Đòn thù của Đảng

Việt Dương

- “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” (Châm ngôn của Đảng Cộng sản Việt Nam)

- “Hiếm có đảng cầm quyền nào trên thế giới được dân tự hào và yêu thương như Đảng Cộng sản Việt Nam” (Nguyễn Phú Trọng)

- “Cộng sản còn ác với dân không con?” (Hòa thượng Thích Thanh Tịnh hỏi nhạc sĩ Tuấn Khanh trước khi chết)

Lịch sử các quan chức của Đảng Cộng sản cướp đất của dân đã kéo dài từ ngày Đảng Cộng sản từ bỏ vô sản trở về tư sản. Nhưng tới việc cướp đất ở xã Đồng Tâm thì Đảng đã đạt tới đỉnh cao của sự tàn bạo dã man với việc thảm sát cụ Lê Đình Kình, tàn phá gia đình cụ và nhiều người dân khác. Đảng Cộng sản muốn nói gì khi huy động cả trung đoàn cảnh sát cơ động và công an đánh úp làng Hoành trong đêm tối để phanh thây một lão nông 84 tuổi với 58 tuổi đảng?

Trước sự việc quá khủng khiếp làm dấy lên câu hỏi đó, chúng tôi có mấy nhận định như sau:

I. Đòn thù

Trong hơn 2 năm (4/2017-1/2020), lãnh đạo dân Đồng Tâm giữ mảnh đất 59 ha ở Đồng Sênh, cụ Lê Đình Kình đã trở thành kẻ thù của Đảng. Và đòn thù ấy đã được kết hợp từ mấy yếu tố sau:

1. Với Nguyễn Đức Chung:

Khởi từ biến cố 15/4/2017, khi công an Hà Nội và Mỹ Đức bắt cụ Kình và tính thủ tiêu cụ không thành, vì ngay lúc ấy dân Đồng Tâm đã kịp thời vây bắt 38 người gồm cán bộ, công an Mỹ Đức và Hà Nội để làm con tin đòi thả cụ Kình. Vì thế cụ Kình đã được đưa đi bệnh viện mổ chữa thương tích gẫy chân và vỡ xương hông rồi được thả về. Và tướng công an Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Tp Hà Nội phải hạ mình xuống Đồng Tâm hòa giải và làm giấy cam kết không khởi tố dân Đồng Tâm về việc dân Đồng Tâm đã bắt cán bộ nhà nước để dân Đồng Tâm thả số cán bộ và công an bị bắt. Nhưng chỉ hai tháng sau, ông Chung đã trở mặt tự xé bản cam kết, khởi tố một số dân Đồng Tâm và tiếp tục việc thanh tra khu đất Đồng Sênh, rồi thanh tra lại khẳng định khu đất Đồng Sênh là đất quốc phòng.

Từ đó, ông Chung đã ê chề chịu đựng búa rìu dư luận về sự hèn hạ tráo trở của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội. Và cụ Lê Đình Kình cũng đã nhiều lần lên án về sự lật lọng của ông Chung. Như thế tất nhiên tướng công an Nguyễn Đức Chung phải căm thù cụ Kình và đợi cơ hội để có thể tìm cách trả thù.

2. Với những quan chức UBND Hà Nội và tập đoàn Viettel:

Theo cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, trong bài “Đâu là mục đích và mục tiêu tập kích vào Đồng Tâm” cho biết: “Việc tranh chấp 59 ha đất ở cánh đồng Sênh bắt đầu từ cuối 2016, nhưng cho đến nay Bộ Quốc phòng và Viettel chưa hề lên tiếng, chỉ có UBND Hà Nội tuyên bố đây là đất quốc phòng. Đây là một uẩn khúc mà chỉ có Viettel và UBND Hà Nội biết rõ. Việc này chắc hẳn phải liên quan đến “Văn bản hợp tác đầu tư” được ký kết giữa tập đoàn Viettel và UBND Hà Nội ngày 4/6/16. Theo đó UBND Hà Nội “có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng tại huyện Mỹ Đức để xây dựng nhà máy sản xuất”. Nhưng đã trên 2 năm, quan chức của UBND Hà Nội, nhóm lợi ích với tập đoàn quân đội Viettel đã không lấy được đất để làm giàu và cái tên Viettel cũng đã trở thành cái tên của kẻ cướp thì phải thù cụ Lê Đình Kình, vì cụ Kình đã cùng dân Đồng Tâm quyết tử giữ đất mà ông cụ đã nhiều lần tuyên bố trước báo giới: “Cho dù có bị chặt đầu, tôi vẫn khẳng định 59 ha đất ở cánh đồng Sênh là đất nông nghiệp”. Cụ nói là trong tay có đủ hồ sơ, tài liệu, giấy tờ chứng minh cho lời khẳng định trên, và cũng đã nói với thanh tra là “các ông có giấy tờ, bản đồ chứng minh 59 đất ở Đồng Sênh là đất quốc phòng, chúng tôi sẽ trao đất ngay trong 5 phút”. Tất nhiên thanh tra, quan chức của Hà Nội không có giấy tờ và bản đồ, nên họ đã không thể đem việc này ra tòa án vì biết chắc sẽ thua trước cụ Kình và dân Đồng Tâm, nên họ phải tính việc diệt ông già họ Lê để cướp đất bằng súng đạn.

3. Với Đảng Cộng sản mà hiện thân là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an:

Việc các quan chức của Đảng âm mưu cướp đất của dân Đồng Tâm đã thành chuyện lớn suốt hơn 2 năm qua. Sau biến cố công an, cảnh sát bắt cụ Kình và dân Đồng Tâm bắt 38 người gồm cán bộ, và cảnh sát, cụ Lê Đình Kình thành nổi tiếng và được coi là người lãnh đạo của dân Đồng Tâm. Từ đó cụ đã cùng 2 người con lớn là Lê Đình Công, Lê Đình Chức và một số cựu bộ đội chuyển nhóm Đồng Thuận (được thành lập từ năm 2014 với 3 đảng viên lão thành) thành một tổ chức đấu tranh trực diện với những quan chức tham nhũng và gọi những tên này là nội xâm trong Đảng. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, “nhóm Đồng Thuận chủ trương đấu tranh ôn hòa thông qua các kiến nghị gửi đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp từ địa phương đến trung ương. Sách lược đấu tranh của nhóm là tuyên bố ủng hộ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng do TBT Nguyễn Phú Trọng phát động, đồng thời cũng giương cao các khẩu hiệu chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt coi tham nhũng là giặc nội xâm. Nhóm này luôn khẳng định không chống Đảng và Nhà nước, chỉ chống bọn tham nhũng và các nhóm lợi ích trong Đảng Cộng sản Việt Nam mà họ gọi là giặc nội xâm trong Đảng”.

Ông Quang cho biết đã nhiều lần về Đồng Tâm tiếp xúc với cụ Kình và cụ đã tâm sự với ông Quang về cách hóa giải mâu thuẫn trong xã hội, cụ thể là cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, và cụ xác quyết 3 nguyên tắc sau:

- Một là dứt khoát phải loại bỏ sử dụng vũ lực, vũ lực chỉ sử dụng với kẻ thù khi không còn con đường nào khác. Tuyệt đối không bao giờ để chống lại nhân dân. Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực, đó là quy luật và hậu quả tất yếu.

- Hai là con đường pháp lý (kiện ra tòa án) bao giờ cũng tốt hơn bạo lực. Song chỉ nên dùng đến nó một khi phương thức đối thoại, hòa giải thất bại.

- Ba là phải đối thoại, hòa giải. Mọi mâu thuẫn và bất ổn trong xã hội đều có thể được hòa giải thông qua đối thoại, hòa giải. Nhưng đối thoại phải thực tâm và phải nghiêm túc thực thi những điều đã thỏa thuận. Đây là nguyên tắc tối thượng.

Ba nguyên tác xuyên suốt này được thể hiện rất rõ trong Tâm thư của người dân Đồng Tâm gửi Hội nghị Trung ương ĐCS VN ngày 15/4/2018 và gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 28/5/2018”.

Người viết viết thêm là cả 3 điều đều đặt Đảng vào vị thế của một đảng cầm quyền dân chủ, xa lạ với Đảng Cộng sản. Vì Đảng chỉ ra lệnh và dân phải làm. Không có chuyện Đảng ra tòa, vì Đảng ở trên tòa. Không có chuyện hòa giải, vì Đảng ở trên dân. Có điều ngạc nhiên là cụ Kình, một đảng viên lão thành, biết rất nhiều về Đảng mà sao cụ không thấy Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng là để diệt phe đối nghịch, còn tham nhũng là chính sách bất thành văn của Đảng. Sao cụ không thấy Đảng Cộng sản là hiện thân của tham nhũng. Sao cụ không nghe lời than của bà Nguyễn Thị Doan trước Quốc hội là đảng viên, cán bộ ăn không trừ một cái gì! Vì thế đáng lẽ cụ phải hiểu chống tham nhũng thực là chống Đảng, và cụ là một người dân thì không có quyền nói mấy lời chống tham nhũng. Chỉ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước mới có quyền nói tham nhũng và chống tham nhũng. Vì thế, những điều cụ làm và nói đã đưa đến cho cụ đòn thù của Đảng.

Ông Quang cho biết:

“Kể từ biến cố ngày 15/4/2017 (cụ Kình bị bắt, bị đạp gãy xương hông và dân Đồng Tâm bắt 38 người gồm cán bộ và cảnh sát), nhóm Đồng Thuận do cụ Kình lãnh đạo, đứng ra tổ chức các cuộc họp thường kỳ, tố cáo hiện trạng đất đai ở địa phương cùng đích danh các quan chức trùm sò và các nhóm lợi ích trong Đảng. nhóm Đồng Thuận lấy tư gia cụ Kình làm nơi tổ chức những cuộc họp thường kỳ hàng tháng, có livestream (phát trực tiếp tại chỗ) với chủ đề chống tham nhũng. Các buổi sinh hoạt livestream này được lưu qua ứng dụng Youtube, do đó không chỉ người dân ở trong nước có thể xem trực tiếp mà đông đảo bà con Việt kiều trên thế giới có thể theo dõi qua Youtube. Các buổi sinh hoạt thường kỳ này luôn được đông đảo bà con trong xã hưởng ứng đến tham dự. Buổi ít nhất cũng đến cả trăm, nhiều thì lên đến cả ngàn người có mặt, và luôn có hàng chục ngàn người xem trực tiếp qua livestream mỗi buổi và hàng trăm ngàn người xem qua ứng dụng của Youtube sau đó.

Dư luận cho rằng Đảng vô cùng căm tức và run sợ. Họ không thể chấp nhận sự tồn tại của nhóm này cũng như để cho nhóm tiếp tục tự do hội họp, tự do bày tỏ chính kiến. Họ nhận định đích thị đây là một tiền lệ rất nguy hiểm, là manh nha dẫn đến đa nguyên, đa đảng. Do vậy phải bằng mọi cách tiêu diệt bằng được cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần và bộ óc của nhóm Đồng Thuận Đồng Tâm, và bắt sống bằng hết các thành viên khác”.

Trong bài “Đồng Tâm những ngày buồn nhất lịch sử” (Bauxite Viet Nam 15/1/20), FB Khánh Trâm Nguyễn Thị viết: “Từ 2h45’ sáng, tiếng súng đã bắt đầu. Tiếng kẻng, mâm, xoong đập vào nhau. Tiếng la hét kêu cứu của ai đó chạy khắp xóm: Làng nước ơi, chúng nó đánh rồi. Cả xóm chạy ra thì mới biết nhà ông Kình bị quân đội và cảnh sát tấn công. Chúng bắn pháo, bắn hơi cay vào nhà mọi người, sắp chết ngạt hết rồi. Không ai được ra khỏi ngõ. Tiếng súng nổ khắp nơi. Tất cả các đường chính ra nhà ông Kình đều bị bao vây nên mọi người không thể có thông tin từ gia đình ông…

Đến trưa thì con cháu dâu và vợ ông Kình được thả về. Sau đó lại được tin chính quyền gọi người nhà lên làm thủ tục nhận xác ông Kình. Ai cũng đều mong đón linh cữu ông. Đến khoảng 22h thì ông mới được gia đình đưa vào nhà tắm rửa, thay quần áo. Các bạn không thể tưởng tượng được một đám tang nào mà nhiều người khóc đến thế… Vào nhà thay quần áo cho ông thì mới thấy được Nhà nước nhân đạo thế nào.

Đầu tiên thì nhìn thấy một vết khâu từ cổ xuống dưới bụng. Sau đó là một lỗ tròn xoe ở tim, ở dưới bụng cũng có một lỗ, xuống tí nữa thì thấy một cảnh bao con người phải ngất: Chân trái ông bị mất hẳn cái đầu gối, chỉ còn dính ít da ở phía sau. Các con gái ông đã ngã ra và bất tỉnh. Người dân thì la hét xót xa. Phần còn lại là đầu có một lỗ ở ngay thái dương. Phía sau đầu cũng là vết mổ xẻ đã được khâu vá.

Con gái ông khóc: “Ông Trọng ơi, ông mang con bỏ chợ, ông hô hào toàn dân chống tham nhũng, bố tôi và anh em tôi nghe lời ông chống tham nhũng mà ông để gia đình tôi chết oan uổng thế này đây”.

Ngoài cụ Lê Đình Kình bị Đảng phanh thây, đòn thù còn giáng lên đầu những người bị bắt. Cơ quan Điều tra Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 22 bị can với các tội danh “giết người và chống người thi hành công vụ”. Với tội danh này có thể hiểu là Đảng sẽ tử hình một số người nữa.

II. Truyền thống dối trá của Đảng Cộng sản

Trong trận đánh vào Đồng Tâm đêm 9/1, Nhà nước đã bưng bít thông tin, cắt internet, cắt điện thoại và ngay cả báo chí của Nhà nước cũng không được tiếp cận. Duy nhất chỉ có Bộ Công an được truyền tin. Có thể do việc làm ám muội, kịch bản soạn không kỹ, nên sự việc xảy ra ở chiến trường đã không khớp với kịch bản, tin tức đã hỗn loạn. Tin hôm trước khác tin hôm sau. Nơi này nói khác nơi kia. Nhưng từ những sự biến đổi này, có thể cho chúng ta thấy sự dối trá của Đảng và do suy luận có thể thấy được mục đích Đảng làm.

1. Về mục đích tấn công Đồng Tâm:

Qua phần trên, chúng ta thấy là Đảng đem đại quân đánh úp Đồng Tâm là để tiêu diệt nhóm Đồng Thuận, hủy diệt tinh thần giữ đất của dân Đồng Tâm để cướp 59 ha đất Đồng Sênh. Nhưng Đảng đánh tráo mục đích này thành mục đích tiêu diệt nhóm khủng bố, người đứng đầu là cụ Lê Đình Kình. Khi vu khống nhóm Đồng Thuận, đấu tranh ôn hòa chống tham nhũng, thành tổ chức khủng bố Đảng nhằm 2 mục đích:

- Thứ nhất, với dân là để khủng bố dân. Từ nay người dân nào dám giữ đất sẽ có tội danh mới là tội khủng bố. Với tội đó thì phải chết hoặc đi tù.

- Thứ nhì, với quốc tế, nhân danh tiêu diệt khủng bố, Đảng sẽ hóa giải được tất cả những lời kết án của những tổ chức nhân quyền và những chính quyền dân chủ trên thế giới. Vì thế, số tiền hơn nửa tỷ đồng dân gửi phúng điếu cụ Kình trên tài khoản của chị Nguyễn Thúy Hạnh đã bị Bộ Công an phong tỏa vu khống là tiền yểm trợ khủng bố.

2. Về cái chết của 3 chiến sĩ công an:

Cho đến nay chắc không ai hiểu được cái chết của 3 chiến sĩ công an, vì chỉ có một nguồn tin từ Bộ Công an và ông Thứ trưởng Bộ Công an đã dẫn ta vào mê cung của 3 cái chết này:

- Khởi đầu theo thông báo của Bộ Công an, ngày 9/1 thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự xây dựng tường bảo vệ sân bay Miếu Môn trên địa bàn xã Đồng Tâm, một số đối tượng chống đối đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, tuýp sắt gắn dao nhọn tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ. Trong quá trình truy bắt, khống chế và bắt giữ nhóm chống đối đặc biệt nguy hiểm nêu trên, 3 cán bộ, chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh, một đối tượng chống đối bị chết và 1 đối tượng bị thương.

Ba chiến sĩ công an gồm:

- Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động.

- Đại úy Phạm Công Huy, cán bộ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 3, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy, Công an Hà Nội.

- Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, Tiểu Đội trưởng, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động.

Nhưng trước những sự việc vô lý dân mạng nêu lên như: Tại sao lại xây tường trong đêm và một đối tượng bị chết - ám chỉ cụ Lê Đình Kình, một ông già đã bị công an đạp gẫy xương đùi thành tàn tật phải ngồi xe lăn, làm sao có thể ngồi xe lăn ra chỗ xây tường cách nhà 3 cây số để tấn công lực lượng làm nhiệm vụ xây tường?

Vì thế, ngày hôm sau, Tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an, họp báo nói khác là lực lượng của công an vào Đồng Tâm để lập chốt an ninh ở cổng thôn Hoành nhằm bảo vệ công trình từ xa, và khi lực lượng đang triển khai các chốt thì bị các lực lượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng hàn tuýp sắt. Sau đó các đối tượng rút về nhà mấy ông Lê Đình Kình, Lê Đình Công ở gần đó, tiếp tục tấn công từ trong nhà ra, nên lực lượng chức năng triển khai phương án vây bắt. Trong khi truy đuổi các đối tượng chạy thì 3 cảnh sát ngã xuống giếng trời giữa hai nhà, sâu khoảng 4 mét và khi thấy cảnh sát ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng phóng hỏa. Đài truyền hình Việt Nam dẫn lời khai của ông Lê Đình Chức thì ông Chức đã chỉ đạo phóng lửa đốt các chiến sĩ bị rơi, nhưng ông Lương Tam Quang lại nói là do Lê Đình Doanh đổ xăng vào chậu đưa cho Lê Đình Chức đổ xuống hố châm lửa.

Nếu sự việc xẩy ra như ông Quang nói thì 4 người chết ở chiến trường xây tường là cụ Kình và 3 công an đã sống lại: Cụ Kình về nhà và sau đó chết lần thứ nhì, còn 3 chiến sĩ công an thì dự trận đuổi các đối tượng, rồi ngã xuống giếng, bị đốt ở thôn Hoành và bị chết lần thứ hai.

Tuy đưa cái chết của 3 chiến sĩ công an về thôn Hoành, nhưng ở đây càng vô lý. Vì theo FB Khánh Trâm Nguyễn Thị (đã dẫn trên) thì từ 2h45’ sáng lực lượng cảnh sát cơ động đã tràn ngập khắp làng phục sẵn, bao vây nhà ông Kình. Chúng bắn pháo, bắn hơi cay vào nhà mọi người. Không ai được ra khỏi ngõ, tiếng súng nổ khắp nơi. Tất cả các đường chính đến nhà ông Kình đều bị bao vây, nên mọi người không thể có thông tin từ gia đình ông.

Theo Tuấn Khanh trong bài “Tết ở Đồng Tâm, ngày tháng này” qua cuộc trò chuyện vào ngày giáp tết với anh Trịnh Bá Phương, người trực tiếp truyền tin những sự kiện về Đồng Tâm lúc này thì “Cái chết của ba nhân viên công an, chính quyền đổ cho người dân giết. Nhưng cả trong ngôn luận độc quyền của Nhà nước cũng bất nhất. Sự thật thì chỉ có họ biết, chứ dân Đồng Tâm không thể chống cự trong một bối cảnh đàn áp dữ dội và đầy hơi cay như sáng sớm 9/1/20. Lấy nhà cụ Kình làm trung tâm thì chung quanh rộng đến 300-400 m, không ai có thể chịu đựng nổi khói và lựu đạn cay, đặc biệt trẻ nhỏ. Nên hầu hết người lớn đều tìm cách đưa chúng ra ngoài. Nhiều người bị ngạt, bị ngất. Bản thân cụ Hiểu, bạn cụ Kình, cũng đã ngất trước khi bị bắt đi”.

Qua hai nguồn tin trên, chúng ta hiểu là nhà cụ Kình và 2 nhà con trai cụ đã bị cảnh sát cơ động bao vây từ 2h45’ đêm. Như thế không có việc lập chốt, không có việc nhóm đối tượng tấn công chốt, nên không có việc 3 chiến sĩ công an đuổi theo nhóm đối tượng và bị ngã xuống giếng trời. Từ đó, chúng ta hiểu nhóm công an giải quyết đòn thù của Đảng đã tấn công phá nhà cụ Kình và nhà con trai cụ, xử tử cụ Kình, cướp tài sản cả ba nhà và bắt toàn gia cụ Kình. Còn cái chết của ba chiến sĩ công an mà ông Thứ trưởng Quang nói là ngã xuống giếng và bị Lê Đình Doanh đổ xăng vào chậu đưa cho Lê Đình Chức đổ xuống hố rồi châm lửa là chuyện vu cáo vô lý. Vì ngay cả có chuyện 3 chiến sĩ công an ngã xuống giếng thì Doanh và Chức cũng không thể xuất hiện làm việc đổ xăng châm lửa, vì cảnh sát đã bao vây 3 nhà vòng trong vòng ngoài từ 3 giờ sáng, Doanh và Chức làm cách nào ra khỏi nhà làm công việc giết người như dỡn chơi trước hàng trăm mũi súng của cảnh sát cơ động. Chúng ta không thể biết 3 chiến sĩ công an đi giết dân tại sao chết và chết ở đâu, nhưng Đảng đã đổ tội cho dân Đồng Tâm giết và mượn ba cái chết ấy vu khống dân khủng bố và gần nhất là sẽ kết tội tử hình hai ông Chức và Doanh về tội giết người.

FB Lã Minh Luận trong bài “Tôi đã đến được Đồng Tâm” trên ethongluan.org/1/29/2020, cho biết ngày 4 tết đã tới được nhà cụ Kình thắp nhang cho cụ và hỏi người nhà ít tin tức. Về cái chết của 3 chiến sĩ công an, Lã Minh Luận hỏi cụ Thành: “Thế hôm ấy, mấy anh công an đã chết như thế nào, cụ và gia đình có biết không? Có phải mấy anh em nhà mình ném bom xăng xuống cái giếng trời làm họ bị chết cháy không?” Cụ Thành lại vật vã kêu giời ơi! Đúng lúc ấy, mấy người hàng xóm và hai người con gái của cụ Thành bước vào, mọi người đồng thanh đáp: “Cả làng không ai nhìn thấy, không ai biết họ chết thế nào, không ai biết họ chết lúc nào, sau này chỉ nghe công an nói… (mấy người quả quyết). Tôi hỏi tiếp: “Vậy vì sao mấy anh em, chú cháu lại nhận là ném bom xăng xuống giếng trời đốt cháy họ?” Cụ Thành và mấy người nói: “Cũng chả biết, chắc họ đánh đau quá, bắt phải nhận thôi, chứ thằng Uy vừa ló mặt ra sân thượng đã bị người ta bắn gãy tay, còn thả chó ra đuổi cắn… thì ai có thể chạy sang tận sân nhà bên để ném bom xăng?”

Như thế thì đã rõ là kịch bản phải có cảnh sát chết thảm để Đảng dấy căm thù lên nhóm Đồng Thuận Lê Đình Kình trên toàn quốc và đội cho nhóm này cái mũ khủng bố, nhưng thời gian mọi người sẽ nhận ra sự vô lý của 3 cái chết này và sẽ thấy đó là 3 cái chết không xác thực như một số bài nhận định đã đưa ra nhiều nghi vấn. Chẳng hạn như bài “Thảm kịch Lê Đình Kình”, nhà văn Phạm Đình Trọng đã viết:

“Vì sao các ông tướng công an chỉ huy trận đánh Đồng Tâm lại lúng túng, ấp úng, mơ màng, nói năng huyên thuyên về cái chết của ba công an, ba đồng đội của họ như vậy. Hai khả năng đặt ra:

Một. Cái chết của ba công an không có trong thực tế, chỉ có trong kịch bản của những người lên phương án tác chiến ở sở chỉ huy trận đánh. Trong trận đánh phải có cái chết của ít nhất ba công an để biện minh cho hành xử tàn bạo của công an, trong đêm xông vào nhà dân, bắn chết dân như bắn một kẻ có nợ máu. Nhưng tác giả kịch bản quá kém cỏi, kịch bản quá sơ hở. Ba cái chết cứ phải thay đổi để bịt những sơ hở đó mà bịt không nổi.

Ba cái chết được truy tặng huân chương cao nhất nhưng ngoài tên người, tên đơn vị thì thân nhân và gia đình người chết sơ sài không bình thường. Ba gia đình mang nỗi đau của ba cái chết phải là chủ thể trong đám tang. Nhưng trong đám tang, gia đình vô cùng mờ nhạt, không thấy nỗi đau, chỉ thấy hình thức thủ tục của một đám tang. Cả việc tặng huân chương, thăng quân hàm đầy báng bổ pháp luật, báng bổ giá trị cao quí của những tấm huân chương cũng được làm nhanh bất thường đến kinh ngạc…

Chỉ vài chục người dân họp mặt tưởng niệm ngày đau thương 19/1, ngày 17/2, ngày 14/3… lập tức có hàng trăm công an chìm nổi khống chế dân, giải tán cuộc họp mặt chính đáng của dân và hàng chục mật vụ cầm máy quay video dí sát vào mặt từng người dân ghi hình. Trong trận đánh lớn vào Đồng Tâm của hàng ngàn cảnh sát cơ động phải có hàng trăm ống kính video nghiệp vụ của công an có mặt ở mọi chỗ, với máy ghi hình cao cấp, ghi được hình trong mọi điều kiện ánh sáng, nhất là những điểm có xung đột, là đỉnh điểm bùng nổ như nhà cụ Kình.

Sở chỉ huy trận đánh rất cần hình ảnh, bằng chứng xác thực về cái chết của ba công an để biện minh cho trận tấn công vào dân tàn bạo của công an. Có tới ba cái chết quí giá đó thì đội ngũ ghi hình đông đảo của công an phải xô đến bấm máy ở mọi góc độ. Nhưng các tướng công an ở sở chỉ huy trận đánh đưa thông tin về ba cái chết mà không có nổi một tấm hình đủ sức thuyết phục, đủ sức chứng minh xác thực về cái chết của công an ở Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020. Có cái chết thực thì nơi ba công an ngã xuống không thể tùy tiện di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Cái chết đau lòng có thực đó phải được ghi lại bằng nhiều tấm ảnh xúc động và đầy sức thuyết phục chứ không mơ hồ và giả tạo như hai ba tấm ảnh nghèo nàn do dư luận viên tung lên mạng.

Hai. Cái chết của ba công an chỉ là tai nạn xảy ra ngoài kịch bản… Kéo đại quân bất ngờ đánh vào một làng quê nhỏ bé, quyền chủ động hoàn toàn thuộc về công an khai chiến. Trong trận đánh, người dân bị khống chế, giam trong nhà, người dân chỉ tự vệ cũng bất lực. Công an hoàn toàn làm chủ tình thế, làm chủ diễn biến trận đánh mà có tới ba sĩ quan công an cấp tá, cấp úy nối nhau lao xuống “hố kỹ thuật” chết thì kỹ năng, nghiệp vụ của những sĩ quan công an đó quá tồi dẫn đến cái chết quá lãng nhách, không đáng.

Nhưng nhà nước công an trị cần biện minh cho chiến dịch bất minh, bất chính, tàn bạo đánh vào dân Đồng Tâm nên phải vội vã tôn vinh cái chết của ba con người công cụ cầm súng bắn vào dân trở thành “xả thân bảo vệ đất nước, bảo bệ Tổ quốc”.

III. Đến đám tang của cụ Lê Đình Kình

Đảng Cộng sản Việt Nam sợ cụ Kình với nhóm Đồng Thuận chống tham nhũng, nên đã phải sử dụng cả trung đoàn cảnh sát để giết cụ, nhưng khi cụ Kình chết rồi, Đảng vẫn sợ hình ảnh đám tang lọt ra ngoài, nên cảnh sát đã bao vây, ngăn người từ xa đến đưa đám và trong đám tang công an đã ngăn cấm điện thoại, chụp ảnh. Vì thế chúng ta không có được một bức ảnh của đám tang, chỉ biết qua lời kể lại của những người đi đưa đám. Cũng trong bài trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương của Tuấn Khanh, anh Phương cho biết: “Ở tang lễ cụ Lê Đình Kình, dự đoán là sẽ rất đông người đến dự, nên mọi người đã chuẩn bị khoảng 3000 khăn tang cho ai đến muốn để tang cụ Kình. Thế nhưng vẫn không đủ. Tổng kết vào cuối ngày thì có thể đến 4000- 5000 người đã tới để đưa cụ Kình về nơi an nghỉ cuối cùng. Tiền phúng điếu và hoa quả, hương đều không gặp chuyện gì cả. Rất nhiều người đã ghi ngoài phong bì phúng điếu là “Xin chia buồn cùng gia đình”, “Tiễn biệt lão anh hùng”, “Vĩnh biệt người đã đứng lên chống giặc nội xâm”… Nhưng mới tối hôm qua (1/22), trên truyền hình VTV đưa tin thì nói rằng nhân phúng điếu, đã có những sự kích động chống lại chính quyền, vì có những bao thư phúng điếu, khách ghi rằng: “Chia buồn vì cụ bị sát hại”, “Mong sự việc này sớm được làm sáng tỏ”. Truyền thông nhà nước và công an nói đó là ngôn ngữ khủng bố! Xin hãy nhìn vào đó mà suy, thì thấy rõ nhà cầm quyền không còn đạo đức, lương tâm và cả luật pháp. Họ dựng chuyện như vậy, vì giết cụ Kình đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của trong và ngoài nước, nên phải làm lớn chuyện để che đậy tội ác, rồi khóa tài khoản để quy chụp khủng bố, nhằm lừa bịp mọi người.

Trong bài: “Đám tang cụ Lê Đình Kình: Lời kể từ chiếc điện thoại (cục gạch)”. Đàn Chim Việt (13/1/20) đã viết: “Các nhà hoạt động xã hội hay facebookers có chút tiếng tăm đều bị canh giữ ngặt nghèo từ mấy ngày nay, khiến cho không ai có thể vượt qua sự canh gác để tới dự đám tang cụ Lê Đình Kình.

Cụ được chôn cất sáng nay, trong lúc các con và các cháu của cụ đều đang bị giam giữ. Hai người đưọc tạm tha để làm tang là bà Kình và cô con dâu.

Đám tang của cụ bị cảnh sát cơ động, cũng như đặc nhiệm chìm nổi bao vây kín. Sóng internet bị phá, điện thoại cầm tay đều không được phép sử dụng, không được quay phim, chụp hình. Chỉ giơ điện thoại lên là ngay lập tức cảnh sát sáp tới. Dưới đây là thông tin từ một người tham dự, một nguồn tin cậy, mô tả ra ngoài qua chiếc điện thoại cùi bắp, được ghi lại bởi Facebooker Hoàng Hà:

“Đau thương lắm, trong đám tang mọi người chỉ biết khóc nghẹn ngào…, đám tang cụ Kình đông lắm, dài lắm, cả đời chưa thấy đám tang nào đông như thế, dân xã Đồng Tâm và các xã bên cạnh Thượng Lâm, Phúc Lâm, cả bà con bên Chương Mỹ giáp Mỹ Đức cũng sang… bà con đưa tang đều đội khăn trắng, chỉ những người đến sau hết khăn mới không có thôi.

Có cụ già đội khăn trắng bên Thượng Lâm, lưng còng, bước đi quềnh quàng, vừa đi vừa khóc, thương lắm”.

Đám tang của cụ Lê Đình Kình thì thế, còn đám tang của 3 chiến sĩ công an thì trong bài “Cán bộ đóng vai (người thôn Hoành) viếng 3 công an trong vụ Đồng Tâm”, một FB đã ghi lại:

“Các báo nhà nước Việt Nam sáng 16 tháng giêng, 2020, đồng loạt tường thuật lễ tang, lễ truy điệu 3 công an trong vụ tấn công Đồng Tâm (9/1). Sự chú ý của công luận đổ dồn vào một nhóm người khoảng hơn chục, được báo Đảng ghi chú là người dân thôn Hoành. Trong ảnh hầu hết đám người này mặc áo xanh đồng phục của đoàn TNCS hoặc quần xanh đồng phục của công an.

Ông Trịnh Bá Tư, dân oan Dương Nội đăng lại ảnh “người dân thôn Hoành” và viết trên trang cá nhân: “Thực tế trong cái nhóm người này có 4 cán bộ xã Thượng Lâm, một xã giáp ranh với Đồng Tâm. Đây là tên, chức vụ của 4 tên hình nhân giả dạng người dân thôn Hoành:

- Nguyễn Văn Bình, mặc áo vàng là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh.

- Trịnh Xuân Hiến là Trưởng công an xã.

- Nguyễn Mạnh Hướng là Phó Công an xã.

-Trịnh Văn Tân là Bí thư Đoàn xã.

Đây là tin người dân Đồng Tâm gửi cho chúng tôi”.

IV. Phản ứng trước đòn thù của Đảng

Sau khi chiếm miền Bắc năm 1954, Đảng Cộng sản thực hiện Cải cách ruộng đất, gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất. Trong đó có nhiều mục đích, nhưng mục đích cuối cùng là để kích thích tinh thần đấu tranh giai cấp và dấy lên sự sợ hãi, khiếp đảm trong tâm trí người nông dân.

Sự khủng bố bắt người này, bắn người kia với những phiên tòa được định sẵn. Phần lớn là tử hình với nhiều kiểu hành quyết như bắn tại chỗ (huyệt được đào sẵn trước bãi tòa án), tội nhân bị trói nhốt vào giỏ như lợn, rồi đem ra sông hoặc ao đầm dìm cho chết, hoặc trói trên một ổ kiến cho kiến đốt chết, hoặc chôn sống… như cha mẹ vợ của nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu tím hoa sim, đã bị chôn sống để thò đầu lên khỏi mặt đất, rồi cho trâu bừa đi bừa lại nhiều lần cho tới chết.

Chính sách khủng bố dã man này đã tạo nên một bầu khí đe dọa toàn làng xã như Tô Hoài mô tả trong tác phẩm Ba người khác (2009):

“Đường làng vắng hẳn, người nào bần cùng lắm mới ra đường, đi len lét, không ai dám đến nhà ai. Gặp anh Đội (Đội cải cách) người già lùi vào bờ rào, ngoảnh mặt ra cúi đầu chắp tay vái”. Rồi Đảng sáng tác câu: ‘ơn Bác, ơn Đảng, ơn Nhà nước’. Và từ đó, câu này trở thành câu nhật tụng của nông dân Việt Nam cho đến năm 1975. Chính sách tàn bạo bắt dân giết nhau hơn súc vật như thế mà cả miền Bắc, duy nhất chỉ có một người dám lên tiếng phê phán Đảng là luật sư Nguyễn Mạnh Tường, thì chúng ta thấy chính sách khủng bố của Đảng đã có tác dụng ghê gớm như thế nào.

Chúng tôi nhắc lại sự việc này để nhận định là chính sách khủng bố của Đảng đối với cụ Lê Đình Kình và nhóm Đồng Thuận không còn mấy tác dụng, vì ngày nay Đảng đã vỡ, đã đi ăn xin tứ xứ tư bản, không còn thần thánh như ở miền Bắc trước năm 1975. Bây giờ dân khinh thường quan chức, cán bộ của Đảng và đã cào bằng họ là bọn ăn không trừ một cái gì của dân. Vì thế sự khủng bố dã man của Đảng lập tức đã bị trí thức và dân lên án với những lời không còn lời gì có thể nói hơn. Đó là sự tận cùng của ngôn ngữ của dân lên án về sự khốn kiếp của Đảng có tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì là cả một biển lời phẫn nộ lên án về sự khốn kiếp của những tên lãnh đạo Đảng Cộng sản, nên chúng tôi chỉ ghi lại một số lời tiêu biểu:

1. Học giả Hà Sĩ Phu đã lên tiếng bằng 4 câu đối. Ở đây chúng tôi chọn câu số 3:

“Mấy câu đối dâng tiễn người áo vải Lê Đình Kình:

- Đem đại binh chống một ông già, lo sợ quá bởi lòng không đại nghĩa - Dựng tiểu tiết như bày con nít, mưu mô thừa vì chí chẳng công minh”.

2. Lời mào đầu của trang mạng Bauxite Việt Nam cho bài “Những câu hỏi cho Trung tướng Quang” - Lưu Trọng Văn - BVN 15/1/20.

“Cái chết đau thương của cụ Lê Đình Kình khiến những ai có trái tim đều phải nghẹn lời. Nhưng những câu trả lời lấp liếm hết thay đổi lại xê dịch đến ba bốn lần mà vẫn cứ ngập ngọng của các ngài quan chức an ninh từ bấy đến nay về “trận đánh đẹp ở Đồng Tâm” mà Bộ Công an trực tiếp chỉ huy vào 4 giờ sáng ngày 9/1/2020, lại khiến những ai có chút đầu óc đều phải bật cười không thành tiếng.

Thật không oan nếu nói bộ hạ của ông Tô Lâm đã ăn cướp và giết người không xuôi. Trong trường hợp này có lẽ các ông nên đi học thêm pháp thuật ở vùng đất Ba Tư nổi tiếng có nhiều vị thần ngày xưa để trở về chỉ cần hô “biến” một tiếng là mảnh đất Đồng Sênh nằm gọn trong tay các ông, khỏi phải giở đến những ngón mà người Việt trước nay chỉ thấy ở những phường hạ đẳng và đã định danh các ngón đó thì không thể nói gì hơn là hai tiếng Bẩn thỉu và Man rợ. Muốn nói gì lương tâm cũng không cho phép mình nói khác, thưa các ông”.

3. FB Trịnh Bá Tư:

“Nhà cụ Kình bị phá tan hoang để cướp đi các tài liệu chứng minh 59 ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của nhân dân Đồng Tâm. Chúng giết cụ Kình ở phòng ngủ, vậy mà chúng vu khống cụ chết khi cụ gây rối ở Đồng Sênh cách nhà cụ 3 km. Giết hại một dân thường 84 tuổi, lại là một đảng viên cộng sản lão thành ngay trong phòng ngủ rồi vu khống nạn nhân là khủng bố, là chống đối, là giết người. Bỉ ổi, hèn hạ nào hơn?”

4. Nhà văn Nguyễn Quang Lập:

“Đốt lò để lấy lại niềm tin của dân, rồi lấy nước mắt hờn căm của dân dội cho tắt cái lò đáng nể ấy. Lú hay minh?”

5. Thư của các cựu đảng viên lão thành ở Sài Gòn: Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu và Tương lai:

“Năm hết Tết đến, theo truyền thống đạo lý cổ truyền của dân tộc, chỉ nói chuyện vui, chúc điều tốt lành. Nhưng chúng tôi không thể làm vậy, vì giáp tết cổ truyền, máu của cụ lão nông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 58 tuổi Đảng đã chảy dưới họng súng oan nghiệt, bắn vỡ đầu gối, vỡ tim, vỡ óc, rồi bị đem đi rạch bụng mới trả xác về cho vợ con khâm liệm và đem đi chôn như những gì đã bày ra rõ ràng trước mắt mọi người. Dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã chít khăn tang đưa cụ lão nông từng được họ kính trọng và tôn quý về nơi an nghỉ cuối cùng. Những hình ảnh ấy đang được phơi ra trước mắt nhân dân trong nước và công luận trên thế giới qua rất nhiều hãng truyền thông lớn của nước ngoài, đã làm chấn động nhân tâm.

Một hành động dã man ngoài sức tưởng tượng diễn ra lúc 4 giờ sáng, khi cụ lão nông ấy đang nằm trên giường, để rồi ông Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng lập tức ký sắc lệnh trao huân chương chiến công hạng nhất cho những người cầm súng bắn vào dân. Đạo lý nào dẫn dắt cho một hành động trời không dung, đất không tha như vậy thưa ông Chủ tịch Nước, bà Chủ tịch Quốc hội, ông Thủ tướng Chính phủ?”

6. FB Trần Đình Thu:

“Sau khi cụ Kình bị giết, nhân dân góp tiền phúng điếu đám tang, được hơn nửa tỷ đồng, gửi về tài khoản của chị Nguyễn Thúy Hạnh, đã bị Bộ Công an phong tỏa tài khoản với lý do “Tài trợ khủng bố”. Tiền phúng điếu mà xếp vào tài trợ khủng bố, các ông đã đạt đến tận cùng của sự man di, mọi rợ”.

7. Bản tin Người Việt: “Người dân quyên góp hơn $32.000 giúp các nạn nhân Đồng Tâm”:

“Chỉ 2 ngày sau khi có lời kêu gọi từ nhóm “Hành Động Vì Đồng Tâm”, người Việt khắp nơi đã đóng góp hơn $32.000 giúp các nạn nhân bị CSVN đàn áp tại xã Đồng Tâm.

Lời kêu gọi của nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm đưa ra sau khi bà Nguyễn Thúy Hạnh loan báo tài khoản của bà tại ngân hàng Vietcombank bị phong tỏa ngày 17/1/2020 theo lệnh của công an CSVN với số tiền hơn 528 triệu đồng (khoảng $22.800) mà bà đứng ra nhận tiền phúng điếu, yểm trợ dân Đồng Tâm, rồi chuyển lại cho gia đình nạn nhân. Bộ Công an CSVN đã xác nhận phong tỏa tài khoản của bà Thúy Hạnh, lấy cớ số tiền có dấu hiệu “Tài trợ khủng bố”.

Nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm gồm 5 phụ nữ quen thuộc với phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam gồm Phạm Đoan Trang, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Quỳnh Vi và Phạm Thanh Nghiên, đứng ra lập tài khoản trên trang gây quỹ trên mạng GoFundMe, từ ngày 18/1/20, và còn tiếp tục nhận đóng góp trực tiếp.

Lời kêu gọi đóng góp trên trang gây quỹ GoFundMe thúc dục “Hãy chung tay giúp đỡ gia đình cụ Lê Đình Kình và bà con Đồng Tâm để chính quyền công an trị hiểu rằng họ không thể mãi dối trời lừa dân, ngậm máu phun người. Công lý phải được thực thi và nhân quyền phải được bảo vệ trên mảnh đất Việt Nam này”.

Trong vụ Đồng Tấm, viêc cộng đồng mạng hưởng ứng lời kêu gọi của một nhóm nhỏ nhà hoạt động cũng cho thấy lòng dân đang hướng về những thân phận bị trấn áp ở Đồng Tâm và không còn ai tin vào những luận điệu mà truyền hình quốc gia cũng như các báo nhà nước đang “định hướng dư luận”. Hành động góp tiền cho dân Đồng Tâm cũng được ghi nhận tương phản với hình ảnh nhà cầm quyền bố trí hàng trăm công an đóng giả người dân đứng dọc hai bên đường tiễn đưa linh cữu ba công an “hy sinh vì té giếng” trong vụ tấn công.

Sau khi khoản tiền bị Bộ Công an CSVN ra lệnh cho ngân hàng Vietcombank phong toả với cáo buộc “tài trợ khủng bố”, cộng đồng mạng lập tức lại đóng góp vào quỹ “Giúp dân Đồng Tâm” trên trang GoFundMe, tính đến sáng 23 tháng giêng đã nhận được $38.161, gần như cứ 10 phút, số tiền người Việt khắp nơi gửi về qua quỹ này lại tăng thêm khoảng $100.

GoFundMe được cho là nền tảng gây qũy nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền CSVN, dù họ đã chặn truy cập trang này từ Việt Nam.

Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, một trong những người gây quỹ nêu lên, lý giải trên trang cá nhân: “Tôi nghĩ mình không cần nói nhiều về chuyện thấy gì qua số tiền ủng hộ gửi về lớn đến thế trong khoảng thời gian ngắn như thế, vì đây là câu trả lời quá xác đáng cho câu hỏi: Lòng dân ở đâu?, có tuân theo chỉ đạo định hướng của Đảng và Nhà nước không?

Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định trên trang facebook của ông rằng khoản tiền đóng góp của cộng đồng cho thấy bộ máy tuyên truyền dùng hết công suất cũng không thể lừa dối, đe dọa được hết mọi người dân và lòng thương xót, cảm thông về Đồng Tâm”.

8. Trong bài “Tết ở Đồng Tâm, ngày tháng này - Tuấn Khanh:

Qua cuộc nói chuyện vào ngày giáp tết với anh Trịnh Bá Phương, người trực tiếp truyền tải những sự kiện về Đồng Tâm, Tuấn Khanh đã ghi lại:

“Báo chí nhà nước nói Đồng Tâm bình yên, người dân vui mừng… thì chỉ là tuyên truyền. Giờ này, Đồng Tâm vẫn dày đặc an ninh, mật vụ dòm ngó và hành động với bất cứ ai bên ngoài bước vào đó để tìm hiểu.

Còn cái chết của ba nhân viên, chính quyền đổ cho người dân giết. Nhưng cả trong ngôn luận độc quyền của nhà nước cũng bất nhất. Vì vậy, người dân Đồng Tâm và dư luận nói chung đang rất cần một phái đoàn điều tra độc lập để trả lại sự thật cho sự thảm sát này.

Công an làm việc luôn có quay phim. Cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm chắc chắn có flycam với máy quay hồng ngoại tuyến để ghi lại sự kiện, tìm người, tìm chứng cứ để rêu rao rằng dân Đồng Tâm đã đối đầu như thế nào, để lợi dụng tuyên truyền sề sau. Thế nhưng cho đến giờ này, họ vẫn không tìm ra được một dấu hiệu hay bất cứ hình ảnh nào cho thấy người dân phản kháng để tuyên truyền chống lại cụ Kình và người dân Đồng Tâm.

Mỗi ngày người dân lại càng chứng kiến rõ thêm tội ác của họ đối với cụ Kình, với người dân Đồng Tâm. Mọi thứ đang phơi bày sự dối trá của họ ở mọi chiều hướng, họ đang hốt hoảng và chủ động đe dọa, canh giữ nhiều người lên tiếng, đặc biệt nhấn mạnh sẽ bắt Trịnh Bá Phương.

Vì tôi (Trịnh Bá Phương) nghe tiếng khóc của những bà mẹ, những đứa trẻ, chứng kiến những cảnh tang thương. Tôi thấy mình không thể im lặng dù biết phía trước rất hiểm nguy. Tôi chấp nhận tất cả những gì xảy đến với mình, chỉ mong đưa mọi thứ ra ánh sáng công lý, trước toàn thể dân Việt Nam, trả lại công bằng và sự thật cho những người dân Đồng Tâm đang chịu oan ức”. (ethongluan.org/1/23/2020).

9. FB Nguyễn Tiến Trung 9/1/2020:

“Facebook của Dương Đức Hoàng Quân, sinh năm 1992. Quân chết trong sự kiện nhà cầm quyền tấn công vào xã Đồng Tâm. Tôi bùi ngùi cho em và cho bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác. Tại sao đến giờ này người Việt vẫn phải giết nhau để thỏa mãn lòng tham của một thiểu số cai trị?

Status cuối cùng của Quân đề ngày 11/6/2018 “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc không đáng sợ. Nhưng đáng sợ là máu đổ chính vì người dân mình”.

Có lẽ ngay từ năm 2018 Quân đã nhận ra được sự dối trá của nhà cầm quyền khi em thấy rằng máu em sẽ đổ vì chính người dân mình. Có lẽ em đã thấy lạ lùng khi em đi lính, nhưng suốt ngày nghe chính uỷ, chính trị viên dặn dò phải sẵn sàng bắn dân theo lệnh của những nhà cai trị Cộng sản. Chính câu nói cuối cùng này làm tôi thấy cảm thương cho em và cho cả dân tộc này vô hạn. Thế hệ thanh niên sinh ra ở miền Bắc trước kia cũng bị chế độ Cộng sản tuyên truyền nhồi sọ và bắt đi lính để “giải phóng miền Nam”. Máu của họ cũng đã đổ để giết những người anh em miền Nam.

Chế độ Cộng sản đã mang nợ quá nhiều với dân tộc này. Chúng nghĩ rằng đàn áp một cách tàn bạo sẽ làm cho dân sợ”.

10. Trong bài “Những ngày Tết Canh Tý thật ảm đạm”, Lã Minh Luận đã ghi lại những dòng tâm tư của GS Tương Lai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, viết tưởng niệm cụ Lê Đình Kình. Ở đây xin ghi lại vài đoạn:

“Đôi dòng tưởng niệm cụ Lê Đình Kình: Khí Thiêng Khi Đã Về Thần:

Oái oăn thay, phát đạn mà tôi quyết bắn thẳng vào kẻ thù thì 70 năm sau, người ta dùng để bắn vào một đảng viên với 58 tuổi Đảng, 84 tuổi đời, từng trăn trở và làm việc hết mình vì mảnh đất quê hương ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội: Trái tim của cả nước!…

Ấy vậy rồi cái huân chương chiến công hạng nhất người ta vội vã truy tặng cho người vừa cầm súng bắn vào dân Thôn Hoành, bắn vào cụ Kình nát óc, vỡ tim mà tôi e rằng cũng gần với Huân chương Độc lập anh tôi từng được truy tặng, nay đang đặt trên bàn thờ. Trong nỗi đau thầm kín, tôi không thể không chua xót mà nghĩ rằng, tấm huân chương cao quý ghi nhận sự hy sinh cao cả cho lí tưởng cao đẹp của anh em chúng tôi vừa bị vấy bẩn. Đã bị vấy bẩn thì phải chăng không nên giữ nữa?

Nghĩ về hai tấm huân chương đã được trao, huân chương chiến công hạng nhất hôm nay và tấm huân chương lao động hạng nhất nằm yên trong gậm tủ của tôi, thì nay có lẽ nên đốt đi. Phải vùi quên cái biểu tượng đã bị ô uế bởi những “chiến công” của những phát súng bắn vào tim lão nông Lê Đình Kình! Trong mênh mông suy ngẫm, tôi sẽ có lỗi với cụ lão nông ấy, người “đồng tuế” với mình, nếu vẫn giữ lại tấm huân chương!

Tôi không sao dứt ra được mối liên tưởng về những cái gọi là huân chương về “chiến công” đã vấy máu bởi những toan tính bẩn thỉu vô lương mà người ta truy tặng cho những người xấu số. Ngồi cạnh tôi, bằng sự trải nghiệm của một người từng cầm súng xông pha chiến trận, Thiếu tướng Lê Mã Lương rành rọt phân tích những lập luận ngớ ngẩn và dại dột của một quan chức về “sự hy sinh” và “chiến công” của những người vừa được ngài Chủ tịch Nước truy tặng huân chương. Chiến công ư? Tổ quốc ghi công ư? Công gì? Chưa lúc nào ngôn từ bị tàn phá dữ dội đến như thế…

Vậy là, đâu phải chỉ ô uế những tấm huân chương! Ô uế tiếng Việt mà còn là ô uế một lý tưởng cao cả, một sự nghiệp thiêng liêng mà bao người lầm tưởng… Làm sao tẩy sạch sự ô uế ấy. Lịch sử sẽ chép rất rành mạch, rõ ràng những chuyện cần gióng tiếng chuông đáng báo động ấy… Khí phách của lão nông Lê Đình Kình dày dạn tuổi đời, tuổi Đảng cũng từng lưu chảy trong huyết quản dòng máu Việt. Người ta đã quyết bắn vào khí phách ấy. Quay quắt hơn, xảo trá hơn, người ta đã hối hả truy tặng huân chương chiến công hạng nhất cho những người đã chết oan khi tự biến mình thành công cụ bạo lực để lót đường cho ai đó trong những toan tính bẩn thỉu và xoa dịu nỗi đau đầy oan khuất của thân nhân họ…

Cụ Kình - biểu tượng chói sáng của người nông dân từng đặt trên vai mình gánh nặng nhất trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước… Tiếc thương cụ nhưng chẳng nhẽ ngồi yên trước cái ác đang lộng hành. Lại một lần nữa, tôi nhớ đến câu thơ của Nazim Hikmet:

“Nếu tôi không cháy lên

Nếu anh không cháy lên,

Thì làm sao

Bóng tối

Có thể trở thành

Ánh sáng”

Tôi nghĩ rằng, cái chết của cụ Lê Đình Kình đã cháy lên ngọn lửa làm cho bóng tối trở thành ánh sáng”. (ethongluan.org/1/27/2020)

11. Trong bài Cái ác còn ngự trị, nhà văn Phạm Đình Trọng đã viết:

“Năm ngàn dân lành ở Huế bị những người Cộng sản xử bắn rồi vùi chung nấm mồ hồi Tết Mậu Thân 1968 đã là man rợ. Nhưng mức độ man rợ của sự kiện Đông Tâm tháng Tết Canh Tý còn khủng khiếp hơn. Trong đêm, giữa thời yên hàn, ba ngàn cảnh sát vũ trang rải quân vây kín nhà những người dân đang làm ăn lương thiện, chưa hề bị truy tố hình sự, chưa bị tòa án tuyên có tội. Không có lệnh khám nhà, bắt người, không cần có bản án tử hình, không cần pháp trường, trong đêm phá cửa, xông vào tận giường ngủ, dí súng sát tim, sát não cụ già 84 tuổi, nã đạn. Ba mươi người dân tay không bị đánh đến thương tích nặng rồi bị bắt đi mất tích đã hơn hai tuần không biết sống chết ra sao. Giết và bắt người rồi vơ vét của cải tiền bạc trong nhà dân mang đi. Mang xác cụ già đã bị bắn vỡ tim, nát óc đi phanh thây, rạch bụng cụ ra rồi mới trả xác về cho con cháu. Trong lịch sử loài người viết bằng máu chưa có sự kiện nào man rợ đến như vậy”. (Bauxite Việt Nam/27/1/20)

Nghĩ gì?

1. Từ sau ngày Đảng Cộng sản bỏ vô sản trở về tư sản, làm ăn với tư bản thì Người và Đất đã trở thành thảm kịch với máu và nước mắt trong trận chiến cướp đất của những ông quan tư sản chuyên chính. Trận chiến này đã diễn ra trên khắp nước với những trận chiến có tiếng lớn như Cống Rộc (Đoàn Văn Vươn), Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, Lộc Hưng, chùa Liên Trì (Thủ Thiêm) và chùa An Cư (Sơn Trà, Đà Nẵng)… và nay là Đồng Tâm. Bây giờ chẳng còn ông quan tư sản nào của Đảng Cộng sản còn tin vào duy vật Marx, Lenin, chẳng còn cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng cộng sản, chỉ còn độc tài tham ác với bạo lợi để làm giàu. Quyền đi với lợi và cái lợi phất nhanh nhất là Đất mà đất thì quan có nhiều quyền vì được làm chủ trên thứ bất động sản được gọi là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý thống nhất. Vì thế quan muốn chiếm chỗ nào thì chiếm. Nếu chỗ nào dân đông cả làng chống lại thì quan đem công an, cảnh sát, quân đội tới cưỡng chế. Từ đó mà đất trở thành máu và nước mắt của dân lành trong lịch sử của Đảng Cộng sản. Thảm kịch này sẽ còn tiếp diễn không biết tới bao giờ vì các lớp quan thay nhau làm ăn, quan cũ đi thì đến phiên quan mới.

2. Cái ác của Đảng đã ngự trị trên thảm kịch của người và đất. Từ đó chúng ta đã nghe được âm vang của những cái chết của dân, vì uất hận tự tử, bắn quan rồi tự sát…, nghe được âm vang của một phụ nữ thành Hồ trong khi nghe quan giải thích về việc cướp đất Thủ Thiêm đã cúi xuống tháo giày ném lên bàn chủ tọa, dùng chiếc giày trả lời cho đám quan tham ăn hại, và đến nay với thảm kịch Đồng Tâm thì cái ác đã tới chỗ cùng. Ác để dân sợ, nhưng ngày nay, cái ác của đám quan tham không còn đe dọa được ai. Càng ác thì sự phẫn nộ càng lớn và càng lan tỏa như lời của Milovan Djilas, lý thuyết gia Cộng sản Nam Tư, là “Đảng trôi trên biển căm thù của nhân dân”. Hình ảnh sống động ấy đã được biểu hiện rõ nét ở Việt Nam trước cái ác của Đảng trên xác cụ Lê Đình Kình với một biển phẫn nộ trên mạng của những vị trí thức, nhà văn già, trẻ và người dân lên án những ông lãnh đạo Đảng mà không cần phải dấu tên.

3. Năm, bảy năm trở lại đây, Đảng Cộng sản canh chừng, lên án mấy điều gọi là tự chuyển biến, tự chuyển hóa mà theo ông cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang thì Đảng sợ việc làm của cụ Lê Đình Kình và nhóm Đồng Thuận, vì coi đó là thứ hoạt động tự chuyển biến, tự chuyển hóa, nên đã phải dùng đại quân tiêu diệt cụ Kình. Từ việc này chúng ta thấy một điều lạ là cả chục năm nay, nhiều quan chức lớn của Đảng đã chuyển hóa, chuyển biến làm giàu với biệt điện, biệt phủ, của chìm của nổi, rồi mua nhà ở mấy nước tư bản Anh, Pháp, Úc, Canada và nhất là Mỹ cho con cái qua mấy nước này du học rồi tìm cách ở lại. (Ở California và Houston, Texas, có những khu vực của những người giàu và gia đình quan chức cộng sản Việt Nam). Như thế là họ sợ hệ thống xã hội họ tạo ra, nên cho gia đình đi tỵ nạn ở mấy nước tư bản. Nhưng quyết dùng cái ác để duy trì chế độ chính trị gọi là xã hội chủ nghĩa mà gia đình họ muốn xa lánh. Như vậy phải hiểu thế nào? Có thể trả lời là họ đã tự chuyển biến, chuyển hóa và họ có quyền để làm chuyện này đối với cá nhân, và gia đình họ, nhưng tuyệt đối cấm đảng viên thường và người dân có hành động hướng về mấy thứ chuyển biến, chuyển hóa có hại cho quyền tuyệt đối của họ. Họ không có lương tri, sáng suốt mở đường cho nước cho dân đi vào thế giới dân chủ để tạo dựng một nền chính trị quân bình cho nước thịnh trị, cho dân an cư lạc nghiệp. Vì thế họ đã dìm dân và nước vào cái thứ chính trị tham ác và ích kỷ cho riêng họ. Dùng ác đến cùng để duy trì chế độ, Đảng Cộng sản đã tới chỗ cùng của lãnh đạo. Chế độ chính trị tham ác và ích kỷ ấy sẽ được trả lời bằng sức mạnh của nhân dân khi chế độ đụng phải khủng hoảng và dân hội đủ cơ hội để đứng lên theo nhau xuống đường hàng triệu người ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ… Đó là giải pháp cuối cùng để dân có thể hủy diệt Ác Đảng, giải phóng cho mình và cho cả đảng viên cộng sản. Đảng sống bằng cái ác thì chết cũng do cái ác.

Tới đây người viết chợt nhớ lại mấy câu thơ của nhà thơ lớn Quang Dũng mà ông đã bật ra khi ngồi sửa xe đạp kiếm sống dưới gốc cây cổ thụ trên hè đường Hà Nội:

Chót vót cây cao hồ dễ yên

Sông sâu hồ dễ đã êm đềm

Cây cao chờ đợi giờ giông tố

Sông đợi mùa dâng nước sóng nghiêng.

Biết đâu đây chẳng là cảm hứng tiên tri về vận mệnh của Đảng Cộng sản với dân Việt của nhà thơ đã bị Đảng đày đọa một đời chỉ vì mấy câu thơ Tây Tiến:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Đảng sẽ chết còn mấy vần thơ Tây Tiến thì đi vào văn hóa Việt đời đời.

V.D.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn