qui luật nhọc nhằn của nó.

Tôi biết công việc ở Hội lùng nhùng, chẳng ra sao, ngày càng rời rã. Nhưng tôi cũng biết, cũng tin Hội Nhà văn không đồng nghĩa với nền văn học. Cái Hội chúng tôi có bệ rạc đến đâu, mặc, đời sống văn học vẫn đi theo con đường của nó, có thể càng thêm vất vả hơn, nhưng chẳng gì ngăn được.

Điều ấy đúng với cả từng nhà văn.

Nguyễn Khải bỏ vào Sài Gòn, anh không cùng tôi chèo chống tiếp những ngày sóng gió. Nhưng anh không trát bùn trên “mặt trận” chính của anh: sáng tác. Cha và con, và… khiến tôi hiểu và vẫn yêu Nguyễn Khải, dầu đôi khi, cô đơn quá, tôi cũng có giận anh ít nhiều.

Nguyễn Minh Châu chẳng nói chẳng rằng. Trong suốt cái cuộc cãi vã vụ Đề dẫn ấy anh hầu như hoàn toàn đứng ngoài. Đôi khi hơi cười mỉa. Nhưng chính trong những ngày ấy, anh vật vã tìm một con đường mới, trước hết cho chính anh, và như sau này ta sẽ thấy, cho cả chúng ta, cho bước chuyển khó nhọc mà quyết liệt của văn học.

Và bao nhiêu anh chị em trẻ, ở khắp nơi. Chưa rõ rệt có một cái gì, song đồng thời lại cũng rõ ràng không thể như trước nữa…

Tôi có một người quen, là một nhà phê bình trẻ rất uy tín ở Liên Xô, Evguéni Sidorov. Anh là Giám đốc Học viện Văn học Gorki. Một nhà phê bình uyên bác, táo bạo và tinh tế, là người đã phát hiện Evtouchenko. Anh sang Hà Nội, hỏi thăm tôi, anh em bảo tôi đã vào Huế. Đến Huế hỏi, anh em bảo tôi vừa đi Sài Gòn. Vào Sài Gòn, anh em lại bảo tôi đi Cần Thơ rồi. Sidorov nhắn xuống Cần Thơ:

– Về ngay, muốn gặp một chút.

Tôi mượn xe của Văn nghệ Hậu Giang, chạy lên. Ôm hôn nhau ba lần, đúng kiểu Nga.

Sidorov ghé tai:

– Nghe nói cậu bị đi đày, phải không?

– Tầm bậy. Làm gì có. Mình đang đi du lịch.

Tối, chúng tôi ngồi uống cognac với nhau trên tầng cao nhất của khách sạn Độc Lập Sài Gòn.

Tôi hỏi:

– Ông thấy văn học chúng tôi thế nào?

Sidorov bỗng nghiêm trang, anh đặt cốc rượu xuống bàn:

– Các anh có một nền văn học, thật đấy. Không nói nịnh đâu. Nhưng nó… ở ngoài Hội Nhà văn.

– Uống đi – tôi bảo – Đến đáy nhé… Nhưng mà này, hỏi thêm một câu: như vậy là tốt hay là không tốt?

– Ông cật vấn tôi nhiều quá, chủ nhà thế là hơi bất lịch sự đấy.

Đêm ấy tôi uống hơi nhiều. Ngủ lại với Sidorov ở khách sạn Độc Lập. Gần sáng tỉnh dậy nhìn ra mặt sông Sài Gòn còn mờ sương, sau lớp cửa kính càng hư vô.

Sidorov hỏi:

– Sao dậy sớm thế?

– Mình đi đây.

– Đi đâu?

– Cần Thơ.

– Có người yêu dưới ấy à?

– Cũng có thể.

– Thằng quỷ, thế thì đi đi. Chào!

Những ngày ấy sao lạ thế. Tôi vừa như một kẻ thất nghiệp, thừa rỗi rãi, lang thang, vừa lại cứ nôn nóng thế nào ấy trong người, không yên. Chờ đợi một cái gì đó sẽ đến, nhất định phải đến chứ. Khó nhọc lắm, nhưng tất yếu, đáng chờ, đáng tin.

Tôi không bao giờ nghĩ bản Đề dẫn luộm thuộm nọ đã mở ra một cái gì cho văn học, cho người viết, gợi ý cho một sự bừng nở mới.

Có lẽ trái lại mới đúng, chính sự trăn trở âm thầm trong hàng trăm người cầm bút ngày ấy đã gợi ý cho nó. May ra thì ưu điểm chủ yếu của nó, nếu có, là nó đã ít nhiều đánh hơi được “cái gì đó”. Và lên tiếng báo hiệu.

*

(Đến tháng 5 năm 1987, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn thật sự đã chết. Báo đình bản liền ba số, vì ế quá, không còn tiền mua giấy và trả nhà in. Báo là kiểu “sự nghiệp có thu”, nghĩa là được nhà nước trả lương, nhưng còn mọi thứ khác phải lấy tiền bán báo mà làm. Đào Vũ, quyền Tổng biên tập, chủ trương giữ một cái marge (một cáỉ lề) an toàn tuyệt đối, anh tuyên bố “chỉ đá bóng giữa sân, tuyệt đối không ra biên”. Khi báo hết tiền, anh gửi một cái công văn lên Thường vụ Hội Nhà văn và Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương báo tin là báo phải đóng cửa và bỏ đi Sài Gòn.

Văn nghệ dẫu sao cũng là tờ báo lớn trong cả nước, đột nhiên đình bản, dễ khiến dư luận trong ngoài nước thắc mắc nên “trên” rất lo, nhiều lần giục Thường vụ Hội Nhà văn tìm gấp Tổng biên tập mới. Thường vụ lúng túng. Một hôm Nguyễn Minh Châu hồi ấy cũng là ủy viên Ban Chấp hành hội, đến chơi ở 65 Nguyễn Du, nói với Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu: “… Hay ta mời anh Ngọc về làm báo. Anh ấy từng làm báo trong cả hai cuộc chiến tranh…”. Gặp anh Trần Độ, Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu báo lại ý kiến Nguyễn Minh Châu. Anh Độ bảo vậy các cậu về làm công văn đề nghị chính thức đi. Nhưng rồi hai anh về lại phân vân, chần chừ. Anh Độ cho người xuống giục. Cuối cùng mới có công văn chính thức của Thường vụ Hội. Tôi về làm Tổng biên tập Văn nghệ từ tháng 6-1987. Được đúng 1 năm 6 tháng. Đến cuối năm 1988 thì quan hệ giữa báo và Thường vụ Hội căng thẳng cao độ, bởi Thường vụ cũng chỉ muốn “đá bóng giữa sân”, giữ marge an toàn rộng, còn tôi thì quyết “đưa bóng ra biên”, đối mặt trực tiếp với đời sống phức tạp… Cuối cùng quan hệ đổ vỡ…

Tôi muốn dành một chương dài nói riêng về “vụ báo Văn nghệ”. Xin hẹn…) (8)

*

Đầu tháng 12-1988, lúc quan hệ giữa báo Văn nghệ và Ban thư ký Hội Nhà văn đã rất căng thẳng, những động tác cuối cùng đang được ráo riết tiến hành để cách chức Tổng biên tập báo (được gọi lịch sự là “ thuyên chuyển công tác ”), trong một cuộc họp giữa Ban biên tập chúng tôi và thường trực Ban thư ký, chị Ngọc Trai bấy giờ là Phó tổng biên tập nói:

– Các anh nên chú ý: tờ báo bây giờ đang rất có uy tín, số lượng lên hàng chục vạn, nó có hàng triệu độc giả.

Chính Hữu, Phó tổng thư ký trực, trả lời:

– Đừng vin vào số lượng. Một cô gái cởi truồng đứng ở ngã tư đường, cũng khối người xúm lại xem.

Hôm ấy trời rét, tôi đi giày da. Ở chiến trường những phen ác liệt, tôi vẫn được tiếng là người bình tĩnh, trong quan hệ hàng ngày cũng được xem là biết tự kìm chế. Nhưng lần này không nén được mình nữa, tôi đứng dậy, nện gót giầy đùng đùng xuống sàn gỗ của phòng bầu dục gác hai nhà 65 Nguyễn Du, chỉ mặt anh ta, mắng lại.

Nguyễn Đình Thi can:

– Anh Chính Hữu có lỡ lời, thôi anh Ngọc đừng giận quá.

Chính Hữu nói mấy lời xin lỗi gì đó.

Tôi ngồi xuống, cố kìm mình lại. Cuộc bàn bạc lại tiếp tục. Bàn cách sắp đặt cuộc ra đi của tôi như thế nào!

Riêng tôi, giận xong, lại buồn. Buồn nhiều hơn giận. Tôi biết Nguyễn Đinh Thi cũng nghĩ về tờ báo chẳng khác gì Chính Hữu, nhưng nhẹ nhàng khôn khéo hơn, anh can. Gần mười năm trước, vụ đổ vỡ Đảng đoàn Hội Nhà văn, anh cũng từng làm vai trò ấy: người can gián, điều hòa. Còn Chính Hữu thật thà hơn, anh nói thẳng ý nghĩ anh ra.

Chính Hữu với tôi cũng có thể gọi là bạn quen đã rất lâu năm. Hồi 1956-57 đến 1962, cùng nhà 4 Lý Nam Đế, Chính Hữu ở phòng Văn nghệ, tôi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cái tập thể 4 Lý Nam Đế một thời trẻ trung, ấm áp, sống, làm việc, đùa nghịch vô tư. Chúng tôi từng đồng lõa với nhau làm bao nhiêu vụ yêu đương nghịch ngợm và man dại.

Ở chiến trường khoảng 1967-68 tôi viết thư cho anh Văn Phác bấy giờ cũng đã vào Nam Bộ: “Hết chiến tranh rồi, còn sống, thế nào cũng cùng trở về 4 Lý Nam Đế, anh nhé!”. Tôi cũng hay viết thư ra Hà Nội cho Chính Hữu lúc này đã làm Trưởng phòng Văn nghệ rồi Cục phó Cục Văn hóa Quân đội, nhắc những kỷ niệm xưa, và nhiều lần giục anh chi viện thêm lực lượng viết trẻ vào cho chúng tôi. Cũng đôi khi bực anh, chỉ yêu cầu có thế mà anh chần chừ quá, mãi 1971 mới gửi cho chúng tôi mỗi Nguyễn Trí Huân.

Sau 1975, trở ra Hà Nội, tôi gặp lại một Chính Hữu đã khác, chậm chạp, bệ vệ và công chức hơn. Đôi lần làm việc đã có vài va chạm nhỏ, tôi muốn nhanh, gọn, dứt khoát, anh do dự, cân nhắc, “nghiên cứu” mãi… Nhưng cũng chưa có gì rạn nứt. Cái quán tính của niềm hăng say trong chiến trường còn mạnh. Ngày tôi cưới vợ, cả nhà 4 Lý Nam Đế xúm lại lo cho. Chính Hữu đứng làm chủ hôn. Đám cưới rất buồn cười, mượn hội trường Ban Thống nhất trung ương ở Thuỵ Khuê, trên tường còn treo nguyên đầy đủ ảnh Mác, Ănghen, Lênin và cụ Hồ, chỉ cất đi mỗi ông Stalin…

Hình như cho đến vụ Đề dẫn thì mọi sự mới rõ rệt. Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc bấy giờ chỉ có hai bài phê phán kịch liệt Đề dẫn, cả hai đều do Chính Hữu viết.

Sau Đại hội Nhà văn lần thứ III, Chính Hữu được điều động từ quân đội ra làm Phó tổng thư ký trực của Hội (cùng ra với Hữu Mai) để chấn chỉnh cái Hội đã bị tôi làm hư hỏng.

Đến chuyện báo Văn nghệ thì Chính Hữu trở thành người cứng rắn nhất trong Ban Thường vụ. Tôi cũng là loại bướng, không khí ngày càng căng. Có lần anh gửi cho tôi bài phát biểu của Bondarev, kèm theo mấy chữ bảo báo nên đăng, anh cho đó là một bài thể hiện quan điểm đúng đắn. Tôi trả lời: nếu là chỉ thị của Ban Thường vụ phải đăng thì xin có công văn, chữ ký và đóng dấu rõ ràng. Mấy chữ viết thư tay, tôi sẽ coi như một lời khuyên, đăng hay không là quyền quyết định và trách nhiệm của tổng biên tập.

Các anh bảo tờ báo là tiếng nói của Ban Thường vụ. Tôi chủ trương: nó chịu trách nhiệm trước Ban thư ký, Ban chấp hành và trước pháp luật, nhưng nó là tiếng nói của cả nền văn học. Nó có tính độc lập tương đối của nó. Và chính Tổng biên tập chịu trách nhiệm về cái phần tính độc lập tương đối đó. Báo Văn nghệ không phải là công báo của Hội Nhà văn. Nếu không, cần có Tổng biên tập làm gì?

Chính cuộc va chạm đó dẫn đến việc thường trực Ban thư ký gửi một “tờ trình” gay gắt lên Ban Bí thư Trung ương Đảng tố cáo báo Văn nghệ đã thoát khỏi sự kiểm soát của Ban thư ký Hội Nhà văn, đã lọt vào bàn tay điều khiển của Ban Văn hóa văn nghệ, của anh Trần Độ. Ban thư ký tuyên bố không chịu trách nhiệm về tờ báo nữa. Dưới cái tờ trình nổi tiếng ấy, có chữ ký của ba người: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Nguyễn Khải.

Về việc này, có mấy chuyện buồn cười.

Anh Hoài Vũ là người làm việc rất lâu năm ở báo Văn nghệ, qua đến bốn, năm đời Tổng biên tập, bảo:

– Thì xưa nay có bao giờ Ban thư ký “chỉ đạo” tờ báo đâu. Chẳng hề nói đến bao giờ. Sao bây giờ lại đòi chỉ đạo ráo riết thế!

Trong hội nghị Ban chấp hành tháng 9-1988, Nguyễn Đình Thi yêu cầu Ban chấp hành biểu quyết Ban chấp hành nhất trí tán thành nội dung Tờ trình đã gửi lên Ban bí thư từ tháng 6-1988.

Anh Nguyễn Văn Bổng không chịu. Anh bảo:

– Tôi có đồng ý cái tờ trình ấy đâu mà biểu quyết nhất trí!

Bàn cãi lung tung một lúc, Nguyễn Đình Thi lại nảy ra sáng kiến:

– Vậy đề nghị hội nghị biểu quyết tán thành rằng Ban thư ký có quyền gửi một tờ trình lên Ban bí thư Trung ương.

Ơ, tôi ngạc nhiên. Gửi một tờ trình thì ai mà chẳng có quyền. Tôi cũng giơ tay nè. Quay lại, thấy Nguyễn Khoa Điềm vẫn ngồi im, nhất định không chịu giơ tay. Điềm nói:

– Tôi cũng là uỷ viên Ban thư ký. Nếu là tờ trình của Ban thư ký thì chỉ cần Tổng thư ký hoặc một phó thay mặt Tổng thư ký ký. Đằng này có ba người ký. Vậy là thế nào? Vậy đấy không phải là một tờ trình của Ban thư ký. Đấy là một hành động có tính chất bè phái của ba người ấy.

Tôi phục lăn Nguyễn Khoa Điềm. Anh là người làm chính trị thật. Giỏi thế. Tôi vẫn chỉ là cái anh nghệ sĩ tùy tiện, lang thang.

Nguyễn Minh Châu, lúc này đã ốm nặng lắm, bảo tôi:

– Có cái tờ trình đó là để đi đến diệt tờ báo đấy. Cậu chuẩn bị tinh thần đi là vừa. Nhưng cứ phải giữ vững cho đến cùng, cho đến phút chót. Số cậu khổ đấy.

Châu nói đến cái số khổ của tôi. Anh không hề nói đến cái số của anh. Những ngày ấy, căn bệnh hiểm nghèo đã phá vỡ gần hết hồng huyết cầu của anh.

Cũng về chuyện cái tờ trình đó, đâu vào khoảng tháng 10-1988, một hôm ngồi với Nguyễn Khải ở 43 Đồng Khởi Sài Gòn, nói chuyện gần suốt buổi, Khải bảo tôi:

– Nhiều suy nghĩ của Ngọc, mình tán thành cả, Ngọc cũng biết rồi. Nhưng việc ông để cho tờ báo đi theo con đường ấy thì mình rất lo. Mình lo có những người, những lực lượng muốn dùng tờ báo, dùng cả cái Hội của ta, cho những mục đích chính trị riêng của họ. Rất nguy hiểm.

Tôi nói:

– Thôi được, những suy nghĩ, những mối lo của từng người trong chúng ta có thể khác nhau. Nhưng trong quan hệ bạn bè và quan hệ cùng làm việc với nhau, có một cái ranh giới không thể vượt qua được, nếu đã cùng tin nhau, cùng làm việc với nhau vì một ý hướng chung. Ông ký tên dưới cái tờ trình nọ là ông đã vượt qua cái ranh giới ấy rồi đấy. Như vậy là không được.

Khải không nói gì nữa.

Gần hai tháng sau, khi ở Hà Nội người ta đưa tôi đi khỏi báo Văn nghệ, đột ngột Nguyễn Khải từ Sài Gòn gửi ra một bức điện: “Tôi không đồng ý thay Tổng biên tập báo Văn nghệ”.

Tất nhiên cái bức điện của vị Phó Tổng thư ký Hội ấy có làm cho một số người ở Hà Nội khó chịu, nhưng nó chẳng có tác dụng gì. Có lẽ nó chỉ có một chút tác dụng nào đó đối với chính Khải thôi.

Tôi hiểu Khải, người bạn rất lâu năm của tôi, từ ngày “Ơ, cái thằng này nó biết đọc tiếng Tây chúng mày ơi!” (9). Tôi hiểu bi kịch của Khải. Có lẽ trong cái cuộc vừa qua, anh là người buồn và cô đơn nhất. Anh biết tất cả nhưng vừa biết vừa thường làm ngược lại cái biết rất sắc sảo của anh. Anh cô đơn với chung quanh nhưng chắc còn gay go hơn, buồn hơn, cô đơn với chính mình.

Có thời gian Nguyễn Khải hiểu lầm anh Trần Độ, nghi rằng anh Độ muốn loại Khải ra trong phương án dự kiến của anh. Nhưng tôi thì tôi biết rõ. Chính vào lúc quan hệ giữa Khải và tôi đang căng, lại thêm sự xúc xiểm của một số kẻ trung gian, anh Trần Độ nói với tôi: “Đừng nghĩ sai về Khải. Hãy đọc những cái Khải viết. Cậu ấy có thể nói, làm thế này thế khác, nhưng trong cái viết, Khải vẫn rất rõ ràng, mạnh mẽ. Đó mới là cái chính…”.

Gần đây, một hôm ở Sài Gòn, Khải hỏi tôi:

– Nghe nói sức khoẻ anh Độ yếu đi nhiều phải không?

Tôi nghe trong giọng anh một mối lo chân thành, một tình cảm quý trọng thật sự.

Con người như vậy đó. Chẳng đơn giản chút nào.

Chính Hữu chắc chắn khác hẳn Nguyễn Khải. Khải chưa bao giờ, không bao giờ là công chức. Anh vừa sống trong một guồng máy chính quyền, quân đội, nhẫn nhục chịu sự chi phối của guồng máy nặng nề ấy, trông anh lúc nào cũng buồn buồn, có chút gì đó như chán nản, lại vừa sống ngoài rìa bộ máy, thông minh và sắc sảo nhìn cái bộ máy ấy bằng đôi mắt mỉa mai, một sự mỉa mai pha lẫn bất lực. Anh chưa bao giờ là một nhà văn-chiến sĩ. Không làm được và cũng không muốn nhận cái chức hiệu hùng hồn ấy; nhưng lại cũng không đủ sức làm một người tự do thật sự. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà một quyển tiểu thuyết gần đây của anh mang cái tên vừa to tát vừa buồn: Một cõi nhân gian bé tí.

Nguyễn Minh Châu cũng có một quyển tiểu thuyết chưa kịp viết, định lấy tên là Cõi người. Châu muốn đắm mình, như một sinh linh bé nhỏ, trong cái đắm chìm khổ đau kiếp người. Khải cũng nhìn thấy và muốn nói về cái cõi ấy, nhưng anh không đủ sức, không dám thả hết mình vào đó như Châu. Anh vừa mỉa mai coi khinh cái guồng máy, vừa vẫn cứ bám vào nó mà sống, đôi lúc còn tham gia sự vận hành của nó nữa.

Khối mâu thuẫn ở Khải dường như cũng là khối mâu thuẫn của không ít trí thức ở ta bây giờ.

Chính Hữu thì không được đến vậy. Anh bị công chức hóa sâu hơn, liên tục hơn, dài hơn và đậm hơn nhiều. Tư thế công chức tận tụy và nghiêm túc giết đi gần hết cái phần nhà thơ từng có thể tài hoa, con người vốn từng lãng mạn trong anh. Anh cưỡng lại ngày một yếu ớt, và cuối cùng tự mình trở thành một bộ phận của cái thế lực bắt con người phải quy phục mà chính anh từng là nạn nhân của nó.

Đấy cũng là một thứ bi kịch, càng đáng buồn hơn.

Ở Chính Hữu tôi thường thấy cùng một lúc hai thái độ sống chừng như đối nghịch: anh không thích nhiễu sự, có phần an phận nữa là khác, nhưng lắm khi lại cũng rất dữ dằn, quyết liệt gây sự. Tôi tin rằng trong con người ấy cũng từng có sự giằng xé, nhưng sự giằng xé ngày càng yếu đi, mòn mỏi, đến gần như chẳng còn gì.

Những con người như vậy sẽ xa dần đời sống sinh động thực – không phải chỉ đời sống xã hội hỗn độn bên ngoài. Họ xa dần, mất liên lạc dần và đến mất hẳn, tắt hẳn mọi liên lạc với đời sống phức tạp và hạnh phúc, khát vọng và quằn quại bên trong con người.

Lời nói độc địa và hỗn xược của Chính Hữu coi công chúng thời ấy của báo Văn nghệ chỉ là đám người u mê xúm quanh “cô gái cởi truồng đứng giữa ngã tư đường” còn tờ báo thì chính là cô gái ô uế nọ, tôi tin rằng anh hoàn toàn nghĩ thật, nói thật. Anh không hề lỡ lời đâu. Tôi dận gót giầy đùng đùng xuống mặt sàn gỗ căn phòng gác hai 65 Nguyễn Du và hung hăng mắng lại anh, là một hành động nóng giận tức thời của tôi lúc ấy. Nhưng rồi sau đó tôi buồn nhiều hơn giận.

Không, anh không hiểu nổi cuộc chiến đấu của chúng tôi, của tôi. Nói thế này thì nghe kiêu căng quá, nhưng thật vậy: nó ở ngoài tầm với của anh. Biết làm sao?!

Trong hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn tháng 9-1988 họp nhờ ở hội trường nhà khách Trung ương Đoàn 15 Hồ Xuân Hương, tuyệt đại đa số Ban chấp hành kết tội kịch liệt báo Văn nghệ, thông qua một cái nghị quyết chấn chỉnh tờ báo “về mặt tổ chức”, tức là sẽ cách chức người phụ trách báo, anh Nông Quốc Chấn là người lên án báo dữ dội nhất. Đến giờ giải lao, ra hành lang, anh hỏi tôi:

– Tôi nói thế, anh có giận không?

Tôi cười:

– Chẳng chuyện gì mà giận. Chỉ có điều anh lạc hậu quá, theo tôi anh chậm mất khoảng mười năm đấy.

Về sau tôi kể lại với Nguyễn Khoa Điềm. Điềm bảo:

– Anh nói thế là còn ít quá đấy!

Quả thực cuộc đi tới gian nan và kịch liệt của xã hội, mà văn học như một mũi thăm dò tiên phong, đã chia rẽ chúng tôi quá xa. Có người bảo là bè phái. Tôi không thấy như vậy. Tôi thấy đấy là một sự chia rẽ sâu sắc. Cần gọi cho đúng cái tên của nó.

*

Trước Đại hội Nhà văn lần thứ III vài tháng, anh Đào Duy Tùng, là Ủy viên Bộ Chính trị, đứng đầu phụ trách công tác tư tưởng, có mời tôi đến chơi. Chắc không phải “đến chơi”, bởi đến chơi thì mời về nhà riêng. Anh mời tôi đến chỗ làm việc của Ban bí thư Trung ương Đảng, đường Nguyễn Cảnh Chân. Vậy tức là “làm việc”.

Tôi biết sắp Đại hội Nhà văn rồi, các anh có lo lắng về tôi. Việc tôi đi khỏi báo Văn nghệ vậy mà ầm ĩ khá rộng và lâu, đến gần Đại hội lại càng rộ lên, căng hơn. Chắc chắn trong Đại hội – mà lần này là đại hội toàn thể – nhiều người sẽ đặt lại vấn đề tờ báo. Thậm chí có nguy cơ một số không ít anh chị em sẽ ly khai khỏi Hội, nếu việc báo Văn nghệ không được giải quyết thỏa đáng. Và việc báo Văn nghệ thì trực tiếp liên quan đến tôi. Tôi bỗng nhiên trở thành một thứ điểm trung tâm chú ý của hai phía. Nhiều anh chị em muốn dựng tôi thành một thứ “ngọn cờ đấu tranh” (!). Cấp trên thì lo không biết thái độ của tôi trong Đại hội sẽ như thế nào?

Anh Đào Duy Tùng mời tôi đến hẳn là vì chuyện này thôi.

Kỳ thực sau vụ báo Văn nghệ tôi muốn đứng ra ngoài cuộc. Có buồn, bực bội ít lâu, nhưng rồi tâm trạng tôi lại thanh thản. Bởi vì tôi tin rằng tôi đã làm xong một công việc cần thiết và đúng lúc, do tình thế giao vào tay tôi một năm rưỡi ấy. Công việc đã làm ở báo có hay có dở, có đúng có sai, vụng về và lầm lẫn cũng có, nhưng tôi cho rằng về cơ bản tờ báo Văn nghệ đã làm tròn vai trò tất yếu của nó trong một bước đi tất yếu của xã hội và của văn học. Bước ấy đã xong, văn học sẽ tự nó đi tiếp bước khác, có thể còn phức tạp, gian nan, mệt mề hơn, nhưng không gì cản lại được nữa. Tôi tin. Hồi ấy, trên một tờ báo, tôi có nói: “Tôi là người lạc quan”.

Phần riêng tôi, tôi chỉ còn một lo lắng và đau khổ, lớn hơn nhiều: tôi vẫn chưa trở lại viết được!

Anh Lê Ngọc Trà từ Sài Gòn viết thư ra cho tôi:

“Ở trong này anh em vẫn nhắc đến anh và biết tin vui buồn về anh. Anh em thương anh nhiều. Riêng tôi, tôi nghĩ đợt này nếu anh có thì giờ tập trung viết một cái gì đó, chắc sẽ rất hay. Văn học là nỗi đau mà. Người đang đau như anh có nhiều điều để nói hay lắm. Huống chi ở anh vốn sẵn có chất trữ tình rất đậm và sâu của người vùng Trung Bộ. Chất trữ tình ấy không nên thơ bay bổng bằng như chất thơ xứ Bắc, nhưng nó hấp dẫn và cuốn hút lắm…”.

Tôi gặp Lê Ngọc Trà lần đầu tiên là ở Maskova, sau khi đã đăng bài Văn học và chính trị của anh ít lâu. Lê Ngọc Trà đang bảo vệ luận án tiến sĩ. Đêm Maskova rét không thể tưởng, đâu đến âm 30 hay 35 độ. Chúng tôi dìu nhau đi lang thang trên các hè phố vắng ngắt và băng đóng trơn như mỡ. Chúng tôi nói với nhau về những triển vọng và khát khao của văn học ta. Tôi đề nghị Lê Ngọc Trà sau bài Văn học và chính trị rồi, bây giờ chuyển viết tiếp cho chúng tôi vấn đề Văn học và hiện thực. Trà bảo:

– Anh suy nghĩ vậy là đúng rồi. Tôi cũng đang nghĩ vấn đề ấy. Phải lần lượt cố gắng giải quyết một số vấn đề cơ bản anh ạ.

Trà hỏi:

– Tình hình ở nhà, sau nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, như thế nào?

Tôi nói:

– Cái nghị quyết ấy thật hay, nhưng có phần hơi sớm hơn tình hình chung. Cơ sở xã hội cho một nghị quyết như vậy ở ta chưa có đủ. Cho nên tôi chắc sắp tới nó (cái nghị quyết ấy) sẽ rất vất vả, thậm chí có thể bị đẩy lùi. Nhưng dầu sao cũng đã cắm được một cái mốc mới. Quan trọng lắm…

Hơn tháng sau, trở về Hà Nội, tôi nhận được bài Văn học và hiện thực của Lê Ngọc Trà. Đó là một trong những bài lý luận văn học cơ bản nhất trên mặt báo, suốt thời gian tôi làm Văn nghệ.

… Lê Ngọc Trà bảo là tôi “đang đau”. Tôi rất hiểu anh: anh hoàn toàn không muốn nói là tôi đau vì tôi mất chức, cũng không phải là nỗi đau của một phen trả giá. Cứ cho là nỗi đau đi thì đấy là do tôi hiểu đời và hiểu người hơn, hay chính xác hơn, tôi hiểu chính tôi hơn. Cuộc vật lộn vừa qua rốt cuộc, lạ thế, lại đưa tôi đến chỗ đối diện với chính mình. Với cả cuộc đời mình.

Tôi hiểu ra rằng đất nước, dân tộc này đang đối diện với chính mình. Văn học đang đối diện với chính mình. Từng người cũng vậy. Tôi cũng vậy.

Đối diện, và cố tự tìm hiểu chính mình, cuộc đời mình, toàn bộ hành trình và hành trang của chính mình. Một sự cố gắng vào loại khó khăn nhất, ráo riết và đau đớn nhất. Đòi hỏi dũng cảm lớn nhất.

Tôi lại muốn đi lang thang. Hình như trong khi đi lang thang, dễ suy nghĩ hơn…

Cho nên, thật tình tôi cho rằng sự lo lắng của các anh, của anh Tùng về cái “thái độ” của tôi ở Đại hội Nhà văn sắp tới là lạc lõng và nhỏ nhặt quá. Tôi chẳng quan tâm gì lắm đến chuyện ấy. Có quan trọng gì lắm đâu cái Đại hội, cả cái Hội ấy nữa, mà các anh lo đến sốt vó thế!…

Quả nhiên anh Tùng hỏi tôi dự kiến Đại hội sẽ thế nào? Theo tôi nên thế nào?

Tôi nói thẳng với anh:

– Tôi chẳng có ý kiến gì. Bởi vì, theo tôi, Đại hội lẫn cả cái Hội nữa chẳng quyết định gì đối với văn học đâu. Có một cái Hội Nhà văn tốt hay không tốt thì về cơ bản cũng chẳng làm sao đối với văn học cả. Các anh quá lo, là lầm. Khó nhất đối với nhà văn là việc anh ta ngồi trước trang giấy trắng, đối diện với cái “pháp trường trắng” của anh, như Nguyễn Tuân nói. Đối mặt với nó, chỉ độc có mỗi mình anh. Chẳng ai, chẳng thế lực, chẳng hội hè nào giúp được anh chút gì trong cuộc đối mặt cô đơn và khủng khiếp đó. Bởi đó là cuộc đối mặt của anh với chính anh. Bản chất của công việc sáng tác là vậy. Chỉ mong đừng có ai làm phiền nhiễu thêm họ khi họ ngồi trước trang giấy, trước chính họ, trong cuộc đối chất đau đớn, khắc nghiệt đó. Hội hè tuyệt nhiên chẳng hỗ trợ gì cho họ lúc ấy đâu. Hỗ trợ cho họ lúc ấy, anh ạ – tôi nói – xin anh đừng ngạc nhiên, có khi chẳng hạn lại là sự có mặt của một người đàn bà mà họ yêu say đắm, vô lý và tuyệt vọng… Tôi xin lỗi anh, không biết anh có hiểu không?

Thế đấy, vậy việc gì các anh phải quá lo lắng thế. Tôi e các anh nhầm. Vấn đề là ở chỗ khác kia.

– Ở chỗ nào? – Anh Tùng hỏi.

– Ở chính người sáng tác.

– …?

– Anh đã mời tôi đến, anh đã hỏi, thôi hôm nay tôi sẽ xin nói. Tôi sẽ nói về một vấn đề có thể anh cho là lạc đề nhưng tôi lại nghĩ là quan trọng hơn nhiều.

Tôi sẽ nói về giới trí thức, giới “sĩ phu” ở nước ta, mà cũng chỉ xin nói riêng trong văn nghệ. Tôi muốn đề nghị Đảng nhìn lại tận gốc vấn đề này, bởi đây mới là vấn đề gốc.

Hãy lấy ví dụ như nước Nga, mà ta từng rất gần. Trước Cách mạng tháng 10, nước Nga, dầu là nước Nga phong kiến, đã là một quốc gia độc lập lâu đời. Họ có một giới sĩ phu đàng hoàng, cao lớn, độc lập. Những nhân cách đại thụ, đại biểu cho cả dân tộc, cho cả nền văn minh không chỉ của nước Nga. Những Tolstoi và Dostoievski, những Nekrassov và Tourgueniev, những Ghersen và Dobrolioubov, những Leskov và Garchin. Chính vì có truyền thống lớn đó, mà sau Cách mạng, cả trong những năm đen tối nhất dưới chế độ Stalin, họ vẫn còn những tài năng và nhân cách sừng sững, có thể bị giết chết chứ không thể bị bẻ gục: những Bounin và Pilniak, những Mandelstam và Tvardovski, những Soljenitsyn và Pasternak, những Tsetaieva và Akhmatova, những Boulgakov và Eisenstein… Họ vẫn còn một nền văn học và nghệ thuật lớn…

Giới trí thức văn học nghệ thuật ở ta trước Cách mạng tháng Tám có một chỗ mạnh và rất quan trọng: lòng yêu nước nồng nàn. Và cuộc cách mạng của chúng ta suốt mấy chục năm qua chủ yếu là cuộc cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc. Hãy nhớ lại xem: hầu hết lớp văn nghệ sĩ ta thường gọi là tiền chiến, những người tên tuổi và tài năng nhất đều đi theo cách mạng và kháng chiến. Chúng ta chỉ mất đôi ba người. Chẳng hạn trong hội hoạ, người tài năng nhất, Nguyễn Gia Trí, không đi với kháng chiến. Nhưng ông cũng không theo giặc. Ông vào Sài Gòn, cặm cụi vẽ, rồi sang Paris, vẫn cặm cụi vẽ. Trong âm nhạc, có lẽ chúng ta mất một tài năng đáng tiếc: Phạm Duy… Nhưng cũng chỉ đôi ba người, đếm được trên đầu ngón tay, vậy thôi. Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Văn Cao… đều đi với Cách mạng, cho đến tận ngày nay. Thật quí, không dễ gì được thế.

Nhưng đồng thời, tôi mạnh dạn nghĩ và hôm nay nói rõ với anh, về cơ bản lớp trí thức văn nghệ tiền chiến ở ta cũng chỉ là lớp trí thức nhỏ bé của một nước thuộc địa nhỏ bé. Một trong những nét tính cách bẩm sinh ở họ là sự ươn hèn. Một lớp sĩ phu ươn hèn. Những Phan Bội Châu, những Phan Châu Trinh đã hết.

Trong giới chúng tôi có một người cầm bút lão thành vẫn được tiếng là người cương trực nhất. Tôi kính trọng ông. Đám tang ông, tôi đã làm rất to trên tờ báo của tôi. Nhưng tôi cũng biết cái cương trực của ông, nói cho cùng, cũng chỉ là cương trực… vặt. Người ta dại dột đi sơn cái Tháp Rùa, ông chửi vung lên. Xây nhà cao tầng nhiều quanh Hồ Gươm, ông cũng lại chửi om lên, bảo là biến cái hồ đẹp thế thành cái giếng mất… Vậy đó thôi. Chứ những chuyện đại sự quốc gia, đã bao giờ thấy ông dám có tiếng nói lớn, độc lập. Boulgakov có thể ngửa tay xin Stalin một chân kéo màn rạp hát để kiếm sống, nhưng nhà văn cổ điển của thời đại văn học xô-viết ấy, trong quan điểm và sáng tác của mình, đến chết không hề chịu lùi một li. Pasternak khi bị cả Hội Nhà văn Liên Xô la ó đuổi ra khỏi Hội vì cái giải Nobel trao cho ông, đã viết mấy chữ gửi Hội Nhà văn: “Tôi hiểu hoàn cảnh buộc các bạn phải làm việc này, tôi tha thứ cho tất cả các bạn”.

Còn ông già tài hoa và cương trực của chúng tôi, ông biết ông vừa bị chế độ nghi ngờ, khinh rẻ, lại vừa được chế độ vì nể, ông bèn “làm nũng” với chế độ, thỉnh thoảng lại làm mình làm mẩy đôi chút. Thế thôi. Ít lâu trước khi mất, ông tâm sự buồn rầu và chua chát: “Mình còn sống được đến ngay nay là vì mình biết… sợ”.

Trong mỗi vị “sĩ phu” ấy của chúng ta đều có một viên công chức nhỏ bé của Tchekhov…

Cái chất viên chức nhỏ bé Tchekhov bẩm sinh đó, từ sau Cách mạng lại bị một loạt cuộc vùi dập thô bạo liên tục: cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, cải tạo này rồi đến cải tạo khác, tư tưởng văn nghệ Diên An, các vụ án văn nghệ liên tiếp… càng làm cho nhỏ bé thêm đi, co lại, gập xuống…

Chúng ta không có một lớp trí thức tiền chiến lớn – đó là điều cần nhìn thẳng và suy nghĩ.

Đến thế hệ chúng tôi, dầu muốn dầu không, chúng tôi cũng kế thừa họ. Cả chất ươn hèn lẫn sự khôn ngoan vặt của họ. Chúng tôi vừa coi thường họ vì chúng tôi biết nhân cách của họ cũng chỉ lằng nhằng thế thôi, lại vừa học bài học đau đời của họ: phải biết sợ để mà sống.

Sự kế thừa ấy còn kéo dài đến cả thế hệ sau chúng tôi, trong tình thế bây giờ lại còn pha thêm những tạp chất cơ hội và lưu manh; tất nhiên không phải ở tất cả, nhưng đại thể là như vậy.

Các anh thường hỏi: tại sao chúng ta chưa có tác phẩm lớn? Tôi xin trả lời: vì chúng ta chưa có những nhân cách lớn.

Đổi mới trong xã hội và trong văn nghệ mấy năm qua đã đem lại những gì? Có tác phẩm khá hơn, có đời sống văn học nghệ thuật phong phú sinh động hơn. Nhưng nói thật cũng chưa có gì ghê gớm đặc sắc lắm đâu. Và cũng không phải là cái quan trọng nhất.

Thành quả quan trọng nhất vừa qua, theo tôi, là sự bắt đầu nhận ra, bắt đầu ý thức và khôi phục cái vị thế, cái tư cách đàng hoàng, độc lập, tự do, trách nhiệm của người cầm bút, ở trong chính người cầm bút, trước đất nước, nhân dân và Đảng của mình.

Đó là sự giải phóng bên trong của người nghệ sĩ, tự do bên trong thật sự của người cầm bút. Theo tôi, cái ấy đã bắt đầu, đã bắt đầu có. Và sự thức tỉnh đó là quyết định, tức là không thể đảo ngược được, dầu còn rất nhiều đau đớn và trả giá.

Nếu phải nói một điều gì đó về Đại hội nhà văn sắp tới thì tôi xin nói: tôi tin Đại hội sẽ diễn ra theo hướng đó. Và như vậy là đáng mừng, cho Đảng, cho đất nước, cho văn học.

Nhưng hình như các anh lại lo lắng về chính cái điều tôi cho là đáng mừng đó, các anh vội tìm cách ngăn lại.

Có lẽ cũng ít chế độ nào nâng niu chăm sóc bao cấp cho văn nghệ sĩ bằng chế độ ta. Nhưng đó là kiểu nuôi nấng o bế một đám con hát, một đám cung văn. Chúng tôi không cần cái ấy, chúng tôi chiến đấu cho một tư thế độc lập, tự do đàng hoàng và đầy trách nhiệm của nhà văn trước đất nước…

Anh Tùng lắng nghe, không cắt lời tôi. Cuối cùng anh bảo:

– Vấn đề anh nêu ra là đáng suy nghĩ, có chỗ tôi đồng ý, cũng có chỗ chưa đồng ý. Lần khác ta sẽ trao đổi tiếp.

Trước khi ra về, tôi nói:

– Tôi không còn làm báo Văn nghệ nữa. Nếu còn làm thì dự định của tôi là sau mảng đề tài nông thôn, tôi sẽ triển khai tiếp vấn đề quan trọng hơn là vấn đề trí thức…

Không thấy anh nói gì.

Cũng không thấy anh mời tôi đến chơi nữa.

*

Những điều tôi nói với anh Đào Duy Tùng hôm đó thật sự là những điều tâm huyết của tôi suốt thời gian tôi “nắm” tờ báo Văn nghệ. Khi không ở báo nữa, đó vẫn là tâm huyết của tôi trong mọi việc tôi còn có thể làm chút gì đó cho văn học. Và cũng là, trước hết, tự làm cho chính tôi. Tự giải phóng mình.

Trong mỗi chúng ta, đều có một kẻ nô lệ. Lạ thay cái chế độ của chúng ta, cái chế độ khát khao hơn bất cứ thời đại nào trước giải phóng cho đất nước, cho con người… cuối cùng lại đi đến vùi dập, bóp nghẹt con người. Lại làm đậm thêm cái chất nô lệ trong con người.

Tôi biết, tôi tin rằng những người cầm bút, đặc biệt những cây bút trẻ, đã ý thức ngày càng rõ điều ấy, và quyết phá vỡ ra. Mỗi người một cách, ở những mức độ khác nhau.

Nguyễn Khải rụt rè nói về “cái thời lãng mạn ấy”. Tính anh vốn thế, chẳng quyết liệt bao giờ. Nhưng tôi nhận ra, đằng sau cái rụt rè còn mong manh ấy một cái cười chua chát tự chế riễu mình. Được chừng ấy cũng đã là quý lắm rồi.

Nguyễn Minh Châu lầm lì nhưng liều lĩnh, tuyên bố Ai điếu cho một thời văn nghệ minh hoạ. Bài đưa ra tòa soạn, nhiều anh em rất ngại, nhưng tôi cứ quyết định đăng. Bởi tôi biết Nguyễn Minh Châu cố một trận quyết rứt mình ra để đi tới, chuyển sang một trận khác. Tôi cảm phục anh và biết tiếng nói của anh sẽ giúp thêm nghị lực cho bao nhiêu người còn chần chừ.

Dương Thu Hương vừa đằm thắm – ít ai viết được về người mẹ quê Việt chúng ta đậm sâu như chị trong Những thiên đường mù – lại vừa đáo để, đến cả hỗn xược – cũng trong chính Những thiên đường mù.

Phạm Thị Hoài táo tợn muốn tháo bỏ tất cả mọi ràng buộc, cho đến cả những khu vực có tính bản năng của con người. Cây bút nữ ấy chẳng chút xấu hổ muốn lột trần trụi con người ra trước chính nó. Tôi biết nhiều lúc chị hơi quá thông minh và điệu đà. Nhưng tôi ủng hộ chị. Cũng là một cửa mở cho sự giải phóng.

Nguyễn Huy Thiệp thì đã hoàn toàn khác. Mọi giá trị từng được thờ cúng với anh đều trở thành trần tục hết. Anh không ngại đến cả thô lỗ và tục tĩu khi lạnh lùng phanh phui sự thật. Con dao mổ ấy quá sắc, quá lạnh, nhiều khi đến chối. Nhưng để bắt đầu lại, làm lại một thế giới người cho ra người khác, tránh sao được những cuộc phá vỡ có khi tàn bạo?

Tôi đăng Thiệp không phân vân.

Những sáng tác trên báo Văn nghệ thời ấy không phải cái nào cũng là văn chương, – tôi biết. Nhiều người trách: tờ báo hạ thấp văn chương. Nguyễn Đình Thi làm tạp chí Tác phẩm mới chủ trương văn chương phải sang trọng.

Tôi thì lúc này tôi nghĩ khác: cuộc cày xới thì ngổn ngang. Tôi chấp nhận cái ngổn ngang ấy. Nó xới lên hơi đất hôi hổi của cuộc sống thực.

Rồi đến một lúc mới có thể Bước qua lời nguyềnNỗi buồn chiến tranh.

Không ai sang trọng được khi đang cày vỡ ruộng.

Lại cũng có người trách: tôi tâng bốc quá đáng lớp trẻ, làm mất lòng bao nhiêu người già.

Có lẽ quả có thế thật. Tâng bốc thì không đúng. Nhưng đặt nhiều lòng tin vào họ thì có. Tôi biết cuộc phá vỡ này quá quyết liệt, để lớp người đã nặng nợ nhiều với quá khứ khó có thể đủ sức làm nổi.

Về sau tờ báo bị kết tội gây bè phái chia rẽ làm rối tung nội bộ Hội Nhà văn. Tôi thì tôi muốn nói chính xác hơn: nó làm phân hóa rõ rệt lực lượng trong cuộc đi tới quằn quại dữ dội này của văn học. Cái tội đó, nó xin chịu.

*

Tháng 12-1988, sự nứt vỡ đã không còn cứu vãn được nữa. Những thế lực chống lại sự đi tới đã căm tức đến cực độ. Sự phân hóa đã quá lớn.

Còn tôi thì quá nhiều sơ hở vụng về để cho trận địa của mình bị tiến đánh từ mọi phía. Một trong những vụng về nguy hiểm là tôi đã để cho tờ báo nhô lên quá nhọn. Trong đội hình đi tới chung của báo chí, và có thể của cả xã hội lúc này đang có phần bị đẩy chững lại. Trong chiến đấu, cái khối lồi lù lù như thế tất sẽ bị gạt đi cho kỳ được.

Tôi ra đi là phải.

Biện pháp đã được dùng để đẩy tôi đi có thể là vụng về, thô bạo. Nhưng chẳng quan trọng gì cái chuyện ấy. Có thể khéo hơn, lịch sự nhẹ nhàng hơn một chút. Nhưng rồi tất cũng thế thôi.

Nhiều anh chị em ấm ức bảo tôi cố kéo dài thêm. Trưa ngày hôm ấy, 2-12-1988, tôi nói:

– Thôi, đủ rồi!

Trước cuộc họp toàn thể tòa soạn, Chính Hữu đọc quyết định “thuyên chuyển công tác” tôi. Tôi bảo:

– Tôi chẳng chuyển đi đâu cả. Tôi chỉ thôi công việc ở đây.

Và hỏi:

– Tôi phải bàn giao công việc từ lúc nào?

Chính Hữu trả lời:

– Ngay bây giờ. Không phải bàn giao.

Tôi có căng thẳng trong tâm trạng không? Có.

Nhưng không phải vì công việc tờ báo đã qua. Việc ấy đã xong. Và đẹp. Tôi thanh thản.

Căng thẳng là việc sắp đến của tôi, còn quyết liệt khó khăn vất vả đau đớn hơn nhiều: Viết.

N.N.

---

Chú thích:

6. Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua (Văn nghệ, số 23, ngày 09/6/1979).

7. Cho đến nay, bài này chưa hề được công bố trên báo chí Nhà nước (Tạp chí Lang Biang của Hội Nhà văn Lâm Đồng đăng được nửa đầu thì bị ngừng). Nhà văn Lại Nguyên Ân đã tìm được một bản in rô-nê-ô, tác giả đã sửa những lỗi in, và toàn văn bản Đề dẫn này đã được công bố trên mạng Talawas: Đề cương đề dẫn thảo luận ở Hội nghị Đảng viên bàn về sáng tác văn học 1979

<http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3144&rb=0102>

(chú thích của Diễn Đàn).

8. Khi đọc lại bản đánh máy của Diễn Đàn (tháng 6.2019) để sửa những lỗi ty-pô, nhà văn Nguyên Ngọc chỉ viết thêm đoạn này để bạn đọc dễ «chuyển tiếp» từ phần trên với phần dưới (chú thích của Ban biên tập).

9. Cuối năm 1955, tôi đang ở Sư đoàn 324 tập kết ra Bắc, đóng ở Nghệ An, bỗng được lệnh Tổng cục Chính trị gọi về Hà Nội để tham gia trại sáng tác về các anh hùng quân đội. Gặp các bạn Nguyễn Khải, Hồ Phương, Phùng Quán, Mạc Phi, Hà Mậu Nhai, Xuân Vũ, Lý Đăng Cao… cũng vừa từ các sư đoàn được gọi về. Ở Tổng cục bấy giờ có cái thư viện nhiều sách tiếng Pháp. Từ chiến trường xa mới về, bao năm thèm sách, tôi lao vào đọc say mê. Nguyễn Khải đi ngang qua nhìn thấy, reo lên: “Ơ, cái thằng này đọc tiếng Tây chúng mày ơi!…”. Chúng tôi đánh bạn cùng nhau từ đó.

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/diễn-đàn-forum/hồi-ký-nguyên-ng%E1%BB%8Dc-hoà-bình-khó-nh%E1%BB%8Dc-2/2407947902577018/?__tn__=H-R

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn