Phân tích kết quả đàm phán Trung – Mỹ bên lề Thượng đỉnh G20

Phan Nguyên dịch

Ghế trên ngồi tót sõ sàng – Ảnh và lời: Tr.C

Khả năng có thể làm Trung Cộng sập trong cuộc chiến thương mại hình như đang có một chuyển hướng bất lợi, khi mà trên bàn hội nghị tại G20 đã có sự hiện diện của vợ chồng con gái và con rể Trump. Đây là nhân tố rất có thể sẽ trở thành một một gót chân Achilles, vì những chuyện lùm xùm về cặp vợ chồng này vốn đã có từ trong quá trình điều tra việc can thiệp của nga vào cuộc bầu cử Mỹ. Mà về thủ đoạn đi đêm của những nhà nước CS thì ranh ma nhất vẫn là anh Tàu. Tôi nghĩ hiện tượng này báo hiệu một nguy cơ hiên thực chứ không phải là quá lo xa, vì sách lược của Trump đối với Huawei đã bất ngờ thay đổi.

Cách đây khoảng dăm tháng tôi có nói đến nguy cơ của một đế quốc La Mã (Đại Tần) thống trị thế giới trong vài ba trăm năm sẽ tái hiện, nhưng bạn tôi, HD tỏ ý không tin. Cũng có cái lý, bởi một ĐCS Trung Quốc trong nội tại đã có sự thối ruỗng. Tuy vậy... tôi nghĩ nhiều khi đó lại là sự trớ trêu của thân phận loài người mà tính cách vốn rất đa đoan: sau khi đã với tới cái hạnh phúc của một nền dân chủ thực sự nhưng chỉ mới là với tới mà chưa thật sự hưởng, thì đã vội chuyển sang phục tùng một kiểu đế chế nó cho mình sự hưởng thụ vật chất nhưng không có tự do tư tưởng, và dân chủ thì chỉ là dân chủ chủ nô mà thôi. Nghĩa là lịch sử loài người thường xẩy ra sự "vận động lại giống" trong những bước đi của nó, và hình như đó cũng là một quy luật. Ngay việc trở lại đặt nền chuyên chính bằng bạo lực của Marx sau khi đã có chủ nghĩa nhân văn rực rỡ của CM Pháp với Voltaire, Rousseau, Diderot thì đó rõ ràng là một sự lại giống, trở lại với thú tính của con người. Rất đáng lo!

Mà ngay từ khi lên ghế Tổng thống đến nay, tôi vẫn không hề tin ở Trump một chút nào cả. Con người ấy không có cái nhân cách nào để mình tin ngoài cái nhân cách con buôn (hiểu con buôn theo nghĩa các nhà nho). Gửi niềm hy vọng vào Trump trong mong muốn tiêu diệt những gì mà mình đã phải chịu đựng trong 70 năm nay và quá khủng khiếp trước nó (nó phá tan tất cả những gì gọi là văn hóa mà từng dân tộc chắt chiu nên) thì e rằng chỉ là vớ lấy đám bọt khi đang chết đuối.

Tôi chỉ cầu mong mình sai. Càng sai càng vui.

Nguyễn Huệ Chi

Tập Cận Bình và Donald Trump tuyên bố là quý mến nhau. Nhưng sau một năm sóng gió dâng cao giữa Mỹ và Trung Quốc, khó ai có thể tin vào những thổ lộ tình cảm của họ nữa. Nhưng sự thật là bất cứ khi nào họ gặp nhau, thì quan hệ giữa hai nước thường ổn định trở lại, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Cuộc họp của họ vào ngày 29 tháng 6 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka dường như cũng có tác dụng như vậy.

Hai siêu cường đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại và Mỹ sẽ không áp thuế thêm nữa. Đó là một sự thở phào đáng mừng cho các thị trường và công ty trên toàn cầu, và thực sự là điều tốt cho bất cứ ai hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ có thể tìm ra cách để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Tuy nhiên, cần thấy là thời kỳ yên bình sau các cuộc họp Trump – Tập lần trước đều rất ngắn ngủi, và cuối cùng đã được tiếp nối bởi sự leo thang liên tục của cuộc chiến tranh thương mại. Lần này điều đó có xảy ra nữa hay không sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán được bắt đầu lại từ đầu. Có nhiều lý do để bi quan và chỉ có một lý do cho sự lạc quan thận trọng.

Chi tiết về những gì hai nhà lãnh đạo đã đồng ý trong cuộc họp 80 phút vẫn còn rất ít ỏi. Bất ngờ lớn nhất là tuyên bố của ông Trump tại một cuộc họp báo sau đó rằng Mỹ sẽ cho phép các công ty công nghệ của mình tiếp tục bán linh kiện cho Huawei, một công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc [1]. Đây là một sự đảo ngược rõ ràng đối với quyết định trước đó vốn đưa Huawei vào danh sách đen. Đó cũng là một tin mừng đối với Huawei và là một chiến thắng cho ông Tập. Nhưng ông Trump cũng ám chỉ rằng quyết định cuối cùng về cách xử lý Huawei sẽ dựa vào số phận các cuộc đàm phán thương mại.

Việc Mỹ quyết định ngừng áp thêm thuế đã được dự kiến từ trước, bởi vì Trung Quốc đã lấy đó làm điều kiện tiên quyết cho việc nối lại đàm phán. Nhưng dẫu sao điều đó vẫn quan trọng. Cho đến nay, Mỹ đã đánh thuế 25% đối với số hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ đô la từ Trung Quốc, bằng khoảng một nửa số xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại từ  Trung Quốc nếu cuộc đàm phán với ông Tập thất bại. Về phần mình, các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo rằng các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành “trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”, những từ ngữ giúp giải quyết mối bất bình của họ rằng Mỹ đang đưa ra yêu cầu một chiều.

Tuy nhiên, một bài học rõ ràng từ năm ngoái là sẽ cực kỳ khó khăn nếu muốn đạt được một thỏa thuận thực sự. Tranh chấp càng kéo dài thì càng khó giải quyết. Ngay từ đầu, ông Trump đã tập trung vào thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ. Nhưng giờ rõ ràng có thể thấy rằng cách tiếp cận quyết liệt của Trump đã mở rộng ra một loạt các bất bình từ lâu của người Mỹ. Trong số các vấn đề được đưa vào đàm phán có việc Trung Quốc hạn chế các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường, Trung Quốc không bảo vệ mạnh mẽ tài sản sở hữu trí tuệ, và một loạt các khoản trợ cấp làm nền tảng cho mô hình kinh tế của Trung Quốc.

Cuộc xung đột thương mại cũng đã phơi bày sự đối đầu về công nghệ vốn sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận gỡ bỏ thuế quan, đây chỉ là một phần trong cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa hai bên. Các nhà đầu tư và các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế và giám sát hơn ở Mỹ. Trung Quốc cho biết họ sẽ đưa vào danh sách đen các công ty nước ngoài cắt nguồn cung cho các công ty Trung Quốc. Cả hai nước đang phát triển các kế hoạch đặc biệt nhằm giảm sự phụ thuộc công nghệ vào bên kia.

Trên một số phương diện, các động lực chính trị đã trở nên tồi tệ hơn. Ông Trump đang bước vào năm bầu cử và không muốn tỏ ra mềm mỏng đối với Trung Quốc. Ở chính Trung Quốc, cán cân đã nghiêng về phía những người ủng hộ lập trường kiên quyết hơn. Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ hồi đầu tháng 5, truyền thông nhà nước đã tung ra một loạt các bình luận mang tính chỉ trích cao đối với Mỹ.

Nhiều người cho rằng khi phí tổn của cuộc chiến tranh thương mại tăng lên – với hệ quả tăng trưởng chậm lại hay thị trường rung lắc –  thì những cái đầu lạnh sẽ chiếm ưu thế. Nhưng ông Trump cho đến nay vẫn thích những gì ông được chứng kiến. Chứng khoán Mỹ vừa đạt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm tốt nhất trong vòng hơn hai thập niên (phần lớn nhờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang ra tín hiệu rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất). Trung Quốc đã cảm nhận được những hậu quả lớn hơn từ cuộc chiến thương mại, nhưng các chính sách tài khóa và tiền tệ của họ cũng đang thay đổi theo hướng thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, cả hai quốc gia có thể cảm thấy sẵn lòng hành động cứng rắn hơn thay vì bị lý do kinh tế làm chùn bước.

Một lý do khiến người ta lạc quan thận trọng là vòng đàm phán mới sẽ được dựa trên tư duy thực tế hơn của hai bên. Sự cố vào đầu tháng 5 xảy ra khi các nhà đàm phán Trung Quốc khăng khăng đòi tiến hành các sửa đổi lớn đối với một thỏa thuận mà người Mỹ cho rằng đã gần hoàn thành. Chúng ta chưa biết liệu phía Trung Quốc có phải đã thực sự thay đổi quyết định hay không – một ấn tượng mà họ đã tạo ra – hay đó chỉ là một chiến thuật đàm phán, bằng cách đảo ngược lời hứa vào phút chót.

Trong cả hai trường hợp, việc đóng băng sâu đàm phán trong hai tháng qua không phải là một sự lãng phí hoàn toàn. Trung Quốc đã đưa ra một lập trường rõ ràng hơn trước, yêu cầu ba điều cốt lõi: Mỹ phải loại bỏ tất cả thuế quan áp đặt lên Trung Quốc kể từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại; các cam kết mua thêm hàng hóa của Mỹ phải “thực tế”, và văn bản thỏa thuận cuối cùng phải cân bằng, chứ không chỉ là một danh sách các nhượng bộ của Trung Quốc. Còn phía Mỹ từ lâu đã nói rõ những gì họ muốn từ Trung Quốc: các cam kết đáng tin cậy nhằm giảm thặng dư thương mại cũng như cải cách các chính sách kinh tế, được đảm bảo bởi các cơ chế thực thi nếu Trung Quốc không thực hiện chúng.

Tới giờ các quan chức Trung Quốc và Mỹ đều đã biết rõ phạm vi một thỏa thuận cuối cùng sẽ  trông như thế nào. Việc họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán cho thấy họ nghĩ rằng một thỏa thuận là điều khả dĩ. Nhưng nếu kết quả là một sự đổ vỡ khác thì chúng ta cũng không nên lấy làm ngạc nhiên.

————–

[1] Cần lưu ý là Trump tuyên bố chỉ cho phép bán cho Huawei các mặt hàng “không ảnh hưởng an ninh quốc gia”. Vẫn chưa rõ những mặt hàng nào được coi là ảnh hưởng an ninh quốc gia và liệu đó có phải đó là những thứ quan trọng đối với Huawei hay không (ND).

P.N.

Bản gốc: “America and China resume talks in a bid to end their trade war”, The Economist, 29/06/2019

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/07/01/ket-qua-dam-phan-trung-my-ben-le-thuong-dinh-g20/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn