Trung Quốc và dải lụa ‘Con đường’ quấn quanh Việt Nam

Hoàng Hoành Sơn

Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

IMF đã cập nhật dự báo kinh tế: Mức sụt giảm GDP thực bình quân đối với các nền kinh tế phát triển là 8%, trong khi đối với các nước đang phát triển, con số này là 3%. Hồi tháng Tư, quỹ này nói nền kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 3% trong năm 2020 và cảnh báo suy thoái sâu hơn nếu đại dịch Covid-19 không biến mất trong nửa cuối năm (1). Quả thật là một bức tranh kinh tế toàn cảnh ảm đạm cho nền kinh tế thế giới.

Thế còn hiện trạng kinh tế Việt Nam (VN) giữa cơn khủng khoảng mùa đại dịch Vũ Hán ra sao?

Tình hình chung là ngoài những khoản vay còn chưa trả hết, chính phủ Việt Nam vẫn đang lên kế hoạch vay thêm 700.000 tỷ đồng trả nợ trong vòng 3 năm. Mức vay có tháng lên tới 40.000 tỷ đồng (2).

Bên cạnh việc lâm vào nợ nần, CSVN Việt Nam còn phải đối phó với vô số khó khăn về mất quyền lợi hải sản, dầu khí ở Biển Đông, rơi vào bẫy nợ hoặc các công trình nước ngoài đội vốn bủa vây tứ bề. Các bẫy nợ này được kẻ cho vay nối kết với nhau cách khéo léo, tựa dải lụa mịn màng quấn quanh khiến Việt Nam không thể vùng thoát. Đó chính là “Con đường Tơ lụa”, mà bạn 16 vàng 4 tốt Trung Quốc (TQ) đã phủ lên khắp chữ S Việt Nam.

1. Con đường Tơ Lụa (BRI)

Là con đẻ của dự án Vành đai Con đường, nó giúp hiện thực hóa mộng bá quyền TQ. Từ việc mở rộng giao thương, nối kết việc luân chuyển hàng hóa một cách tự do ra khắp thế giới, cho đến những âm mưu nắm các vị trí chiến lược trên thế giới. Nên TQ đã vung tiền ra để các quốc gia kém phát triển, thiếu vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng rơi vào bẫy nợ TQ đặt ra, để rồi lấy đất công, cảng biển, biển đảo ra làm vật thế chấp, gán nợ.

Tính đến tháng 1/2020, đã có 2.951 dự án trong khuôn khổ BRI được triển khai hoặc lập kế hoạch trên toàn cầu, với trị giá lên tới 3.870 tỷ USD (3). Trong cái bánh lớn đó VN dĩ nhiên cũng có phần, vì trong hoàn cảnh hiện tại vốn không còn mấy tổ chức quốc tế hay ngân hàng nước khác muốn cho VN vay, trong khi TQ cho VN vay rất nhiều.

Báo VNeconomy của VN đã xác nhận: Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu (AIIB) không phải là định chế duy nhất của Trung Quốc cấp tài chính phát triển cho Việt Nam, các ngân hàng chính sách của nước này như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) cũng đã cung cấp vốn cho Việt Nam trong thời gian qua (4).

Dĩ nhiên, nguồn vốn cho vay thoải mái đến từ TQ không giúp cho VN phát triển thêm, mà trái lại, với một bộ máy nhà nước cồng kềnh, nặng tính cơ chế và thiếu minh bạch, các tệ nạn tham nhũng xuyên suốt mọi cơ cấu của CSVN từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Chúng tựa như đại dịch lây nhiễm khắp nơi, khiến cho nguồn tiền vay mượn chỉ có tư túi mà chẳng mang lại hiệu quả nào cho nền kinh tế quốc dân.

Thời gian đáo hạn liên tục chỉ khiến con nợ VN ngày càng lún sâu vào chiếc bẫy nợ TQ đã giăng sẵn. Hệ quả là sự im lặng đáng kinh ngạc, nhưng có thể hiểu được của chính quyền CSVN, trước những động thái xâm lấn và gây hấn của TQ. Chính là VN tự nguyện để TQ quấn dải lụa Con đường quanh thân mình tựa mummy, khởi đầu cho mưu đồ “mượn đường diệt Quắc” của TQ tại VN và trên khắp thế giới.

2. Đặc khu kinh tế

VN hiện có 18 khu kinh tế, trong đó có Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong được quy hoạch cho TQ thuê, thành đặc khu kinh tế với những chính sách ưu đãi đặc biệt (5). Chưa cần nói đến vận hành của 3 đặc khu này mang lại lợi ích kinh tế nào cho VN. Nhưng trước mặt, về vị trí địa lý chiến lược của cả 3 đặc khu trên, nếu cho TQ thuê dài hạn cả trăm năm, thì chúng tựa như những con đường rộng mở, thuận tiện cho TQ đàng hoàng đi thẳng vào VN nếu có chiến sự.

Chúng còn là những điểm tiếp vận và là cầu nối thay cho đại lục ra Hoàng Sa và Trường Sa ở ngay trên chính đất VN. Chỉ riêng khu kinh tế Vũng Áng ngang nhiên xả thải ra biển, đã mang lại lợi ích nhóm. Còn về mặt tàn hại môi trường, giết chết nguồn cá, các rặng san hô cũng như môi trường sống bấy lâu nay của người dân, thì ai cũng thấy rõ. Bô xít Tây Nguyên là một ví dụ điển hình hàng chục năm qua cho việc ngậm miệng ăn tiền của VN, bất kể đến môi trường chịu hủy hoại nghiêm trọng.

Thái độ đàn áp người dân yêu nước chống đối về Formosa cho thấy CSVN đã quay lưng lại với vận mệnh quốc gia, bỏ qua dân tộc mà quay mặt bắt tay giúp TQ trực tiếp phá hoại môi trường sống vốn là tài sản của các thế hệ tương lai. Âm thầm thông qua luật 3 đặc khu kinh tế này trong

mùa đại dịch cho thấy CSVN đã tự mình đưa cổ cho TQ quấn dải lụa chờ ngày siết lại.

3. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Chỉ vỏn vẹn có 13,1 km mà tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD). Trong đó: Vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD) (6).

Vay của TQ phải lấy nhà thầu của TQ cũng như tất cả mọi trang thiết bị vật tư, giám sát. Đây là hậu quả đớn đau cho 8 lần vỡ tiến độ, chưa biết bao giờ tuyến đường sắt này được vận hành.

Tuyến đường sắt trên cao này tựa như là một phép thử của TQ dành cho VN khi cần. Chả thế mà khi cần nắn gân VN ở biển Đông hay thúc giục mau hoàn thành luật đặc khu, nhà thầu TQ không ngần ngại đòi VN trả thêm 50 triệu đô để bàn giao Cát Linh Hà Đông, rồi sau đó lại bỏ qua cách khó hiểu. Báo Tuoitre.vn, ngày 16.06.2020, viết: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông không nhắc đến đề nghị thanh toán 50 triệu USD vì đã có sự “hiểu nhau”!

4. Lệnh cấm đánh bắt cá, cấm khai thác dầu trên Biển Đông

Ngày 1.5.2020. Tân Hoa xã đã đưa tin về luật cấm đánh bắt cá từ 1.5 đến 16.8 do chính quyền TQ đưa ra. Và nối bước chân muốn ra đi của ExxonMobile, mới đây Repsol đã nhượng lại cổ phần ba lô dầu khí vốn không hoạt động được trong những năm qua cho Petro Viet Nam do sức ép từ TQ. Như vậy, hai nguồn lợi tự nhiên của VN đã chẳng còn mang lại chút lợi nhuận nào cho VN, mà trái lại khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại khi đầu tư vào các mỏ dầu khí tại VN.

TQ đã đơn phương áp đặt luật lệ, buộc VN vào một thế ngặt nghèo khi nguồn hải sản từ biển Đông của VN nay không còn do VN làm chủ. Các mỏ Cá Voi Xanh và Cá Rồng Đỏ đến nay phải ngưng khai thác, Repsol buộc phải bán đi cổ phần của mình. Cách VN phản ứng yếu ớt ngày càng củng cố thêm cho luật cấm đánh bắt hay khai thác dầu khí mà TQ đưa ra. VN cũng lưỡng lự không dám kiện TQ ra tòa án trọng tài quốc tế cũng xác minh thêm cho sự lệ thuộc về nguồn vốn vay và các dự án TQ đang thực hiện tại VN.

5. Nguồn nước (MeKong). Đại hạn và ngập mặn miền Tây Việt Nam

Với hơn 60 triệu người sống dọc và dựa vào sông MeKong, những vựa lúa và khai thác thủy sản cũng như các nguồn lợi khác từ dòng sông này. Hiển nhiên, TQ đã vận dụng tối đa nguồn lợi từ nước để buộc Cam Bốt, Thailand và Việt Nam cam chịu những gì họ đề xuất, vốn không mấy ích lợi cho các nước hạ nguồn. Cứ thử tính những thiệt hại trước mắt về khô hạn và ngập mặn cũng đủ thấy được con “bài tẩy” TQ đang nắm.

Đó là chưa kể đến những đập thủy điện, mà nguy cơ xả lũ không báo trước của chúng cũng sẽ gây ra biết bao thảm họa dân sinh ở trung và hạ nguồn MeKong. Đây có thể nói là một cuộc chiến mà nước được đem ra như là thứ để áp lực, để buộc đối thủ phải ngậm miệng im tiếng. Hậu quả là người dân lãnh đủ bởi nguồn nước bị mất đi khiến nguồn lúa và thủy hải sản cũng bị mất theo.

Nói tắt một lời là VN tựa như xác ướp Ai Cập, cả thân thể bị quấn lụa bó như đòn chả không thể cục cựa. VN đã mất tất cả, từ lòng dân, lợi ích kinh tế và các chiến lược phòng thủ xa gần. Khi anh đã mời con hổ vào trong nhà, thì chỉ còn ngồi chờ nó xâu xé, cắn giết chứ không còn khả năng chống cự. Ai trong chúng ta dám hiểu đường lối của CSVN theo kiểu: leo lên lưng hổ để đặt mình tìm sống trong cái chết?

Dự mưu xâu xa và thâm độc của TQ xuyên suốt những năm tháng qua giờ càng lộ rõ sau mùa đại dịch Vũ Hán. Từ mặt trận Biển Đông với một số nước Đông Nam Á, cho đến eo biển Đài Loan, Senkaku của Nhật, đụng độ biên giới tại Doklam giữa Ấn - Trung, chiến dịch ngoại giao khẩu trang, ngoại giao chiến lang, hù dọa Úc châu, luật an ninh Hồng Kông, giam lỏng và diệt chủng tộc người Duy Ngô Nhĩ, thương chiến Mỹ Trung. TQ đang đẩy mạnh các mặt trận chống chọi cả thế giới, bất kể Mỹ, Anh hay Châu Âu, đang khi VN chơi vơi không biết về đâu trên bàn cờ thế cuộc.

(1) http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/imf-gdp-toan-cau-giam-xap-xi-5-nam-nay-324808.html

(2) https://vnexpress.net/viet-nam-phai-vay-700-000-ty-dong-tra-no-trong-3-nam-3931382.html

(3) https://baodautu.vn/covid-19-co-the-khai-tu-con-duong-to-lua-3800-ty-usd-cua-trung-quoc-d120651.html

(4) http://vneconomy.vn/thoi-su/vanh-dai-va-con-duong-co-hoi-nao-cua-viet-nam-20170519042535421.htm

(5) https://datvandon.net/18-dac-khu-kinh-te-cua-viet-nam/

(6) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/du-an-cat-linh-ha-dong-chua-ro-ngay-chay-tau-tong-thau-trung-quoc-can-gap-50-trieu-usd-644918.html

(6) Mỹ Hằng. BBC News Tiếng Việt, 22 tháng 5/2020

H.H.S.

Nguồn: hVOA tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn