Sinh viên báo chí đọc được gì từ sách của Đoan Trang

Với tôi, cuốn sách “Căn bản về truyền thông và báo chí” của Đoan Trang chính là giáo trình đại cương dành cho những người muốn học làm báo bằng tiếng Việt.

 An Duyên


Lời toà soạn: Vào mỗi thứ Ba, Luật Khoa mời độc giả cùng đọc sách và nhớ về nhà báo Phạm Đoan Trang – người bạn của chúng ta đang bị cầm tù. Bài viết này do một bạn đọc, là cựu sinh viên báo chí ở Việt Nam, gửi đến. Nếu như bạn cũng có nhã ý đóng góp bài viết, xin gửi cho chúng tôi tại đây.


Tôi là sinh viên tốt nghiệp từ trường báo chí tại Việt Nam. Nếu như sau tốt nghiệp mà đi làm báo, tôi sẽ được gọi một cách dân dã là sinh viên “trường nòi”. Nhưng, ghế giảng đường báo chí không đủ và đôi khi còn khiến đôi chân những sinh viên báo chí như tôi lạc bước khi tốt nghiệp.

Sau hai năm ra trường, bạn bè xung quanh tôi đã nhảy sang marketing, truyền thông và một số nghề không liên quan, như nhân viên bưu điện. Nếu khi đó chúng tôi có những nhà giáo mang thao thức về một nền báo chí như Đoan Trang thì có lẽ lứa 100 sinh viên ấy đã phiêu bạt khắp vùng trời để đi tìm lẽ đời qua sức mạnh con chữ.

Tôi thấy gì từ sách của Đoan Trang

Tôi đọc cuốn sách “Căn bản về truyền thông và báo chí” của Đoan Trang lúc là sinh năm thứ ba Đại học. Nếu cuốn sách này được đưa cho sinh viên ngâm cứu thì thời gian đại học của chúng tôi sẽ chỉ còn hai năm. À, hai tháng thôi!

Khác với giáo trình rất dày, nhiều lý thuyết có vẻ dịch word-by-word, cuốn của Đoan Trang viết có lối ngôn ngữ đơn giản, ví dụ thực tế.

Ai học báo tại Việt Nam cũng đều biết đến cuốn “Nhà báo hiện đại” do The Missouri Group biên soạn. Đó là một cuốn hướng dẫn thực hành cực kỳ chi tiết cho việc thực hành làm báo ở mọi thể loại. Tuy vậy, cuốn sách này lại “quá Mỹ” từ nội dung đến hình thức. Nhiều hướng dẫn về cách viết bài, đặt câu hỏi phóng vấn đều dựa trên ngôn ngữ Tiếng Anh, đối tượng là dân Mỹ và ở trong môi trường xã hội, chính trị là Mỹ.

Còn những cuốn giáo trình trên lớp mà tôi được học như “Cơ sở lý luận báo chí truyền thông” thì thực chất lại là nền tảng lý thuyết cho việc làm báo chí Cách mạng thời… mạng.

Nếu có chăm chỉ đi kiếm những cuốn giáo trình cho ký giả trước năm 1975 ở miền Nam, tôi cũng sẽ nhặt nhạnh được thật nhiều tri thức làm báo của một thời tư nhân ngắn ngủi. Tuy nhiên, ngôn ngữ của những cuốn sách này sẽ khiến thế hệ cuối 9X chúng tôi lúng túng và sẽ khó để thực hành trong thời chấm quẹt mạng xã hội.

Và với tôi, cuốn sách giáo trình đại cương cho những ai muốn học để làm báo, dù là ở “trường nòi” hay trường ngoài, sẽ là cuốn của Đoan Trang.

Nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới năm 2019. Ảnh: RSF.

Đoan Trang không học báo. Tôi nghĩ, chị cũng chưa từng học lý thuyết trên trường báo chí như bọn tôi bao giờ. Nhưng, Đoan Trang đã dành cả đời mình để làm báo. Vì thế mà sách chị viết là những kinh nghiệm thực tế nhất ở góc độ: nhà báo cần làm gì và độc giả thì muốn gì.

Đoan Trang trích dẫn rất nhiều lý thuyết, hướng dẫn từ nhiều giáo trình báo chí bằng tiếng Anh trên thế giới. Và tôi thấy Đoan Trang như là một người nhúm chữ nước ngoài, nhào nắn nó với kinh nghiệm rồi viết ra cho người làm báo Việt.

Trong sách, Đoan Trang luôn đặt câu hỏi cho người đọc mang tính thời sự. Như: “Cảnh sát giao thông từ chối nhận hối lộ 5 triệu đồng” (Duy Cảnh/ZingVN, 17/8/2014) đạt những giá trị nào của tin tức? Vì như Đoan Trang đã viết ở dẫn nhập, nghề báo rất ít lý thuyết và chỉ có thể học thông qua làm.

Tôi thấy gì từ con người Đoan Trang

Tôi chưa từng được gặp Đoan Trang và chưa từng được nghe ai kể về Đoan Trang. Tôi chỉ biết chị qua cuốn sách mà tôi gọi là báo chí đại cương. Với tôi, cuốn sách chỉ có bản pdf này là thứ mà tôi thấy có giá trị nhất trong thời sinh viên học báo và khiến tôi phải đọc lại nhiều lần.

Hồi sinh viên, khi tôi nói mình học báo, có chú hàng xóm đã nói trêu mà thật rằng: “Ố, thế là đi xin tiền doanh nghiệp giàu rồi!”. Tôi tự thấy mình chọn sai ngành vì thấy nó thật “mếu máo” khi bạn bè đi festival khoa hát vang: “Báo! Em là sinh viên Báo! Nói láo, nhưng em tự hào…”

Nó méo mó đến độ, người ta nghĩ học báo là năng nổ, giỏi quay clip và chỉnh photoshop. Nó dở hơi đến mức, nhiều đứa ra trường loay hoay xin việc và về làm content marketing (nội dung tiếp thị).

Đoan Trang cho tôi thấy một hình ảnh nhà báo khác. Đầu sách, chị viết, nghề báo không dành cho những ai muốn kiếm nhiều tiền; muốn cuộc sống bình yên, ổn định, ít va chạm; muốn có một công việc hết giờ là xong.

Và, chị đã đi qua hết những tính từ mà chính mình miêu tả về nghề báo. Nhưng tôi luôn nghĩ, không một nhà báo nào muốn gặp phải rủi ro cho dù họ đã lường trước. Không có một ai trong số nhà báo của Charlie Hebdo muốn mình bị giết vì thực hiện những giá trị về tự do ngôn luận. Không có Đoan Trang nào muốn chạy trốn ngay trên quê mình và bị tước đi quyền được sống tự do.

Rủi ro là điều mà những nhà báo đoan trang như Đoan Trang lường trước. Dù thế, chị vẫn đi tiếp những gì chị viết, làm những gì chị nói. Và, với tôi, đó là một bài học làm báo thực tế nhất mà tôi đọc được.

A.D.

 Nguồn: Luật Khoa tạp chí


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn